Những khoảng lặng trên đồi Bửu Châu - Tác giả: Lệ Hằng

Lan Mary
Chồng tôi nói khi tôi vừa thức dậy, bên cạnh, đứa con gái vẫn ngủ. Cả tuần nay chúng tôi âm thầm nghĩ về chuyến đi này nhưng không nói ra miệng một ngày giờ nào cụ thể, đặc biệt là không cho cô gái nhỏ đang say giấc đến nỗi nhiễu nước miếng này biết, chỉ cần rò rỉ chuyện sắp đi đâu đó là chúng tôi không thể nào yên được vì cô bé sẽ suốt ngày nói về chuyến đi và sẽ không chịu ngủ, kết quả là chúng tôi luôn có những chuyến đi vào những ngày không định trước, như một món quà. NGUỒN:

Tranh "Dưới tán me tây" Màu acrrylic trên toan, Lệ Hằng 2022

Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu
(Bút ký của Lệ Hằng)

Bốn mươi ki-lô-mét về Trà Kiệu
Thánh Lễ bất ngờ
Người thợ chụp ảnh dễ thương
Phút tĩnh lặng trên đồi Bửu Châu


i Trà Kiệu thôi em."

Chồng tôi nói khi tôi vừa thức dậy, bên cạnh, đứa con gái vẫn ngủ. Cả tuần nay chúng tôi âm thầm nghĩ về chuyến đi này nhưng không nói ra miệng một ngày giờ nào cụ thể, đặc biệt là không cho cô gái nhỏ đang say giấc đến nỗi nhiễu nước miếng này biết, chỉ cần rò rỉ chuyện sắp đi đâu đó là chúng tôi không thể nào yên được vì cô bé sẽ suốt ngày nói về chuyến đi và sẽ không chịu ngủ, kết quả là chúng tôi luôn có những chuyến đi vào những ngày không định trước, như một món quà.

Quá nửa buổi sáng, chúng tôi đã ra khỏi vùng dân cư đông đúc của thành phố Đà Nẵng và bắt đầu hít thở bầu không khí trong rười rượi khi chạy ngang qua những cánh đồng rộm vàng lúa chín nối liền bên những con đường có tán rợp xanh um. Bốn mươi cây số. Chỉ bốn mươi cây số từ chỗ tôi đến trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu, một quãng đường thật ngắn so với bất kỳ ai, nhưng so với nỗi háo hức của chúng tôi lúc này thì bốn mươi cây số như xa lắm. Cuối mỗi Thánh Lễ tôi dự ở nhà thờ giáo xứ Hòa Khánh, tôi đều được nghe "Lạy Đức Mẹ Trà Kiệu" và tôi cũng đáp lại "cầu cho chúng con" nhưng bốn từ Đức Mẹ Trà Kiệu là một bí ẩn gợi lên tò mò và lạ lẫm trong tôi. Cả tôi và chồng trước đây đều là những người không biết gì về Chúa Giê-su cũng như mẹ Maria ngoài những gì mà với kiến thức phổ thông ai cũng biết, kiểu như Chúa Giê-su là một người đàn ông tội nghiệp giơ xương bị treo trên thập giá, tóc tai lùm xùm, máu me bê bết còn mẹ Maria thì luôn bồng một hài nhi mà ai cũng nói hài nhi ấy là Giê-su, con mẹ. Lạ thật, bây giờ thì những điều ấy cũng đâu có sai, trong một chừng mực nào đấy, tôi cũng vẫn có thể nói lại điều tôi đã nói trước đây rằng Chúa Giê-su là người đàn ông Do Thái bị treo trên thập giá... Vậy nhưng, cả một thế giới đã thay đổi trong tôi khi tôi nhận ra Chúa trên đường đời của mình, khi tôi đón nhận đức tin và bước vào đời sống cầu nguyện như một Ki-tô hữu mặc dù nếp sống, văn hóa Công giáo với tôi, và cả chồng nữa, vẫn còn rất xa lạ.

Đức Mẹ Trà Kiệu, câu chuyện về ngọn đồi nơi Đức Mẹ đã hiện ra để che chở cho các tín hữu con cái mình trong cuộc bức hại người Công Giáo mà lịch sử thường nhắc đến với tên gọi là cuộc nổi dậy của Văn Thân (tức phong trào Cần Vương) năm 1885 đã sớm đến với tôi và tôi đón đã đón nhận với lòng hồn nhiên lẫn hiếu kỳ của một đứa trẻ khi được nghe về phép lạ. Phép lạ, theo tôi, là thứ hấp dẫn trí tưởng của mọi con người trên quả địa cầu xinh đẹp mà nhiêu khê này, và dĩ nhiên nó cũng hấp dẫn tôi nữa, hấp dẫn với một lực hút đủ lớn để tôi ngay từ lần đầu tiên nghe kể về Đức Mẹ Trà Kiệu đã mường tượng ra bức tranh về "một người đàn bà xinh đẹp, bận áo trắng, đứng trên nóc nhà thờ...". Nhưng, tôi đã không biết rằng điều tôi đang khám phá là phép lạ đức tin chứ không phải là phép lạ cổ tích nơi ông bụt, bà tiên bỗng dưng hiện ra rồi hỏi "làm sao con khóc" và ban ngay cho họ điều mà họ đang khẩn cầu, xin xỏ... Tôi đã vô tư cho đến khi tôi đọc đến dấu chấm cuối cùng của bản dịch tài liệu "Une Page de la Persécution en Cochinchine", do linh mục M. Geffroy của Hội Thừa Sai Paris, đăng trên tuần báo Les Missions Catholiques, xuất bản tại Lyon, Pháp Quốc vào các ngày 3.9; 10.9; 17.9 và 24.9.1886, để kỷ niệm một năm sau biến cố Trà Kiệu và giật mình nhận ra mình dường như vừa đi qua một câu chuyện khác nữa sau những gì mà Phép Lạ Trà Kiệu đã ghi lại. Điều hấp dẫn tôi lúc ban đầu là một sự kiện nhiệm màu nhưng cuối cùng điều lưu dấu trong tôi lại không phải là bản thân câu chuyện nhiệm màu ấy mà chính là đức tin, đức cậy, đức mến, là tình yêu, là hóa giải hận thù, là tha thứ...

Tôi tìm thấy tài liệu của linh mục M. Geffroy – người đã có mặt trong biến cố Trà Kiệu năm 1885 – trên trang trakieu.net, đó là những trang tường thuật mà tôi phải đọc trong nhọc nhằn và nước mắt. Không có bất kỳ sự oai hùng, kỳ vĩ cũng như không có bất cứ phép thần thông ảo diệu nào trong những trang sử ấy, ngược lại, có rất nhiều mất mát, rất nhiều nỗi đau, rất nhiều thất vọng, rất nhiều gian nan và đặc biệt, rất nhiều yếu đuối. Bấy giờ (1885), Giáo dân Quảng Nam (tức là QuảngNam và Đà Nẵng bây giờ) được chia thành 3 khu vực. Khu vực phía Bắc, gần Đà Nẵng, do quyền cai quản của cố Thiên (Maillard). Khu vực ở giữa, gần thủ phủ Quảng Nam, do cố Nhơn (Bruyère) coi sóc. Còn khu vực phía Nam được giao phó cho một linh mục bản xứ là linh mục Cân Du. Ngày 1 tháng 9 năm 1885, giáo xứ Trà Kiệu, do cố Nhơn coi sóc, bị quân Văn Thân bao vây bắt đầu một chuỗi ngày lênh đênh giữa hai bờ sinh và tử, giữa tin và phản, giữa dũng cảm và yếu hèn sợ hãi... Tôi dường như có thể hình dung được cảnh tượng người nối người tháo chạy xuống đồi trong hoảng loạn và mặc dù không ai đuổi theo, không bị tấn công mà vẫn có đến bốn người ngã xuống và chết trong cơn khiếp sợ tột cùng. Rồi cảnh tượng trong sân nhà thờ, những tiếng khóc thảm sầu đau đớn, cảnh tượng trước nhà cha xứ khi giáo dân từ chối chiến đấu, họ tập trung nhau lại chỉ để xin cha xứ ban cho họ các phép sau hết vì họ chỉ thấy duy nhất một điều đang chờ mình vào ngày mai: cái chết... Tất cả những sự thật ấy khiến lòng tôi chùng xuống và chững lại, tôi cảm nhận được phần nào nỗi buồn của cố Nhơn cũng như những người đang thực hiện sứ mệnh chăm lo cho đời sống tinh thần của giáo dân Trà Kiệu khác nữa. Chao ôi, con người yếu đuối biết bao nhiêu, cố Nhơn cũng là một con người, Ngài có gì hơn để cho những con chiên yếu đuối đáng thương của mình ngoài cầu nguyện và cậy trông, phó thác?!

Chúng tôi tấp xe vào sát lề đường, từ chiếc điện thoại đặt trong túi áo, google map dõng dạc thông báo đã đến địa điểm chúng tôi yêu cầu. Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu nằm ngay bên kia đường trước mắt chúng tôi. Tôi khá bất ngờ, tôi cứ tưởng phải chạy xa nữa mới tới, hoặc ít ra là cũng phải chạy qua những đoạn đường gồ ghề, đồi núi lượn lách cheo leo mới đến. Lúc nãy, khi từ đường chính lớn rẽ vào một lối nhỏ hơn rồi chạy qua những ngôi nhà hiền hòa dưới tán xanh, tôi đã cảm thấy bầu không khí có phần thay đổi và cũng mơ hồ cảm nhận mình đã gần đến nơi nhưng không ngờ nhanh đến thế, càng không ngờ chặng đường mình vừa đi qua êm ái dễ dàng yên ổn đến thế.

Đã mười giờ rưỡi nên chúng tôi không tiến vào trung tâm Hành Hương ngay mà đảo mắt một vòng tìm quán ăn vì cô gái nhỏ của chúng tôi sau khi ngủ dậy chỉ uống một ly sữa rồi háo hức lên đường. Nắng cuối tháng Tư chưa quá khét, chỉ vừa đủ để khiến mặt mày ai nấy ửng hồng mồ hôi trên trán đổ ra lấm tấm.

Chúng tôi vào quán cơm ngay chỗ chúng tôi vừa dừng xe. Chủ quán bật quạt niềm nở chào mời. Vẫn còn sớm với những người hành hương nên quán chỉ có ba chúng tôi là thực khách. Tôi gọi ba dĩa cơm cho ba người rồi nhìn vào sâu phía sau cánh cổng có hàng chữ Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu. Tôi thấy thấp thoáng một, hai chiếc xe du lịch to đến mấy chục chỗ ngồi. Trong sân, đây đó những người hành hương thư thả cất từng bước dưới những hàng cây xanh đằm địa. Một cảnh trí thật bình yên, mát rượi tâm hồn.

Bữa cơm kết thúc nhanh chóng và mãn nguyện. Trong lúc ăn tôi thỉnh thoảng lại liếc sang khoảng sân xanh rười rượi tâm hồn của tôi, tôi nghĩ thật nhiều, giữa ngổn ngang ý nghĩ về ngọn đồi Đức Mẹ thỉnh thoảng lại có một ý nghĩ hóm hỉnh lạc vào chẳng hạn như tôi sẽ ngồi ở góc nào để ký nhanh một bức tranh về nơi này, góc sân đối diện tôi lúc này.

Gần mười một giờ trưa, nắng bắt đầu trở nên căng đét. Theo lời của chị chủ quán nước kiêm quán hàng lưu niệm trong sân khu trung tâm hành hương, chúng tôi kê xe vào sát vách quán rồi thả bộ theo dòng người hành hương lên linh đài Đức Mẹ. Chồng tôi vốn đi khỏe, con gái chúng tôi lại nghiền leo cầu thang nên hai người dắt díu nhau đi nhanh lên phía trước bỏ tôi một quãng xa.

Tôi chỉ leo tầm vài chục bậc cấp đã bắt đầu thở. Tôi nhìn lên, nắng mênh mang cả một vùng, nắng lấp lóa trên những bậc cấp khiến tôi không tài nào đoán ra được khoảng bao nhiều bậc nữa thì đến đỉnh đồi Bửu Châu. Tôi quay lại nhìn xuống dưới và nhìn ra xung quanh, đâu đâu cũng là một màu nắng lấp lóa tươi vui, và, nắng cũng đầy thách thức. Tôi bước tiếp, vừa bước vừa thở nghe luồng hơi thoát ra nơi mũi như hối thúc. Chợt, những bước dần dồn dập của tôi chững lại khi trước tôi, cách mấy bậc thềm là một cô đã đứng tuổi đang nhấc từng bước chân nặng nhọc. Một chân của cô bị đau không co duỗi được bình thường, tôi nghe được thấp thoáng cả tiếng xuýt xoa đau nhói của cô mỗi khi nhấc chân lên. Sau phút chững lại, tôi bước tới thật nhanh định là sẽ đi với cô, chia sẻ với cô đoạn đường nhọc nhằn này. Thế nhưng, khi vừa bước lên gần sát bên cô, tôi lại không mở lời chỉ im lặng bước chậm như vô tình mà sóng đôi bởi tôi không muốn làm kẻ phá bĩnh giây phút thiêng liêng mà cô đang có. Mỗi bước chân cô nhấc lên, sau cái xuýt xoa khe khẽ vì đau tôi lại nghe cô gọi tên Mẹ Maria, lần đầu tiên trong đời đôi tai tôi thực sự được nghe một người gọi tên Mẹ tha thiết, thân thương, trìu mến đến thế. Tôi nghĩ ngay đến Nennolina (Antonietta Meo) của tôi, vị chân phước đáng yêu đáng kính sáu tuổi của tôi, người đã viết tên Mẹ tha thiết trong những bức thư của tình yêu mà lúc dịch những lá thư ấy tôi đã cố hình dung xem Nennolina của tôi đã gọi lên Chúa Giê-su và Mẹ Maria thế nào, bây giờ tôi nghĩ có lẽ là cũng thân thương như những tiếng thì thầm khe khẽ tôi đang nghe "Mẹ Maria... thân lạy Mẹ, con biết Mẹ không bỏ con, chân con đau quá, Mẹ ơi, xin Mẹ nâng đỡ cho con lên tới trên kia với cả đoàn..." Lời thân thưa của cô cùng với tiếng gió lùa khe khẽ trên những tán cây chảy qua tai tôi như một dòng suối khiến cả khoảng trời đầu hạ chói chang trên đầu như dịu lại.

Đền thờ Đức Mẹ uy nghi giữa ngọn đồi Bửu Châu lồng lộng gió. Tôi bước vào trong, chậm rãi đặt lên người tôi dấu Thánh giá trong khi mắt ngước nhìn bức tượng một người phụ nữ mặc áo trắng xinh đẹp đang bế trên tay một hài nhi với dòng chữ nổi màu vàng bên dưới "Các con chớ lo, này Mẹ con đây", ôi Đức Maria, lòng tôi tràn đầy an ủi. Tôi vẫn còn ngỡ ngàng và xúc động lắm, chưa biết mình phải đặt bước chân tiếp theo thế nào thì xung quanh tôi ai nấy khẩn trương và rất mực trang nghiêm. Những chồng ghế nhựa được chia ra, đều đặn theo từng lối. Tư trang tương đối cồng kềnh như túi xách, ba lô được đặt vào một góc. Tôi cũng đặt ba lô của mình xuống, cùng chồng và con gái theo mọi người vào hàng vào lối. Đằng kia, ba vị linh mục đang sửa soạn áo lễ, những chiếc áo, rồi rượu, bánh được lấy ra bày lên bàn dâng lễ.

Đúng mười một giờ, Thánh lễ bắt đầu. May mắn làm sao, tình cờ làm sao khi chúng tôi có mặt trên ngọn đồi này, trong đền thờ này đúng vào lúc Thánh lễ định trước của một đoàn hành hương từ Vũng Tàu bắt đầu. Lời Chúa hôm nay nói với chúng tôi rằng
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16-21)
Trải qua một chuyến đi dài bằng ô tô từ Vũng Tàu ra Đà Nẵng, nỗi nhọc nhằn của đường trường bụi bặm có lẽ đã lưu dấu đậm đà trên những gương mặt người thấm mệt và đặc biệt là trên những đôi chân nhức mỏi cần nghỉ ngơi sau khi leo không biết bao nhiêu bậc thềm từ dưới sân lên tới đỉnh đồi này giữa sức nóng của một ngày nắng ròng đầu hạ khiến cha giảng lễ xúc động mời gọi chúng tôi hướng về Con Một Thiên Chúa, về tình yêu Người đã trao ban cho chúng tôi bằng cái chết trần truồng trên Thập giá, một giá máu mà tôi có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được một cách trọn vẹn. Tôi thoáng nhìn ra bên ngoài, nhìn thăm thẳm vào khoảng nắng mông mênh vời vợi ngoài kia khi cha giảng lễ nhắc đến ngọn đồi Can-vê, nơi Chúa Giê-su đã cất từng bước với sức nặng của Thập giá trên vai trong nỗi đau mà một người bình thường như tôi cũng sẽ không bao giờ có thể hiểu được một cách trọn vẹn, tôi chỉ có thể nghĩ về điều đó, như tôi đang nghĩ lúc này, để giữa cuộc đời chật vật của mình tôi tìm thấy được những khoảnh khắc thấy tim mình thổn thức trong lồng ngực, thấy sống mũi mình cay lên, thấy thứ gì đó không phải là vật chất đang trào lên từ tim mình đi qua hơi thở và dẫn vào khóe mắt tôi, và cuối cùng để biết rằng Tình Yêu là điều có thật. Bây giờ tôi đang đứng giữa ngọn đồi Bửu Châu, tôi chợt nghĩ đồi Can-vê liệu sẽ cao đến chừng nào? Và liệu có một cái bậc cấp nào không?

Chỉ vừa lúc nãy thôi, trước khi gặp hình ảnh của Nennolina thương mến của lòng tôi nơi người cô lớn tuổi đau chân ấy, tôi còn cảm thấy việc leo lên đây mệt mỏi biết bao nhiêu khi cái khoảng không phía trước cứ như là bất tận. Ôi Chúa Giê-su, ôi Núi Sọ, ôi Mẹ Maria... Tôi thấy mình thật yếu đuối thật tủn mủn tắt mắt trong khi cuộc đời thì cứ rộng thênh. Những khó khăn tôi gặp phải trên đường đời, thậm chí vào lúc mệt nhoài vô vọng tôi đã có lúc phóng đại lên xem tất cả như thập giá của đời mình, xét cho cùng chỉ là những lo toan vặt vãnh không thoát khỏi vòng giá áo túi cơm, sinh tồn và hưởng thụ theo bản năng và thập giá cho tôi, nếu có, thì cũng chỉ là thứ mà tôi tự tạo ra cho chính mình vì tham vọng, vì kiêu hãnh hoặc là vì những nỗi sân si rất đỗi con người của tôi mà thôi. Tuyệt nhiên chẳng vì ai khác.

Thánh Lễ kết thúc khi bản Thánh ca cuối cùng vọng vang giữa ngọn đồi lồng lộng, tiếng hát cùng hương trầm tan vào gió, tan vào nắng để lại cho chúng tôi những khoảng sáng lấp lánh lưu dấu một ngày hè tuyệt đẹp. Chúng tôi tản ra xung quanh khám phá cảnh quang, mọi người háo hức chụp hình kỉ niệm. Nắng, nắng lắm, nắng chói mắt ai cũng nheo nheo ti hí nhưng không ai muốn ra về mà chưa có được chút gì gọi là lưu dấu với ngọn đồi Bửu Châu - nơi Đức Mẹ đã tỏ bày sức mạnh của tình yêu, đã ôm ấp che chở cho đàn con của mình trong cơn bách hại Đạo tàn khốc của làn sóng Văn Thân năm 1885.

Xa xa, làn khói đốt đồng dưới chân núi níu lấy ánh nhìn của tôi. Việc thu hoạch lúa có lẽ được tiến hành từ chân núi trở ra. Sát chân núi, vài ba khoảng ruộng đã được gặt in vào mắt tôi những mảng màu xám nhạt hoặc là vàng đất nhạt. Gần hơn là những mảng màu vàng xuộm, lúa đang chờ gặt. Gần hơn nữa là những mảng màu vàng lẫn vàng pha chút xanh. Cánh đồng chạy từ chân núi ra đến khu dân cư, nhìn từ ngọn đồi xuống những mái nhà đỏ ngói, đỏ nâu nhạt, đỏ cam chạy thành đường dích dắc bên cạnh những mái nhà xanh lam hay vàng nhạt hoặc có thể là những mái tôn ánh lên dưới nắng làm tôi ảo giác. Bên những mái nhà âu yếm lúp xúp dưới lũy tre, tôi nhìn thấy được cả sân phơi có lúa vàng rôm rả và những bóng người đi dưới các lùm cây. Có phải nơi đây, cánh đồng này, con đường này, lũy tre này năm xưa giáo dân Trà Kiệu đã đánh đuổi đội quân Văn Thân đông áp đảo? Cuộc bao vây giáo xứ Trà Kiệu diễn ra trong suốt hai mươi mốt ngày từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 21 tháng 9 năm 1885. Hai mốt ngày lịch sử ấy là hai mốt ngày mà tôi nghĩ cố Nhơn cùng những nữ tu và những người giáo dân Trà Kiệu khi ấy đã sống hết tất cả cảm xúc của một đời người, từ khi đồng loạt thả vũ khí xin được lãnh nhận bí tích cuối cùng để chết cho đến khi từng người, từng người một lấy được dũng khí để đấu tranh cho sinh mạng và đức tin của mình, chiến thắng cuối cùng đến với họ khi cái chết thực sự cận kề, họ có thể không chết vì đại bác hay gươm giáo mà chết vì đói sau hai mốt ngày bị vây chặt như bưng.

Từ đồi Bửu Châu, tôi nhìn ra tứ phía, không biết lũy tre nào là lũy tre năm xưa những người lính Văn Thân đã nhìn thấy đội quân con nít đông không đếm kịp tụt xuống như một sự lạ, cùng với việc họ đã thấy một người phụ nữ đẹp mặc đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ nhưng không thể nào bắn đại pháo trúng (ngoài một lần duy nhất nhưng không làm sụp đổ nhà thờ, cũng không giết cố Nhơn được) dù khoảng cách có khi chỉ thu lại còn tầm trăm mét. Còn biết bao nhiêu điều lạ lùng nữa đã được thuật lại và tất cả những sự lạ lùng ấy đều được thốt lên hoặc kể lại từ sự chứng kiến của quân lính Văn Thân, trong khi đó cố Nhơn cũng như các nữ tu và giáo dân Trà Kiệu thì không được thấy gì cả.

Họ đã không nhìn thấy gì cả nhưng họ tin, họ tin và họ phó thác tất cả trong tay Chúa và Mẹ. Trong mỗi bước họ đi, mỗi việc họ làm người ta đều có thể nghe thấy họ lầm bầm trong miệng và nghe rõ nhất ba từ Giê-su, Giu-se, Maria, người ta đã ghi lại rằng đó là khẩu hiện tiến lên của giáo dân Trà Kiệu. Từ khi Trà Kiệu bắt đầu bị bao vây, cố Nhơn đã đặt tượng Đức Mẹ giữa nhà cùng hai cây nến hai bên làm bàn thờ ngày đêm cầu nguyện. Những lúc phải giao tranh, tất cả những người không thể tham gia tập trung nhau lại, quây quần bên chân Mẹ đọc kinh lần chuỗi nài xin Mẹ. Bao nhiêu nước mắt của những người tín đồ đáng thương đã đổ xuống dưới chân Mẹ. Tôi ngắm những lũy tre xanh rậm rì đuôi cong vút thấy đồng hiện trước mắt mình một cảnh thê lương, một nỗi hận thù, một sự bạo tàn đến rợn người. Có những chuyện tôi cứ tưởng chỉ xảy đâu đó thật xa trong dòng thời gian, trong một nền văn hóa xa lạ như kiểu chúng chỉ có trong Kinh Thánh mà thôi nhưng không ngờ chúng đã xảy ra trên quê hương đất Việt của tôi, ở một cộng đồng chung chia tiếng mẹ đẻ với tôi, và ở một nơi mà vết tích vẫn còn đây, lưu dấu rành rành. Ôi, những người Ki-tô hữu đáng kính của tôi, ôi người Việt của tôi.

Nếu chỉ nghe kể vắn tắt mà không thực sự đi vào chi tiết, tôi có lẽ không thể nào hình dung được sự khủng khiếp của những ngày tháng ấy, khi một bên thì sẵn sàng dùng voi chiến để san bằng Trà Kiệu, một bên thì không có gì hơn ngoài trí khôn và lòng tin. Tôi không dám nói rằng họ đầy dũng khí như kiểu một chiến binh coi việc chết với vũ khí trên tay là vinh quang, không, họ chỉ là những người dân bình thường thèm một bữa cơm bình thường, lúc sợ hãi thì khóc lóc đến thấu trời. Cái dũng khí mà họ có được tôi nghĩ là vì họ tin. Khi lòng tràn đầy tin tưởng, trí khôn cũng được mở ra thêm.

Gió lùa tóc tôi bay, gió rộn ràng lật tung từng mảng lá bên cạnh tôi. Những linh hồn xưa ấy giờ đây có lẽ đã ngủ yên trong Chúa như trong lời cầu nguyện xin "cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi" của chúng tôi lúc nãy. Những người đàn ông kham khổ, những người phụ nữ thiếu ăn, những người nữ tu xác xơ ốm yếu họ không bao giờ thức dậy nữa nhưng bằng cách nào đó họ vẫn sống và đang dạy tôi về đức tin, đức cậy, đức mến của một người Ki-tô hữu.

Những người hành hương đã xuống đồi gần hết, chỉ còn ba chúng tôi và thêm vài người nữa. Chồng tôi chỉ vào một cái giếng bảo tôi hãy đến lấy nước ở đó, hình như ai cũng uống một ngụm và rửa sạch bụi đường trên mặt với một niềm tin đơn sơ vui vẻ rằng nguồn nước ở đây có thể chữa lành cho những vết thương có thể nhìn thấy hay không thể nhìn thấy của chúng tôi. Ngay cạnh giếng là tượng của Thánh cả Giu-se và Mẹ Maria. Lúc tôi lúi húi tận hưởng gàu nước vừa múc từ dưới giếng lên tôi nghe thấy những tiếng thì thầm rất khẽ. Ngước lên, tôi bắt gặp tấm lưng cong cong của một người phụ nữ lớn tuổi, nội tôi năm nay hơn chín mươi rồi, bà chắc cũng đã ngoài tám mươi. Tôi nhìn nghiêng cái vóc dáng bé nhỏ ấy thấy đôi tay gân guốc như chùm rễ cây khô đang nắm lấy bàn tay Đức Mẹ. Tôi cũng muốn được nắm lấy bàn tay của Mẹ như bà vậy nên tôi không vội đi mà nấn ná đứng chờ. Tôi chờ rất lâu, bà trò chuyện cùng Mẹ, nhỏ nhẹ dịu dàng và bình yên quá đỗi. Bà nói những chuyện gì, tôi chẳng biết nhưng thỉnh thoảng tôi nghe thấy hai tiếng "nha Mẹ, nha Mẹ..." đầy xúc động. Lúc bà nói chuyện xong và đi lướt qua tôi, bà nhìn tôi khẽ cười một thoáng, khẽ chạm vào mắt tôi một thoáng. Ôi, đôi mắt của một người tín hữu chân thành tôi sẽ không muốn mình quên, đôi mắt hồn nhiên đôi mắt thật đẹp. Tôi tự vấn không biết liệu tôi có sống được cho đến ngày già đi như bà và liệu tôi có biết cậy trông có biết chuyện trò với Đức Mẹ như bà và đôi mắt, liệu đôi mắt tôi khi ấy có còn được nét nào hồn nhiên thanh thản?

Chúng tôi về lại sân nhà thờ, nắng đã vàng hươm và giòn giã. Yên xe nóng như rang dù chúng tôi đã đậy chiếc áo choàng ngoài che nắng. Cô chủ quán bảo chúng tôi là cô đã cố gắng đẩy chiếc xe đến sát bên tường nhưng mặt trời đứng bóng, bức tường không che cho con xe được.

"Thôi, vào trong làm ly nước cho mát qua đứng bóng rồi về."

Tôi đang nghĩ miên man điều gì đó nên hơi mất tập trung. Cô sợ tôi hiểu lầm nên giải thích nếu tôi không muốn thì cứ về tự nhiên, ở đây cô chỉ giữ xe hộ thôi và tôi không cần phải vào uống nước như một kiểu "trả công". Chúng tôi vào trong, anh chủ quán bật quạt, chặt trái dừa xanh rồi đem ra cho chúng tôi thêm ca nước đá cùng ba cái ly. Tôi nhìn lên, mái hiên bằng tôn thế này mà mát thật, gió phả vào người mát đến phê pha khi ngụm nước dừa tươi len qua cuống họng. Quán bán nước dừa, nước ngọt thêm mấy món bánh kẹo và thức ăn nhẹ. Giữa quán dựng một cái kệ nhỏ, trên kệ bày chuỗi hạt Mân Côi, một vài ảnh tượng, dây chuyền, lắc, vòng... Tôi ngắm qua một lượt, thích thú. Bất chợt tôi muốn có một món gì đó nhưng không dám lại gần xem, chỉ nhìn lén lút. Lén lút vì sợ nhỡ cô bé tám tuổi đang ngồi đối diện tôi mà phát hiện ra cái kệ chưng đồ lưu niệm hấp dẫn ấy thì phiền cho tôi lắm. Tôi nhìn một lúc rồi thôi, không mơ mộng nữa.

"Nè, để cho xem, đẹp lắm."

Anh chủ quán mở điện thoại cho chúng tôi xem một loạt hình anh chụp nhà thờ, nhà nguyện, đường lên đồi từ những góc hình đẹp mà anh khám phá ra.

"Mới chụp hồi sáng đó."

Anh lướt qua mấy tấm hình nữa rồi bảo.

"Mấy tấm này là hôm qua."

Ồ, tôi phát hiện ra anh thích chụp ảnh, thích trên mức bình thường hoặc là anh thích nơi này, từng góc một. Lướt qua album của anh, tôi hình dung được niềm vui của anh khi mỗi ngày chọn một góc, lưu một tấm hình. Thật hạnh phúc khi có được những việc dù ngày nào cũng làm nhưng chẳng bao giờ thấy chán. Anh bảo chúng tôi uống nước đi rồi ra kia anh chụp ảnh cho. Tôi tưởng đâu anh nói vậy thôi chứ nắng nôi thế kia, anh ngồi trong này hút thuốc nghe nhạc cũng thích hơn chứ, nhưng anh hào hứng chụp hình cho chúng tôi còn hơn cả tôi nữa. Chúng tôi ba người hiếm có khi nào được ai chụp hình cho, vậy mà giờ được hẳn một "nhiếp ảnh gia" theo sát bên. Anh đã chọn sẵn trong đầu anh các góc mà chúng tôi sẽ đứng, góc nào chỉ dành cho mình tôi, góc nào chỉ dành cho con gái tôi, góc nào thì tôi và chồng, góc nào thì cả ba người... Cứ thế, chúng tôi chỉ việc đứng vào mỉm cười hoặc nắm tay, đặt tay như anh chỉ dẫn và tạch, tạch... ra không biết bao nhiêu là ảnh. Dĩ nhiên là ảnh trên điện thoại của chúng tôi thôi. Anh cẩn thận mở lại từng tấm cho chúng tôi xem. Nhìn tác phong của anh, nhớ lại cảnh lúc anh sắp xếp chỗ đứng và chỉnh góc nghiêng gương mặt của ba chúng tôi, tôi thốt lên.

"Anh có làm nghề chụp ảnh không? Sao em thấy anh giống mấy người thợ chụp ảnh quá, lành nghề luôn ấy."

Anh cười tươi như nắng.

"Thì anh là thợ mà, anh chụp ảnh cho khách hành hương ở đây chứ đâu. Nhưng mà hồi xưa thôi, chừ người ta chỉ chụp điện thoại."

Té ra vì thế mà giờ anh trở thành người chụp ảnh giúp nhiệt tình, dễ mến. Hi vọng lần sau chúng tôi về đây sẽ vẫn gặp anh trong quán nước nhỏ đằng kia. Anh có tạng người gầy, da ngăm, lanh lợi, rắn rỏi, nụ cười rộng rãi thân thiện. Tôi không đoán được tuổi anh. Tôi nghĩ là nếu gặp lại tôi sẽ nhận ra anh ngay thôi nhưng anh thì chắc chẳng thể nào nhớ được chúng tôi giữa ngàn vạn khách hành hương mỗi năm. Chúng tôi vừa đi vừa bình phẩm khá lâu dưới hàng me tây cổ thụ. Lá me rì rào từng bóng nắng nhảy trên đầu, trên tay đùa giỡn.

"Mấy cây này chắc lâu đời lắm", tôi buột miệng.

"Lâu chớ. Xưa giờ rồi. Xưa lắm."

Rồi anh chỉ tay ra phía nhà thờ, chỉ vào những tảng đá lớn, cây hoa sứ, bậc thềm xa xa, tất cả đều xưa lắm. Tôi hiểu xưa là từ sau biến cố ấy và xưa là anh sinh ra, lớn lên đã thấy. Tôi nhớ, có một lần nhà thơ Lê Đình Bảng kể với tôi về những chuyến hành hương dọc theo mảnh đất hình chữ S này. Bác đã ngồi đâu đây, dưới những gốc cây me tây này để chiêm niệm và viết bài Tháng 5 Chúng Con Về Trà Kiệu mà tôi ấn tượng với mấy câu sau:

"...Mỗi bậc tầng đều ngồn ngộn sinh sôi
Mỗi bước chân như chạm vào tâm thức

Bởi lịch sử là một điều có thực
Đâu phải hoang đường, thành cháy vạ lây
Trăm năm rồi, Mẹ hóa đá xanh cây
Để chia sẻ đến tận cùng đau khổ..."

(Tháng 5 Chúng Con Về Trà Kiệu, Lê Đình Bảng)


Vài ngày nữa thôi là bước vào tháng Hoa rồi, tháng mà mọi tín đồ Công Giáo hướng về Mẹ lần chuỗi, đọc kinh và cả lễ hội cung nghinh nữa.

"Ngày 31/5 ở đây chắc đông lắm anh nhỉ?", tôi hỏi, biết câu hỏi của mình thừa.

"Bắt đầu chuẩn bị rồi đây." Anh chỉ tôi xem những công việc trang hoàng vừa bắt đầu, đang ngổn ngang nên tôi không hình dung ra được. Anh chỉ qua bãi đất bên kia bảo những ngày ấy người đông kín lối, xe đỗ đầy từ trong kia ra tận ngoài này rồi cả ngoài đường nữa. Anh cứ chậc lưỡi vì không thể diễn tả cho tôi thấy cái sự "đông hết sức" ấy cụ thể là đông tới chừng nào, tôi hình dung ra người không là người. Trong ngày Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu người hành hương từ khắp nơi đổ về chứ không chỉ mình giáo giân giáo phận Đà Nẵng. Bao nhiêu trầm hương, bao nhiều sắc hoa, bao nhiêu thảo thơm dâng lên Mẹ, có lẽ như một đoạn khác mà tôi nhớ trong Tháng 5 Chúng Con Về Trà Kiệu.

"...Quỳ trước đền vàng, rực rỡ muôn hoa
Mỗi hương sắc, mỗi đàn ca, tiếng hát

Là buồn vui, xin kết thành tràng hạt
Là khói trầm hương, thơm thảo dâng lên..."

(Tháng 5 Chúng Con Về Trà Kiệu, Lê Đình Bảng)


Anh giục chúng tôi vào trong lên bậc thềm trên kia để anh chụp thêm vài tấm hình nữa, chồng và con gái tôi đã đi trước theo sau là anh, chỉ còn tôi nấn ná dưới gốc me tây. Tôi nhìn lên, bóng nắng vẫn đang chờn vờn đùa giỡn trong mắt tôi, gió dịu dàng, gió thả những chiếc lá me tây xoay xoay trên đầu tôi. Tôi tự hỏi có chiếc lá nào được thả xuống cho tôi, băng qua lịch sử?

Chúng tôi lại leo lên những bậc cấp lúc nãy để lên đồi. Cô bé tám tuổi của tôi thích leo cầu thang còn chồng tôi thì bảo tiếc quá không nỡ về, chỉ mới ở trên đồi được một lúc chưa lâu. Bao lâu thì là lâu giữa không gian ấy? Tôi chẳng biết nhưng tôi cũng leo lên lại. Lần này tôi bước thư thả, vừa đi vừa điều hòa nhịp thở chứ không ráng sức nhấc từng bước vội vàng rồi dừng lại thở hồng hộc như lần đầu nữa. Vừa đi vừa thở, lúc nãy tôi cũng có thôi thở đâu nhưng bây giờ tôi mới cảm nhận hơi thở của mình và nghe mùi nắng, mùi nắng ngai ngái đầu mùa. Mùi hoa sứ. Mùi hoa sứ dìu dịu thanh thanh. Mùi hoa sứ bình yên nhung nhớ. Tôi nhặt lên một bông xoay xoay trước cánh mũi, từng vòng xoáy nhỏ của thời gian. Nhiều năm rồi, lúc tôi còn bé, trước sân nhà của nội tôi, đối diện từ đường, lệch một góc nhỏ cũng có cây hoa sứ năm cánh trắng mịn màng với nhụy nhung vàng y chang thế này. Mùi hoa mùi nắng nâng bước chân tôi, nhẹ bâng, tôi đã lên đến đền thờ Đức Mẹ. Bây giờ là mùi hoa ly. Mùi hoa ly tinh khiết ngọt ngào. Mùi hoa ly dâng Mẹ của những đứa con của Mẹ, những đứa con đang còn lê đôi chân ba lần hăng hái bảy lần mỏi mệt giữa cuộc đời này. Tôi lại vào ngách nhỏ phía sau tượng Mẹ, đặt tay vào chỗ mà bao nhiêu người trước tôi đã và in hằn theo thời gian. Tôi không thưa gì thêm với Mẹ, tôi chỉ muốn đọc bài kinh mà tôi đã thuộc, kinh Kính Mừng. Bàn tay tôi chạm vào chỗ mà bao người đã chạm ấy, lòng dâng lên một nỗi xao xuyến dịu dàng, tôi đọc và đọc sai, trí nhớ tôi trong một giây nào đó bỗng dưng đi vắng. Tôi đành đọc theo trái tim mình, có lẽ vụng về, có lẽ kỳ cục nhưng, có lẽ Mẹ cũng hiểu.

Chỉ một thoáng sau, trí nhớ trở về, tôi lại đọc ra thành lời "Kính mừng Maria đầy ơn phước..." Tôi ra ngoài sân, đi dọc theo bờ tường, đọc những tấm bia nhỏ ghi lời cảm tạ của các tín hữu đã xin và được ơn. Những tấm bia nối dài ra mãi, đọc được một lúc thì mắt bắt đầu nhảy như đom đóm. Vì nắng. Vì nhiều. Vì lại bồi hồi. Tôi ngồi xuống bên hiên. Gió thổi qua đầu nghe vi vút. Một đám mây lịch sử cũng vừa qua. Tôi chợt nghĩ, con người hôm nay không thể thay đổi điều gì trong lịch sử, chỉ có lịch sử đang dạy cho chúng ta điều gì. Đền thờ Đức Mẹ đây, ngay chỗ tôi đang ngồi, trên ngọn đồi Bửu Châu phưng phức ngày đầu hạ, và biến cố năm xưa khi giáo dân Trà Kiệu đánh bại quân Văn Thân trong một cuộc bao vây nhằm san bằng cả giáo xứ dạy tôi về tín thác và cũng dạy tôi về khoan dung, xóa bỏ hận thù, tha thứ và cầu nguyện. Sau khi thoát khỏi hiểm nguy, toàn thắng về mọi mặt, những làng lân cận đã đầu hàng và hứa không chi viện cho đội quân Văn Thân cũng như không còn phân chia lương giáo nữa, cố Nhơn đã tìm mọi cách để ngăn cản trước những hành vi trả thù có thể xảy ra bằng việc đưa ra các quy định cùng hình phạt nghiêm khắc với giáo dân nào phạm vào điều này. Chi cho bằng nỗi đau đớn uất hận khi chứng kiến cảnh người thân bị treo cổ ngay trước mắt mình, cố Nhơn hiểu cảm giác của nhiều giáo dân Trà Kiệu khi ấy, và có lẽ Ngài cũng đã không ít lần chịu đựng nỗi đau này nhưng trong tình yêu với Đức Ki-tô, Ngài muốn các giáo hữu của Ngài trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, chỉ có cách đó mới mang lại cho họ bình an đích thực. Lòng mênh mang như nắng, tôi chợt nghĩ ước gì mọi cuộc chiến đều có thể kết thúc bằng một hành động, một chủ trương nhân văn như thế và ước gì thứ mà mọi cuộc chiến để lại không phải là kiêu hãnh càng không phải là hận thù mà là tư liệu lịch sử, là bài học và là hàn gắn.

Đã đến lúc phải rời đồi Bửu Châu để về lại Đà Nẵng. Chúng tôi nhẩn nha trên từng bậc thềm đi xuống. Tôi nhặt thêm một bông sứ nữa, nhẩn nha nhẩn nha rồi dừng lại một lúc trước tấm bia màu đen có ghi câu.

"Hãy về nhà... và thuật lại mọi việc Chúa đã làm..." (Mc 5, 19)

L.H
Đà Nẵng, tháng 6 năm 2022