Con đường "đi lên mặt trăng"

Quang X Nguyen

CON ĐƯỜNG “ĐI LÊN MẶT TRĂNG”

PHÁT BIỂU TỔNG KẾT “GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG LẦN THỨ 6”




Trọng kính…….; kính thưa………

Cách đây 56 năm, ngày 12/9/1962, trong chương trình chinh phục không gian và tài trợ cho dự án Apollo, Tông thống John F. Kennedy của Mỹ đã tuyên bố :
“Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng và tiến hành những chương trình khác không phải vì đây là những việc dễ làm, nhưng bởi vì đây là những sứ mạng khó khăn…”.

Vâng, cách đây hơn nửa thế kỷ, quả thật “Mặt Trăng”, đối với đa phần nhân loại chỉ là tinh cầu xa xôi, cho dù có hiện hữu đó, nhưng gần như chỉ là một hình tượng của thi ca, huyền thoại…chứ chẳng mấy người dám nghĩ tới việc “đặt bước chân viếng thăm” hay chinh phục như một vùng lãnh địa của quả đất. Cho nên, đúng như Tổng thống John F. Kennedy: “chọn đi lên mặt trăng là những sứ mạng khó khăn”.


Mượn cụm từ “đi lên mặt trăng” để nói lời đầu tiên trong bài phát biểu tổng kết giải “Viết văn đường trường lần thứ 6” nầy, tôi muốn liên tưởng đến công việc mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện hôm nay: chọn con đường văn chương thi ca để làm chất xúc tát trong nỗ lực “mục vụ văn hoá” hay góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng là một “sứ mạng khó khăn”.

Cách đây 400 năm, tại vùng đất Qui Nhơn nầy, chính xác hơn, tại Nước Mặn, có những con người cũng đã “chọn đi lên mặt trăng” khi dám phiêu lưu sáng tạo một loại chữ viết để ký âm ngôn ngữ của người Việt Nam, một thứ tiếng nói mà chính một trong những “vị Thừa sai đầy mạo hiểm và thông minh đó” đã nhận định rằng “họ nói như chim hót” [1].

Mà đâu chỉ khó về phương diện ngôn ngữ ! Các vị tiền phong sáng tạo chữ quốc ngữ đã phải đối diện với bao nhiêu gian truân khổ ải khác có khi về chính trị (não trạng bài ngoại, nghi ngờ…), không thích nghi về khí hậu, tập quán, thổ nhưỡng, thiếu thốn phương tiện sống và làm việc, khó khăn đi lại, di chuyển…; chỉ cần đọc qua những kết quả nầy chúng ta có thể thấy “con đường chọn đi lên mặt trăng” của các ngài khó khăn dường nào :
- Thừa sai Francisco de Pina chết đuối tại cửa biển Hội An mới có 40 tuổi (1585-1625)
- Thừa sai Francesco Buzomi bị trục xuất về Macao và chết năm 1639 (1576-1639)
- Thừa sai Gaspar d’ Amaral cũng chết đuối tại vinh Bắc bộ lúc mới 50 tuổi (1592-1645).
- Thừa sai Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645…

Thế nhưng công việc tưởng như “đi lên mặt trăng” đầy huyển tưởng đó, sau 400 năm, không phải chỉ thành hiện thực mà là một “hiện thực phong phú”, như một đánh giá cụ thể sau:
“Bắt đầu với 8.000 từ ngữ đã được các giáo sĩ Bồ Đào Nha phiên âm vào thế kỷ thứ 17 với công dụng là truyền giáo, chữ Quốc ngữ đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu của người Việt trước những biến chuyển liên tục của văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và nhất là khoa học kỹ thuật. Giờ đây chữ Quốc ngữ đã có chỗ đứng vững vàng trong ngôn ngữ Việt Nam và đã có hơn 200.000 từ để có thể phiên dịch cuốn tự điển Anh quốc Oxford Advanced Learner‘s English Dictionary mà không bị lúng túng vì thiếu chữ, thiếu từ”[2] (Dẫn nguồn [3]).

Nhìn kết quả chữ Quốc Ngữ sau 400 năm giữ gìn, tôn tạo và phát triển, chúng ta sẽ không thấy có điều gì kinh ngạc với khoảng thời gian dài dằng dặc như thế; nhưng nếu xem lại vài “cột mốc của một thuở ban đầu” nghiên cứu và thiết dựng, chúng ta sẽ không ngần ngại cho rằng : thành tựu “Quốc Ngữ” đó chính là một “phép lạ”.
- Năm 1615 : Nhóm thừa sai Dòng Tên cập bến Cửa Hàn, Quảng Nam.
- Năm 1618 : Cư sở truyền giáo chính thức đầu tiên của Dòng Tên được thiết lập tại Nước Mặn, Qui Nhơn với ưu tiên hàng đầu : “chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ” [4]
- Năm 1651 : Hai tác phẩm “Quốc Ngữ” đầu tiên được linh mục thừa sai Alexandre De Rhodes xuất bản tại Vatican : Cuốn Tự điển Việt-Bồ-La và cuốn Phép giảng tám ngày. [5]

Như vậy, chưa đầy 40 năm, chữ Việt với mẫu tự La Tinh đã sánh vai bên cạnh các ngôn ngữ quan trọng và thông dụng nhất của thế giới, một thứ chữ viết mà rất nhiều quốc gia, dân tộc ước mơ, dò dẫm, thử nghiệm…nhưng cho đến nay vẫn đành “bó tay” !

Sở dĩ tôi dùng lại khá nhiều nơi câu chuyện “lịch sử chữ Quốc Ngữ” vì 3 lý do sau:

- Trước hết, “Giải Viết Văn Đường Trường” của ban Văn Hoá giáo phận Qui Nhơn được khai mở và đóng lại cùng nhịp với hành trình chuẩn bị, cử hành và kết thúc Năm Thánh giáo phận Qui Nhơn mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng (1618-2018); một sự kiện có liên quan mật thiết đến cội nguồn chữ “Quốc Ngữ” mà ngay từ lần trao giải đầu tiên, linh mục Trăng Thập Tự, trong lời “giới thiệu cuộc thi…”,. đã nhấn mạnh như một tiêu đích hàng đầu : “Chào mừng kỷ niệm 400 năm chữ quốc ngữ” [6].

- Thứ đến, lễ trao giải năm nay cũng là dịp khép lại một chặng đường để bước qua một khúc quanh mới trong nỗ lực mục vụ “trau dồi tiếng Việt”, cụ thể, đó là tìm kiếm, xây dựng đội ngũ viết văn, làm thơ nơi thế hệ trẻ nói chung và Công Giáo nói riêng; một chuyên đề mục vụ mà Giáo Hội Công Giáo cùng với rất nhiều người dân Việt đang thao thức trước viễn tượng có nhiều nguy cơ đe doạ và làm suy thoái chữ Việt, tiếng Việt để dẫn tới một “thảm trạng khó đoán” cho tương lại dân tộc, đất nước.

- Lần trao giải nầy lại diễn ra trong một bối cảnh xã hội Việt nam đang nóng lên với một “thời sự văn hoá” quan trọng liên quan đến hệ thống giáo dục Việt Nam mà trọng tâm chính là các xôn xao tranh luận chung quanh vấn đề “cải cách chữ Quốc Ngữ”. Nhưng nếu nhìn xa hơn và sâu hơn một chút, sẽ thấy một “diễn biến thời sự” khác, nguy hiểm hơn và tác động mạnh mẽ và tinh vi hơn…đến chữ Việt và tiếng Việt: đó là hiện trạng phổ cập của ngôn ngữ “điện thoại thông minh”, máy tính, sự tuỳ tiện và không còn chuẩn mực trong ngôn ngữ của giới trẻ và của các phương tiện truyền thông (truyền hình, báo chí…). (Đọc thêm tài liệu : Thư thỉnh nguyện…) [7]

Đứng trước những sự kiện mang tầm vóc to lớn như thế, hỏi thử “Giải viết văn đường trường” của chúng ta nào làm được chuyện gì ? Có mang lại một lợi ích tích cực nào không hay cũng chỉ là những “hoài vọng khẩu khí” trước “cái nghèo cố cựu” như Cao Bá Quat thuở nào:

“Bài phú Dương Hùng dù nghiệm tá, thì xin tống bần quỷ ra đến miền Đông Hải, để ta đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài;
Câu văn Hàn Dũ phỏng thiêng chăng, thì xin tống cùng thần ra đến đất Côn Lôn, để ta gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú.” [8]

Trước khi nói đến “chuyện của mình”, chúng ta thử thoáng nhìn sang (tạm gọi là) “chợ trời văn chương đất nước”, coi thử “đắt hay rẻ”[9] ! Xin mượn bài viết “Văn chương Việt : kỳ vọng vào đâu” của tác giả Hoà Bình đăng trên trang mạng Lao Động ngày 27.02.2018 để hình dung:
“Đầu năm 2018, làng văn Việt chứng kiến sự thiếu về lượng và yếu về chất của các cuộc trao giải văn chương. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm qua thể hiện tính chất "ban phát" đến mức tác giả từ chối nhận giải; giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM thì có cả tác phẩm "vay mượn", có tác phẩm không phiếu và rất ít phiếu vẫn vào chung khảo. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, như nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thừa nhận là rất đáng buồn về chất lượng trong nhiều năm trở lại đây…” [10]

Mặt bằng chung của xã hội Việt nam về văn chương-văn học phản ảnh qua các “giải thưởng hàng năm” là như thế. Còn chúng ta thì sao. Với 6 năm hành trình, “Giải Viết Văn Đường Trường” đã thu lượm được những gì?

Thưa có đó. Ít nhất, về mặt tạo nên “nhịp cầu tham gia”, một nhân tố nền tảng trong nhịp sống đức tin của Hội Thánh. Nếu lần thứ 1 (2013) chỉ có 26 tác giả đến từ 13 giáo phận, thì sau đó 5 năm, lần thứ 5 đã có 99 tác giả tham gia đến từ 20 giáo phận. Chỉ một sự kiện nầy thôi cũng là niềm an ủi rất lớn dành cho ban Tổ Chức cũng như cho những ai thao thức với trách nhiệm mục vụ văn hoá của Hội Thánh Việt Nam.

Về mặt chất lượng, quả thật tôi không có khả năng để đọc hết và đọc tường tận các tác phẩm đạt giải được phát hành qua 6 tuyển tập; nhưng thông qua tên gọi của 6 chủ đề tuyển tập, chúng ta có thể một cách nào đó, mường tượng được chính nội dung và ý nghĩa sâu sắc cùng với những thao thức mục vụ được cưu mang trong đó. Tôi xin được mạo muội tóm tắt qua bài thơ sau đây:

Em như tiếng “CHUÔNG CHIỀU” vang khẽ,
Giọt ấm nào như “NẮNG MÙA ĐÔNG”.
Sỏi đá em qua “NGƯỜI GIEO HẠT”.
“ĐIỂM HẸN GIÊSU” mãi vun trồng.
Đừng quên “NHỮNG ĐỨA CON CỦA MẸ”,
“NGƯỜI VẼ HY VỌNG” có biết không ?
Dẫu biết bên đường hoa chưa nở [11],
Mùa xuân ta vẫn rộn trong lòng !

Và điều cuối cùng mà tôi muốn được chia sẻ trong bài nhận định tổng kết nầy đó là “cái nhỏ nhoi làm nên sự thánh thiện Kitô giáo” mà Đức Thánh Cha Phanxicô khơi gợi lên cho Dân Chúa trong những ngày nầy, đặc biệt nơi số 144 và 145 của tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate). Xin trích:
“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:
Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc bị mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.
Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm,, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hoá cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha…” [12]

Chúng ta lưu ý cụm từ của Đức Thánh Cha “những chi tiết nhỏ của tình yêu”; và đó là “tình yêu theo Đức Kitô”, tình yêu luôn mang dáng đứng của sự thánh thiện, hy sinh, quên mình; chứ không phải thứ “tình yêu bại hoại mang scandale” của một thành viên trong Ban Giám khảo và điều hành Giải Nobel văn chương, đến nổi đã làm cho “Giải Văn Chương danh tiếng nhất của thế giới năm 2018” phải đành dừng lại.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và cho công việc của chúng ta, qua việc tổng kết Giải Viết Văn Đường trường nầy, sẽ mở ra một con đường, một khát vọng không chỉ “vẽ lên niềm hy vọng” mà là “chứng nhân của hy vọng”, cho dù con đường tương lai đó, niềm hy vọng đó dẫu khó khăn như “đi lên mặt trăng” thì vẫn vừng niềm trông cậy.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền (nhà thơ Sơn Ca Linh)
Tổng đại diện Gp Qui Nhơn


[1] A. de RHODES, Divers voyages et missions, Paris, 1653, tr. 72: “ Pour moy je vous aduoũe quand je fus arriué à la Cochinchine, et que j’entendois parler les naturels du pas, particulierement les femmes; il me sembloit d’entendre gasouiller les oyseaux”.

[2] Lương Nguyên Hiền. Bài khảo luận “Chữ Quốc Ngữ nước ta từ Alexandre de Rhodes đến Trương Vĩnh Ký”. Nguồn : https://thuvienhoasen.org/a30249/chu-quoc-ngu-chu-nuoc-ta-tu-alexandre-de-rhodes-den-truong-vinh-ky

[3] Chữ Quốc Ngữ, tiếng Việt Nam, và Tu sĩ Alexandre de Rhodes, Mai Kim Định

[4] BAN BIÊN TẬP LỊCH SỬ GIÁO PHẬN. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb. Antôn & Đuốc Sáng, 2017. Tr. 96-97

[5] Ibid. Tr. 104-105.

[6] Tuyển tập các tác phẩm đạt giải “Viết văn đường trường” lần thứ I-2013. CHUÔNG CHIỀU, nxb. Hồng Đức, tr. 4

[7] Các linh mục đặc trách Ban Văn Hoá các giáo phận : Thư thỉnh nguyện về việc chăm sóc tiếng việt cho thanh thiếu niên và nhi đồng, viết ngày 21-23/9/2018 : “Thời gian gần đây đồng bào cả nước hoang mang và bức xúc trước những đề xuất cải cách có nguy cơ làm biến dạng chữ Quốc ngữ mà tiền nhân chúng ta đã dày công xây dựng 400 năm qua. Không riêng những cải cách chủ quan, chính văn minh kỹ thuật số (điện thoại cảm ứng, ngôn ngữ tin nhắn) đang khiến ngôn ngữ loài người bị thoái hóa….”

[8] Cao Bá Quát (1809-1855). Bài phú “TÀI TỬ ĐA CÙNG PHÚ”. Nguồn : Cao Bá Quát toàn tập (tập 1), Trung tâm Nghiên cứu quốc học, NXB Văn học, 2004

[9] Từ gợi ý của câu thơ “Văn chương hạ giới re như bèo” trong bài thơ “HẦU TRỜI” của thi sĩ Tản Đà.

[10] Hoà Bình. Bài viết : “Văn chương Việt : kỳ vọng vào đâu”. Nguồn : Trang mạng LAO ĐỘNG. Link : https://nld.com.vn/van-nghe/van-chuong-viet-ky-vong-vao-dau-20180226211433407.htm

[11] Theo ý câu : “Si la vie n’ est q’un passage, sur ce passage au moins semons des fleurs” của nhà văn Pháp Michel de Montaigne (1533-1592)

[12] ĐGH Phanxicô, tông huấn “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ”, bản dịch của ĐGM Gioan Đỗ Văn Ngân, Văn phòng HĐGMVN phát hành, nxb Tôn giáo 2018. Tr. 96-97

Nguồn: https://gpquinhon.org/q/van-hoa/con-duong-di-len-mat-trang-1357.html