Những tư tưởng đổi mới mang tính cách mạng của Giáo lý Kitô Giáo - Tác giả: M. Hạnh Tử

Lan Mary
Mặc dù luôn có những ý kiến phê bình và chỉ trích Kitô Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, và cả những sai lầm cũng như chia rẽ đã xảy ra trong nội bộ tôn giáo này, người ta vẫn phải thừa nhận rằng, nền văn minh phương tây được xây dựng trên nền tảng Kitô Giáo với những tư tưởng mang tính cách mạng so với các nền văn minh thời sơ khai và các tư tưởng thời ấy. NGUỒN:

Mặc dù luôn có những ý kiến phê bình và chỉ trích Kitô Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, và cả những sai lầm cũng như chia rẽ đã xảy ra trong nội bộ tôn giáo này, người ta vẫn phải thừa nhận rằng, nền văn minh phương tây được xây dựng trên nền tảng Kitô Giáo với những tư tưởng mang tính cách mạng so với các nền văn minh thời sơ khai và các tư tưởng thời ấy.

Dưới đây là các tư tưởng mang tính cách mạng của Kitô Giáo bắt nguồn từ niềm tin vào Thiên Chúa và sự soi sáng của Kinh Thánh.

1. Khẳng định phẩm giá của thân xác con người cũng như sự hiệp nhất của hồn và xác.


Trong khi tư tưởng và quan niệm của các nền văn hóa cổ đại hoặc sẽ đồng hóa con người với thần linh (ấn độ giáo hay tôn giáo tự nhiên của ai cập); hoặc xem thân xác chỉ là ảo ảnh chứ không thật sự và là nhà tù giam giữ linh hồn (Platon). Thì giáo lý Công Giáo xác tín và khẳng định rằng, con người được Thiên Chúa dựng nên và là đền thờ của Chúa Thánh Thần; linh hồn và xác hiệp nhất trong một con người duy nhất. Và vì thân xác hiệp nhất với linh hồn, nên con người là một sinh vật độc đáo nhất và tự do nhất. Tự thâm sâu cõi lòng, dường như con người ý thức rằng cuộc đời họ là một hành trình duy nhất và do đó họ được thúc đẩy hướng tới chân thiện mỹ, tới sự hoàn hảo với một khao khát không ngơi nghỉ hướng về siêu việt.

2. Tôn trọng thân xác con người.


Xưa kia, trong khi trong các nền văn hóa khác cùng thời xem việc phá thai là được phép, việc hiến tế trẻ em/trinh nữ cho thần linh là bình thường; cùng với đó là tư tưởng coi khinh thân xác vì thân xác giam hãm linh hồn, thì Kitô giáo tin nhận Thiên Chúa là chủ thể của sự sống. Thế nên, Kitô Giáo cấm tuyệt đối giết người vô cớ đặc biệt là phá thai hay dùng con người làm lễ vật hiến tế cho thần linh. Cùng với đó, Kitô Giáo khởi đầu cho chủ trương giải phóng nô lệ bằng cách kêu gọi tôn trọng nô lệ bởi họ cũng là con người và hình ảnh Thiên Chúa; kêu gọi các tín hữu mua hay chuộc người nô lệ rồi trả tự do cho họ. Rồi khi làn sóng mua bán người da đen làm nô lệ xảy ra ở các nước phương tây, chính Hội Thánh đã lên tiếng đầu tiên kêu gọi dẹp bỏ. Chẳng hạn ngày 20/12/1741, Đức Benedicto XIV ra sắc lệnh cấm bắt người bản địa châu Mỹ (da đỏ) làm nô lệ và phạt vạ tuyệt thông kẻ mua bán nô lệ. Sau cùng, vì nhìn nhận thân xác con người là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên trong đạo Kitô Giáo, người qua đời được chôn cất một cách cẩn thận với sự tôn kính đi kèm với nghi thức phụng vụ.

3. Con người là trọng tâm của ơn cứu độ.


Vì con người sa ngã mà Con Thiên Chúa phải nhập thể để cứu thế. Và do đó con người là trung tâm của chương trình cứu độ. Không những thế, con người trở thành đối tượng trung tâm của mọi hoạt động xã hội cũng như tôn giáo. Mọi nền văn minh và mọi thể chế đều cần hướng đến lợi ích của con người. Tuy nhiên, con người đồng thời cần ra khỏi mình để đặt Thiên Chúa và tha nhân làm trung tâm của đức tin và đức ái. Ở đây có sự hoán đổi vị trí của con người nhưng không làm giảm phẩm giá, trái lại nâng cao phẩm giá con người.

4. Tự do hôn nhân.


Trong khi trong các nền văn hóa thời xưa, việc kết hôn là do cha mẹ định đoạt thậm chí từ khi đứa bé chưa sinh ra. Các bé gái càng đặc biệt không có tự do chọn lựa trong hôn hôn nhân. Tình trạng tảo hôn và các hủ tục rất phổ biến tới mức được xem là bình thường. Trái lại, Giáo lý Công Giáo đặt yếu tố tự do trong hôn phối làm nền tảng của bí tích này. Giáo dân được dạy dỗ để loại bỏ kiểu hôn nhân truyền thống (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy), và nếu xảy ra tình trạng này trong đạo thì có thể giải gỡ hôn phối nếu được đề nghị.

5. Nâng cao phẩm giá của phụ nữ.


Chính trong Kitô Giáo mà phẩm giá phụ nữ được nâng cao và bình đăng hơn rất nhiều so với các nền văn hóa cùng thời kì. Việc tôn kính Đức Mẹ và các thánh nữ là dấu chỉ rõ nét cho điều này. Trong khi các nền văn minh thời xưa hầu hết đều xem thường phụ nữ, xem phụ nữ chỉ là tài sản hoặc là tôi tớ hay nô lệ, thì trái lại, Kitô Giáo xác tín rằng trong Đức Kitô và nhờ công nghiệp cứu độ của Ngài, mọi người trở nên bình đẳng và hiệp nhất, không còn phân biệt đàn ông hay đàn bà. Về vấn đề chỉ người nam mới được nhận chức thánh trong đạo Công Giáo không nên bị hiểu là sự phân biệt nam nữ. Vì giả như đây chỉ là vấn đề ý thức hệ, thì chắc chắn Chính Thống và Công Giáo đã loại bở từ lâu bởi như đã nói, Kitô Giáo thường đi đầu trong việc nêu lên các triết lý đổi mới. Ở điểm này, Chính Thống Giáo cũng như Công Giáo dựa vào Kinh Thánh và truyền thống ngàn đời của Hội Thánh để xác định rằng phong chức cho nam giới là ý muốn của Thiên Chúa. Đồng thời, Hội Thánh không xem chức linh mục như quyền bính thế tục thông thường mà là chức thánh để phục vụ.

6. Tự do bầu cử không cần ứng cử viên.


Đây là một điều cực kì mới mẻ. Chỉ duy nhất trong Kitô Giáo mới có việc bầu cử (bầu giáo hoàng, giám mục và các bề trên dòng tu) mà không có các ứng cử viên được giới thiệu và chọn lựa trước. Trong khi ở ngoài xã hội và các thể chế, người ta giới thiệu các ứng cử viên để cử tri bầu, thậm chí các ứng cử viên phải đi vận động bầu phiếu để cử tri ủng hộ và bỏ phiếu cho họ, thì trong Công Giáo thì cử tri được tự do chọn bỏ phiếu theo lương tâm dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hình thức bầu cử cực kì dân chủ này diễn tả niềm tin vào sự chọn lựa và ý định của Thiên Chúa. Ý định và chọn lựa của Ngài rất khác với quan điểm của con người. Câu chuyện ông Samuel được sai đi chọn David làm vua dân Israel thay cho vua Saul mà một ví dụ điển hình. Khi lần lượt nhìn thấy 6 người con trai của ông Giêsê, ông Samuel đều nghĩ rằng đó là người phù hợp. Nhưng Thiên Chúa lại chọn cậu bé David, vì
" Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng." (1Sml 16,7).


Tóm lại, sáu điểm trên đây được các nhà tư tưởng xem là khác biệt nổi bật và đồng thời mang tính đột phá của Kitô Giáo so với các quan niệm xã hội và các nền văn minh cùng thời. Một sự thật được nhìn nhận là dù trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta ngày càng xa rời đức tin Kitô, nhưng tư tưởng nhân sinh và triết học của Kitô Giáo vẫn luôn được đón nhận và là một phần quan trọng trong nỗ lực phát triển và bảo vệ phẩm giá con người.

M. Hạnh Tử