Về lại mái nhà xưa

Quang X Nguyen
hình minh họa

Những mái nhà tan nát của những năm chiến tranh xưa rất xưa, thế hệ con cháu hôm nay làm sao hình dung nổi: khi những con đường chỉ là những bờ ruộng lớn, những ngôi nhà tranh vách đất nghiêng ngả; người nông dân bấy giờ một nắng hai sương trong cảnh loạn lạc, vừa làm vừa chạy giặc, làm cật lực mà vẫn không thoát khỏi đói rách. Trong cảnh nghèo khó, có một gia đình đang ấm êm, đói no gian khổ có nhau, thì vào một đêm tối trời, ngọn lửa oan nghiệt đã thiêu rụi căn nhà cùng với vợ con, sót lại mỗi người chồng tay trắng, cô đơn, lang bạt. Thế nhưng khi bước chân con người trở nên vô định thì từ trời cao, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho người chốn nương thân. Anh cứ đi, để cuối cùng dừng bước ngay cổng nhà thờ. Nơi đây Hội Thánh dang rộng vòng tay đón anh, cha xứ đã cho anh ở lại nhà thờ để lo kéo chuông và chăm sóc sân vườn.

Bàn tay Chúa hiển hiện khi anh cúi đầu lãnh nhận bí tích rửa tội. Thiên Chúa đã chờ đợi anh ngay nơi dòng nước thanh tẩy để ấp ủ anh trong tình yêu ngàn đời, để từ đây, anh có làm gì hay đi bất cứ nơi đâu, thì cũng không ngoài vòng tay Thiên Chúa.

Thế rồi một ngày, các anh em họ hàng đến bắt anh phải về lại làng để cưới vợ sinh con cho dòng tộc. Và bước chân lưu lạc năm nào nay đã có gia đình, sinh được một cậu con trai và 1 cô con gái. Đây cũng là gia đình công giáo đầu tiên của làng. Lòng tốt bén rễ và lan tỏa, từ mái nhà của anh, ngôi làng lương dân đã trở thành xóm đạo với 40 gia đình. Suốt những năm đói khát, cha xứ Bắc Ninh bấy giờ là cha Tân, người I-Pha-Nho thường cho người đem gạo tới phụ giúp bà con.


Xóm đạo, theo dòng thời gian, trải qua biến cố 1954, số di cư vào Nam. Số còn lại không nhà thờ, cũng không cha xứ, nghĩa là chẳng được ai dạy dỗ, và cũng đã tan tác theo năm tháng, chỉ còn lại gia đình đầu tiên vẫn vững vàng. Chàng trai vô gia cư năm nào bước qua tuổi già, và vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi trên 80. Trước khi nhắm mắt, ông cụ chỉ có một mối lo là con cái tiếp tục giữ đạo. Cụ đã cầm tay ông con cả nhắn nhủ : “Con ơi, áo rách có mụn, con nhé”. Thật vậy, tấm áo đạo Chúa cụ mang cho tới hôm nay chỉ là mấy câu bổn thưa với một ít kinh quen thuộc, tấm áo cụ trao cho các con cũng chỉ nhiêu đó. Nhưng áo rách lấy lề, cô con gái theo chồng làng bên là trùm họ, còn ông con trai đang ở cạnh cụ đây vẫn một lòng tin yêu chân thành.

Có lẽ cuộc sống của “cụ ông“ không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng bất chấp tất cả những sai sót và những yếu đuối của mình, cụ vẫn tiến về phía trước và làm hài lòng Thiên Chúa (GE 1). Đường về quê trời của cụ, bước đi giữa yếu đuối của mình, ai chẳng thế, nhưng đứng vững vì luôn biết dựa cậy vào sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa. Nhận rõ điều này, lời cuối cùng để lại cho con cháu là : “Áo rách vẫn còn có mụn, con nhé“. Tấm áo suốt đời cụ mang chẳng có gì để khoe ngoài tấm thân đơn nghèo trước Thiên Chúa và mọi người, nhưng lại diễn ra theo đúng ước mơ của Thiên Chúa dành cho cụ : một đời hoàn toàn buông mình trong tay Chúa, để đến giây phút cuối đời, cụ reo vui trong vòng tay yêu thương của Đấng đã suốt đời chăm sóc, chở che.

Mái nhà xưa nay còn đây, nhà người con cả. Sinh năm 1933, cụ Giải, nay cũng đã già lắm rồi, nhưng trông lanh lẹ, mạnh khỏe, phải cái tai hơi nặng. Vì thế khó hỏi chuyện lắm. Để mọi người biết rằng tuy gia đình theo đạo nhưng vẫn một lòng hiếu thảo, cụ đã cho lập bàn thờ tổ trên là bức hoành ghi 4 chữ : GỐC TỐT CÀNH ĐẸP, giữa là di ảnh của cụ cố, hai bên có 4 bức liễn ghi lại dấu ấn của gia đình qua bao năm tháng.

Giữ đúng lời trăn trối của cha, cụ luôn hướng về đời sau là nơi cha con sẽ sum vầy bên Chúa. Thời trai trẻ cụ có tài ăn nói, 23 năm trời làm việc ở phòng thông tin văn hóa xã. Tuy nhiên cụ chẳng màng công danh hay lo tiến thân theo thói đời, mấy lần được mời vào đảng, cụ luôn từ chối, vì một khi đã theo Giêsu, vị vua của một vương quốc không thuộc thế gian này, thì làm sao có thể chạy theo thế gian không biết đến thần linh, lại còn duy vật nữa.

Mái nhà xưa, mái nhà cuộc đời cụ cố đã trải qua cho tới con cháu hôm nay, một lòng kính sợ Thiên Chúa. Để bày tỏ niềm kính tôn này, cụ cho lập bàn thờ Chúa ở gian chính trên lầu, nơi đây cha xứ hằng năm có thể đến dâng lễ khi có dịp thuận lợi. Thực ra, giữa một vùng đất mênh mông ngoại giáo mà chỉ có gia đình nhà cụ thì chẳng được mấy người. Thế nhưng giữa vùng đất ngoại giáo mà lại có mấy gia đình ngày đêm cất lên lời khẩn nguyện thì Thiên Chúa hiện diện, xót thương và ấp ủ cả làng trong vòng tay từ ái của Người.

Nhìn lên bàn thờ tổ với 4 chữ “Gốc tốt cành đẹp“, mọi người đọc thấy ở đây lòng biết ơn của con cháu với cụ cố, cùng với niềm ao ước của gia đình hôm nay và trước tương lai. Thế nhưng, nếu các cành vươn ra từ gốc là cụ cố tới nhánh đầu tiên là cụ Giải xem ra tuyệt hảo, thì tới các con của cụ có phần yếu ớt. Gia đình cụ có 6 người con, 2 trai và 4 gái. Ông anh cả mang dáng kẻ cả, đã 65 tuổi, có nhiệm vụ giữ lửa và chuyền lửa cho con cháu, nhưng kinh bổn không thuộc, thì làm sao có thể nuôi dạy con cháu lớn lên trong niềm kính sợ Thiên Chúa được, cũng khó gây nên được mối dây hiệp nhất giữa anh em. Hôm nay ông cụ còn sống, còn là điểm tựa và là nơi qui tụ con cháu, mai đây khi cụ nằm xuống, mái nhà này với truyền thống đạo từ cụ cố sẽ ra sao?

Khi được hỏi về các con, ông cụ trả lời : “cha sinh con, trời sinh tánh“, nhưng theo thời gian, con cái va chạm trường đời, nếu không khôn khéo sẽ để “đời sinh tánh“ thì mái nhà xưa yêu dấu sẽ đầy cỏ dại. Dù sao thì hai người con gái lấy chồng làng bên đều là những chức việc trong xứ đạo. Cụ ơi, cụ phải làm gì và có thể làm gì khi tuổi đời đang khép dần lại?

Đi gần trọn đường đời mà vẫn vẹn tình vẹn nghĩa, gốc tốt cho cành đẹp là thế. Những năm tháng trai trẻ, trong một đất nước chiến tranh loạn lạc, thân thể cụ đầy thương tích, mảnh đạn cuối cùng mới được giải phẫu gắp ra cách đây mấy năm, vậy mà cụ vẫn sống khỏe tới hôm nay, tuổi 84. Nét đẹp sáng ngời nơi khuôn mặt cụ là kinh nghiệm bản thân về sức mạnh của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Về lại mái nhà xưa, về với truyền thống và đường nẻo đã được khai mở từ cụ cố, đây là tiếng của cha ông gọi con cháu, tiếng gọi của dòng tộc nhà ta suốt đời, tin tưởng, phó thác và dìm mình trong ước mơ ngàn đời của Thiên Chúa, Đấng yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một.

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!!!

MM Tân, SJ.
Nguồn: https://dongten.net/2018/07/05/ve-lai-mai-nha-xua/