Thương nhớ nhà báo Phêrô Võ Hồng Quỳnh

Quang X Nguyen


THƯƠNG NHỚ PETRUS VÕ HỒNG QUỲNH



Nhà báo Võ Hồng Quỳnh vừa giã từ cõi đời chỉ mới ở độ tuổi 52. Quỳnh là con của một bí thư tỉnh ủy ngoài miền Trung, và Quỳnh được xem là "cán bộ nguồn" để sắp xếp cất nhắc lên chức vụ cao hơn trưởng ban Chính trị - xã hội của báo Tuổi Trẻ...

Để rồi, thật bất ngờ, chẳng mấy ai biết Quỳnh đã lẳng lặng theo học giáo lý & Kinh thánh bởi các tu sĩ dòng Camillo (tu phục đính cây thánh giá đỏ), rồi Quỳnh theo Công giáo với tên thánh là Petrus (Phêrô).

Người làm nghề báo như Quỳnh hiếm gặp lắm, nói ít, cười rất hiền, nhưng trì chí tới cùng để lên tiếng cho người dân.


"Nước mắt Thủ Thiêm", Quỳnh là người lên tiếng đầu tiên về Thủ Thiêm đăng trên báo Tuổi Trẻ trước đây, nhưng chỉ đăng được 2 kỳ thì bị ngừng lại...

Nhà báo Cù Mai Công viết stt trên facebook: Quỳnh đã "vác Thánh giá theo chân Chúa".
Thánh lễ an táng Petrus Quỳnh vào 14g chủ nhật 30/9 tại Nhà thờ Antôn (quận 1). Thương lắm, một đồng nghiệp vô cùng đáng mến, đáng trọng.


Ngộ


Tin tốt lành nhất mà mình nhận được là bạn Võ Hồng Quỳnh trở thành người Thiên Chúa Giáo, đó là sự lựa chọn mang tính tâm linh và mặc khải của đấng thiêng liêng.

Linh hồn bạn chắc là đang vào cửa thiên đàng.
Cũng như bạn, vào những thời khắc khó khăn của cuộc đời mình đã hướng Phật.

Cũng như một người anh của mình, gọi là quyền uy tột đỉnh nhưng định mệnh giáng cho cơn bệnh ngặt nghèo, cái chết không đáng sợ bằng những ngày chờ đợi ngày nó đến.

Anh đã hành hương sang Bồ đề đạo tràng nơi Đức Phật giác ngộ, đê đầu vào bức tường nhân sinh, sau đó anh thong dong rời bỏ trần gian, bỏ lại những mưu toan kinh hồn chốn cung đình.




Anh là một nhà báo kỳ cựu của tờ TT và TN.
Gần đây anh vướng vào căn bệnh ung thư, chữa trị nhiều nơi trong và ngoài nước, tháng trước anh gọi và bảo,
Anh muốn tìm hiểu và gia nhập đạo Công Giáo, Long giúp anh tìm hiểu về đạo nhé.

Vài tuần học giáo lý trên giường bệnh, anh đã được rửa tội và nhận thánh quan thầy là Phêro, anh mừng lắm và nhắn tin xin chuỗi tràng hạt có cây Thánh Giá đỏ của dòng Camillo để đọc kinh mỗi tối, Anh Chau Micae liền tháo dây chuỗi đang đeo nhờ người đem vô bệnh viện cho anh.

Tuần trước anh nhắn, Long rảnh vô bệnh viện chơi với anh nhé.
Em hứa cuối tuần này em vô, anh ráng nghĩ ngơi cho khỏe.
Vậy mà chiều nay đã nhận tin anh ra đi rồi.
Anh yên nghỉ trong Chúa nhé, xin Chúa xót thương linh hồn Phêrô Võ Hồng Quỳnh.
Amen.


Vĩnh biệt nhé, Hồng Quỳnh ơi!




Anh Võ Hồng Quỳnh trong một chuyến công tác tại Mỹ cùng hai đồng nghiệp là nhà báo Nguyễn Tường Minh và Võ Đức Phúc.

(NTD) - Là một nhà báo chuyên viết ở lĩnh vực nội chính, mà dấu ấn năng lực khiến mọi người biết đến anh từ khi còn làm ở Báo Tuổi Trẻ. Một thời gian làm tại Báo Thanh Niên ở cương vị là thư ký tòa soạn trước khi định mệnh dẫn dắt anh về với Báo Người Tiêu Dùng. Chiếc ghế đang ngồi chưa kịp mỏi lưng thì anh đã bỏ nó mà đi mất.

Ngồi duyệt những trang báo viết để tiễn biệt anh mà cứ ao ước rằng, lẽ ra người duyệt phải là anh, như cái công việc hàng ngày anh vẫn làm. Chưa bao giờ thấy tòa soạn phủ trùm một khoảng lặng buồn đau như lúc này.

Bàn làm việc của anh chiều nay lạnh ngắt. Dường như ai đó đã lấy hết những vật dụng hàng ngày anh vẫn dùng duyệt bài để đưa nó vào linh cửu vĩnh hằng - chiếc quan tài đưa anh về với Chúa. Chỉ còn duy nhất chiếc bảng đề chức danh “Phó tổng Thư ký tòa soạn” anh để lại như một kỷ vật mà Báo Người Tiêu Dùng đang đau vì khuyết anh.

Nhưng dẫu có nhắm mắt lại ngàn lần, cũng nhìn thấy bóng dáng anh ngồi ở một tâm thế trong công việc đầy trách nhiệm với từng bản bông. Thi thoảng mới thấy anh nở nụ cười buồn, như cành khô quắt lại rớt xuống từng trang báo. Bệnh tật hiểm nghèo đã tiễn anh về với đất trời, bỏ lại niềm đau vô hạn cho gia đình vợ con và bạn bè, đồng nghiệp.

Là một nhà báo chuyên viết ở lĩnh vực nội chính, mà dấu ấn năng lực khiến mọi người biết đến anh từ khi còn làm ở Báo Tuổi Trẻ. Một thời gian làm tại Báo Thanh Niên ở cương vị là thư ký tòa soạn trước khi định mệnh dẫn dắt anh về với Báo Người Tiêu Dùng. Chiếc ghế đang ngồi chưa kịp mỏi lưng thì anh đã bỏ nó mà đi mất.

Nhưng không phải định mệnh đó đã dẫn dắt vô tình. Anh từng chia sẻ rằng: “Khi mình chia tay những tờ báo lớn để về một tờ báo nhỏ, có không ít bạn bè, đồng nghiệp giận, buồn, có người ngạc nhiên, bất ngờ…Nhưng đó là sự lựa chọn của mình, một sự lựa chọn đôi khi không tính trước, mà chỉ có bản thân mình mới hiểu được mình. Và ở đây, mình đã gặp lại cái thời làm báo sôi nổi, máu lửa, dấn thân của những ngày còn trẻ. Ở đây, mọi thứ còn rất khó khăn, nhưng nó giống như cái thời nghèo khó trước đây – mình đã chứng kiến những phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê, sẵn sàng lao vào những đề tài khó. Từ vụ điều tra độc quyền bán tài sản công đất Phước Kiển (Nhà Bè) đến vụ Bệnh viện Mắt bán vé số và giờ đây là phóng sự điều tra nhiều kỳ “nhức nhối đông dược làm từ rác thuốc Trung Quốc” đang tràn vào Việt Nam, mình thật sự tìm lại niềm vui nghề nghiệp. Cái nghề mà có lúc quá chán nản mình đã muốn bỏ nó đi để làm một nghề khác thong dong hơn. Một tờ báo nhỏ sẽ không “nhỏ” nữa khi sứ mệnh cuối cùng của nó là đấu tranh cho sự thật. Đó cũng chính là sứ mệnh của mỗi nhà báo!”.

Đúng là anh từng bảo rằng, kiếp sau sẽ không làm báo nữa. Làm cái nghề quái quỷ gì mà đến chết chỉ mới mua nổi nửa căn nhà cho vợ con. Nhưng anh là người sống rất lạc quan, ngay cả khi đang vật lộn với nỗi đau trong cơ thể mình và luôn làm những điều tốt nhất cho vợ con. Anh bảo rằng, làm cái nghề gì mà thiên hạ cứ ngỡ anh giàu có lắm. Nhưng đến khi chết rồi, bạn bè, đồng nghiệp mới thấy sốc. Không ai nghĩ anh khó khăn, ngụp lặn trong nỗi buồn nhiều như vậy.

Giờ mọi thứ cũng đều phù du hết rồi. Chỉ nghĩa tình thì mãi vẫn còn ở lại. Như Đức Cha đã nói tại lễ đưa chân tiễn biệt anh về với Chúa. Thân xác anh sẽ về với cát bụi, đất trời rộng bao la nhưng tình thương của vợ con, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp thì luôn ở bên anh. Không có giọt nước mắt nào làm tan chảy hết nỗi đau trong lúc này.




NHÀ BÁO VÕ HỒNG QUỲNH: MỘT ĐỜI NHÂN LÀNH ĐÃ VỀ CHỐN NGHỈ TRONG VÒNG TAY ANH EM DÒNG KHÓ NGHÈO CAMILLO


Quỳnh làm báo mấy chục năm, viết mảng thời sự điều tra với những bài báo chấn động nhưng sao mà hiền lành quá đỗi. Lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ, cả trong tranh cãi lẫn khi bị kỷ luật oan ức trong nghiệp báo, đều với một nụ cười hiền, chấp nhận.

"Không than, không sầu..."; cay đắng lắm thì chỉ một nụ cười nhạt với cuộc đời.

Từ báo Phụ Nữ, Quỳnh về Tuổi Trẻ, và đây là thời gian Quỳnh phát triển tài năng mạnh mẽ nhất, lâu nhất, nhiều giải thưởng báo chí nhất. Nhưng đây cũng là thời gian Quỳnh nhận những án phạt cay đắng nhất từ trên, trong hoạt động báo chí.

Rồi Quỳnh về Thanh Niên, về Người Tiêu Dùng, mỗi nơi vài năm. Ở đâu Quỳnh cũng sống hiền lành nhưng hết lòng với sự thật cuộc sống.

Nhiều bài điều tra Quỳnh viết gây chấn động dư luận, và khi Quỳnh cùng Lê Anh Đủ, Quốc Thanh đi tìm hiểu về "nước mắt Thủ Thiêm" từ 2007 và nhận ra ngay từ lúc đó những oan khuất của bà con nơi đây.

Loạt bài nhiều kỳ đầu tiên của làng báo VN về Thủ Thiêm đã lên báo Tuổi Trẻ đầu tiên. Nhưng tiếc thay, loạt bài này chỉ lên được 2 kỳ, ngày 23 và 24-10-2007 (sau đó phải ngưng 3, 4 kỳ sau do nhiều lý do).

Hai bài đã đăng 11 năm trước, nêu câu hỏi "TP.HCM làm khác quyết định của Chính phủ?" về các vụ việc tái định cư cho bà con Thủ Thiêm với nhiều vấn đề "động trời", như khu tái định cư 160 ha, hoàn toàn chính xác với kết quả thanh tra của chính phủ vừa qua.

Khi về Người Tiêu Dùng, Quỳnh vẫn không nguôi những giọt nước mắt đó với hàng loạt bài viết trên báo Người Tiêu Dùng với những nhân vật liên quan... Rồi mới đây là loạt bài công ty Tân Thuận bán đất cho Quốc Cường - Gia Lai rúng động dư luận.

Ít ai biết ba Quỳnh vốn là Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình và Quỳnh vô Đảng từ hồi sinh viên. Dù vậy, Quỳnh là một nhà báo thật sự không ham quyền lực, chức tước và chưa bao giờ lớn tiếng với anh em cấp dưới hay đồng nghiệp. Khi bị kỷ luật trong nghề báo, Quỳnh ngồi ở bàn biên tập, im lặng, cặm cụi với công việc suốt cả tuần liền, vậy thôi. Ai chia sẻ gì cũng chỉ cười rất hiền...

Quỳnh và anh em biết Quỳnh vướng vào K những ngày cuối Quỳnh làm ở TT. Nhưng Quỳnh không bao giờ than thở với anh em, lẳng lặng chịu đựng những cơn đau khi cơ thể gầy rộc đi và luôn tỏ vẻ lạc quan để anh em xung quanh, đồng nghiệp yên tâm về mình.

Và cũng ít ai ngờ sau những giờ phút chăm lo thật sự, hết lòng cho công việc nghề báo, Quỳnh lặng lẽ tìm hiểu về tôn giáo - như một chốn bình yên cho lòng mình.

Nguyễn Long, một người em của Quỳnh chia sẻ: "Anh là một nhà báo kỳ cựu của tờ TT và TN. Gần đây anh vướng vào căn bệnh ung thư, chữa trị nhiều nơi trong và ngoài nước, tháng trước anh gọi và bảo: Anh muốn tìm hiểu và gia nhập đạo Công Giáo, Long giúp anh tìm hiểu về đạo nhé.

Vài tuần học giáo lý trên giường bệnh, anh đã được rửa tội và nhận thánh quan thầy là Phêrô (Petrus). Anh mừng lắm và nhắn tin xin chuỗi tràng hạt có cây Thánh giá đỏ của dòng Camillo để đọc kinh mỗi tối, Anh Chau Micae liền tháo dây chuỗi đang đeo nhờ người đem vô bệnh viện cho anh".


Quỳnh chắc chắn không phải là típ người có quyết định vội vã. Hung Khanh, một người bạn của Quỳnh bên Mỹ cho biết: "Một năm trước, Q. đến Mỹ và có ghé lại thăm mình, rồi đi ăn trưa với nhau. Trong lúc nói chuyện, Q. có một lần nhắc về đạo và giáo lý. Vì biết gốc gác của Q. nên mình thú thật không chú ý lắm ý này. Mình cũng không biết Q. bị K. Thật đáng tiếc, nếu biết được Q đang bị bệnh thì mình đã làm điều gì đó để đưa Q. đến với Chúa sớm hơn!".

Dòng Camillo của Công giáo là dòng anh em khó nghèo, đeo Thánh giá màu đỏ, hoạt động chăm sóc các bệnh nhân theo linh đạo: "Chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình khi bị đau yếu”.

Có lẽ những ngày cuối Quỳnh đã nhận được sự chăm sóc, chia sẻ yêu thương gần gũi không vụ lợi này của anh em dòng Camillo. Còn gì hạnh phúc hơn khi được sống trong vòng tay yêu thương, chia sẻ - sau khi Quỳnh đã "vác Thánh giá theo chân Chúa" và giờ đã được Chúa gọi về chốn nghỉ ngơi hưởng Nhan thánh Chúa.

"Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời"!

Kính mong cha Đinh Quốc Dũng, linh mục giảng dạy thần học và triết dòng Vinh Sơn, người bạn thân thiết gần 30 năm của mình hiệp thông lời cầu khẩn, dâng Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn một nhà báo nhân lành khi Chúa gọi về!

"Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn Phêrô được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen" (Kinh cầu các linh hồn)...

fb Cù Mai Công