II. Tình Mưa: Cây Dịu Nghiêng

vanthoconggiao.net
tiếp bài I
s2. CÂY DỊU NGHIÊNG CHO LÁ ĐỌNG HƠI THỞ


Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng Hơi Thở
Khí trời cao Thánh Khí của Tình trao
Khí thiêng liêng Nguồn Hương thắm dạt dào
Ươm lòng khiết thơm mùa yêu hoàn vũ

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa như thác lũ !
Gội câu đời tắm mát hồn biển khơi
Mưa vỡ toang đất thấm trọn Nước Trời
Say trìu mến nhịp thơ dâng chất ngất

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa là Sự Thật !
Gọi muôn vần gọi tình khúc yêu thương
Gõ vào tim gởi nhịp thánh miên trường
Hòa cung điệu cho vàng kinh rắc lối
A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
Khi cao trào của bài “Mưa rừng” được nhạc sĩ thốt lên từ lời hát đầy thất vọng “Ôi! Ta mong ước xa xôi”, cái mong ước vượt xa tầm với, cái mong ước không thể thực hiện, nên mới đành “những đêm mãi cô đơn” mà không biết trao cái tình mình cho ai “gửi tâm tư về đâu?”.
Ôi! ta mong ước xa xôi,
Những đêm mãi cô đơn
Gửi tâm tư về đâu?

Trong lúc đó, với ba khổ thơ đầu tiên, có vẻ như An Thiện Minh diễn tả cái “Tình Mưa” trong khía cạnh tình đời như nhạc sĩ Huỳnh Anh. Nhưng với ý và lời của ba khổ thơ giữa, tác giả đã không còn nói đến Tình Mưa trong tình người nữa mà nâng chúng ta lên “Tình Mưa” trong đời sống thiêng liêng, đời sống của ân sủng, đời sống của sự kết hiệp với Đấng là Tình Yêu.
Thuở ban đầu, từ khối đất vô tri vô giác, chẳng hơn gì một chiếc “”, Tình yêu của Thiên Chúa đã nghiêng mình xuống với con người “Cây dịu nghiêng” và ban cho con người sự sống thông qua Hơi Thở của Ngài “cho lá đọng Hơi Thở”. Sách Sáng Thế đã viết: “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2, 7).
Cây dịu nghiêng cho lá đọng Hơi Thở”
Nhưng phàm nhân mang căn tính đầy ‎yếu đuối và vấp phạm đã hướng đến sự dữ để chối bỏ Sự Sống thần linh, loại trừ Tình Yêu Ánh Sáng và khước từ Sự Sống đời đời, khiến nhân loại không còn cung bậc nào để vói tới nhịp rung Vĩnh Hằng, không còn hương thơm nào để ùa vào lòng Vĩnh Cửu.
Tội lỗi không phải là bước chân xâm phạm của một ý muốn vô thức cũng không là một trọng lực áp đặt và đè nặng lên trái tim con người. Nhưng tội lỗi và sự dữ là một vết thương khủng khiếp của Tình Yêu, là chính Sự Sống của Tình Yêu đã bị nhân loại từ chối, đã bị chặn lại vì sự tự do với lối của thế trần, đã bị lu mờ đi vì sự cao ngạo của cái nhìn hữu hạn.
Con người đã tự đánh mất phẩm giá và nhân vị cao cả - Sự Sống Thần Linh và khi càng trở nên bất xứng với chính mình, con người càng trở nên bất khả nhận thức nỗi thống khổ của mình. Con người không thể hiểu hết được mức độ hủy hoại khủng khiếp của tội lỗi đối với chính mình và vì thế con người mãi là chiếc lá bị ngắt ra khỏi cành, không còn đọng Hương Thiêng trời cao, không còn mọng Ánh Sương tinh khiết, để chỉ còn trơ trọi, héo tàn, mục nát và tan biến vào hư vô.
Vậy phải làm sao cho con người cảm thức được điều đớn đau đó, để thoát khỏi màn đêm sự dữ và vượt qua được bóng tối chính mình? Điều duy nhất cần phải có đó là sự bừng tỉnh. Tuy nhiên, sự bừng tỉnh này phải đến từ một Trái Tim tinh tuyền, vô tội và trọn hảo, một Trái Tim hoàn toàn hiến dâng hơi thở và nhịp rung cho Tình Yêu. Trái Tim càng thuần khiết bao nhiêu thì càng cảm thấu được nỗi thống khổ của tội lỗi bấy nhiêu. Chính Trái Tim ấy mới có thể tự đồng hóa mình với nhịp điệu bất toàn để đồng khổ với thân phận hữu hạn, để hòa cùng tiếng nấc nghẹn chông vênh của biển đời.
Chính Trái Tim ấy tự trở nên nạn nhân của nỗi thống khổ đó trong lòng nhân loại và vì nhân loại, để đền bù cho nỗi thất vọng của nhân loại. Trái Tim ấy lấy hết Tình Yêu của mình để làm vật đối trọng đầy thương mến và trong sáng hầu đem lại sự cân bằng cho con người, để kêu gọi và làm cho con người vươn lên, đạt tới sự bừng tỉnh trong tâm hồn, để từ đó biết nhìn ra Con Đường Sự Thật và chọn lấy Sự Thiện.
Vâng ! Phải là như thế và mãi là như thế ! Trái Tim ấy phải đến từ trời cao chứ không phải đất thấp. Trái Tim ấy nghiêng mình đồng hóa với nhân loại nhưng không bi tha hóa bởi tội lỗi nhân loại. Thật vậy, Thiên Chúa sẽ là nạn nhân của sự dữ trong chúng ta và vì chúng ta, môt khi chúng ta vẫn ngoan cố đi trong tội lỗi. Thiên Chúa trọn lành yêu chúng ta vì chúng ta, chứ không phải vì Ngài. Vì thế, Ngài đã nghiêng mình trao cho chúng ta Trái Tim của Ngài, một Quà Tặng cao quý nhất mà chỉ Tình Yêu mới làm được điều đó.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người
thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16)
Và đến lượt Trái Tim ấy, Con Một của Người, lại nghiêng mình xuống để trao cho chúng ta Hơi Thở Thần Linh chính là Tình Yêu của Thiên Chúa, khi Trái Tim ấy tự tình dâng trao đến giọt hồng cuối cùng để cho chúng được đầy tràn Thần Khí của Ngài.
“Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19, 30b)
 

 

Và Thần Khí đó lại nghiêng mình xuống để ở lại trong nhịp điệu bất toàn của chúng ta, để nâng trái tim chúng ta rung cùng nhịp với Tình Yêu, để cùng hòa điệu với Hơi Thở Vĩnh Hằng

“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5, 5)

Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em.(Rm 8, 8-9)

Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng Hơi Thở
Khí trời cao Thánh Khí của Tình trao
Khí thiêng liêng Nguồn Hương thắm dạt dào
Ươm lòng khiết thơm mùa yêu hoàn vũ.”
Trong khi sự bất tuân của Nguyên Tổ đã khiến những trái cây thơm hương, ngon ngọt trong vườn địa đàng trở thành trái cấm kiêu ngạo đầy vị kỷ, rời xa Thiên Chúa và sống cho riêng mình, thì sự vâng phục của Đức Giê-su đã biến những trái cây đau khổ, cay đắng nơi trần gian trở thành trái tim yêu thương đầy vị tha biết sống cho Thiên Chúa và tha nhân.
Vâng ! Quả là điều huyền nhiệm của trời đất ! Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Yêu của Thiên Chúa đã tuôn tràn hương thiêng cho nhân loại. Trái Tim của Thiên Chúa đã được hiến tặng cách nhưng không cho con người để làm dịu đi những phản kháng vô lối của chúng ta, đề làm mềm đi tính cao ngạo khô cứng của chúng ta, để từ đó làm nên sự đối trọng vĩ đại và vô tận của Ánh Sáng Sự Thiện và Tình Yêu cho mọi bóng đêm cuộc đời, để chúng ta bật dậy trong sự bừng tỉnh của lương tri vốn trào ra từ lòng quảng đại vô bờ bến của Thiên Chúa.
Vâng ! Quả là điều kỳ diệu của trời đất ! Mưa ! Mưa ! Mưa ! Sự Sống Tình Yêu đã được trao cho nhân loại. Cuộc sống thần thiêng đã được đặt vào tay mỗi con người để chúng ta chăm sóc, làm cho Sự Sống ấy lớn lên trong chúng ta, chiếu sáng xuyên qua chúng ta và hơn hết để truyền đạt Sự Sống ấy như một Hơi Thở vô tận cho tất cả những bước chân đặt trên đường đời của chúng ta và đó chính là Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng hơi thở”.
Chính vì thế, một lần nữa sự trung tín và tình yêu của Thiên Chúa đã đáp lại “Cái mong ước xa xôi” – cái mong ước được trở lại làm con Thiên Chúa của chúng ta. Ngài đã dùng cây thánh giá như là một phương tiện để hiến tế chính Con Một của mình.
Và “Cây Dịu - Nghiêng” là sự tự tình hiến dâng và sự khiêm hạ đến tột cùng của Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận thân phận làm người, vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết cho những tạo vật thấp hèn và mỏng dòn như chúng ta được cứu sống “cho lá đọng Hơi Thở”. Trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phao-lô đã viết rất rõ về điều này:
Ðức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Phil 2, 6-8)
Và nhà thơ đã thiêng cách hóa từ “Nguồn Thơm” để diễn tả sự tác động của “Hơi Thở”, của “Thánh Khí” là Thánh Thần Thiên Chúa được “Tình” của Thiên Chúa Cha trao ban qua Thiên Chúa Con để cứu chuộc loài người.

“Khí trời cao Thánh Khí của Tình trao
Khí thiêng liêng Nguồn Hương thắm dạt dào”
Đó là một cuộc sáng tạo mới vô cùng huyền nhiệm. Trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, con người trở nên một tạo vật mới, một tạo vật thánh khiết, một tạo vật được thần linh hóa để có thể kết hiệp với nhau và kết hiệp với Thiên Chúa là Đấng Thần Linh để con người được mãi mãi sống trong “Mùa yêu hoàn vũ ” một mùa yêu bất tận chứ không còn “Những đêm mãi cô đơn” không biết “Gửi tâm tư về đâu?”.
“Ươm lòng khiết thơm mùa yêu hoàn vũ”
Để diễn tả cái tình của “Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng Hơi Thở”, tác giả đã làm bật lên sức mạnh của “Hơi Thở” được trao ban khi viết:
“Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa như thác lũ !”.
Rõ ràng Mưa đã không còn là nỗi buồn không sao quên được mà nó đã trở thành niềm hoan lạc vô biên. Bởi vì đó là Mưa tình yêu, tình yêu nó mạnh mẽ lắm, nó hoán cải mọi sự, nó tha thứ mọi lỗi lầm; nó quên đi những vấp phạm “Tình Mưa như thác lũ”. Nó làm cho con người phấn chấn hơn, tin tưởng hơn, hy vọng hơn, yêu cuộc sống hơn “Gội câu đời tắm mát hồn biển khơi”. Nó làm cho tâm hồn con người bật mở biết khiêm tốn để đón nhận, biết bao dung để cho đi “Mưa vỡ toang đất thấm trọn Nước Trời”. Và ai đang yêu và đang được yêu sẽ cảm nhận sâu sắc cái say của tình yêu “Say trìu mến nhịp thơ dâng chất ngất”.
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa như thác lũ !
Gội câu đời tắm mát hồn biển khơi
Mưa vỡ toang đất thấm trọn Nước Trời
Say trìu mến nhịp thơ dâng chất ngất.


Nếu “Tình Mưa” không như thác lũ thì làm sao có đủ sức hoán cải người phụ nữ tội lỗi tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Một Tình Yêu luôn sẵn sàng tha thứ mọi vấp phạm, một Tình yêu nâng con người yếu đuối đứng lên một cách can đảm, không còn những hổ thẹn ngăn trở, không còn những mặc cảm dày vò, không còn tiếng khen chê cản bước… để chỉ còn biết yêu, để chỉ còn biết ôm, để chỉ còn biết hôn chân người mình yêu giữa bao ánh mắt soi mói dòm ngó, giữa những cái bĩu môi khinh bỉ, giữa những tiếng xầm xì chê bai.
Đọc trình thuật người phụ nữ tội lỗi được tha thứ vì đã yêu mến Chúa nhiều của Thánh Luca chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của “Tình Mưa như thác lũ”.
Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. (38) Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.(Lc 7, 37-38)
(44) Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. (45) Ông đã chẳng hôn chào tôi được một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. (46) Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. (47) Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít".(Lc 7, 44-47)
 

Để có thể lắng đọng và hiểu rõ ý thơ hơn, tôi xin mạn phép tác giả thay từ “Mưa” bằng từ “Yêu” thì chúng ta sẽ bật mở được nội dung của khổ thơ này.
Yêu ! Yêu ! Yêu ! Tình Yêu như thác lũ !
Gội câu đời tắm mát hồn biển khơi
Yêu vỡ toang đất thấm trọn Nước Trời
Say trìu mến nhịp thơ dâng chất ngất.
Và một khi “lá đọng Hơi Thở” thì “” mới hiểu được rằng “Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa là Sự Thật !”. Cái “Sự Thật” của Tình Mưa phải chăng muốn nói đến “Tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc” và “Công lý ‎của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn, quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm” để con người thấy rằng “Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng”. Bởi vì không có ánh sáng của Ngài làm sao chúng ta biết nhận ra đâu là Sự Thật của Tình Yêu.
Thánh vịnh 36 (Tv 36, 6-10) đã viết lên điều đó:

Lạy CHÚA, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
lòng thành tín vượt ngàn mây biếc.

Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,
quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.
Lạy CHÚA, Ngài tế độ con người và súc vật.

Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao!
Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.

Họ được no say yến tiệc nhà Ngài,
nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê.

Ngài quả là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

Với tội lỗi rõ ràng là “Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn, quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm” thì chúng ta không thể nào thoát khỏi án phạt đời đời. Nhưng điều huyền nhiệm của Thiên Chúa Tình Yêu chính là ở chỗ “Tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc”. Cái Sự Thật không thể chối cải của Tình Yêu chính là không để cho tình yêu bị đau khổ, bị bỏ rơi, bị hư mất mà phải tìm đủ mọi phương cách để tìm về, để cứu thoát và đem lại hạnh phúc.
Đọc dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa theo Tin mừng Thánh Luca chúng ta sẽ cảm được Sự Thật của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
(4) "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. (Lc 15, 4-7)

Vâng ! Chính Tình Mưa đã tuôn đổ đầy tràn trên trái tim khô cứng của nhân loại, chính Tình mưa đã gột rửa từng câu đời mờ bụi của nhân gian. Mưa gọi tiếng gọi thao thức đợi chờ ! Mưa gõ nhịp gõ miên trường thánh thiêng ! Để những cung đời còn khuất lấp câu chữ, những hạt mầm còn vùi sâu đêm tối được bừng tỉnh đón Mưa, hái Mưa và ngậm Mưa thật sâu trong tâm hồn, cho tất cả bật mở ngày Mưa Sự Thật tràn về níu kéo, cho sủng lộc trời cao rung lên tình khúc miền hồng ân.
“Ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5, 15)
Chính vì Sự Thật đó, nét tài hoa của nhà thơ An Thiện Minh càng được bộc phát khi phóng bút viết lên một cảm nghiệm thật tuyệt vời trong niềm vui tri ân đầy hoan lạc.
Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa là Sự Thật !
Gọi muôn vần gọi tình khúc yêu thương
Gõ vào tim gởi nhịp thánh miên trường
Hòa cung điệu cho vàng kinh rắc lối.”
Dẫu rằng trong thực tế đời sống thường ngày, chúng ta gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống, những va vấp trong ứng xử, những hiểu lầm khi cộng tác, những đố kỵ lúc nhận lãnh, cả những nghi ngờ khi trao ban... Đến nỗi có thể thốt lên
Trái tim tôi chưa bao giờ ngừng đập vì yêu
Sao hôm nay bỗng chậm đi rất nhiều
Nó rời rạc khẽ khàng như xa vắng
Hay là nó thiếu...một tình yêu?

Nhưng khi biết kết hiệp với “Cây Dịu Nghiêng” chúng ta sẽ biết sống bao dung hơn, biết sống tha thứ hơn, biết sống trao ban hơn dẫu cho cuộc đời đầy những khắc nghiệt, để cho những chiếc lá đang trôi nổi quanh chúng ta cũng“đọng Hơi Thở”của tình yêu Chúa. Bởi vì thánh giá đã trở thành phương cách để chúng ta thể hiện tình yêu cho nhau.
Không không không...trái tim tôi phải đập vì yêu
Dù đời khắc nghiệt biết bao nhiêu
Tình mãi bao dung luôn thương xót
Trái tim tôi đầy ắp một tình yêu.

Và một khi đã thực sự “Dịu nghiêng” chúng con mới có thể cúi mình xuống xoa dịu những con người đau khổ, an ủi những tâm hồn cô đơn, gần gũi những lòng dạ hận thù, hòa nhã những con người ngạo mạn, khích lệ những tâm hồn yếu đuối, chăm sóc những thân xác mỏng dòn, nâng đỡ những ai đang lao nhọc…
 
Và đang khi “Dịu nghiêng” đó:

“Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con
Khỏi thèm khát được yêu thương,
Khỏi thèm khát được ca ngợi,
Khỏi thèm khát được vinh danh,
Khỏi thèm khát được chúc tụng,
Khỏi thèm khát được quí trọng,
Khỏi thèm khát được hỏi ý kiến,
Khỏi thèm khát được thỏa thuận,
Khỏi thèm khát được nổi tiếng,
Khỏi sợ hãi bị lăng nhục,
Khỏi sợ hãi bị khinh miệt,
Khỏi sợ hãi bị đau khổ vì khiển trách,
Khỏi sợ hãi bị vu oan,
Khỏi sợ hãi bị quên lãng,
Khỏi sợ hãi bị sai lầm,
Khỏi sợ hãi bị nhạo cười,
Khỏi sợ hãi bị chất vấn.”
Để con đừng bao giờ tự hào về việc “Con đã làm bao nhiêu điều tốt trong cuộc sống?” nhưng phải thành thật trả lời khi được Ngài hỏi: “Con đã đặt bao nhiêu tình yêu vào những gì con làm?”
 

Và đời con sẽ luôn là một khúc trường ca

A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !