Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX Nguyễn Văn Thuận - Phần 2

Quang X Nguyen

CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN VÀO NƯỚC CHÚA QUA CÂY CẦU HỒNG Y FX NGUYỄN VĂN THUẬN - Phần 2


Trong thời gian đấy, cục tôi, do ông Hoàn Thành cục trưởng, ông Lam trưởng phòng Tôn giáo có trách nhiệm quản thúc Đức cha Nguyễn Văn Thuận tại số nhà 23 phố Hòa Mã. Sau mười năm công tác, tôi đã trở thành một cán bộ cốt cán nằm trong chỉ tiêu được nâng lên cao hơn, khi các ông cục trưởng và trưởng phòng hỏi tôi về nguyện vọng, tôi đã trả lời: “Thưa các thủ trưởng, hiện nay tôi đã hoàn thành chương trình học tiếng Anh khóa buổi tối, nay tôi theo học trình độ C tiếng Pháp. Vậy nguyện vọng của tôi chỉ mong được hàng tuần gặp Đức cha Nguyễn Văn Thuận để tập nói tiếng Pháp”. Với tổ chức, nguyện vọng đó khá giản dị, vì tôi không đòi thăng quan, tiến chức mà chỉ đòi học. Thế là tôi được cấp cục và cấp phòng đồng ý cho gặp Đức Đức cha và tất nhiên tôi được ông trưởng phòng sửa soạn cho lập trường tư tưởng, làm sao không để “đối tượng” cảm hóa ngược.


Vào một chiều đầu năm 1987 tôi đến số nhà 23 phố Hòa Mã. Đó là một ngôi nhà so với điều kiện của người Việt thời đó, có thể nói là trên cả tiêu chuẩn của thủ trưởng. Ngôi nhà kiểu Pháp, mặt tiền khoảng 6 mét, phía dưới có hai phòng. Phòng ngoài để Đức cha ăn uống và sinh hoạt. Qua phần cầu thang đến phòng thứ hai để cho hai cán bộ thường trực ở đó quản lý Ngài. Hai phòng trên gác, phòng phía ngoài với một mảnh tre màu xanh che phía trước dành cho Đức cha ở, còn phòng thứ hai, có kê bàn ghế kiểu văn phòng giành cho lãnh đạo cục phòng, đôi khi chỉ lãnh đạo Bộ làm việc với Đức cha.

Khi tôi ra, ngay cái nhìn đâu tiên chúng tôi đã mến nhau. Tôi thì đã biết khá kỹ về Ngài, cùng danh tiếng của Ngài, còn Ngài thì chí ít cần một người đối thoại, để cho vơi bớt cô đơn. Hôm thứ nhất Ngài còn hỏi tôi: “Nhà này thuộc phố nào?” Tôi không trả lời! Và tôi giữ nguyên tắc đó từ đầu đến cuối, nghĩa là tôi có thể rất chân tình với Ngài về phần con người, rất thành thật với Ngài trong các cuộc trao đổi, hỏi Ngài về các nhãn quan chính trị, xã hội hay tôn giáo, nhưng không đánh mất vai trò của một cán bộ có chức năng chuyên môn.

Hôm sau, Ngài dẫn tôi vào thăm phòng Ngài. Ngài chỉ qua cửa sổ của lớp mành che nói rằng, phía bên kia đường phố chủ nhật nào cũng có các bà mặc áo dài đi lễ. Và Ngài nói, tôi có thể nhìn rõ biển quảng cáo trên các hiệu may để biết đây là phố nào.

Rồi sau hai giờ tập nói tiếng Pháp với Ngài, qua các cuộc trao đổi về mọi lĩnh vực, tôi có ra tận nơi Ngài tự nấu bếp ăn. Ở phía sau tầng trệt. Ngài chỉ ra phía cổng sau, nơi có chiếc loa phóng thanh và nói: “Hỏi để thử anh Đức vậy thôi, còn sáng nào chiếc loa kia chẳng mở đầu bằng câu 'Đây là phường Hòa Mã' ”… đó là những kỹ niệm làm quen đầu tiên của tôi nói với Đức cha.

Trong thời gian đó, để chống lại nỗi cô đơn không được làm phụng vụ, Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận soạn và viết khá nhiều sách, như cuốn từ điển tám thứ tiếng, sách học tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, Ngài viết sách và làm bìa bọc bằng các túi nilon đựng thực phẩm. Ngài tặng tôi một cuốn Lexikon. Từ vựng tiếng Đức – Anh – Pháp – Việt (cùng gốc – đồng nghĩa), học bằng bìa Osuimono – một thứ gia vị của Nhật Bản, với hàng chữ: “Avec mes meilleurs souhaits et mes sincères felicitations pour vos succcès en Frangais et en Anglais”, Hà Nội, 24, Avrie 1988.


Ngài còn tặng tôi cuốn sách học tiếng Đức “L ‘Allemand sán peine” của tác giả A Chérel được bọc trong chiếc bìa cứng cùng khổ của một cuốn sách phụng vụ khác có tên là “Lé Actes du concile, Vatican II texts intégrou” Với hàng chữ đề tặng “Affeclueuse Souvenir, Hà Nội 20 –x-1988). Ngoài ra cho đến giờ tôi vẫn còn áy náy và ân hận, đó là việc mượn cuốn từ điển tám thứ tiếng tự soạn bằng chữ viết tay của Ngài về để nhờ anh bạn cùng lớp photocopy, nhưng anh này đã làm thất lạc mất sách của Ngài. Thật là một sự cẩu thả làm phí phạm bao công sức của Ngài. Tôi đã xin lỗi Ngài nhiều lần về việc này.

Hồi đó tôi cũng đọc một số trang Kinh Thánh và cùng đọc sách Kinh Phật, so sánh tôi thấy Đức Phật nói nhiều vấn đề khúc triết, trái lại Chúa Giê-su thì nói những điều khá bình dị.

Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận từ tốn trả lời:"Đức Phật nói khúc triết vì Ngài nói như một nhà triết học, một nhà thần học. Trong khi đó, Chúa Giê-su nói cách giản dị vì Ngài là Chúa tể tạo ra trời đất, Ngài ở trên mọi người, và Ngài nói cách giản dị để mọi người thực hiện. Lời Chúa là bản chất của vũ trụ từ trong Ngài đi ra nên mạch lạc và giản dị, vì Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ hiểu thấu mọi việc Ngài làm. Trái lại Đức Phật tìm cách kiến giải vũ trụ bằng sự giác ngộ của Ngài, vì vậy Ngài phải dùng lời khúc triết."

Nghe xong sự giải thích của Đức cha, tôi thấy sự sáng tỏ, tôi bị chinh phục hoàn toàn chẳng hỏi thăm gì nữa.

Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận là người lúc nào cũng bày tỏ sự chân tình, kiên nhẫn và lạc quan. Hầu như lúc nào Ngài cũng hát, lúc xách một phích nước lên gác Ngài hát tranh thủ thời gian của vài bước chân, lúc nhặt rau Ngài hát tranh thủ một thời gian của một xoong nước bé tý bốc hơi, những bài ngài hát toàn là những thánh ca. Ngài có rất nhiều chuyện tiếu lâm, đời có, đạo có, và mỗi khi có dịp ngài lại kể ngay một chuyện. Mọi người ở quanh ngại đều thường bị tính tình, cách sống, trí tuệ uyên bác, Đức tin sâu thẳm của ngài cảm hóa. Riêng tôi, bị thấm nhiều ngài nhanh đến mức, chỉ sau vài lần tiếp xúc với ngài, khi tôi đến nhà vợ của chú em út, thì cô em dâu dù rất xa lạ với Đức tin Ki-tô giáo, đã sững sờ thốt lên: "Anh Đức trông giống cha Đạo quá!".

Tôi ngắm lại mình, và tự hỏi, có lẽ ánh mắt mình đã xa hơn, sâu hơn, bao dung hơn, còn phong thái thì nho nhã đĩnh đạc hơn chăng mà "lật trang" thành một người khác hẳn? Và tôi hiểu tất cả ảnh hưởng vừa nhanh-vừa mạnh-vừa sâu đó được bắt nguồn từ Đức cha Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

(Còn tiếp)