Vẹn cả đôi đàng -- truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Sáng

Quang X Nguyen
Bài đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 257 tháng 1 năm 2008, tựa được đổi lại là "Không ai đến Mẹ mà về không".


Cũng là lần đó, lần mà các cha Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng cấm phòng tại họ đạo tôi, trong vai trò dẫn đường cho cha Lapointe đi thăm bà con ở khu Xóm Nò, cha đi đâu, tôi theo đó. Hôm đó, cha hỏi tôi:
- Con biềt nha ong phàn Vình khoong?
- Dạ, ông phán nào cha?
- Ong phàn Vình đó!
- Dạ không cha, ở đây không có ông phán nào tên Vình hết cha!
- Cò ma! Cài ong phàn mà co 2 vờ đó!


Bên trong bụng tôi nói “ối chời .. ơi!”, nhưng ngoài miệng, tôi thưa:
- Dạ biết!
Rồi cha nắm tay tôi, hai cha con đi. Tới nhà, ông đang nằm trên ghế dựa ở hàng ba. Ông vội đứng lên, đi vào trong nhà. Bà chạy ra:
- Dạ thưa cha! Mời cha vô nhà chơi!
- Dạ cám ơn bà! Ông có ở nhà không?
- Dạ có! Nhà con đang thay đồ!

Cha vừa bước vô nhà, ông đi ra, quần áo tươm tất. Ông làm liền một hơi:
- Bông rua mong be!

Tôi nghe, tôi biết câu này. Vô nhà, ông phán đưa tay chỉ cái ghế, mời cha ngồi. Cha nói: “Mẹt xi”. Rồi ông chỉ bộ ván, biểu tôi ngồi. Cha với ông phán ngồi đối diện nhau ở bàn giữa. Cha nói chuyện với ông phán, đố nghe mà hiểu được: nói toàn bằng tiếng Tây! Nói thiệt lẹ, thỉnh thoảng, cha và ông phán cười vang lên. Chắc là có chuyện gì vui lắm, cha cười đến độ hàm râu dài của cha bay lên bay xuống…

Ra về, cha đang đi tự nhiên khựng lại. Cha chỉ núi Đức Mẹ ở trước sân nhà ông phán. Cha nói gì đó một hơi, tôi nghe ông phán cười nói:
- Mẹt xi mong be!

Cha cúi đầu chào Đức Mẹ, rồi đi ra cổng. Ông phán đi theo. Cha quay lại bắt tay ông phán lần nữa rồi mới đi thiệt. Một vài hôm sau, ở bài giảng trong nhà thờ, cha Lapointe phân tích tình đời. Cha nói chuyện này, hoàn cảnh kia trong cuộc đời. Rồi cha giang hai tay ra và nói:
- Toi hiều! Bò thì thương, vướng thì tồi! (Tôi hiểu! Bỏ thì thương, vương thì tội)…
Thiệt tình tôi không hiểu, nhưng mà chắc là chuyện này không có dính líu tới tôi, tới đám nhỏ tụi tôi. 
Trong bài “giảng” liền sau lễ ở tiền đàng nhà thờ, ông phán đã phân bua liền:
- Ông cha ổng nói tui chớ nói ai!

***

Hồi đó, ở họ đạo tôi, chỉ có cha sở một mình lo hết mọi việc. Cha sở làm lễ và giảng trong nhà thờ. Sau lễ, bên ngoài nhà thờ, trên tiền đàng nhà thờ, ông phán Vĩnh “giảng.” Ông đứng trên cao, nói. Người ta đứng xung quanh ông, hay ngồi ở các bậc tam cấp. Ông phải đứng, vì như vậy, ông có thể múa tay, múa chân, ra điệu, ra bộ. Anh em say sưa lắng tai nghe. Bài giảng của ông có ngăn nấp, ngắn gọn, đủ dài để anh em nghe rồi cười rộ lên. Xong ai nấy lo về, người đi học, kẻ đi làm.

Chuyện ông nói, không có đề tài. Có ai hỏi chuyện này chuyện nọ, ông giảng giải. Không ai hỏi, ông kể chuyện thời sự. Ông nói chuyện đời xưa, ông nói chuyện đời nay, ông nói chuyện bên Tây, ông nói chuyện bên Tàu, “thao thao bất tuyệt”. Ngày nào cũng có chuyện mới. Nhiều chuyện ông kể, bây giờ tôi còn nhớ.

Ông thuộc loại người “có ăn học”. Hồi nhỏ, ông đi học ở trường Huỳnh Khương Ninh trên Sài Gòn. Thi “diplôme” rớt, ông đi làm ở “nhà dây thép” tại quê nhà. Được mấy năm, ông đổi về Sài Gòn, rồi lại trở về quê. Có thời gian, ông được điều động lên làm ở Nam Vang mấy năm. Sau đó lại trở về lại quê, và làm trưởng. Chuyện xảy ra từ đây. Từ Nam Vang trở về, ông dẫn theo một “người”. Quê tôi cách biển cũng độ trên 10 cây số nhưng nghe có sóng gió ba đào nổi lên. Ông giải quyết một cách rất êm thắm: ông kỳ hẹn cho bà lớn một tuần suy nghĩ, khi ông trở về mà còn như vậy nữa thì ông sẽ đi luôn. Rồi ông dẫn bà nhỏ đi. Ở nhà, bà lên mét cha sở. Khi ông vừa trở về, cha sở tới “thăm” ông.

- Thăm gì mà thăm! Cha sở tới giũa tôi về vụ bê bối của tôi!
- Rồi cha giải quyết làm sao?
- Biết giải quyết làm sao bây giờ! Mọi việc đều do tôi, lỗi tại tôi. Nhưng mà dĩ lỡ rồi, biết tính sao bây giờ!”

Cha khuyên cách này, khó. Cha đề nghị cách kia, cũng khó.
- Vậy chớ ông muốn bỏ Chúa sao? Cha sở hỏi.
- Ý trời ơi! Bỏ Chúa sao được cha! Đạo hạnh mấy chục năm rồi đời nào mà con bỏ Chúa, mà bây giờ bỏ người ta giữa chợ như vầy, con nghĩ cũng là tội lắm đó cha!

Ông kể lại chuyến viếng thăm của cha sở cho anh em nghe như vậy. Khi cha ra về, ông xin cha cầu nguyện cho ông. Và rồi bà phán đành chấp nhận cảnh “sáng nhà trong, tối nhà ngoài” của ông, vì bà nghĩ: Nếu mà không nhận như vậy, người ta sẽ lãnh lo cho ông trọn gói thì mình sẽ xôi hỏng bỏng không, mà phần linh hồn của ông cũng khó giữ...

Rồi chuyện đời lặng lẻ trôi qua. Ông phán hơi già đi. Ông về hưu. Chỉ có đổi khác là ông không còn phải đi làm ngày hai buổi, kỳ dư các chuyện khác vẫn như cũ. Ông vẫn đi lễ sáng mỗi ngày, chiều đi viếng núi Đức Mẹ. Ông cũng vẫn chuyện trò với anh em mỗi ngày sau lễ sáng. Một thay đổi nhỏ nữa là đi đâu, ông điểm thêm chút duyên già bằng cách chống cây gậy…

***

Cả họ đạo bàn tán xôn xao! Sau khi đi cấm phòng về, cha sở họ tôi đưa ra ý kiến muốn xây núi Đức Mẹ. Xây ở chỗ nào? Sân nhà thờ không còn một chỗ trống thì biết xây ở đâu? Xung quanh nhà thờ là chỗ của vườn bông lài. Vườn bông lài này có từ đời cha Gabriel Long, trước cha Phaolô Đạt nữa kìa. Cây khi không có bông là cây cảnh, làm tươi xanh khu vực nhà thờ. Còn khi nó có bông, thì cảnh tượng rực màu trắng, vừa đẹp lại vừa thơm. Hơn nữa, đó là của ông bà để lại. Vườn lài này do bao thế hệ đã trồng ra nó!

Cha sở nói là cha muốn xây núi Đức Mẹ ở chỗ gò nổng, ở góc bên phía phải sân nhà thờ, nếu đi từ bên ngoài vô. Đó là một gò đất, cao độ hơn đầu người, đủ cao để người đứng bên này không thấy được người đứng phía bên kia. Nó rộng độ hai bộ ván. Hằng năm, đến lễ Mình Thánh Chúa, sau khi đi kiệu xung quanh nhà thờ, Mình Thánh Chúa được rước để lên trên bàn thờ đặt trên gò đất này, và cha sẽ làm phép rồi để người ta thờ lạy, xong lại rước kiệu trở vào nhà thờ. Rồi, nếu xây núi Đức Mẹ tại đây thì sẽ đặt bàn kiệu ở đâu trong ngày lễ Mình Thánh Chúa?

Tin chưa được cha công khai tuyên bố trong nhà thờ, chỉ mới nói trong phiên họp “qưới chức” chiều Chúa Nhật. Tuy không có tham dự buổi họp, nhưng ông phán Vĩnh biết liền ngay buổi chiều Chúa Nhật đó. Ông câu nhì ở gần nhà ông, đi họp về ghé cho ông hay. Ông phán hỏi:
- Rồi mấy ông tính sao?
- Biết tính sao bây giờ?
- Chớ không ai có ý kiến gì sao?

Ông câu chậm chạp nói:
- Tôi thấy như bà con không ưng ý cho lắm.
- Còn anh, anh tính sao?
- Tôi thấy khó quá anh ơi!

Ông phán “phán” liền một câu:
- Không có khó gì hết! Tôi đồng ý với cha!

Ông câu vặn lại liền:
- Nhưng mà tiền đâu? Họ mình nghèo, mà nghe cha ước lượng đâu cũng có thể tới mấy ngàn đồng!

Ông phán hỏi lại:
- Nhưng mà mấy ngàn?
- Đâu có biết được! Chừng nào ra tay thì mình tính toán đâu ra đó mới biết được, chớ bây giờ mới nói vậy thì làm sao mà biết là bao nhiêu…

Không cần biết! Sáng hôm sau, sau lễ sáng, ông phán không có “giảng” trước nhà thờ như mọi ngày. Ra khỏi nhà thờ, ông chào anh em rồi chống gậy đi thẳng lên nhà cha. Thường thì ông ít ưa nói chuyện với cha lắm. Ông nói cha hay giũa ông lắm, giũa vì cái tội hai vợ của ông. Cha đang ăn sáng. Ông gõ cửa rồi đi thẳng vô nhà, nói chuyện với cha. Ông nói gì với cha ai mà biết được, chỉ biết là ông ở lại với cha cả tiếng đồng hồ. Xong chuyện, cha đưa ông ra cửa, tiễn ông về. Ông đâu có về liền. Ông trở ra trước nhà thờ. Ông đứng lại, hai tay chống gậy nhìn về phía gò nổng.

Mấy tuần sau đó, giảng trong nhà thờ, cha sở đưa ra ý kiến muốn xây núi Đức Mẹ Lộ Đức tại họ nhà. Ai cũng nghe cha. Không ai phản đối hết. Chỗ cha định xây núi Đức Mẹ thì được rồi, chỉ sợ không đủ tiền. Nghe ngóng đó đây, trong bài “giảng” trước nhà thờ sau lễ sáng, ông phán Vĩnh đã tuyên bố:
- Mấy anh em khỏi lo! Tui có nói với cha rồi: cứ xuất quỹ nhà thờ, bà con người đóng góp chút ít, còn bao nhiêu tui bao!
- Thiệt không ông?
- Sao không, mậy!

Và ông đã làm. Tôi nghe nói đâu ông đã đưa cho cha nhiều lượng vàng. Một chục hay hai ba chục gì đó không biết được. Tôi không hiểu được, không thể hiểu được là bao nhiêu, và nó là mấy đồng. Tuy nhiên, họ tôi đã có núi Đức Mẹ kể từ đó…

***

Rồi ông già đi thêm. Tóc ông đã bạc nhiều. Ông đi đâu, để cho vững bước, phải nhờ vào cây gậy. Tuy yếu người nhưng miệng còn nói khỏe lắm, vẫn còn chuyện trò với đám đàn em mỗi sáng. Có một lần, ông đố anh em: Tao đố tụi bây vậy chớ con gì mà sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân? Chèn ơi, ai mà biết? Ông mới giải: con người!
- Tụi bây thấy hông, buổi sáng là hồi còn nhỏ, con nít nó bò bốn chân, phải vậy hôn? Lớn lên ví như buổi trưa, như tụi bây bây giờ, đi hai chân. Rồi chiều là lúc về già, như tao bây giờ, người ta đi ba chân là vì có chống thêm cây gậy!

Anh em khoái chí, cười ha hả. Rồi ông kể cho anh em nghe chuyện về con Sphinx ở Ai Cập. Ông nói luôn về sự tích mấy cái kim tự tháp. Có người đã hỏi đùa ông: “Vậy là bây giờ ông phán đang ở buổi chiều ?” Ông đã trả lời:
- Chiều mà chạng vạng tối rồi… chớ không phải mới vừa chiều!

Rồi ông vừa cười vừa nói:
- Tụi bây nhớ đi cầu lễ cho tao cho đông đủ nghe! Tao nằm, tao coi, tao đếm hết coi tụi bây tới có đủ không!

Anh em cười. Tưởng nói chơi vậy mà thiệt! Độ mươi ngày sau đó, ông không còn đi lễ sáng nữa, cả lễ Chúa nhật cũng không. Sáng nào, lễ ra anh em cũng trông ngóng ông. Có người thấy, cho biết: cha sở đạp xe lên xuống với ông gần như mỗi ngày. Mấy ngày đầu, ông còn chống gậy, lê bước chậm chạp đưa cha ra về. Sau đó, ông không còn đi nổi nữa. Ông nằm yên một chỗ, nhưng còn trao đổi được với cha. Cha dạy ông. Ông nghe hết. Cha quyết định việc ông phải làm. Ông vâng lời. Cha giải quyết việc của ông. Ông làm theo…
- Từ rày, ông không còn được ra nhà ngoài kia nữa. Ông phải để lại một số tiền cho bà kia làm phương tiện sinh sống và làm giấy cho luôn căn nhà kia. Bà kia cũng không được săn sóc gì cho ông nữa cả.

Mấy ngày cuối, ngày nào cha cũng đến, an ủi ông, đọc kinh với ông, đem Mình Chúa cho ông. Rồi ông “ra đi” êm thắm! Đến cầu lễ cho ông, tôi thấy ông nằm bất động, nét mặt bình thản. Một xâu chuỗi được quấn vòng 2 bàn tay ông chấp lại, như thông lệ. Tôi nhớ khi ông còn sống, xâu chuỗi gần như là “vật bất ly thân” của ông. Sáng sớm đi lễ, trên đường từ nhà tới nhà thờ, ông vừa đi vừa lần chuỗi. Khi ông đứng “giảng” trước nhà thờ, xâu chuỗi được nhìn thấy trong túi áo sơ mi của ông. Từ ngày họ nhà có núi Đức Mẹ, chiều nào ông cũng thả bộ đi lên nhà thờ viếng núi Đức Mẹ. Trên đường đi cầu lễ về, một anh lớn tuổi nói:
- Thiệt! Ông phán ổng thiệt có phước. Mà tui nghiệm thấy, ai mà tin tưởng Đức Mẹ nhiều, Đức Mẹ không có bỏ bao giờ, như trường hợp ông phán Vĩnh mình thấy đó: đạo đời tốt đẹp hết!