Thắp lên ngọn lửa của yêu thương và khát vọng - Tác giả: Tuệ Mỹ

Lan Mary
Đời người bắt đầu từ tuổi trẻ nên rất có lý khi bài thơ bắt đầu từ việc thắp lửa trong "mắt trẻ thơ". Tuổi trẻ thường ấp ủ nhiều ước mơ, khát vọng và rất khát khao biến "ước vọng" thành hiện thực. Đương nhiên con đường biến ước mơ thành hiện thực thật không dễ chút nào. Đặt chân lên con đường này phải chấp nhận "rát bỏng" bởi "Nắng thắp lửa lên từng dấu chân nứt nẻ". "Nắng thắp lửa", đâu chỉ là lửa gian nan trên con đường thực hiện ước vọng mà đó còn là lửa ước mơ được thắp lên làm "Sáng bừng từng con mắt trẻ thơ" sáng soi, vẫy gọi dấu chân người tìm đến. Bởi thế, dẫu chân có "nứt nẻ" mà lòng vẫn "hăm hở trời xa".
NGUỒN:

CỐ THI SĨ NGUYỄN THANH XUÂN ƠI!
MÌNH YÊU THƯƠNG BẠN VÔ CÙNG.


Cánh đồng vừa thắp lên những ngọn lửa xanh...

Dưới đây là bài bình thơ của nhà giáo Tuệ Mỹ.

Từ mây ngàn xa xăm, bạn hãy bàng bạc phiêu du về thăm trang FB của mình nhé.


THẮP LÊN NGỌN LỬA CỦA YÊU THƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG.

(Đọc bài thơ "Thắp lửa" của Nguyễn Thanh Xuân)

THẮP LỬA


Rát bỏng mặt đường quê lem luốc
Nắng thắp lửa lên từng dấu chân nứt nẻ
Hăm hở trời xa
Trái tim ủ thầm ước vọng
Sáng bừng từng con mắt trẻ thơ.

Cha đốt đời mình trong nhọc nhằn lam lũ
Những ngọn lửa tượng hình những giọt mồ hôi
Nồng cháy tàn tro bón đất ân tình
Giấc mơ xanh đâm chồi nảy lộc

Mẹ thắp đêm lên những ngọn đèn
Ánh lửa cong thành dấu hỏi
Những mong cuộc đời lành lặn
Chắp vá lặng thầm bằng mũi chỉ đường kim
Những ngọn lửa liếm mép bên nồi khoai sắn
Thơm nức lòng trang vở học bài thi

Cánh đồng vừa thắp lên những ngọn lửa xanh
Rập rờn cơn gió thênh thang
Lách tách reo lòng trĩu hạt
Gã mục đồng mải mê thổi sáo
Thắp ngọn lửa vàng hình nốt nhạc
Âm âm khúc đồng vọng quê nhà...

Nguyễn Thanh Xuân


Lời bình:


"Lửa" xuất hiện trong văn chương mang nhiều ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Riêng "Lửa" trong bài thơ Thắp lửa của Nguyễn Thanh Xuân biểu trưng cho sự sống, tình yêu, niềm tin và khát vọng...Hình tượng "Lửa" cùng với trường liên tưởng của nó hiện diện xuyên suốt bài thơ. Đối tượng thắp lửa ở mỗi đoạn thơ khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh ý nghĩa biểu trưng đó.

Đời người bắt đầu từ tuổi trẻ nên rất có lý khi bài thơ bắt đầu từ việc thắp lửa trong "mắt trẻ thơ". Tuổi trẻ thường ấp ủ nhiều ước mơ, khát vọng và rất khát khao biến "ước vọng" thành hiện thực. Đương nhiên con đường biến ước mơ thành hiện thực thật không dễ chút nào. Đặt chân lên con đường này phải chấp nhận "rát bỏng" bởi "Nắng thắp lửa lên từng dấu chân nứt nẻ". "Nắng thắp lửa", đâu chỉ là lửa gian nan trên con đường thực hiện ước vọng mà đó còn là lửa ước mơ được thắp lên làm "Sáng bừng từng con mắt trẻ thơ" sáng soi, vẫy gọi dấu chân người tìm đến. Bởi thế, dẫu chân có "nứt nẻ" mà lòng vẫn "hăm hở trời xa".

Nếu con thắp lửa ước mơ thì cha thắp lên sự sống. Để thắp lửa, cha phải "đốt đời mình trong nhọc nhằn lam lũ". Cái giá phải trả cho sự sống mà cha thắp lên đắt quá. Phải, rất đắt! Để "bón đất ân tình" để "Giấc mơ xanh đâm chồi nảy lộc", cha phải "đốt đời mình" thì thử hỏi có sự hy sinh nào đến kiệt cùng và đớn đau như vậy? Một trường liên tưởng về lửa (đốt-lửa-cháy-tro) được tác giả sử dụng rất độc đáo trong đoạn thơ đã làm rung động mạnh mẽ lòng người về sự quên mình của cha trong việc thắp lên sự sống cho người thân yêu.

Cha như thế còn mẹ thì "thắp đêm lên những ngọn đèn". Dưới ngọn đèn dầu, đêm đêm mẹ vá may. Cái công việc tỉ mỉ "từng mũi chỉ đường kim" rất cần ánh sáng ban ngày nhưng nhà thơ lại đặt mẹ vào thời điểm ban đêm. Có phải chỉ về đêm mẹ mới có thời gian may vá (làm công việc nhà) còn ban ngày mẹ dốc toàn lực cho kế sinh nhai? Và, chỉ về đêm mẹ mới có cơ hội trải lòng mình với "ngọn đèn" và "mũi chỉ đường kim". Với kim chỉ thì mẹ "Những mong cuộc đời lành lặn", còn với ngọn đèn, mẹ thầm thĩ điều gì mà trông "Ánh lửa cong thành dấu hỏi". Có phải trong lòng mẹ có nhiều trăn trở, hoài nghi về cuộc đời?

Nhưng ngọn đèn chỉ là người bạn tâm tình của mẹ về đêm còn "Những ngọn lửa liếm mép bên nồi khoai sắn/ Thơm nức lòng trang vở học bài thi" mới là ngọn lửa mẹ gồng mình thắp lên suốt đời mẹ. Vậy ra, để con của mình lớn lên từ thể chất đến tâm hồn và vững bước vào tương lai, mẹ không ngừng thắp lửa. Đó là ngọn lửa tình yêu mẹ thắp lên từ hy sinh lặng thầm của một kiếp cò lặn lội. Lửa từ tay mẹ cũng giống như lửa từ tay người bà trong bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt "Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi". Tuy cách thể hiện của Nguyễn Thanh Xuân không mới hơn nhưng những dòng thơ của anh cũng góp gió thổi bùng ngọn lửa lòng mẹ.

Cha-Mẹ-Trẻ Thơ, đó là những thành viên trong một gia đình. Họ đã thắp lửa cho mình và cho những người thân. Vì hơn ai hết họ hiểu rằng "thắp lửa" không còn là việc muốn hay không muốn nữa mà đó là trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng mái ấm gia đình. Cha mẹ thì thương yêu và hy sinh vì con cái. Ngược lại con cái báo hiếu cha mẹ bằng việc sống phải có hoài bão ước mơ và thành người hữu ích cho đời.

Rời không gian gia đình, thi sĩ tiếp tục dắt ta đến một không gian rộng lớn hơn để chiêm ngưỡng những cảnh tượng thắp lửa diễn ra ở đây. Đó là "Cánh đồng vừa thắp lên những ngọn lửa xanh" và "Gã mục đồng mải mê thổi sáo/ Thắp ngọn lửa vàng hình nốt nhạc". Ngọn lửa, dưới ngòi bút của Nguyễn Thanh Xuân, mang rất nhiều màu sắc. Ngoài màu "đỏ" vốn có của nó, lửa còn mang màu "xanh", màu "vàng". Dù màu nào, lửa cũng mang lại niềm vui và sự sống cho con người. Chẳng phải sao, "ngọn lửa xanh" được cánh đồng thắp lên đã làm "reo lòng trĩu hạt", "ngọn lửa vàng" mang hình nốt nhạc được thắp lên từ gã mục đồng đã tạo nên "khúc đồng vọng quê nhà". Khúc hát ca ngợi quê hương tươi đẹp, thơ mộng đó cứ "âm âm" mãi trong lòng người. Nhà thơ rất có lý khi đặt hình ảnh "Gã mục đồng" ngồi trên lưng trâu thổi sáo đứng bên "cánh đồng lúa" để tạo nên một bức tranh điển hình về làng quê Việt Nam. Bức tranh chỉ có hai nét vẽ thôi nhưng rất trù phú, ấm áp và tươi sáng bởi có "ngọn lửa xanh" và "ngọn lửa vàng" luôn được thắp lên.

Gia đình và quê hương là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Bài thơ không chỉ hâm nóng tình yêu và niềm tự hào về cội nguồn sinh dưỡng đó mà sâu xa hơn nó thắp lên trong tư duy mỗi người ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình và quê hương, đất nước. Biết ơn và trân trọng những gì tốt đẹp người khác mang lại cho mình còn là điều mà bài thơ này muốn nhắc nhở. Bài học đạo lý đó không hề khô khan bởi nó được nói lên bằng tiếng thơ, bằng ẩn dụ sâu sắc, bằng hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi...

Với bài thơ bốn khổ, Nguyễn Thanh Xuân đã dẫn người đọc đi qua nhiều không gian. Từ không gian hẹp (gia đình) đến không gian rộng lớn (cánh đồng), nơi nào cũng diễn ra cảnh tượng "thắp lửa". Lửa đã thực sự lan tỏa từ bài thơ Thắp lửa.

Tuệ Mỹ

Nguồn: FB Luan Trannhu