Vài nhận xét và đúc kết cuộc thi Hoa Núi Rừng III năm 2017

Quang X Nguyen

VÀI NHẬN XÉT VÀ ĐÚC KẾT
CUỘC THI HOA NÚI RỪNG III NĂM 2017



Trong bối cảnh năm Mục vụ của HĐGM VN “Niềm vui-Tình yêu-Gia đình” , Ban Mục vụ Văn hóa Gp Kontum đã tổ chức cuộc thi viết “Ơn cha nghĩa mẹ trong tình Chúa”, nhằm mục đích cổ võ truyền thống đạo hiếu, khuyến khích người làm con bày tỏ lòng tri ân và đáp đền ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, trong môi trường sống đức tin tại các gia đình.


A. Tinh thần tham gia dự thi và kết quả:

Qua kì thi “Hoa núi rừng III” năm nay, Ban mục vụ Văn hóa nhận thấy các em tham gia có tinh thần nhiệt tình, ý thức học hỏi và sống đạo rất tốt. Điều đó được thể hiện rất rõ từ các bài dự thi. Các em đã mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ban mục vụ văn hóa Giáo phận, chịu khó suy nghĩ, tâm niệm, hướng tâm hồn lên với Chúa bằng đời sống thực của chính mình, bằng cách lắng nghe và thực hiện điều răn Chúa dạy: “Thảo kính cha mẹ”. Những sáng tác của các em phần nào cũng minh chứng cho tấm lòng yêu thương kính trọng cha mẹ và lòng biết ơn dối với cha mẹ. Bởi có yêu thương, có biết ơn các em mới có những tâm tình đơn sơ, chân tình, xúc động đến như vậy. Tâm tình của các em đã dồn hết vào câu chữ mà các em đã thổ lộ, muốn bày tỏ với cha mẹ của mình. Chắc chắn rằng các bậc cha mẹ khi đọc được bài của con cái mình sẽ sung sướng, hạnh phúc biết bao! Cảm tạ Chúa đã ban cho các em hiểu được “Ơn cha nghĩa mẹ trong tình Chúa” là như thế nào.

Về thành quả cụ thể, cuộc thi đã qui tụ được 132 tác giả tham dự, với 165 tác phẩm. Trong đó có 117 bài văn và 48 bài thơ. Tín hiệu đáng mừng là số lượng thí sinh dự thi và tác phẩm đều tăng so với lần thi HNR II năm ngoái: Số thí sinh tham gia năm nay gấp đôi năm ngoái (132/66); và số bài dự thi nhiều hơn năm ngoái 24 bài (165/141).

Tuy bài dự thi chưa phong phú lắm về nội dung và số lượng, nhưng HNR III đã có nhiều sắc màu khác nhau cùng tham dự: Kinh, Bahnar, Jrai, Sedang, đến từ khắp nơi trong Giáo phận:

Miền Kontum với sự góp mặt từ: Giáo xứ Chính Tòa, Giáo xứ Linh La, Giáo xứ Đắk Tuk , Giáo xứ Tân Hương, Giáo xứ Phương Nghĩa, Giáo xứ Tân Phát, Giáo xứ Hơmoong, Giáo xứ Kon Hring, Giáo xứ Rờ Kơi, Giáo xứ Plei Jơrâp…; Miền Pleiku với sự góp mặt từ: Giáo xứ Đồng Sơn, Giáo xứ Ngô Sơn, Giáo xứ An Khê, Giáo xứ Phú Túc, Giáo xứ H’rú – Phú Quang…

Kết quả chung cuộc Ban giám khảo đã chọn được 28 tác phẩm trao giải hôm nay, chia đều cho các sắc tộc và các lứa tuổi.

Xin chúc mừng tất cả các tác giả dự thi “Hoa núi rừng” năm nay.

B. Nội dung và hình thức:

I. Những mặt tốt đạt được:

1. Các bài dự thi tương đối phong phú về thể loại: Văn Tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm, nghị luận; thể văn tùy bút, bút kí, truyện ngắn viết dưới dạng một bức thư; các thể loại thơ: lục bát, thơ 5 chữ, 7 chữ, tự do…

2. Nội dung: viết đúng chủ đề, có ý tưởng, tâm tình, có hồn. Có những tác phẩm toát lên tâm tư, tình cảm đối với cha mẹ. Đó là những lời thủ thỉ, nỉ non, tâm sự tận đáy lòng của người con luôn biết ơn cha mẹ. Các em đã cảm nhận được sự nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục của cha mẹ từ đời sống đức tin của người Kitô hữu cho đến bổn phận của kẻ làm con trong đạo lí làm người; thấu hiểu lòng cha mẹ, biết cảm thông, lo lắng, xót xa vì những nỗi đắng cay khổ nhọc mà cha mẹ phải gánh chịu. Cả những đau đớn khi cha mẹ bị bệnh hiểm nghèo hoặc không còn trên cõi đời này nữa. Thật xúc động khi đọc những dòng thơ, lời văn tự nhiên, trong sáng, dễ thương của các em: lúc thì tự hào, hãnh diện về cha mẹ, lúc thì sâu lắng, hối hận, day dứt vì mình làm điều sai muốn nói lời xin lỗi mà khó nói trực tiếp bằng lời. Hay với những ước mong hi vọng chân thành của con cái về điều không phải của bố mẹ. Và, cả sự thán phục về người cha, người mẹ day bảo, giáo dục con cái sống đời sống Phúc Âm, gieo Tin mừng của Chúa trong lòng đời mà chính người con đã cảm nhận được. Để rồi, khi đến tuổi trưởng thành con cái biết nói lời cảm ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho người cha, người mẹ sống đạo đức, nêu gương sáng, vững tin và tín thác con cái mình cho Chúa. Tất cả như cuốn phim quay chậm về “Ơn cha nghĩa mẹ trong tình Chúa”.

3. Lối viết văn thơ thấm đượm tinh thần Ki tô giáo một cách tự nhiên, hài hòa, sống động, có hồn. Một số tác phẩm khiến cho người đọc rưng rưng nước mắt, xúc động thực sự như chính mình là một nhân vật trong câu chuyện vậy.

4. Cũng như năm ngoái, năm nay các em đã phát huy được lối viết có kiến thức và am hiểu về Kinh Thánh nên trích dẫn một cách tự nhiên, vận dụng phù hợp trong bài viết của mình.

5. Một số tác phẩm cũng nắm được thể thơ lục bát, thơ tự do, thơ 5 tiếng, thơ 8 tiếng…; hiểu luật thơ nên có chất lượng. Đặc biệt có bài sáng tạo cách viết làm cho tác phẩm thêm hấp dẫn, có tính thuyết phục. Ngôn ngữ thơ mang tính nhạc, họa đậm nét, có hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu; giọng thơ tâm tình, trong trẻo, lung linh trong tình yêu cha mẹ, đầy ắp tình Chúa bao la.

6. Diễn đạt trôi chảy, lưu loát, mạch lạc, bố cục rõ ràng, kết thúc tự nhiên, bất ngờ tạo sự thương cảm, bùi ngùi hoặc thán phục để lại sự vấn vương trong lòng người đọc.

II. Hạn chế:
Bên cạnh những ưu điểm các em đạt được cũng khó tránh khỏi những thiếu sót trong sáng tác.

1. Một số tác phẩm diễn đạt lủng củng, chưa biết cách dùng dấu câu, đặt dấu câu câu không đúng chỗ (kể cả tác phẩm thơ, văn).

2. Dùng từ sai, chưa chính xác, sai nghĩa; sai lỗi chính tả, lỗi vi tính nhiều.

3. Chưa biết cách trình bày một đoạn văn, một văn bản.

4. Năm nay hạn chế lớn nhất là sáng tác thơ không đạt hiệu quả. Số lượng làm thơ nhiều nhưng hầu hết chưa biết cách làm đúng thể thơ, đặc biệt là thơ lục bát gieo vần một cách tùy tiện; một số thể thơ tự do nhưng tự do một cách tùy tiện , không nhịp điệu, âm thanh, viết như một khẩu ngữ thường ngày nên đọc lên lời văn lủng củng, không rõ ý tưởng, lặp lại nội dung đơn điệu…

5. Các tác phẩm văn xuôi quá ngắn, nội dung còn nghèo nàn; thậm chí còn sao chép nhau hàng loạt. Một vài bài không phù hợp với trình độ học vấn, độ tuổi nên bị loại.

6. Có những tác phẩm nội dung viết khá hay nhưng không theo đúng chủ đề, viết như những tác phẩm đời thường, thiếu hẳn tinh thần Kitô giáo hoặc có đưa vào nhưng chỉ là chiếu lệ, gượng ép.

7. Có những bài dự thi không ghi tên tuổi, không ghi địa chỉ…nên gây khó khăn cho BGK khi xếp loại và chấm bài.

C. Đề xuất: Rút kinh nghiệm từ các cuộc thi, chúng tôi có những đề nghị sau:

- Nếu có thể, từ các Giáo xứ, nên có người hướng dẫn các em, giúp sửa duyệt, chọn lựa bài trước khi nộp cho BTC cuộc thi.

- Cần phổ biến rộng rãi hơn nữa trong các xứ đạo, vận động nhiều em các lứa tuổi tham gia; phổ biến Thể lệ thi rõ ràng, chính xác, tránh trường hợp có nhiều bài phạm qui, phải bị loại cách đáng tiếc (như thơ chỉ nộp một bài, không ghi tên tuổi địa chỉ, tựa đề tác phẩm.v.v.

- Các em nên tìm hiểu thêm các luật thơ để làm cho đúng luật. Chọn lựa thêm các thể thơ truyền thống mà các em đã được học từ kiến thức phổ thông như: Lục bát, thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, Ngũ ngôn, Thất ngôn bát cú, Song thất lục bát… Nếu thơ tự do phải biết cách gieo vần, có nhịp điệu, lối viết uyển chuyển, kết hợp hình ảnh, thơ, nhạc, họa…

- Nên sáng tác đúng chủ đề và đặc biệt các tác phẩm phải thấm đượm tinh thần Ki tô giáo một cách tự nhiên, phù hợp.

Trên đây là một vài nhận xét, đúc kết cuộc thi HNR III, do Ban Mục vụ Văn hóa Gp Kontum tổ chúc. Một lần nữa chúng con xin chúc mừng các tác giả và các tác phẩm đạt giải.

Chúng con xin chân thành cảm ơn Đức Cha Aloisiô, quí cha, quí nam nữ tu sĩ, giáo phu và quí chức cùng tất cả quí sinh viên và các bạn trẻ đang hiện diện.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người và mọi công việc làm của chúng ta.

Phêrô Lê Minh Sơn
Ban Mục vụ Văn hóa GP. Kontum

07.08.2017

KẾT QUẢ XẾP LOẠI VĂN THƠ LÀNG HỒ "HOA NÚI RỪNG III"