Kinh Trông Cậy và nhạc điệu ở “chớ chê chớ bỏ”

Lan Mary
Trong Kinh Trông Cậy có câu "Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện". Tra bản chữ Nôm trong sách "Thánh giáo kinh nguyện", thấy đúng là "CHỚ CHÊ CHỚ BỎ" (xin xem ảnh) chứ không phải "chở che, chớ bỏ". Các sách kinh bằng chữ quốc ngữ vẫn in đúng, và tín hữu chúng ta vẫn đọc đúng: "chớ chê chớ bỏ" (nghĩa là đừng chê bỏ). NGUỒN:

Trong Kinh Trông Cậy có câu "Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện". Tra bản chữ Nôm trong sách "Thánh giáo kinh nguyện", thấy đúng là "CHỚ CHÊ CHỚ BỎ" (xin xem ảnh) chứ không phải "chở che, chớ bỏ". Các sách kinh bằng chữ quốc ngữ vẫn in đúng, và tín hữu chúng ta vẫn đọc đúng: "chớ chê chớ bỏ" (nghĩa là đừng chê bỏ).

Xin chia sẻ bản kinh này bằng chữ Nôm, có kèm bản kinh và lời dẫn giải bằng chữ quốc ngữ. Kinh Trông Cậy ở trang 33 (chữ quốc ngữ) và trang 643 (chữ Nôm):


Có thể vào tiện ích "Từ điển Hán Nôm", gõ chữ quốc ngữ để hiển thị chữ Nôm và ý nghĩa của chữ Nôm ấy: tại đây

Hoặc tra chữ Nôm ở sách của linh mục Antôn Trần Văn Kiệm (gồm 2 phần):





Động từ "chê bỏ" được cha ông chúng ta mở rộng thành một cặp đối [chớ chê] [chớ bỏ], tức theo lối văn biền ngẫu nhằm tạo nhạc điệu cho giọng đọc. Nhờ ơn người xưa đã chắt chiu từng nét trầm bổng trong các kinh đọc hằng ngày mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng khá nhiều thành ngữ nhà đạo tương tự "chớ chê chớ bỏ" từ các bản văn:

- "Lạy Đức Chúa Giêsu CỰC KHOAN CỰC NHÂN, chúng con cậy vì lời Đức Nữ Đồng Trinh Maria..."

- "Trái Tim Đức Chúa Giêsu là toà Đấng CỰC CAO CỰC TRỌNG..."

- "Trái Tim Đức Chúa Giêsu HAY NHỊN HAY THƯƠNG vô cùng..."

- "Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người CHỊU NẠN CHỊU CHẾT mà chuộc tội cho thiên hạ..."

- "Lạy Chúa con, con kính mến Chúa HẾT LÒNG HẾT SỨC trên hết mọi sự..."

- "Chúa là Đấng TRỌN TỐT TRỌN LÀNH vô cùng..."

- "Ba Ngôi cùng MỘT TÍNH MỘT PHÉP, cho nên Ba Ngôi cùng một Chúa mà thôi..."

- "Xin Đức Chúa Trời THA TỘI THA VẠ cho kẻ có tội..."

- "Lại xin làm Mẹ các giáo hữu và phù hộ cho các con cái hằng được thêm nhiều, và tấn tới đi đàng nhân đức MỘT NGÀY MỘT HƠN..."

- "Đức Nữ CÓ TÀI CÓ PHÉP..."

- "Đức Nữ CỰC KHÔN CỰC NGOAN..."

- "Đức Mẹ CỰC MẦU CỰC NHIỆM..."

- "Đức Mẹ CỰC THANH CỰC TỊNH..."

- "Đức Mẹ CỰC TINH CỰC SẠCH..."

- "Cho MỖI KINH MỖI VIỆC chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành..."

- "TRÁI XANH TRÁI CHÍN cũng một Chúa cây. Người muốn lấy trái nào thì chẳng nề chín hay là xanh..."

- "LÒNG ĐỘNG LÒNG LO, miệng nói mình làm..."


Tiếng Việt toàn dân cũng có nhiều thành ngữ biền ngẫu tương tự: bán sống bán chết, cậy thế cậy quyền, chí tình chí nghĩa, chịu thương chịu khó, chút hương chút hoa, có bạn có bè, có qua có lại, cùng hội cùng thuyền, dở sống dở chết, giả nhân giả nghĩa, giàu tiền giàu bạc, không nhà không cửa, làm mình làm mẩy, làm mưa làm gió, làm ơn làm phúc, lấy danh lấy tiếng, lấy thơm lấy tho, lo cơm lo áo, mang tội mang nợ, mắt nhắm mắt mở, một lòng một dạ, tay bế tay bồng, thề gian thề dối, tốn công tốn sức, trả ơn trả nghĩa, tranh tối tranh sáng, về lâu về dài...

Về Kinh Trông Cậy, có một chút dị bản thú vị. Lời bản kinh gốc là "Hằng chữa chúng con cho khỏi MỌI sự dữ", nhưng các tín hữu đọc câu này có khuynh hướng lược bỏ chữ "mọi".
Nguyên nhân có lẽ cũng ở thói quen đặt câu văn cân đối, biền ngẫu. Chữ "mọi" được lược bỏ để các chữ còn lại tạo thành những cặp đối về số từ, ghép với nhau vuông chành chạnh như chiếc bánh chưng:

[Đức Nữ Đồng Trinh] [hiển vinh sáng láng]
[Hằng chữa chúng tôi] [cho khỏi sự dữ].
Chiếc bánh chưng này cũng thấy có ở Kinh Thánh Mẫu La-vang:
[Ơn phần hồn] [ơn phần xác]
[người bệnh tật] [kẻ ưu phiền].

Kinh Đức Thánh Thiên Thần tuy là văn xuôi nhưng cũng được ngắt câu nhịp nhàng như Kinh
Trông Cậy:

[giữ con ban ngày] [xem con ban đêm] [cho đến trọn đời] [kẻo ma quỉ dữ] [cám dỗ được con].

Về phương diện dịch thuật, bản dịch Việt ngữ có ba nét độc đáo.

1) Câu đầu tiên của bản gốc La ngữ (Sub tuum praesidium confugimus) đều được dịch qua các ngôn ngữ khác sát nghĩa là "Chúng tôi nương náu dưới sự che chở của Mẹ", ví dụ bản Anh ngữ: "Under your protection we take refuge" hoặc "We fly to thy protection". Bản dịch Việt ngữ tóm ý "nương náu" và "dưới sự che chở" bằng động từ "trông cậy" vừa tha thiết vừa mạnh mẽ vừa bình dân.

2) Câu cuối cùng (Virgo gloriosa et benedicta) có "Virgo" ở vocative, sát nghĩa cả câu là "Hỡi Đức Trinh Nữ vinh hiển và diễm phúc" hoặc "Lạy Đức Trinh Nữ vinh hiển và diễm phúc". Việt ngữ không có thói quen để phần vocative ở cuối cùng. Chúng ta quen nói: "Lạy Chúa, xin thương xót chúng con" thay vì nói: "Xin thương xót chúng con, lạy Chúa" như trong La ngữ. Vì thế người xưa đã thay đổi vị trí các câu cho thích hợp với người Việt.

LA NGỮ:

"sed a periculis cunctis (thoát khỏi mọi hiểm nguy)
libera nos semper, ([nhưng] xin luôn cứu chúng tôi)
Virgo gloriosa et benedicta. Amen". (lạy Đức Trinh Nữ vinh hiển và diễm phúc. Amen)

VIỆT NGỮ:

"Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh, sáng láng
hằng chữa chúng tôi
cho khỏi mọi sự dữ. Amen".

Khi thay thế "a periculis cunctis - thoát mọi hiểm nguy" bằng "khỏi mọi sự dữ" và đặt ở cuối kinh, người dịch đã giúp cho bản kinh Việt ngữ kết thúc rất giống Kinh Lạy Cha.

3) Người dịch đã có ý đưa tính đối đáp vào Kinh Trông Cậy khi tách riêng câu cuối thành câu thưa. Cho đến nay, có lẽ duy nhất ở Việt Nam, Kinh Trông Cậy được một người hoặc vài người đọc, ngân dài khi hết câu "Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh, sáng láng" để mọi người đọc chung câu kết thúc: "hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen". Thật đẹp!

3-3-2024, Chúa nhật III mùa Chay, Phanxicô