Người tốt

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16-047
Giuse Lê Ngọc Thành Vinh, 1980, tgp Hà Nội.
(Giải triển vọng, VVĐT 2016)

- Thủy ơi, cuối buổi rảnh không đi café chị có chuyện nhờ em.
- Không được chị ơi, hôm nay em phải đón con, mai được không ạ? Hay có chuyện gì chị nói luôn cũng được, café làm gì mất thời gian chị.
- Không được đâu, việc hệ trọng, à mà thôi cuối tuần vợ chồng chị đến nhà gặp ông xã em luôn vậy.
Có chuyện gì trọng đại thế nhỉ, Thủy đoán già đoán non mãi không ra. Thôi cứ để cuối tuần xem sao…
*
* *
Thủy gặp Chị lần đầu ở Ký túc xá những năm chín mươi thế kỷ trước. Chị học cùng khóa nhưng hơn Thủy một tuổi, người Hà Nội, nhà cách trường có mười lăm cây số nhưng chị ngại đi nên vào Ký túc “ở cho nó lành” - là chị nói thế. Hôm đầu ăn cơm Ký túc, chị xơi hết thức ăn ở phần trên tô cơm rồi ngớ người ra, Thủy phải “chia” cho chị miếng đậu hũ rán và mấy hạt lạc rang muối để chị “có cái ăn với cơm”, ai cũng cười bảo chị “con nhà lành”, đánh bạn với Thủy thành “cặp đôi hoàn hảo” luôn. Hai chị em cứ thế, “con chấy cắn đôi” đến ngày ra trường. Ngày chia tay hai đứa khóc sướt mướt. Hồi đó đâu có điện thoại di động như bây giờ, mạng internet cũng chưa phát triển, nhớ nhau lắm chỉ viết thư tay mà cũng mất cả tuần thư mới đến nơi. Thủy về quê xin việc mãi không được vì nhà nghèo lại không quen biết “người trên”, chán nản phải quay lại Hà Nội vì “dù sao cũng có tổ chức thi tuyển” chứ không chỉ đơn thuần “xin xỏ” như ở quê. Công việc chẳng đâu vào đâu nhưng chí ít cũng không phải “cầu cứu” bố mẹ, có việc thì đủ ăn, còn đâu để dành “trụ lại Hà Nội” khi bị sa thải. Làm cái nghề kế toán này thật khó, Thủy thẳng thắn trung thực lại là người Công giáo nên lắm lúc không chịu ghi sai ghi lệch theo ý sếp, vậy nên chẳng trụ được chỗ nào lâu. Cuộc sống vật vờ nơi đô thành chỉ thay đổi khi vào một ngày đẹp trời, Thủy bỗng nhận được cuộc gọi đến nhà trọ. Là Chị. “Ê Thủy hâm, mày mang hồ sơ lên chỗ tao rồi sáng thứ hai đi làm, gặp nhau nói chuyện luôn”. Cú điện thoại nửa phút nghe như đùa đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô.
Thì ra chị là “con nhà có điều kiện”. Tốt nghiệp xong về làm ở công ty bố là Giám đốc, chỉ vài năm chị thăng chức Kế toán trưởng luôn. Thảo nào chị có thể quyết một câu xanh rờn “mang hồ sơ lên chỗ tao rồi sáng thứ hai đi làm”. Vừa gặp lại, chị bảo Thủy luôn:
- Mày biết nguyên tắc “hai sổ” rồi đấy, cái tính ương gàn của mày chỉ phụ trách được cái “sổ một” thôi, làm cho thật tốt, đừng để ý cái sổ kia làm gì, việc đó để tao lo.
Thủy ngỡ ngàng, không ngờ mọi việc lại dễ dàng đến thế. Được hai năm, chị bảo Thủy:
- Chắc sắp tới tao lên Phó tổng, hay là mày vào Đảng đi, tao chốt cho mày chức Phó phòng cho chắc chân, tao lên trên kia cũng yên tâm.
Thủy chối, bảo sợ không làm được, chị cười:
- Thôi tao chả biết nguyên nhân rồi, tùy mày, có gì khó khăn cứ ới tao một tiếng là được. À mà lấy chồng đi, ế nhăn nhở ra rồi đấy, cứ ngồi mà đợi lấy chồng người Công giáo thì có khi bạc tóc cũng chưa kiếm ra đâu em ạ.
Tưởng chị nói bâng quơ vậy, ai dè mấy tháng sau chị bảo:
- Đi café với tao, xem mặt đi.
- Á á, chị, không đâu, ngại chết đi được, em còn trẻ mà…
- Gần ba mươi trơ mỏ ra đấy rồi còn kiêu! Yên tâm đi, anh này là người Công giáo, cũng ế nhăn ế nhở ngồi đợi lấy cho được người Công giáo như mày ấy.
Thế mà lại nên duyên. Thủy cũng không hiểu cô tốt số gì mà được “quý nhân phù trợ” vậy, “quý nhân” của cô chẳng đâu xa vời mà chính là người bạn thân, hơn thế là sếp của cô, còn kiêm luôn vai trò “bà mối”, nếu nói là người “sinh ra cô lần thứ hai” có lẽ cũng không quá…
*
* *
Lấy chồng được nửa năm thì Thủy có bầu nhưng niềm vui sớm thành nỗi lo. Khi đi siêu âm thai tuần thứ mười bốn, mấy bệnh viện các bác sỹ đều kết luận nên “đình chỉ thai” vì nguy cơ lưu thai cao mà nếu có sinh ra thì đứa bé cũng khó sống được hoặc dị tật rất nặng nề. Hai vợ chồng vô cùng hoang mang không biết làm thế nào, cái bấu víu duy nhất là những bài test trước đó “Double test”, “Triple test” đều tốt nhưng bác sĩ bảo hình ảnh siêu âm mới là quan trọng, các bài test đó chỉ “sàng lọc” được tỷ lệ nhỏ thôi. Vợ chồng Thủy phải gõ đến cánh cửa cuối cùng: Hội chẩn ở Bệnh viện phụ sản Trung ương. Chạy qua chạy lại “nhà H” của bệnh viện, hai vợ chồng thấy một cảnh tượng hết sức tương phản: cùng một dãy nhà, phía bên trái dành cho người chữa hiếm muộn, bên phải là nơi cô đến hội chẩn “sàng lọc trước sinh” còn ở giữa cũng là phần chiếm nhiều gian phòng nhất là nơi nạo phá thai. Cùng một dãy nhà mà vẻ mặt, tâm trạng của mỗi người một khác, nhưng ắt hẳn ai cũng ước giá như dãy nhà này không tồn tại…
Chị biết chuyện, “nhẹ nhàng” khuyên:
- Thôi bỏ đi em ạ, để sức sinh đứa khác, quá rủi ro rồi, khỏi hội chẩn hội chiếc gì cho mệt, đến khi có kết quả hội chẩn thì thai đã lớn rồi, phải kích đẻ non đấy, không phá được nữa đâu.
Thủy ngỡ ngàng không chỉ bởi câu nói mà thái độ có phần vô cảm của chị:
- Sao chị nói vậy, vẫn còn hy vọng mà, vợ chồng em sẽ không bao giờ từ bỏ dù chỉ là cơ hội nhỏ nhoi. Mà sao chị biết rõ chuyện phá thai quá vậy?
- Ôi sời, tao bỏ mấy lần rồi, có sao đâu - Chị thủng thẳng - Hơi đau một chút thôi. Còn cái chuyện kích đẻ non ấy, là bác sĩ nói thế, tao đã làm bao giờ đâu…
“Bỏ mấy lần”, Thủy sửng sốt, không thể tin người trước đang đứng trước mặt mình nói đến chuyện bỏ con dễ dàng như vậy chính là chị, người mà lâu nay vợ chồng cô vẫn thường ví như một vị thánh…
Thì ra chồng chị là tộc trưởng của một dòng họ lớn, đứa đầu của chị là con gái nên đứa thứ hai chị phải sinh bằng được con trai để “nối dõi tông đường”. Với gia đình nhà chồng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, chị mà không được sinh con trai thì không giữ được được gia đạo, thậm chí còn phải cho phép chồng “đi ra bên ngoài”. Mấy lần siêu âm con gái chị đều “phải cho ra”. Thảo nào chị còn bảo Thủy: “Con gái mà, tiếc gì…”.
Thủy nghe mà rụng rời, cô đoán chắc có nhiều người cũng đang làm như chị, song cô vẫn thấy khó tin người ta có thể nhẫn tâm như vậy, càng không tin có vị tổ tông nào vì muốn có người thờ phụng mà khuyến khích con cháu mình giết hại thế hệ kế tiếp cả. Cũng từ đó mỗi lần cô nhìn thấy chị là gai ốc lại nổi lên, tình cảm với chị không còn như trước. Chị không hề để ý, vẫn coi Thủy như em gái, lên làm Phó tổng vẫn dặn dò sếp mới của Thủy “cho nó làm sổ một thôi”.
*
* *
Có lẽ lời nguyện xin Chúa xót thương của gia đình Thủy đã được Ngài chấp nhận, bác sỹ trưởng ban hội chẩn kết luận: “Em bé sinh ra có khả năng dị tật, nhưng các bác sĩ nhi khoa có thể khắc phục được phần nào”. Câu nói đó như chiếc phao cứu sinh cuối cùng của vợ chồng Thủy và kỳ lạ thay những kết quả siêu âm sau đó mỗi lúc một tốt lên, đứa bé sinh ra kháu khỉnh chẳng có dị tật gì, bác sĩ nhi khoa xem mớ kết quả siêu âm thai cũng phải nhìn nhận: “có cái gì đó không đúng”. Ai cũng bảo là “chiến thắng dành cho người dũng cảm”, chỉ có chị không đồng ý: “dũng cảm cái gì, liều lĩnh thì có”. Chẳng sao, với vợ chồng Thủy chỉ cần con bé lớn lên khỏe mạnh, phát triển bình thường là được rồi…
Chị lại có bầu, các bác sĩ bảo là con gái nhưng có vị bảo không chắc chắn lắm nên chị cố đợi thêm vài tuần để kết quả chính xác hơn song “kết quả vẫn vậy” nên chị quyết định “phải cho ra”. Thủy biết chuyện khuyên chị mãi, chị đã xuôi xuôi nhưng bất ngờ hai tuần sau có người gọi báo tin chị bị băng huyết rất nguy kịch. Thủy tất bật chạy vào bệnh viện mới hay chị bị tai biến lúc kích đẻ non và một điều không ai ngờ tới - đứa bé lại là con trai. Thấy con chỉ thoi thóp được ít giây rồi đi, chị không giữ được bình tĩnh, gào thét ôm hài nhi chạy như điên dại khắp “nhà H”, mọi người chỉ đuổi kịp khi chị ngất lịm giữa cầu thang.
Sau hôm đó, chị nằm bẹp gần một năm mới đi làm trở lại nhưng thi thoảng vẫn ngơ ngẩn như người mất hồn. Mỗi lần Thủy đến thăm chị đều khóc, quay mặt vào tường không tiếp. Chị đâu dám nhìn mặt Thủy - để nói rằng chị đã không đủ dũng cảm, rằng hậu quả hôm nay chị lãnh lấy là do đã không nghe lời cô sao…
*
* *
Thủy đứng lặng trước cửa sổ phòng trọ miên man suy nghĩ. Chuyện hệ trọng của chị là một bài toán hóc búa cho Thủy: nhờ mang thai hộ. Chị nói sẽ “làm việc” với bác sĩ nên chắc chắn sinh bé trai, cứ yên tâm…
Còn dịp nào tốt hơn để trả ơn chị nữa đây, thêm nữa chị sẽ phụ cho nửa tiền căn hộ chung cư mà vợ chồng Thủy chưa gom đủ. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Thủy mang thai bé gái hay đứa bé có dị tật bẩm sinh? Trường hợp cô và chính chị vừa rồi, các ngài bác sĩ cũng đã nhầm đó thôi. Chưa kể việc mang thai hộ vơi mục đích lựa chọn giới tính là vi phạm pháp luật nữa. Thủy rất muốn giúp chị, muốn làm “người tốt” lắm nhưng sao khó quá…
Có tiếng trở mình, Thủy ngoảnh lại, ánh mắt như giãn ra. Dưới ánh trăng vàng nhạt xuyên qua cửa sổ là hình ảnh con bé vắt chân lên cổ bố như mọi khi, đáng yêu như một thiên thần. Chúa nói: "Ai không trở nên như trẻ thơ, thì chẳng đáng vào Nước Trời", cổ nhân cũng dạy “nhân chi sơ tính bản thiện”, biết mai ngày lớn lên con bé có trở thành “người tốt” không, tốt như Mẹ Nuôi của nó chẳng hạn…