“Thần Khúc” bất hủ của thi hào Dante qua kỳ công dịch thuật của linh mục Đình Chẩn - Tác giả: Paul Nguyễn Hoàng Đức

Lan Mary
Chúc mừng linh mục Đình Chẩn đã chọn và vác nổi thập giá này, là hân hạnh đặc biệt cho ông cũng như giáo hội Công Giáo Việt Nam. Cùng lúc ông đã vác trọn thập giá chữ nghĩa, ân sủng được chọn và vinh quang toả xuống từ thập giá này! NGUỒN:

( Bài viết tặng linh mục Đình Chẩn )

Trên thế giới chỉ có hơn chục trường ca thần học, dù hay hoặc dở, tức thì trường ca thần học được xếp hạng đỉnh luôn, như châu Á, không thể moi đâu ra một trường ca thần học, cho dù thi hào Tagore nổi tiếng như vậy nhưng cũng chưa có trường ca thần học, mà chính người đồng hương của ông, một tiền bối đi trước Sri Aurobindo đã viết trường ca thần học Savitri (sau đó đến tôi viết Ngước Lên Cao). Tất nhiên, khi viết trường ca thần học thì trình độ của các tác giả có nhấp nhô khác nhau, như văn hào Victor Hugo chẳng hạn, ông làm thơ mỗi buổi sáng như tập thể dục, có lẽ ông cũng viết trường ca thần học của mình trong tinh thần như thế...

Trường ca trực tiếp, có nghĩa là văn bản học hiện diện, Thần khúccủa đại thi hào Dante Aligheri THẦN KHÚC, rõ ràng là một đỉnh cao chót vót, bất khả sánh, không chỉ đạt tới hoả ngục và thiên đường, mà còn là cấu trúc chiều dọc chi tiết của nó.

Tất cả những tác phẩm đồ sộ được đánh giá cao thì phải chứa đựng tiêu chí học thuật kinh điển, chứ không thể là ba thứ cảm xúc sáng nắng chiều mưa, giống mấy bài thơ tức cảnh sinh tình của Á Đông hay Việt Nam, cứ tuỳ tiện hà hít suýt xoa, để rồi bốc hơi vô tăm tích hay à ơi ví dầu kiểu xẩm xoan nghê nga.

Thần học là đỉnh cao nhất trong nhận thức của con người. Triết gia tổ phụ Aristote nói: "Mọi ngành học của con người đều có đối tượng cụ thể, nhưng thần học bàn về Thượng Đế hay các thần thánh là đối tượng không bao giờ cụ thể, vì thế thần học là cao nhất." Thử hình dung, Thần Khúc là trường ca "Doanh trại khúc", người ta sẽ dẫn chúng ta qua các hành lang cụ thể, các phòng, các buồng... tất cả đều được xây dựng bằng vật liệu gạch hay đá, chỗ rẽ phải, chỗ qua trái... tất cả đều thực chứng cụ thể tai nghe mắt thấy... Nhưng nếu chúng ta lạc vào hoả ngục hay lên thiên đường, thì có tường vách hay đám mây nào cụ thể?!

Thi hào Dante đã viết Thần Khúc – chủ đề Thần học cao nhất, đặc biệt theo tinh thần cấu trúc của lý trí. Chúng ta nên nhớ, chỉ có lý trí mới tạo ra cấu trúc, còn cảm xúc nhỏ bé không bao giờ có khung vòm cấu trúc. Dante đã vẽ ra và dựng lên khúc thần thánh gồm ba tầng: Hoả ngục – Luyện ngục – Thiên Đàng. Chúng ta biết, không gian ba chiều: dài – rộng – sâu; Thời gian ba chiều: quá khứ - hiện tại – tương lai, và Thiên Chúa ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần... số 3 quan trọng và phổ quát đến mức, các thứ tiếng đếm 1 và 2... có thể khác nhau nhưng đến số 3: dường như qui về một gốc như: three (Anh), trois (Pháp), tri (Nga)... Tại sao? Chúng ta không rõ lý do, nhưng buộc phải ám ảnh: thế giới ba chiều, Thiên Chúa ba ngôi đã tạo ra số ba (trinity) đó (?!)

Có học trò hỏi Khổng Tử rằng "có ma không?" Họ Khổng đáp: "việc người còn chẳng biết, biết gì việc ma!" Có người liền bảo: Việc ma không biết sao ông đề cao Lễ, và lấy việc cúng ma làm đầu? Họ Khổng nín thinh.

Việc người còn chẳng biết! Triết gia Pháp Jean Paul Sartre viết: bạn hãy đặt bao diêm nhỏ bé sáu mặt xuống trước mặt, dù cố gắng thế nào bạn cũng chỉ nhìn thấy 3 mặt của nó. Đấy, việc bao diêm còn chẳng thấy hết, sao thấy hết việc người?

Vậy mà nhân vật của Thần Khúc đi lạc vào Hoả ngục, Luyện ngục rồi Thiên đường, sao có thể hình dung và vẽ lại muôn vàn cấu trúc rồi các diện mạo kỳ quái? Ở đây chúng ta bắt buộc gặp phải từ Mặc Khải, tiếng Pháp gọi là Devoiler. Đây là một từ ghép: Dé – tức phi nó (trường hợp này là vén lên), còn voil là tấm voan (vải). Mặc khải là từ Hán hoá nghe rất hay, nhưng nghĩa đen chỉ là vén màn, thường được dùng trong những gì huyền nhiệm, như: Chúa sẽ vén màn để thổ lộ cho con người việc này việc kia. Trong trường hợp cụ thể của Dante, nhiều người nói: Chúa đã mặc khải cho ông và chọn ông để viết về Thần Khúc, thấy được cả ba tầng hoả ngục lẫn thiên đường.

Dante viết Thần Khúc trong 14 năm, thì linh mục Đình Chẩn cũng đã dịch và biên soạn tác phẩm này qua tiếng Việt trong 14 năm. Đây không chỉ là kỳ công mang dấu ấn cả đời của Đình Chẩn mà còn của cả giáo hội Công Giáo Việt Nam. Nếu Chúa mặc khải cho Dante viết Thần Khúc thì Chúa cũng mặc khải cho Đình Chẩn dịch Thần Khúc sang tiếng Việt. Đây là một việc hy hữu Chúa chọn có khi trăm – ngàn năm mới có một lần và một người.


Năm 2012, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Công Giáo Hàn Mặc Tử, một nhóm thiện chí đã ra mắt bốn tập sách "Có một vườn thơ đạo" để kỷ niệm sự kiện này. Đức cha Hoàng Đức Oanh, một người khá thấu tỏ và bao quát đã viết đại ý: trong vài trăm năm gieo và truyền đạo tại Việt Nam, nhưng Ki-tô giáo, và cả các linh mục khó kiếm được ai viết được tiểu thuyết, thậm chí là truyện ngắn về tin mừng (hết ý trích).

Theo linh mục Đình Chẩn cho biết, trước ông, đã có sáu bản dịch của các dịch giả ngoài tôn giáo. Chỉ đến lượt ông bằng cố gắng của mình mới trở thành người ki-tô giáo đầu tiên, hơn thế là linh mục thực hiện bản dịch này như một thứ "con đẻ". Nếu như sáng tác trường ca thần học là cao nhất, vậy thì dịch trường ca thần học cũng khó nhất.

Chúc mừng linh mục Đình Chẩn đã chọn và vác nổi thập giá này, là hân hạnh đặc biệt cho ông cũng như giáo hội Công Giáo Việt Nam. Cùng lúc ông đã vác trọn thập giá chữ nghĩa, ân sủng được chọn và vinh quang toả xuống từ thập giá này!

Paul Nguyễn Hoàng Đức, 05/10/2022