Nhà thơ Bàng Bá Lân

vanthoconggiao.net
                  


Tên thật: Giuse BÀNG BÁ LÂN

Sinh ngày 01-12-1912, nguyên quán làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Thi phẩm: Tiếng thông reo (1934), Xưa (1941), Tiếng võng đưa (1957), Vào Thu (1969). 

Nghiên cứu: Việt Văn Bình Giảng (1962), Vài kỷ niệm về các thi sĩ hiện đại (2 tập, 1962-1963).
Ông lãnh nhận phép Thánh Tẩy với tên thánh Giuse, vào ngày 11-2-1988 và qua đời ngày 20-8-1988.

CHIA SẺ VỀ BÀNG BÁ LÂN

Phạm Đình Khiêm
Bài thơ tôn giáo đầu tiên của Bàng quân, nhan đề “Đêm Giáng Sinh” đăng trên số đặc biệt Giáng Sinh 1959 của tuần báo Văn Đàn, đã được độc giả lương cũng như giáo nhiệt liệt hoan nghênh và sau thường được ngâm nga trích dẫn trong các buổi sinh hoạt văn nghệ và đặc san về Giáng Sinh.
Ông cũng có một bài thơ nhan đề “Cầu nguyện Đức Mẹ” do chính ông đem đến đọc trước tòa Đức Mẹ nhà thờ Bình Triệu năm 1979.
Tháng 6 năm 1984, ông bị tai biến mạch máu não lần thứ nhất, phải điều trị tại bệnh viện. Dịp này ông được hai học trò là hai chị em Hải và Thanh ngày đêm thay phiên với gia đình ông đến bệnh viện săn sóc ông. Hai chị em này là người Công giáo, những lúc vắng vẻ đã hát thánh ca cầu nguyện cho ông và xoa dịu cơn đau của ông. Xuất viện rồi, ngày 11 tháng 9, ông sáng tác bài thơ “Cảm hóa” tặng hai em và gởi tôi một bản. Qua bài thơ này tôi cảm kích nhận thấy ông đã gần Nước Chúa hơn bao giờ. Và tôi trở lại thăm ông. Những lần thăm viếng trước, tôi thường mang theo một cuốn sách chọn lọc để trao đổi với ông. Lần này vì gần đến lễ Thánh nữ Tiên Sa Hài Đồng Giêsu ngày 1 tháng 10, tôi mang theo cuốn “Histoire d’ une âme” (Chuyện một linh hồn) có in thêm Conseils et Souvenirs, Prières – Lettres – Poésies (Lời khuyên và ký ức – Kinh nghiệm – Thư tín – Thi ca) một “Tiên sa toàn tập” mà tôi đã mua tại ngôi nhà “Les-Buisonnets” nay đã trở thành bảo tàng về Thánh nữ, trong dịp hành hương Lisieux năm thánh 1950 cùng với cha Nguyễn Kim Điền (sau là tổng giám mục Huế) và bạn Phạm Đình Tân. Tôi đã mở đầu câu chuyện với ông bằng chuyến hành hương này để rồi giới thiệu tác phẩm của Thánh nữ, không quên gợi ý ông lưu tâm chuyển sang thơ Việt ngữ, một vài bài thơ của Thánh nữ mà ông tâm đắc nhất.

Thời gian trôi qua. Đầu năm 1988 Bàng quân bị tai biến lần thứ hai. Bệnh tình có vẻ trầm trọng. Ông không cầm bút được nữa, phải đọc cho một nghĩa tử, thi sĩ Quốc Sơn, viết cho tôi một bức thư khẩn, đề ngày 9-2-1988, mời tôi đến thăm để lo việc linh hồn cho ông. Tội nghiệp nhà thơ lão thành Giang Kim tình nguyện mang thư đi nhưng lại không tìm được nhà tôi, vì một con số viết sai địa chỉ. Mặc dầu vậy, do thần giao cách cảm hay đúng hơn, do tiếng gọi thiêng liêng hay sự xui khiến của thánh nữ Tiên Sa, ngay ngày hôm sau tôi đã tự động đến thăm Bàng Quân và chuẩn bị tâm hồn cho ông. Kế đó là ngày 11-2-1988 ngày kỷ niệm Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra tại Lộ Đức tôi dành buổi sáng để đi dự lễ ở một tu viện ngoại thành và cùng cả tu viện cầu nguyện cho ông cũng như tôi đã xin Dòng Kín cầu nguyện.
Buổi chiều như đã hẹn, tôi mời một linh mục có quen biết ông trước, cha Trần Trung Lương, đến làm phép Thánh tẩy cho ông trên giường bệnh với tên thánh là Giuse như ông đã có lòng kính mến và năng cầu nguyện cùng Người.
Ông còn sống thêm tám tháng nữa trên giường bệnh đau đớn, bán thân tê liệt, tiếng nói thều thào rồi mất hẳn. Đó là giường Thánh giá thanh luyện và cứu độ ông, ông đã chấp nhận với trọn niềm Tin, Cậy, Mến, với cả tinh thần hy sinh, tự hiến, phó thác.
Nhiều bạn thơ đã đến đọc sinh điếu cho ông ngay trên giường bệnh, nhưng ông đã được khích lệ hơn hết khi nghe những lời sau đây kết thúc sinh điếu của bạn Võ Long Tê:
Thi sĩ Giuse Bàng Bá Lân
Tụng ca Thiên Chúa với Thiên Thần
Tiến về Nước Chúa quê hương thật
Hưởng phúc trường sinh Chúa hứa ban

(Trích Sinh điếu ngày 5-7-1988)
Khi chịu phép Thánh tẩy, ông không cho gia đình hay trừ người trưởng nữ là một thiếu tá đã tòng giáo và có chồng con Công giáo. Nhưng lối sống của ông trên giường bệnh đã tỏ rõ đức tin của ông cho cả gia đình. Ông về với Chúa dịu êm như đi vào giấc mộng, hồi 1 giờ 30 ngày 20-8-1988, tức ngày 10-9 năm Mậu Thìn, thọ 77 tuổi. Theo đúng di chúc, ông được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
(Trích theo Lê Đình Bảng, Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện, tt. 248-253)

TUYỂN THƠ




TÊRÊXA, TÔI RẤT CẢM ƠN NGƯỜI

(Cảm xúc sau khi đọc Truyện một linh hồn của nữ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu)

Mới ba tuổi nguyện hiến mình cho Chúa
Năm mười lăm quyết chí chọn đường tu
Vận động đó đây, chẳng được đền bù
Qua La mã cầu Giáo hoàng chấp thuận...
Bao thử thách gian nan vui vẻ nhận
Miễn làm sao vô đan viện Cát Minh
Chín năm trời thương khó sống thu mình[1]
Thật bé nhỏ như không là gì cả!
Niềm vui lớn là được nhiều đau khổ
Càng khổ đau càng gần Chúa thương yêu
Dù khổ đau đến mấy vẫn chưa nhiều
Lấy bác ái vị tha làm lẽ sống
Tình yêu Chúa bao la như biển rộng
Lòng thương người dằng dặc tựa trường giang
Mọi việc làm đều lấy Chúa làm gương,
Hăm bốn tuổi cửa Thiên đường đón mở[2]
Và sau đó hiển linh nhiều phép lạ
Mưa hoa hồng thơm tưới xuống trần gian
Rõ ràng nay Người đã nhập Thiên Đàng
Ngồi bên Chúa thật xứng là Nữ Thánh
Một tâm hồn sống âm thầm không cầu cạnh
Thật nhỏ nhoi mà thánh thiện không hai
Hăm tám năm thắm thoát có bao dài
Mà Giáo hội đã tôn phong Thánh Nữ[3]
Hàng triệu sinh linh dâng mình làm đệ tử
Tôn vinh Người sau Đức Mẹ Maria..
Đọc truyện Người lại ngẫm đến người ta
Nơi trần thế tranh giành nhau danh lợi
Chém giết nhau, gây nên bao tội lỗi
Để làm chi và có được gì đâu?
Mấy chục năm như nước chảy qua cầu
Và cát bụi lại trở về cát bụi
Bao tham vọng phút biến thành mây khói
Có rồi không như mây gió mà thôi[4]
Têrêxa, tôi rất cảm ơn Người
Đã cho tôi một nhân sinh triết lý
Không tham vọng, sống thu mình nhỏ bé
Chịu khổ đau lấy thương khó làm vui
Quên mình đi, thương tất cả mọi người
Sẽ được hết, dù không mong ước được

ĐÊM GIÁNG SINH


Đêm hôm nay, ô, muôn vì sao mọc
Trước muôn nhà, rạng rỡ trước muôn dân,
Từ nơi xa xôi tuyết đổ mây vần
Đến chốn hoang vu đất cằn cát bỏng

Sao le lói trước nhà xiêu mái hổng
Sao huy hoàng rạng rỡ trước cung môn
Có những sao sáng quắc tựa trăng tròn
Có sao nhỏ chập chờn như lửa đóm
Dù leo lét hay cả chùm sao lớn
Mỗi vì sao tiêu biểu một lòng tin
Đêm hôm nay xa lạ cũng anh em
Vì tất cả cùng cảm thông lời Chúa
Từ em nhỏ bên Trời Tây hớn hở
Quà noel chưa rõ thứ gì đây?
Đến bà già thầm kính chắp hai tay
Mắt cầu khẩn ngước lên nhìn tượng Chúa
Nơi thành thị cũng như miền thôn dã
Người xôn xao chờ đợi phút thiêng liêng
Nào không trung vang dậy tiếng chuông rền
Hoa tin tưởng nở ngát lòng nhân thế.
Đêm hôm nay tôi thấy mình nhỏ bé
Nhưng hồn tôi tỏa rộng khắp mênh mông
Đến cao xa, vòi vọi đến vô cùng
Ôi Thánh Chúa, Người đã ban hơi thở
Cho xác phàm nhầy nhụa chết hôi tanh

Đem phép mầu, Người cải tử hoàn sinh
Cho những kẻ mà thiên lương đã chết
Hoa bác ái là hoa thơm bất diệt
Nụ nhân từ là nụ kết tinh anh
Bao mưu cơ, thủ đoạn sẽ tan tành

Vì xảo quyệt chỉ là mầm ung xấu
Tôi không phải một tín đồ Công giáo
Thiếu niềm tin, không quỳ lạy cầu kinh
Nhưng đêm nay, lòng rạng rỡ bình minh
Và xao xuyến như tín đồ xao xuyến
Ôi, Jésus, ôi Jésus kính mến
Người là thần Bác ái – Chúa hy sinh
Tôi tin rằng chung sức tạo hòa bình
Hẳn có Chúa, cùng tôi con của Chúa...
Đêm hôm nay, tôi mê say ngừng thở
Nhìn tượng Người, chờ đợi phút liêng liêng
Bên tai tôi vang dậy tiếng chuông rền.

CẢM HÓA

Thương gửi hai em Hải, Thanh
Ta vốn thiếu niềm tin từ thuở nhỏ
Không bao giờ tin là có Thiên Đường
Vì chỉ ham khoa học với văn chương
Cũng chẳng biết Niết bàn là đâu hết
Từng thấy những sự sống không thanh khiết
Và gặp nhiều linh mục chẳng chăn dân
Cũng hám lợi danh, chức vị cõi trần
Bỏ bác ái, từ bi làm chính trị
Ta chán ngán bọn lợi danh tu sĩ
Cạo trọc đầu chưa hẳn là sư
Áo chùng thâm không thành được thầy tu
Ta buồn chán không muốn làm Phật tử
Còn nhiều bạn thương ta từ lại cứ

Muốn ta thành đệ tử Chúa Giêsu

Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ hiền từ
Tặng kinh sách muốn khiến ta nghiền ngẫm
Nhưng ta thấy đức tin chưa cần lắm
Miễn làm sao không hại đến gia thanh
Ngửa trông lên chẳng hổ với cao xanh
Cúi nhìn xuống không thẹn mình với đất
Song càng ngày càng thấy đời bạc ác
Người với Người, lang sói cũng còn thua!
Thiếu niềm tin, ta cảm thấy bơ vơ
Nhưng chỗ dựa tinh thần chưa nhất quyết
Từ gặp hai em, nghe lòng tha thiết
Cảm mến thương hơn ruột thịt người thân
Em đối với ta cũng rất ân cần
Nhất từ lúc ta gặp hồi vận nạn
Chăm sóc thầy thật hết lòng không quản
Sớm chiều vô bệnh viện chẳng hề sai
Tiếp thức ăn và an ủi đêm ngày
Thanh còn hát thầy nghe kinh cầu nguyện
Giọng du dương làm ta thêm quyến luyến
Yêu thương Người, yêu cả Chúa cao sang
Giọng hát đưa ta vào cõi mơ màng

Đã tưởng thấy cửa Thiên Đàng rộng mở
Và từ đó nhìn nhà thờ ngờ ngợ
Phải chăng nay là chỗ dựa tinh thần?
Vì tình thương dành cho khắp con dân
Giàu bác ái ấy là con của Chúa
Bây giờ nay ta thật lòng cảm hóa
Nhờ hai em, con của Chúa cao sang
Càng thương em, càng mến Chúa muôn vàn...
11-9-84

NGUYỆN CẦU

Từng nghe nói Mẹ ban nhiều phép lạ
Chữa lành cho bao kẻ tật nguyền
Cứu khổ cho bao nhiêu người khốn khó
Con đến nay cầu xin được Ơn trên.
Đất nước con trải bao năm chinh chiến
Người chết, nhà tan, vườn ruộng điêu tàn
Mấy chục năm trường bao nhiêu tai biến
Sống đọa đày và chết ngậm hờn oan!
Xin Đức Mẹ ban phép thần mầu nhiệm
Quê hương con sớm được hưởng thanh bình
Dân tộc được hiên ngang không hổ thẹn
Là con người, con Thượng Đế uy linh.
Con chỉ có bấy nhiêu điều mong muốn
Xin Người ban ơn ước nguyên mau thành
Con được thấy ngày toàn dân vui sướng
Sẽ lập bàn thờ Đức Mẹ anh linh.
Sẽ cầu nguyện sớm chiều không xao lãng
Và dâng lên Đức Mẹ trọn niềm tin
Con thành khẩn đợi hồng ân của Mẹ
Để hết tâm hồn kính cẩn cầu xin.

Bàng Bá Lân

(Trích Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, tập II, Lm Trăng Thập Tự chủ biên, tr. 7-12)

[1] Từ ngày vào Đan Viện Cát Minh ở Lisieux đến lúc mất được 9 năm (1888-1897).
[2] Thánh nữ mất năm 24 tuổi (1873-1897)
[3] Được phong thánh (canonisee) năm 1925, sau khi mất 28 năm thời gian ngắn nhất so với các vị thánh khác.
[4] Do chữ vân cẩu, thơ Đỗ Phủ: “Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu” nghĩa là “Trên trời mây nổi như áo trắng, phút chốc biến thành con chó xanh”. Ý nói việc đời đổi thay rất mau chóng.