Lễ Thánh Giuse Thợ 1/5 - Tác giả: Đinh Quân

Lan Mary
Thánh Giuse (Saint Joseph) là một vị Thánh của Kitô giáo. Thánh Giuse thường được người Việt gọi là Thánh Giuse Thợ, Thánh Cả Giuse hoặc Giuse thành Nazareth. Thánh Giuse là chồng của Maria và là cha nuôi ở trần thế của Chúa Giêsu. Thánh Giuse xuất hiện lần đầu tiên trong các bản Phúc âm Luca và Matthew. NGUỒN:

Sự tôn kính Thánh Giuse:


Thánh Giuse (Saint Joseph) là một vị Thánh của Kitô giáo. Thánh Giuse thường được người Việt gọi là Thánh Giuse Thợ, Thánh Cả Giuse hoặc Giuse thành Nazareth. Thánh Giuse là chồng của Maria và là cha nuôi ở trần thế của Chúa Giêsu. Thánh Giuse xuất hiện lần đầu tiên trong các bản Phúc âm Luca và Matthew.

Thánh Giuse Thợ cũng là một vị Thánh đặc biệt quan trọng và hiện diện rộng khắp trong đời sống tín ngưỡng người Công giáo trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đa số các giáo dân nam giới Công giáo người Việt lấy tên Giuse (tiếng Anh là Joseph) làm bổn mạng. Trong các nhà thờ Công giáo đều có lập toà kính Ngài đối ngang với tòa kính Đức Mẹ.

Ngay từ những thế kỷ đầu, các Giáo hội Công giáo đã công khai tôn thờ Giêsu và tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Theo căn cứ của các sách sử thì Giuse ít được chú trọng hơn. Nguyên nhân là do ban đầu, các giáo dân đang cần củng cố giáo lý về thiên tính của Giêsu và sự đồng trinh của Maria. Tuy nhiên, một số giáo phụ như Giêrônimô, Gioan Kim Khẩu, Augustine thành Hippo đã ca ngợi Giuse trong các bài giảng của họ.

Vào thế kỷ XV, nhà thần học Jean Gerson đã đọc một bài diễn văn hùng hồn tại Đại Công đồng Constancia (1416) về quyền chức của Giuse và đề nghị lập lễ kính Ngài để xin ơn bình an cho Giáo hội Công giáo đang trong cơn khủng hoảng. Bên cạnh đó, Hồng y Pierre d'Ailly cũng đã xuất bản cuốn sách về Giuse mang tên "Những vinh hiển và đặc ân của Thánh Giuse". Từ đó, Lễ Thánh Giuse được phổ biến trong Giáo hội Công giáo hơn. Các Giáo hội trên khắp châu Âu và thế giới đã xây nhiều nhà thờ để kính Thánh Giuse Thợ.

Riêng với Giáo hội Công giáo Việt Nam, Thánh Giuse Thợ là một vị Thánh đặc biệt quan trọng và được đặc biệt sùng kính. Ngày 17 tháng 8 năm 1678, Giáo hoàng Innôcentê XI đã ban hành Tông Hiến Sacrosancti Apostolatus (Thánh vụ Tông đồ) đề tôn nhận Giuse là quan thầy các Giáo phận truyền giáo Trung Hoa (cùng với Đàng Trong, Đàng Ngoài của Việt Nam).

Ngày 09 tháng 10 năm 2013, Ủy ban Phụng Tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra "Thông cáo về việc đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể". Theo thông cáo này, Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định phải đọc tên Thánh Giuse trong các kinh nguyên Thánh Thể do lòng tôn kính Thánh Giuse (theo như sắc lệnh số Prot.N.215/11L ban hành.)

Truyền thống kính St Giuse:


Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là "thợ mộc" gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.

Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: "Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan". Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: "Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái". Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: "Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất... Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa... Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức.

PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58


"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

"Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin."

THÁNH GIUSE LÀ MẪU GƯƠNG LAO ĐỘNG CẦN CÙ


Đứng đầu gia đình thánh tại Nagiarét, thánh Giuse đã cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài. Nơi Nagiarét, thánh Giuse đã phục vụ hết mình: mồ hôi, sự mệt nhọc và lòng hy sinh, quảng đại cố gắng của thánh Giuse đã mặc cho lao động một ý nghĩa tốt đẹp. Chúa Giêsu trong gia đình thánh Nagiarét đã học nơi thánh Giuse sự cần mẫn lao động, đã học nơi Mẹ Maria sự kiên nhẫn, đơn sơ phục vụ trong những công việc gia đình hết sức tầm thường nhưng là những công việc của đời thường, là những lao công của cuộc đời con người. Khởi đi từ gia đình Nagiarét, người Kitô hữu trên khắp thế giới cũng được mời gọi yêu mến lao động dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. Tất cả đều được gọi mời gắn liền với thánh cả Giuse, quan thầy và là Đấng bảo trợ của giới lao động. Trong một thế giới đan xen ánh sáng và bóng tối, trong một thế giới văn minh tuyệt đỉnh, lao động dù trí óc, chân tay hay kỹ thuật máy móc điện tử vẫn luôn cần thiết. Sự im lặng: nói ít, làm với hết khả năng, với óc sáng tạo luôn được đề cao, trân trọng. Thánh Giuse đã im lặng để phục vụ, để làm việc. Sự thinh lặng nội tâm của Ngài luôn có một ý nghĩa quan trọng. Thánh Giuse đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm: làm việc với đức tin, với lòng yêu mến.

Kinh Thánh Giuse- Mẫu Gương Giới Thợ Thuyền - (Thánh Pie X)


Lạy Thánh Giuse vinh hiển, mẫu gương cho tất cả những người lao động, xin cầu cho con được ơn biết làm việc trong tinh thần đền tội, để xin ơn thứ tha vô số tội lỗi của con, làm việc theo lương tâm, say mê bổn phận hơn mọi sở thích khác, làm việc trong tinh thần biết ơn và vui mừng, lấy việc làm như là vinh dự được xử dụng và phát triển tài năng Thiên Chúa ban cho.

Làm việc bình thản, chừng mực và kiên nhẫn, không bao giờ lui bước trước những mệt mỏi, khó khăn, nhất là làm việc với ý ngay lành và quên mình, không ngừng nghĩ đến sự chết và phải trả lẽ về thời gian đánh mất, tài năng không sử dụng, những việc lành bỏ sót, những thoả mãn hão huyền khi thành công, rất tai hại cho công trình của Thiên Chúa.

Tất cả cho Chúa Giêsu, tất cả nhờ Mẹ Maria, tất cả đều noi gương Thánh Cả Giuse! đó là phương châm của con khi sống và khi chết. Amen.


Suy niệm: Thánh Giuse lao động


Lễ Thánh Giuse Thợ, chúng ta đọc lại một vài suy niệm của ĐTC Phaolô VI về cuộc đời lao động của Thánh cả.

Trong bài giảng vào lễ Thánh Giuse năm 1969 (*), ĐTC Phaolô VI nói rằng: khi suy niệm về Thánh Giuse, ta tưởng chừng như thiếu chất liệu khai thác. Phúc Âm không ghi lại lời nào của Ngài, ngoại trừ vài ghi nhận: Ngài hoàn toàn yên lặng và lắng nghe tiếng Chúa qua những giấc mơ. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa. Ngài chuyên chăm làm việc tay chân cách cần mẫn, khiến người đời chỉ biết về Chúa Kitô là con bác phó mộc. Tất cả chỉ vỏn vẹn có thế, và có thể nói: cuộc đời Thánh Giuse là một cuộc đời ẩn dật, lao công lam lũ, một đời bình thường không chút danh giá.

Nhưng, ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh, nếu chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn cuộc đời ẩn dật của Thánh Giuse, chúng ta sẽ thấy một cuộc đời đầy nhân đức và công nghiệp, đầy hạnh phúc và đau khổ, đầy hy sinh và ơn thánh. Thánh Giuse đã dấn thân và đón nhận mọi gánh nặng gia đình. Ngài chỉ nghĩ đến phục vụ, chỉ biết làm việc và hy sinh trong khung cảnh thầm kín mà Phúc Âm đã diễn tả: mái ấm Nadarét với trẻ Giêsu và Đức Maria. Ngài thực đáng được ca ngợi là người diễm phúc và cực tốt lành.

Chính nơi Thánh Giuse, ta nhìn thấy những giá trị đích thực của đời sống con người, khác hẳn cách người đời thường thẩm định. Ở đây, cái nhỏ bé trở nên lớn lao. Ở đây, cái hèn hạ lại có địa vị xứng đáng trong xã hội. Ở đây, những kết quả lao công tầm thường và khó nhọc, lại trở nên hữu dụng cho công việc giảng dạy của Đấng Tạo Thành. Ở đây, những gì bị mất vì yêu Chúa thì lại tìm thấy, những gì hy sinh cho Chúa thì lại được nên dồi dào. Thánh Giuse chính là tiêu chuẩn Phúc Âm, mà Chúa Giêsu - sau khi rời bỏ xưởng thợ Nazareth - đã rao giảng. Thánh Giuse là gương mẫu của lớp người khiêm hạ mà Kitô giáo đã phát hiện ra như những sự cả thể lớn lao.


Cần lao & Cầu nguyện


Giu-se Cha Thánh nêu gương,
Suốt đời vất vả yêu thương gia đình,
Cần lao quên cả thân mình,
Tỵ nạn Ai Cập mưu sinh đất người.
Trở về quê nhà một đời,
Làm nghề thợ mộc để nuôi gia đình,
Đời Ngài là chuỗi lời kinh:
Cần lao-Công chính-Hy sinh-Nguyện cầu.
ORA ET LABORA!!!

Đinh Quân tổng hợp