Vườn rau Lộc Hưng ngậm ngùi tháng Chạp

Quang X Nguyen

VƯỜN RAU LỘC HƯNG NGẬM NGÙI THÁNG CHẠP

Lộc Hưng trước 4/1/2019


Khu vực vườn rau Lộc Hưng (Tân Bình, TP.HCM) là đất công từ xưa thuộc tỉnh Gia Định nhưng chỉ cách Sài Gòn vài chục mét; với tấm bảng cắm đầu đường Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám hiện nay; góc Nghĩa địa Đô Thành (nay là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng): "Đô thành Sài Gòn kính chào các bạn".

Cụ thể sau 1955, nó thuộc quản lý của Tổng nha Bưu điện VNCH (khu Nhà dây thép gió Chí Hòa). Sau 1975, nó thuộc quyền quản lý của Bưu điện TP. HCM. Góc khu này, ngay sát con hẻm nay là đường Chấn Hưng có một nhà bưu điện nhỏ: Bưu điện Chí Hòa - hồi thập niên 1980 tôi thường hay đạp xe đạp tới đó gửi thư.

Đó là khu vực ngoại ô Ông Tạ, điểm cuối cùng của khu Ông Tạ về hướng đông. Và cũng là điểm bắt đầu của một trong các cửa ô ra ngoại ô Sài Gòn trước 75. Nếu khu ngã ba Ông Tạ với những cư dân ban đầu người Hà Nội bỏ tiền mua đất (chứ không nhận nền chính quyền Sài Gòn cấp ở Xóm Mới - Gò Vấp, Bình An - Q.8...) toàn nhà 3, 4 tầng với các tiệm vàng san sát thì khu Lộc Hưng là dân miền núi Sơn Tây nghèo bị dạt ra ngoài.

Cũng thuộc khu Ông Tạ nhưng bà con khu này không dư giả tiền bạc để buôn bán như dân ngã ba Ông Tạ nên đã trồng rau kiểu tranh thủ đất trống trong Đài phát tín của chính quyền Sài Gòn. Dân Ông Tạ gọi là Nhà dây thép gió vì trong đó chằng chịt những dây cáp níu giữ các cột phát sóng cao nghễu nghện.


Việc tranh thủ này hình như được sự đồng ý hay thỏa thuận gì đó giữa những người quản lý khu này và bên nhà thờ trước 1975. Sau 75 không có thỏa thuận nhưng bộ phận quản lý khu này thuộc Bưu điện TP.HCM cũng mặc nhiên thừa nhận. Tất cả đều không có văn bản cụ thể. Phức tạp ở chỗ đó vì nói sao cũng được.

Khu này nghèo rớt, nghèo từ hồi những cư dân Bắc di cư 1954 tới ở gần đó, quanh con hẻm mà giờ mang tên Chấn Hưng. Đám con nít Ông Tạ, trong đó có nhà thơ Đỗ Trung Quân và... tôi cũng ít tới đây vì rác rưởi, lầy lội và mùi phân hôi thối suốt ngày đêm từ cái ao ủ phân tưới trong khu vực gần 5ha này. Ngựa xe qua lại khu này có khi phải bịt mũi...

Khoảng 1969-1970, có lúc thương phế binh VNCH sau khi cắm dùi chiếm đất khu đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến Lăng Cha Cả đã nhào vô khu Lộc Hưng cắm dùi nhưng bất thành vì chính quyền lúc đó ngăn chặn quyết liệt. Một phần do xéo xéo gần đó là Trại dù Nguyễn Trung Hiếu, nơi đóng quân Tiểu đoàn 1 nhảy dù VNCH đa số gốc Bắc di cư 54 cũng khá dữ dằn.

Thế là bà con khu này lại tiếp tục trồng rau và đi lễ ở một vài nhà thờ, đền thánh nói cho ngay khá khiêm tốn so với các nhà thờ, đền thánh Công giáo quanh ngã ba Ông Tạ. Gần đây, một số gia đình dựng nhà trọ cho thuê với giá rẻ bèo so với các khu khác. Tại sao? Con đường Chấn Hưng vô khu này như hẻm cụt; giá đất khá rẻ, trong khi đường Bắc Hải chạy song song cách đó vài chục mét to rộng, thông thoáng sang quận 10 giá cao ngút trời.

Đất công thì rõ ràng rồi. Thế nhưng cũng khu vườn rau, ở phía ngoài, mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám thì hàng chục năm nay đã thành dãy nhà 3, 4 tầng từ lúc nào - không rõ đơn vị nào phân, hợp thức hóa? Nghĩa là đất công khu vườn rau đã thành đất tư từ lâu - sổ hồng, sổ đỏ đàng hoàng.

Còn phía trong khu vườn rau chưa ai có sổ gì, thế là 112 hộ nơi đây bỗng thành những người lấn chiếm đất công - dù họ là người khai khẩn vùng đất dù có thể được giao cho ai nhưng thực tế là đất hoang, sình lầy, thấp trũng, sát cạnh nghĩa địa hàng vạn ngôi mộ; đã trồng trọt, mưu sinh nơi đây từ 1954, tức tới giờ người ở lâu nhất đã 65 năm, mấy thế hệ.

Những người ở đầu tiên 1954 giờ chắc cũng về đất gần hết. Giờ toàn thế hệ sinh sau đẻ muộn, lớn lên với tiếng kinh cầu xứ nghèo và "vườn rau xanh ngắt một màu" thì họ cho rằng đây là nhà mình, đất cha mẹ, ông bà mình để lại cũng dễ hiểu.

Và càng dễ hiểu khi bà con ở đây tin chắc đây là đất của mình khi cho rằng mình "đã đóng thuế 20 - 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý...; đất vườn rau sử dụng đất 1954...". Bà con nơi đây cũng cho rằng theo luật Đất đai 1993, nếu người dân sử dụng đất ổn định từ trước 15-10-1993 - ngày luật Đất đai 1993 có hiệu lực pháp luật , Nhà nước có trách nhiệm phải công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Nếu nhà nước thu hồi xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy - tức sống thực tế lâu nhất 65 năm, 2/3 thế kỷ, gần một đời người...

Thế là họ không chịu rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún của mình. Thế là lực lượng cưỡng chế ra tay. Ngày 9-1, lãnh đạo UBND Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết đã hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép tại khu vườn rau, phường 6, quận Tân Bình. Ngày 10-1, các lực lượng Công an, dân phòng... vẫn dày đặc khu vực ra vô vườn rau Lộc Hưng...

Giờ đã tháng Chạp. Chỉ hơn 3 tuần nữa tết rồi. Đi ngang khu vườn rau Lộc Hưng những ngày này lúc nào cũng kẹt cứng do xe cộ bị chặn lại ở đầu đường Chấn Hưng.

Lịch sử đất đai phức tạp và luật Đất đai hiện nay rõ ràng có vấn đề nên cư dân Lộc Hưng lẫn chính quyền ai đúng ai sai thế nào có lẽ chưa hết tranh luận, thậm chí dai dẳng. Thế nhưng, cái rõ nhất mà một đồng nghiệp người Đà Nẵng của tôi bảo: Ở Hà Nội, Đà Nẵng..., như Đà Nẵng chẳng hạn, "năm nào cũng vậy, cứ cận tết là có thông báo không được giải tỏa cưỡng chế trong dịp giáp tết. Mọi việc đều ra tết mới giải quyết...".

Nghe sao mà ngậm ngùi. Tháng Chạp ở vườn rau Lộc Hưng - ngoại ô, xóm nghèo vòng ngoài khu Ông Tạ của chúng tôi suốt một thời tuổi thơ len lỏi vườn rau bắt dế đêm hè...

... Rạng sáng 10-1-2019, tôi đi ngang vườn rau. Gió đông cuối năm nay chỉ man mát nhưng sao nghe lạnh quá. Tết tới nơi rồi mà buồn gì đâu! Lẽ nào vậy là hết những "vườn rau xanh ngắt một màu"...