Lão Na Men-Tác giả: Marie Nho Nhỏ

VTCG
Đã quá lâu rồi lão Na Men không còn biết đến hương vị của yêu thương nó ấm áp như thế nào. Cái tên Na Men được dân làng định nghĩa là tay nát rượu, chuyên phá làng phá xóm. Thế giới quanh lão gói gọn trong trái tim bị xiềng xích tư bề, đôi hàng mi luôn luôn phải gượng mở, cố gắng tìm lấy một chút ánh sáng, một chút hi vọng cũng khó. NGUỒN:

Đã quá lâu rồi lão Na Men không còn biết đến hương vị của yêu thương nó ấm áp như thế nào. Cái tên Na Men được dân làng định nghĩa là tay nát rượu, chuyên phá làng phá xóm. Thế giới quanh lão gói gọn trong trái tim bị xiềng xích tư bề, đôi hàng mi luôn luôn phải gượng mở, cố gắng tìm lấy một chút ánh sáng, một chút hi vọng cũng khó.

Đến cả bà vợ, suốt đời cũng chưa nói được với lão lấy một câu nào hẳn hoi. Bà cứ âm thầm, bước chân lúc nào cũng nặng nề như phải mang cả thế giới theo vậy. Bà đã hi sinh chịu đựng để lấp đầy cái thế giới đầy ước mơ đã hòng tan biến của bà. Quanh quẩn nơi căn nhà ọp ẹp đã được xây dựng khá lâu, từ ngày bỏ móng thì thằng Út Cò chào đời. Thoáng một dạo mà nó đã có cả ba mụn con rồi ấy chứ. Nào ai hiểu thấu nỗi buồn của lão già đã trải qua bao sóng gió, bom đạn thời chiến rồi những lo toan thời bình và đến bây giờ... chỉ có mỗi ông bạn rượu là trung thành. Lúc nào tôi gặp lão cũng đang trong tình trạng mơ màng, nói luyên thuyên, có mỗi một câu đi vào lòng đất mà lão lải nhải không ngừng nghỉ đó là: "Ông nói thế thôi mà thấm phết đấy ." Đến mấy chú chó trong làng cứ thấy lão là sủa inh ỏi, vì bước chân lão chẳng giống ai, cứ dập dình "tiến một bước lại lùi hai bước".

Có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, cho tới khi lão gặp những con người chân thành, những người đối xử với lão như một con người và rồi tôi lại là kẻ bị thu phục bởi lão già khó hiểu này. Chuyện là tôi có cho các sơ một luống khoai lang nằm trên một cái ốc đảo ở giữa ao. Hôm đó bầu trời lại trong veo, những tia nắng chói chang xuyên vào từng kẽ lá cũng có thể chiên chín quả trứng. Những cơn gió Lào hào phóng, mang theo tất cả hơi nóng để cho đi. Thế mà những "chú ong thợ chăm chỉ của Chúa" vẫn miệt mài hăng say trong tâm tình cầu nguyện thật tình. Tôi chưa từng thấy ba người phụ nữ ở với nhau mà lại yên tĩnh đến lạ.

Điều này khiến tôi cũng phải giữ ý khi ngồi trên bờ đợi bà vợ đang đi đón thằng Cu Phỗng. Bất chợt, tiếng xe lạch cạch từ đằng xa xa hiền hiện lên trong tâm trí tôi hình ảnh của lão Na Men. "Lão già đi đâu giữa trưa nắng thế này?" Cái tuổi bảy mươi khiến lưng lão hơi lom khom, vẫn cái chai rượu quen thuộc nằm lắt léo ở giỏ xe, thấy tôi lão cũng mơ màng:

- " Ơ thằng Cu Cộ làm gì mà ngồi đây giữa trời nắng thế này, chân tay lấm lem thế kia?"

- Tôi trả lời "-Thế ông đang đi đâu thế kia? Không ở nhà nấu cơm cho bà à?"

- Lão trả lời: " Ông đi tìm mấy con chim bồ câu, sáng giờ không thấy chúng về ."

Vừa nói lão vừa dựng xe xuống tiến lại phía tôi. Nói xong lão hạ mông xuống ngay đám cỏ ven đường, tay không quên lôi "ông bạn thân" lại dốc bầu tâm sự. Lão làm một hơi như người vừa đã cơn khát sau một hồi vất vả. Không biết từ khi nào lão đã trở nên "Ma Men" thế này . Cái tên "Na Men" kia cũng là từ cái tên Na của lão đấy chứ, trong mắt mọi người lão chỉ được biết đến với tất cả cái tên của lão và không gì cả. Mấy bà sơ thấy người lạ cất tiếng chào nhẹ nhàng:

"- Chúng con chào ông ạ ."

Lão ta cũng đáp lại "- Lão chào mấy bà nhá. Mà trưa rồi nghỉ đi, cố làm gì, cố quá là quá cố đấy!"

Lão nói với cái giọng đặc trưng sặc hơi men, xong lão lại tiếp tục các "hủ tục" vòng vo khi gặp người lạ. Mấy bà sơ chưa biết lão như thế nào và lão cũng không biết đó là những người đi tu. Và tôi thiết nghĩ con người lão cũng chẳng biết sơ là gì đâu. Nhưng quả thực tôi đã sai, sai thậm tệ trước hiện thực tạt thẳng tôi một gáo nước lạnh .

- "Ông nói cho mày biết này, khổ trước sướng sau thế mới giàu. Ông mày đây cũng sống 70 năm rồi chứ ít gì nữa, mà chưa giàu được con ạ ."

Lão ta nói từng chữ một cách nhau cả mấy nốt nhạc đen, đảo phách liên tùng tục khiến tôi hết muốn nghe. Tôi thấy rõ cái nhíu mày, đôi mắt chằm chằm nhìn vào lão từ "những chú ong thợ" vốn âm thầm từ nãy tới giờ. Tôi lo lão sẽ tuôn ra một tràng giang đại hải làm người nghe cảm thấy bị xúc phạm, thế là tôi đành chặn lão ngay: "Đấy là các sơ đấy ông ."

Lão ta khựng lại, xuất thần mấy giây liền: "Sơ á! À ông xin lỗi các sơ nhá. Ông không biết. Tí nữa các sơ vào nhà lão chơi, ăn trưa luôn cùng ông bà ."

Mấy chú ong thợ bỗng chốc lại thành những chú chích bông tíu tít.

"- Nhà ông có gần đây không? Lát chúng con ghé qua."

Khuôn mặt lão trở nên rạng rỡ đến bất ngờ, lão vui vẻ kể chuyện đời lão. Thật bất ngờ! Lão cũng là một tân tòng. Tôi ấn tượng với câu nói của lão "- Ông vẫn nhớ ở trong lễ cưới ông đã nói thế này:

"Anh Phanxicô Na nguyện giữ lòng chung thuỷ với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu để yêu thương và trân trọng em mọi ngày suốt đời anh".

Bất giác sống lưng tôi lạnh ngắt. Một Kitô hữu mang danh "đạo gốc" như tôi đã bao giờ tôi ý thức lời hứa ấy hay chưa? Thế mà một lão nát rượu lại trân trọng lời hứa đó như vậy. Mấy bà sơ cũng bất ngờ, nhưng sao giật mình cho bằng tôi chứ".

- "Thế ông có thuộc kinh Lạy Cha không?" Một trong ba sơ hỏi lão. Đôi mắt lờ đờ, tay chân chập choạng, lão đang làm trò gì thế kia. Rất từ từ lão chuyển mình từ tư thế ngồi tán gẫu sang tư thế cầu nguyện của đầu gối, nhấc xuống chiếc mũ phớt ngả màu đất, đôi tay lão chắp lại. Vẫn cái giọng đặc trưng:

"Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen." Vừa đọc tay lão vừa làm theo như đứa trẻ hai tuổi đang tập nói. Tôi cố nhịn cười. Nhưng quay sang thấy các sơ đều chăm chú lắng nghe cách chân thành quá, tôi liền lấy lại vẻ lịch sự phải có. Cứ thế lão đọc xong kinh Lạy Cha và lão lại làm Dấu Thánh giá, đội mũ trở lại và lại ngồi bệt xuống. Có lẽ con Ma Men không cho phép lão quỳ lâu. Tôi chưa bao giờ thấy lão ta lành như lúc này. Và có lẽ cũng chưa ai có phúc như tôi để thấy điều này. Giờ tôi mới hiểu được rằng, cho dù một người có tệ đến đâu thì vẫn có một ánh sáng leo lét trong phòng tối của trái tim. Và sức mạnh của thứ ánh sáng đó thật lớn lao, nó đã đánh động con tim tôi, một con người đi lễ thường xuyên. Có mấy khi tôi dám tuyên xưng Đức Tin của tôi trước người lạ.

Tôi cũng thấy những câu hỏi lớn trong ánh mắt của "mấy chú ong thợ của Chúa", tôi thấy trong câu hỏi ngập ngừng e dè:

"Lâu rồi... ông có đi lễ không ạ?" Nếu có thì tôi cũng không bất ngờ như thế này. Có lẽ lão mang một nỗi khổ lớn, chẳng thể và chẳng muốn nói ra, lão chuyển chủ đề: "Vậy để ông về chuẩn bị cơm nước, lát các sơ làm xong thì sang nhà lão ăn cơm nhá."

Những chú chích bông kia như đã thấu hiểu con người này, tíu tít trả lời: " Dạ vâng ạ, ông về đi, lát chúng con vào thăm ông bà ."

Lão Na Men vịn tay vào bức tường hỏng dở để vực cơ thể dễ bị gió thổi bay của lão, gạt chân chống cách "phạch!", ném chai rượu vừa bị thiêu đốt cái " bịch!" vào chiếc giỏ xe đã mấy đời cháu lên lớp một của lão. Vẫn cái tư thế khom khom đổ về phía trước lão đạp những vòng bánh xe thật khó khăn, oằn èo, dập dình như có thể lao xuống ruộng bất cứ lúc nào. Quả là một ngày ý nghĩa, tôi đã được chứng kiến "những con người" đúng nghĩa nói chuyện với nhau, chẳng còn cách trở nữa, mọi thứ đều được hiểu bằng tình yêu.

Thấy ánh mắt biết cười của các sơ tôi lại cảm thấy xấu hổ. Đã bao năm tôi sống cạnh lão nhưng chưa một lần tôi hiểu cho nỗi khổ của lão. Cái khổ khiến con người ta càng xấu xa hơn. Kể từ ngày hôm đó tôi thấy lão dễ thương hơn. Tôi đã từng nghĩ không biết lão Na Men mà không say thì sẽ trông như thế nào nhỉ? Và bây giờ ý nghĩ đó đã được trả lời. Ông lão trở nên nhân từ hơn, mỗi lần chở thằng Cu Phỗng đi học qua, lão đều cười nói và cho nó vài chiếc kẹo nhỏ. Không biết từ khi nào tôi đã mất đi cái thói quen nghe lão chửi bới tứ tung. Cả bà Na cũng trở nên dễ mến hơn.

Cuối cùng mọi thứ trở về quỹ đạo của nó vốn phải thế. Thỉnh thoảng tôi lại thấy ngôi nhà ọp ẹp ấy lại nhộn nhịp những tiếng cười, ngó sang tôi lại thấy mấy bà sơ hôm bữa tới thăm ông lão. Ông vẫn chưa đi lễ nhưng cứ chiều đến ông lão lại mang ghế ra đầu ngõ nghe Thánh Lễ và có vẻ như... Lão đã Thấy Chúa trong cuộc đời.

Marie Nho Nhỏ