Các nhà nghiên cứu Công Giáo- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

(Các nhà nghiên cứu văn học Công giáo)

CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU CÔNG GIÁO

(Ghi nhanh)

Bùi Công Thuấn

***
Bài này chỉ là “ghi nhanh” giới thiệu sơ lược các nhà nghiên cứu Công giáo và những đề tài văn học Công giáo. Thông qua các đề tài, thử tìm hiều các khuynh hương nghiên cứu, những gì đã đạt được, từ đó nhìn về tương lai. Trong danh sách này cũng có nhà nghiên cứu không phải là người Công giáo, song họ hợp tác với nhà nghiên cứu Công giáo trong các công trình chung.

PHẦN I: CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU

Ghi nhận theo thứ tự năm sinh: có 26 nhà nghiên cứu (danh sách không đầy đủ).

1. Vũ Văn Kính (1919-2009)

Nhà nghiên cứu Hán – Nôm.

Vũ Văn Kính sinh ở thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Người đi tìm nguyên tác truyện Kiều

Năm 2000, cụ xuất bản Đại tự điển chữ Nôm với hơn 37.000 chữ Nôm và trên 7.000 âm, gần 1.600 trang, sách khổ 24x16cm.

Cụ đã phiên âm và dịch toàn bộ kho tàng chữ Nôm của Maiorica, gồm 8.000 trang (Theo Khổng Đức…)

Tác phẩm:Tự điểm Nôm, Tự vị Nôm, Bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17, Bảng tra chữ Nôm sau thế kỷ 17, Bảng tra chữ Nôm Miền Nam, Truyền Kiều đối chiếu chữ Nôm – Quốc ngữ; Tìm nguyên tác truyện Kiều; Đại từ điển chữ Nôm.

2.Nguyễn Khắc Xuyên (1923-1993)

Nhà nghiên cứu.

Quê Hà Đông. Năm 1935, tu học tại Chủng viện Hoàng Nguyên, chịu chức linh mục vào 31-05-1954, sau đó gia nhập Hội Dòng Xuân Bích và du học Pháp. Năm 1968 xin xuất tu và lập gia đình. Dạy học và sống ẩn dật tại Nha Trang.

Ông có nhiều tác phẩm khảo cứu, dịch và chú giải và là tác giả của nhiều bài thánh ca nổi tiếng: Cao cung lên, Trên con đường về quê, Bê Lem ơi, Lạy Mẹ xin yên ủi…

Tác phẩm:

-“Những tác phẩm ca dao, tục ngữ được xuất bản trước đây một thế kỷ ( Câu hát góp và tục ngữ, cổ ngữ gia ngôn)” (1997)

-“Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651. (1993)

– Dịch và chú giải “Tường trình về khu Truyền giáo Đàng Trong của Cristophori Borri”; “ Tự vị Annam Latinh . Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773 của Pigneaux de Behaine” (1999).

3.GS Lm Thanh Lãng (1924-1988)

Tên thật Đinh Xuân Nguyên, sinh tại Nga Sơn, Thanh Hoá. thụ phong linh mục 1953.

Cử nhân Thần học và Tiến sĩ văn chương Fribourg năm 1956.

Năm 1957, hồi hương, làm giáo sư tiểu chủng viện Tân Thanh ở Bảo Lộc rồi giảng dạy các Đại học Văn khoa SàiGòn và Văn khoa Huế. Từng giữ nhiều chức vụ về văn hoá, giáo dục như:

Là chủ nhiệm hoặc chủ biên của các tạp chí Việt Tiến, Nghiên Cứu Văn Học, Trách Nhiệm

Các công trình biên khảo, phê bình và văn-học sử đã xuất bản:

– Bộ Khởi thảo Văn-Học Sử Việt-Nam gồm 2 tập: Văn-Chương Chữ Nôm (1953) và Văn-Chương Bình Dân (1954)

– Biểu nhất lãm Văn học Cận đại Việt Nam (2 tập, Tự Do, 1957),

– Apport francais dans la littérature vietnamienne (1651-1945). SàiGòn, 1962 (Luận án Tiến sĩ Đại học Fribourg Thụy Sỹ).

– Sách Sổ Sang Chép Các Việc của Philiphê Bỉnh;

– Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (2 tập, Phong Trào Văn Hóa, 1972).

– Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (“trình bày và trích tuyển”) gồm 2 tập do NXB Trình Bầy in năm 1967

– Lịch Sử Tiểu Thuyết Việt Nam (1932-1945) tài liệu học tập đại học Văn khoa Sài-Gòn in ronéo, 3 tập, 1964

4. Lm Nguyễn Hưng (1927-2010)

Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Công giáo

Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng sinh tại giáo xứ Quỹ Đê, Trực Ninh, Nam Định, thuộc Giáo phận Bùi Chu. Thụ phong linh mục1959. Du học tại đại học Sorbonne, Pháp (1964 – 1971) với học vị Tiến sĩ Ngôn ngữ học.

Từ 1971-1974 cha giảng dạy tại các Trường Chu Văn An, Trưng Vương, và các Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Tiền Giang, Duyên Hải, Cao Đài, Minh Đức.

Cha đã biên soạn nhiều sách Triết học, Thần học, Linh hướng, Tu đức…

Lập ra Nhóm Dịch thuật Hán Nôm Công Giáo. Số sách Hán Nôm đã được sưu tập, dịch thuật và và in ấn lên tới hơn 120 cuốn. “Sách Hán Nôm Công Giáo Việt Nam” Và “Chữ Nôm Công Giáo Qua Những Tác Phẩm Của Majorica” (viết chung với Vũ Văn Kính)

5. Lm Vũ Đình Trác (1927-2003)

Quê Nam Định. Tự: Hán Chương.

Tiến Sĩ Triết Học Đông Phương tại Đại học Sophia, Tokyo.

Năm 1980 hoạt động về mục vụ, văn hóa, giáo dục tại California.

Năm 1987 thuyết trình tại Đại Hội Triết Học Thế Giới, tổ chức tại Đài Loan.

Tác phẩm chính: Triết Học Đông Phương lớp đệ Nhất, Sài Gòn, 1962. Đời Anh (Tiểu thuyết lý tưởng), Sài Gòn, 1959. Đắc Đạo Thi Sĩ .Thơ (Sài Gòn, Đường Sống, 1960). Muôn Điệu Tình Ca, Thơ (Orange – California, Hội Hữu, 1997).

6. Võ Long Tê (1927-2017)

Nhà nghiên cứu văn học Công giáo

Sinh tại Huế.

Năm 1991 sống tại Calgary, Canada.

Tác phẩm: Lịch Sử Văn Học Công Giáo Việt Nam (1965), Dẫn Nhập Nghiên Cứu Tiếng Việt Và Chữ Quốc Ngữ (1997)…

Thơ: Ánh sáng trong đêm (1966), Tiệc Cưới (1966), Khối Tình (1968),..

7. Lm Giuse Đỗ Quang Chính (1929-2012)

Nhà Sử học (học chuyên môn về Sử tại Sorbonne, Paris từ 1967 – 1970).

Quê ở Nam Định. Thuộc dòng Tên, Từng dạy tại các Đại Chủng viện Huế, Vĩnh Long, Giáo hoàng Học viện Piô X và các Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Tây Ninh.

Tác phẩm chính: Tập Lịch sử nước Annam, Giáo hội Công giáo hòa nhập với văn hóa gia đình Việt Nam. Lịch sử chữ Quốc ngữ (1972).

Bài viết:

Alexandre De Rhodes công bố sách quốc ngữ đầu tiên.

8.GS Nguyễn Văn Trung

Sinh: 26-09-1930, là nhà giáo, nhà văn.

Dạy triết và văn ở đại học Văn Khoa Saigon.

Năm 1993, sang định cư ở Montréal, Canada.

Tác phẩm tiêu biểu:

– Nhận định I, II, III, IV, V, VI, IX, X

– Lược khảo văn học I, II, III,

–Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1987).

–Về sách báo của tác giả công giáo thế kỷ XVII- XIX (1993).

–Lục châu học

9. Lê Phụng (1933-2017)

Nhà nghiên cứu văn học Công giáo.

Sinh tại Bắc Việt. Trước năm 1975, giảng viên Đại học Khoa học Sài Gòn.

Định cư tại Montreal, Canada.

Tác phẩm: Nẻo Mới Vào Văn Học (1997), Công Trạng Văn Học Trong Các Xứ Đạo (2017). Văn Học mang dấu Chúa với tác phẩm của Lữ Y Đoàn, v.v.. Hàn Mạc Tử và siêu thực. Thơ Thiền Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Kim Vân Kiều. Hoa Việt Nhật.

Bài viết: Đọc Tao Đoạn Kinh

Nguyễn Văn Lục nhận xét về cách viết của Lê Phụng trong cuốn Công Trạng Văn Học Trong Các Xứ Đạo: “ông chú trọng đến vấn đề Liên văn bản. Có nghĩa là tìm hiểu văn học nhà đạo, chủ yếu là Hán-Nôm so sánh với văn học, văn hóa ngoài luồng nhà đạo.(Xin đọc: Giới thiệu cuốn “Công trạng Văn học trong Các Xứ Đạo” của Lê Phụng).

10. Lê Ngọc Bích (1933-2009)

Nhà nghiên cứu sử học Công giáo.

Quê: làng Thượng An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên

Năm 1944, Lê Ngọc Bích được rửa tội tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế với tên thánh Gérard rồi vào tu tại DCCT Huế.

Học tại Viện Hán Học Huế (1959), và Đại Học Sư Phạm Huế (1959-1962).

Sau 1975, nghiên cứu lịch sử đạo Công Giáo ở Việt Nam.

Tác phẩm chính:

– Người Việt Công Giáo, Chứng Nhân Đức Tin (1630-1885).

– Giám mục người nước ngoài qua chặng đường 1959-1975.

– Nhân vật Công giáo Việt Nam thế kỷ 18-19-20.

Bài viết: Pièrre Đỗ Đình, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo

11. Nguyễn Văn Lục

Nhà nghiên cứu.

Sinh năm 1938 tại Hà Nam.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, khoa Triết

Định cư tại Montreal, Canada từ năm 1979 đến nay.

Cộng tác các tạp chí Văn, Hợp Lưu, Tân Văn, Sài Gòn Nhỏ, Đàn Chim Việt, Một Góc Trời, Talawas, Art2all…

Bài viết: Dòng văn học mang dấu Chúa

12. Lm GoanKim Nguyễn Hoàng Sơn

Sinh ngày: 26.12.1942, quê Bình Định, Quy Nhơn
Thụ phong linh mục 1971

Bài viết

-“Một nền văn học công giáo bằng chữ Quốc Ngữ chính thức bắt đầu với A. Rhodes”.

– Tiếng nói nước Đại Việt vào thế kỷ XVII. Gạn lọc và phát huy trong sáng tiếng Việt

– Tác Phẩm Giáo Lý Công Giáo chữ Nôm của Linh mục thừa sai Jêrônimô Majorica S.J.

13.Lê Đình Bảng

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Công giáo

Sinh: 17-09-1942 tại làng Đình Bảng, Thái Bình.

Các tập thơ: Bước chân người Giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014).

Nghiên cứu: Văn học Công giáo Việt Nam – Những chặng đường (2010), Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam (6 tập, 2009).

14.Lm Giuse Trương Đình Hiền

Nhà nghiên cứu, nhà thơ.

Sinh ngày: 19-3-1950 tại Trà Câu, Quảng Ngãi.

Bút danh: Sơn Ca Linh, Trần Đoan Hùng, Cha sở nhà quê.

Thụ phong Linh mục: 10-05-1989. Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn từ 2016. Tác phẩm: Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao (sưu tập); Mẹ tôi là thế đấy (khảo luận về Giáo hội), Bình vẫn chưa hề cũ (khảo luận về hai văn kiện “Huấn thị 1659” và “Monita 1664”). Các bài viết:

1.“Tiếng nước tôi và “Lời vĩnh cửu”

2. Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam–

3.Truyền thống văn học Công Giáo từ Anrê Phú Yên đến ngày nay

15.Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông

Sinh: 19-02-1957. Thuộc dòng Chúa Cứu Thế.

Tiến sĩ Thần học Bí Tích tại Đại học De la Salle.

Hiện đang là phó Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Giảng dạy tại: Đại chủng viện Saigon, Học viện Công giáo.

Tác phẩm chính: Luân lý giới tính, Thần học luân lý căn bản, Sỏi đá nở hoa, Trăng rằm trên phố núi, Hoa tươi trong vùng cát, Trong vùng nắng, Nắng chiều tàn tạ. Có hơn 50 tác phẩm dịch thuật. 6 tác phẩm cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết (xem: Văn học Công giáo từ 1620 đến nay).

Chuyên luận:

–Văn học Công giáo chữ Nôm thế kỷ XVII;

-Các tác giả văn học Công giáo thế kỷ XIX (nguồn: Hướng đếm 400 năm văn học Công giáo Việt Nam).

–Văn học Công giáo từ 1620 đến nay.

16.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính

Sinh: 12-07-1958, tại Gia Hựu, Bình Định. Thụ phong Linh mục: 11-12-1997 thuộc giáo phận Qui Nhơn.

Tốt nghiệp Thần học hệ thống tại Học viện Công giáo Paris (ICP) năm 2008.

Tác phẩm: Mật khẩu để đọc Tin mừng (2015); Khi xác thân làm của lễ (2017); Và họ nhận ra Ngài (2018); Xuôi ngược thời gian (2019); Nối vạch thời gian (2020); Ngả bóng thời gian (2021).

Các bài viết:

1.Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn.

2.Làng Sông – Nhà in và Thư viện.

(Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

3..Truyền thống báo chí tại giáo phận Quy Nhơn.

(Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

4.Thuật tích việc nước Nam cha Đặng Đức Tuấn nguồn chữ Nôm và lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX . (chuyển ngữ)
5.Nhà in Gia Hựu.

17.Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

Sinh: 21-04-1960, tại Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định

Thụ phong Linh mục: 05-06-2001, thuộc giáo phận Qui Nhơn.

Hiện đang làm việc tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn.

Tác phẩm viết chung với Nguyễn Thanh Quang: Chữ Quốc ngữ, Từ Nước Mặn đến Làng Sông (2018), Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ (2019). Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ (2020).

Các bài viết:

1.Không có “ông tổ duy nhất” của chữ Quốc Ngữ . (với Nguyễn Thanh Quang)

2.Vai trò các thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn,

Bình Định.-

3.Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

4.Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533.

5.Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành (1625-1644.)

6.Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo.

7.Linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn (1806-1874).

8.Một danh nhân văn hóa bị lãng quên cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu Linh

mục Đàng Trong (1660-1732)

18.TS Liễu Trương

Sống ở Pháp từ năm 1963.

Tiến sĩ Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle.

Tác phẩm chính:

– Les canons tonnent la nuit.

– Đêm nghe tiếng đại bác (dịch truyện của Nhã Ca).

– Tiếp cận văn học Pháp.

– Phân tâm học và Phê bình Văn học.

Bài viết: Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa tiên phong

19. Phêrô Lê Minh Sơn

Sinh: 15-10-1968 tại Kon Tum.

Một số tác phẩm:

-Giải nhất “Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời 2011”.

-KonTum, vần thơ đạo ngày ấy (Sưu tập).

-Tiểu sử các Giám mục, Linh mục truyền giáo và phục Giáo phận Kon Tum đã qua đời từ năm 1848 tới nay.

-Các Linh mục Thừa sai Hải ngoại Paris đã phục vụ Giáo phận Kon Tum (1850-1975).

20.ThS Lê Thị Hà

Sinh: 12-05-1984, tại Hà Nội.

Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chuyên ngành Hán Nôm – Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Bài viết:

-Giới thiệu một số tuồng Công giáo trước 1945

-Khảo cứu từ ngữ Công giáo gốc Ấn Âu có cấu tạo Hán Việt

21. Nt Đinh Thị Oanh-Gió Biển (dòng Trinh Vương-Bùi Môn)

Sinh: 23-02-1986, tại tỉnh Đồng Nai.

Thuộc Hội Dòng Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương – Sài Gòn.

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ.

Bài viết:

Khái lược Nam Kỳ Địa Phận: Tờ báo Công giáo đầu tiên ở Việt Nam

Tác phẩm tiểu thuyết Công Giáo của Cha Phêrô Nghĩa

22. Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến

Dòng Mến Thánh Giá Huế

Bài viết: Lm Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891 – 1978) (đăng trên Tạp chí Nghiên cứ văn học số tháng 7/2020).

23. Nt Anna Nguyễn Thị Bích Hạt

Sinh: 14-11-1988, quê ở Thái Nguyên. Thuộc dòng Mến Thánh giá Thủ Đức

Học Đại học Lao Động Xã Hội – Hà Nội.

Tác phẩm: Làng và một số truyện ngắn trong tuyển tập Viết Văn Đường Trường 2014-2018.

Bài viết: Bước dò dẫm của các cây bút nữ Công giáo. (Viết chung với Nguyễn Thị Thắm

24.Maria Teresa Nguyễn Thị Thắm

Sinh: 21-12-1979 tại Kiến Xương,Thái Bình.

Đại học Sư phạm Huế & Trung Quốc.

Thạc sĩ Giáo dục Hán ngữ quốc tế.

Giảng viên Đại học Qui Nhơn.

25.ThS. Nguyễn Thị Kim Hồng

Sinh 04-06-1989 tại ĐắkLắk. Quê quán: Kim Sơn- Ninh Bình

Học vị cao nhất: Thạc sĩ Văn học Việt Nam 2017,

Luận văn: Đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (Qua năm tập Có một vườn thơ đạo)

Chức vụ: Giảng viên, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên

26. Đinh Phạm Phương Thảo

Sinh: 18-02-2000 tại Đồng Nai.

Hiện là sinh viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học năm 2020-2021: “Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng, một vở kịch hiện đại đầu thế kỷ XX”.


PHẦN II: MỘT VÀI GHI NHẬN

Nhìn suốt quá trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Công giáo ta có thể ghi nhận được một vài điều.

1.Mỗi nhà nghiên cứu khám phá được một một phần giá trị văn học Công giáo, góp vào sự nghiệp chung, nhờ đó, cho đến nay (2022), việc nghiên cứu văn học Công giáo đã có được một “vốn liếng” nhất định. Dù vậy, việc khẳng định một nền văn học Công giáo và những giá trị văn học Công giáo đóng góp cho văn học dân tộc, khẳng định văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc, những điều ấy còn ở thì tương lai.

2.Tiến trình nghiên cứu khởi đi từ việc tập trung nghiên cứu về chữ Quốc ngữ. Các nhà nghiên cứu coi đây là mấu chốt có ý nghĩa quan trọng mà đạo Công giáo đóng góp cho văn hóa dân tộc. Bởi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng bậc nhất của văn hóa. Có ngôn ngữ mới có tư tưởng, có văn học nghệ thuật. Cho nên nhiều công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ, nhiều cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ đã được tổ chức.

Từ vấn đề chữ Quốc ngữ, các nhà nghiên cứu tiến thêm một bước đặt vấn đề “văn hóa Công giáo” sau đó mới đặt vấn đề về “nền văn học Công giáo”.

Thí dụ:

Tọa đàm về chủ đề: “Một số vấn đề Văn Hóa Công Giáo Việt Nam” tại Tòa Tổng Giám Mục Huế từ ngày 24-27 tháng 10 năm 2000. Lm Thiện Cẩm dòng Ðaminh đặt vấn đề: “có chăng một nền Văn Hóa Công Giáo Việt Nam?”; Lm Ðỗ Quang Chính dòng Tên trình bày đề tài: “Alexandre de Rhodes công bố sách quốc ngữ đầu tiên”.

Hội thảo khoa học: “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 13/01/2016 do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức, có 72 tham luận, trong đó, có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”[[1]]. Phía Công giáo có 3 tham luận của Lm Gioan Võ Đình Đệ (GP Qui Nhơn) về Vai trò các Thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn – Bình Định; Lm FX Nguyễn Hai Tính, SJ, về Sách giáo lý của linh mục Girolamo Maiorica và sáng kiến hội nhập văn hóa và Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn (TGP.TPHCM) về Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần cho phù hợp với khoa ngôn ngữ học hiện đại.

Hội thảo “Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào hai ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn có các đề tài: Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở VN thế kỷ XVII – XVIII; Chữ quốc ngữ trong văn học Công giáo năm từ năm 1862 đến 1919; Văn học chữ quốc ngữ thế kỷ XIX – Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 – 1853), cánh én báo mùa Xuân[[2]].

Tọa đàm trực tuyến ngày 19/9/2021 với chủ đề “Văn học Công giáo đương đại”do Ban Văn hóa Giáo phận Quy Nhơn tổ chức có các đề tài:

– Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam (Lm. Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn).

– Hán Nôm Công Giáo (Ths. Maria Lê Thị Hà, viện Hán Nôm).

– Bước dò dẫm của các cây bút nữ (Nữ tu Anna Nguyễn Thị Bích Hạt)

– Vài nét về văn học Công giáo trong nước từ 1975 tới nay (Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang).

– Văn học Công giáo Tây nguyên (Phêrô Lê Minh Sơn, Gp. Kontum).

3. Càng về sau, việc nghiên cứu chuyên sâu về tác giả, tác phẩm văn học Công giáo được quan tâm nhiều hơn. Cho đến nay nhiều tác giả của thời kỳ đầu đã được nghiên cứu: A.Rhodes, Majorica, Sấm Truyền ca, Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Lm Đặng Đức Tuấn, Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Tuồng thương khó của Nguyễn Bá Tòng, các tác giả Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hữu Bài, báo Nam Kỳ địa phận, giới thiệu một số tuồng Công giáo…

4.Ngoại trừ công trình Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam của Võ Long Tê (1965) và công trình Văn học Công giáo Việt Nam, Những chặng đường của Lê Đình Bảng (2010), Chưa có một công trình Lịch sử văn học Công giáo nào nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo về văn học Công gíao Việt Nam, để từ đó xác lập văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc.

5. Không có sự thống nhất việc xác định các tác giả văn học Công giáo trong thế kỷ XX, nhất là nửa sau thế kỷ XX. Mỗi nhà nghiên cứu ghi nhận một số tên tuổi theo góc nhìn riêng của mình [[3]]. Điều này xuất phát từ tiêu chí chọn lựa thế nào là nhà thơ, nhà văn Công giáo. Dễ thấy nhất là trường hợp các nhà văn hóa Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký được Phạm Đình Khiêm đưa vào danh mục “nhà thơ” Công giáo; hoặc hầu như các nhà nghiên cứu chỉ dựa vào nhận xét của Vũ Ngọc Phan mà đưa Thụy An với tiểu thuyết Một linh hồn vào danh mục “nhà văn Công giáo”, trong khi nhữ nhà văn này cuối đời quy y cửa phật có pháp danh, và tiểu thuyết Một linh hồn chỉ là một truyện tình (văn chương thị trường), kiểu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, lấy bối cảnh Công giáo với rất nhiều chi tiết sai với luân lý Công giáo.

Trong các bộ sưu tập văn thơ Công giáo như Có một vườn thơ đạo (5 cuốn), người sưu tập mới chỉ chú ý đến số lượng, gọi chung tất cả các tác giả đều là “nhà thơ Công giáo”, trong khi chưa xác lập tác giả nào thuộc “văn chương phong trào”, và tác giả nào là nhà thơ có cá tính sáng tạo độc đáo, có đóng góp nghệ thuật làm phát triển thơ ca Công gíao (như Hàn Mạc Tử).

6. Các nhà nghiên cứu văn học Công giáo thế hệ trước đã hoàn thành sứ mệnh. Một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ có trình độ đang hình thành và tự khẳng định. Chúng ta có quyền hy vọng việc nghiên cứu văn học Công giáo sẽ có những bước phát triển mới.

Ước mong Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam tập hợp các nhà nghiên cứu Công giáo (có thể mời thêm các nhà nghiên cứu văn học thế tục) để thực hiện bộ sách Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, bao quát được 400 năm phát triển của văn học Công giáo Việt Nam, khẳng định nền văn học Công giáo trong nền văn học dân tộc, từ đó mở ra một thời kỳ phát triển mới trong thời đại toàn cầu hóa.

Tháng 4/ 2022

[1]Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”:


[2] Hội thảo Văn hóa: Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam


[3] Xin đọc các công trình của Lê Đình Bảng, của Phạm Đình Khiêm, của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh, và các tác giả trong bộ sách Có Một vườn thơ đạo do Lm Trăng Thập Tự chủ biên.