Việc đó cứ để Chúa lo- Tác giả: Ngọn Đèn Chầu

Lan Mary

 

VIỆC ĐÓ CỨ ĐỂ CHÚA LO

« Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay » (Tv 37,5)

Trong một ngôi làng nhỏ kia có hai gia đình ông Phúc và ông Huân. Cả hai gia đình ai cũng có hai cô con gái nhỏ rất xinh. Con ông Phúc là Thanh Mai và Thuý An, con ông Huân là Tuyết Nhung và Tuyết Trinh. Thuý An và Tuyết Trinh học chung thời cấp một nên chơi với nhau rất thân.

Thanh Mai và Thuý An từ nhỏ thường theo mẹ đi lễ misa, đi đọc kinh lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ mỗi ngày. Có lẽ nhờ đời sống đạo đức và sự dẫn dắt của người mẹ mà hai cô ngày càng đạo đức, thánh thiện nhưng vì gia đình nghèo nên Thanh Mai mới lớp 7 đã phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ trồng rẫy, bán rau, nấu rượu, nuôi heo... để lo cho cô em được đi học. Còn gia đình ông Huân cũng nghèo nhưng đời sống đạo dường như chỉ giữ lễ mỗi ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng. Hai cô con gái Tuyết Nhung và Tuyết Trinh vì thương hoàn cảnh ba mẹ nghèo nên hai chị em quyết định nghĩ học sớm lên thành phố kiếm việc làm với ý nghĩ "hy sinh đời con, cứu lấy đời cha !"

Nhờ được sống trong một gia đình đạo đức nên lòng yêu mến Chúa dần dần triển nở nơi hai cô gái nhỏ của gia đình ông Phúc. Một ngày nọ, ngày lễ Chúa Chiên Lành, trong lúc nghe cha xứ giảng không biết Chúa Thánh Thần đã tác động nơi Thanh Mai thế nào mà sau thánh lễ cô bé lủi thủi vào gặp cha xứ rồi rụt rè, nhút nhát nói: « Thưa cha, con muốn đi tu ». Cha xứ nhẹ nhàng hỏi thăm để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, về học vấn của Thanh Mai.

Sau đó cha xứ nói: « Nếu con muốn đi tu thì cha sẽ giúp con ».

Ngày Chúa Nhật đầu tháng, sau khi trao Mình Thánh Chúa cho mẹ của ông Phúc, cha xứ nói với ông Phúc: « Nhà ông có hai đứa con gái, hãy cho Chúa một đứa nhé! ». Nghe xong ông Phúc giật mình thầm nghĩ: "Đứa lớn thì đã nghĩ học, đứa nhỏ thì còn quá nhỏ làm sao mà cho Chúa được?!!" Chưa kịp trả lời thì cha xứ kể hết đầu đuôi về việc Thanh Mai gặp cha xin đi tu. Lúc này ông Phúc ngập ngừng nói: « Nhưng…nhà con nghèo làm sao con có thể cho con con tiếp tục đi học để đi tu? » Cha xứ trả lời: « Việc đó cứ để Chúa lo ».

Ít ngày sau, cha xứ liên hệ với một nhà dòng nọ và được sự đồng ý của bề trên, thế là vào một ngày đẹp trời Thanh Mai đã cuốn gói lên đường vào nhà dòng tiếp tục đi học và tìm hiểu ơn gọi, nơi đây cô ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, đời sống ơn gọi triển nở từng ngày. Rồi mỗi lần Thanh Mai về thăm gia đình, Thuý An thấy có vẻ mẹ thương chị hơn mình vì cái gì mẹ cũng để dành cho chị những thứ nào là vừa ngon, vừa đẹp. Thuý An lòng có chút ganh tị nhưng không nói ra mà tự nhủ: "Sau này mình cũng sẽ đi tu để xem mẹ thương ai hơn?!"

Thuý An vẫn đi lễ misa như mọi ngày, bỗng một hôm có một sơ Nữ Tử ghé thăm họ đạo, sau thánh lễ sơ giới thiệu đôi điều về tinh thần của dòng, nghe xong Thuý An như được thôi thúc trong lòng, thế là cô bé cũng xin ma sơ cho mình được đi tu. Biết chuyện, cha xứ cũng tìm cách động viên, nâng đỡ và hết năm lớp 10 Thuý An cũng xách gói vào nhà dòng.

Bốn năm sau, nhà ông Phúc gặp biến cố mùa màng thất bát khiến ông Phúc không thể trả được số nợ đã mượn lúc xây nhà còn thiếu. Đã nghèo mà còn mắc cái eo, lãi chồng thêm lãi, biết lấy đâu ra tiền để trả nợ??? Trong khi hai đứa con nhà ông Huân không biết làm ăn gì mà gởi tiền về nhà tấp nập, ông Huân nào là xây nhà xây cửa, nào là mua đất đai...Thấy thế những người chủ nợ của ông Phúc mỗi lần tới nhà đòi nợ thì bảo: « Mau trả nợ cho tui. Nhà có con gái mà không biết cho đi làm kiếm tiền như con nhà người ta mà để cho đi tu không biết có nên thân nên hình gì không?» Không những chỉ có chủ nợ mà có một số người trong họ hàng nhà ông Phúc cũng có người nói như thế. Bà Huân mỗi lần đi ngang nhà ông Phúc thấy bà Phúc thì cũng dè bĩu, chê bai rồi khoe con mình hôm nay gởi về cho cái này, ngày mai gởi về cái nọ toàn đồ sang trọng.

Mùa hè năm ấy Thuý An được về nhà thăm gia đình. Cô thấy người ta tới nhà đòi nợ, cô cũng nghe người ta bàn tán chuyện có con gái mà không cho đi làm kiếm tiền mà để đi tu, cô cũng buồn lắm chứ! Ngày Chúa Nhật cô không thấy cha mẹ đi lễ, cô hỏi mẹ và mẹ chỉ trả lời: « Ờ thì…tại…hôm nay mẹ mệt ! ». Hôm ấy, cô đi lễ một mình. Sau thánh lễ, một người kéo áo cô lại hỏi: « Mẹ đâu sao không thấy đi lễ? »

- Thuý An trả lời: « Dạ mẹ con nói hôm nay mẹ con mệt. »

- Người ấy nói : « Về nhắn mẹ sớm trả nợ cho dì nghen ». Thuý An bây giờ đã hiểu thì ra đây là lý do mà mẹ không dám đi lễ chứ không phải vì bệnh ! Có lần con bé thủ thỉ nói với mẹ: « Mẹ ơi, hay là….con nghỉ học về nhà đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ trang trải nợ nần nhé? »

- Mẹ bảo cô: « Con cứ lo phần con, cố gắng học cho giỏi, tu cho tốt việc đó cứ để Chúa lo. »

Năm Thuý An vào đệ tử, nghe tin cha mẹ đã bán đất và căn nhà mới xây chưa kịp hoàn thành để trả nợ. Thuý An nữa buồn nữa vui, buồn vì mảnh đất ấy một thời tuổi thơ cô gắn bó : những hàng xoài chính rộ, những cây sầu riêng thơm phưng phức khi vào mùa, trước cửa nhà là con sông nhỏ cô từng tắm với lũ bạn ngày nào…nhưng vui vì con bé nghĩ từ nay cha mẹ sẽ trở lại nhà thờ mà không còn bị người ta khều người ta đón để đòi nợ, không còn những tháng ngày lo lắng hoang mang và không còn nghe những lời người ta chê bai về hai cô bé ‘trốn đời’ đi tu. Người mua mảnh đất ấy không ai khác là hai cô con gái nhà ông Huân.

Một thời gian sau…

Hai cô con gái nhà ông Phúc lần lượt cũng khấn. Ngày lễ tạ ơn, bà con họ hàng tới chia vui và chúc mừng, họ nói : « Gia đình ông Phúc quả thật có phúc !»

Còn Tuyết Nhung và Tuyết Trinh đâu đó chỉ nghe dân làng đưa tin :« Con Tuyết Nhung nó ăn ở với người yêu của con Tuyết Trinh có bầu và nó không dám vác mặt về nhà nữa, còn con Tuyết Trinh vì hận chị, hận đời, hận tình nên sa vào con đường ăn chơi sa đọa rồi bây giờ không ai biết nó ở đâu ?! » Lúc này, ông Huân chỉ biết than trách bản thân cũng chỉ vì ham tiền mà thiếu quan tâm con cái để đến nông nỗi như vậy, đi đâu hai ông bà cũng chẳng dám nhìn mặt ai.

***

Sau khi khấn Sơ Thuý An được sai tới phục vụ tại trung tâm Mai Hoà, nơi chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối, và được chị nhất giao cho phụ trách dãy các bệnh nhân nữ. Thuý An phục vụ các bệnh nhân cách vui tươi, thân tình, mọi bệnh nhân ở đây rất quý mến sơ Thuý An. Một hôm, Thuý An nhận được cuộc gọi từ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch báo tin ngày mai bệnh viện sẽ chuyển tới một bệnh nhân nữ đang trong giai đoạn cuối, không người thân. Nghe tin xong Thuý An chuẩn bị giường chiếu, đồ đạc để chuẩn bị đón người mới.

Ngày hôm sau, khi nghe tiếng còi xe cứu thương từ xa xa Thuý An liền chạy ra cổng để đón, xe lăn bánh chầm chậm tiến đến trước khu vực của các bệnh nhân nữ, trong lúc nhận bệnh nhân Thuý An cầm hồ sơ bệnh án trong tay cô chợt nhận ra một cái tên sao rất quen thuộc ‘Trần Thị Tuyết Trinh !!!’ Trong giây phút bâng khuâng ngỡ ngàng, Tuyết Trinh cũng nhận ra Thuý An, người bạn thân lúc còn nhỏ. Lúc này Tuyết Trinh thì thào mở lời : « Không thể ngờ chúng ta gặp lại nhau trong hoàn cảnh này ! Bây giờ mình mới hiểu tiền không phải là tất cả, mình đã mất hết mọi sự giờ đây chỉ còn lại một thân tàn ma dại, chắc bạn vẫn còn buồn vì trước đây mình đã mua miếng đất của nhà bạn ? » Thuý An đáp : « Không đâu. Chẳng những mình không buồn mà còn thầm cám ơn bạn vì nhờ bạn mà gia đình mình lúc ấy đã thoát được nợ và mình được an tâm trên con đường theo Chúa cho đến bây giờ ».

Tuyết Trinh sống ở đây được gần hai tuần, trong thời gian ấy mỗi khi Thuý An chăm sóc cho Tuyết Trinh hai cô bạn có cơ hội để kể về những kỷ niệm xa xưa thời thơ ấu còn cắp sách đến trường, những lần trốn nhà tắm mưa bị mẹ đánh, kể về những cánh diều được tung cao trong gió vào ngày mùa…Tuyết Trinh cũng kể về cuộc sống trong thời gian qua của mình cùng với những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời, có lúc cô cũng muốn tự tử để kết liễu đời mình.

Dù chỉ vỏn vẹn hai tuần nhưng Thuý An đã giúp Tuyết Trinh giao hoà với Chúa, gặp lại người thân và gặp lại chính mình. Ngày 01/11 năm ấy, ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Tuyết Trinh đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của Thuý An cùng với sự chứng kiến của ba mẹ và chị gái của Tuyết Trinh.

****

Khi xe đưa tiễn Tuyết Trinh vừa lăn bánh cũng là lúc tiếng chuông chiều vọng ngân, sơ Thuý An gác lại mọi công việc để trở về nơi nhà nguyện nhỏ bé, để gặp gỡ Đấng sơ đã chọn hay nói đúng hơn là Đấng đã chọn, đã gọi sơ. Trong giờ nguyện ngắm hôm ấy sơ Thuý An không ngừng ngẫm nghĩ về cuộc đời, giá như trước đây mình cũng chọn đi làm kiếm tiền như người ta từng nói thì cuộc đời mình sẽ ra sao? Tương lai sẽ đi về đâu? Hay cũng giống như Tuyết Trinh?! Nghĩ rồi sơ Thuý An thầm cảm tạ Chúa đã chọn gọi sơ và đặc biệt đã cho sơ được sinh ra trong một gia đình đạo đức, mặc dù cuộc sống có khó khăn nhưng cha mẹ vẫn một lòng tin tưởng, tín thác vào Chúa “Việc đó cứ để Chúa lo”. Vâng, Chúa đã lo, Chúa đã an bài tất cả khi chúng ta biết đặt trọn niềm tin nơi Ngài.