Chọn lựa - Tác giả: Giuse Phan Ngọc

Lan Mary
Tại sao Chúa lại để con bà gặp những biến cố thử thách như thế này? Gia đình bà sống tốt lắm cơ mà, bà còn dâng luôn người con trai duy nhất cho Chúa nữa rồi? Ấy vậy mà giờ đây, chuyện không hay này lại ập đến. Là một người mẹ đã kinh qua nhiều gian lao, cũng là một người vợ, một người đã và đang sống trong ơn gọi hôn nhân, bà biết rằng, nếu như nàng quyết li dị, nàng sẽ lỗi phạm luật Chúa, sẽ mất linh hồn. Chiếc nhẫn cưới khi nao như một dấu chỉ đóng ấn giờ đang được tháo bỏ. "Chúa ơi, con phải làm sao". Bà kêu cầu Chúa trong vô vọng! NGUỒN:

(Tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi viết "Têrêsa- Đóa hoa ân huệ" 2023)

Ngày hè oi ả, gió thổi về rì rào xao xác sau bụi cây. Tiếng lúa vờn vờn tạo thành những điệu nhạc du dương bất hủ của trời đất. Người ta thấy những chùm bằng lăng vẫn nở đặc tím, lác đác cạnh bờ sông bên tả màn ngôi thánh đường. Nắng hè tháng bảy cháy cả da thịt, thiêu đốt cả vùng trời trong xanh, những con nước từ trên ngàn đổ xuống tưới mát cả vùng đất đang khô cằn chờ được tắm mát. Nàng thiếu nữ ngồi trầm tư trên chiếc chõng gỗ đặt trên sân thượng ngôi nhà ống sơn màu trắng sữa đã phai xám theo thời gian, ánh mắt xa xăm dõi theo những đàn cò trắng trang lũ lượt về rừng sau ngày rong ruổi, xem những cây rừng và bông lúa chín vàng rung rinh cưỡng lại gió hè. Mây trời vẫn cứ vậy, một màu yên tĩnh đến lạ thường, chẳng náo động nhưng tha thướt, nơi đây chỉ có hương sắc của cỏ cây, chỉ có những sự mát rượi của đợt gió hè.

Nơi nhà chồng của nàng. Một vùng quê xứ Nghệ yên bình, trong lành và cũng có chút màu hiện đại, có dòng sông xa tít chân trời, có những cánh đồng lúa trải thảm vàng xanh cả vùng đất. Nơi đây có bóng dáng hiện đại của những ngôi nhà cao tầng mà chồng nàng bảo được xây cất vài năm trước, khi thanh niên ở đây ồ ạt nối đuôi nhau đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản; có sự hiện diện của núi rừng ở phía xa xa nơi chồng nàng có một tuổi thơ đi hái sim, săn chim, bắt chuột. Ngồi trên sân thượng nhìn xuống, cảnh vật chao ôi thật đẹp làm sao, nhưng trong mắt nàng giờ đây, mọi thứ cứ trầm buồn...

Hôm nay, bố mẹ và anh trai nàng theo những chuyến xe khách Bắc Nam từ miền Hải Dương xa xôi vào Nghệ An thăm vợ chồng nàng. Nàng nhớ gia đình, nhớ người bố già đã bạc gần hết mái đầu với đôi vai sờn hằng ngày vẫn mang vác từng bao xi măng, vẫn nâng từng cuộn sắt để cho hai anh em nàng có cơ hội ăn học. Nàng cũng nhớ mẹ, người phụ nữ hiền lành chất phác, mẹ nàng ít nói lắm, cũng hay rưng rưng nước mắt, hễ ai làm phẫn lòng hay nhìn thấy mọi điều gì bất hạnh thì những giọt nước mắt lại ngay lập tức lăn dài trên gò má đã uốm màu thời gian. Mẹ nàng là người hiểu nàng nhất, là người nàng dành tình thương dư hơn so với bố và anh trai. Cũng đúng thôi, bởi trong nhà chỉ có nàng và mẹ là phái nữ, cùng cảm xúc, cùng tần số của tình yêu. Bà được nàng và anh trai gán cho biệt danh khá ngộ nhưng cũng khá dễ thương "Bà sơ của Chúa", bởi lẽ, mẹ nàng đạo đức vô cùng. Nàng còn nhớ ngày còn chưa về xứ Nghệ làm dâu, vẫn sống cùng gia đình tại xứ đạo nhỏ miền Hải Dương, chưa bao giờ nàng thấy ngày nào mẹ không đọc đủ bốn giờ kinh, kinh sáng lúc thức giấc, kinh trưa lúc đồng hồ điểm 12 giờ, kinh chiều Lòng thương xót và giờ kinh tối tại nhà thờ cùng cộng đoàn giáo dân. Nàng thường hay trêu mẹ là tại sao trước đây mẹ không đi tu, nếu đi tu thì giờ chắc Giáo hội có một bà sơ thánh thiện cũng không chừng! Cũng bởi mẹ nàng đạo đức, có lòng sùng đạo cách đặc biệt mà anh em nàng cũng được thừa hưởng "bộ gen quý" đó, nàng cũng học hỏi được từ mẹ tinh thần đạo đức, lòng sùng kính Đức Maria, tình yêu đối với các thánh. Còn anh cả của nàng, nhờ ơn Chúa, anh đang là chủng sinh tại Đại chủng viện, đang theo học những năm cuối cùng của chương trình thần học để tiến tới chức linh mục. Nàng tự hào về anh trai, bởi anh là tấm gương cho nàng về cả thành tính học tập cũng như cả đời sống đạo đức, nàng cũng hãnh diện vì khi ở quê, được mọi người gọi là em gái thầy Biên thay vì gọi "cái Nương" như ở nhà mẹ vẫn hay gọi.

Đã từ lâu lắm rồi nàng không về Hải Dương thăm quê nhà, cũng tại vì bận bịu công việc ở công xưởng nhỏ nhà chồng, cũng là tất bật chăm lo cho thằng Hiếu, đứa con trai đầu lòng của nàng với Phong. Hôm nay thật là một dịp đặc biệt, mẹ nàng cùng gia đình tận dụng thời gian rảnh, lúc chưa vào vụ mùa ở quê và cũng nhân lúc Thầy Biên được nghỉ hè sau thời gian tu học dài tại chủng viện. Cả gia đình đến đây, trước tiên là để thăm thằng cháu quý tử, sau cũng là thăm nàng và coi xem ở đây vợ chồng nàng sống có tốt không? Nàng thật vui vì điều này, nàng cũng nhớ họ, họ cũng nhớ nàng, đã ba năm nay không gặp mặt trực tiếp, chỉ có những cuộc gọi ngắn được nhìn mặt nhau qua màn hình điện thoại. Tuy nhiên, nàng cũng mang sự lo lắng và trầm buồn, một nỗi buồn khó nói.

Mẹ nàng đặt chân tới miền đất xứ Nghệ nắng gió này, đây là lần đầu tiên của bà, lần đầu tiên bà đến với dải đất miền trung nắng gió, đến với nơi mà bà chỉ nghe nói đến trên truyền hình mỗi lúc bão về, mỗi khi lũ lụt hay là những đợt cháy rừng kinh khủng ở các năm qua. Mỗi lúc nhìn những đợt lũ cuồn cuộn, nhìn những mái nhà trơ trọi giữa biển nước, hay bắt gặp những gia đình cả mấy thế hệ cùng ngồi co lạnh trên những mái nhà giữa cơn phong ba. Những lúc đó, tâm bà cồn cào, lòng người mẹ già lại nôn nao, bởi lẽ nơi đó có gia đình con bà, có người con gái mà bà nâng niu yêu thương. Khi bước xuống khỏi xe khách cùng chồng và thầy Biên, bà đã cảm nhận rõ rệt cái khắc nghiệt của miền đất này, khi chào đón bà là cái nắng tháng bảy với nhiệt độ gần cả 40, đó là cái nắng như thiêu đốt da thịt, đó là những cơn gió nam khô hanh thổi như làm cháy được cả người.

Ôi chao, Nghệ An sao mà khắc nghiệt quá vậy, nắng thì như đổ lửa, còn mưa lũ thì khổ chẳng nơi nào bằng. Bà thốt lên!

Thương con, nhớ con. Thời nàng còn sống ở Hà Nội cùng chồng, bà thường rất hay lui tới để hỏi thăm và đỡ đần mỗi dịp cuối tuần hay những dịp lễ tết mà vợ chồng nàng phải tăng ca, thêm kíp cơ công ty, bởi khi đó khoảng cách có mấy đâu. Tuy nhiên, từ ngày nhà chồng bắt hai vợ chồng phải về quê sinh sống và làm việc, bởi chồng nàng- Phong là cậu con trai duy nhất trong gia đình, lại còn là đích tôn của họ nữa chứ, cứ bôn ba làm việc xa nhà thì không yên tâm, khó cho việc giỗ chạp hương khói. Cũng vì khoảng cách địa lý xa, với cộng thêm tuổi cũng đã xế chiều, mà ba năm kể từ khi về miền nầy, đây mới là lần đầu tiên bà có cơ hội được đến thăm con. Hai ông bà cùng cậu con trai lặn lội theo xe đến với nơi đây, mẹ nàng mang theo một thùng hàng to lắm, bà bảo đây là bánh đậu xanh quê mình, tay bà tự làm, sợ con xa quê lâu ngày nên muốn đưa một chút hương vị quê hương đến, trước là cho con, sau để mời bà thông gia cũng như chòm xóm. Bà còn gói ghém thêm cho nàng một túi sâm nhỏ, mà bà bảo có anh con bác cả bên Hàn gửi về cho, vì bà biết nàng không được khỏe từ nhỏ, hay ốm vặt và sức đề kháng yếu. Bà gói tất cả những gì tốt nhất vào đó, tất cả tình thương của người mẹ dành cho đứa con mà với bà, nó luôn bé bỏng và cần được ôm ấp...

Còn bố nàng, ông vẫn vậy. Ánh mắt đăm chiêu, lạnh lùng nhưng đối với nàng thật trìu mến. Ông ít nói, lầm lì nhưng với các con ông luôn là một mẫu gương gia trưởng tuyệt vời. Đi đâu, ông cũng kèm theo bên mình một cái điếu cày nhỏ, rỉ rả từng hơi thuốc nghe thật vui tai với những tiếng rít và tiếng nhả khói không lẫn vào đâu được. Nàng nghe quen thuộc lắm, cái tiếng ấy, cái mùi khói thuốc vương phả ấy, tất cả gợi lại cho nàng những kí ức không thể nào quên. Nàng nhớ về tuổi thơ, về xóm làng và về cả tình yêu gắn liền với "mùi khói thuốc" của nàng và Phong.

Nàng gặp Phong vào những ngày trời Hà Nội đón những đợt gió đầu đông, mưa rào lạnh ngắt, những cành cây khô khốc lá vươn mình như dũng cảm chống chọi với cái khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên. Ở một quán vắng bên đường, nàng- cô sinh viên năm ấy, phải lòng một chàng thanh niên lịch lãm, nàng bị cuốn hút ngay bởi ánh nhìn đầu tiên – "Ôi, tình yêu sét đánh chăng", nàng chú ý đến Phong bởi lẽ Phong có những điểm thật giống bố, vẫn mái tóc rẽ ngôi ấy, vẫn anh mắt đăm chiêu ấy và cả cái tiếng rít điếu thuốc ấy, sao mà giống bố thật cơ chứ! Nàng ngồi uống nước một mình, thả hồn theo những làn gió, đưa tay đón lấy những giọt mưa và đá ánh mắt dõi theo những bầy chim đang vẫy cánh trên bầu trời xám xịt. Phong vẫn ngồi ở đó. Người ta hay bảo, "trâu đi tìm cọc", nhưng đối với nàng lúc này có lẽ "cọc đi tìm trâu" chăng. Nàng tự tin lắm, bởi là một cô sinh viên ngành quan hệ công chúng mà! Cũng như một đoạn ngắn mà nàng đọc được trong cuốn "Nhà giả Kim", "Khi bạn muốn dốc tâm làm việc gì, thì cả thế giới sẽ đồng tâm giúp bạn", và thế là nàng đến bắt chuyện với Phong, cái ánh mắt, cái khuôn mặt trìu mến, cái giọng nói địa phương ấy sao mà cuốn hút nàng đến lạ. Càng nói chuyện với Phong, nàng càng cảm thấy mình như đang thả hồn vào một cái gì đó mà chưa bao giờ nàng cảm nhận được. Hỏi ra mới rõ, hóa ra Phong là một chàng sinh viên kĩ thuật. Phong trên nàng hai tuổi và hiện cũng là sinh viên năm ba, cậu là người con của mảnh đất Nghệ An, nơi mà nàng nghe nói đến bởi đó xứ sở anh hùng, can trường, mảnh đất của tinh thần hiếu học, và cả mẹ nàng cũng từng nói "người miền trung họ sống đạo tốt lắm con ạ".

Và thế rồi, từ cái ngày mưa đầu đông định mệnh ấy, nàng đã yêu Phong từ lúc nào. Cái tình yêu sinh viên đó đẹp làm sao! cái tình cảm mà nàng chưa bao giờ được trải qua hay được kinh qua trong đời. Đó là sự quan tâm, hỏi han nhau mỗi khi đêm về, đó là những lần đèo nhau trên con xe Cup vi vu khắp phố phường Hà Nội. Con xe máy nhỏ đã chở theo hạnh phúc thật to, thứ hạnh phúc "Bé con".

Người ta bảo, yêu rồi thì học được làm sao, và bố mẹ nàng cũng dặn như vậy khi nàng bước chân ra đất Hà Thành này để theo đuổi con đường tri thức, mẹ thì động viên "Phận con gái xa nhà, cố gắng học hành tới nơi tới chốn, phải siêng năng lễ hạt hằng ngày, đừng quên mất Chúa, mẹ không cấm cái Nương yêu, nhưng phải chọn người cùng tôn giáo"; bố nàng thì nghiêm khắc hơn, ông giao cho nàng "không được yêu khi còn đi học, sau này học hành xong xuôi, công việc ổn định, yêu không ai cấm cả". Tuy nhiên, tình yêu là thứ không thể định nghĩa, không thế lực nào có thế ngăn cách và phá vỡ nó được, những lời bố mẹ dặn thuở nào dường như đã không vượt thắng được con tim đang hừng hực của tuổi thanh niên. Nàng quên bẵng đi lời dặn của mẹ, phớt lờ đi những lời ngăn cấm đanh thép của bố. Nàng đã như con thiêu thân bước vào trong ngọn lửa tình yêu đang bừng cháy, nàng yêu Phong, Phong cũng yêu nàng, nàng muốn gắn bó và duy trì mối quan hệ này, và Phong cũng vậy.
Phong không phải là người Công giáo, anh là con duy nhất trong gia đình. Bố mẹ Phong đã ly hôn, anh đang sống với mẹ từ khi bước vào cấp 3 đến giờ. Lúc đầu, nàng cũng băn khoăn lắm, nàng cũng là một con chiên ngoan đạo cơ mà, sao lại yêu một người khác niềm tin với mình? Có hay chăng bố mẹ sẽ chấp nhận chuyện này? Những câu hỏi vẫn văng vẳng trong tâm trí nàng mỗi lúc nghĩ đến gia đình, nàng biết rằng, yêu một người không cùng tôn giáo thì thật sự quá khó để giữ niềm tin. Nhưng tình yêu thì đâu phải một sớm một chiều thì có thể cắt đứt được, hơn nữa nàng cũng tự tin là nhờ sự chân thành của mình, nàng sẽ cảm hóa được Phong, "không chừng, Hội Thánh lại có thêm một tín hữu nữa cơ đấy" – Nàng thầm nghĩ bụng như vậy...

Thế rồi, tình yêu nhen nhóm từng ngày, thời thế cứ vần xoay. Đôi bạn trẻ đã có một tình yêu thật đẹp, và bây giờ nàng đã là người vợ, một cuộc hôn nhân mà nàng cứ cho là hạnh phúc, nhưng thật phũ phàng thay...

Giờ đây, có bố mẹ, có anh trai, nàng thổn thức, suy tâm, không biết có nên nói với họ không. Nàng đã bất chấp lời khuyên ngăn của họ, tự đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, tự chọn cho mình cái nơi trao gửi cả cuộc đời còn lại. Rồi giờ thì sao, hôn nhân không còn được mặn mà như trước, "cơm không lành, canh không ngọt", nàng không thể nào sống trong cảnh như thế này được. Có nên rút lui không...? Có nên tìm cho mình một lối để giải thoát? Mà nàng là người có đạo cơ mà! hôn nhân của nàng và Phong cũng được cử hành dưới sự chứng giám của Chúa, của Đức Mẹ và của toàn Hội thánh, vậy dứt làm sao được, cớ được phân ly cơ mà...Bao nhiêu suy nghĩ cứ dày vò nàng mãi, nàng cân lên đặt xuống, nếu mình sống tiếp đời hôn nhân này, mình sẽ sa hỏa ngục mất, rồi thằng Hiếu sẽ ra sao, rồi gia đình nàng sẽ thế nào đối với sự dò xét và miệt thị từ bà con. Còn nếu dứt áo ra đi, nàng cũng sẽ bội lời giao ước. Có nên nói chuyện này cho mọi người biết không? Nếu bố mẹ biết, họ biết thì sẽ thế nào đây, chắc là sẽ chết mất...

Ấy thế rồi, không biết thế lực nào xui khiến, nàng cũng lấy hết can đảm để dám thân thưa:

"Mẹ ơi, bố ơi, anh ơi, em sẽ đưa thằng Hiếu đi xa, đi một nơi thật xa ạ!" Nàng thưa cùng bố, mẹ, và anh trai.

"Con sẽ đi đâu, không lẽ hai vợ chồng lại chuyển đi ở nơi khác hả" Mẹ nàng đáp lời

"Không mẹ ạ, con sẽ rời xa nơi đây, rời xa gia đình này, con sẽ chẳng là vợ của anh Phong nữa, con sẽ cùng thằng Hiếu đi thật xa, thật xa bố mẹ ạ! Con không thể chịu đựng được nữa rồi, từ ngày về đây, con chưa bao giờ được đến nhà thờ, chưa bao giờ được đọc một giờ kinh sốt sắng cả. Mẹ chồng và anh Phong cấm con không được đi lễ nữa, không được đến nhà thờ nữa, mặc dù nhà con chỉ cách nhà thờ có quãng ngắn bên con sông kia thôi. Nếu con cố tình, chồng con sẽ đánh con và mẹ chồng thì mắng nhiếc "Chẳng có ông Giê-su nào cả, chẳng có Chúa nào hết". Chồng con cũng hậu thuẫn cùng mẹ chồng "Hồi trước, anh chị đi học đạo để cưới, giờ cưới rồi thì không lễ, không kinh gì nữa cả". Thằng Hiếu từ khi sinh ra đã được hơn một tuổi, nhưng cũng không được rửa tội. Trong nhà con bây giờ, tượng Chúa và các thánh cũng chẳng được treo, mà thay vào đó là bàn thờ thần tài thổ địa, thờ những ngẫu thần mẹ ạ. Con cảm thấy mình như bị phản bội bởi người con yêu nhất, người mà con đã từng coi như cuộc sống của mình. Nếu tiếp tục sống ở đây, con sẽ sa hỏa ngục mất thôi, con phải đi, phải đi thôi ạ."

Mẹ nàng nghe những lời ấy, khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà chất phác lại trầm buồn. Bà khóc, khóc vì thương con, khóc vì bấy lâu nay không nhận ra câu chuyện nghiêm trọng như thế. Bà cũng trách mình, tại sao trước đây mình lại không kịch liệt ngăn cấm cuộc hôn nhân này, để giờ đây, con bà phải chịu khổ, chịu những đối đãi bất công thế này. Bà cũng buồn lắm, lòng bà khắc khoải khôn nguôi. Bởi lẽ, cách đây chỉ hơn 5 năm rưỡi thôi, cũng vào độ hè hè này, tại thánh đường giáo xứ ở Hà Nội, hai đại gia đình cùng tay bắt mặt mừng, con gái bà và Phong cùng nhau cất bước vào thánh đường, tay trong tay tiến lên bàn thờ Chúa giữa tiếng đàn hát ca mừng và chúc phúc của toàn thể cộng đoàn. Ôi chao! cảm xúc lúc ấy dạt dào biết mấy, ngày mà con gái bà nắm lấy tay người sẽ kết ước vĩnh cửu mà nói lên lời ưng thuận: "Em là Maria nhận anh Giuse làm chồng của em và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em". Trước khi Phong được rửa tội, nàng còn nhắn với bà "Mẹ ơi, con được đặt tên thánh là Maria, giờ con định lấy cho anh Phong tên thánh Giuse, điều đó sẽ làm cho gia đình chúng con hạnh phúc như gia đình thánh gia xưa mẹ nhỉ"? Ấy vậy mà giờ đây, con bà đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ, con bà đang không giữ được lời thề hứa ấy, phải chăng, từ "trọn đời" mà con gái bà đã thề ước chỉ đến đây thôi sao. Bà buồn lắm, bà trách mình, trách cả Chúa nữa...

Tại sao Chúa lại để con bà gặp những biến cố thử thách như thế này? Gia đình bà sống tốt lắm cơ mà, bà còn dâng luôn người con trai duy nhất cho Chúa nữa rồi? Ấy vậy mà giờ đây, chuyện không hay này lại ập đến. Là một người mẹ đã kinh qua nhiều gian lao, cũng là một người vợ, một người đã và đang sống trong ơn gọi hôn nhân, bà biết rằng, nếu như nàng quyết li dị, nàng sẽ lỗi phạm luật Chúa, sẽ mất linh hồn. Chiếc nhẫn cưới khi nao như một dấu chỉ đóng ấn giờ đang được tháo bỏ. "Chúa ơi, con phải làm sao". Bà kêu cầu Chúa trong vô vọng!

Bố nàng khi nghe xong những lời giãi bày của nàng, ông bực tức lắm. Tính của ông từ giờ nào vẫn vậy, cái tính bộc trực, thẳng thắn, nghĩ nào nói vậy, ông thương nàng, từ khi còn là một cô bé ở quê nhà, ông đã thẳng thừng tuyên bố "Ai động đến cái Nương của bố, bố sẽ không để yên". Giờ đây, người con gái mà ông thương hơn thân mình ấy lại đưa ra một quyết định mà làm cho người đàn ông cả cuộc đời mấy khi khóc cũng phải rơi những hàng lệ. Những giọt nước mắt của sự tức giận, bởi cuộc hôn nhân này, thú thật, ông cũng không đồng ý ngay từ ban đầu, bởi lí do khác đạo thì chớ, cộng thêm việc gia đình xui gia có những mối rạn nứt cũng làm cho ông có dự cảm không lành. Nàng đã sống chết xin cho cưới Phong bằng được, mặc cho những lời tư vấn và khuyên bảo mà ông đã lấy cả kinh nghiệm đời mình để đề bạt cho con. Giờ đây, ông chỉ muốn nói thật lớn với nàng "Mày đã sáng mắt ra chưa, bảo không cho lấy cũng sống chết đòi bằng được". Ông buồn cho nàng, ông tủi hổ cho mình, và ông cũng lo lắng hơn cho người con trai chủng sinh của mình. Thầy Biên, anh trai nàng chỉ còn hơn hai năm nữa sẽ tiến tới chức linh mục rồi, nếu như giờ xẩy ra chuyện này, liệu rằng có ngăn trở cản bước hay không. Và nếu Chúa muốn, thầy Biên tiến tới chức linh mục thì liệu rằng có ai chấp nhận một linh mục có em gái li dị chồng không? Linh mục có người nhà như vậy thì dạy được ai cơ chứ? Đó là những câu hỏi đang du du trong tâm trí ông. Ông thương con, nhưng giờ biết khuyên con thế nào đây. Dứt áo ra đi thì lỗi luật Chúa, sẽ khổ cho thằng Hiếu khi không có đủ tình thương của bố mẹ. Nhưng ở lại cũng chẳng xong, khi mà niền tin không được tôn trọng, nhà cửa thờ toàn thờ ngẫu tượng thần thiêng, ở lại thì mất Chúa, mất niềm tin, mất linh hồn...

Nàng buồn là thế, có lúc nàng nghĩ, hay tại mình có những điều bất toàn, không nghe lời khuyên ngăn của bố mẹ, nên giờ gặp phải những chuyện như thế này. Nàng còn nhớ thời sinh viên, khi đưa Phong cùng đi học giáo lý dự tòng và hôn nhân, lúc ấy, trông Phong thật thánh thiện, kinh hạt thuộc hết thảy, giáo lý học rất nhanh. Vị cha già dạy học đã tặng cho cặp đôi giỏi nhất lúc đó một cây thánh giá nhỏ, một bức tượng thánh gia to bằng cả sải tay, ngài dặn nàng và Phong hãy bắt chước gia đình thánh gia, chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh nâng đỡ cho nhau, cùng nhau dùng tình thương mà giáo dục con cái. Mà giờ đây, bức tượng thánh gia đó đã lưu lạc nơi đâu, nàng cũng không còn để ý. Bây giờ, xung quanh nàng, chỉ còn cỗ tràng hạt được các sơ tặng từ thời sinh viên là vẫn còn, nhưng đã từ lâu nàng đã quên mất nó, quên cả Đức mẹ, quên cả Chúa cùng...

Trời đã xế chiều, mặt trời đang cố gắng gượng sức truyền vào không gian những tia nắng cuối cùng trước khi tắt lịm.

Ngước nhìn lên thập tự giá cao trên đỉnh tháp thánh đường ở mạn sông kia. Bầu trời đã ngả vàng, một màu thê lương, nắng vẫn le lói, chiếu xuống cả ngôi thánh đường phủ bóng. Nàng vẫn ngồi ở đó, trên mái bằng của nhà mình. Quái lạ, sao hôm nay, nàng thấy thánh giá nghiêng hơn, không còn vững chãi như trước nữa. Trên thập giá ấy, dường như có những giọt máu đang rỉ ra, từng giọt, từng giọt. Nàng cảm thấy mình sao hôm nay có tầm nhìn xa thế, có sự chú tâm đến vậy, có bao giờ nàng thế này đâu! Phải chăng Chúa đang đau quặn vì tội nhân thế! Ngài đau vì tội lỗi của nàng, phải chăng chính nàng đang đóng những cây đinh sắc nhọn thêm vào những vết thương đã quá đau của Chúa. Rồi đột nhiên, từ trên cây thập giá trên đỉnh ngôi thánh đường xa xa ấy, Chúa gọi nàng, "Nương của ta", tay Chúa xệ xuống, Ngài ngã ra khỏi thập giá, tiếng động rầm trời, cái tang thương và sợ hãi bao trùm một vùng đất...

Nàng bừng tỉnh giấc, tay chân vẫn còn tái lạnh, vầng trán vẫn đổ những giọt mồ hôi. Phải chăng tất cả chỉ là giấc mơ, hay đó là hiện thực. Nàng bật phắt dậy, mở toang cánh cửa sổ, những đợt gió lạnh ùa vào cộng thêm những tia sáng xộc thẳng vào mắt. Nàng vẫn không thể tin vào mắt mình, vội cầm lấy chuỗi hạt đầu giường, mắt nhìn lên cây thập giá, nhìn lên bức ảnh Đức Mẹ, nhìn bức ảnh thánh nữ Têrexa đặt trên bàn học nhỏ đang bừa bộn sách vở đọc dở đêm qua. Bây giờ, nàng mới thực tin đây chỉ là một giấc mơ. Nàng không biết cũng như không quen ai tên Phong cả, bố mẹ nàng hiện giờ cũng đâu có ở đây, họ đang ở quê mà. Nàng cũng làm gì có anh trai để mà đi tu làm chủng sinh cơ chứ. Nàng cũng không quen biết, chưa từng biết đến miền đất Hải Dương nào cả, quê gốc nàng ở miền Trung cơ mà. Nàng cũng chưa có chồng, chưa có con, nàng vẫn đang chỉ là cô sinh viên năm 3 thôi. Tên thánh của nàng có phải Maria đâu, phải là Têrexa chứ! Nàng cũng đâu có đang ở Nghệ An đâu nhỉ, nàng đang ở trọ để đi học ở Hà Nội ấy mà! Ôi, giấc mơ sao thật kinh hãi, khiến giờ đây, khi đã tỉnh giấc, tóc gáy nàng vẫn dựng đứng lên, da gà vẫn đang nổi khắp người, mô hôi lạnh vẫn đang không ngừng rơi. Phải chăng, Chúa cho nàng thấy trước viễn cảnh tương lai, hay đó chỉ là một bài học mà Chúa muốn gửi đến cho nàng. Biết đâu, trong tương lai, nàng có thể gặp người đàn ông giống như Phong, biết đâu những sự kiện trong giấc mơ lại trở thành hiện thực. Nàng đọc kinh, cầu nguyện một hồi lâu nàng tạ ơn Chúa, nàng xin lỗi Chúa. Nhìn lên ảnh tượng thánh Terexa, vị thánh mà nàng coi như là mẫu gương sống của đời mình, nàng thấy chị thánh dường như cũng đang nở một nụ cười tươi như ngầm động viên chính nàng vậy. Nỗi sợ tan biến dần, nàng cảm nghiệm ra một bài học thật quý, một bài học trổ sinh từ giấc mơ kì lạ. Nàng vớ lấy cái áo khoác, đi ra mở tung cửa phòng, ánh sáng mình minh thật đẹp hòa quyện với cái tê tê lạnh của tiết trời đầu đông, nàng đứng trên ban công khu trọ, ngắm nhìn thành phố đang thức giấc. Đột nhiên trong nàng lóe lên câu hỏi, liệu rằng một mai, Chúa gửi đến cho mình một người bạn đời khác đạo, thì nàng sẽ làm gì đây? Nếu có sự phản đối của gia đình, khi quen và yêu một người không cùng tôn giáo, liệu rằng nàng "Chọn con tim hay là nghe lí trí"...

Giuse Phan Ngọc