Ai dễ dàng hơn ai? Tôi đã làm được gì để cuộc đời này bớt đi những sự bất công vô lý?

Quang X Nguyen

AI DỄ DÀNG HƠN AI?


Người “khiếm thính” họ không thích ai gọi mình là người “khiếm thính”, họ rất sẵn lòng khi ai đó gọi họ là người “điếc câm”. Họ cho từ “khiếm thính” như thể bảo rằng họ thiếu sót so với người khác, họ lý luận rằng họ bị điếc câm là do bệnh tật, tai nạn hay trời phạt... chứ chẳng phải do họ thiếu sót cái gì!


Thật thế, tôi vừa mới biết điều này qua câu chuyện của người phụ trách trong một mái ấm nuôi dạy người điếc câm. Tôi dễ dàng hiểu điều này, bởi vì bản thân tôi là người mù, tôi cũng thích dùng từ “mù” hơn là từ “khiếm thị”. Tại sao lại như thế? 

Thứ nhất, chúng tôi chẳng có gì để phải né tránh, mù lòa hay điếc câm là thực tại, chúng tôi chấp nhận nó như thể người châu Á thì phải chấp nhận mình là người da vàng vậy. Tuy nhiên, giữa người điếc câm và người mù cũng có sự khác biệt, vì tôi biết nhiều người mù không vui khi nghe ai đó gọi mình là người mù, họ bảo: gọi là “khiếm thị” nghe nó nhẹ nhàng lịch sự hơn! 

Thứ hai, về mặt ngôn ngữ, từ “điếc câm” và từ “mù” nghe qua ai cũng hiểu, từ “khiếm thính” và “khiếm thị” là hai từ mượn (Hán-Việt), đôi khi người bình dân hơi bị khó hiểu, đây là một thực tế mà tôi đã từng gặp phải. Với tôi, dùng loại từ nào không quan trọng, nhưng tôi vẫn cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng ngôn ngữ kiểu bình dân, ai gọi tôi là người mù tôi không ngại. Có thể, một số người mù không chấp nhận từ “mù” là do họ chưa hoàn toàn chấp nhận thực tại của bản thân họ mà thôi. 

Thiết nghĩ, nếu chỉ có vậy mà họ không chấp nhận được, thì làm sao có thể xua tan cái bóng tối dày đặc quanh mình? Chẳng lẽ, cứ để nó tối mãi thế hay sao? 


Tôi thấy các bạn điếc câm có lý, vì như vậy họ đang vững bước tiến vào đời, dù họ biết rằng họ vẫn còn gặp phải rất nhiều rào cản ở phía trước. Theo tôi được biết thì phía người mù cũng đã từng có một hội nghị toàn quốc, bàn về vấn đề thống nhất tên gọi cho Hội của mình. Đại diện người khiếm thị miền Bắc thì cho rằng từ “khiếm thị” nghe lịch sự hơn, trong khi đại diện miền Nam kiên quyết bảo vệ từ “mù”, và cho đến bây giờ tên gọi của Hội vẫn là “Hội người mù”, kèm theo tên của địa phương mình, như “Hội người mù quận Tân Bình” chẳng hạn. 

Về điểm này thì tôi lại thấy cách gọi “Hội người khiếm thị” hay “khiếm thính” có vẻ chính xác hơn, bởi nó có ý nghĩa bao hàm hơn; vì thật ra nhiều người chưa bị mất hẳn thị lực hay thính lực, thì gọi họ là mù là điếc sẽ không hoàn toàn đúng. Vậy, xưng hô như thế nào cho thuận tiện, điều đó phụ thuộc vào vùng miền hay thói quen địa phương. Nếu là lần đầu tiên bạn tiếp xúc với người khuyết tật thì nên dọ dẫm đối phương một chút thì bạn sẽ không gặp rắc rối! Tôi có một người bạn khuyết tật vận động rất thân thiết, chúng tôi vẫn nói với nhau những từ “mù” và “què” một cách thật là thản nhiên; nhưng, có một lần người bạn ấy tâm sự với tôi là cô ấy rất phẫn nộ, khi nghe người nhà gọi cô ấy là “con què”... tôi hiểu đó là nỗi đau của người khuyết tật vận động, và chắc là các bạn cũng sẽ hiểu như tôi vậy!

Nói dông dài, tôi quên mất chuyện chính yếu mà tôi muốn bày tỏ với các bạn ở đây. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, cả nhà quây quần bên nhau để kể cho nhau nghe về một niềm vui hay nỗi buồn nào đó, bạn thấy gương mặt ai nấy rạng rỡ và miệng thì cười tươi, bạn biết mọi người đang vui nhưng bạn chẳng biết họ vui vì cái gì; bạn nhìn thấy mọi người với gương mặt rầu rĩ và trên khóe mắt có những giọt lệ, bạn biết mọi người buồn, nhưng bạn chẳng biết họ buồn vì cái gì! 
Bạn có thể được thông báo cho biết sau đó, qua giấy bút hoặc những ký hiệu bằng tay, về điều ấy, nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mình chia sẻ niềm vui hoặc nỗi buồn của người thân không như mình mong muốn? 

Một câu chuyện đau lòng kể rằng: có hai chị em kia chẳng những mù mà còn điếc, họ cùng sống trong một khu nhà ổ chuột nọ. Một đêm, mấy kẻ du côn xông vào nhà cưỡng hiếp cô chị, thằng em trai nằm ngủ ở cách đó có mấy bước chân, mà chẳng nghe thấy tiếng kêu cứu của chị gái. Khi anh ta cảm thấy có gì đó bất ổn, chạy ra xem thì hàng xóm đang xúm vào đưa chị cậu ta đi cấp cứu, vì những kẻ lưu manh kia đã cưỡng hiếp người chị đến mức máu chảy dầm dề... Còn nỗi đau nào đau hơn, cho người em trai không thể bảo vệ được chị mình chỉ vì cái tai không thể nghe thấy? Tôi cũng đã từng nghe một võ sư nhận xét sau nhiều năm kinh nghiệm dạy võ cho người khuyết tật:
“Người câm điếc nhìn khỏe mạnh, bề ngoài như không có gì, nhưng dạy cho họ khó hơn cả người mù và người khuyết tật vận động. Mặc dù họ có thể nhìn thấy các tư thế tôi làm mẫu một cách trực diện, nhưng họ không thể hấp thu hết những gì tôi truyền đạt cho họ qua lời nói. Trái lại, khi dạy người mù, tuy phải tốn công một chút để giữ nguyên tư thế mẫu cho họ tiếp cận bằng cách sờ nắn và miêu tả, nhưng họ lại mau chóng tiếp thu những gì tôi truyền đạt, và thậm chí họ thực hiện các động tác võ thuật có hiệu quả cao hơn so với người câm điếc!”

Vậy mà đã có lúc tôi tưởng rằng, người điếc câm thuận lợi hơn người mù chúng tôi cơ đấy! Chính vì những cái “tưởng” ấy của nhiều người, trong đó có cả tôi, mà người điếc câm ít được quan tâm giúp đỡ hơn những người khuyết tật loại khác. Thật ra, người mù và người khuyết tật vận động dễ dàng hòa nhập với cộng đồng hơn người điếc câm, bởi lẽ chúng tôi có thể giao tiếp và hiểu người chung quanh một cách thuận tiện hơn, bạn ạ!


Chính vì không dễ dàng tiếp cận với người chung quanh, người điếc câm trở nên sống co cụm, khép kín. Những người được học hành tử tế, thậm chí, dù đã có một số hiểu biết về xã hội, chính trị... họ cũng không dễ dàng sống hòa nhập với mọi người. Dần dần, họ tự nhiên sống quy tụ lại với nhau thành một nhóm như kiểu người dân tộc thiểu số. Họ tự nhiên sẽ có một thủ lãnh, người mà họ hoàn toàn tin tưởng như kiểu “già làng” của các buôn làng người dân tộc thiểu số ở vùng núi vậy. Điều gì họ đã thống nhất với nhau rồi, thì họ khăng khăng giữ. Bởi thế mới có chuyện họ không thích cụm từ “khiếm thính”, mà sẵn lòng để được gọi là người “điếc câm”. Chắc bạn cũng sẽ ngạc nhiên vì thường nghe cụm từ “câm điếc”, nay lại nghe thấy hơi nghịch tai: “điếc câm”. Người điếc câm có lý của họ, vì đa phần họ không nói được là vì họ bị điếc, dẫn đến không thể nghe âm thanh mà tập nói, chứ không phải là họ bị câm rồi mới thành ra điếc.

Mỗi khi tôi hạnh phúc vì được nghe tiếng cười giòn giã của một em bé, mỗi khi tôi vui vui vì được nghe chúng nói ngọng nghịu thuở ban đầu tập nói, mỗi khi tôi hứng chí vì được nghe một bản nhạc hay, mỗi khi tôi ấm lòng vì được nghe những lời tâm sự của một người bạn... tôi có nhớ đến các bạn điếc câm không? Tôi đã làm được gì để cho cuộc đời này nhiều thêm tiếng cười? Tôi đã làm được gì để cho cuộc đời này bớt đi những sự bất công vô lý?