Thư chân ái gửi những người lớn cô đơn - Tác giả: La Việt Phi

Lan Mary
Dẫu rằng, đôi khi "ở cùng" chưa chắc đã giải quyết được tất cả các vấn đề. Nhưng một khi ta cho phép mình được đi vào cuộc đời của nhau, để tôi vui với niềm vui của người, để tôi đau nỗi đau của người, thì chắc chắn niềm vui sẽ nhân lên, và nỗi buồn sẽ vơi đi. Giữa chúng ta là: "Tình yêu ở cùng". NGUỒN:


Bạn mến!

Tôi gửi lời chào thăm bạn bằng chính những thanh âm của bạn khi bạn đọc những dòng này. Tôi thiết nghĩ, ắt hẳn chúng ta phải có duyên lắm khi đã không hẹn mà lại gặp, đã chẳng tìm nhau mà lại thấy nhau, đã không định liệu trước mà lại y như được sắp xếp sẵn. Tôi - một người viết trong tâm hồn và trên giấy; Bạn- một người đọc trên môi miệng và trong tâm trí. Cả tôi và bạn, dầu muốn dầu không cũng đang "cùng nhau" cất lên một "mạch chữ", "mạch chữ" mà có thể trong đó chứa đựng một cảm nghĩ, một suy tư, một nỗi trăn trở, một sự đồng cảm, chia sẻ hay một vấn đề nào đó cần được tháo gỡ và giải quyết. Chúng ta, ít nhất là trong lúc này, tuy hai nhưng dường như hòa thành một. Nên một khi "cùng nhau" "viết và đọc". Nên một khi "cùng nhau" "suy và ngẫm". Nên một để "cùng nhau" "hợp và tạo lực". Nên một vì chúng ta "cùng chung" "một vấn đề". Nên một vì chúng ta đều "khao khát và hướng đến" một cuộc sống ý nghĩa và phong phú. Và hơn hết, chúng ta nên một vì chúng ta là những người trẻ.

Ngay lúc này, tôi đang cầu nguyện cho bạn và tôi cũng xin bạn cầu nguyện cho tôi nữa. Chúng ta cần lời cầu nguyện của nhau. Hiệu lực của cầu nguyện không hệ tại việc chúng ta theo tôn giáo nào và việc cầu nguyện cũng không phải chỉ dành riêng cho những người có lòng tin. Ai bảo người vô thần không cầu nguyện? Và ai dám chắc người hữu thần thì "luôn cầu nguyện"? Dù là Công giáo hay Phật giáo, Ấn giáo hay Hồi giáo, chủ trương hữu thần hay vô thần, duy vật hay duy tâm, thì khi thực sự bắt đầu tiến trình "quay về với chính mình", chúng ta sẽ nhận ra "mình cần cầu nguyện" xiết bao.

Có những lúc, tôi cũng đã phải thốt lên trong tâm trí: "Lạy Chúa, Ngài đang làm gì? Ngài có đang ở cùng con, ngay lúc này? Ngài có biết con đang cảm thấy rất cô đơn và trống rỗng? Nhiều lúc, con chẳng hiểu nổi mình. Và con cũng chả hiểu nổi Ngài. Đâu đó, có những khoảnh khắc trong cuộc sống, con cảm thấy xung quanh mình được bao bọc tứ phía bởi sự cô đơn. Cô đơn trong gia đình. Cô đơn ở trường học. Cô đơn ngoài xã hội. Cô đơn trong Giáo hội. Con cô đơn với chính nỗi cô đơn của mình. Con chẳng bao giờ muốn cô đơn. Và con tin cũng chẳng có ai muốn như vậy. Bởi vì, sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương. Đâu đó, con vẫn thường nghe nói: "Vấn đề không thực sự là cô độc, mà là cô đơn. Một người có thể cô đơn giữa đám đông, không phải sao?" Vậy nên, hóa ra cô đơn không phải vì mình không có người ở bên, mà vì người ở bên mình đâu phải người trong lòng mình. Con người thật kỳ lạ, càng lớn con người càng cô đơn, như thế rốt cuộc là cô đơn chọn lựa con người hay là con người chọn lựa sự cô đơn? Đôi lúc đứng bên đường nhìn người qua lại, con cảm thấy thành phố này còn hoang vu hơn cả sa mạc. Mỗi người gần nhau như vậy nhưng hoàn toàn không biết tâm sự của nhau, nhiều người nói chuyện ồn ào như vậy mà không ai thật sự đang lắng nghe."

Nhưng cô đơn thực sự là gì nào?

Là một khái niệm? Một cảm giác tâm lý? Hay một kinh nghiệm cá vị?

Tôi mời bạn đọc trích dẫn sau được đăng tải trên Wikipedia- Bách khoa toàn thư mở: "Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết nối hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất. Các nghiên cứu cho thấy sự cô đơn là một hiện tượng phổ biến trong xã hội loài người, gặp ở những người đã kết hôn, những người đang có các mối quan hệ, các gia đình, các cựu chiến binh, và ngay cả những người đã thành công trong sự nghiệp. Sự cô đơn là một chủ đề văn chương được khám phá trong suốt chiều dài lịch sử con người từ thời cổ đại. Sự cô đơn cũng được miêu tả như một nỗi đau tâm lý, và cũng là cơ chế thúc đẩy một cá nhân tìm kiếm sự kết nối xã hội. Sự cô đơn thường được định nghĩa trong mối liên hệ của một người với người khác, cụ thể hơn là "một trải nghiệm khó chịu xảy đến khi mạng lưới quan hệ xã hội của một người bị khiếm khuyết trên một số phương diện quan trọng". Hay trong cuốn Từ điển Tâm lý học (Giáo sư tiến sĩ Vũ Dũng chủ biên) định nghĩa: "Cô đơn là một trong những yếu tố căn nguyên tâm lý ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của con người khi ở vào tình huống không quen thuộc (bị thay đổi) hay hoàn cảnh bị cách ly với những người khác. Khi rơi vào trạng thái cô đơn do sự cách ly thực nghiệm, địa lý, xã hội, hay do bị tù, các mối quan hệ trực tiếp với những người khác bị cắt đứt gây ra những phản ứng cảm xúc cấp tính. Trong một loạt các trường hợp xuất hiện sự sốc tâm lý với các biểu hiện lo âu, trầm cảm, và rối loạn thần kinh thực vật".

Phần tôi, tôi muốn tóm lại bằng chín chữ khi nói về sự cô đơn: "Thiếu kết nối – Thiếu chia sẻ - Thiếu đồng cảm". Ở cái thời đại của Internet, truyền thông mạng, chúng ta thường tỏ vẻ mình đang kết nối với rất nhiều người ở những vùng đất khác nhau, từ xã lỵ huyện lỵ tỉnh lỵ đến các vùng miền khác nhau trên đất nước, những vùng hải đảo xa xôi, những đất nước láng giềng, trong khu vực và mọi nơi trên thế giới. Chúng ta cũng đã có lúc phô diễn rằng mình là một con người biết xót thương, có tinh thần chia sẻ và đồng cảm với những người khác. Nhưng tại sao chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn? Vấn đề ở đâu và nguyên nhân là gì?
Bạn đã bao giờ nghe định nghĩa này: "Tình yêu là ở cùng"?

Có thể giữa đám đông, ta vẫn cô đơn. Đúng thế. Nhưng sẽ không còn cô đơn nữa, nếu ta biết "ở cùng", để tìm hiểu biết người, để tìm yêu mến người; và ta cho mọi người được "ở cùng" ta, để họ tìm hiểu biết ta, để họ tìm yêu mến ta. Như vậy, "ở cùng" có nghĩa rằng tôi "mở lòng" mình, để người khác có thể dễ dàng đi vào cuộc đời tôi và ngược lại. "Ở cùng" là hiện diện một cách thiêng thánh trong cuộc đời nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, đau khổ.

Một khi tôi vẫn nói tôi đang cô đơn, là tôi vẫn chưa ý thức được căn tính của hai chữ "ở cùng". Tôi vẫn chưa mở lòng, để Chúa, Phật, mọi người đi vào cuộc đời tôi, và chính tôi cũng chưa đi vào cuộc đời mình. Hiểu được như thế tôi thấy tâm hồn mình ấm lên và nỗi cô đơn dường như đang bé lại. Bởi lẽ, cho dù trong cuộc sống, không còn ai lắng nghe lời tâm sự của tôi, cho dù không còn nơi nào cho tôi nương ẩn vững chắc, thì tôi vẫn còn có Chúa, có Phật. Vị Chúa Vị Phật trong đời tôi, trong đời bạn ở đâu, ở đâu nào? Chẳng phải các ngài vẫn luôn hiện diện quanh ta và trong ta sao? Trong tâm hồn tín thác, tác giả Thánh Vịnh chẳng phải đã quả quyết: "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con"(TV 27, 10) . Và chính Ngài, lạy Chúa, Ngài cũng đã cam đoan với con: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Isaia 49, 15)

Trong căn tính hai chữ "ở cùng". Tôi ngẫm lại sự "ở cùng" nơi tôi. Tôi đã từng nói tôi bị bao bọc tứ phía bởi sự cô đơn: Cô đơn trong gia đình. Cô đơn ở trường học. Cô đơn ngoài xã hội. Cô đơn trong Giáo hội. Tôi tự hỏi: Tại sao như vậy? Tôi tự vấn đâu là nguyên do? Thì ra tôi chưa đặt thân xác và tâm hồn của mình hiện diện và ở cùng với những người tôi chung sống, với những người tôi gặp gỡ.

Có bao giờ tôi đã thực sự "ở cùng" trong nỗi buồn của mẹ và sự khổ tâm của cha? Có bao giờ tôi đã thực sự "ở cùng" trong niềm vui hay trong sự âu lo của bè bạn? Có bao giờ tôi đã thực sự "ở cùng" trước những vấn nạn của xã hội hay chỉ là thái độ thờ ơ? Có bao giờ tôi đã thực sự "ở cùng" với những anh chị em của mình, những anh chị em cũng đang gặp những thách đố như tôi?

Dẫu rằng, đôi khi "ở cùng" chưa chắc đã giải quyết được tất cả các vấn đề. Nhưng một khi ta cho phép mình được đi vào cuộc đời của nhau, để tôi vui với niềm vui của người, để tôi đau nỗi đau của người, thì chắc chắn niềm vui sẽ nhân lên, và nỗi buồn sẽ vơi đi. Giữa chúng ta là: "Tình yêu ở cùng".

"Ở cùng chính mình" tự nó đã là một liên hệ, một kết nối.

Bạn mến!

Tôi – bạn, phải chăng chúng ta là những người lớn cô đơn?

Vậy thì chúng ta cần hỏi bản thân lúc này: Tôi đã -"ở cùng" "chính mình" chưa?

La Việt Phi