Chân dung 36 cây viết trẻ Công giáo Việt Nam - Tác giả: Vinh Kiu

Lan Mary
Các cây viết được nêu trong sách đều có những đóng góp nhất định cho nền văn chương Công giáo với những tác phẩm được in ấn, giành giải thưởng cao trong các cuộc thi viết văn thơ Công giáo trong những năm 2010 đến nay, được nhiều độc giả biết đến và đây cũng là những tiêu chí chính trong việc sắp xếp thứ tự cây viết theo các hạng mục trong sách. Phần bài viết chi tiết, Vinh Kiu gửi email để quý tác giả góp ý và chấp thuận trước khi sách in ấn. Vì góc nhìn chưa đủ rộng, người biên soạn có thể thiếu sót, những cây viết chưa có tên trong sách vui lòng thứ lỗi. NGUỒN:

(Trích trong "400 năm văn học Công giáo Việt Nam")

Là người "sinh sau đẻ muộn" của nền văn chương Công giáo Việt Nam, Vinh Kiu biên soạn không có tham vọng viết nên một cuốn sách lịch sử về văn học Công giáo Việt Nam mà chỉ điểm xuyết sơ lược chân dung một số cây viết Công giáo Việt Nam có năm sinh từ sau 1975 với hy vọng độc giả có thể hình dung được một bức phác họa về tác giả và tác phẩm trong giai đoạn phát triển nở rộ của internet và mạng xã hội. Các cây viết được nêu trong sách đều có những đóng góp nhất định cho nền văn chương Công giáo với những tác phẩm được in ấn, giành giải thưởng cao trong các cuộc thi viết văn thơ Công giáo trong những năm 2010 đến nay, được nhiều độc giả biết đến và đây cũng là những tiêu chí chính trong việc sắp xếp thứ tự cây viết theo các hạng mục trong sách. Phần bài viết chi tiết, Vinh Kiu gửi email để quý tác giả góp ý và chấp thuận trước khi sách in ấn. Vì góc nhìn chưa đủ rộng, người biên soạn có thể thiếu sót, những cây viết chưa có tên trong sách vui lòng thứ lỗi.

Trước tiên là các tác giả tiêu biểu về Truyện. Đối với một nền văn học thì Truyện được xem là tiêu biểu và có sức mạnh hàng đầu trong nền văn chương, đặc biệt là Tiểu thuyết, Truyện dài. Bên cạnh đó Truyện ngắn cũng là hình thức biểu đạt sắc nét. Các hình thức Truyện ký, Truyện kể, Truyện cười,... cũng góp phần tô điểm, làm cho dòng văn học thêm phong phú, đa dạng. Truyện cũng chính là yếu tố gây sức hút mạnh mẽ hàng đầu cho độc giả yêu thích văn chương. Bạn sẽ được gọi là "Nhà văn" khi bạn có những tập truyện ngắn hay tiểu thuyết được xuất bản. Với tiêu chí này, Vinh Kiu tạm thời giới thiệu một số Nhà văn Công giáo trẻ:

1. Linh mục Giuse Cao Gia An, bút danh Lưu Minh Giản, sinh năm 1981 tại Giáo phận (Gp) Xuân Lộc. Ngài là tu sĩ dòng Tên (S.J), người xuất sắc giành giải cao nhất về Văn của cả hai cuộc thi Văn thơ có quy mô toàn Giáo hội Công giáo Việt Nam đầu tiên ở thời kỳ hiện đại là "Sen giữa lầy" 2009 (Giữa mùa Sen) và "Nhánh Huệ Nước Trời" 2010 (Huệ trong đêm). Đặc biệt, truyện "Huệ trong đêm" đã được chuyển thể thành phim ngắn "Huệ đêm" gây tiếng vang cả trong và ngoài Công giáo. Cùng thời điểm đó, cha cho ra mắt tuyển tập truyện ngắn "Hoa phượng về trời" và tập thơ "Về Núi Thánh" được giới trẻ yêu thích. Ngoài ra ngài cũng có nhiều tập thơ (Mùa cứu rỗi, Tình thơ trên phận người,...) và một số bài bình, giới thiệu sách Công giáo có giá trị. Hiện ngài đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Roma và trở thành Tiến sĩ chú giải Kinh Thánh đầu tiên của Việt Nam.

2. Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, sinh năm 1981 tại Ninh Thuận (trên giấy tờ là 1982), thuộc Giáo phận Nha Trang, một trong số ít các văn sĩ Công giáo là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (cũng là Thanh nữ Công giáo duy nhất của Hội). Được mệnh danh là "Nữ hoàng săn giải", Khánh Liên không chỉ đạt hầu hết các giải thưởng cao nhất của Văn học Công giáo như Viết văn Đường trường - Gp Qui Nhơn (gọi tắt là "Đường trường"), Văn hóa nghệ thuật Đất Mới - Gp Xuân Lộc (gọi tắt là Đất Mới), 50 năm Giáo phận Ban Mê Thuột,... mà còn đạt rất nhiều giải thưởng ngoài Công giáo. Tuyển tập truyện ngắn "Sông chảy về đâu" là một dấu ấn đậm nét về các sáng tác văn học Công giáo của chị.

3. Phêrô Nguyễn Văn Học, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Anh là một tác giả lớn với hơn 40 tác phẩm được in ấn khi bước vào tuổi 40. Phêrô Nguyễn Văn Học cũng sinh năm 1981 nhưng là giữa năm chứ không phải đầu năm như cha Cao Gia An hay cuối năm như nữ sĩ Khánh Liên, và cũng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh khẳng định vị thế của mình trong làng văn học Công giáo với giải nhất thể loại truyện ngắn và giải ba truyện dài Đất Mới, giải ba Viết văn đường trường (sau đó làm Giám khảo giải này). Nguyễn Văn Học cũng đạt hàng loạt các giải thưởng ngoài Công giáo. Tuyển tập truyện ngắn "Miền Thánh Đợi" dày 500 trang cỡ lớn 16x24cm tiêu biểu cho sự đồ sộ trong các tác phẩm của anh.

4. Vinh Sơn Chung Thanh Huy (1976), bút danh Huy Chung, nhà văn thuộc Tổng giáo phận (Tgp) Sài Gòn, đồng thời là Nhà báo và Nhiếp ảnh gia. Dưới "lăng kính" của anh, cuộc sống nơi cộng đoàn dân Chúa đậm chất Nam Bộ hiện rõ mồn một trước mắt với tập truyện "Bão", được thu gọn từ các truyện ngắn đạt giải ba của Viết văn đường trường, giải nhì Đất Mới hay giải nhất 60 năm Giáo phận Long Xuyên. Anh cũng có đóng góp lớn trong chuyên mục "Những dặm đường du mục" của Tập san văn thơ Công giáo "Mục Đồng" với những bài viết giới thiệu các địa điểm hành hương cùng những bức hình tuyệt đẹp.

5. Đaminh Nguyễn Ngọc Hoài Nam (1976), bút danh Đa Minh thuộc Tgp Sài Gòn. Không một ai cho rằng Hoài Nam là cây viết "tay ngang" dù chuyên môn được đào tạo và nghề anh đang sinh sống là kỹ sư xây dựng. Anh từng đạt giải ba Đường trường và sau đó làm Giám khảo cuộc thi này. Dưới góc nhìn đầy nhân văn và không hề khô khan, trái lại rất mượt mà và ấm áp, cuộc sống của những người dân trong và ngoài Công giáo hiện lên đầy thân ái, chân thật. Chúng ta có thể thưởng thức bút pháp đậm chất nhân văn trong những ấn phẩm bán chạy như tuyển tập truyện ngắn "Bí mật của ông già Noel" hay tiểu thuyết "Ổ thương yêu" của anh.

6. Linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Hải (1989), thuộc Gp Nha Trang. Cha Hoàng Hải trưởng thành từ Giải Viết văn đường trường khi còn là một chủng sinh của Đại chủng viện Sao Biển, đạt một số giải cao và là tác giả đầu tiên có ấn phẩm riêng theo chương trình của cuộc thi. Tập truyện "Đường về" của cha đã được giới văn chương Công giáo đánh giá cao. Truyện ngắn "Chứng thầm" được nhiều độc giả nhận xét là "rợn cả người" tiêu biểu cho sáng tác của ngài.

7. Maria Đặng Kim Thoa (1983) - Nữ nhà văn thuộc Gp Hải Phòng. Chị là tác giả "độc đáo" của làng văn chương Công giáo Việt Nam với bút pháp mạnh mẽ và táo bạo. Vượt lên nghịch cảnh về đời riêng không thuận lợi, Maria Đặng Kim Thoa thực sự là một tác giả lớn với những tiểu thuyết đạt giải hàng đầu thể loại Truyện dài của Đất Mới như "Thiên Chúa Cha của tôi" (Nhì, 2016) hay "Sứ mạng" (Ba, 2020) có độ dài lên tới khoảng 500 trang in (80.000-100.000 từ). Chị cũng giành được một số giải thưởng về truyện ngắn Công giáo và thậm chí cả giải nhì cuộc thi của Hội thánh Tin lành Miền Bắc cùng những giải thưởng ngoài Công giáo khác.

8. Phêrô Phạm Minh Châu(1995), thuộc Gp Nha Trang cũng là một tác giả có nét riêng. Ít ai có thể ngờ một ông thầy Chủng viện có khuôn mặt "baby" với chiều cao chừng mét rưỡi, trông như một cậu nhóc lại là cây viết "có sức nặng". Với bút danh Hải Miên, "thầy nhỏ" đã đạt hàng loạt giải thưởng từ Đường trường qua Đất Mới, từ Tà Pao cho tít tận Gp Long Xuyên và nhiều bài viết trên tập san Mục Đồng cũng như các tập san, báo chí ngoài Công giáo, chẳng hạn Tuổi Trẻ, Áo Trắng,... Tập truyện "Ánh sao đêm" đã tỏa sáng trên bầu trời Văn thơ Công giáo Việt Nam, bán được hơn 700 cuốn trên tổng số 1.000 bản in.

9. Sơ Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung (1984), bút danh Hạt Cát Sa Mạc, thuộc Dòng Xi-tô, Gp Xuân Lộc - nữ nhà văn trẻ đáng yêu của nền Văn chương Công giáo Việt Nam. Là nữ tu nhưng chuyên viết về đời sống Công giáo cách chân thực cho thấy sự gần gũi với Cộng đoàn dân Chúa cũng như sức tưởng tượng phi thường của Sơ. Ngoài ra Sơ cũng có những truyện ngắn và một số tác phẩm dịch thuật có giá trị. Hy vọng những tiểu thuyết đạt giải cao cuộc thi Đất Mới của Sơ sẽ sớm được in thành sách, đó hẳn là những tác phẩm được công chúng đón nhận: "Chàng xe ôm" (Nhì, 2019), "Đâu là hạnh phúc thật" (Nhì, 2018),...

10. Linh mục Antôn Trần Văn Dũng, bút danh Mục Đồng, sinh năm 1986 tại Giáo phận Hà Tĩnh. Ngài nổi danh khi còn là chủng sinh của Đại chủng viện Phanxico Vinh - Thanh bởi hàng loạt giải thưởng trong và ngoài Công giáo mà đỉnh cao là giải nhất Đường trường 2018 với hai truyện ngắn "Mắt nhẫn" và "Nụ hôn của một nữ tu" đều đạt điểm cao nhất của cuộc thi. Hiện ngài đang tập hợp các tác phẩm của mình để xuất bản tuyển tập truyện ngắn Công giáo đầu tay. Tin chắc "siêu phẩm" này sẽ được đông đảo độc giả đón nhận.

11. Têrêsa Đinh Thị Thu Hằng (1979), thuộc Tgp Sài Gòn. Chị được xem là "nhà văn đường trường" bởi hai lần bước lên bục cao nhất và các giải Ba, giải khuyến khích khác của Giải viết văn Đường trường. Truyện ngắn "Via Dolorosa - đường còn xa" (giải nhất năm 2015) được đông đảo độc giả nhận xét là "sởn da gà", một số người còn cho rằng đây là tác phẩm hay nhất của 6 chặng thi Đường trường. Ngoài ra Thu Hằng cũng có một số truyện ngắn viết cho thiếu nhi khá đặc sắc, tiêu biểu là hai truyện ngắn được in trong tuyển tập "Lá thư đêm Noel" (NXB Kim Đồng, 2016).

12 - Giuse Lê Ngọc Thành Vinh, bút danh Vinh Kiu, sinh năm 1980 tại Gp Hà Tĩnh, nay là giáo dân Tgp Hà Nội. Thật khó để vẽ một bức chân dung tự họa, Vinh Kiu chỉ biết đưa ra những ghi nhận của các vị Giám khảo và độc giả dành cho các tác phẩm của mình. Chẳng hạn giải nhất Đất Mới 2020 với tiểu thuyết "Đóa hồng thứ 40". Tác phẩm này sau đó được in thành sách và bán hết chỉ sau 4 tháng. Tới năm 2022, cuốn tiểu thuyết Công giáo có tên "Hoa trong bão" của Vinh Kiu bán được 300 bản chỉ sau 2 tuần phát hành chứng tỏ các tiểu thuyết này có sức hút mạnh mẽ với độc giả. Tập truyện dài "Maria ngoại truyện" cũng thu hút đông đảo độc giả nhỏ tuổi. Vinh Kiu cũng có một số truyện ngắn đạt các giải thưởng trong các cuộc thi văn thơ Công giáo trên toàn quốc như Viết văn Đường trường, 50 năm Gp Ban Mê Thuột,... nên rất có thể trong tương lai sẽ cho xuất bản một tuyển tập truyện ngắn.


Tiếp theo là các tác giả tiêu biểu về Thơ - loại hình nghệ thuật được xem là lãng mạn, bay bổng và dễ nhớ nhất của mỗi nền văn chương. Thơ có nhiều hình thức thể hiện, không chỉ là các thể thơ có niêm luật như tứ tuyệt, thất ngôn, lục bát,... thì thơ tự do cũng là một hình thức đặc sắc, khó thể hiện nhưng lại rất phong phú về ngôn từ, nhạc điệu do không bị gò bó về niêm luật. Ngoài ra các hình thức như trường ca hay dịch thơ nước ngoài cũng là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Vinh Kiu xin giới thiệu một số Nhà thơ Công giáo trẻ tiêu biểu:

1. Linh mục Giuse Trần Văn Đỉnh (1983), bút danh Đình Chẩn, thuộc Gp Phát Diệm. Ngài "xuất khẩu thành thơ" như khả năng thiên phú. Với vốn ngoại ngữ rất tốt, cha Đình Chẩn còn là một dịch giả xuất sắc với các tác phẩm thơ dịch có giá trị, trong đó nổi bật là "Hồn thơ thiên linh" với 62 bài thơ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đạt giải nhì Đất Mới 2020. Tác phẩm này đã xuất bản và được giới trẻ Công giáo yêu thích, rất tiếc là in ấn với số lượng quá ít và không gửi bán nên không được phát hành rộng rãi. Cha cũng đã dịch siêu phẩm kinh điển "Thần khúc" (Dante) và phát hành tháng 9/2022 với 1000 bản in cỡ lớn 16x24cm, dày 1300 trang, bìa cứng và đã tiêu thụ hết chỉ trong 3 tháng. Dự kiến đầu 2023 cha sẽ cho tái bản bộ sách này.

2. Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha, sinh năm 1995 tại Gp Qui Nhơn. Bạn trẻ này là một "kỳ phẩm" của văn chương Công giáo Việt Nam bởi tài năng nổi trội cả hai lĩnh vực thơ và truyện Công giáo. Trưởng thành từ giải Viết văn Đường trường với thứ hạng cao (giải ba, 2015, khi tròn 20 tuổi), Nguyễn Vũ Hồng Kha đã có những thể nghiệm về thơ và giành giải nhì Đất Mới năm 2019 với chùm thơ "Dâng". Hồng Kha cũng có những chùm thơ lẻ đạt giải thưởng trong cũng như ngoài Công giáo và một số bài thơ đặc sắc khác được đăng tại tập san Mục Đồng hay Áo Trắng. Hồng Kha từng là đệ tử dòng Tên nhưng không thấy thực sự phù hợp nên đang rời Dòng và tìm kiếm hướng đi mới, hiện anh đang là giáo viên trường THCS tại Sài Gòn.

3. Thầy Lasan Ngô Văn Vỹ (1989), thuộc Gp Đà Lạt. Vị tu sĩ dòng Xi-tô đã vươn tới đỉnh cao với tập thơ thiếu nhi có tên "Bông hồng nhỏ" (giải ba Đất Mới, 2020), thầy cũng có một số bài thơ thiếu nhi, các trò chơi, giải đố,... được đăng ở tập san văn thơ thiếu nhi Công giáo cùng tên (Bông Hồng Nhỏ) và được đông đảo Thiếu Nhi Thánh Thể yêu mến. Tập thơ "Sống đạo" với 64 bài thơ đạt giải khuyến khích Đất Mới 2019 cũng là một tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao.

4. Maria Madalena Đặng Hoàng Hương Giang (1990), bút danh Tâm Ngọc, thuộc Gp Kontum là một cô gái nhỏ bé nhưng có chí lớn. Hương Giang trưởng thành từ Giải viết văn Đường trường với truyện ngắn "Hoa nở giữa đêm" (giải nhì năm 2016), nhưng chị cũng là một nhà thơ Công giáo xuất sắc với những chùm thơ về các thánh được đông đảo giới tu sĩ cũng như các bạn trẻ nhận vị thánh đó làm bổn mạng yêu thích. Nhiều bài trong số đó đã được in trên tập san Mục Đồng, nguyệt san Đồng Hành và các trang mạng Công giáo. Mặc dù vậy Hương Giang chỉ mới dự thi 50 năm Giáo phận Ban Mê Thuột và giành giải khuyến khích với chùm thơ 3 bài: "Tiếng gà sáng", "Gọi anh" và "Chập chững". Hương Giang từng đạt giải Đất Mới nhưng ở lĩnh vực Truyện ngắn. Hy vọng trong tương lai chị sẽ tham dự nhiều cuộc thi thơ hơn hoặc xuất bản tập thơ riêng. Tâm Ngọc sẽ in tập truyện ngắn "Tiếng Vọng" vào đầu năm 2023, tin rằng sẽ gây "Tiếng Vọng" cho các độc giả.

5. Antôn Nguyễn Như Hồng Ân (1988), bút danh Antoine Nguyễn, thuộc Gp Vinh. Anh là cây thơ hàng đầu của Sinh viên Công giáo Vinh - Hà Tĩnh tại Hà Nội những năm 2009-2016. Năm 2012, tuyển tập thơ "Những mùa xuân Địa đàng" của anh đạt giải nhì cuộc thi "Ươm mầm tài năng" của Cộng đoàn giáo phận Vinh tại Hà Nội. Antoine Nguyễn cũng đã có thơ đăng trên tập san Mục Đồng và một số bài viết đăng trên các trang mạng Công giáo được đánh giá cao.

6. Sơ Maria Nguyễn Thị Thu Thảo (1993), bút danh Maria Thảo Nguyên, thuộc Gp Vinh, nữ tu dòng Phaolo Đà Nẵng. Cũng giống như Hương Giang, sơ Thảo trưởng thành từ Giải Đường trường với truyện ngắn "Tìm chiên lạc" (giải ba năm 2016) nhưng niềm đam mê của Sơ là thi ca cầu nguyện với tập thơ "Chuỗi bạc ơn thiêng" được các tu sĩ dòng Phaolo Đà Nẵng yêu thích. Mặc dù vậy, thi tập này chỉ phát hành nội bộ nên ít người biết đến. Maria Thảo Nguyên cũng từng đạt giải ba cuộc thi "Ươm mầm tài năng" của Cộng đoàn Vinh với bài thơ văn xuôi "Lát cắt ngang qua một tâm hồn". Hy vọng sau khi khấn trọn, Sơ sẽ hoàn thiện tuyển tập thơ văn và xuất bản.

7. Têrêsa Lê Thanh Tâm, bút danh Nốt Nhạc Trầm, sinh năm 1995, tại Gp Hà Tĩnh cũng là một cây viết "song toàn" với tài năng cả hai lĩnh vực thơ và truyện Công giáo. Dấu ấn của Thanh Tâm trong nền văn chương Công giáo Việt Nam là giải khuyến khích cuộc thi Viết văn Đường trường năm 2017. Dù vậy niềm đam mê của chị là thi ca. Trong các tác phẩm của chị, số lượng bài thơ chiếm đa số và đã được đăng tải ở Tập san Mục Đồng, Bông Hồng Nhỏ cũng như một số trang mạng Công giáo. Chị từng đạt giải cuộc thi Viết của Cộng đoàn giáo phận Vinh - Hà Tĩnh tại Hà Nội cũng như làm Giám khảo cuộc thi này.

8. Maria Huỳnh Nguyễn Trang Đài sinh năm 1998 tại Gp Nha Trang là một "cánh chim lạ" của nền văn chương Công giáo Việt Nam với dòng thơ cổ vũ Ơn Gọi Thánh Hiến. Các bài thơ đăng tải trên trang Facebook cá nhân của chị được nhiều người yêu mến, trong đó đặc biệt là các vị tu sĩ và dự tu. Trang Đài cũng có nhiều bài thơ đả kích, trào phúng khác được độc giả trong và ngoài Công giáo đón nhận. Chị dự định sẽ in tập thơ "Chút tự tình đời con" trong thời gian tới, khi có đủ tiền in ấn, hoặc đạt giải thưởng cuộc thi văn thơ Công giáo nào đó. Và Trang Đài đã làm được điều thần kỳ: Đạt giải Ba Đất Mới năm 2022 với tập thơ này, chúng ta cùng hy vọng tập thơ này sẽ sớm được xuất bản.


Lĩnh vực thứ ba mà Vinh Kiu muốn giới thiệu với độc giả là Kịch bản Văn học. Đây là một thể loại không hiếm nhưng khó viết đối với mỗi nền văn chương, và trong khuôn khổ Công giáo lại càng hiếm, dù cho chúng ta có rất nhiều diễn nguyện và kịch được trình diễn trong các lễ lớn trong năm, đặc biệt Lễ Giáng Sinh. Trong hàng chục năm qua chỉ có giải Đất Mới có nội dung thi này và số lượng tác phẩm gửi về rất khiêm tốn, có năm chỉ có 07 kịch được gửi về dù định biên là 04 giải, vì thế đã có những năm không có giải nhất nhì ba mà chỉ có khuyến khích. Tuy thế trên Đất Việt cũng đã có những nhà biên kịch tuổi trẻ tài cao xuất hiện, chẳng hạn như:

1. Sơ Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh, bút danh Xuân Cát, sinh năm 1988 tại Phú Thọ, thuộc Gp Hưng Hóa. Sơ là nữ tu Dòng Đa Minh Gò Vấp - Sài Gòn nhưng phụ trách chăm sóc trẻ khuyết tật tại Mái ấm tình thương Vinh Sơn Thất Khê của Giáo phận Lạng Sơn. Sơ có gương mặt đẹp với ánh mắt hút hồn mà có lẽ, nếu không đi tu, sẽ là "nàng thơ" của một ai đó thay vì một nhà thơ Công giáo với đỉnh cao là kịch thơ "Món quà kỳ diệu" đạt giải nhất Đất Mới 2020. Ngoài ra Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh còn đạt một số giải thưởng Kịch và truyện ngắn, truyện dài khác. Sơ cũng có một số bài văn, truyện, thơ đăng trên Tập san Mục Đồng và các trang mạng Công giáo. Năm 2022 đánh dấu thành công rực rỡ của sơ Nhanh khi đạt giải Nhất về Thơ và giải khuyến khích về Kịch Đất Mới.

2. Giuse Nguyễn Đức Tuyển (1990), bút danh Nguyên Đức, thuộc Gp Bắc Ninh. Là một cây văn trưởng thành từ giải Đường trường (giải ba năm 2015), Đức Tuyển bất ngờ chuyển hướng sang viết Kịch và đã đạt được nhiều thành công trong đó đỉnh cao là giải nhì Đất Mới năm 2018 với kịch thơ "Giếng Ngọc". Chất liệu mà Đức Tuyển xây dựng nên các vở kịch của mình là lời ca Quan họ Bắc Ninh quê anh. Là một nhà báo, công tác tại tạp chí Văn Hiến, Đức Tuyển cũng có một số bài viết có giá trị nhân văn và được giới báo chí đánh giá cao.

3. Anê Võ Thị Phương, bút danh Hạ Nhiên, sinh năm 1994 tại Mằng Lăng, Phú Yên nơi được xem là "quê hương của chữ Quốc ngữ", thuộc Gp Qui Nhơn. Cũng là cây văn trưởng thành từ giải Đường trường (giải triển vọng năm 2016), Hạ Nhiên bất ngờ giành giải ba kịch bản văn học Đất Mới chỉ một năm sau đó với vở "Diễn nguyện mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima" vào đúng dịp lễ kỷ niệm đáng nhớ này, năm 2017. Chị cũng được biết đến với biệt danh khá thú vị là "Phương Phũ Phàng" cùng các bài viết, bài thơ được đăng tải trên tập san Mục Đồng và một số trang mạng Công giáo.


Lĩnh vực cuối cùng mà Vinh Kiu muốn giới thiệu với độc giả là Nghiên cứu phê bình Văn học. Đây là một thể loại "hiếm và khó" đối với mỗi nền văn chương, trong phạm vi giới trẻ Công giáo thì lại càng hiếm. Việc nghiên cứu văn học đòi hỏi sự kiên nhẫn và bề dày tri thức. Lý luận phê bình cũng cần cây viết phải chịu khó học hỏi, tìm tòi mới nhận ra cái hay cái đẹp cũng như chỉ ra điểm yếu nơi tác phẩm của người khác. Những đặc điểm này cho thấy để trở thành nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học cần có thời gian, sự trau dồi cũng như kinh nghiệm và vì vậy để có một "Nhà phê bình" trẻ là một điều rất khó, thậm chí bất khả. Do vậy Vinh Kiu chỉ dám đưa ra ba cây viết Nghiên cứu phê bình thuộc "hàng hiếm" của văn chương Công giáo Việt Nam. Các cây viết này đều có những sáng tác văn thơ được giới chuyên môn đánh giá cao và có lẽ những bài lý luận, nghiên cứu phê bình là thứ yếu trong các tác phẩm của họ:

1. Maria Lê Thị Lệ Hằng (1988), thuộc Gp Đà Nẵng. Đây là nhà nghiên cứu phê bình trẻ duy nhất đã xuất bản tác phẩm của mình - cuốn sách có tựa đề: "Nguyễn Hoàng Đức và những dấu chân khai phá trên con đường thi ca" đã được giới văn nghệ sĩ trong và ngoài Công giáo đón nhận. Cuốn sách viết về người thầy của mình nhưng Lệ Hằng không "thần thánh hóa" nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức mà đi từ phê bình phản hồi của người đọc, được đánh giá là "khách quan" và "độc đáo". Lệ Hằng cũng có một số bài phê bình văn học, thi ca đăng trên tập san Mục Đồng và một số trang mạng Công giáo. Chị cũng từng đạt giải nhì cuộc thi Viết cho thiếu nhi (Giáo phận Qui Nhơn, 2018) với truyện ngắn "Mình không có Chúa" khi còn là dự tòng và một số bài thơ viết theo thể tự do rất đặc sắc. Ngoài ra Lệ Hằng còn là họa sĩ cừ khôi trong lĩnh vực vẽ tranh tĩnh vật. Thật là một báu vật của nền nghệ thuật Công giáo Việt Nam!

2. Sơ Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến, bút danh Kitu, sinh năm 1990 tại Huế. Là một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế, Kitu rất yêu thích văn chương, đặc biệt là chuyên ngành đại học của Sơ: nghiên cứu phê bình. Sơ là tác giả trẻ đầu tiên có bài đăng tại Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (tháng 7 năm 2020), bài viết "Thơ văn Sảng Đình Nguyễn Văn Thích" được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngoài ra Sơ còn là "cây viết quen mặt" trong chuyên mục "Điểm sách" của tập san Mục Đồng với các bài bình luận, "review" rất chất lượng, góp phần tăng lượng tiêu thụ của các cuốn sách Công giáo được giới thiệu.

3. Sơ Anna Nguyễn Bích Hạt, bút danh Bông Sim, sinh năm 1988 tại Giáo phận Bắc Ninh là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, thuộc Tgp Sài Gòn. Sơ cùng chị Maria Nguyễn Thị Thắm - Giảng viên Đại học Qui Nhơn, Giám khảo Giải Viết văn Đường trường là đồng tác giả bài viết "Bước dò dẫm của các cây bút nữ Công giáo Việt Nam", một bài điều nghiên công phu, được trình bày tại "Tham luận tại tọa đàm trực tuyến về Văn học Công giáo Đương đại", ngày 19-9-2021 và được giới chuyên môn đánh giá cao. Sơ Bích Hạt còn là cây viết truyện ngắn xuất sắc mà đỉnh cao là giải nhì Đường trường (2018) với hai tác phẩm: "Người vẽ hy vọng" (được chọn làm tên tuyển tập các tác phẩm đạt giải cùng năm) và "Làng". Ngoài ra sơ Bích Hạt cũng có một số bài viết được in trên tập san Mục Đồng. Nếu tập hợp các tác phẩm của mình, sơ Bích Hạt đủ khả năng xuất bản một tuyển tập văn chương có giá trị với hàng trăm trang in, chúng ta hãy chờ xem.


Ngoài 26 tác giả đã xuất bản sách hoặc có số lượng tác phẩm đáng kể trong 04 lĩnh vực chủ đạo của văn chương Công giáo đã kể trên, Vinh Kiu cũng xin điểm xuyết 10 tác giả trẻ có thành tựu nhất định trong các cuộc thi văn chương Công giáo trên toàn Giáo hội Công giáo Việt Nam.

1. Linh mục Giuse Dương Duy Tân (1985), bút danh Trăng Làng, thuộc Gp Nha Trang, nhiều lần đạt giải Đường trường với đỉnh cao là giải nhất năm 2013 với truyện ngắn "Một niềm tin".

2. Thầy Giuse Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1991 tại Gp Hưng Hóa, hiện là chủng sinh Đại chủng viện Huế, đạt giải ba Đường trường năm 2017 với truyện ngắn "Mùa nắng mới trên vùng cao", giải ba Đất Mới 2018 với tác phẩm: "Những bắp ngô của thằng Tráng", giải nhì cuộc thi Tiếng lòng người trẻ 2020 với tác phẩm: "Những tia nắng độc",...

3. Maria Phạm Thị Yến (1998), thuộc Gp Thanh Hóa, nhiều lần đạt giải Đường trường và Đất Mới trong các hạng mục truyện ngắn, truyện dài trong đó đỉnh cao là giải nhất truyện ngắn Đất Mới năm 2019 với tác phẩm: "Người gác đền" - một tác phẩm rất độc đáo và hiếm thấy.

4. Giuse Phạm Đình Duy (1982), bút danh Nhạn Đình, thuộc Gp Nha Trang, nhiều lần đạt giải Viết văn Đường trường và truyện ngắn Đất Mới trong đó đỉnh cao giải nhất truyện ngắn Đất Mới năm 2020 với tập truyện: "Xưng tội".

5. Anna Dương Thị Thái Chân (1995), bút danh Thái An, thuộc Gp Qui Nhơn, nhiều lần đạt giải truyện ngắn Viết văn Đường trường, trong đó đỉnh cao là giải nhì năm 2017 với tác phẩm "Khi bình minh đến".

6. Giuse Trần Cương (1986), bút danh Vô Thường, thuộc Gp Hà Tĩnh, từng đạt giải cống hiến cuộc thi "Ươm mầm tài năng văn học" của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội và có nhiều tuyển tập thơ văn hay được lưu hành nội bộ Cộng đoàn như "Vì sao ban mai" (tuyển truyện ngắn), "Da dê cho người Việt" (Dịch thơ), "Bài giảng và suy ngẫm" (Tạp văn),...

7. Maria Lê Thị Xoan (1991), bút danh Xoan Lê, thuộc Gp Vinh, có kinh nghiệm nhiều năm làm Giám khảo cuộc thi Viết của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội với các chủ đề về thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và tuổi trẻ Công giáo được tổ chức hàng năm. Chị cũng có một số bài nghiên cứu phê bình có giá trị về các tác phẩm của các Cộng đoàn Sinh viên Công giáo miền Bắc.

8. Maria Trần Thị Hằng Nga (1991), bút danh Thiên Thần Buồn, thuộc Gp Hà Tĩnh, là một trong số ít các tác giả đã từng đạt giải cả Đường trường và Đất Mới. Chị cũng đã từng đạt giải nhất cuộc thi "Ươm mầm tài năng văn học" của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội năm 2012 với tuyển tập truyện ngắn: "Dưới bóng hoàng lan".

9. Phanxico Xavie Trần Duy Thành (1995), bút danh Fx. Trần Duy Thành, Gp Phát Diệm, từng đạt giải Viết văn Đường trường (2017) và tặng thưởng "tác giả trẻ Công giáo triển vọng" của giải này. Duy Thành cũng đã được chọn là tác giả có tuyển tập truyện ngắn xuất bản theo chương trình "Ấn phẩm dọn mừng 400 năm Văn học Công giáo (1632-2032)".

10. Cêcilia Vũ Thùy Dung (1996), bút danh Geisha, thuộc Gp Vinh, từng nhiều lần đạt giải cao cuộc thi Viết của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, trong đó truyện ngắn "Chuông chiều" đạt giải ấn tượng của cuộc thi năm 2018 được in chung trong tuyển tập truyện ngắn các tác giả miền Bắc có tên "Người Đọc Sách Thánh" gây ấn tượng mạnh trong lòng các độc giả yêu thích văn học lãng mạn.



Vinh Kiu (Biên soạn)