Chất đạo và chất đời trong thơ Hàn Mạc Tử

Nữ Vương Hòa Bình
Viết Lời giới thiệu cho cuốn Hàn Mạc Tử anh tôi của Nguyễn Bá Tín (Nhà xuất bản Tin, Paris, 1990), Đỗ Mạnh Tri đặt vấn đề: “Phàm tục hay thoát tục? Khổng hay Lão? Phật giáo như Quách Tấn hay Công giáo như Võ Long Tê? Con chiên ngoan đạo của cố Đồng, cố Mỹ hay chiến sỹ Cần Vương của nội tổ Phạm Bồi?... Cõi trời của Mai Đình nữ sĩ hay cõi Đời của thi sĩ Chế Lan Viên?”. Và ông đã trả lời: “Những yếu tố giàu có, đa dạng hoặc đối nghịch trên lý thuyết đã cụ thể hài hòa trong nếp sống gia đình, dòng tộc. Tới Hàn Mạc Tử thì tất cả đã biến thành thơ. Hàn Mạc Tử là của tất cả. Vì thi nhân đã đón nhận tất cả để trả lời và dâng lên cho tất cả”.
Người khẳng định một cách mạnh mẽ nhất “Đức tin trong hồn thơ Hàn Mạc Tử” là Đặng Tiến. Ông viết: “Kiến trúc toàn bộ của thơ Hàn Mạc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc Âm”. “Toàn tập thi phẩm Hàn Mạc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự” trong đó người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh thánh: một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội, những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ ướcHuyền diệu để vươn tới một thế giới khác Sáng láng ngoài Hư linh, thế giới của Phục sinh, của Khải huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của đời thơ Hàn Mạc Tử. Vũ trụ Gái quê đã sụp đổ trong Đau thương mà nhà thơ đã chịu đựng để đợi sống lại một mùa Xuân như ý”.

Đặng Tiến xếp ba bài thơ cuối của Hàn Mạc Tử (Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên) và những bài thơ cuối tập Đau thương chung vào chủ đề Xuân như ý, như một giai đoạn thơ trong cuộc đời Hàn Mạc Tử nói lên niềm mơ ước, chờ đợi Xuân Thiêng ra đời[1]. Đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được hồi phục trong cảnh trời mới, đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng.
Dè dặt hơn Đặng Tiến, Võ Long Tê cho rằng “người tín hữu Công giáo ấy mãi về sau mới trở nên nhà thơ Công giáo sau khi đã đi trọn một đoạn đường đau thương và có một nhận thức do ân sủng thúc đẩy” (Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mạc Tử). Ân sủng đã can thiệp lúc nhà thơ viết Lời tựa cho tập Thơ điên (Người thơ là khách lạ đi giữa Nguồn Trong Trẻo), quan niệm thơ và tôn giáo hòa hợp sau này được giải bày rõ hơn trong bài Tựa cho tập Xuân như ý. Thôi thúc bởi tình yêu và niềm tin vào Đức Chúa Trời, Hàn Mạc Tử đã có lúc viết thư cho Bùi Tuân: “Tôi dự định viết ra nhiều tập thơ về tôn giáo. Trong thi giới nước ta chưa ai nghĩ đến việc đem truyện Sinh nhật, chuyện Phục sinh làm thi đề. Đó là những tài liệu không còn gì thú vị bằng... Bao giờ tôi cảm thấy mình đau đớn trong xác thịt và trong tâm hồn và nhất là tôi thấy mình bình tĩnh trong sạch thì mới làm ra được những bài thơ đạo hạnh. Không phải lúc nào mình cũng làm được lối thơ ấy” (Bùi Tuân – Nửa đêm đi tìm Hàn Mạc Tử – Nguyệt san Vinh Sơn (Huế), số 1-2-1951). Hoạt động sáng tạo nghệ thuật theo chiều hướng nói trên dễ thống nhất với hoạt động truyền giáo của một tông đồ. Những lúc ấy thơ Hàn Mạc Tử có khả năng rơi vào lối thơ khuyến thiện hoặc minh họa một cách dễ dãi cho nên trong Tuyển tập Hàn Mạc Tử (nhà xuất bản Văn học 1987) Chế Lan Viên đành phải cắt bỏ những câu thơ:
“Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đời trăng mọc nước huyền vi
Đây Miên Trường, đây Vĩnh Cửu, Tề Phi!”
 (Sao, vàng, sao)[2]
Hoặc
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
 (Ave Maria)
Có khi cắt bỏ hàng loạt bài thơ như Nguồn thơm, Say thơ, Đêm xuân cầu nguyện trong tập Xuân như ý.
Võ Long Tê cho rằng vấn đề nan giải ở Hàn Mạc Tử là tìm một sự tổng hợp hài hòa giữa những yêu cầu của đức tin tôn giáo với những đòi hỏi phóng túng của sự sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ chính Hàn Mạc Tử cũng không thích lối thơ cảm hóa khuyến thiện cho nên trong nhiều trường hợp không tự giác, Hàn Mạc Tử đã để cho sự sáng tạo của nghệ sĩ vượt quá đức tin của một tín đồ. Cho nên “những âm hưởng huyền bí học của bài thơ Ra đời phát sinh từ một lối chú giải nên thơ – chứ không phải là một lối chú giải chính thống của Giáo hội – về những dữ kiện Thánh kinh học. Đừng nên trách cứ nhà thơ phạm tội lầm lạc, nếu quả có lầm lạc” (Võ Long Tê). Mặt khác, nếu sự lầm lạc đó có lợi cho thi ca, có lợi cho sự sáng tạo nghệ thuật thì chúng ta càng hoan nghênh chứ sao. Hàn Mạc Tử nghệ sĩ bao giờ chả phóng túng hơn Nguyễn Trọng Trí tín đồ. Cũng như Khái Hưng, tuy đã có lúc vào chùa niệm Phật tụng kinh cứu khổ hoặc có khi ở nhà, trong mấy đêm liền thức khuya tụng từng pho kinh A Di Đà hay Địa Tạng nhưng chưa chắc Khái Hưng đã có dụng ý mượn cuốn Hồn bướm mơ tiên để tuyên truyền cho giáo lý nhà Phật. Cho nên mới xảy ra tình trạng mà Tam Ích phê bình: “Nguy nhất là Khái Hưng đem hoang sử, huyền sử vào cửa thiền: muốn thăng hoa thái độ và nếp tu hành của Văn Khôi công chúa đời Lý Nhân Tông, người viết truyện đã đem cả Ngọc Hoàng Thượng Đế và Tiên nga giáng thế vào chùa ..., thêm vào đó một con rồng vàng và phép mầu nhiệm của Thích Ca Mâu Ni Phật... Mô Phật!” (Ý Văn I, Lá bối xuất bản, 1967). Có lẽ Hàn Mạc Tử cũng như Khái Hưng dường như cũng không quan tâm lắm đến việc nói cho thật đúng giáo lý Cơ Đốc hay giáo lý nhà Phật. Chính vì thế mà có lúc Hàn Mạc Tử phải “van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu”:
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng “
 (Đêm xuân cầu nguyện)
Nhưng Võ Long Tê lại nhận xét ngay trong bản tuyên tín rực sáng này vẫn có một bóng mờ:
Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế.
Như trên đã nói, sáng tạo nên một trời, mây, sông, nước bốn mùa xuân, thi sĩ dường như muốn cạnh tranh với Thượng Đế và tự hào về thiên chức thi nhân của mình.
Chi tiết này làm ta nhớ đến câu chuyện Michel Ange thể hiện câu chuyện truyền thuyết sáng chế trong Thánh kinh trên vòm trần tiểu giáo đường Xichxtin ở La Mã. Người nghệ sĩ thiên tài này trong gần suốt bốn năm trời đã treo mình lên một giàn giáo ở độ cao hai mươi mét để vẽ một loạt tranh theo câu chuyện truyền thuyết về những ngày sáng tạo thế giới. Michel Ange nhiều lúc cảm thấy lưng thõng xuống, mắt hoa lên nhức nhối như sắp mù. Đó là chưa kể có lúc chịu ăn đói hàng tuần lễ, thậm chí bị Giáo Hoàng Julie II lăng nhục và đánh bằng gậy như đánh một kẻ nô lệ. Nhưng dường như có một sức mạnh kỳ diệu đã giúp cho Michel Ange vượt qua mọi thử thách. Mỗi khi bước vào tiểu giáo đường, chiêm ngưỡng cái thế giới hình tượng tràn đầy sức sống và sự hài hòa của những màu sắc thiên nhiên rực rỡ, Michel Ange không cảm thấy cô đơn, mệt mỏi mà chỉ thấy lâng lâng một niềm vui kỳ lạ. Nghệ sĩ dường như thấy mình đã trở thành Đức Chúa Trời thiêng liêng đang sáng tạo thế giới.
Theo Võ Long Tê, chính sự cám dỗ muôn đời của thiên chức nghệ sĩ này đã khiến cho Hàn Mạc Tử ứng xử như một người ảo thị, huyễn tưởng trong Thượng thanh khí, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội. “Các nhân vật và tác giả vận động trong một vũ trụ xem là bản chuyển tả Thiên đường Kitô giáo theo cấu trúc ngoại giáo”[3].
Ý kiến của Đặng Tiến có hơi khác: “Nếu Xuân như ý còn nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa, thì Cẩm châu duyên lại gần với huyền tượng của dân gian, phảng phất không khí thần tiên của Đạo giáo- một thứ đạo giáo bình dân, không ăn thua gì đến cái “đạo khả đạo” của Lão Tử” (Đức tin trong hồn thơ Hàn Mạc Tử).
Đời nhà Lý, người ta chủ trương tam giáo đồng nguyên (đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão) cùng chung một nguồn gốc. Hàn Mạc Tử thì lại cho rằng “Đạo vốn có một – Người đời hiểu sai lạc rồi phân chia ra đạo này đạo nọ” Khi Quách Tấn hỏi tại sao Hàn Mạc Tử lại dùng chữ Phượng Trì để đặt tên cho Thánh thất của Thánh nữ Đồng Trinh Maria, thì Trí trả lời:
“Tôi nghiệm Đức Mẹ chỉ có một, nhưng vì óc phân rẽ kia nên bên Đạo Phật gọi là Quan Âm Bồ Tát, bên Đạo Tiên gọi là Tây Vương Mẫu, bên đạo Thiên Chúa gọi là Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. Tên tuy khác, nhưng theo tôi chỉ là một đấng mà thôi. Mà Tây Vương Mẫu ở Phượng Trì để chỉ nơi Thánh Nữ ngự” (Đôi nét về Hàn Mạc Tử).
Chế Lan Viên nhắc lại câu nói của Hàn Mạc Tử “Đức Mẹ chỉ có một” và bình luận:
“Cái câu này mà Giáo hội biết thì Tử chết, Tử sẽ bị kết tội là tà giáo hay đạo Cao Đài”... Tử có biết vì sao Tử đưa Tây Vương Mẫu vào không? Có đưa thì Tử mới tả cả cô Tiên “ấm như da thịt nàng dâu” mà còn lại tắm truồng nữa! Giáo hội biết là Tử chết”[4].
Các nhà thơ lãng mạn và tượng trưng của miền Trung dường như đã chịu ảnh hưởng phức tạp của nhiều tôn giáo. Năm 1936, Bích Khê đi tu tại chùa Ông Rau trên núi Tà Cú, năm 1937 lại ngụ tại một ngôi chùa ở Phú Thọ để nghiên cứu triết lý nhà Phật. “Chế Lan Viên quỳ dâng tràng chuỗi hạt”(Trường Thọ) nhưng Chế Lan Viên đã có lần cầu nguyện: “Thích Ca! Giêsu! Khổng Khâu! Lão Tử! Tôi đều thành tâm trước uy linh huyền diệu của các ngài” (Vàng sao). Hàn Mạc Tử “thuộc một gia đình Công giáo lâu đời, tên thánh rửa tội là Phanxicô, nhưng Hàn Mạc Tử cũng chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Từ 1930, Hàn Mạc Tử đã nhiều lần “ngoạn cảnh chùa”, đã say đắm “phong cảnh rừng thiền” và “lòng thấm thía mùi thiền như thoát tục” (Để tại chùa Ông Núi, mùa hè 1930). Quách Tấn cho rằng “trong thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài ảnh hưởng cả hình thức lẫn tinh thần Phật giáo. Ví dụ bài Phan Thiết! Phan Thiết!
 Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
 Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
 Bay từ Đao Ly đến trời Đâu suất!”
Ngoài những ngôn ngữ phổ thông của nhà Phật như “thành chánh quả”, “Sông Hằng” ngoài những hình ảnh tươi đẹp của trời “Đao Ly”, trời “Đâu Suất” – những cõi Phật xa xăm đầy nhạc, đầy hương, đầy ánh sáng – “chúng ta nhận thấy trong bài Phan Thiết, thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi được thi vị hóa một cách tài tình”[5].
Phan Xuân Sanh dường như cũng cùng một quan điểm với Quách Tấn khi nhận xét bài Phan Thiết! Phan Thiết!: “Thế giới cực lạc của Phật A Di Đà là một nơi chim cùng với người tấp nập trong chánh quả. Không gian và thời gian tính của thế giới thi văn, nhất là khung cảnh thơ của Hàn Mạc Tử”[6].
Có một sự tranh chấp Hàn Mạc Tử giữa những tín đồ đạo Thiên Chúa và đạo Phật. Cũng một bài Tựa Xuân như ý cùng một số bài thơ như Ra đời, Điềm lạ, Xuân đầu tiên mà mỗi người giải thích một cách. Đặng Tiến viết: “Xuân Thiêng đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được hồi phục trong cảnh trời mới đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng”... “Những hình ảnh tráng lệ như gấm, ngọc, trân châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược đều muốn gợi lên một vinh hiển như khi sứ đồ tả thành Giêrusalem mới trong Khải huyền: “Thành ấy chói sáng như một viên bửu thạch, như bích ngọc rạng ngời... Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thủy tinh trong vắt. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu” (Kh 21,11.18 và 21). Dựa theo Khải huyền, tôi cho rằng những đền đài dự tưởng trong Hàn Mạc Tử là một phóng thể của đức tin Thiên Chúa, vì cảnh Bồng Lai của Á Đông, cảnh thần tiên của đạo gia không có cái huy hoàng rực rỡ đó” (Đức tin trong hồn thơ Hàn Mạc Tử).
Cũng những hình ảnh tráng lệ nói trên, nhưng Quách Tấn lại giải thích theo tinh thần Phật giáo: “Tử đi tìm nơi giải thoát và đã tìm thấy Cực Lạc Quốc Độ của Phật A Di Đà... Những ánh sáng vô cùng, những “tiếng nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh”, những “điệu nhạc rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác”, “cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc” ở trong thơ Tử là vang bóng của vô lượng quang trên Thế Giới Cực Lạc mà Tử đã nhìn qua Kinh A Di Đà” (Ảnh hưởng của đạo Phật trong thơ Hàn Mạc Tử). Trong bài báo vừa dẫn ở trên, Phan Xuân Sanh cũng đi đến kết luận tương tự: “Chim thanh tước, thế giới mười phương, ấy là hình ảnh tượng trưng cho cõi đời thênh thang và giải thoát của thời gian vô tận và không gian mênh mông đã được trình bày một cách hết sức kiều diễm và phong phú trong Kinh A Di Đà. Hàn Mạc Tử từ niềm tin thơ đi rộng ra đã bắt gặp niềm tin đạo; qua những dòng thơ lung linh, huyền nhiệm của Hàn Mạc Tử, chúng ta có nhiều dịp thấy ẩn hiện một dòng linh hồn nối từ lòng người đến trăng sao, từ Hàn Mạc Tử đến ba ngàn thế giới”.
Nhưng có lẽ chúng ta cũng không cần tranh luận đến cùng xem Xuân như ý, Xuân Thiêng, Thế giới mới của Hàn Mạc Tử là thế giới Phục Sinh, thế giới Khải huyền của đạo Thiên Chúa hay Cực Lạc Quốc Độ của Phật A Di Đà hay thế giới thần tiên của Đạo giáo, vì Hàn Mạc Tử không phải là nhà thơ tôn giáo hiểu theo nghĩa là chuyên dùng thơ để truyền bá tôn giáo của mình. Quách Tấn viết:
 “Tuy là một tín đồ Thiên Chúa giáo rất nhiệt thành, Tử vẫn thường xem kinh điển nhà Phật. Tử thường nói cùng bạn rằng: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để làm thơ thôi. Tôi dung hòa cả hai thể văn chương tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó chỉ là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”. Vì vậy thơ Đạo của Tử chịu ảnh hưởng cả hai nền tôn giáo. Nhưng tôi nhận thấy vang bóng của đạo Phật có phần tô đậm hơn đạo Thiên Chúa. Bây giờ tôi xin thưa rằng Tử là một nhà thơ đi vào vườn hoa tôn giáo chỉ để tìm hương phấn về ướp cùng hương thơ đó thôi. Bởi vậy không thể gọi Hàn Mạc Tử là một nhà thơ tôn giáo. Tử là một nhà thơ thuần túy” (Đôi nét về Hàn Mạc Tử). Đối với một thi sĩ mà cuộc đời gặp nhiều bất hạnh như Hàn Mạc Tử thì thơ là lẽ sống cao nhất:
Tôi là kẻ đi đường đêm gió lạnh
Không mong gì hơn kêu gọi tấm lòng thơ.
(Say thơ)
Về cơ bản chúng ta có thể đồng tình với Phan Xuân Sanh khi ông cho rằng Hàn Mạc Tử “Trong khi ôm một lý tưởng thơ đi tìm cảm hứng đã gặp đạo và tìm được trong đạo nhiều đề tài, nhiều thanh sắc, tư tưởng để làm giàu cho thơ mình? Theo thiển ý, Hàn Mạc Tử là một thi sĩ có nhiều lý tưởng thơ và lý tưởng thơ này đã bao trùm cả niềm tin của ông về tôn giáo. Ngay trong những bài ca ngợi đức tin, ca ngợi những hình ảnh thiêng liêng: Thánh Nữ Đồng Trinh, Chúa Hài Đồng... Như ở các bài Ave Maria, Đêm xuân cầu nguyện, Ra đời... Tôn giáo và các hình ảnh tùy thuộc đã được thi vị hóa và mất dần tính cách trang nghiêm, tuyệt đối của tín điều, kinh điển (...) Cái thói ngang tàng bừa bãi xưa nay vẫn là thói chung của các nhà thơ. Hàn Mạc Tử quỳ trước thánh Maria, chúng ta có cảm tưởng như ông đã quỳ trước nàng thơ và hình ảnh nàng thơ với hình ảnh Ave Maria đôi khi chỉ là một, rồi thi sĩ nghiễm nhiên biến thành vai trò “Giáo chủ” giữa một lúc cầu nguyện trong đêm xuân (...) Nghĩ đến một cái gì “giàu sang hơn Thượng Đế” hẳn thi sĩ Hàn Mạc Tử đã muốn bước qua biên giới của tín ngưỡng mình” (Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam).
Thế giới mới của Hàn Mạc Tử, đúng như Phạm Đán Bình đã nhận xét, đó là “thế giới lý tưởng hóa, đền bù cho thực tế phũ phàng. Một thế giới không còn những mâu thuẫn và thỏa mãn mọi ước vọng” (Tan loãng trong Hàn Mạc Tử). Nếu như trước kia, trong thơ Hàn Mạc Tử là tình yêu tuyệt vọng, là trăng sao đổ vỡ tan tành hoặc tan ra “Thành vũng đọng vàng khô”, hoặc “rã lần như hương khói giấc chiêm bao” thì “nay mặt nhật tròn vo đường sáng láng”, “tao phùng duyên đến bao giờ lại thấy” “cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm”... Đó là một mùa xuân như ý, “bốn mùa xuân cả bốn”, ở đây có “suối đoàn viên”, có “cây phối hợp” và “rất nhiều hoa bướm”. Phạm Đán Bình đi đến một kết luận thú vị: “thế giới mới của Hàn Mạc Tử là thế giới cô đọng lại những gì đã tan loãng”. Thế giới mới của Hàn Mạc Tử rất có thể “lung linh như kim cương, như ngọc thạch”, như vàng ròng, như thủy tinh trong vắt mà sách Khải huyền đã loan báo cũng có thể là thế giới cực lạc của Phật A Di Đà, thế giới của mười phương, của hào quang vô lượng mà cũng có thể là thế giới thần tiên của đạo giáo. Một khi đã rơi vào số phận bất hạnh phải sống cô đơn xa cách với mọi người và cái chết đang từng ngày, từng giờ đe dọa, thì việc Hàn Mạc Tử thu hết tất cả những gì là trong sáng, cao cả, là lung linh, huyền diệu vào một thế giới ước mơ, vào vương quốc lý tưởng của mình là một điều dễ hiểu. Thế giới đó cũng giống như cái vương quốc “tự do” của các nhà lãng mạn trường phái Léna ở Đức, Novalis “Hoàng đế của những nhà lãng mạn chủ nghĩa” đã kêu gọi hãy thoát ly vào thế giới lý tưởng của nghệ thuật: “Ai bất hạnh ở trần thế này, ai không đạt tới những gì mà mình tìm kiếm thì hãy thoát vào thế giới của những pho sách và nghệ thuật, vào thế giới của thiên nhiên – đấy là sự thống nhất vĩnh cửu giữa cổ đại và hiện đại – hãy sống trong giáo đường đang bị giày vò này, tiêu biểu cho một thế giới tốt đẹp hơn, sẽ tìm thấy được trong đó người yêu và người bạn, tổ quốc và Chúa Trời.[7]
Bàn về chất đạo, chất đời trong thơ Hàn Mạc Tử, Yến Lan viết: “Có một nguồn thơ đặc biệt nữa dự phần đáng kể trong thi ca của Hàn Mạc Tử là thơ về Đạo. Anh là một con chiên ngoan đạo. Tuy nhiên, chất đạo (thanh khiết, thiêng liêng) trong thơ anh đã bị chất đời (đau đớn, bệnh tật) lấn áp... Tôi mong bạn đọc thấy rõ chất đời trong thơ anh vừa riêng biệt tưởng không hình dung nổi lại vừa rất chung, rất thực, có thể sờ mó lên nó. Mà thôi, đạo với đời trong thơ anh vẫn là những mặt nhỏ trên một viên kim cương, mặt này ánh xanh, mặt kia ánh vàng, đều làm viên kim cương có sức ngời chói lóng lánh” (Tôi nhớ Hàn Mạc Tử).
Cùng một quan điểm như vậy, Chế Lan Viên Viết: “Bài Ave Maria viết cho Đức Mẹ trên trời, có thể viết hay như thế không, nếu không có bà mẹ ở dưới đất? Và chị Lễ, chị đã mất, nhưng đây là câu Tử viết trong Chơi giữa mùa trăng, một bài văn xuôi như thủy tinh, như suối, như đêm trăng và tâm hồn của Tử: “Chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa. Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và uy nghi như pho tượng Đức Bà Mari là bực tinh tuyền chí thánh”. Chất đốt đẩy tên lửa của Tử lên thượng thanh khí, lên phượng trì, lên sát những mũ triều thiên, té ra là tình cảm là ân nghĩa từ mặt đất” (Tuyển tập Hàn Mạc Tử, Tr. 22). Lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới đã có những trường hợp tương tự. Mười tám pho tượng La Hán đặt trong hành lang của chùa Tây Phương là những tác phẩm đẹp bậc nhất của nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XVIII. Các nghệ sĩ chẳng qua mượn đề tài chuyện Phật để miêu tả một xã hội quằn quại bế tắc và những nỗi “đau đời” của các cha ông ta trong cảnh hoàng hôn của thế kỷ trước (Huy Cận – Các vị La Hán chùa Tây Phương). Nhưng tác phẩm của Michel Ange (Thánh Mẫu bên cầu thang và đặc biệt là Gia đình thánh) tuy phảng phất chút ít màu sắc thiên giới nhưng vẫn tràn đầy không khí trần gian. Điều đó không có gì lạ. Trong quá trình sáng tạo, Michel Ange đã đến những khu nghèo khổ nhất của Florence, nơi những bà mẹ vừa làm việc vừa giữ con trên đầu gối hoặc đi lang thang trên các con đường vùng Toxcan vẽ những em bé má hồng, những cô gái tràn trề sức sống, những nông dân đang làm việc ngoài đồng... Chính hàng trăm bức ký họa nông dân vùng quê hương đã giúp cho nghệ sĩ thiên tài khắc họa chân dung các vị thánh trong tác phẩm của mình. Từ trước đến nay, con người vẫn xây dựng chân dung các vị thánh trên thiên đình bằng những nguyên mẫu dưới trần thế.
Làm sao có thể chứng minh được “toàn tập thi phẩm Hàn Mạc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự”?
Nhận định cực đoan này sẽ không thuyết phục khi ta dẫn ra những bài thơ có màu sắc dân gian trong sáng như ca dao, những bài thơ ưu thời mẫn thế (như Đêm khuya tự tình với sông Hương) hầu hết các bài thơ trong Gái quê, Đau thương, Duyên Kì Ngộ, Quần tiên hội kể lại một số bài trong Xuân như ý, Thượng thanh khí...
Dường như ta quên mất một Hàn Mạc Tử đã có lúc “dấn thân” vào các vấn đề thời cuộc, nhất là Hàn Mạc Tử gặp nhà báo.
Trên Thực Nghiệp Dân Báo, số 3195 ngày 26-07-1931 Phan Bội Châu đã nêu lý do “mở một cửa hàng dạy thơ gọi là “Mộng Du thi xã”. Tất nhiên, đối với một chí sĩ đã từng phát động phong trào Đông Du thì “Mộng du” đâu phải là mộng mị, mộng mơ mà là mộng lớn, mộng độc lập, tự do. Cụ đã nêu một bài thất ngôn làm mẫu, trong đó tràn đầy tâm sự và chí khí của người yêu nước:
Vàng khè trắng toát khác đôi bên
Thây kệ ai chê mặc kẻ khen
Sông núi lỡ làng màu lịch sử
Gió trăng chờn chợ mối nhân duyên.
Chẳng long lay đến lòng son sắt
Há hổ ngươi vì miếng bạc đen
Ba chén xong rồi ai ấy bạn?
Một pho kinh Phật một cây đèn.
Rồi tiếp theo, trên tờ Thực Nghiệp Dân Báo, số 3214, ngày 2-9-1932 Phan Bội Châu lại tìm dịp bộc bạch rõ hơn tâm sự yêu nước của mình trong “năm bài thơ tự trào”, coi như một tiếng chim gọi đàn:
“Chân giời góc bể hai mươi năm
Nay còn trào thơ, có gì tốt?”
... “Nhưng vì khối huyết uất trong lòng
Dầu có bán rẻ, hơn ngồi không!”
... “Những điều trông thấy, dứt hết ruột
Núi đứng dậy khóc, sông nằm rên”.
Trong số khách hưởng ứng bốn phương, “Ông già bến Ngự” đặc biệt lưu ý đến ba bài thơ Chùa hoang, Gái ở chùaThức khuya của P.T. (Quy Nhơn) đăng trên Thực Nghiệp Dân Báo, số 3248, ngày 11-10-1931. Đọc bài Thức khuya của Hàn Mạc Tử:
“Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an”...

Chắc hẳn Phan Bội Châu vô cùng sung sướng khi thấy Mộng Du thi xã đã góp phần đánh thức dậy lòng yêu nước vẫn tiềm tàng trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Phan Bội Châu đã họa lại cả ba bài thơ của Phong Trần kèm theo một lời cổ vũ chân tình và nồng nhiệt:
“Thưa tác giả P.T. tiên sinh
Tác giả cho tôi được đọc ba bài thơ, tôi lấy làm hân hạnh cho Mộng Du thi xã lắm. Xem trong thơ, u oán cao tình, thâm tâm nhã điệu, đủ cả mấy phương diện. Tôi chỉ phàn nàn rằng: “Người xướng quá cao, tất nhiên người họa phải ít” nên tôi xin tục điêu ba bài, khỏi để tác giả buồn sự cô điệu độc đàn mà thôi.
Còn như nói rằng: Tôi là người nối thơ được với tác giả, thì tôi không dám.
Ôi! Hồn giao nghìn dặm, biết làm sao được bắt tay nhau cười lớn một tiếng mới là thỏa hồn thơ đó!”
(Thực Nghiệp dân báo, số 3256, ngày 21-10-1931)[8].
Mối tình gắn bó giữa Hàn Mạc Tử với Phan Bội Châu bắt đầu từ đó. Sự cảm thông và ngưỡng mộ nhà chí sĩ, theo chúng tôi, không phải là ngẫu nhiên. Nhiều nhà thơ lãng mạn đã tìm đến với Phan Bội Châu, một biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước. Lưu Trọng Lư, sau những ngày chán nản ở Quốc học Huế, đã bỏ trường đến nhà Phan Bội Châu và “Ông già Bến Ngự” đã tặng cho “con nai vàng ngơ ngác” cái biệt hiệu Hy Ký. Con voi già của Huy Thông là một trường ca viết về người chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, lời thơ đầy âm hưởng bi tráng. Còn Hàn Mạc Tử từ Quy Nhơn ra Huế thăm Phan Bội Châu đúng sáng mùng một Tết năm Ất Hợi (1935). Trong chuyến đi đó, ngoài hai bài thất ngôn bát cú đã đăng trên Công Luận, số 9-3-1935 (Xuân chơi thần kinh, Sáng mùng một Tết đi xe lửa ra Huế), Hàn Mạc Tử đã dành riêng một bài “Kính tặng cụ Phan Sào Nam” làm theo thể song thất lục bát: Đêm khuya tự tình với sông Hương (Công luận, số 2-3-1935)
Hàn Mạc Tử thủ thỉ tâm tình sông Hương, cũng là với “Ông già Bến Ngự”:
Bây giờ chỉ có đôi ta
Bao nhiêu tâm sự Hằng Nga biết rồi
Thuở non nước đền bồi non nước
Sông Hương đành xuôi ngược đông tây
Soi lòng chỉ có đám mây
Đám mây phú quý những ngày lao đao
Sao mặt sông xanh xao ra dáng
Sao tình sông lai láng khôn ngăn?
Vì ai lắm nỗi chứa chan!
Hay còn đợi khách quá giang một lần...
Thơ Hàn Mạc Tử đã có lúc bộc lộ một nỗi đau trước thời cuộc, trước tình trạng đói khổ của dân chúng trong cảnh nô lệ:
Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng
Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn
Sao tôi thấy dân chúng bị lầm than
Dưới bóng mặt trời đầy dẫy hào quang
Ngán thay! Cuộc đời sống khổ
Nào non sông mưa mưa gió gió
Nào trời đất lơ láo láo lơ
Phủ màn mây ảm đạm mịt mờ...
(“Sống khổ và phấn đấu”, Công luận số 6-4-1935)
Tấm lòng ưu ái với vận mệnh của nhân dân, của đất nước trong bài thơ xuân tặng Phan Sào Nam đã biến thành những câu hỏi, những băn khoăn da diết:
Này thử hỏi, thuyền nan thả lá
Thuyền ai đây nấn ná bấy lâu
Mặc cho khanh tướng công hầu
Không thèm chung đỉnh lưng bầu gió trăng
Sao trời đất đãi đằng ra thế
Sao mưa nguồn chớp bể luôn đêm
Trong thành yên ấm vui thêm
Tiếng ca lanh lảnh, lọt rèm, rèm thưa
(...) Sao trai gái đi về trong mộng
Mà Sông Hương chẳng động niềm riêng
Trong thành để lạnh hương nguyền
Tiếng gà gáy nguyệt láng ging còn say...
Cuối bài thơ Hàn Mạc Tử ghi rõ: “Trên bờ Sông Hương mồng hai tết năm Ất hợi”. Về chuyến đi Huế năm đó, Nguyễn Bá Tín ghi lại: “Sau khi anh Trí ở Huế thăm cụ Sào Nam ở Bến Ngự trở về bị mật thám Pháp xóa tên trong danh sách du học Pháp do Hội Như Tây bảo trợ, tôi mới biết là anh Mộng Châu đã sai anh Trí đi xin địa chỉ một đồng chí của Đông Kinh Nghĩa Thục ở Thái Lan”[9].
Bài thơ trên là một bằng chứng hùng hồn về thái độ “nhập cuộc” của Hàn Mạc Tử. Và tất nhiên, không chỉ có thế Hàn Mạc Tử còn ca ngợi “Karl Marx thi sĩ” (Công luận số 4-5-1935), ca ngợi những “văn sĩ cách mạng” như Maxime Gorki, Romain Rolland, Henri Barbusse và trong nước thì khen Hải Triều, Hải Thanh, Trần Huy Liệu: “Các văn sĩ ấy hoàn toàn thoát khỏi các bụi bặm của luồng gió quốc gia, trái lại cho quần chúng cần lao những bài toán chính trị cần giải quyết, biết đem cái tinh thần quốc tế để truyền bá lại những bước đường mới mẻ của thời cuộc cần phải đi. Nên chi trên các báo, những vấn đề rắc rối, những học thuyết cao sâu, lần lần bày giải ra bằng ngòi bút rành rẽ, chu đáo, cốt đưa cho tinh thần quần chúng cần lao một phận sự tối cần làm dân trong nước (Một cuộc cách mạng trong văn giới Việt Nam – Tiến bộ, số 3-6-1939)
Hàn Mạc Tử còn cộng tác với Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ) một đảng viên Cộng sản vừa ra tù, một cây bút trong nhóm Thái Dương văn đoàn ở Quy Nhơn, để xuất bản tập Nắng Xuân (sách chơi xuân năm Đinh Sửu, 1937), trong đó thi sĩ cho đăng phóng sự Quan Nghị ...Gật (Bút hiệu Trật Sên) đánh thẳng vào đám “nghị gật”, trò hề của “Trung kỳ nhân dân đại biểu viện”! Đời các ông nghị ở đây “ly kỳ hơn Hitler địa vị thợ săn nhảy lên chính quyền nước Đức và Hoover từ địa vị bán báo tới lúc ngồi ghế tổng thống”. Các ngài vốn làm nghề “quét chợ ở tỉnh” hoặc “thằng bồi xuất thân” nhưng nhờ “khôn khéo”, “biết cách làm đầy tớ các nhà tư bản, biết chiều chuộng các “quan thầy” nên chẳng bao lâu đã nghiễm nhiên là một viên thầu khoán giàu nhất tỉnh, có vô số tòa ngang dãy dọc và cứ như thế cái chức nghị viện thành phố còn lọt vào tay ai nữa chứ!” Ngồi họp ở viện dân biểu các ngài hoặc “ngủ gật trên bàn” hoặc “yêu cầu tăng thuế thân, thuế sanh ý và triệu tập một cuộc hội nghị bất thường để quan sát, không để khảo cứu những câu ca dao lẳng lơ ở miền thôn dã!”.
Bài thơ xuân biểu hiện tập trung lòng yêu nước của Hàn Mạc Tử (Đêm khuya tự tình với sông Hương) rất tiếc lại không được đưa vào hai tuyển tập thơ Hàn Mạc Tử, một in ở Hà Nội năm 1987 (do Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu) một in ở Nghĩa Bình (do Hà Giao, Quách Giao, Trần Thị Huyền Trang biên soạn, Chế Lan Viên, Quách Tấn giới thiệu). Có lẽ những người làm tuyển tập chưa sưu tầm được những bài này trên báo năm 1935. Nhưng cả hai Tuyển tập lại đưa vào bài Lòng quê với một chú thích hết sức hấp dẫn: “Một nhà cách mạng bị thất bại bị tống giam, đêm ấy giữa mùa đông lạnh giá, bỗng có tên ngục tốt đưa vào cho nhà cách mạng phong thơ của một người tình ở nhà quê. Xem xong, nhà cách mạng lấy bút làm bài này”. Đã có một nhà phê bình và ngay cả ông Nguyễn Bá Tín đã trích bài này để chứng minh “tinh thần dân tộc”[10] và thái độ nhập cuộc của Hàn Mạc Tử! Thế nhưng bài thơ đó lại là của Uông Tinh Vệ[11] (do Hàn Mạc Tử dịch), đăng liền hai số Sài Gòn, ngày 18-11-1935 và 25-11-1935 người viết tên Lệ Thanh. Tuy nhiên, qua bài thơ này ta có thể thấy rõ ý thức trách nhiệm của nhà báo yêu nước Hàn Mạc Tử đứng trước thời cuộc. Bình luận hai bài thơ Ngồi trong khám thấy người ta phá bánh xe để lấy gỗVịnh Tuyết, Hàn Mạc Tử viết: “Cái bánh xe gỗ nó cháy rụi cho đến phút cuối cùng cũng chẳng qua là để giúp ích cho nước nhà, những cục tuyết trắng muốt nằm ở trên mặt đất vướng phải cát bụi mà không than vãn, đó chẳng phải là cái biểu hiện cho một thứ tình ái quốc nồng nàn mà Uông Tinh Vệ đã mượn để giải bày tâm sự ư?” Bài báo kết thúc bằng những câu đầy khí phách và tâm huyết: “Uông Tinh Vệ ưng ngang tàng bốn cõi kia”.
Cái tâm hồn của Uông Tinh Vệ cũng giống như bà Sarojini Naidu người Ấn độ đã từ bỏ cái ống sáo của nhà thi sĩ mà cầm lấy cái chiêng để kêu gọi dân chúng vào trường chiến đấu.
Cái địa vị của nhà thi sĩ đâu phải ở trong thơ phòng mà chính là ở giữa dân chúng ... Đem gan óc để đền nợ nước chưa đủ, tiên sinh còn muốn đem máu mình mà rải khắp chân Vạn Lý Trường Thành”.
Lòng yêu nước cũng như thái độ dấn thân của Hàn Mạc Tử có nguồn gốc từ truyền thống Cần Vương của nội tổ Phạm Bồi. Khi vua Hàm Nghi dời đô, hạ chiếu Cần Vương lập chiến khu chống Pháp, “nội tổ Phạm Bồi, bấy giờ là võ quan tại Thanh Hóa, hưởng ứng Cần vương đem binh vào Huế cứu giá, đồng thời đa số dòng họ Phạm cũng tham gia các phong trào khởi nghĩa”[12] vì có lệnh truy nã nên thân sinh Hàn Mạc Tử phải đổi họ tên là Nguyễn Văn Toản để vào học ở tiểu chủng viện. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên việc Hàn Mạc Tử tìm đến Phan Bội Châu và có chịu ảnh hưởng ít nhiều phong trào Mặt trận Dân chủ sôi động ở Huế và Sài Gòn cũng là điều tất nhiên, Thơ ca lãng mạn của Thế Lữ (Nhớ rừng), Huy Thông (Con voi già), Huy Cận (Tràng giang), Hàn Mạc Tử (Đêm khuya tự tình với sông Hương, Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ...) ấp ủ một lòng yêu nước thầm kín. Lòng yêu nước đó được thể hiện trong tình yêu thiên nhiên, yêu non sông đất nước, yêu ngôn ngữ tiếng Việt. Tiếng nói trong thơ mới là tiếng mẹ đẻ yêu thương, phong cảnh thơ mới chính là đất nước Việt Nam thống nhất và mỹ lệ.
Hàn Mạc Tử mơ ước có một “Xuân thiêng”, “Xuân như ý” ra đời:
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang
Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
 (Quần tiên hội)

Đặng Tiến giải thích đó là thế giới mới, thế giới của phục sinh, Khải huyền. Nhưng không phải mùa xuân nào trong thơ Hàn Mạc Tử cũng là mùa xuân tôn giáo, mùa xuân lý tưởng.
Chúng ta bắt gặp trong Mùa xuân chín một mùa xuân thuần lương một mùa xuân ngoại đạo đủ cả đường nét, ánh sáng, màu sắc, âm thanh một mùa xuân tưng bừng với các lễ hội dân gian Việt Nam. Mùa xuân đến trong cảnh bình minh, sương mờ đang tan dần ánh nắng ban mai phủ một màu vàng dịu lên những mái nhà tranh một màu vàng sáng lên khắp nơi, những tiếng hát vui tươi của các cô thôn nữ khi làng quê trẩy hội vào xuân:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi...
Mùa xuân cũng là mùa của hạnh phúc, mùa cheo cưới, tiếng pháo tưng bừng rộn rã:
Pháo nhân duyên nổ đã hơi nhiều
Trầu lịch sự têm mời hai họ
Đường trai thẹn nên không dám ngỏ
Nói chi Nường là gái đông lân
Buồng không ra xiêm áo sượng sần
Ông mai mối cười như ngô nở
Người ta cưới cả xuân cả vợ
Nên ân tình nổi máu trên môi.
(Cưới xuân, cưới vợ)
Câu thơ của Hàn Mạc Tử có lúc yêu đời một cách lạ thường. Ai dám nói đây là thi sĩ của buồn chán, của Hư vô và cái chết? Nhưng cuộc đời bất hạnh đã ập ngang vào giữa tuổi thanh xuân, khiến cho niềm vui chẳng bao giờ trọn vẹn. Câu thơ trong Mùa xuân chín đang tưng bừng, rạng rỡ bỗng lắng xuống trong một niềm ngậm ngùi, thương xót:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...
Những thôn nữ vui tươi trong hội hè kia rồi sẽ có lúc phải từ giã tuổi xuân, từ giã những ngày đẹp đẽ và hạnh phúc nhất của đời mình để bước chân về nhà chồng, lo toan gánh vác công việc ma chay, đình đám, giỗ chạp, cưới xin cho cả bên nội và bên ngoại. Cuộc đời của họ chỉ còn là một tấm vải thô dệt bởi những ngày tối tăm, vất vả. Tương lai của họ không phải tìm đâu xa, tương lai đã hiện hình từ trong quá khứ:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Hình ảnh người đàn bà gánh thóc dọc bờ sông giữa nắng trưa hè hun hút đã tiếp nối hình ảnh những người “quanh năm buôn bán ở mom sông”, những “thân cò lặn lội bờ sông”... của văn học truyền thống. Thương người vợ nhưng cũng là thương mình. Vô tình thi sĩ đã cảm nhận một điềm báo định mệnh cho tương lai của mình; người đọc chợt bàng hoàng thương cảm khi nhận ra rằng rồi đây chính thi sĩ sẽ phải từ bỏ “đám xuân xanh”, từ bỏ “cuộc chơi” đang tưng bừng, rộn rã để sống cách ly với mọi người trong nỗi cô đơn, bệnh tật:
 “Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu tuyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”
 (Những giọt lệ)
Như trên đã nói, Mùa xuân chín là một mùa mùa xuân ngoại đạo, một mùa xuân rất đời, gắn với những lễ hội dân gian, chẳng có gì có thể gọi là “tinh thần tôn giáo – vũ trụ” cả![13]
Một số bài thơ viết về thiên nhiên đất nước của Hàn Mạc Tử còn gắn liền với những miền quê hương, với những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời tình ái của thi sĩ (Đà Lạt trăng mờ, Phan Thiết, Phan Thiết! Đây thôn Vĩ Dạ). Hàn Mạc Tử lên thăm Đà Lạt lần đầu năm 1933, lúc ấy thi sĩ chưa làm “thơ mới”. Bài Đà Lạt trăng mờ là hình ảnh những đêm trăng, Tử ngồi cùng Quách Tấn trên bờ hồ Than Thở, dưới hàng thông lấp loáng, lặng chìm trong sương khuya:
“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
(...) Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm”.
Theo quan niệm lãng mạn của Hàn Mạc Tử thì khi “huyền ảo khởi sự”, đó là giây “phút thiêng liêng” tạo nguồn cảm hứng cho thơ. Cảnh “hư thực”, huyền ảo của Đà Lạt đêm trăng mơ màng đầy tính chất thú vị... Không thể nói là bài thơ đã ít nhiều “thấm nhuần tâm tình tín mộ tôn giáo” và Trời trong câu “Và để xem Trời giải nghĩa yêu...” không phải là một Thượng Đế chung của các nhà thơ lãng mạn là Thiên Chúa Ba Ngôi của Đức tin như có người đã giải thích!
Phan Thiết với Lầu Ông Hoàng, Mũi Né cũng để lại nhiều kỷ niệm vui buồn trong thơ Hàn Mạc Tử. Gần hai năm trời (1935 - 1936), chiều thứ bảy nào Hàn Mạc Tử cũng từ Sài Gòn ra Phan Thiết tìm gặp Mộng Cầm và cậu ruột của nàng là thi sĩ Bích Khê dạy ở trường Hồng Đức. Cặp tình nhân thường đến chơi Lầu Ông Hoàng (tức lầu của bá tước Đờ Môngbăngkê), một phong cảnh rất đẹp. Mối tình ngọt ngào đó sau này trở thành một vết thương đau đớn trong cuộc đời thi sĩ:
Ta lang thang tìm đến chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi...
(Phan Thiết! Phan Thiết!)
Huế đẹp và thơ mộng với sông Hương, cầu Tràng Tiền, những “cô áo tím nước da trắng nõn nà”, những thôn xóm ven bờ sông như thôn Vĩ Dạ, nổi tiếng bởi những cây trái xanh tươi bốn mùa, những ngôi nhà duyên dáng, vườn tược, sông nước mây trời:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền...

Câu thơ không phải là một lời trách cứ mà như lời của người thương mời chào người thương về thăm cảnh đẹp của quê hương. Bình minh lên ở Vĩ Dạ với nắng sáng long lanh trên những hàng cau còn đẫm sương đêm. Ở tầng dưới của những hàng cau thẳng tắp vươn lên đón nắng mai là một không gian mượt mà xanh tươi với những cành lá mơn mởn, xanh mướt như ngọc. Và thấp thoáng sau những lá trúc mảnh mai lay động là khuôn “mặt chữ điền” hiền lành, trung hậu... Thiên nhiên và con người hài hoà trong một vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo của xứ Huế. Năm 1936 Hàn Mạc Tử đã có lần tìm đến nhà Hoàng Cúc ở Vĩ Dạ, nhưng do bản tính “kín đáo và bẽn lẽn như con gái” nên chàng chỉ đứng lâu ngoài ngõ nhìn vào rồi lặng lẽ ra về. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đến tay Hoàng Cúc khoảng tháng 11-1939, lúc ấy thôn Vĩ Dạ chỉ còn là hoài niệm, là nhớ thương da diết của Hàn Mạc Tử.
Mối tình giữa Hàn Mạc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc là mối tình đầu lãng mạn mới chớm nở. “Mối tình ấy bàng bạc trong tập Gái quê và phảng phất trong nhiều bài thơ kế tiếp. Tập Gái quê trong bản thảo Tử đề tặng Cúc, nhưng nghĩ không tiện, nên khi in, Tử xoá mấy hàng đề tặng”[14]. Nhận định trên của thi sĩ Quách Tấn về cơ bản là đúng, nhưng không nên dựa vào đó để cho rằng bài Tình quê là nhằm thi vị hoá mối tình đầu với Hoàng Cúc. Bài đó đã được đăng trên Công luận, số 30-3-1935 với cái tên là Tương tư (Gửi khách sông Lam), sau đó lại đăng Sài Gòn văn chương, số 25-11-1935 với cái tên Mong đợi (Gửi khách sông Lam)[15]. Trên tờ Công Luận, số 6-4-1935 lại đăng Yêu để sống (Tặng em Hải Đường sông Lam). Một bài thơ khác như bài Bẽn lẽn được đăng trên báo Sài Gòn ngày 7-12-1935 với cái tên Vô tình và ký Mộng Cầm. Như thế trong tập Gái quê không phải chỉ có hình ảnh Hoàng Cúc mà còn có bóng dáng Mộng Cầm và một vài người khác nữa (trong các bài Nhớ chăngNhớ nhung).
Bài Tình quê là nỗi nhớ nhung đối với một người tình lý tưởng lẫn vớí tình nhớ quê hương.
Thơ viết về thiên nhiên đất nước của Hàn Mạc Tử mang một sắc thái riêng. Xuân Diệu thường mượn thiên nhiên để nói tới cái “tôi” của cá thể trước cái mênh mông, lạnh lẽo của không gian:
Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
(Lời kỹ nữ)
Hàn Mạc Tử thể hiện thiên nhiên như một sự hoà điệu của tâm hồn. Thơ trữ tình của Hàn Mạc Tử là thơ hướng nội. Cảnh và người hòa lẫn vào nhau, đường ranh giới rất mong manh và nhiều khi, người thơ lấn át cảnh thơ. Ngày 23-1-1940, Hàn Mạc Tử viết cho Thương Thương: “Thương Thương, cái tên thi vị quá chừng. Thương Thương là một bài thơ hơn nữa, một nguồn thơ bất tuyệt. Em chúc cho anh “khi nào cũng phải rào rạt bởi muôn ngàn cảnh vật xung quanh để viết ra những bài thơ huyền diệu”. Thế là em lầm rồi. Thơ bao giờ cũng tại tâm chứ không tại cảnh. Cảnh là điều giả dối, phù vân, mà tâm mới chân thành, trường cửu. Ở lòng anh có Thương Thương, nghĩa là có thơ, có nguồn thơ vĩnh viễn đấy” (Hàn Mạc Tử - thân thế và thi văn).
Trong thơ Hàn Mạc Tử, thiên nhiên như hoà lẫn vào những trạng thái cảm xúc khác nhau của tâm hồn thi sĩ. Cảm xúc đó bàng bạc trong mỗi câu thơ và người đọc như bị lạc vào một thế giới mơ hồ, huyền ảo của cảm xúc, hương thơm, màu sắc và ánh sáng. Khi chìm vào dòng cảm xúc ấy, người ta như quên đi những phiền muộn hàng ngày của cõi đời, quên cả chính bản thân mình, chỉ còn lại một cảm giác lâng lâng, bay bổng ở một khoảng trời trong sáng, con người như muốn hoà nhập vào cảnh sắc làng quê.
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê.
Cảnh sắc thien nhiên như buông xuôi theo dòng cảm xúc của thi sĩ. Không gian tĩnh lặng nhưng dưới bề sâu là những chuyển động thầm kín, những âm thanh mơ hồ thầm kín của tạo vật mà chỉ riêng thi sĩ mới cảm nhận được:
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chỉ đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê...
Thơ Hàn Mạc Tử làm ta rung cảm trước khi tìm hiểu. Tình quê thu hút chúng ta bằng những hình ảnh gợi cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. Tình quê trôi theo một âm điệu buồn man mác, một nỗi buồn vương vấn khắp không gian. Lời thơ mang đầy nhạc điệu và những cảm xúc “đê mê” lòng người đã gợi ý cho Phạm Duy phổ bài thơ thành nhạc (in trên bìa tuần báo Sinh lực số 1, ra ngày 30-1-1958).
Tình quê khi in vào tập Gái quê không đề tặng Hoàng Cúc hoặc “Khách sông Lam” (Tức Mộng Cầm). Ở đây nếu có, chỉ là một người tình lý tưởng. Tình yêu đối với Hàn Mạc Tử chỉ là một nguồn cảm hứng của thi ca. “Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư” (Tình – Chơi giữa mùa trăng).
Trong bài Quan niệm thơ (Gửi Trọng Miên), Hàn Mạc Tử nói rõ hơn: “Trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội”. Người tình lý tưởng theo quan niệm “cổ điển” của Hàn Mạc Tử phải là một người đẹp bước ra từ trong trang giấy (“Thư trung hữu mỹ nữ”). Vì thế mà suốt đời thi sĩ chẳng bao giờ gặp được người yêu mơ ước:
Đời không có ngọc trong pho sách
E hết khôi nguyên ở Phượng Trì
Nếu như thi sĩ là chim Phượng hoàng (tất nhiên là một loại “Phượng hoàng si dại”) thì người lý tưởng phải là một “trang thục nữ tương thân nhi tương kính”[16].
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
Rất hào hoa rất phong vận: Người Thơ
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng.
 (Phan Thiết! Phan Thiết)
Người yêu lý tưởng đó, ở thời kỳ đầu lãng mạn (Gái quê) phải chăng là “một thiếu nữ khuê các, tài hoa, người Huế, biết đàn, biết thơ mà anh ngưỡng mộ. Đó là Hoàng Hoa nữ sĩ”[17]. Trong thơ tình của Hàn Mạc Tử, hình ảnh người yêu không hiện lên đường nét như trong thơ Xuân Diệu:
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm...
(Tương tư chiều)
Người yêu hiện lên như một ánh trăng huyền diệu hoặc một mùi hương hư ảo. Hương thơm là vẻ đẹp đặc trưng của người tình lý tưởng:
“Ái tình bắt đầu căng
Hoa thơm thì nín lặng
Hương thơm thì bay lan
Em tôi thì hổn hển
Áo xiêm lấm tấm vàng”
(Sáng trăng)
“Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình”
(Thời gian)
Ở Quy Nhơn nhà Hàn Mạc Tử ở gần nhà Hoàng Cúc nhưng hai người vẫn cách xa nhau như hai thế giới. Hoàng Cúc kể: “Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng”[18]. Hàn Mạc Tử say đắm trong mối tình đầu nhưng chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng nàng như chiêm ngưỡng một nhan sắc. Đó là tình yêu “âm thầm”, lặng lẽ, dường như đơn phương:
“Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em”
Mối tình vô vọng có thể là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Mạc Tử bỏ Sở Đạc điền Quy Nhơn vào Sài Gòn làm báo. Sau gần một năm, chàng trở lại Quy Nhơn, mối tình với Hoàng Cúc lại nồng nàn hơn, có phần bạo dạn hơn:
“Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Dám ôm hồn cúc ở trong sương”
(Hồn cúc)
Câu thơ tưởng như có vẻ suồng sã nhưng vẫn chỉ là “ôm hồn cúc”, “ngấm ngầm trao đổi những ân tình” với “hồn hoa” (Huyền ảo). Thế rồi Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ. Hàn Mạc Tử coi như nàng đi lấy chồng, thi sĩ đau khổ vì mối tình tuyệt vọng: “Con sông này đã đi qua. Suốt đời ta thề không trở lại. Vì cô lái đã lên bờ...Không có ái tình tuyệt đối”. Nhưng vẫn hy vọng có ngày gặp lại Hoàng Cúc ở Huế: “Nhất nhật bất kiến như tam thu” - Nếu phải quỳ lạy dâng tất cả những ngày sung sướng đã qua và sẽ tới cho người để đổi lấy một phút gặp gỡ...” (Mùa thu đã tới). Chàng và nàng tình cờ đã gặp nhau ở Hội chợ Huế. Nhưng Hàn Mạc Tử vẫn không dám tặng Gái quê cho Hoàng Cúc. Sau này Hoàng Cúc kể lại và ân hận về thái độ rụt rè đó của chàng: “Càng tội nghiệp hơn là hôm sau anh xuống Vĩ Dạ đứng trước cổng hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi”[19].
Mùa hè năm 1939, Hoàng Tùng Ngâm viết thư về Huế cho Hoàng Cúc biết Tử mắc bệnh nan y, khuyên Cúc viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn trong trắng, bất hạnh. “Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ và một bài khác nữa do Ngâm gửi về...”[20].
Xuất xứ bài thơ là như vậy. Nhưng không nên hiểu là bài thơ minh hoạ tấm bưu ảnh. Dù ông Nguyễn Bá Tín có nói rõ: “Chị rất cảm động khi biết anh vẫn không quên vườn rau tươi mát, vẫn nhớ đám bắp bến đò Cồn nhìn sang Vĩ Dạ mà dòng nước buồn thiu lặng lẽ trôi...”. Ông Nguyễn Bá Tín còn đưa thêm một chi tiết mà cả Hoàng Kim Cúc, cả Quách Tấn không thấy nói đến: “Cho đến khi anh đau nặng hồi 1939, chị Cúc còn gởi cho anh một phiến ảnh cỡ 6x9. Chị mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát”[21].
Bài thơ rõ ràng là được cấu tứ trên một số chi tiết của cuộc đời thực. Nhưng thơ Hàn Mạc Tử là một sự hài hoà giữa mộng và thực, giữa đường nét cụ thể và sương khói huyền ảo. Kết cấu của bài thơ không phải là cái lôgic của hiện thực khách quan: “Khổ 1: Thôn Vĩ Dạ... Khổ 2: Dòng sông Hương êm đềm thơ mộng. Khổ 3: Người đất Huế, những cô gái Huế” (Soạn Văn, Lớp 12, Tập I, trường Đại học Sư phạm I, Hà Nội, 1989, tr.41) mà chủ yếu là cái lôgic bên trong tâm hồn thi sĩ, cái lôgic của một mối tình đẹp nhưng tuyệt vọng. Mà vì tuyệt vọng nên:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Khổ thứ hai diễn tả nỗi lòng của Hàn Mạc Tử chứ không nhằm “diễn tả cái nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi của Huế” (Soạn Văn, tr. 42). Tất nhiên, “Sông Trăng” có thể là sông Hương, nhưng hai câu:
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
thì đã là cảnh mộng hư ảo rồi. Chở “trăng” nào về vậy? Khó mà biết được bởi vì:
Không gian đầy đặc toàn trăng cả!
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diểu
Nàng xa tôi quá nói nghe chăng?
(Huyền ảo)
Hai câu nói trên chỉ có thể là một mơ ước về hạnh phúc. Ước mơ này còn được tiếp theo ở khổ ba:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Áo em thì trắng mà xứ Huế lại nhiều sương khói mông lung nên chỉ thấy “mờ nhân ảnh”. Nhưng ở đây không phải là chuyện ảnh là mà chuyện “tình ai có đậm đà” bền chặt hay không, hay cũng chỉ mờ ảo sương khói như trời đất xứ Huế?
Lần đầu tiên Hàn Mạc Tử được trực tiếp thổ lộ mối tình với Hoàng Cúc. Những tình cảm đẹp và trong sáng nhưng buồn và thoáng qua một chút hoài nghi. Có lẽ Hàn Mạc Tử cũng cảm thấy không đành lòng, nên sau đó, chàng lại gửi tặng Hoàng Cúc bài Sao, vàng, sao (tức là bài Đừng cho lòng bay xa). Ở đây hai linh hồn gặp nhau trong thế giới Vĩnh Cửu mà bốn phía cầu vồng đẹp năm sắc mây:
Đây Miên Trường, đây Vĩnh Cửu, Tề Phi?[22]
Cao cao vượt tới hai hàng bóng vía.
Trời nhật nguyệt cầu vồng bắt tứ phía
Ôi Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi đây
Hương ân tình cho kết lại thành dây,
Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu...
Trong cuộc đời tình ái của Hàn Mạc Tử thì mối tình đối với Mộng Cầm là da diết nhất và do đó sau này đã để lại một nỗi đau đớn khôn nguôi trong tâm hồn thi sĩ. Năm mười bảy tuổi, học lớp Nhất trường Nam Phan Thiết, Mộng Cầm đã có thơ Đường luật đăng trên báo Công luận. Hai người đã có thư từ trao đổi cho nhau chuyện văn thơ suốt năm sáu tháng, khi Hàn Mạc Tử đang làm ở Sở Đạc điền Quy Nhơn. Sau đó Hàn Mạc Tử vào Sài Gòn làm báo. Ngày 12-10-1935 trên Sài Gòn văn chương có mục nhắn tin: “Anh Bích Khê – Tôi muốn biết địa chỉ của chị Nghệ, vậy phiền anh chút” (Hàn Mạc Tử - Journal Sài Gòn).
Hàn Mạc Tử đã đi xe lửa vào Phan Thiết tìm gặp Mộng Cầm và thế là bắt đầu mối tình đẹp đẽ gần hai năm trời, lúc thì ở cù lao Mũi Né, nơi Mộng Cầm đang học nghề thuốc (Say nắng), lúc thì ở Lầu Ông Hoàng những đêm trăng huyền ảo (Phan Thiết! Phan Thiết!). Những kỷ niệm ngọt ngào giữa chàng thi sĩ và “Nàng tiên” đã được Hàn Mạc Tử ghi lại trong các bài Say Nắng, Sáng Trăng, Bắt chước, Dấu tích. Và chính Mộng Cầm cũng nhắc với người tình:
“Rồi có khi nào trong phút giây
Trăng lên khỏi núi gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Đã được cùng anh sống những ngày”[23]
Nhưng rồi chính Mộng Cầm đã quên lời thề dưới trăng. Mộng Cầm sang ngang khi Hàn Mạc Tử lâm bệnh chưa đầy một năm! Việc nàng đi lấy chồng không có gì đáng trách, điều đáng trách là nàng đã “từ chối một sự thật của lòng mình”[24] và tuyệt hẳn với Hàn Mạc Tử, khi chàng lâm vào cảnh bất hạnh. Cái tin Mộng Cầm đột ngột vu quy đã làm cho Hàn Mạc Tử đau đớn, tê dại. Kẻ dứt áo ra đi không biết có đau khổ nhưng chàng thi sĩ “khờ dại” thì như đã chết nửa con người. Ai đã từng yêu và đã tuyệt vọng mới thấy hết nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi của chàng:
“Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”
(Những giọt lệ)
Những ngày đầu rơi vào cảnh cô đơn của kẻ bị tình phụ, thi sĩ nhớ như điên như dại, lúc nào cũng cảm thấy hình bóng của nàng như ở đâu đây:
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì...
(Muôn năm sầu thảm)
Nhớ từ những hình bóng mơ hồ, hư ảo cho đến “đôi mắt mùa thu trong leo lẻo, ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo”, “nhớ hàm răng, nhớ hàm răng, mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều”. Thi sĩ viết hẳn một Khúc ly tao để thổ lộ tình yêu chung thủy: “Nếu em không yêu anh thì anh van, em ơi! Cầu với Hoàng Thiên cho anh mùa đông hóa thành đốm lửa để hơ lấy tay em cho ấm áp hay là anh trở nên suối ngọc tuyền để được vờn cái nước da trắng nuốt của mình em, không thì biến ra dải đất để cọ mãi cái vết chân em; hay là hóa ra gió dịu dàng để mơn trớn má đào em và để em hít vô tận đáy lòng...”
Không còn nữa cái không khí lãng mạn mơ màng trong Gái quê. Thi sĩ đưa ta trở về với những yêu thương buồn giận của trần thế, bộc lộ hết nỗi niềm sâu kín của một kẻ bị tình phụ. Bây giờ thì nàng đã vu quy, những kỷ niệm đẹp đã lùi xa vào quá khứ, thi sĩ ngày càng cảm nhận xót xa nỗi cô đơn hiu quạnh của mình giữa thế gian này. Hàn Mạc Tử như rơi vào tâm trạng cô đơn của Lamartine trong bài thơ nổi tiếng Le Lac (Hồ): “Chỉ thiếu một mình em là cả thế gian hiu quạnh” (Un seul etre vous manque tout est dépeuplé). Nỗi đau đớn tuyệt vọng có lúc như phẫn uất, điên cuồng “làm sao giết được người trong mộng”, “để trả thù duyên kiếp phũ phàng” có lúc chợt vỡ òa ra thành tiếng khóc não nùng, thê thiết:
Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng...
(Phan Thiết! Phan Thiết!)
Đau khổ vì một tình yêu tuyệt vọng, vì bệnh tật hành hạ, thi sĩ như nhận diện được cái chết đang đến dần từng ngày. Trong cảnh sống lẻ loi, cô đơn, xa cách với mọi người, có lúc thi sĩ gọi tên người yêu và vẽ ra trước mắt những hình ảnh của ngày vĩnh biệt:
“Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn.
Đấy là tất cả người anh tiêu tán
Cùng trăng sao bàng bạc xứ say mơ
Cùng tình em tha thiết như văn thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế”
(Trường tương tư)
Chế Lan Viên cho rằng Hàn Mạc Tử có những câu thơ tình hay vào bậc nhất trong thi ca Việt Nam hiện đại. Những câu thơ như tiếng kêu thương tự đáy lòng, lời thơ như có dính máu, dính hồn và nước mắt của thi sĩ.
Những câu thơ tình như thế sao có thể gọi là tiếng vọng của Thánh Tự? Và tiếng kêu thương càng thống thiết càng chứng tỏ tâm hồn cô đơn đó “trìu mến biết bao người”, gắn bó thiết tha với cuộc sống là dường nào. “Thơ Tử là thơ của một người yêu nước, yêu con người, yêu sự sống”[25].
Trong những ngày đau khổ, thi sĩ không chỉ sống bằng tình yêu mà còn sống vì tình bạn. Tất nhiên, không phải chỉ có mối tình với Hoàng Cúc, Mộng Cầm. Có những mối tình như ngọn gió mát thổi qua cuộc đời Hàn Mạc Tử (Mai Đình, Ngọc Sương). Còn câu chuyện say đắm Thương Thương chỉ là giấc mộng tình, tuy nhiên nó đã để lại cho chúng ta những vở kịch thơ ngọt ngào, trong sáng (Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội). Về những mối tình của Hàn Mạc Tử, các tác giả Trần Thanh Mại, Trần Quách Tấn, Hoàng Diệp, Châu Hải Kỳ, Nguyễn Bá Tín, Trần Thị Huyền Trang đã nói nhiều, chúng tôi xin phép không nhắc lại nữa. Về tình bạn thì chúng ta phải tìm hiểu thêm vì ít có một người nào giữ được tình bạn lâu dài, trong sáng và chung thuỷ như Hàn Mạc Tử. Sự có mặt đông đủ bạn thân của Hàn Mạc Tử thời ấy trong tập sách này (Chế Lan Viên, Quách Tấn, Bích Khê, Trần Thanh Địch, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Minh Vỹ, Hoàng Diệp, Hoàng Trọng Miên, Trần Tái Phùng, Trần Thanh Mại, Nguyễn Văn Xê...) đã chứng minh tình bạn cao quý đó. Trong số bạn bè lui tới số nhà 20 đường Khải Định, Quy Nhơn hoặc thường xuyên trao đổi thư từ với Hàn Mạc Tử còn có Bùi Tuân, Hoàng Tùng Ngâm, Hoàng Trọng Quy, Bửu Đáo, Trần Kiên Mỹ, Quỳnh Dao, Thúc Tề, Nguyễn Đình Thuý, Lê Đình Ngân... Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, bạn bè của Hàn Mạc Tử kẻ còn người mất, nhưng dường như không ai quên được cái không khí thương yêu đùm bọc của tình bạn văn chương thời đó và những kỷ niệm không thể phai mờ về vùng biển, vùng trời tuyệt đẹp của cái thành phố nhỏ bé mang tên Quy Nhơn. “Những đêm trăng sáng, màu trăng hoang dại, huyễn hoặc, thường xuyên quyến rũ chúng tôi đi ngủ biển. Chế Lan Viên, Yến Lan và tôi...hội họp tại nhà Hàn Mạc Tử, rồi đem ra (drap), mền đi ngủ biển chỉ cách nhà chừng độ 200 thước. Những đêm ấy là những đêm mưa tầm tã, lụt ngập trời. Nhưng mưa ở đây là mưa sao, lụt ở đây là lụt trăng. Chúng tôi bị trăng vây phủ tứ bề, ngăn hết nẻo đường và bị muôn sao đứng sững dòm ngó chúng tôi (...)
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai...
.... Sau một thời gian (trên một năm) nằm chung, ngủ chung, ôm choàng lấy nhau trên bãi cát vàng, dưới bóng trăng sao, cảnh thông và trăng đã gợi cảm hứng rất nhiều cho Hàn Mạc Tử thì tôi được tin chàng mắc bệnh phong...” (Hoàng Diệp). Nhưng khi Hàn Mạc Tử phải cách ly gia đình đi chữa bệnh ở xóm Động, Gò Bồi, xóm Tấn, Gành Ráng... thì Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan vẫn thỉnh thoảng đến thăm. Tình bạn của Hàn Mạc Tử với Quách Tấn, Chế Lan Viên, Trần Thanh Địch, Bích Khê, ... xứng đáng được ghi chép vào tập Giai thoại văn học của thời kỳ hiện đại. Hàn Mạc Tử có những câu thơ về tình bạn vào loại hay nhất gửi Quách Tấn:
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình lẳng lặng
Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi
Tương tư mộng thấy năm canh mộng
Luyến ái trời vương bốn phía trời...
(Nhớ Trường Xuyên)
Và gửi Trần Thanh Địch:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi...
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi!
(Một nửa trăng)
Hàn Mạc Tử gắn bó một cách trìu mến, thiết tha như thế với thiên nhiên đất nước, với cuộc đời, với người yêu, bạn bè và gia đình, sao có thể gọi là một nhà thơ của Hư vô và cái chết? Chế Lan Viên đã bác bỏ hoàn toàn cái quan niệm gắn Hàn Mạc Tử với nhà triết học Đan Mạch Soren Kierkegaard, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh sau này ở phương Tây. Là một người bạn thơ đã cũng với Hàn Mạc Tử đề xướng lên “Trường thơ Loạn”, Chế Lan Viên đã bênh vực và khẳng định mạnh mẽ “thiên tài” của Hàn Mạc Tử trong suốt nửa thế kỷ vừa qua. Lúc Hàn Mạc Tử vừa mới mất ở bệnh viện Quy Hòa, Chế Lan Viên viết: “Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử”[26].
Sau này, đọc Hoàng Trọng Miên, ta mới biết được Chế Lan Viên viết câu đó trong một tình trạng bị xúc động mạnh: “Tôi không quên được một buổi trưa, Chế Lan Viên ghé lại căn gác tôi ở Sài Gòn nghe tôi báo tin vừa được điện tín sáng nay từ Quy Nhơn cho hay là Hàn Mạc Tử mất rồi, anh ngồi xuống bàn tôi khóc như một đứa trẻ. Đến khi tôi nói là tờ Người Mới ra một số đặc biệt về Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên gạt nước mắt ngồi viết bài luôn... Chiều hôm ấy, Chế và tôi ra bờ sông Sài Gòn uống rượu. Chế tửu lượng yếu nhưng bữa đó lại uống rất hăng trong khi hai đứa cùng nhắc đến câu chuyện về Hàn Mạc Tử và ngâm thơ Tử. Tới hai giờ sáng thì Chế đã say oặt người, tôi phải dìu ra xe kéo đưa về”[27].
Bốn mươi bảy năm sau, trong không khí khoáng đạt của thời kỳ đổi mới tư duy, Chế Lan Viên lại một lần nữa khẳng định thiên tài Hàn Mạc Tử như một đỉnh cao chói lòa trong văn học thế kỷ XX: “Cho dù Hàn Mạc Tử có cuộc đời bệnh tật, cuộc đời tình duyên, cuộc đời cách mạng ly kỳ, dữ dội gấp trăm lần, nhưng ba hòn núi ấy chụm lại không đẻ ra được một cái cây, một bóng mát thơ nào, ba hòn núi ấy không đẻ ra được con chuột nhắt thơ nào thì việc gì ta phải dông dài. May thay Tử là một đỉnh cao, chói lòa trong văn học thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ”[28].
* * *
Chế Lan Viên có một lối nói thông minh, độc đáo vừa hấp dẫn vừa gây ấn tượng mạnh, nhưng cho đến những bài viết cuối cùng của anh về Hàn Mạc Tử ta vẫn nhận ta dấu vết của lối nói khoa trương, phóng đại - vốn là đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn – trong bài Tựa của tập thơ Điêu tàn năm xưa: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi loà chói rực rỡ của mình”[29]. Tuy nhiên, về cơ bản, anh hoàn toàn có lý và có tình khi bênh vực Hàn Mạc Tử. Anh viết: “Ở miền Nam trước đây người ta đọc Tử hoặc thấp xuống với Freud, với tình dục bản năng, hoặc cao lên Thượng thanh khí với Chúa Trời hoặc tít tắp ra xa trong thời gian, trong con đường về cái chết với Heidegger và nhiều nhà triết học khác”[30].
Ở thời Hàn Mạc Tử dường như chưa mấy ai biết nhà triết học Đan Mạch Soren Kierkegaard. Kierkegaard được nhắc đến nhiều ở Sài Gòn những năm sáu mươi, khi văn học hiện sinh chủ nghĩa phát triển ở miền Nam, trong các đô thị. Mặt khác, cần phải thấy rằng những tiền đề của chủ nghĩa hiện sinh cũng đã có trong tác phẩm của Thánh Augustin hay cả trong Thánh kinh Kitô giáo. Kinh Cựu Ước nói rõ về sự đam mê đuổi theo gió của con người, nói về sự hư phù của tất cả: “Hư phù của hư phù và tất cả là hư phù”.
Về việc hạ thấp thơ Hàn Mạc Tử xuống với Freud, với tình dục bản năng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Hoài Thanh chỉ nhận xét riêng tập Gái quê lại có “một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ông Phạm Văn Ký đề tựa tập thơ ấy là phải lắm: Gái quê và Une voix sur la voie đều bắt nguồn trong tình dục” (Thi nhân Việt Nam). Đặng Tiến cãi lại: “Một người chỉ xin hoa đền ngự và lòng ni cô thì dục tình đi tới đâu? Đây chỉ là một thứ tình hàm thụ, một lối ái ân không tưởng... nó không thể tự mãn trong một thế giới không tự mãn” (Đức tin trong hồn thơ Hàn Mạc Tử). Và Đặng Tiến có một nhận xét thú vị: Cái không khí lơi lả, rạo rực trong bài Bẽn lẽn chủ yếu là trong cách chọn những chữ gợi tình khi chúng đi đôi với nhau như trăng và gió, trăng và hoa, liễu và hoa, trong các thành ngữ quen thuộc như “gió trăng”, “ghẹo nguyệt trêu hoa”, “liễu ngõ hoa tường”. Gợi tình thì táo bạo nhưng vẫn tinh tế, ý nhị theo kiểu phương Đông.
Chúng tôi cũng có một nhận xét giống Võ Long Tê khi ông cho bài Bẽn lẽn có một cái gì đó giống như “một lối giải tỏa ẩn ức bằng ngôn từ”.
Cái không khí lơi lả, rạo rực trong Gái quê không có gì là khó hiểu. Khi ở đường Espagne Sài Gòn, có lúc đám bạn bè nhà báo, nhà văn đã định lôi kéo Hàn Mạc Tử vào lối sống buông thả, trụy lạc, “nhưng tâm hồn anh trinh trắng quá ngay cả cái Sài Gòn ăn chơi tội lỗi này cũng không cám dỗ anh sa ngã được”[31].
Mặt khác, những người bạn thơ Hàn Mạc Tử cũng viết nhiều về những đề tài trụy lạc như Bích Khê trong Tinh huyết (Xác thịt, Người say rượu, Ăn mày), Hoàng Diệp trong các bài Người say, Phút trụy lạc, Thúc Tề trong Phù Dung nương:
“Đốt nữa đi, em hỡi, đốt nữa đi
Cho tim anh tan ra thành khói cả
Cho đêm nay suốt đời anh sẽ ngã
Gục bên đèn chết lặng trong mê ly”[32].
Hàn Mạc Tử đã có một cuộc đấu tranh để không bị cám dỗ, để tạo một khoảng cách với luồng thơ đồi trụy của thời đại. Trong thư gửi Trọng Miên, thi sĩ viết: “Trong khi làm thơ, Tử đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói “la passion est naturelle” nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy. Tình cảm hay cảm hứng (enthousiasme) với dục tình (passion) khác nhau nhiều lắm. Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không có một chút gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường, ngoài điều răn của Đức Chúa Trời” (Quan niệm thơ). Chúng ta có thể đồng ý với Nguyễn Bá Tín khi ông cho rằng thơ Hàn Mạc Tử là “sự chế ngự tài tình những dồn ép để rồi phát tiết ra những bài thơ cao đẹp”.
Thơ Hàn Mạc Tử là sự siêu thăng hoá nhưng ước mơ không được thỏa mãn. “Con người siêu thăng ấy là hành trình thơ anh từ Gái quê qua Đau thương, đến Xuân như ý, Thượng thanh khíCẩm châu duyên[33].
Đặng Tiến cũng có một nhận xét tương tự: “Theo Hoài Thanh - người may mắn hơn chúng ta, được đọc toàn bộ thi phẩm – thì Cẩm châu duyên, thi phẩm cuối cùng là “trong trẻo hơn cả”. Âu cũng là chuyện lạ. Gái quê, từ ban sơ, đã là một dòng suối rừng vẩn đục, rồi chảy qua một cuộc đời khổ ải, chuyên chở không biết bao nhiêu trần lụy, ấy mà dần dà lại gạn lọc hết phù trầm, để đổ ra đại dương bằng một dải Cẩm châu trong vắt. Thật là một đặc điểm trong thẩm mỹ thi ca” (Đức tin trong hồn thơ Hàn Mạc Tử). Có người cho rằng Hàn Mạc Tử là một “thi sĩ không có đến hai lần trong rừng thơ Việt Nam, trong rừng thơ quốc tế”[34].
Nhận xét này chỉ có thể đúng nếu xét ở góc độ Hàn Mạc Tử là một phong cách thơ đa dạng là hết sức độc đáo. Hàn Mạc Tử đã đi một con đường dài từ thơ Đường cổ điển chuyển nhanh sang lãng mạn, tượng trưng và đã chớm đến bờ siêu thực. Hàn Mạc Tử đã cố gắng tổng hợp vào bản thân mình những truyền thống văn học xưa và nay, dân gian và hiện đại, phương Đông và phương Tây, Thiên Chúa giáo, Phật giáo và cả Khổng giáo, Lão giáo. Người ta cũng nói nhiều đến một thứ ngôn ngữ có tính cách trưởng giả (noble), giàu âm nhạc, giàu hình ảnh trong thơ Hàn Mạc Tử, trong đó phải tính đến những ảnh hưởng của các điệu Nam Bằng, Nam Ai, kể cả nhạc điệu cung văn, đồng bóng. Người ta cũng tranh luận xung quanh nhiều “tổng hợp đề (synthèses) kỳ lạ và thú vị” về ngôn ngữ như các chữ “Phượng Trì”, “song lộc triều nguyên” trong bài thơ Ave Maria. Có thể có nhiều cách đánh giá khác nhau nhưng chắc chúng ta dễ dàng thống nhất khi khẳng định Hàn Mạc Tử là con chim đầu đàn của nhóm thơ Quy Nhơn, là một trong những ngọn cờ tiêu biểu của trào lưu văn học lãng mạn và tượng trưng thời kỳ 1930-1945. Không thể tách Hàn Mạc Tử còn có các nhà thơ lớn của trào lưu đó như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên v.v...
Thơ Hàn Mạc Tử có những bài vào loại tuyệt tác, nhưng cũng có những bài bình thường. Có một số bài Hàn Mạc Tử không muốn công bố rộng rãi. Chúng ta nên quan tâm đến lời Hàn Mạc Tử dặn Quách Tấn trước khi vào nhà thương Quy Hòa: “Tôi có lời nguyện rằng vào Quy Hòa, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ Điên. Nhưng nghĩ lại thơ đã lỡ làm ra rồi, dù có đốt đi cũng không xóa được tội lỗi, nên tôi không còn giữ ý định đó nữa. Tuy vậy cũng không nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình. Tôi sợ gia đình tôi không theo được ý muốn của tôi, nên tôi nhờ anh thâu hết các bản thảo của tôi đem vào Nha Trang cất giùm...
Tôi vào Quy Hòa, nhờ ơn Chúa, tôi mạnh được thì chẳng nói chi, bằng tôi có chết đi, thì tôi giao cho anh toàn quyền sử dụng. Bài nào nên cho hành thế, bài nào không, anh đã biết rõ”. Ta không thể biết được Hàn Mạc Tử định xóa bỏ những bài nào nhưng sự dè dặt, thận trọng của thi sĩ là cần thiết. Điều đáng nói không phải chỉ là những bài thơ nào bí hiểm, những bài thơ nào gắn với hiện tượng mê sảng và bệnh lý, gắn với chiêm bao và cái chết. Điều đáng nói là chúng ta “cảm ơn thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng” gửi đến cho chúng ta những bài “thơ sáng láng phương phi như một mùa Xuân như ý”.
Và chúng ta tin rằng hôm nay cũng như mai sau:
Thơ anh sẽ như trầm hương ngào ngạt
Tỏa lên cao lồng lộng giữa trời xanh.
(Duyên kỳ ngộ)
Hà Nội, 20-7-1993

Sửa chữa 1997

PHAN CỰ ĐỆ

 (Trích theo PCĐ-1, TT. 27-71)



[1] Võ Long Tê gọi là Xuân Thiêng (printemps sacré) theo nguyên bản chứ không phải là Xuân Thiên (ciel printainier).
[2] Võ Long Tê đã trực tiếp tham khảo bài thơ Hàn Mạc Tử tặng Hoàng Thị Kim Cúc – nhan đề là Sao, vàng, sao chứ không phải là Đừng cho lòng bay xa.
[3] Nguyên bản tiếng Pháp: “un univers qui est la version paienne du Paradis chrétien”
[4] Tuyển tập Hàn Mạc Tử, NXB Văn học 1987, tr. 26.
[5] Quách Tấn, Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mạc Tử. Tập san Niềm thương (Nha Trang), bộ mới, số 13-14, trang 23-32, năm 1969.
[6] Phan Xuân Sanh, Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam. Tạp chí Đại Học (Huế, số 9, tháng 5 năm 1959).
[7] Nguyên lý mỹ học Mác – Lênin, NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, phần I, tr. 220.
[8] Đây là nguyên văn thư của Phan Bội Châu, đầy đủ hơn và chính xác hơn so với tường thuật của Quách Tấn trong “Hàn Mạc Tử với thơ Đường luật” (Người mới, ngày 30-11-1940) hoặc so với trích bản trên báo Tin tức, số 24-11-1940 mà chúng tôi đã giới thiệu trên Nhân dân chủ nhật, số 24-3-1991.
[9] Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, NXB Tin, Paris, 1990, tr. 25.
[10] Hàn Mạc Tử anh tôi, tr. 35, 36
[11] Xem chú thích tr. 97.
[12] Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, tr. 14.
[13] Đỗ Lai Thúy, Hàn Mạc Tử: một hiện tượng độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam (Hợp lưu, số 5).
[14] Quách Tấn, Đôi điều sai lầm về Hàn Mạc Tử. Trả lời bài “Cuộc đời và thi nghiệp Hàn Mạc Tử của Đường Bá Bổn”, Văn hóa Á châu, số 20-21, năm 1960.
[15] Theo Võ Long Tê, “Khách sông Lam” là Mộng Cầm vì bố Mộng Cầm làm việc ở Vinh (Nghệ An).
[16] Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, tr. 75, tr. 25.
[17] Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, tr. 75, tr. 25.
[18] Thư của Hoàng Cúc gửi cho Quách Tấn, ngày 15-4-1941.
[19] Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, tr. 50.
[20] Thư của Hoàng Cúc gửi cho Quách Tấn, ngày 15-4-1941 (Trích Đôi nét về Hàn Mạc Tử).
[21] Võ Long Tê có lẽ cũng tin là có một tấm ảnh như thế khi dịch câu: “Áo em trắng quá nhìn không ra” thành “Ta robe trop blanche ne se révèle pas avec netteté sur cette photo” (L’expérience poétique et l’itinéraire spirituel de Hàn Mạc Tử, p. 611).
[22] Võ Long Tê dịch: Voici l’Infini, voici l’Éternel, volons-y ensemble! (Sách đã dẫn, tr. 645).
[23] Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, Thân thế và thi văn, in lần thứ ba, Tân Việt, 1957, tr. 119.
[24] Châu Hải Kỳ, Xin tỏ chút lòng để tạ lỗi xưa. Văn, số 179 (1-6-1971).
[25] Tuyển tập Hàn Mạc Tử. Lời giới thiệu của Chế Lan Viên, NXB Văn học 1987, tr. 17.
[26] Những kỷ niệm về Hàn Mạc Tử - Người Mới, số 23-11-1940.
[27] Hoàng Trọng Miên, Con người Chế Lan Viên, Văn học, Sài Gòn, số 1-8-1974.
[28] Thơ Hàn Mạc Tử, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 10.
[29] Thơ Hàn Mạc Tử, sđd, tr. 10.
[30] Thơ Hàn Mạc Tử, Sđd, tr. 35. Ở đây Chế Lan Viên muốn phê phán bài “Nỗi khắc khoải siêu hình trong thơ Hàn Mạc Tử” của Nguyễn Xuân Hoàng.
[31] Hoàng Trọng Miên. Những ngày sống chung với Hàn Mạc Tử ở Sài Gòn, Văn, số 73-74 (7-1-1967).
[32] Đông Dương, số 20-10-1938.
[33] Hàn Mạc Tử anh tôi, tr. 76-77.
[34] Đinh Hùng, Tựa “Mê hồn ca” Hà Nội, 1954.