CHIẾC XÀ GẠC CỦA PHỐ NÚI - Tác Giả: Maria Hồng Hà CMR
22.07.2025
Cuộc sống công nghệ hiện đại hôm nay, giúp con người nhìn thế giới qua màn hình máy tính hay điện thoại, có thể qua công nghệ chúng ta có thể biết được nhiều thứ, biết được nhiều nơi mà mình không có cơ hội để đến. Thế giới phẳng giúp con người mở rộng tầm hiểu biết, tuy nhiên bên cạnh đó một thực tại, đó là chúng ta vẫn phải sống cuộc sống của hiện tại, cuộc sống có thể chẳng bằng phẳng, chẳng đẹp như những gì mình nhìn thấy qua Internet.
Những cánh rừng những ngọn núi cao, những thác nước .... những cảnh đẹp đó có hàng nghìn tấm ảnh. Thế nhưng để chạm được những điều ấy cần lắm một cuộc ra đi. Đến nơi mà dường như con người ta quên mất, mình đang ở giữa cảnh đẹp của núi rừng, mà đang cố vật lộn với miếng cơm sao cho đủ no, tấm áo mặc sao cho đủ ấm. Thì những trải nghiệm sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu cho nó khi ở giữa buôn làng này, sống cuộc sống mà những người anh chị em đồng bào nơi đây đang sống, để yêu thương và dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi chính vùng đất đồi núi này.
Cuộc hẹn sau những cơn mưa đầu mùa, nó đi cùng mấy phụ nữ và đám nhỏ đi hái nấm trên rừng xa, để chính nó trải nghiệm và sống cuộc sống hòa nhịp với người dân bản địa nơi vùng sơn cước này, trên vai đeo chiếc gùi nhỏ, đám trẻ ríu rít:
- Mơi (sơ, dì) ơi, đi về phía rừng thông có nhiều nấm trứng lắm, đứa thì bảo:
- Mơi ơi! chỗ chân núi có nấm mối đấy đi hướng đấy trước đi.
- Bên ruộng bậc thang có nấm rơm nữa
..........
Người phụ nữ trẻ lên tiếng: - Mình đi về phía rừng thông trước rồi qua ruộng lúc về mình sẽ men theo chân núi để tìm nấm mối được không?
- Đám nhóc reo hò, được.... zez...........
- Nó khẽ gập đầu.
Chị Ka Bin lên tiếng: - Có K'Sin đi mở đường trước đấy (K'Sin là cháu của chị Ka Bin)
K'Sin đi phía trước, trên tay cầm chiếc Xà gạc là vật dụng đi rừng để phát cỏ và mở đường, chiếc xà gạc có cán dài và lưỡi dao cong là vật dụng phổ biến và đặc trưng của người đồng bào miền núi ở đây. K'Sin cầm chiếc xà gạc mỉm cười nói:
- Con mới được Già trong nhà trao cho chiếc xà gạc tuần trước đấy mơi.
Nó hiểu được chút ít là, K'Sin đã 14 tuổi đủ tuổi khôn lớn để nhận lấy công việc trong gia đình và cũng là một nghi thức trưởng thành, của một người nam trong gia đình của người đồng bào K'Ho ở đây, nó hỏi thêm có nghi thức nhận xà gạc thế nào?
K'Sin mỉm cười nụ cười đẹp với đôi mắt to tròn dưới hàng mi cong vút, nói: Con được già (ông) kể lại cho biết là: Theo truyền thống, nếu vợ sinh con trai, người chồng liền rèn chiếc xà gạc để dâng cho Yàng (Thiên Chúa) trong lễ đặt tên. Nghi lễ công nhận đứa bé chính thức bước vào cộng đồng, được tổ chức khi trẻ 8 ngày tuổi. Con đến tuổi trưởng thành là 14 tuổi, cha lại làm lễ trọng. Cha đặt chiếc xà gạc lên vai con, cầu xin Yàng ban cho con sức khỏe, sự tinh anh, khéo léo. Cứ thế chiếc xà gạc gắn bó suốt cuộc đời, như cánh tay nối dài của người đàn ông K'Ho và sẽ được đưa ra nhà mồ khi người đó về với Yàng. Trong đời sống người K'Ho chúng con, có 2 loại xà gạc là xà gạc sản xuất và xà gạc để cúng, người dân có thể tự rèn hoặc mua loại xà gạc được dùng để phát nương làm rẫy, chặt gỗ dựng nhà ngoài chợ. Còn xà gạ cúng có lưỡi hình chữ nhật, hơi cong, mũi bằng, cán bằng gốc tre già cứng chắc.
Trong khi đó, xà gạc cúng không thể mua. Mỗi gia đình phải tự rèn lấy. Chúng thường được chế tác tinh xảo với lưỡi có nhiều hình dạng khác nhau. Chúng được xem là một vật thiêng, chỉ được trao lại cho người con trai khi đủ tuổi trưởng thành, chiếc xà gạc ấy không rời khỏi nhà, không sử dụng làm việc khác, nó như biểu tượng sức mạnh của người con trai trong nhà để bảo vệ gia đình.
Khi chưa theo Đạo thì người ta thờ chiếc xà gạc như vật thiêng, giờ theo Đạo rồi được các Cố, các mơi dạy cho thờ Yàng thôi. Còn chiếc xà gạc thì được dắt lên trần nhà cao như biểu tượng phải nhớ công việc và trách nhiệm của người con trai trong nhà. K'Sin nói tiếp: nhưng vẫn còn một số người trong làng chưa hiểu hết, vẫn để xà gạc cúng ngay trên bàn thờ Yàng luôn, mơi à.
- Nó khẽ gật đầu: ừ.
- Một nền văn hóa ăn sâu trong lòng dân bản địa rồi muốn thay đổi cần một khoảng thời gian nữa con à. Đôi mắt nó nhìn xa xôi về phía núi những cuộn khói đang tỏa ra từ những ngôi nhà gỗ trơ vơ bên sườn núi.
Đường lên núi phía trước là con đường mòn, cây cỏ mọc che khuất, những hòn đá lởm chởm, những cây mắc mèo mắc vào áo như có người kéo mình lại, những cây cỏ gai xòe cành vào lối đi. K'Sin đi phía trước, lấy chiếc xà gạc phát mạnh những cành cây ấy mở đường đi cho chúng tôi đi phía sau. Đâu đó tiếng mấy con chim gõ kiến vào thân cây, tiếng hú gọi bầy của bầy chim sáo, đi vào sâu hơn tiếng chim cú nghe rợn người, nhưng chúng tôi vẫn đi tiếp đến cánh rừng thông phía trước. Thi thoảng tiếng chị Ka Bin: ới ới, gọi mấy đứa nhóc đi vội đi đừng hai hoa rừng nữa. Nó bỗng nhìn qua chiếc gùi của chị đã có một ít măng rừng, rồi cả một nắm cà đắng nữa. Nó khẽ hỏi: "Hái lúc nào nhanh vậy?" chị cười nói: Lúc đi ngang đám tre đó mơi, chưa mưa nhiều nên còn ít măng mấy bữa nữa sẽ nhiều lắm đấy.
Thấy mấy đứa nhóc đi phía sau la hét gì đó, K'Sin vội chạy về phía sau chỗ mấy đứa nhỏ. Nó ngơ ngác nhìn theo thấy K'Sin dùng chiếc xà gạc đập mạnh rồi la mấy đứa nhỏ tránh ra, chị Ka Bin nói: "Có rắn đấy! làm nó có phần sợ hãi. Dừng lại một lúc K'Sin đem đến cho chúng tôi xem con rắn hổ đất, K'Sin nói: "Rắn này là rắn độc, đem về cho già ở nhà ngâm rượu làm thuốc bóp chân". K'Sin bỏ con rắn vào chiếc ống tre rồi cột lại cẩn thận cho vào chiếc gùi phía sau lưng. Chúng tôi lại đi tiếp về phía rừng thông, bốn đứa nhỏ không còn hái hoa dại nữa mà mon men chạy vào giữa hàng, sau vụ đập rắn lúc nãy.
Và rồi chúng tôi cũng đên rừng thông, nơi đây những cây thông ca vút được trồng thẳng hàng và dường như khí hậu trong rừng thông mát hơn và dễ chịu hơn. Những cây thông xanh mướt vươn mình kiêu hãnh như để bảo vệ cho một thảm thực vật phía dưới và mà lá phổi xanh cho vùng đất nơi đây và cho con người vùng đồi núi này. Nó còn loay hoay nhìn ngắm những cây thông, tiếng thông reo vi vút cả một không gian rộng lớn. Thì với những con người bản địa nơi đây, thì rừng thông lại thật quen thuộc họ vẫn đến rồi đi, nên như vội vã họ hái nhanh những cây nấm dưới gốc mấy cây thông.
- Mơi không hái nấm à, đợt này nhiều nấm quá
- Nó nhìn theo tay của chị Bin đang cầm những cây nấm tròn xoe vàng khè, nấm này tên là gì?
- Nấm trứng đấy mơi, nấm này chỉ có ở rừng thông này thôi, nấm này ăn ngon lắm xào với hành tỏi thì tuyệt.
Nó cũng cúi xuống hái một ít, những cây nấm được mẹ thiên nhiên mang đến sau những cơn mưa đầu mùa, là thứ nấm lành để mang đến bữa cơm ngon cho những con người nơi đây, còn đám trẻ thì đang ríu rít xem ai hái được nấm to hơn.
K'Sin nhắc chúng tôi đi thôi, còn về dưới phía rừng tre nữa, họ không hái hết mọi cây nấm chỉ hái khoảng 1/2 số nấm ở rừng thông thôi, chị Ka Bin nói: hái đủ ăn thôi còn lại để cho những người đến sau còn nấm để hái, và rồi chúng tôi lại đi, trên tay ai cũng cầm một khúc cây để chống cho đỡ mệt vì đường dốc và ghồ ghề, và rồi nó quan sát thấy K'Sin dừng lại hái một ít là rừng, nó liền hỏi:
- Lá gì thế?
- Lá beps đấy mơi, có nơi còn gọi là lá nhíp là rau rừng đem về xào tỏi, nấu canh hay nấu cháo cũng ngon lắm, hái lá non còn màu đỏ thì ngon hơn, lá già đem về giã với gạo để nấu cháo.
Nó khẽ mỉm cười cây cối trong rừng nhiều thế này, nhưng không phải dễ để phân biệt những cây có thể ăn được, những món đặc sản dường như chỉ người dân nơi đây mới biết, để rồi thấy được muôn hình vạn trạng trong thiên nhiên để tạ ơn Chúa.
Đến bên sường núi, những cây nấm mối đã trồi lên và nở thành dù nấm rồi những đứa trẻ reo lên có nấm mối. K'Sin đến, em cầm chiếc xà gạc đào xung quanh đám nấm mối những búp nấm non ở dưới đất từ từ hiện ra, và rồi cả nhóm chúng tôi xúm lại đào đất ra những cây nấm nhỏ như những chiếc đinh ẩn mình trong đất. Chị Ka Bin chia đều số nấm mối ấy cho mọi người, chị Ka Bin nói:
- Nấm này là ngon nhất nó ngọt như thịt gà vậy, mơi đem về xào ăn thử đi, nó mỉm cười:
- Ừ, cho mơi một ít thôi.
Hòa mình vào cuộc sống với người bản địa nơi đây dạy nó nhiều bài học quý giá, những kiến thức mà không có sách vở ghi lại, những trải nghiệm vô giá với thiên nhiên và con người nơi đây.
- Mình về thôi đặng kịp nấu cơm trưa nữa
Thế rồi chúng tôi thu dọn đồ rồi trở về nhà, con đường ngoằn ngoèo, dốc dác khi trở về, nó có cảm giác đi nhanh hơn, ai cũng vui vì mang nặng một gùi nào nấm, nào măng, lá beps và đám nhóc còn hái được mấy chùm trái Boi (chòi mòi) đỏ chót nữa, nhiêu đó đồ ăn cũng ăn được mấy ngày. K'Sin vừa đi vừa nói chuyện với nó:
- Vào mùa mưa nhiều sẽ có nhiều măng tre, có nước về từ thác suối người ta còn đi bắt được ốc, cua và cá ở khe suối nữa, độ tháng ba sẽ có củ mài, củ năng, dâu rừng...khi nào đi núi nữa chúng con sẽ gọi mơi nữa nhé".
- Ừ, mơi sẽ đi với.
Mùa nào thức ấy núi rừng lại ban tặng những con người nơi đây những món ăn dân dã để làm nên cuộc sống với những đặc thù cho con người vùng sơn cước này. Chiếc xà gạc vác trên vai K'Sin vẫn đi phía trước dẫn đường về, em còn dẫn chúng tôi đi đường khác để xuống núi nhanh hơn.
Mặt trời cũng đứng bóng, trưa rồi về tới Buôn, đám nhóc đi với chúng tôi, mỗi bé đều về nhà mình mang theo chiến lợi phẩm là nấm trên rừng để mẹ em nấu bữa trưa, chị Ka bin và K'Sin cũng chia tay nó để về nhà. Con đường mòn đầy bụi đất đỏ phía trước nó trở về nhà mang theo bao niềm vui, khi hòa mình với cuộc sống của những con người nơi đây. Sống là một người nghèo kiếm đồ ăn từng ngày và mẹ thiên nhiên vẫn ưu ái con người nơi đây. Những kinh nghiệm quý báu về cách sống "không hái hết nấm để dành cho người đi sau còn nấm để hái". Biết thương người phía sau mình, biết bảo vệ nhau khi đi thành nhóm lên núi và cả những kiến thức về cây rừng. Chiếc xà gạc như hình ảnh đi vào tâm trí nó, làm thế nào để hiểu hết và giúp cho anh chị em đồng bào nơi đây giữ gìn Đức tin đúng đắn, trong các buổi giáo lý của nó. Hơn thế nữa giúp nó làm phong phú chính cuộc sống của mình, cũng là những hành trang cho nó hiểu hơn về cuộc sống nơi đây, để rồi dám dấn thân hơn trong sứ vụ và tìm thấy những điều tương đồng để có thể đến và ở lại với những con người vẫn còn đang dò dẫm trên đường Đức Tin để biết và yêu mến Chúa ngay trong nền văn hóa của mình.
【Maria Hồng Hà CMR 】