Chia sẻ về bài thơ Hai tim nên một của Cát Đen - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary
Đọc bài thơ này bằng văn bản (tức là thưởng thức thơ bằng thị giác), người yêu thơ Lục bát sẽ dễ bị "sốc" vì nhạc luật của những câu đầu bài thơ không chuẩn: chữ thứ hai của câu thứ nhất phải là tiếng bằng, nhưng tác giả dùng tiếng trắc ("Nhớ lại"); Chữ "thông" không vần với chữ "trường"; chữ "yêu" không vần với chữ "ru". NGUỒN:

(Tặng các đôi bạn thành hôn trong mùa Noel)

Nhớ lại tuổi học phổ thông
Ngày ngày đến lớp chung trường tuổi thơ
Lòng thương mà mắt hững hờ
Như chưa quen biết, giả vờ không yêu
Ngày ngày nắng vẫy gió ru
Mái trường hai đứa giã từ lòng đau
Tóc thề em gửi đôi câu
Má hồng môi thắm anh cầu tình em
Cúi đầu nhìn lén anh khen
Càng nhìn càng thích hoa chen môi cười
Rồi đêm trăng đến thảnh thơi
Trên đồng lúa trỗ ngỏ lời yêu em...

Vai anh em tựa đầu vào
Nhà thờ vang vọng dạt dào thánh ân
Xem kìa châu chấu đá chân
Theo Ngôi Sao Lạ nên thân duyên lành
Quỳ bên hang đá lòng thanh
Se duyên kết tóc chân thành đơn sơ
Đêm nay tình Chúa vô bờ
Mình trao nhẫn cưới, mình thề thủy chung
Trường tình hai đứa vấn vương
Buồn vui sướng khổ tình thương sáng ngời
Hai mình mãi mãi đẹp đôi
Hai tim nên một thật rồi mình ơi!

(Công Chánh 03-01-2024)


CHIA SẺ

Đọc bài thơ này bằng văn bản (tức là thưởng thức thơ bằng thị giác), người yêu thơ Lục bát sẽ dễ bị "sốc" vì nhạc luật của những câu đầu bài thơ không chuẩn: chữ thứ hai của câu thứ nhất phải là tiếng bằng, nhưng tác giả dùng tiếng trắc ("Nhớ lại"); Chữ "thông" không vần với chữ "trường"; chữ "yêu" không vần với chữ "ru".

Nhưng xin lưu ý rằng, bài thơ được đọc (diễn xướng) trước công chúng, và thi pháp thơ nằm trong thi pháp ca dao, nên khi tiếp cận bằng thính giác (nghe đọc), thì vần, luật thơ chỉ là yếu tố tạo nhạc và kết nối ý tưởng giữa các câu thơ. Vần luật không quyết định nội dung thơ, bởi tiếng Việt giàu nhạc tính là nhạc tính của thanh sắc giọng nói Việt (các thanh: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Và nhịp thơ lục bát 2/2/2 là nhịp điệu của từ 2 tiếng (từ ghép và từ láy), điều này giúp cho Lục bát dù không chuẩn về vần luật cũng được chấp nhận. Điều quan trọng là, nội dung tác giả thông tin gì đến người nghe, khơi gợi điều gì trong tâm hồn họ và dẫn họ đi về đâu trong hành trình tư tưởng và tâm linh (đối tượng là các cặp đôi Công giáo thành hôn trong mùa Noel)

Phần đầu bài thơ là "nhớ lại" kỷ niệm tình yêu, bởi nếu không có tình yêu thì không thể đến với hôn nhân, và tình yêu càng sâu đậm thì hôn nhân càng hạnh phúc bền chặt.

Tác giả vẽ nên một không gian, thời gian, bối cảnh tình yêu rất quen thuộc, mộc mạc đơn sơ mà ai cũng có trải nghiệm: tuổi thơ cùng học chung trường, chung lớp với bạn tình. Nhưng ở cái tuổi thiên thần ấy, trường lớp, bạn bè, thầy cô đã giữ cho hai trái tim học trò trong ngần thánh thiện. Đã yêu nhưng phải "giả vờ" xa lạ như "chưa quen biết"

Nhớ lại tuổi học phổ thông
Ngày ngày đến lớp chung trường tuổi thơ
Lòng thương mà mắt hững hờ
Như chưa quen biết, giả vờ không yêu


Đây là trạng thái tâm hồn của tuổi học trò. Thực ra bọn "con trai"tuổi học trò rất "nhát". Có một "nỗi sợ" rất tự nhiên mỗi khi muốn lại gần một bạn gái. Muốn tỏ tình, muốn kết bạn riêng với một nàng nào đấy nhưng "không dám"!. "Sợ" là vì, nếu nàng từ chối lời yêu thì chàng sẽ "quê" với tất cả bạn bè. "Sợ" mình vụng về, không đẹp trai không biết "ga-lăng", nàng sẽ chê là "Hai lúa", và "sợ"thầy cô, cha mẹ mà biết được, người ta rêu rao khắp làng xóm thì, chỉ có bỏ xứ mà đi. Thế nên mới: "Lòng thương mà mắt hững hờ/ Như chưa quen biết, giả vờ không yêu".

Tại sao mắt lại hững hờ"? Người ta thường nói "mắt là cửa sổ tâm hồn", mắt để lộ hướng nhìn, cảm xúc, khát vọng và ý định hành động. Chàng chỉ cần nhìn nàng, người quan sát có thể đọc được ý nghĩ của chàng, đếm được nhịp tim đập của chàng, và nếu thế thì rất "nguy hiểm". Thế nên "Lòng thương mà mắt hững hờ là một trạng thái "đóng kịch", một chước "nghi binh" trong tình yêu mà cả chàng và nàng thường đắc dụng.

Không ngờ cái chiêu "đóng kịch" đắc dụng ấy lại trở thành "phản chiêu": "gậy ông đạp lưng ông", bởi vì thời gian cứ trôi đi, và đến lúc hai đứa phải rời mái trường, không còn được nhìn thấy nhau mỗi ngày nữa, lúc ấy mới thấm thía

Ngày ngày nắng vẫy gió ru
Mái trường hai đứa giã từ lòng đau


Cứ tưởng rằng tuổi học trò mãi mãi là những ngày nắng đẹp vẫy gọi ("nắng vẫy"); tưởng rằng, tình yêu âm thầm ấy mãi mãi êm đềm như "gió ru". Nếu phải chia tay mái trường thì những ngày "nắng vẫy gió ru" thơ mộng ấy mất hết. Chỉ nghĩ thế thôi thì cả chàng và nàng đã không thể chịu đựng nổi nỗi đau (nhất là nỗi mất mát tình đầu). Hai câu lục bát ngắn ngủi làm thay đổi tất cả. Thời gian qua mau quá! Tuổi thơ không lường trước được. Phải giữ lấy nhau không sẽ mất hết.
Đoạn thơ vẽ lại cuộc hò hẹn lứa đôi tuyệt đẹp

Tóc thề em gửi đôi câu
Má hồng môi thắm anh cầu tình em
Cúi đầu nhìn lén anh khen
Càng nhìn càng thích hoa chen môi cười


Nhạc thơ vui tươi hẳn lên, màu sắc không gian là màu hồng của hai trái tim (má hồng, môi thắm, hoa cười). Chỉ khi nàng đang yêu thì má mới ửng hồng và làn môi mới đỏ thắm, và khuôn mặt thì tươi như hoa. Em đã "gửi đôi câu" và anh đã "cầu tình em".

Vì là cuộc hẹn riêng tư nên cả hai cũng tự nhiên bộc lộ cảm xúc tình yêu. Em tóc thề, má hồng, môi thắm, nụ cười tỏa rạng trên khuôn mặt hoa. Còn anh, không còn phải "giả vờ" nữa, mà bộc lộ trực tiếp bằng ánh mắt nhìn chiếm hữu "càng nhìn càng thích", và trước một người con gái tươi đẹp như thế, nếu không biết khen nàng, tức là không biết cảm nhận những tình cảm sâu lắng của nàng bộc lộ qua hương sắc. Tức là, nếu chàng "hững hờ", thì chắc chắn cuộc hẹn hò sẽ tan vỡ. Được chàng khen nàng sẽ rất hạnh phúc. Hạnh phúc ấy được tỏ hiện bằng một cuộc gặp gỡ, tỏ tình chính thức

Rồi đêm trăng đến thảnh thơi
Trên đồng lúa trỗ ngỏ lời yêu em...


Chuyện anh "ngỏ lời yêu em" là chuyện từ thời Adam-Eva, nhưng cái khung cảnh lứa đôi chọn để ngỏ lời mới lộ ra những phẩm chất rất đẹp trong tình yêu của họ. Họ có thể chọn một quán cà phê (lãng mạn), một nhà hàng (khoe khoang sự sang trọng), thậm chí (ngày nay) họ dẫn nhau vào nhà nghỉ (huhu! Thôi xong!)

Rất mừng là họ chọn một "đêm trăng", điểm hẹn là "đồng lúa trỗ", và tâm thế lứa đôi rất "thảnh thơi". Không gian này mở ra rất rộng: hướng lên bầu trời cao tràn ngập ánh trăng, hướng ra chiều rộng là cánh đồng lúa đang trổ bông, ngào ngạt hương lúa. Không gian cao rộng, đầy hương thơm và ánh sáng cũng chính là tâm hồn lứa đôi và phẩm chất tình yêu của họ. Khác hẳn với không gian chật hẹp, đầy lo lắng, trước những tăm tối gió mưa cuộc đời của tình yêu lãng mạn như Phan Khôi đã viết

"Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở..."


(Tình già-Phan Khôi. 1932)

Không gian hẹn hò trong bài thơ này cũng là sự phát triển tiếp nối không gian ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi


Trong đêm trăng sáng, cô thôn nữ tát nước bên đường. Ở nông thôn, người ta tranh thủ làm việc buổi tối cho mát mẻ. Chẳng hạn, tát nước vào cho ruộng cho lúa lên xanh. Một anh chàng nào đó trên đường (trong bóng tối, không xuất hiện trong câu thơ) thấy cô gái tát nước một mình đã buông lời tán tỉnh. Cô không trả lời mà vẫn tiếp tục tát nước, khiến anh ta tưởng như những lời vàng ngọc của mình bị cô múc đổ đi!

Rồi đêm trăng đến thảnh thơi
Trên đồng lúa trỗ ngỏ lời yêu em...


Quả thực tình yêu của họ trong sáng, thanh khiết, ngập tràn hương thơm, và vô vàn hạnh phúc (họ thảnh thơi, không lo lắng than thở như cặp đôi trong thơ Phan Khôi)

Như vậy, tác giả đã dẫn chúng ta đi lại cuộc tình thời trẻ thơ với nhiều cung bậc suy nghĩ, cảm xúc: yêu mà giả vờ không yêu, yêu mà phải rời nhau thì vô vàn đau đớn, mừng biết bao nhiêu khi em gửi những câu hẹn hò, quý giá vô ngần khi có được em má thắm, môi hồng, tươi thắm như hoa, và hạnh phúc rợp trời trong đêm trăng sáng trên cánh đồng lúa trỗ bông khi ngỏ lời yêu.

Tôi nghĩ khi bạn đọc đi lại con đường tình của mình theo sự dẫn lối của nhà thơ, chắc trái tim chúng ta cũng bồi hồi với bao kỷ niệm. Đó chính là chỗ hay của thơ. Thơ có sức gợi rất sâu xa những kỷ niệm, những tâm tình, những niềm vui nỗi buồn của tình yêu, và nhất là tình yêu tuổi học trò.

Ở phần II của bài thơ, tác giả dẫn ta về hiện tại: "Đêm nay...".

Lứa đôi hiện diện trong đêm Chúa Giáng Sinh, bên hang đá. Đêm nay, đêm ánh sáng, không gian đầy tiếng hát thiên thần ("nhà thờ vang vọng"): "Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm"; đêm của ánh Sao Lạ, Tin mừng được loan báo cho muôn dân (ánh Sao Lạ hiện ra soi dẫn cho Ba vua đi tìm Chúa)

Vai anh em tựa đầu vào
Nhà thờ vang vọng dạt dào thánh ân
Xem kìa châu chấu đá chân
Theo Ngôi Sao Lạ nên thân duyên lành
Quỳ bên hang đá lòng thanh
Se duyên kết tóc chân thành đơn sơ
Đêm nay tình Chúa vô bờ
Mình trao nhẫn cưới, mình thề thủy chung


Tại sao lứa đôi lại chọn đêm Giáng Sinh để "trao nhẫn cưới" và nói "lời thề thủy chung"? (tức là cả hai nguyện kết hợp với nhau, sự việc trọng đại nhất của một đời người).

Đó là một nét văn hóa đặc thù Công giáo. Vì hôn nhân là việc quan trọng ảnh hưởng đến cả đời người nên lứa đôi cần có Chúa bảo trợ. Chúa đã từng chúc phúc cho tiệc cưới Ca Na và trong đêm Giáng sinh, đêm thánh, đêm của tình yêu Thiên Chúa, đêm hồng phúc cho cả nhân loại. Nếu lứa đôi gắn kết tình yêu của mình với "tình Chúa vô bờ" thì hạnh phúc sẽ vô cùng viên mãn.

Bây giờ cả hai là một. Câu thơ không dùng cách xưng hô "Anh"/ "Em" mà dùng điệp từ "mình" của ca dao:

Đêm nay tình Chúa vô bờ
Mình trao nhẫn cưới, mình thề thủy chung


Bốn câu thơ cuối là cảm nhận lứa đôi về tình yêu hôn nhân Công giáo

Trường tình hai đứa vấn vương
Buồn vui sướng khổ tình thương sáng ngời
Hai mình mãi mãi đẹp đôi
Hai tim nên một thật rồi mình ơi!


Bây giờ chàng mới tin rằng tình yêu của mình là "thật rồi", bởi vì trước kia, tình yêu ấy chỉ là mơ ước, là mong manh hững hờ, biết đâu "nắng... gió" (thời gian) sẽ làm phôi pha, biết đâu khi hai đứa rời mái trường, mãi mãi xa nhau thì vết thương tình yêu không thể hàn gắn (Can't mend a broken heart).

Bây giờ là "thật rồi", vì có Chúa bảo trợ, cả không gian đêm thánh là không gian hạnh phúc. Hạnh phúc thật, không phải thứ hạnh phúc vị kỷ của "đôi cái đầu xanh cùng nhau than thở trong gian nhà nhỏ, dưới ngọn đèn mờ"(thơ Phan Khôi). Câu thơ diễn tả được niềm hân hoan tràn ngập của lứa đôi khi đặt tình yêu của mình trong "tình Chúa vô bờ".

Nhà thơ đã từ những trải nghiệm tuổi học trò, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong tình yêu với người trẻ, và dẫn lứa đôi về bên hang đá Giáng Sinh để họ đặt tình yêu của mình vào tình yêu Thiên Chúa. Đó là một hành trình tình yêu đặc thù Công giáo. Hạnh phúc thật là hạnh phúc trong tình yêu vô bờ của Chúa, hoàn toàn khác với tình yêu lãng mạn vị kỷ: "Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở (Ngập ngừng-thơ Hồ Dzếnh)

Vẻ đẹp của bài thơ là chất mộc mạc của lời, của vần và nhạc. Ở một tầng cao hơn, vẻ đẹp hiển lộ ở không gian cao rộng đầy ánh sánh, đầy hương thơm (cánh đồng lúa trỗ), đầy tiếng nhạc, đầy hồng ân (đêm Giáng sinh), và vẻ đẹp của thơ ca Công giáo là Mỹ học Kitô giáo, "Cái Đẹp trọn hảo" là Chúa Giêsu khi lứa đôi quỳ bên hang đá đặt cả tình yêu và cuộc đời họ vào tình yêu vô bờ của Chúa. Thơ không chỉ để thưởng thức, để bày tỏ những trải nghiệm của cá nhân, mà thơ còn là thông điệp tâm linh, mời gọi, xác tín với niềm hân hoan rằng con đường hạnh phúc của tình yêu lứa đôi là con đường đến với Chúa.

Xin chia sẻ với bạn đọc một bài thơ đẹp của nhà thơ Cát Đen, một bài thơ có sức gợi ra nhiều chiều kích của tình yêu và hôn nhân Công giáo, và chắc chắn bạn sẽ tìm thấy tình yêu của mình trong những giai điệu đầy niềm vui và ánh sáng ấy.

Bùi Công Thuấn, Tháng 1/2024