Chuyện xứ tôi -- truyện ngắn của Paul Trần

Quang X Nguyen

CHUYỆN XỨ TÔI



Con bé xóm trong đi tu từ hồi mới bước chân vào đại học, ngày trước từng một thời nổi tiếng là cứng đầu cứng cổ, quậy phá nhất nhì xứ. Ấy vậy mà chỉ mới một tháng hè các dì Đa Minh về giúp xứ là nó mê luôn các dì, mê luôn cả Dòng Đa Minh. Vào Dòng ở được một năm, hè về thấy khác hẳn, nó đoan trang và dịu dàng thấy mến, ai gặp cũng tấm tắc khen. Rồi đến năm cuối đại học, ra trường, nó về nhà và ở hẳn cả năm liền, các bà các chị trong xóm lại được dịp có chuyện để nói.

-“Con đó mà tu cái gì, đi tu mà về nhà mặc quần đùi ngắn củn thế kia”,

-“Ừ, ngày trước tui thấy nó chơi với bọn chị đại xóm dưới, còn vào nhà thờ đánh lộn nữa cơ”,

-“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời mà, bị nhà dòng đuổi rồi thì có, tu tác gì cái ngữ ấy”.


Rồi nó cũng đi, chắc tại lời ra tiếng vào dữ quá nên nó không chịu nổi nữa mà đi hay vì nó đã tìm ra cho mình con đường khác để mà bước tiếp, chẳng ai biết được. Bẵng đi một thời gian, cũng chẳng ai thèm nói chuyện của nó nữa. Tết vừa rồi nó về, đi lễ nó ngồi cuối nhà thờ đầu đội lúp trắng, mặc áo dài trắng, ai nấy nhìn thấy đều ngã ngửa, hóa ra nó chuyển Dòng vì Ơn gọi Đa Minh không hợp với nó, giờ nó đang lớp Tiền tập rồi, tháng nữa nó vào Nhà tập.

Cái xứ nhỏ xíu này vậy mà lại lắm chuyện, gì cũng có. Mà đặc biệt cái đề tài về Đời tu lại rất “hot” với các bà các chị, chuyện gì các bà các chị cũng biết, cũng rành. Người trong xứ đi tu chỉ có vài mống, đếm trên đầu ngón tay còn không hết nói chi đến đếm ngón chân. Dạo trước Cha xứ mới về Ngài cổ võ Ơn gọi dữ lắm, rồi cũng được vài đứa đi tu, nhưng được một thời gian thì chúng nó lại về, mà có đứa đi một về ba nữa mới ghê chứ. Đấy, lại có chuyện cho các bà tám ngồi tụ họp với nhau. Cha xứ thấy vậy cũng buồn, Ngài mới nói vui “Xứ này được cái đi đông về đủ” rồi Ngài lại cười, nụ cười nghe như xót xa, đau buồn vì một Giáo xứ không có Ơn gọi, buồn cho Giáo hội ngày càng thiếu Ơn gọi.

Rồi cái chuyện ông Thầy nhà tập lấy bà Sơ. Xóm làng, Giáo xứ lại một phen…., các bà các chị đi chợ gặp nhau lại í ới “Này, này… đã biết chuyện gì chưa? Tới đây kể nhỏ cho mà nghe này” họ lại thầm thì, to nhỏ với nhau. Chả là cái chuyện thằng con ông Ba xóm trên nó đi tu cũng khoảng 4-5 năm gì đó, rồi đùng một cái nó về ở nhà cả năm nay, cứ nhốt mình trong phòng suốt, chẳng biết nó đã là Thầy hay chưa, mà các bà cứ kháo nhau là thấy nó mặc áo Dòng đi lễ, giờ thì về đòi lấy vợ, nghe đâu vợ nó còn là bà Sơ xuất tu nữa cơ. Rồi xóm trên, xóm dưới đi đâu cũng nghe người ta nói chuyện ông Thầy xuất lấy bà Sơ xuất. Vợ chồng ông Ba chẳng dám hé răng nửa lời, đời có ai biết “con dại thì cái phải mang” thôi, giờ mọi chuyện đã vậy thì thôi cũng chẳng ai ép buộc gì được chúng nó, nhưng khổ nổi là miệng lưỡi cái xóm này lại không cho qua chuyện, cứ thổi bùng lên mãi, đến tận ngày cưới vẫn còn có người nói “Đi đám cưới có một không hai này để cho biết chớ, ông ‘Thầy’ lấy bà ‘Sơ’ mà”. Miệng lưỡi thế gian sao mà khó ưa thế, mặn cũng bởi nó mà nhạt cũng bởi nó. Chuyện nhà người ta, họ sống, họ làm gì cũng có ảnh hưởng tới mình đâu, ấy vậy mà lại cứ thích nói chuyện thiên hạ, chuyện nọ chuyện kia, chuyện làng chuyện xóm, từ trong nhà ra ngoài ngõ, chuyện xóm trên chuyện xóm dưới đều được gom lại một chỗ là cái sân đủ để dăm ba bà, dăm ba chị ngồi tám với nhau. Cũng kể từ sau ngày cưới thằng con trai, vợ chồng ông Ba buồn hẳn chẳng còn vui vẻ như trước. Rồi mới đây, được tin đứa con gái vào Nhà tập, năm tới là khấn, vợ chồng ông như vớ được của, tươi cười hẳn ra, không còn ủ rũ đi đâu cũng cúi mặt như ngày nào nữa. Phải chăng cô con gái là niềm hạnh phúc của ông bà, cứu vớt lại được phần nào cái danh dự cho ông bà mà thằng con trai nó đã đánh mất, mà cái danh dự đó ở đâu mà ra đều là do miệng lưỡi thế gian phong cho cả.

Năm ngoái Giáo xứ được một ông Thầy mới xong triết về giúp xứ. Ông Thầy nhìn rõ đẹp trai, lại hát hay đàn giỏi nữa, mấy đứa con gái lớp Vào đời cứ bao quanh suốt, các bà thấy thế mà nóng ruột ra sức bảo vệ ông Thầy:

–  “Ớ, cái con ôn này, Thầy bà mà mày đu bám thế hả”,

- “Con gái con đứa, con nhà ai, người ta là Thầy có chức Thánh mà chúng mày cứ cầm tay kéo chân thế là sao hả, chẳng ra thể thống gì”.

Ông Thầy thấy thế cũng sợ, rồi dần dần cũng lảng tránh mấy đứa lớp Vào đời cũng như mấy bà trong xứ. Ông Thầy cũng sợ mất Ơn gọi bởi mấy đứa con gái nhưng sợ nhất là miệng lưỡi của các bà, bởi thế mỗi lần đứng nói chuyện với mấy đứa dự tu mới về, thấy bóng dáng các bà thì ôi thôi, lánh đi cho lành. Rồi hôm đó chẳng hiểu thế nào mà ông Thầy lại chở con Hương (con gái ông Câu) chạy xe hiên ngang ngoài đường như thể chẳng có ai, người ta đồn ầm lên chuyện ông Thầy chở con Hương, nó ôm ông Thầy chặt cứng, đầu tựa vào lưng ông Thầy, hai tay ôm eo ống. Thôi rồi xong đời ông Thầy, chuyến này là dọn đồ về nhà luôn chứ tu tác gì nữa, tu gì mà để con gái ôm eo chặt cứng. Rồi hôm Cha xứ đi cấm phòng về, mọi chuyện cũng đến tai Ngài. Ngài kêu ông Thầy vào hỏi cho rõ ràng. Ông Thầy khóc thét, nào có phải như lời đồn của các bà các chị. Thấy thế chứ nào phải thế! Chả là hôm đó dạy Giáo lý cho lớp Vào đời chuẩn bị tuyên xưng Đức tin, xong rồi mấy đứa về hết, ông Thầy cũng về phòng, nhưng lại để quên quyển sổ trong phòng học nên ông mới quay lại lấy, rồi thấy con Hương không biết bị làm sao mà lại nằm lăn đùng trong phòng học, ông Thầy mất hồn lật đật lấy xe chở nó xuống bệnh viện. Vậy mà người ta thấy thế lại đồn con nhỏ ôm eo ông Thầy chở đi khắp phố. Cha xứ nghe thế bật cười, đấy miệng lưỡi các bà tai hại khiếp chưa, suýt nữa là hại cả Đời tu của người ta. Ngài trách nhẹ “sao Thầy không gọi người tới giúp?”, cuống quá nên ông Thầy cũng chẳng nghĩ được nhiều, chỉ liều chở con nhỏ đi bệnh viện luôn, cả một đống kinh nghiệm cho lần sau nhé, mà không biết có còn lần sau nữa hay không, ông Thầy khiếp sợ tới già. Rồi tới Chúa Nhật hôm sau Cha xứ lại dành ít phút để minh oan cho ông Thầy. Các bà các chị nghe thế thì cúi gằm mặt, cuối lễ rối rít gặp ông Thầy để xin lỗi, mà chắc ông Thầy chẳng dám nhận lời xin lỗi đâu, ổng khiếp luôn rồi. Vậy mới thấy tiếng xấu đồn xa, bởi đâu cũng bởi chưa kịp nhận diện tìm hiểu hết vấn đề mà đã vội nói này nói nọ, đúng là “tam sao thất bản”, ông bà ta nói quả không sai.

Chẳng đâu xa, chuyện ông bà Câu có đứa con gái đi tu, vừa rồi được khấn tạm, thế là ông bà được lên chức ông bà Cố. Mà đã là ông bà Cố thì cũng phải sống sao cho tốt đời đẹp đạo một chút, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Ấy vậy mà cũng lời ra tiếng vào, lắm kẻ soi mói đủ điều. Trái gió trở trời, tuổi già đau yếu là bình thường vậy mà nghỉ đi lễ một hôm thì y như rằng “Ông bà Cố gì mà lười đi lễ”, bà Cố bán hàng ngoài chợ đã phải dậy từ tờ mờ sáng, đây là kế sinh nhai của bà nuôi sống gia đình bao năm nay, vậy mà từ khi thành bà Cố có kẻ ác mồm ác miệng lại nói “Bà Cố gì mà siêng đi chợ hơn cả đi lễ”, “Bà Cố gì mà bán hàng cắt cổ, chặt chém người ta chẳng thua kém ai ngoài chợ, chắc đứa con gái đi tu là để đền tội cho bả đó”. Nghe sao chua xót, ai đời con đi tu, cha mẹ cũng phải tu theo con, ai mà đụng tới cũng chẳng dám to tiếng bao giờ kẻo họ lại nói ông Cố thế này bà Cố thế nọ. Để mang được cái mác ông bà Cố sao mà mệt mỏi thế, ông Cố ngậm ngùi nói nhỏ cùng bà “con mình đi tu mà”.



Miệng lưỡi thế gian là thế, bao đời vẫn vậy, hết chuyện này chuyện kia, chuyện làng chuyện xóm rồi chẳng còn chuyện gì nói lại nói đến chuyện ông Cha xứ. Đợt vừa rồi chẳng biết nghe thông tin ở đâu mà các bà các chị cứ to nhỏ với nhau chuyện Cha xứ chuẩn bị đổi. Người thì thương ông Cha quá trời, mới về ở chưa đầy bốn năm mà đã bị đổi đi, kẻ thì lại mừng rơn chả là ông Cha hay gây “khó dễ” trong các nghi thức hôn phối nên có kẻ mừng ra mặt, người thì dửng dưng Cha này đi Cha khác về hơi đâu mà khóc với lóc. Đời tu thế đó, có người thương kẻ ghét, biết làm sao chỉ biết phó thác nơi Chúa. Đi tu mà bền đỗ thì vui đó, mừng đó rồi cũng biết bao nhiêu khó khăn đang chờ đợi trong đời Mục vụ. Mà nếu lỡ Chúa có không chọn hay “đứt gánh giữa đường” thì hỡi ôi, miệng lưỡi thế gian nói đầy nói vơi làm sao mà sống.

Đã thế, người đi thì khổ đằng người đi, mà người ở nhà cũng khổ theo, mang được cái danh ông bà Cố, anh chị em của ông Cha, bà Sơ, ông Thầy sao mà khó khăn trầy trụa quá. Tốt thì chẳng ai khen mà nếu làm việc gì chẳng vừa ý họ là thôi rồi, họ lôi ông Cha, bà Sơ, ông Thầy ra nhiếc là cũng đủ đau đầu rồi.

Vừa qua con bé cạnh nhà nghe đâu chuẩn bị vào Dòng, bố mẹ nó không muốn nhưng cũng chẳng ngăn cản nó đi. Mẹ nó nói “Suy nghĩ cho kỹ nha con, chứ mày vào đó dăm bữa nửa tháng rồi xách dép chạy về là sinh ra muôn vàn giống tội đấy con à, bố mẹ có ra đường cũng chẳng dám, thiên hạ nó cười vào mặt cho” nói thì nói vậy chứ bố mẹ nào mà chẳng mong con mình bền đỗ nhưng khổ nổi lại cứ sợ thiên hạ họ nói đầy nói vơi. Nhưng con nhỏ thì khác, nó chẳng sợ gì còn nói lại mẹ nó “Con đi tu cho Chúa chứ đi tu cho họ đâu mà sợ, miệng họ, họ muốn nói gì thì nói, có giỏi thì họ cứ đi tu thử đi rồi biết”.

Phải chăng Ơn gọi ngày nay thiếu hụt cũng là do phần nào miệng lưỡi của các bà các chị nói ra nói vào mỗi khi có ông Thầy hay bà Sơ xuất tu, do đó mà lớp trẻ cảm thấy hoang mang và lo sợ cho đường tu của mình?

Qua đây cũng muốn nhắn nhủ đến các bà các chị thay vì ngồi tám chuyện của thiên hạ, kẻ xuất tu, người về lấy vợ, chi bằng dâng một Kinh Kính Mừng cầu cho người ta được Ơn bền đỗ, cầu cho Giáo xứ ngày càng có nhiều Ơn gọi có phải hơn không.

Cũng xin nhắn nhủ đến các bạn trẻ hãy quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi mà ra đi, đi tìm nước trời, có Chúa bên cạnh còn sợ chi nữa. Bởi vì Ơn gọi theo Chúa là một hành trình không có điểm kết, không quan niệm “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, phó thác- chính là bài thuốc an thần nội tâm.

Là người trẻ, bạn hãy cứ can đảm mà tiến bước.


* * *

Paul Trần

PHAOLO TRẦN THANH QUẢN
Giáo phận Kontum, Giáo hạt An Khê, Giáo xứ Đồng Sơn