Truyện ngắn: Hoàng Lan tự sự

Quang X Nguyen

HOÀNG LAN TỰ SỰ

Hình minh họa (Phim Phận Làm Dâu)


1. Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy

Huy bị xe đụng, phải đi cấp cứu. Cả thời gian cấp cứu, phẫu thuật và hậu phẫu có đến cả tháng trời. Cả tháng anh hôn mê sâu, bất tỉnh nhân sự. Ăn, mặc, tắm, rửa, lau, chùi, giặt giũ, giường cứt chiếu đái cho anh, một mình tôi lo hết. Anh là con một, chỉ còn cha mẹ già, nên tôi nghiễm nhiên trở thành điều dưỡng riêng, một thứ ô sin không công cho anh. Được cái “yêu nhau trăm sự chẳng nề”, nên tôi “chẳng nề” chi hết. Nhất là một lần trong cơn mê sảng, anh quờ quạng cầm lấy tay tôi: “Hoàng Lan ơi! Anh nhớ em lắm, người yêu lý tưởng, người tình tuyệt vời của anh”. Một lần, phải, chỉ một lần ấy thôi, một câu nói thôi, từ trong vô thức của anh, đủ để tôi sẵn lòng hy sinh cả cuộc đời cho anh, chết cho anh còn được nữa kìa.


Vậy mà khi anh hồi phục, chúng tôi muốn tiến tới hôn nhân thì mẹ tôi chê sau lưng thôi rằng bố mẹ anh biển lận, trùm sò, buôn gian bán dối, phất lên từ tiền vàng lừa gạt thuở vượt biên, tuy giàu có nhưng chỉ là trọc phú, có đổi cả cơ nghiệp lấy ba mươi phút cầm viên phấn dạy dỗ thiên hạ trên bục giảng như mẹ tôi cũng chẳng ai cho.

Còn mẹ anh dè bỉu không kém, bắn tin rằng tôi con nhà hạ tiện. Bà chê ông nội tôi dân lực điền thất học, bà nội tôi dân hàng cá hàng tôm, họ hàng gần xa chẳng có ai là Việt kiều nên không đào đâu ra được năm xu tiền Mỹ làm thuốc đau mắt. Còn nhà anh thuộc dòng dõi danh giá, có chú bác đỗ cụ, làm cha sở giáo xứ này giáo xứ kia, có cả một cha làm ở tòa “Giám” một giáo phận mãi bên Phi Luật Tân, và có cô dì là tu sĩ dòng Mến Câu rút (nước trong, bên ta), và dòng... gì ấy nhỉ (nước ngoài, mãi bên Tây), lại còn họ hàng gần xa là người Âu, Mỹ, Úc gốc Việt.

Họ hàng, bạn bè hai bên bàn ra tán vào:
- Thằng Huy dốt như bò đội nón. Lấy nó, phí một đời con gái, chẳng bõ công trang điểm má hồng răng... nanh.
- Con Hoàng Lan được mỗi cái chân dài tới nách, còn thì vô tích sự. Nó ru rú ở nhà, chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện Vĩnh Thạnh. Nó như ếch ngồi đáy giếng, biết quái gì, cưới nó về làm vợ, rồi xem, chó không thèm tới nhà...

Nhưng bất chấp điều ong tiếng ve, chúng tôi nhất quyết thành hôn với nhau. May mà ông thầy dạy lớp Giáo lý hôn nhân ở giáo xứ Thạnh An ủng hộ chúng tôi bốn số chín (99,99) phần trăm. Ông có thưa với bề trên cấp nào không? Không biết. Chỉ nghe đâu có điện thoại trên Long Xuyên gọi về, khiến cha xứ mời bố anh và bố tôi vào, khuyên nhủ thiệt hơn phải trái gì đó, để rồi cả bố mẹ hai bên đều phải đầu hàng:
- Đất chẳng chịu trời thì trời chịu đất vậy. Thời chúng tôi “Cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đấy”. Bây giờ thì ngược lại: “Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”, chứ còn gì nữa?!

2. Phá gia chi tử

Ba người chị gái của tôi, ai cũng có công ăn việc làm, nên sau khi đi hưởng tuần trăng mật về, cả ba đều đi làm như cũ. Họ ra riêng ngay, chẳng ai phải làm dâu ngày nào, không “bất hạnh” như tôi. Vì Huy là con một, nên sau đám cưới, tôi phải về sống chung với gia đình anh. Tôi phải làm dâu ấy mà. Một hôm, sau bữa ăn tối, bố chồng tôi khen:
- Vợ thằng Huy nấu canh rau đay ngon lắm. Canh tép mà đâu có thua canh cua đồng... Ngày ấy cua đồng nhiều, đặt lờ đặt lọp ăn không hết, cho không ai lấy, phải vứt đi. Nhưng từ khi nhà hàng, nhà quán, đám xá, tiệc tùng có món lẩu cua đồng thì cua trở nên hiếm, lên giá một trăm, có khi vài trăm nghìn đồng một kí lô, mắc như thịt bò, thèm cũng chả mấy ai dám ăn... Còn món dưa rau muống đồng, nó làm cũng được lắm, thơm thơm, chua chua, ngòn ngọt, cay cay, nhất là giòn giòn, bố thích lắm... Lâu rồi bố mới ăn một bữa được hai lưng bát cơm.

Mẹ chồng tôi liếc nhìn ông, tưởng có thể rách đuôi con mắt:
- Có ai dám bảo là không ngon đâu? Canh thì tống đẫy bột ngọt vào, lại tra bằng nước mắm nhĩ bốn mươi mốt độ đạm, cả trăm ngàn một chai ba xị. Rau muống đồng cả chợ người ta bán hai nghìn đồng một bó, nó mua mười nghìn ba bó, lại còn khen rẻ, so với trên thành phố bán những năm nghìn đồng một bó. Làm dưa thì cho cả mấy củ tỏi to, cả chục quả ớt, vắt mấy quả chanh, hơn một lạng đường... Thử hỏi không thơm thơm, chua chua, ngòn ngọt, cay cay, giòn giòn sao được?

Bà quay sang, dán mắt vào con trai:
- Tôi nhà quê nhà mùa, nghĩ sao nói vậy. Anh cứ gọi là được ăn học đi. Anh có biết không? Ông bà mình ngày xưa có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Anh liệu mà dạy vợ đi là vừa, kẻo có ngày nó leo lên, chễm chệ ngồi trên đầu trên cổ thì đẹp mặt, nhá! Chả cần những cái to tát, cứ nhìn những việc nhỏ thôi, như thổi cơm thì “mắt to hơn người” luôn luôn thừa cả nửa nồi như sợ chết đói vậy; như cách nó nấu canh, muối dưa thôi cũng đủ biết đúng là thứ “vén tay áo xô đốt nhà tang giấy”. Nhà này kiếm được đồng bạc đâu có dễ dàng gì? Khó khăn vất vả lắm, phải “đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi...” chứ chẳng chơi đâu. Không làm ra đồng bạc nào, lại ăn như thế, núi cũng phải lở nữa là... Đúng là cái thứ “phá gia chi tử”, không sai.

3. Phú quý sinh bát đĩa

Bố chồng tôi cười xòa, bênh tôi:
- Núi lở hay đất lở? Cũng vậy thôi! Đất phải lở để sông bồi, bà không biết hay sao? Con sông cũng vậy bên lở bên bồi. Đến như làm người cũng vậy, phải biết san sẻ chỗ này, đắp điếm chỗ kia. Có lần tôi được nghe cha xứ kể: Mokusen, một thiền sư Nhật Bản dạy: suốt ngày chỉ vơ vào, nắm chặt tay lại là một dị dạng, còn chỉ xòe tay ra là một dị dạng khác. Cái gì cũng phải trung dung, vừa vừa phải phải mới được... Làm sao chỉ có bát canh rau đay, đĩa dưa chua rau muống đồng mà làm cho một người trở thành “phá gia chi tử”, làm tan cửa nát nhà được chứ?

Ông nhỏ nhẹ như một lời tâm tình:
- Sách vở xưa (Sử Ký Tư Mã Thiên, từ hơn hai ngàn năm trước, hay quá) hình như có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa” thì phải. Bà biết rằng từ nhỏ, tôi đã ít đọc sách. Bây giờ lớn tuổi rồi, càng không thích sách vở mấy nên tôi thích câu “phú quý sinh bát đĩa” hơn, cũng cùng âm vận với câu trên, lại bình dân hơn. Dù có vẻ như của bọn du thủ du thực, đầu đường xó chợ, phải không nào?
 “Phú quý sinh bát đĩa” có nghĩa là làm lụng có đồng ra đồng vào, có của ăn của để là giở giói ra, rủ rê nhau ăn nhậu... Vậy mà người ta còn chấp nhận được, huống chi bà nghĩ xem, ruộng đồng đã trồng lúa hết cả, một cặp vợ chồng thất học với hai ba đứa con nheo nhóc (Họ cũng được gọi Thiên Chúa là Cha như chúng ta đấy nhé!), đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đầm mình dưới mương rạch, hái một ngày mới được ba bốn chục bó rau muống đồng, hôm sau mang ra chợ bán. Thử hỏi người ta nghèo túng, cơ cực còn mình Ơn Trên ban đủ ăn đủ mặc, cho người ta còn được, huống chi còn trả giá, mặc cả, kì kèo bớt một thêm hai làm gì?

Rồi ông đăm đắm nhìn lên bàn thờ:
- Mua tấm vé số cho người tàn tật, cái bắp, củ khoai cho người bán hàng rong, mớ bông điên điển, nắm rau dừa, bó rau muống đồng cho chị nhà quê là cách thêm miếng ăn cho kẻ bần cùng, cũng là một cách nào đó “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc”, mà chả đến nỗi “phá gia chi tử” đâu, phải không?

---------------------