Thập giá vì sao?- Tác giả: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Lan Mary

 

THẬP GIÁ VÌ SAO? 

Ôi Chúa Giêsu! 
Nếu Ngài đã chẳng nghe bài học thai giáo 
Từ trong dạ mẹ: “Chúa hạ bệ cường quyền,
 Nâng cao hết thảy mọi kẻ khiêm nhường, 
Dẹp tan phường kiêu căng lòng trí!” (Lc 1,51-52)

 Nếu suốt bao năm trời thơ bé, 
Ngài đã chẳng thuộc lịch sử hào hùng: 
Giavê đánh Ai cập giải phóng dân,
 Cứu nòi Israen khỏi quân thù bạo ngược. 

Nếu tấm gương bao ngôn sứ Cựu Ước, 
Với những lời rực lửa cháy trên môi, 
Thái độ bất khuất, thách thức quyền đời, 
Chẳng sôi nhiệt huyết Ngài thời trai trẻ. 

Nếu Tuyên ngôn hội đường ngày nhập thế, 
Không chỉ loan Tin vui cho kẻ khó nghèo, 
Còn công bố: “Tha kẻ bị tù lao, 
Trả tự do cho người chịu áp bức!” (Lc 4,18-19) 

Nếu Hiến chương trên núi, Ngài chẳng cực lực 
Tuyên phúc cho những kẻ nghèo hèn,
 Ai vì công lý bị bách hại cáo gian; 
Xác nhận Nước Trời đứng về phía họ (Mt 5,4-11). 

Nếu Ngài chẳng lấy khiêm nhường phục vụ
 Làm bản chất việc cai quản nắm quyền:
“Ai muốn làm lớn giữa anh em, 
Phải tự biến mình thành kẻ tôi tớ” (Mt 20,24-27). 

Chẳng cho lẽ sống của người mục tử 
Là thí mạng vì tất cả đoàn chiên,
 Dám đương cự với sói dữ hung tàn, 
Cảm thông phận số của từng chiên một (x. Ga 10,1-18) 

Nếu nhận định về giáo quyền uy lực, 
Ngài đã không lên án thẳng thừng: 
“Bóc lột! Mù quáng! Gian ác! Giả hình!
 Mồ mả tô vôi! Trong ngoài mâu thuẫn!” (x. Mt 23,13-36) 

Nếu Ngài đã chẳng tỏ lòng công phẫn 
Biệt phái Kinh sư đem truyền thống người phàm 
Thay thế gạt bỏ lời Chúa giới răn, 
Coi luật trần đời đứng trên luật tôn giáo (x. Lc 7,8-13). 

Nếu khi dạy con đường hoàn hảo, 
Nẻo nên thánh cho môn đệ Nước Trời, 
“Hãy nên công chính”, Ngài chỉ nói vậy thôi, 
Đừng thêm: “...hơn các kinh sư và Biệt phái” (x. Mt 5,20).

 Nhắc đến giới ngự tòa Môsê giảng dạy, 
Nếu chỉ phán: “Điều họ nói anh em hãy làm”, 
Ngài không đế: “Nhưng chớ noi y chang 
Hành xử và lối sống phô trương của họ” (Mt 23,1-7). 

Nếu Ngài đã chẳng mạnh mẽ tuyên bố: 
Lề luật phải phục vụ cuộc sống con người,
 Giải phóng nó và đem lại niềm vui, 
Chứ chẳng được trở thành tròng áp bức (x. Mt 12,1-8; Mc 2,27).

 Nếu đừng khinh suất động đến quyền lực,
 Uy tín trước dân tình của giới kinh sư, 
Bằng cách phán: “Lề luật dạy người xưa 
Nay cần phải được Thầy hoàn thiện” (x. Mt 5,21-48)

 Nếu nòi Samari, dân tứ chiếng,
 Phường thu thuế, hạng đĩ điếm nghèo hèn 
Chẳng được Ngài đem làm bài học tấm gương
 Cho giới lãnh đạo quyền cao, chức trọng! (Lc 10,29-35; 18,9-14)

 Ôi Chúa Giêsu! 
Nếu Ngài đã chỉ hồi sinh, chữa bệnh, 
Hóa bánh ra nhiều cho đoàn lũ no nê, 
Mà chẳng bày tỏ thất vọng não nề: 
Dân tựa bầy chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36; Mc 6,34-56).

 Nếu chỉ làm bạn với hàng đạo đức, 
Giới quý cao, hạng thông thái bậc thầy, 
Ngài tránh lân la, ăn uống, bắt tay 
Với lũ cùng đinh lẫn phường tội lỗi (x. Mt 9,11; Lc 15,1-2). 

Nếu Ngài đã chẳng lên tiếng kêu gọi 
Làm môn sinh khối kẻ “có vấn đề”: 
Hạng thuyền chài ngư phủ thô lỗ u mê, 
Gã thu thuế, ả giang hồ, tên phản động (x. Mc 3,16-19). 

Nếu có nhiều phen chữa lành cứu sống, 
Ngài chẳng cắc cớ chọn ngày sabát thôi, 
Thách thức những quy định phi lý trói người, 
Khiêu khích giới luật sĩ chuyên rình rập (x. Mt 12,9-14; Lc 6,6-11). 

Nếu hạng bị xã hội coi thường trù dập: 
Ngoại kiều, phụ nữ, phong hủi, trẻ em,
 Ngài đã không bênh đỡ, nâng lên, 
Hết lòng ngợi ca, đặt làm gương mẫu (x. Mc 10,13-16; Lc 7,1-9). 

Nếu Ngài đừng phẫn nộ sôi máu, 
Động đến quyền lợi giới tư tế Đền thờ,
 Truy đuổi kẻ làm nơi thánh uế nhơ: 
Phường đổi bạc, dân bán buôn lễ phẩm (x. Ga 2,14-16; Mc 11,15-17). 

Nếu khi được Biệt phái mời yến ẩm, 
Ăn đầy miệng, Ngài bớt phê phán đi cho. 
Trước Hêrôđê đang hết sức tò mò, 
Ngài ra tay biểu diễn vài phép lạ (x. Lc 7,36-47; 23,8-11). 

Nếu biết người Do thái định ném đá,
 Bao phe phái âm mưu hãm hại mình,
 Thập giá đang đón chờ tại Gia-liêm,
 Ngài cứ miền Galilê mà trốn biệt (x. Ga 11,8; Lc 9,51). 

Nếu Ngài đã vùng lên tung lưỡi kiếm
 Khi bị Giuđa dồn đến bước đường cùng,
 Nghe kẻ thù thách thức mà bứt tung
 Đinh đóng bàn tay, xuống khỏi thập giá! (x. Ga 13,21-30; Mt 27,42)

 Ôi Chúa Giêsu! 
Nếu đã chẳng nói chẳng làm tất cả 
Những điều khinh suất, gai chướng kể trên, 
Cuộc đời Ngài đã thành đạt, dài êm, 
Có đâu cái kết cục rợn rùng khủng khiếp!

 Làm chi mà thành tử tội đáng chết, 
Chết đớn đau trong tủi nhục ngút ngàn, 
Giữa tuổi thanh xuân, nhựa sống dâng tràn.
 Mang tiếng xưng hùng, lộng ngôn phạm thượng! 

Không! Vì Ngài là Ngôn Sứ bất khoan nhượng 
Đến bày tỏ Thiên ý cho con người, 
Đòi hỏi ai nấy mọi lúc mọi nơi
 Phải được biết và sống trong sự thật. 

Ngài đã tung sứ điệp bình đẳng, 
Sứ điệp giải phóng, sứ điệp tự do: 
Với phẩm giá “con Trời” được ban cho 
Mọi người là anh em, chẳng có ai thống trị! 

Một lòng bênh lẽ phải, đòi công lý, 
Ngài không để sự thật bị hy sinh, 
Lặng câm im tiếng trước gian dối bất bằng, 
Dẫu đối mặt với địch thù tàn ác. 

Vì Ngài là Chứng Nhân kiệt xuất, 
Kiên trì và anh dũng của tình thương 
Quyết liệt mến yêu đến tận cùng đường, 
Dẫu phải trả giá bằng tử vong đau khổ. 

Tình mến thương Ngài đã chẳng bày tỏ 
Bằng vài cử chỉ âu yếm qua loa,
 Lặng lẽ xót xa, tặng một chút quà, 
Nhưng dấn thân, quên mình với lòng tha thiết.

 Ngài chống lại mọi áp bức, hủy diệt, 
Tha hóa giá trị, quyền lợi của con người. 
Lên án những cơ cấu tội lỗi chốn trần ai, 
Đương đầu bất bạo với gian quyền tà lực.

 Vì Ngài là Mục Tử dám liều chết, 
Không chạy trốn trước lũ sói bạo tàn, 
Chẳng tìm lý cớ để sống an thân, 
Mặc đàn chiên bị hành hung đàn áp. 

Ngài chẳng nói: “Sá gì một chiên lạc,
 Ta phải sống để lo cho cả bầy. 
Phải tổ chức, phải phát triển, phải dựng xây. 
Phải bảo toàn mọi cơ sở cơ cấu!” 

Vì Ngài là Tư Tế hiến dâng chính máu, 
Không phải máu chiên bò, nhưng máu bản thân.
 Không phải những thành quả được hoan nghênh, 
Nhưng là mạng sống sẵn sàng liều thí. 

Ngài chẳng ưu tư chuyện xây cho kỳ vĩ 
Nhiều ngôi thánh điện danh tiếng lưu tồn, 
Một băn khoăn đến các đền thờ tâm hồn 
Đang bị tàn phá bởi vô thần thế tục. 

Giêsu, Chúa của con ơi! 
Cuộc sống Ngài chẳng dạy con quy luật: 
Để yêu trọn hảo, phải hy sinh chính mình? 
Để mưu cầu tự do, cần chấp nhận lao lung? 
Để truyền sự sống, phải sẵn sàng liều chết? 

Để được tất cả, phải bằng lòng mất hết? 
Để đem niềm vui, phải chuốc lấy âu sầu?
 Để tạo hạnh phúc, cần lãnh chịu khổ đau? 
Phải sống chết như Chúa mới thành kitô hữu? 
Lm Phêrô Phan Văn Lợi