Đức tin, đạo hiếu và đồng bóng (phần cuối)

Quang X Nguyen

ĐỨC TIN, ĐẠO HIẾU VÀ ĐỒNG BÓNG (phần 8)


Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.
Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…

14. SEN GIỮA LẦY: CON ĐƯỜNG TIN, CẬY, MẾN


Những chỉ dẫn trên đây nhắc nhở chúng ta cần tỉnh táo sáng suốt, tránh những thực hành mang ý nghĩa ngược với giáo lý Đạo Chúa. Thủ thuật của quỷ dữ là vận dụng điều tốt giả để phá hỏng điều tốt thật. Muốn thoát khỏi cám dỗ chạy theo những điều tốt giả, ta cần dứt khoát từ nơi những điều rất nhỏ. Trước mọi cám dỗ, ta cần tha thiết xin Chúa ban ơn để quyết hướng theo chiều ngược lại. Ta cần quyết tâm bước đi trong sự thật: nghĩ thật, nói thật và hành động chân thật; dù có vì thế mà bị thua thiệt mọi bề vẫn không nao núng.

Nhìn cơn lũ ập xuống khắp hành tinh, cuốn trôi mọi thứ, ta tự hỏi mấy ai sẽ đứng vững với chọn lựa ban đầu? Ta nhớ lại tiếng thở dài Chúa đã thốt ra sau khi kể câu chuyện bà góa nghèo bị áp bức bất công nhiều năm đằng đẵng:

“1 Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: 'Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.' 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: 'Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.'”
6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,1-8).

Bà góa ấy đã kiên trì và cuối cùng đã được hưởng công lý và bình an thế nào thì giờ đây cũng thế, “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Hội thánh và mỗi linh hồn tín hữu cũng được mời gọi phải bền chí như bà. Liệu chừng mỗi chúng ta có thể bền chí như thế hay chăng? Thưa có, hãy bám lấy Chúa thì Ngài sẽ làm cho chúng ta có thể (x. Mc 10,17-27)

Chúa cảnh báo chúng ta bằng tiếng thở dài trên kia vì Ngài muốn làm cho ta có thể. Thiên Chúa là Cha để cho mỗi chúng ta và cả nhân loại lâm vào tình huống gay go cực độ hiện nay nhằm đãi cát tìm vàng. Ngài cho các mãnh lực trần gian được quyền thao túng là để sàng lọc ra những anh hùng của Tin mừng, những người dù luôn đối diện với những sức hút hết sức mãnh liệt của vật chất vẫn luôn vững vàng không lay chuyển. Chính Chúa Kitô dẫn đầu chúng ta đi qua cuộc thanh tẩy luyện lọc kinh hoàng ấy để thánh hóa những kẻ Ngài tuyển chọn và tự sắm lấy cho Ngài “một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,26-27).

Theo hướng ấy, tin vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, ta hãy nhìn thẳng vào cuộc chiến đấu đang mở ra trước mắt, không âu lo nhưng thanh thản như một bông sen bập bềnh:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Thật tình cờ, ca dao Việt Nam đặt nổi lên trước mắt ta ba màu của cánh sen, minh họa sít sao cho cả ba nhân đức căn bản (khiêm nhường, thanh thoát, yêu thương), ba lời khuyên Tin mừng (vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh) rồi ba nhân đức hướng thần (tin, cậy, mến). Thân phận người tín hữu ngày nay không chỉ như chiên giữa sói (x. Mt 10,16) mà còn như sen giữa lầy. Chúng ta được mời gọi hướng mắt lên các bộ ba nhân đức ấy để vượt thắng cái hôi tanh của tam độc: tham, sân, si.


Trên các trang tin gần đây, chúng ta đọc thấy những người giàu bậc nhất trên thế giới đang có cảm hứng dành hầu hết cơ nghiệp cho những công cuộc từ thiện. Ngay trên địa bàn giáo phận và giáo xứ quanh ta, nhiều khi ta chợt khám phá ra có những người hảo tâm vừa đóng góp rất nhiều vừa âm thầm phục vụ trong những việc bé nhỏ. 
Con đường nên thánh thời văn minh tiêu thụ là con đường của cánh sen giữa lầy. Nơi Nho giáo, đó là con đường của các vị “trung ẩn tại thị” (tiểu ẩn tại lâm, trung ẩn tại thị, đại ẩn tại triều trung: người ẩn sĩ cỡ nhỏ ẩn mình nơi rừng sâu, người ẩn sĩ bậc trung ẩn mình giữa chợ đời, người ẩn sĩ siêu đẳng ẩn mình ngay giữa chốn quyền cao chức trọng), nơi Phật giáo, đó là con đường của các cư sĩ. Còn nơi cộng đồng Công giáo ngày nay, ta gặp thấy nhan nhản những hình thức tận hiến giữa đời muôn màu muôn vẻ, những người đang dấn thân đảm nhận các giá trị trần thế để hướng hết về Thiên Chúa, và nhắc cho nhân thế nhớ rằng mọi sự trên cõi đời này đều là phương tiện giúp con người đạt tới mục đích cuối cùng và duy nhất của muôn loài muôn vật là chính Thiên Chúa chí thánh và hằng sống. Lời nhắc nhở ấy sẽ giúp ta trong mỗi tình huống phải bỏ điều gì và chọn điều gì. Đây là con đường sống thanh thoát như Chúa dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23; x. Mt 7,13-14)
Vác thập giá hằng ngày là vui nhận những hy sinh cần thiết, biết tiết độ, làm chủ chính mình trong mọi sự để được tự do thuộc về Thiên Chúa.

LỜI KẾT: TỪ BỎ TÀ THẦN VÀ TIN KÍNH THIÊN CHÚA


Trong nghi thức gia nhập Kitô giáo có một đoạn đối thoại hết sức quyết liệt: từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin.

Chủ sự: Anh chị em thân mến, cùng với người dự tòng chúng ta tuyên xưng đức tin của bí tích Thánh tẩy mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận.
Chủ sự: Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không?
Mọi người: Thưa từ bỏ
Chủ sự: Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?
Mọi người: Thưa từ bỏ.
Chủ sự: Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?
Mọi người: Thưa từ bỏ.
Chủ sự: Anh chị em có từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?
Mọi người: Thưa từ bỏ.
Chủ sự: Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
Mọi người: Thưa tin.
Chủ sự: Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
Mọi người: Thưa tin.
Chủ sự: Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?
Mọi người: Thưa tin.

Chỉ sau khi các tín hữu mới đã long trọng tuyên bố từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin như thế, chủ sự đổ nước cho họ. Đáng tiếc là nhiều khi người ta đã làm quá máy móc. Tôi hy vọng sau khi đọc bài viết này, cả những người đã lãnh bí tích Thánh tẩy từ tấm bé và những người mới lãnh nhận khi đã trưởng thành, chúng ta đều dành mươi phút nghiền ngẫm những câu đối thoại ấy và tự lặp lại lời tuyên xưng của bản thân mình trước nhan Chúa cách thật ý thức.

Vâng, chỉ tin suông thôi không đủ, cần phải tin vào Thiên Chúa như Ngài muốn ta tin:

“Con phải kính trọng cha; tôi tớ kính trọng chủ. Vậy nếu Ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta? Và nếu Ta là chủ, thì đâu là niềm kính sợ Ta?” (Ml 1,6).



PHỤ LỤC:
ĐỂ NGÀY LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
TRỞ THÀNH LỄ HỘI CỦA MỌI NGƯỜI


Dịp Tết vừa qua, có một gia tộc quyết định hằng năm sẽ tu tảo phần mộ vào ngày 23 tháng Chạp. Cuối năm nay họ mới cử hành lần đầu nhưng mọi người trong gia tộc đều hiểu rằng hằng năm ngày hôm ấy sẽ là ngày hẹn chung của dòng họ. Dù chưa cử hành nhưng ngày 23 đã trở thành ngày hội của gia tộc.

Đã 30 năm rồi, tại sao lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vẫn chưa là một lễ hội của mọi người? Lý do thật dễ hiểu: Chẳng ai biết lễ Các Thánh Tử Đạo năm nay sẽ nhằm ngày nào! Đã 30 năm rồi, chưa năm nào lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam được mừng trọng thể đúng vào chính ngày lễ của các ngài, 24-11, kể cả khi ngày ấy trùng vào Chúa nhật. Chúa nhật cuối năm phụng vụ là để mừng lễ Chúa Kitô Vua, cho nên Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam buộc lòng phải cử hành sớm đi một tuần, vào Chúa Nhật 33 Quanh Năm.

Đang khi đó, thông điệp của phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật 33 Quanh Năm đặc biệt quan trọng. Mỗi năm 365 ngày có riêng một ngày để nói về sự cùng tận của lịch sử nhân loại. Cả ba năm A, B và C Lời Chúa của ngày này luôn tập trung vào chủ đề ngày cánh chung.

Từ 30 năm qua người Công giáo Việt Nam không còn được nghe và suy ngẫm về điều ấy, đang khi văn minh vật chất ra rả 24/24 giờ dạy họ bám lấy hạnh phúc đời này như sẽ chẳng bao giờ phải chết. Cần nhớ rằng những lý do đưa đến việc ban hành huấn thị Ex quo singulari năm 1742 rất nghiêm túc, không dừng lại nơi chuyện thắp nhang hay không thắp nhang nhưng chạm đến những sự thật về cánh chung học và cứu chuộc học.

Đã 30 năm qua, giáo dân Việt Nam không còn được nghe giảng về cánh chung. Nếu chúng ta cứ tiếp tục đánh mất cơ hội nói về cánh chung, sự mất mát trong đời sống tâm hồn của tín hữu thật khó lường được!

Oái oăm làm sao, chính việc cử hành đức tin của tiền nhân lại khiến đức tin của con cháu bị bốc hơi!
Tại sao cứ phải mừng vào Chúa nhật? Tại sao không cương quyết mừng trọng thể vào 24-11 hằng năm ?

Thật ra, chính vì được chuyển sang Chúa nhật, ngày trọng thể mừng các Thánh Tử vì đạo không thể nào rơi vào một ngày nhất định để mà nhớ, do đó sẽ không bao giờ trở thành một lễ trọng mang tính quần chúng được.

Cần lưu ý, người Việt không bao giờ thay đổi ngày giỗ. Ai gặp trở ngại thì khỏi phải về dự, việc cử hành sẽ không vì bất cứ lý do gì mà xê dịch, dù chỉ một nhúm người bằng nắm tay vẫn nhất định cử hành đúng ngày. Tại các tỉnh miền Trung, bất cứ chùa Bà, chùa Ông hay chùa Hang nào, bất cứ lăng Cô, miếu Cậu nào cũng đều có ngày lễ truyền thống tự phát rất rình rang, nhờ một điều là họ cử hành vào một ngày cố định, không bao giờ thay đổi. Người ta không đợi nghỉ lễ Chúa nhật mới cử hành. Đã là một lễ truyền thống thì bất cứ nhằm ngày nào trong tuần nó vẫn giữ tầm quan trọng không điều gì giành lấn được, dù có ai đến dự hay không, nó vẫn cứ tiến hành, ai có lòng quan tâm đến thì phải nhớ lấy ngày ấy mà trẩy hội. Thiết tưởng chúng ta cũng thế, sự kiện chuyển sang Chúa nhật tự nó không phải là một tôn vinh nhưng là một sự hạ giá các Thánh Tử vì đạo. Nó cho thấy ngày lễ của các ngài không bằng một lễ cưới, không đủ sức để khiến người dân nghỉ việc mà trẩy hội. Nếu muốn bà con người lương cũng biết đến lễ hội các Thánh Tử vì đạo, ta cần cử hành cố định vào 24-11. Nếu 24-11 nhằm Chúa nhật, ta sẽ cử hành vào ngày Thứ Bảy, 23-11 (Trích lại từ quyển “50 năm thờ cúng Tổ tiên”).

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho ngày lễ của các Đấng sớm thành một ngày hội của toàn dân.

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

(hết)



Đây là phần cuối của bài chia sẻ "Đức tin, đạo hiếu và đồng bóng" của Lm Trăng Thập Tự. Bạn đọc có thể đọc bài đầy đủ ở: www.vanthoconggiao.net/2018/03/duc-tin-dao-hieu-va-dong-bong.html