Những bề trên của tôi- Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary

 

Tùy bút
NHỮNG BỀ TRÊN CỦA TÔI

----------|SSS|----------
Trước khi tôi lên đường qua nước ngoài tu học và làm việc, cha Bề trên Giám tỉnh đã ghi một lá thư gửi cho bề trên ở nước ngoài để giới thiệu bản thân tôi. Tôi giật mình khi đọc lại lá thư giới thiệu bằng Anh ngữ của ngài. Dù rằng không đủ trình độ để hiểu hết một trăm phần trăm nội dung lá thư nhưng tôi cũng đủ khả năng để nhận ra rằng bao nhiêu tình cảm và những điều tốt đẹp nhất vốn đã có về tôi, ngài đã gửi gắm tất cả vào trong lá thư. Nào là có khả năng hội nhập, có đời sống cộng đoàn, biết cầu nguyện, có thể sáng tác, vẽ, chụp ảnh, nấu ăn, thiết kế, có khả năng sử dụng Anh ngữ và tiếng Ý đang sơ cấp… Những hàng chữ không chỉ hiện lên nội dung mà tôi còn nhận ra, qua những hàng chữ vô hồn đó, ngài còn gửi gắm vào đó một sự tin tưởng và tín nhiệm dành cho một kẻ kém cỏi như tôi. Sự tin tưởng và tín nhiệm khi trao phó cho tôi trọng trách to lớn, để bắt đầu một lộ trình dài hơi trong sự tương quan giữa hai tỉnh Dòng Việt – Ý.
Đọc lá thư của cha Bề trên Giám tỉnh, tôi chợt nhớ đến lá thư giới thiệu năm nào, mà cha bố đã ghi và gửi cho giám đốc Dự tu Dòng Thánh Thể.
Còn nhớ những ngày đầu của năm mười tám, tôi háo hức cho tương lai của mình. Chẳng dám vào gặp cha xứ để thổ lộ tâm nguyện muốn dâng mình cho Chúa. Chỉ dám nhờ một anh huynh trưởng dẫn vào. Thế nhưng, thằng bé ngây ngô ấy đâu biết rằng, cha xứ bề ngoài tuy khó tính nhưng lại ăm ắp tình yêu và thương cảm cho những kẻ bé nhỏ như tôi. Ngài đã ghi một thư giới thiệu cho nhà dòng với tất cả tâm tình của một người mục tử yêu mến ơn gọi.
Chẳng biết lý do gì mà ngài lại ghi một lá thư giới thiệu với một tấm lòng đầy thiện cảm như thế. Nào là ngoan, giỏi, hiền, đạo đức thánh thiện… Thằng bé nghĩ liệu rằng có bao nhiêu từ ngữ tích cực và tốt đẹp nhất, và nếu tờ giấy giới thiệu có thể dài hơn được nữa thì ngài cũng đã ghi thêm cho hết trang giấy.
Và cũng vì tờ giấy giới thiệu đó, tôi mau chóng được chọn và gia nhập vào dòng sau bốn năm tìm hiểu.
Rồi kể từ đấy trở đi, trải qua bao nhiêu giai đoạn tu tập, lúc nào tôi cũng được các bề trên thương yêu và quan tâm cách đặc biệt. Mỗi một giai đoạn luôn có bề trên đồng hành và bảo vệ ơn gọi cho tôi bằng mọi giá. Vậy là cậu bé ngày nào đã trở thành linh mục và phần nào đó có thể tự quyết định các việc làm của mình. Tuy vậy, có lẽ trong con mắt Thiên Chúa, tôi mãi chỉ là một đứa trẻ con, nên dù đã là linh mục nhưng Ngài cũng luôn gửi đến cho tôi những bề trên để dạy dỗ, bảo ban.
Đặt chân đến đất nước xa xôi này, những tưởng mình sẽ lạc lõng bơ vơ. Nhưng không! Tôi đã lầm, Chúa đã sắp xếp tất cả cho tôi. Ngài lại tiếp tục gửi đến cho tôi những bề trên đầy kinh nghiệm nội tâm cũng như những tương quan bên ngoài xã hội. Các bề trên của tôi tuy đã già nhưng lo cho tôi như con mọn, đón nhận tôi với tất cả tình yêu thương. Hình ảnh hai cha bề trên và phó bề trên dẫn tôi đi tìm trường trong ngày đầu đặt chân đến đây thật sự gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Và có lẽ đó sẽ là ấn tượng khó quên trong tâm trí tôi. Tại sao các ngài lại lo cho một kẻ ngoại lai như tôi nếu không xuất phát từ tinh thần yêu thương của Chúa.
Tôi nhận thấy để nuôi một ơn gọi cần biết bao nhiêu tiền của và sức lực. Ngoài những ân nhân ngày đêm hỗ trợ tiền bạc và những lời cầu nguyện, một ơn gọi có thể phát triển và lớn mạnh phụ thuộc vào các bề trên, là những người có trách nhiệm to lớn. Nói đến đây tôi chợt nghĩ: Tôi chẳng hiểu vì sao các tu sĩ trẻ ngày nay lại luôn có một suy nghĩ tiêu cực, hoặc chống đối các bề trên của mình?
Trong vai trò của một cha linh hướng, tôi đã phải giải thích cặn kẽ rằng bề trên chính là người mà Chúa gửi đến để yêu thương và hướng dẫn ta vững bước trên hành trình theo Chúa. Cũng giống như một huấn luyện viên giúp các cầu thủ có thể rèn luyện bản thân, để khi bước vào cuộc đua sẽ đạt thành tích tốt. Thế nhưng thực tế trong kinh nghiệm linh hướng của tôi cho thấy, phần lớn xung đột giữ bề trên và các ứng sinh tu tập là do các ứng sinh không đủ khiêm nhường để lãnh hội.
Nhiều tu sĩ không đủ khiêm nhường để nhận ra bề trên là vị thầy mà Chúa gửi đến để huấn luyện ta. Nhiều tu sĩ không đủ khiêm nhường để có thể lắng nghe và đối thoại. Nhiều tu sĩ không đủ khiêm nhường, đặt bản thân mình quá cao với những tài năng để rồi chẳng bao giờ chịu nghe những lời cảnh tỉnh và răn dạy của bề trên.
Khi viết điều này, tôi chẳng nghĩ và chẳng dám nghĩ mình đủ khiêm nhường, nhưng với tôi, tôi đã sống với các bề trên luôn trong vị thế của một trẻ em, một người cấp dưới và chẳng bao giờ nghĩ mình phải tranh luận hay cãi lại một vấn đề gì đó. Dù rằng đôi khi, trong phán đoán hạn hẹp, tôi nhận thấy bề trên đã sai lầm. Nhưng rồi tôi cũng không cố cãi lại chỉ để chứng minh mình đúng.
Còn nhớ những ngày đầu bước chân đi tu, mẹ tôi dặn rằng: Con phải ngoan nhé, nghe lời các cha răn dạy… Đó là tất cả hành trang mà tôi mang theo trên hành trình theo Chúa, mà ít ra cho đến lúc này, tôi thấy lời khuyên đó vẫn còn hữu ích cho bản thân tôi trong các tương quan với các bề trên.
Lòng tự dặn mình: Phải cố ngoan nhé!
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con! Có một điều con sợ nhất là khi trở thành linh mục rồi, con sẽ chẳng còn ai bảo ban dạy dỗ mỗi khi con hư đốn, lạc xa Chúa. Con sẽ chẳng còn ngoan ngoãn để vâng lời bề trên và những người lớn nữa. Xin Chúa hãy ban cho con các bề trên cách hữu hình để tiếp tục răn dạy và uốn nắn con cho đến khi nào con có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Amen.
----------
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS