Thấp thoáng sau lò gạch Chí Phèo - Tác giả: Anh Jena

Lan Mary
Cách đây mấy ngày, tôi được em gái gửi cho mấy bức hình, lần đầu tiên tôi thấy cha xứ cử hành Thánh lễ cầu hồn trong khu di tích lịch sử tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao, một tín hữu Công giáo, cây bút hiện thực tài hoa của văn chương Việt Nam, tại xã Nhân Hậu huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam - quê tôi. NGUỒN:

Cách đây mấy ngày, tôi được em gái gửi cho mấy bức hình, lần đầu tiên tôi thấy cha xứ cử hành Thánh lễ cầu hồn trong khu di tích lịch sử tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao, một tín hữu Công giáo, cây bút hiện thực tài hoa của văn chương Việt Nam, tại xã Nhân Hậu huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam - quê tôi.

Lòng tôi chợt chộn rộn lên, chợt nhớ bâng quơ như lời thơ của Vũ Khắc Tế đã viết: Đời riêng mái ấm phương xa/ Một ngày chợt nhớ quê nhà nôn nao. Nỗi nhớ hòa vào sự ngạc nhiên và xúc động bồi hồi khi thấy những hình ảnh ca đoàn giáo xứ và mọi người cùng tham dự Thánh lễ cầu hồn cho nhà văn Nam Cao lần đầu tiên tại chính khu tưởng niệm của ông thuộc giáo họ Đại Hoàng- giáo xứ Trung Kỳ- giáo hạt Lý Nhân. Những hình ảnh ấy không chỉ khiến tôi nhớ về những năm tháng tuổi thơ được quy tụ tại vườn thánh, được tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, thắp những nén nhang, đốt những ngọn nến, đọc những lời kinh và cùng gặp lại họ hàng khắp nơi trở về bên phần mộ những người thân. Những hình ảnh ấy còn khiến cả một ký ức thấp thoáng sau lò gạch Chí Phèo chợt ùa về trong tôi.

Ngày còn đi học ở quê, mỗi lần được đi thi trên huyện hoặc đi thi tỉnh mỗi đứa ở làng chúng tôi đều hứng khởi, tự hào khoe với bạn bè rằng quê tao có nhà văn. Rồi chúng bạn nói đoán đề xem có thi Văn vào Chí Phèo hay không, chúng tôi hay nói học đi rồi mới viết được là học hết đi rồi vào bài nào cũng có thể làm được chứ không đoán. Chúng tôi áp dụng câu nói trên ở câu nói gốc của ông trích trong Nhật Ký ở rừng là "Sống đã rồi hãy viết..." khúc sau còn một xíu nữa nhưng tụi chúng tôi thường chỉ nhớ năm chữ đó.

Ngày ấy, khi khu tưởng niệm dù đã thấy sửa sang khang trang nhưng cỏ mọc rất nhiều, tụi học sinh phải đi làm cỏ liên tục, có những khi vào dịp 27/7 học sinh ở Nhân Hậu thay nhau đi làm cỏ. Tôi học ở trường trên nên chỉ khi có dịp quan trọng hoặc liên ngành liên thôn xã tôi mới có dịp làm công việc ấy. Bù lại, tôi được vào trong khu trưng bày rất nhiều lần, có khi được bác Vịnh (người trông coi nhà tưởng niệm) bật mí rất nhiều điều về các tác phẩm của Nam Cao. Tưởng đâu bác sành sỏi văn chương, chữ nghĩa nhưng bác chân quê, bác sống cái hồn của Vũ Đại từ thuở ấy có Chí, rồi hiểu tường tận sao gọi là Chí Phèo, sao trẻ con lại không được ăn thịt chó... bác họa lên sinh động chân thật tất cả những hình ảnh mà Nam Cao viết trên trang sách thật gần gũi và kéo chân tôi ở lại. Bác chỉ cho tôi từng bức hình kỉ niệm của Nam Cao được treo trưng. Tôi ấn tượng với bức hình vợ chồng nhà văn Giuse Trần Hữu Tri chụp hình cưới tại nhà thờ cháy, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang nay là nhà thờ Vĩnh Đà, huyện Lý Nhân. Trước đây nhà thờ ấy là giáo xứ quê tôi, sau được tách ra thành giáo xứ Trung Kỳ và bao gồm 4 giáo họ trong đó phần đất an nghỉ của nhà văn liệt sĩ Nam Cao thuộc giáo họ Đại Hoàng.


Bên ngoài phần mộ của ông, tính từ cổng vào thì du khách sẽ nhìn thấy phần mộ trước, phía khuôn viên còn lại là khu vườn phía Đông nhà tưởng niệm (khu vườn được trồng và bảo tồn nguồn gen sản vật chuối Ngự của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp (CASRAD) triển khai dự án năm 2007). Khu tưởng niệm ngày ấy không quá rực rỡ, trang hoàng như hiện tại mới được quy hoạch lại nhưng cho chúng tôi cảm giác rất gần gũi, hòa chung vào nhịp sống làng quê, ai ai đi qua cũng thấy tự hào vì quê mình có nhà văn.


Ngày trước, ở quê tôi nhiều người làm nghề đốt lò gạch, làm gạch tuynel, gạch bi. Bố tôi cũng một thời làm nghề ấy. Khi mẹ chuyển dạ sinh tôi, bố tôi còn đang dở việc đốt lò gạch ở khu dưới đấy nên những câu chuyện về lò gạch hay được bố mẹ và bác tôi lấy chồng về dưới đó kể nhiều. Hình ảnh thấp thoáng sau lò gạch Chí Phèo thân thương gần gũi làm sao! Sau khi học bài Chí Phèo ở lớp 11, tôi đã tìm về cái lò gạch cũ xưa Chí Phèo từng ở. Tôi nghe nói khu đó giờ có ông chủ lò gạch cưới ba bà vợ về sinh sống trong khuôn viên ấy. Có người thì nói khi dòng chảy của con sông yếu đi, không còn những hạt phù sa lắng đọng lại, họ lấp đi cái lò gạch cũ ấy rồi bồi đắp tạo nên vùng đồng bằng, chỗ đó giờ là vài bụi tre làng sát bờ sông.

Tôi thì tin dấu tích cái lò gạch cũ ấy sống mãi trên những trang sách truyện ngắn Chí Phèo hay những truyện khác mà một nhà văn Công giáo cảm nếm cái hồn cốt của con người, văn hóa và tôn giáo quyện lại và sống mãi qua các thế hệ. Những thứ nhỏ nhặt, xoàng xĩnh, gần gũi gắn liền với vùng quê nghèo, thấp thoáng sau cái lò gạch Chí Phèo, gợi lên cái vòng luẩn quẩn, bi thương nơi một con người được sinh ra rồi bị vứt bỏ, bị chà đạp, tước đi hạnh phúc, luôn khao khát được làm người. Chính trong những nỗi cùng cực hiển hiện ấy, sau cái lò gạch đổ nát ấy đã sinh ra một nhà văn đầy lòng trắc ẩn và cảm thương cho số phận con người trong xã hội cũ và tập truyện đầu tay này đã làm nên tên tuổi của ông.

Phía trước mộ của ông đặt cuốn sách đá với hai trang sách mở, chữ khắc chìm, nét chữ đen, mềm mại. Nội dung hai trang sách ghi lời tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn:


Trang bên trái được trích trong tác phẩm Đời thừa (1943) là: "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có..."

Trang bên phải được trích trong tác phẩm Nhật ký ở rừng (1948): "Sống đã rồi hãy viết...góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn..."

Khi đi học xa, tôi chưa có dịp quay lại khu tưởng niệm nhưng nhìn thấy những bức hình chụp mới được quy hoạch lại và được Linh mục cử hành Thánh lễ cầu hồn tại nơi ấy lòng tôi thấy an vui nơi phần mộ của những nhà văn - tín hữu Công giáo như Nam Cao.


Khi còn sống, trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của xã hội, có lẽ một cách vô thức, ông từng phải mượn Chí Phèo để bày tỏ nỗi lòng: "Ai cho tôi lương thiện?". Nhưng tôi tin, thấp thoáng sau lò gạch Chí Phèo, ông cũng được ơn Thánh Thần tác động để ông có thể chạm tới ước mơ của Chúa trên đời trong vai trò một nhà giáo, khơi dậy cho các học trò lòng khao khát sống thiện lương. Có lẽ, ông đã được chạm đến chính những ước mơ sâu thẳm của đời mình, rồi ông cũng đã chạm tới ước mơ của người khác, như để cho Chí Phèo vẫn còn có một thứ tình cảm gọi tạm là tình yêu với Thị Nở và bát cháo hành đã cứu vớt cuộc đời của Chí. Có lẽ, chính những thứ tưởng chừng như xoàng xĩnh trong cuộc sống hàng ngày lại khiến cho một con người đầy lòng trắc ẩn khi dừng chân đúng thời điểm để lắng, để nghe, để hành động và để cùng nhau ước mơ những điều tốt lành và cao đẹp cho chính mình, cho con người và cho thế giới hôm nay.

Tôi tin thấp thoáng sau lò gạch Chí Phèo là một tâm hồn âm thầm phản chiếu tinh thần của Chúa trong hoàn cảnh tế nhị. Trong truyện ngắn Trăng Sáng, Nam Cao từng viết: "Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than...". Chẳng phải ông âm thầm noi gương Chúa Giêsu hạ mình xuống chia sẻ phận người đau khổ lầm than kia sao?! Còn trong truyện ngắn Đời Thừa ông cho rằng một tác phẩm có giá trị phải "chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn". Đó chẳng phải là những giá trị cốt lõi của Tin Mừng mà Chúa đem đến cho nhân loại đó sao?!


Một trong tám mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu từng công bố: "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5, 7). Tôi tin hôm nay ông cũng được ngụp lặn trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Và ước mong giờ đây ông đã được chiêm ngưỡng Trăng Sáng bất diệt trên Thiên Đàng, như xưa ông từng mơ ước:

"Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Trăng, ơi trăng!"

Anh Jena, 13.11.2023