Tưởng nhớ và tiễn biệt linh mục Biển Đức Nguyễn Văn Nghĩa. OCist, một con người ''biết mình biết người'' - Tác giả: M. Hạnh Tử

Lan Mary
Điều tôi đặc biệt ấn tượng nơi cha đó là sự kiên trì nhẫn nhịn và biết mình biết người. Trong cương vị là phó bề trên cộng đoàn và giám đốc ban giáo dục của Hội Dòng, cha đã gặp khá nhiều khó khăn và đôi khi cả những phản ứng tiêu cực, nhất là khi quyết định của cha khiến một số người không hài lòng, nhưng cha đã kiên trì chịu đựng và đối mặt. Sự kiên trì chịu khó còn thể hiện qua nếp sống giản dị và sự nhiệt tình tham gia lao động chân tay. Dù là một phó bề trên và giáo sư, nhưng khi hoàn cảnh cho phép (và rất thường xuyên), cha đã xắn tay áo ra vườn cuốc đất, trồng rau hay tưới cây như mọi anh em khác. NGUỒN:

Tối ngày 5 tháng 9 năm 2022, cha Biển Đức Nguyễn Văn Nghĩa, đan sĩ linh mục của Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Sơn, đã an nghỉ trong Chúa sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư gan. Căn bệnh hiểm ác đã khiến cơ thể ngài suy nhược và tàn tạ tới mức khó nhận ra nếu so sánh với hình ảnh của ngài khi còn khỏe mạnh.

Cha được Chúa gọi về đúng vào ngày kỷ niệm 25 năm linh mục (5/9/1997 – 5/9/2022) và có thể xem đó như dấu chỉ của sự kết thúc viên mãn cuộc đời đan sĩ và linh mục của cha, tương tự như lời Chúa Giêsu nói trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19,30).

Trước sự ra đi của cha, Cộng Đoàn và cá nhân tôi đều rất thương tiếc. Dù rằng lúc này đối với cha cái chết là một sự giải thoát khỏi đau đớn thể xác, nhưng xét về tuổi đời cũng như khả năng phục vụ thì nếu như còn khỏe mạnh, cha vẫn còn sinh nhiều lợi ích cho cộng đoàn và Hội Thánh. Sự thương tiếc này gợi lên trong lòng tôi một vài ấn tượng và ký ức về cha.

Tôi may mắn được là học trò của cha cả trong học viện của Hội Dòng, lẫn trong Cộng Đoàn bởi ngài vừa là phó bề trên kiêm trưởng ban học vụ của Đan Viện Phước Sơn. Ngài đã dạy bảo và chia sẻ cho tôi rất nhiều điều, cả kiến thức lý thuyết lẫn những bài học thiêng liêng và tu đức. Tôi sẽ còn nhớ mãi chất giọng khàn khàn của ngài, cũng như sự tếu táo giúp ngài biết hài hước với chính những khuyết điểm bản thân. Chẳng hạn như ngài gặp vấn đề về thính giác và chỉ có thể nghe rõ bên tai phải, còn tai trái thì không. Ngài đã có lần nói đùa về điều này rằng: "Mình là người công chính, phải thì mới nghe, trái thì không nghe!".

Ngài đặc biệt giỏi toán, có khả năng làm toán và tính nhẩm rất nhanh. Ngài từng kể tôi nghe rằng thời đi học và cả sau này khi làm việc (quản lý nhà dòng), ngài không cần phải dùng đến máy tính để tính toán cộng, trừ, nhân, chia. Và không biết có phải người giỏi toán thì cũng giỏi lập luận hay không, bởi cha là giáo sư môn Logic học, môn học đòi hỏi sự chính xác và thuyết phục trong lập luận. Kèm theo đó các bài giảng lễ, giảng tĩnh tâm hay huấn từ của cha cũng luôn được trình bày rất logic.

Điều tôi đặc biệt ấn tượng nơi cha đó là sự kiên trì nhẫn nhịn và biết mình biết người. Trong cương vị là phó bề trên cộng đoàn và giám đốc ban giáo dục của Hội Dòng, cha đã gặp khá nhiều khó khăn và đôi khi cả những phản ứng tiêu cực, nhất là khi quyết định của cha khiến một số người không hài lòng, nhưng cha đã kiên trì chịu đựng và đối mặt. Sự kiên trì chịu khó còn thể hiện qua nếp sống giản dị và sự nhiệt tình tham gia lao động chân tay. Dù là một phó bề trên và giáo sư, nhưng khi hoàn cảnh cho phép (và rất thường xuyên), cha đã xắn tay áo ra vườn cuốc đất, trồng rau hay tưới cây như mọi anh em khác.

Cha "biết mình biết người" khi nhìn nhận giới hạn của bản thân để từ chối vị trí bề trên của cộng đoàn. Tôi còn nhớ khi cha mới đi du học về, cha đã gây được ấn tượng mạnh và tích cực trong cộng đoàn qua đời sống tốt lành, sự tích cực trong công việc và cách giảng dạy thuyết phục của cha. Chính vì vậy mà khi bề trên lúc bấy giờ chuẩn bị mãn nhiệm, cha đã nổi lên như là một ứng cử viên nặng ký cho chức vụ viện phụ của đan viện. Thật đáng ngạc nhiên cha luôn luôn tránh né khi có ai đề cập đến điều này. Thậm chí, có khi cha còn trình bày cụ thể lý do không nên chọn cha làm bề trên, bởi cha không có khả năng điều hành. Cha xác tín rằng ngài chỉ phù hợp với vị trí cộng tác viên, cố vấn hỗ trợ bề trên chứ không có khả năng tổ chức và điều hành của một người lãnh đạo. Trong những cuộc nói chuyện ngoài lề hay chính thức, cha luôn luôn thú nhận giới hạn đó và khuyên cộng đoàn đừng bầu cho ngài. Ngài nói: "Không ai biết rõ mình bằng bản thân mình đâu, mình không phù hợp hay đúng hơn là không có khả năng làm lãnh đạo. Anh em đừng bầu cho mình, mình không dám nhận đâu".

Mặc dù đã hết lời rào trước đón sau như vậy, nhưng tới ngày bầu chọn bề trên mới, cha vẫn là một trong hai ứng cử viên được nhiều phiếu bầu nhất cho tới vòng áp chót. Sau khi cuộc bầu chọn kết thúc và "bị thất bại", cha không những không nuối tiếc mà trái lại còn hài lòng và vui vẻ trách móc anh em: "Mình đã nói với anh em nhiều lần là mình không phù hợp cho cương vị bề trên, vậy mà cứ ráng mà bỏ phiếu cho mình làm chi khiến cho cuộc bầu cử kéo dài không cần thiết".

Với cá nhân tôi, sự thú nhận của cha cho thấy cha thực sự biết mình biết người. Cha biết rõ khả năng của bản thân và không màng chức quyền đơn giản vì hiểu rằng đó là nhiệm vụ cha khó có thể chu toàn. Thái độ này của cha làm tôi nhớ đến câu chuyện của Đavit và Gionathan (hoàng tử con vua Saul). Đavit và Gionathan là đôi bạn thân, và dù Gionathan là hoàng tử có quyền nối ngôi vua cha, còn Đavit chỉ là bề tôi, nhưng Gionathan nhìn nhận tài năng của Đavit và nói: "Anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phụ tá cho anh"(1Sm 23,17). Chính sự khiêm tốn biết mình biết người này đã giúp cho tình bạn của Đavit và Gionathan khắn khít và tốt đẹp dù vua Saul đang ghen tị và tìm giết Đavit. Và đối với cha Biển Đức Nghĩa, tinh thần biết mình biết người này đã giúp cha tránh được ảo tưởng danh vọng quyền bính vượt quá khả năng và nhờ đó mà cha bình an và hăng say phục vụ trong theo đúng khả năng Chúa ban: Phó bề trên, giám đốc ban học vụ và giáo sư. Cha đã hết mình phục vụ cho tới khi bệnh tật đánh gục cha, khiến cha chịu nhiều mệt mỏi và đau đớn.

Ngày hôm nay cha đã được Chúa gọi về với 65 tuổi đời, 45 tuổi dòng và 25 tuổi linh mục. Cha đã chuẩn bị cho sự ra đi này từ vài năm nay trong sự phó thác và thanh thản, đúng như tinh thần biết mình biết người mà cha đã tâm niệm và đã sống. Nguyện xin Chúa, vì lòng nhân từ khoan dung, tha thứ những lỗi lầm thiếu sót cha còn vướng mắc, và ân thưởng cha như người tôi tớ trung tín và tài giỏi, bởi cha đã biết làm lợi từ nén bạc mà Chúa giao phó.

Xin cúi đầu tưởng nhớ và tiễn biệt cha, cũng như hiệp ý với cha hát lên bài Te Deum ca ngợi và cảm tạ tình thương của Chúa, "để nên lời ngợi ca cho hiển vinh Danh Ngài" (Ep 1,6). Amen

M. Hạnh Tử