Tin Lành của Mẹ

HKN
Mã số: 17-080
 
 
Trời trở gió…
Ông Thuấn quỳ sụp trước lèn Đức Mẹ nức nở: “Lạy Mẹ, con đã làm gì sai, xin Mẹ hãy chỉ cho con, vì sao như vậy, tại sao lại như vậy…”. Gió rít lên từng hồi như muốn đánh tan lời ông. Mọi khi ông vẫn thường đứng cầu nguyện, lúc mệt mỏi thì ngồi xuống ghế đá, đây là lần đầu tiên ông quỳ dưới chân Mẹ, ông không thể đứng nổi hay đang ân hận về những việc mình đã làm, ông cũng không biết nữa. Đầu óc ông quay cuồng như chiếc lá rụng vào gió xoáy. Tháng tháng ngày ngày như thước phim quay chậm đang giày vò tâm trí ông…
***

Ông Thuấn vốn là thầy thuốc cứu người. Ấy thế nhưng “dao sắc chẳng gọt được chuôi”. Bao năm chữa vô sinh cho người ta, vậy mà gần năm mươi tuổi đầu ông chưa có được mụn con. Phần vì ráng tìm vợ người Công giáo, phần vì ông hơi “nghệ sĩ”, muốn tìm người có “tâm hồn đồng điệu” nên bị “quá lứa lỡ thì”. Cũng may ngoài bốn mươi thì gặp bà Thuấn - cô giáo làng bên, lúc bấy giờ là “con bệnh” của ông, bệnh viện đã trả về, nghe tiếng ông sang cắt thuốc cầu may. Đến khám gặp lúc ông đang châm cứu cho người ta, cô giở một cuốn tiểu thuyết dày cộp ra đọc và lập tức thu hút ánh nhìn của ông. Để làm quen, ông đề nghị “đổi sách lấy thuốc” nhưng cô không chịu, chỉ cho mượn thôi. Lâu dần hai người “dính với nhau như sam” thành vợ chồng, ai cũng cười: “Cái anh Thuấn này may, tự dưng lấy được vợ trẻ lại có học”, chỉ ông biết bệnh thận của bà Thuấn không dễ chữa, việc có con lại càng khó.
Không biết cuộc sống “đều đều” của ông Thuấn sẽ trôi về đâu nếu không có phong trào “xây lèn Đức Mẹ” nổi lên khắp giáo phận. Giáo xứ của ông chẳng giàu có gì nhưng cũng cố gắng gom góp tiền để xây, “vay nợ cũng phải xây cho xong”, Cha Xứ bảo vậy. Ông Thuấn dù không dư giả cũng đóng góp tiền công khám chữa bệnh một tháng. Ai ngờ lèn Đức Mẹ lại thiêng đến thế, bao người đến xin đều được thành thử tiếng vang khắp huyện, khắp tỉnh, người ta về cầu Mẹ, đã tài trợ cho xứ rất nhiều tiền, dư để trả nợ, còn xây khuôn viên vườn hoa và đặt cả hàng ghế đá cầu nguyện nữa. Phải biết là những năm đầu thập niên chín mươi thế kỷ trước, ghế đá là một mặt hàng “xa xỉ” nhé. Vậy mà trước lèn Đức Mẹ xứ ông có hẳn hai hàng ghế đá, mỗi bên năm chiếc, đúng chẵn chục cũng đủ biết công đức người ta đóng góp nhiều đến thế nào. Nhưng cũng rất kỳ lạ là sau khi công trình xây xong đẹp đẽ thì, nói hỗn phép, Mẹ “mất thiêng”, người ta xin không có được nữa. Lèn Đức Mẹ vì thế vắng vẻ hẳn, chỉ còn giáo dân trong xứ vẫn cầu nguyện với Mẹ hàng ngày thôi. Người trong xứ nửa đùa nửa thật: “Mẹ cho thế là đủ rồi, xây xong hết thì Mẹ còn sang giúp các nơi khác nữa chứ, Mẹ ở Fatima có mấy ngày mà ở xứ mình hơn nửa năm rồi còn đòi gì nữa”. Ông Thuấn không nghĩ thế, Mẹ thương thì Mẹ còn quay lại, “cứ xin thì sẽ được” (*). Và cứ thế, dù trời ráo hay mưa, dù đêm giông hay gió, ông đều dâng Mẹ “năm chục” mỗi ngày…
Thế rồi năm năm sau ngày cưới, hai năm kể từ ngày xây xong lèn Đức Mẹ thì bà Thuấn bất ngờ có thai, cái thai lại rất khỏe, sinh bé gái bụ bẫm xong bệnh tình bà còn thuyên giảm nữa mới hay. Ông bà đặt tên con bé là Maria Hảo, cho dù ba đời nhà bà Thuấn đều đặt tên thánh con gái là Têrêsa - vị Thánh nữ thành Avila nổi tiếng. Con bé Hảo lớn lên khỏe mạnh thông minh nhưng cũng rất nghịch ngợm tinh quái làm ông khá vất vả vì mẹ nó yếu không trông nổi, dạy nó học càng khó, “phu bất phụ giáo” mà. Đến năm nó mười tám tuổi thi đỗ đại học danh tiếng ở Hà Nội, ông tự hào lắm song cũng vô cùng lo sợ nó ở thủ đô một thân một mình dễ hư thân mất nết. Nhưng mọi lo lắng của ông chỉ là thừa, đúng như cái tên của nó, con bé thậm chí còn mang về tấm “bằng đỏ” làm hai lỗ mũi của ông phỗng ra, chắc hai chiếc xe tăng cũng chui lọt. Hôm nó “vinh quy bái tổ”, ông sung sướng “nhâm nhi” hết nửa chai rượu thuốc lâu năm, tay vân vê chòm râu, vừa cười vừa hỏi:
- Con gái rượu có tính đi làm chỗ ông Q. không, hay là có chỗ ở “Hà Lội” rồi. Thôi cứ về công ty ông Q. cho gần nhà. Bố nói với ông Q. rồi đấy, làm giỏi thì gả luôn cho thằng Tân, hề hề… Xem xem bạn bè bố có cháu chắt cả rồi đấy! Bố cũng muốn có cháu bế rồi! Nhanh nhanh đi, bạn bè con lấy chồng hết cả rồi còn gì, đừng làm ông bố già này phải mang tiếng nuôi “gái ế” trong nhà, hề hề…
Không ngờ con bé Hảo không cười, nó nghiêm mặt lại, giọng lí nhí:
- Con không… Dạ… con không…
- Không cái gì mà không, mày không cái gì?
- Dạ con không, con không…
- Lắp bắp cái gì, nói nhanh lên nào!
- Dạ, con không lấy chồng ạ, con tính đi Xơ (Soeur)
- Hả…
Ông giật bắn mình đứng dậy, chén rượu tuột khỏi tay vỡ tan. Bà Thuấn vội vội vàng vàng đi nhặt mảnh chén, sợ ông giẫm phải. Nhưng có lẽ là không cần thiết bởi ông gần như chết đứng tại chỗ, mặt đỏ gay đỏ gắt, đuôi mắt giật giật, miệng mấp máy không thành lời, một lúc sau mới bật thành tiếng, nửa tức giận nửa thất vọng:
- Tao…tao…tao nuôi mày chừng này tuổi rồi để mày không nghe lời tao hả?
Thấy ông giơ tay lên, con bé đã nhanh nhẹn lùi lại né, nhưng nó vẫn nghiêm nghị:
- Bố, bố đã bao giờ bảo con phải lấy chồng đâu? Bố bảo con phải ngoan, phải học giỏi, phải sống theo gương thánh Quan Thầy. Giờ con mà đi Xơ được thì cũng đồng trinh theo gương Đức Mẹ, sao bảo con không nghe lời ạ?!
- Mày, mày…
Khuôn mặt ông trở nên méo xệch, dù cố gắng hết sức để thể hiện cái uy quyền của người cha nhưng ông đã không thể đứng vững, lồng ngực như vỡ tung, bầu trởi chao đảo trước mắt, chỉ lờ mờ nghe mấy tiếng la thất thanh “ông ơi, ông ơi”, “bố, bố, con sai rồi…” trước khi khuỵu xuống…
- Lúc bố ngất đi con hoảng quá nên mới nói “con sai rồi” chứ không phải đâu, con vẫn muốn đi Xơ, muốn đem Tin Mừng đi khắp muôn nơi…
- Mày ra ngay cho tao, ra ngay khỏi phòng cho tao…
Phòng bệnh nhốn nháo bởi tiếng gầm của ông, tay ôm ngực, ông lại gục xuống lần nữa. Mọi người kéo Hảo ra ngoài trước sự bực dọc của mấy vị bác sỹ, y tá: “Đã bảo không được để ổng xúc động rồi mà”.
Ông xuất viện, con bé Hảo không đến đón, mọi người bảo nó quay lại Hà Nội đi làm, nó tránh mặt vì sợ ông lại “tăng xông” nhưng ông thừa biết nó tự bắt xe vào Tu Viện rồi, mọi người “thì thầm” gì mà to đến cả làng còn nghe thấy, ông đâu có điếc. Người ta đâu hiểu nỗi lòng của người cha già có đứa con độc nhất đâu, đó là chưa kể việc đã nhỡ hứa gả nó làm con dâu ông bạn đồng niên rồi. Họ xầm xì bàn tán, nào là “cái ông Thuấn này kỳ quá, người ta mơ có con đi tu còn không được, đằng này con nó quyết chí đi tu, nó lại vừa ngoan vừa giỏi vầy thì sẽ đạt, lúc đó làm ông Cụ, bà Cố chả vinh hiển à”, nào là “con giai còn bảo nối dõi tông đường gì gì đó chớ con gái thì đi tu chả tốt à, mấy đứa con gái nhà tôi mà muốn đi tu là tôi cho đi tất… làm ông thêm phần bực bội, lòng ngổn ngang trăm mối, tự vấn quẩn quanh không biết mình đúng hay sai. Ông chỉ xuôi xuôi khi bà Thuấn nhỏ nhẹ: “Thôi thì nó là con của Đức Mẹ, giờ nó đi tu là coi như nó về với Mẹ rồi ông”. “Nhưng lúc tôi xin Mẹ, tôi xin được con cháu đầy đàn như sao trên trời, khi nó lớn ngày nào tôi cũng xin có thật nhiều cháu ngoại mà…”, ông cố vớt vát, nửa như oán trách Mẹ vậy.
***
Năm đầu nghe nói con bé Hảo đi giúp xứ lên tận Tây Nguyên xa xôi, ông lo lắm. Nhưng trộm nghĩ Hà Nội đầy bụi bặm cám dỗ còn chẳng làm hư được nó huống là Tây Nguyên trong lành, con người chân chất. Con bé Hảo chỉ dám gọi điện cho mẹ. Biết vậy, ông nửa kín nửa hở nhắn gửi là ông đã chấp thuận việc nó đi tu rồi và đang cầu nguyện cho nó bền đỗ. Vậy mà qua gần một năm nó mới dám nói chuyện với ông, nhưng cuộc nói chuyện đầu tiên sau chừng ấy thời gian lại bắt đầu bằng cuộc tranh luận mới.
- Thì người Tin lành cũng tốt mà bố. Con lên đây gặp nhiều người theo đạo Tin lành lắm. Con cũng được biết đến các Mục sư, họ giảng dạy rất là hay, rất là thuyết phục. Người theo đạo Tin lành cũng thường xuyên làm thiện nguyện. Vậy nên ở trên này người ta theo đạo Tin lành chẳng kém đạo Công giáo đâu bố. Con thấy phải học hỏi cách truyền giáo của người ta nhiều, bố ạ.
- Bố bảo không là không. Con có nghe bố không, đừng có qua lại với dân Tin lành ấy. Họ không tin Đức Mẹ đồng trinh, không tin các phép Bí tích, tiếp xúc với họ nhiều là lạc giáo đó, nghe chưa…
- Dạ, có lẽ bố nhầm một chút rồi ạ, Tin lành cũng có nhiều hệ phái mà bố. Ví như phái Lutheran cũng tin một Chúa Ba Ngôi, tin Ngôi Lời nhập thể, tin có sự sống đời sau, tin xác loài người sống lại trong ngày sau hết như mình. Đây cũng là phái có rất nhiều nét tương đồng với Công giáo và khả năng Hiệp nhất hàng đầu đó bố. Sự chia tách năm xưa chỉ là tai nạn thôi ạ. Cũng là do hoàn cảnh lịch sử, thời đại nữa. Với cả những người theo đạo Tin lành ở đây cũng giúp đỡ con nhiều. Qua lại với họ có gì không tốt đâu ạ.
- Tao lại chả là bố mày à. Mày còn trẻ người non dạ lắm con ơi, khéo mà mày bị người Tin lành dụ dỗ rồi. Tao nói lần cuối nhé, không qua lại với người Tin lành, không đọc sách về cái ông Luther lạc giáo ấy nghe chưa!
- Nhưng bố ơi - Giọng con bé Hảo yếu ớt - Sr bề trên bảo con có năng khiếu viết văn, lên trên này nhớ tìm hiểu và viết bài luận về đạo Tin lành đó bố…
Tắt máy, ông Thuấn ngồi thừ ra. Bé đến giờ ông mới nghe chuyện người Công giáo đi tìm hiểu đạo Tin lành. Nghĩ sao Sr bề trên lại giao nhiệm vụ khó khăn đó cho con bé chứ. Cho dù nó đã hai mươi ba tuổi, đã tốt nghiệp đại học thì nó cũng chỉ mới dự tu năm nhất mà thôi. Hồi bằng tuổi nó ông còn bị cấm đọc sách về cái ông Luther lầm lạc ấy (mặc dù lúc đó làm gì có mà đọc). Trong tâm thức của ông, lời các Mục sư Tin lành mật ngọt lắm, nghe mấy ông Mục sư nói là bị thuyết phục hết, rồi lầm lạc đi theo Tin lành hết. Không được. Ba bốn đêm ông nằm vật ngược vật xuôi không chợp mắt. Bà Thuấn thấy vậy rỉ tai ông:
- Tôi biết ông lo lắm. Vậy ông cứ vào Tu Viện xin nó về xuôi đi. Nói thế chứ tôi cũng không yên tâm…
- Bà không yên tâm là sao?
- Tôi nghe con bé kể chuyện trên đó mà phát hoảng. Nó kể, nó tìm gặp người theo đạo Tin lành để có vốn viết bài luận. Họ đón tiếp nó nồng hậu lắm. Ban đầu tưởng nó là người Ngoại nên họ chỉ dẫn nó đủ thứ, còn tặng luôn sách kinh, sách bổn, sách thánh ca, đĩa CD… Sau nghe nó nói là người Công giáo, họ không hề lạnh nhạt hay kỳ thị, thậm chí tỏ vẻ vui mừng hơn, bảo “Cũng là con một Cha trên trời thôi hà”. Khi biết nó đi thiện nguyện, họ ủng hộ nhiệt tình, còn nhờ nó chỉ thêm các nơi đang gặp khó khăn để đến giúp. Nó có vẻ khâm phục lối truyền giáo của người Tin lành lắm. Nó cũng mến phục phương thức cầu nguyện rất sốt sắng nữa, chỉ cần hai ba người đồng đạo là họ cầu nguyện theo nhóm ngay, lời cầu nguyện rất tha thiết, là lời khóc lóc kêu van thật lòng ấy. Vậy nên các Hội đoàn Tin lành có thể hoạt động và mở rộng ở những nơi xa xôi hẻo lánh dù không có nhà thờ, không người chủ sự. Người Tin lành cũng rất chịu khó tìm tòi, giáo lý của họ vững lắm nhé. Hôm trước nó có tranh luận với một người bên Tin lành. Nó cho rằng việc “cách tân” để người tu hành như Mục sư được phép lấy vợ là sai trái, làm mất tính thiêng liêng của Chức Thánh, khiến cho người truyền giáo không giữ đức khiết tịnh, khó lòng chuyên tâm, thế là họ phản biện ngay: “Chả phải nhiều vị trong Nhóm Mười Hai cũng có vợ con đó sao, sau khi Chúa về Trời, các Tông đồ cũng về sinh sống với gia đình song hành với việc truyền giáo đó thôi, chưa kể là ở bên Công giáo thì Linh mục dòng khấn trọn đời, còn Linh mục triều có khấn đâu, hà cớ gì buộc người ta không được lấy vợ, sinh con để mở rộng Nước Chúa là sao”. Nó đuối lý đành phải thoái thác “để con xem lại vấn đề này rồi tranh luận sau”…
- Đó bà thấy chưa, tôi đã bảo rồi, họ giỏi “dụ” lắm!
- Ông còn nhớ hôm trước Cha Xứ có giảng về sự gia tăng mạnh mẽ của đạo Công giáo ở Hàn Quốc là điều chúng ta cần học hỏi không? Mấy hôm nay tôi xem thêm trên mạng Internet mới biết, tuy đạo Công giáo gia tăng mạnh tại Hàn Quốc nhiều năm qua nhưng số lượng giáo dân chỉ bằng phân nửa Tin lành thôi, ở bên đó Tin lành phổ biến hơn và cũng có giai đoạn gia tăng thần kỳ không kém. Vậy ắt là Tin lành phải có sức hấp dẫn lớn lắm chứ ông. Đồng ý là đâu đó có một số cách thức trái luật “dụ” người ta, một vài nơi bài xích phong tục tập quán và truyền thống của địa phương, nhưng những điều con bé kể thì có phản giáo gì đâu. Với cả xét cho cùng, “ta” với “họ” cũng “cùng một Đức Tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha”. Tin lành hay Chính thống đều là một phần chưa hoàn hảo của Chân Lý mà thôi…
- Hừ, bà cũng đọc cả mấy tin đó hả, chết thật, coi chừng bà lạc giáo trước nó ấy…
Ông Thuấn lom lom nhìn bà từ phía trên kính.
- Ông đừng có nói bậy, tôi thấy thế tôi mới càng lo, ông còn không mau mau thu xếp vào Tu Viện đi.
- Bà đang ốm thế này…
- Tôi bảo con bé T. nó sang ngủ cùng, lo gì.
- Con bé liệt đó hả, bà còn chưa phải chăm nó nữa là nó chăm bà.
- Ôi dào, nó đi xe lăn tự lo được, với cả còn cái này nữa - Bà Thuấn vừa nói vừa đập đập tay vào chiếc điện thoại di động - ông cứ yên tâm đi đi, nhanh còn kịp.
Nghe vậy ông Thuấn vội khăn đùm khăn gói định vào Tu Viện thì được tin con bé Hảo đã về xuôi, kết thúc việc đi xứ ở Tây Nguyên. May quá, vậy là yên tâm rồi.
***
Gần tết, ông nhận được một món quà nửa thích nửa không: bằng khen “Giải Nhì cuộc thi tìm hiểu về đạo Tin lành toàn Giáo Tỉnh” của con bé Hảo, là giải thưởng chính cái bài luận đó. Nó lấy địa chỉ nhà, được giải không có điều kiện đến nhận nên Ban tổ chức người ta gởi về theo địa chỉ đăng ký dự thi. Mặc dù không thích cuộc thi này nhưng khi bà Thuấn treo cái bằng khen lên giữa phòng khám ai ai cũng tấm tắc khen, ông đi ngoài đường có bao người níu lại hỏi thăm với giọng đầy cảm phục, ngưỡng mộ làm hai lỗ mũi của ông lại phỗng to như năm ngoái. Phần tiền thưởng thì ông kính Đức Mẹ hết, nó là con của Đức Mẹ mà, với cả giờ vô nhà dòng rồi cũng chẳng cần tiền làm gì…
Tin vui nối tiếp tin vui: con bé Hảo được về thăm nhà. Ông ra tận bến xe đón thì ngỡ ngàng khi nó dẫn theo một anh thanh niên có dáng vẻ thâm trầm khó đoán. Thấy ông “soi” thật kỹ anh chàng như muốn hỏi “ai đây”. Con bé vội giới thiệu: “Đây là bạn con ở Chủng viện, ảnh nghe tiếng Lèn Đức Mẹ xứ mình nên về hành hương bố ạ”.
“À, ra là đi nhà thầy, vậy cũng tốt”. Ông mỉm cười đầy thân thiện, kính trọng, càng yêu mến, cảm phục cách nói chuyện có vẻ nghiêm nghị kiểu thầy tu, sự hiểu biết về Đạo Chúa rất sâu sắc của chàng trai. Ông vui lắm. Nhưng không hiểu sao ông vẫn dự cảm có điều gì đó chẳng lành. Ông cứ ngờ ngợ, hình như đã gặp người này đâu đó, cái phong cách này quen quen hay giống ai đó mà ông đã từng được nghe kể. Nhất là khi ông phản đối gay gắt về việc con bé Hảo tỏ vẻ bênh vực đạo Tin lành, “thầy” thủng thẳng dàn hòa chỉ bằng một câu nói lấp lửng nhưng đủ làm ông không thể phán kháng: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương,…” (**).
“Thầy” ở chơi hai ngày rồi cùng Hảo trở vào Nam. Lúc đó bà Thuấn mới cho ông hay “thầy” thực ra là Mục sư mà Hảo gặp lúc đi giúp xứ và ít nữa “hai đứa” sẽ cùng nhau quay lại Tây Nguyên tiếp tục truyền giáo, biết ông không bao giờ chấp thuận nên “chúng nó” chỉ dám báo với bà trước thôi, lúc đó ông mới ngớ người ra. Vậy là không dưới một lần con bé Hảo đâm thâu trái tim ông, nhưng lần này thực sự là “đòn chí mạng” làm ông á khẩu luôn. Không thể tin một con bé có ăn có học đàng hoàng, tuổi tác cũng không còn nhỏ, giáo lý “thuộc cả bìa”, đã bước nửa bước chân vào Nhà Dòng lại có thể từ bỏ Giáo Hội, bỏ cả cha mẹ như vậy. Đã thế còn được mẹ nó bao che, cổ xúy nữa chứ!? Phản! Phản hết cả rồi! Ông nhăn nhó, chỉ tay vào mặt bà, khóe miệng giật giật rồi gục xuống…
***
Đêm dần về khuya, gió dịu lại, ông Thuấn mệt mỏi thiếp đi, bỗng một cánh tay mềm mại đặt lên vai ông, “Tất cả những điều ông mong muốn đều trở thành hiện thực, ông còn đòi hỏi trách cứ gì nữa?”. Ông giật mình quay lại. Một luồng sáng chói lòa khiến ông hoa mắt chóng mặt ngã sấp xuống, thoảng trong gió có tiếng nói dịu dàng:“Cảm ơn ông đã nhớ đến ta mỗi ngày bằng Chuỗi Mân Côi, cầu nguyện cho nhân loại biết hoán cải, trở về với Chúa. Nhưng ông biết đấy, Người Kitô hữu không chỉ là Vương đế và Tư tế, còn phải là Ngôn sứ nữa! Ông đã hướng con bé sống chức vụ Vương đế và Tư tế, còn chức vụ Ngôn sứ, hãy để nó thực thi theo cách riêng của mình…”
Trong ánh sáng mờ dần rồi tắt hẳn, ông Thuấn ngây người ra khi thấy cảnh Núi rừng rộng lớn và hàng ngàn tín hữu đa sắc tộc Tây Nguyên đang được ôm trọn trong vòng tay bé Hảo, con gái ông…
---------------------------------------------------------------------------------------
(*) Trích Kinh Thánh Tân Ước.
(**) Trích Ca dao.