Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX Nguyễn Văn Thuận - Phần 3

Quang X Nguyen

CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN VÀO NƯỚC CHÚA QUA CÂY CẦU HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN - phần 3


Đức cha hay kể cho tôi nghe và xem ảnh cha-mẹ của ngài đang ở bên Úc. Ngài kể, vào mỗi dịp xuân về là lòng ngài cồn cào nhiều nhất về nỗi nhớ cha mẹ. Trước giao thừa, ngài thường soi gương để xem khu ấn đường trên mặt có vết đen không. Ngài bảo, theo tướng mạo của người Hoa thì khu đó thường biểu hiện cho cha mẹ, khu đó sáng sủa thì cha mẹ vẫn tốt, còn vết đen thì cha mẹ gặp chuyện chẳng lành. Và trước tết âm lịch năm 1988, ngài yêu cầu tôi, ngày tết hãy dẫn đứa con trai của tôi tới, để ngài được sống trong tình thương của những đứa trẻ vô tư.

Cơ quan tôi, ai cũng ngại trực đêm ba mươi tết, họ liền bảo tôi: "Đức cha Thuận quý thằng Đức nhất nên cho nó trực đêm ba mươi để hai thầy trò tâm sự". Tôi vui vẻ nhận lời trực đêm ba mươi. Đức cha có đưa tôi ít tiền mua thức ăn để hai thầy trò nhắm rượu đón giao thừa. Đêm đó, ngài lại nói nhiều về cha mẹ. Ngài thường nói một câu của Khổng Tử, đại ý rằng: Mỗi mùa xuân đến tôi vui vì cha mẹ đã thọ thêm một tuổi, và cũng buồn vì cha mẹ đã già đã yếu thêm một tuổi.


Đức cha còn cho tôi xem một lá thư của một người tên là Vinh thì phải. Ông Vinh tuổi đã khá cao, là một phạm nhân phạm tội về kinh tế, một người trong thời gian dài được đưa vào tiếp cận để theo dõi Đức cha. Nhưng rút cục cảm phục trước tài cao-đức trọng, Đức tin-nghĩa khí và sự ân cần của Đức cha, mà ông đã thổ lộ với Đức cha công việc theo dõi của mình. Sau khi mãn hạn giam giữ, ông Vinh trở về nhà, đã rửa tội, trở thành con cái Chúa. Và gửi thư cám ơn Đức cha hết lời về lòng tốt của ngài đã nâng đỡ ông, và sự giúp đỡ tài chính của ngài đã giúp ông xây được ngôi nhà.

Hết ca trực, sáng mồng một tết tôi về nhà, sau đó có dẫn con trai tôi là Nguyễn Hoàng Minh lên chào chúc tết Đức cha. Đến nơi, bố con tôi gặp anh Thanh phó phòng cùng vài cán bộ nữa đi đến đó. Sau đó anh Thanh có trách tôi vi phạm nguyên tắc, đem người nhà, là trẻ con đến một nơi quan trọng như vậy. Nhưng vì tôi đã chủ định giành cho Đức cha một cơ hội tình cảm nhân dịp năm mới, nên chẳng thấy tiếc gì, cho dù có bị khiển trách hay kỷ luật.

Khoảng cuối năm 1987, Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận có đọc và mời tôi góp ý cho đơn kiến nghị ngài gửi lên chính phủ xin được trả lại tự do và làm mục vụ. Trong đơn, theo trí nhớ của tôi có ba phần chính:

1- Quá trình và chức năng phụng vụ của ngài cho giáo hội Việt Nam.

2- Ngài xin được tự do để làm mục vụ, dù làm ở bất cứ đâu, trại hủi Quy Nhơn cũng được.

3- Ngài trình những khúc mắc của ngài trong vai trò là một công dân, muốn giải bày và làm sáng tỏ các việc làm của ngài trước luật pháp cũng như lề luật hành chính của nhà nước.

Đơn của Đức cha viết khá dài, tỉ mỉ và chu đáo về mọi đằng. Nghe xong, tôi chỉ góp ý với ngài: "Đây là lá đơn gửi lên chính phủ chứ không phải giáo hội, vì thế ông nên đưa phần con người công dân lên đầu". Đức cha là người có tinh thần khiêm tốn và cầu thị, Đức cha đồng ý với ý kiến của tôi. Đức cha đã viết lại đơn kiến nghị theo trình tự mới, lần sau ngài đọc lại cho tôi nghe, rồi mới gửi cho các ông lãnh đạo. Trong thân tâm, kỳ thực tôi cũng thấy tự hào về việc này, vì Đức cha là người uyên bác đến vậy, mà ý kiến của tôi vẫn được ngài chấp nhận, và đắc dụng cho ngài. Đơn kiến nghị gửi lên trên, khoảng một tháng sau thì có những tín hiệu sáng sủa và tích cực.
Một hôm, Đức cha còn dẫn tôi sang phòng ngài, khoe tôi một đôi giày da đen từ Úc đại nội gửi sang, ngài nói "khi được tự do ngài sẽ xỏ đôi giày đó". Ngài nói và khoe đôi giày trong ánh mắt vui vẻ hồn nhiên đến kỳ lạ. Hồn nhiên như một đứa trẻ được mút một que kem. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, về một con người uyên bác chẳng thiếu thứ gì lại có thể có niềm vui về một đôi giày như vậy. Ngài hiểu liền và bảo: "Trong cuộc sống nên biết kiếm niềm vui trong cả những điều nhỏ nhất. C'est la vie!"

Trước khi Đức cha được tha, ngài ghi địa chỉ nhà tôi ở khu tập thể trường Trung cấp y tế Phúc Xa Hà Nội. Rồi cuối năm 1988, sau khi được tha, ngài đến thăm nhà tôi ba lần. Lần đầu tiên đến cùng cha Thomas Nguyễn Xuân Thủy. Lần hai đi cùng thầy Giu-se Nguyễn Quốc Hùng, người gọi ngài là ông cách rất trìu mến và hướng dẫn đi theo con đường của đức tin đến độ xin vào học Chủng viện Hà Nội để phụng sự Chúa, và sắp thụ phong linh mục. Lần ba, Đức cha tự đi xe đạp đến một mình. Lần nào cũng vậy, sau khi Đức cha về, khu tập thể của tôi cũng xôn xao, họ nói: "cái ông già đến nhà anh Đức làm gì mà vừa đẹp, vừa hiền hậu, mà vừa có uy đến vậy?!" Mọi người hỏi vì suy diễn rằng, Đức cha đi xe đạp chắc không phải người có chức quyền, nhưng sao trông ngài lại có uy đức đến vậy!

Chân dung tác giả

Paul Nguyễn Hoàng Đức
(Còn phần cuối)