Anh Biện -- truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Sáng

Quang X Nguyen

Phát quà cho người nghèo tại giáo xứ Gò Mây

Không! Anh không phải là “biện họ”, một chức vụ mà người ta còn gọi là “qưới chức”, và sau này được gọi là ủy viên Hội Đồng Giáo Xứ. Nếu anh là biện họ, người ta sẽ gọi anh là “ông biện”. Còn anh, anh tên Biện. Tụi tôi gọi anh là anh Biện. Người lớn gọi anh là thằng Biện.

Anh tên Biện, nhưng họ gì, họ Trần hay họ Nguyễn, không ai biết. Điều mà người ta có thể biết thêm về lý lịch của anh là tên thánh rửa tội của anh là “Bêlô”, theo như anh nói. Anh thường xưng mình là Bêlô Biện. Anh giảng giải cho tụi tôi: mấy em biết không, hai ông thánh Bêlô, Bêlồ là hai thánh cả của Hội Thánh. Thánh đỡ đầu của anh là thánh lớn chớ không phải thánh thường đâu!


Ba má của anh, anh em của anh, không ai biết, mà anh cũng không có dịp để nói với ai, hay có ai hỏi anh đâu để mà anh nói. Nhà của anh là chái nhà ở trại cưa của ông Năm Hoanh, một người trong họ đạo, cho anh ở. Khi nào mà cây về nhiều quá, không còn chỗ trống để anh trải chiếu dưới đất ngủ thì anh nằm ngủ trên đống cây. Tài sản của anh là một chiếc xe đạp, có cái thùng phía sau để đựng cà rem. Nghề của anh là bán cà rem. Địa bàn hoạt động của anh là chợ, trường học nhà nước, trường học nhà thờ, và con đường chánh băng ngang qua tỉnh lỵ, đi ngang qua nhà thờ.

Giờ giấc sinh hoạt của anh rất dễ biết, dễ nhớ. Sáng sớm, đi lễ. Lễ xong, anh ghé hãng cà rem để lấy cà rem. Xong, anh đi tới khi thì trường nhà nước, khi thì trường nhà thờ. Đến trưa, anh vòng ra chợ mua cơm ăn. Ăn xong, anh dựng xe cà rem vào một gốc cây nào đó có bóng mát rồi ngồi xuống đó, dựa lưng vào thân cây ngủ. Ngủ xong, anh lại tiếp tục công việc buổi chiều. Trường tan học, cà rem hết, anh lo trở về rửa xe chuẩn bị cho ngày mai. Xong, anh đi bộ trở ra chợ kiếm xin rửa chén, dọn dẹp ở mấy quán ăn để kiếm tô cơm hay tô hủ tiếu còn dư lại vào buổi tối. Rồi là xong một ngày. Chúa Nhật anh nghỉ bán, để lo phần linh hồn.

Anh không biết chữ, thì không biết đọc là đương nhiên rồi. Anh đọc được kinh là do nghe người ta đọc, anh đọc theo, riết rồi gần như hết tất cả các kinh trong sách Mục Lục anh thuộc hết. Còn như không thuộc được nguyên kinh thì anh… “vuốt đuôi”. Không lễ ngày thường, không lễ ngày Chúa Nhật, không buổi làm việc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chiều thứ bảy, không buổi chầu Phép Lành chiều Chúa Nhật nào mà vắng anh.

Điều đặc biệt là tiếng anh tốt lắm, hay nói cách khác là to lắm. Bước vô nhà thờ thì nghe tiếng anh liền. Nhiều khi mấy ông biện họ hay bà phước phải đi tới kêu anh đọc nhỏ lại nhưng rồi tiếng anh cũng từ từ trở lại độ lớn bình thường: tiếng rao cà rem mà! Anh đã phân trần với mấy ông biện và bà phước và đã được đồng ý nhưng ai cũng khuyên anh: rán đọc nhỏ lại, đọc nhỏ nhỏ Chúa nghe được rồi. Anh “dạ”, tiếng dạ của anh làm bà phước nghe giựt mình.

Gần như tất cả sinh hoạt trong họ đạo đều có anh tham gia. Có anh, ai cũng kêu: Biện… này, Biện… kia… Ai sai gì làm nấy. Chiều Chúa nhật nào mà cha sở nhóm họp với biện họ: có anh. Sau phép lành, anh nhanh chân chạy tới nhà nhóm, sắp xếp lại bàn ghế, hễ thấy dơ, anh lo tìm chổi quét không cần ai sai, không cần ai biểu. Đức Cha về ban phép Thêm Sức, rồi tiệc tùng, anh cũng có “dự tiệc”. Anh lo quét dọn, khiêng bàn ghế, nhưng bưng dọn thức ăn cho Đức Cha và khách dự thì anh không được làm vì anh không có quần áo sạch, đẹp. Tiệc tùng xong, anh lo dọn dẹp, đổ rác rồi ban phụ trách đưa cho anh một tô bự, đầy thức ăn, đủ thứ đổ chung vô trong một tô cho anh, anh bưng ra bên hông nhà ngồi ăn một mình, ngon lành. Tiệc tan, sau khi kiểm điểm mọi việc xong xuôi, anh mới ra về, ngủ để còn lo đi kiếm sống ngày mai.

Mỗi sáng thứ bảy, học trò trường nhà thờ có nhiệm vụ quét nhà thờ, mấy bà phước lo chưng bông, chuẩn bị cho lễ ngày Chúa Nhật: cũng có anh. Anh phụ lo khiêng mấy băng ghế cho tụi tôi dễ quét. Mấy bình bông lớn, nặng thì mấy bà phước kêu: Biện! Mấy băng ghế dài tụi tôi nhấc không nổi: anh Biện! Kêu tới tên là có anh ngay. Nhưng thích nhất là tụi tôi thường đi với anh vòng vòng trong nhà thờ, nghe anh giảng giải “lẽ đạo”:

Ngồi nghỉ trên băng ghế trước bàn thờ thánh Giuse, anh nói:
- Ông thánh này là ông thánh Giude!

Hôm đó là một ngày tháng năm, anh nói:
- Tháng này là tháng ông thánh Giude, mấy em thấy bông huệ đỏ xung quanh nhà thờ mình không? Đó là bông huệ ông thánh Giude. Mấy em thấy trên tay ông thánh Giude có cầm cây bông huệ không, đó là nhắc việc hồi xưa ông thánh Giude thích trồng bông huệ này lắm.

Rồi anh đọc luôn một hơi:
“A thân lạy thánh cả Giude…
… Nguyện “chong chóng” bởi trời ngự xuống
Giúp chúng con đang trận đả thương
Đả chiến cùng quỷ thần u ám …"

- Còn bà thánh này là bà thánh Tê-ghê-sa, bả đi tu hồi mới có mấy tuổi gồi làm thánh luôn!
- Ủa còn bà thánh này là bà thánh nào mà có cầm gươm nữa anh Biện!
- Đó là bà thánh Giăng Đát, hồi xưa, bà cầm gươm đi đánh giặc cứu Đức Giáo Hoàng, lâu lắm gồi, cách đây cũng mấy ngàn năm…
Anh biết nhiều chuyện lắm.

- Ủa, mà sao ở đây có Đức Mẹ nữa nè anh Biện!
- Đức Mẹ ở trên bàn thờ kia là Đức Mẹ Ma-ghi-a, còn Đức Mẹ ở đây là Đức Mẹ Hằng Cú Dúp! Hễ cầu xin là Đức Mẹ giúp liền.
- Mà anh có cầu xin Đức Mẹ giúp anh không?
- Sao không! Anh cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho anh khi chết có được cái hòm chôn!
- Sao anh không cầu xin Đức Mẹ cho anh làm giàu?

Anh cười hề hề:
- Bán cà ghem mà giàu cái gì em? Cầu xin bữa nào cũng có cơm ăn, chết có được cái hòm chôn là phước đức gồi…
- Anh cầu xin Đức Mẹ mà sao anh không cầu xin với Chúa?
- Sao không! Mà tụi em thấy hôn, đọc kinh với Chúa đâu có kinh nào mà như “…Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin Đức Mẹ bàu chữa cú giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời…”

***
Hang đá Đức Mẹ tại Đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (nhà thờ Kỳ Đồng), TGP Sài Gòn

Việc gì cũng có anh nên ở họ đạo tôi, người ta nói đùa: “trên Chúa, dưới cha, thứ ba là thằng Biện!” Thứ hai là do ở nơi nào mà có anh là người ta biết liền vì tiếng nói rất là to của anh. Nhưng khi cha sở vắng mặt thì được báo tin trước, như mỗi khi cha đi cấm phòng, hay thỉnh thoảng cha đi giảng cấm phòng ở đâu đó, tin được thông báo cho bà con biết. Còn sáng hôm nay, thứ bảy, anh Biện vắng mặt. Anh không có đi lễ sáng. Người ta không nghe tiếng đọc kinh của anh. Ai cũng thắc mắc. Người ta hỏi nhau thì mới biết: chiều hôm qua, thứ sáu, anh đẩy vội cái xe cà rem băng ngang qua đường để bán cho mấy đứa nhỏ đứng bên kia đường. Anh chạy nhanh nhưng chiếc xe hơi từ Sài Gòn đi Vũng Tàu đã chạy nhanh hơn. Chiếc xe hơi tông vào anh. Cả anh và chiếc xe đạp bị bắn văng lên cao rồi rớt xuống đường mương bên cạnh đường. Anh nằm bất động. Người ta khiêng anh vô nhà thương. Cho nên sáng hôm nay, lễ sáng ở nhà thờ vắng anh.

Sau khi anh được đưa vô nhà thương, người ta chạy đi báo cho bà Thérèse biết liền. Bà thương anh lắm. Bà là bà phước làm việc ở nhà thương, lo phát thuốc. Mỗi khi anh có bị ho cảm, vô nhà thương, bà lo cho anh. Giờ anh bị tai nạn, tuy là sau giờ làm việc, người ta vội vã chạy đi báo cho bà biết. Bà tức tốc chạy qua nhà thương. Anh nằm im thin thít. Anh đang mê man. Bà Thérèse nhờ người đi báo cho cha sở biết. Cha hối hả như những khi cha đi kẻ liệt. Cha đến, cha thấy anh, nhưng anh không thấy cha. Cha biết nhưng anh không biết. Cha biết là anh đang nguy kịch. Cha làm các phép cho anh.

Anh nằm mê như vậy được ba ngày. Sang ngày thứ tư, sáng sớm khi bà Thérèse đến thăm anh, anh mở mắt ra. Anh nhìn bà, anh cười. Anh mấp máy: “Bà!” Bà ngồi xuống bên cạnh giường anh. Bà vuốt đầu anh. Anh rán thều thào: “Bà nhớ mua cho con cái hòm nghe bà!” Bà gật đầu rồi bà vội quay mặt đi nơi khác. Bà khóc. Kinh nghiệm bao nhiêu năm trong nghề cho bà biết là anh không còn “trở lại” được nữa. Anh đang “hồi sinh”. Bà nhắn người cho cha sở biết. Cha tới liền. Anh nhìn cha. Cha nhìn anh. Người y tá đem một cái ghế cho cha. Cha ngồi xuống bên cạnh anh. Cha vuốt đầu anh. Anh nhìn cha. Anh rán thều thào: “Cha mua cho con cái hòm nghe cha!” Cha gật đầu. Cha làm dấu thánh giá trên trán anh, trên miệng anh, trên ngực anh. Cha ban phép lành. Anh nằm im. Người anh tái lại, rồi lạnh đi… Cha nói với bà Thérèse: “Tôi lo hết cho nó rồi…”

Hôm lễ an táng cho anh, bà phước kêu gọi học trò trường nhà thờ đi đưa đám anh cho đông để “ấm lòng người tứ cố vô thân”. Tới đất thánh, nhà giàn được đặt xuống. Người ta lo khiêng hòm của anh tới huyệt. Tụi tôi, hai đứa, được phân công khiêng cây thánh giá bằng cây sẽ được đặt ở đầu mả của anh. Tôi đọc được hai chữ: Phêrô Biện! Rồi mỗi năm, tháng 5, bông huệ thánh Giuse nở, tôi lại nhớ tới anh!

Tôi nhớ lại mỗi khi trong họ đạo có lễ an táng, anh có mặt, rồi lễ xong, anh thích đi ra trước, anh đứng ngắm nghía cái hòm và có lần anh đã thố lộ: anh cầu xin sau này khi chết, anh có được một cái hòm. Tụi tôi hỏi: “Chi vậy anh Biện?” Anh trả lời: “Để nằm ở trỏng chớ chi em!” Điều ước vọng của anh là chết có được cái hòm chôn. Người đời thường có quan niệm: Sống ở nhà, thác ở mồ! Sống, anh không có được cái nhà, thì chết anh không mong có được cái mồ. Anh chỉ có mỗi một ước vọng rất đơn sơ đó. Anh luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Mẹ và anh đã được nhậm lời như câu kinh: chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời …