Dùng từ chưa chuẩn xác, bao giờ mới chịu sửa?

Quang X Nguyen


CHƯA CHUẨN XÁC, BAO GIỜ MỚI CHỊU SỬA?


* Thêm dẫn chứng để hiểu về "âm Việt-Hán" của tổ tiên chúng ta, mượn chữ Hán để viết nhưng phát âm bằng tiếng Việt (không nói bằng tiếng Tàu).
* Bạn có ngờ rằng "nuclear" đem dịch thành "hạt nhân", chẳng khác nào... người Tàu mới biết tiếng Việt, tập tành dịch tiếng Việt hay không?

1/ Trước hết nhắc lại một chuyện mà nay ai cũng biết. Là chữ "(máy bay) trực thăng" dùng để chuyển ngữ từ tiếng Anh "helicopter". Chữ "trực thăng" là cách gọi ở miền Nam VN trước đây. Đùng một cái, sau tháng 4/1975, gọi bằng "(máy bay) lên thẳng", nghe buồn cười hết sức.

Nếu gọi "(máy bay) lên thẳng" thì lấy gì phân biệt giữa "helicopter" với "spaceship"? Cả hai cũng đều "lên thẳng" hết ráo! Không lẽ phải dịch dài dòng: "helicopter" là lên thẳng bằng cánh quạt, còn "spaceship" là lên thẳng bằng động cơ phản lực?


Rốt cuộc, hiện nay đã trở lại với cách gọi mà miền Nam VN xài trước kia: chữ "trực thăng" được dùng cho "helicopter", nghe gọn bâng! Còn "phi thuyền" được dùng cho "spaceship". Không lên thẳng lên nghiêng làm gì cho má nó khi (khinh).

2a/ Mà "trực thăng", "phi thuyền", có người nói, nghe..."Tàu" quá. KHÔNG PHẢI VẬY. Thành thử phải ghi chú vài điểm, để hầu chuyện cùng quí fb:


Khi Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô đại cáo", cụ viết 平吳大告, ái chà, viết chữ Tàu (Hán tự) rành rành. Mà nào riêng cụ Nguyễn Trãi, suốt ngàn năm độc lập (sau khi Ngô Quyền vào năm 938 chính thức mở ra thời kỳ tự chủ) các triều đại nước ta đều dùng chữ Tàu (Hán tự) hết ráo, ngoại trừ thời gian ngắn ngủn dưới đời Hồ Quý Ly và dưới đời Quang Trung xài chữ Nôm.

Hết thảy các bực danh nhân kiệt xuất như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... đều xài chữ Hán. Nhưng, KHÔNG ai ngớ ngẩn đi nói các bực anh hùng hào kiệt đó vì xài chữ Hán nên trở thành Tàu hoặc "ôm chân" Tàu.

Bởi vì văn tự chỉ là cái vỏ mà thôi, điều hệ trọng nằm ở TIẾNG NÓI, cái "hồn" nằm ở tiếng nói! "Tiếng (nói) Việt còn, nước Việt còn".

2b/ Các vị Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... viết chữ Tàu (Hán tự) NHƯNG phát âm bằng tiếng Việt - chúng ta quen gọi đó là "âm Hán-Việt" (tôi ưng gọi "âm Việt-Hán" hơn để nhấn mạnh tổ tiên chúng ta nói tiếng Việt, chỉ mượn cái vỏ Hán tự).


Người Tàu nhìn vô mấy chữ 平吳大告, họ hiểu. Nhưng, thử cho họ nghe cách chúng ta phát âm, là "Bình Ngô đại cáo", người Tàu bù trất, không hiểu. Vì sao? Vì chúng ta đang nói tiếng Việt! Trong khi đó người Tàu nhìn 平吳大告, họ sẽ đọc khác đi, là (tạm phiên âm): "Píng Wú dà gào".

Chúng ta nói: "trực thăng", người Tàu nghe không hiểu (họ phát âm 直 升 khác hẳn, là "zhí shēng"). Chúng ta đọc: "phi thuyền", người Tàu nghe điếc lỗ ráy (họ phát âm 飛 船 khác hẳn, là "fēi chuán"). Bởi vì, xin nhấn mạnh lần nữa, khi nói mấy chữ "trực thăng", "phi thuyền" là chúng ta đang nói-bằng-tiếng-Việt!

"Tiếng (nói) Việt còn, ắt nước Việt còn". Chỉ khi nào... bỗng dưng không còn tiếng (nói) Việt nữa, lại đi phát âm bằng tiếng Tàu thì đất nước mất tiêu, mất sạch.

3/ Tới đây, nói về chữ "hạt nhân" bấy lâu nay được dịch cho chữ "nuclear". Không biết ông đại giáo sư nào đã đẻ ra lối nói "hạt nhân", bởi vì gọi "hạt nhân" thì... chẳng khác nào người Tàu mới biết nói tiếng Việt nên dùng sai ngữ pháp tiếng Việt!


Ở miền Nam VN trước đây, "nuclear" được chuyển ngữ qua âm Việt-Hán là "HẠCH TÂM", còn âm Việt là "NHÂN HẠT".

"Hạch" (核) là cái hạt, "tâm" (心 ) là cái lõi (cái nhân bên trong). Theo ngữ pháp của chữ Hán, thành tố chính "tâm" (cái nhân bên trong) luôn đứng sau thành tố bổ nghĩa "hạch" (hạt). "Hạch tâm" tức là cái nhân của hạt.
Khi đổi sang ngữ pháp tiếng Việt thì đảo lại vị trí: thành tố chính phải đi trước thành tố bổ nghĩa. Chẳng hạn: "thanh thiên" trong Việt-Hán, khi đổi qua chữ thuần Việt đảo lại là: "trời xanh".
Cũng vậy, "hạch tâm" khi chuyển sang từ Việt thì từ chính "nhân" (tâm) phải đi trước từ bổ nghĩa "hạt" (hạch), trở thành: "NHÂN HẠT" (nhân của hạt)!

4/ Diễn giải thêm: trong từ ngữ tiếng Việt thông dụng, ta gọi vỏ bên ngoài của hạt là: "vỏ hạt", còn cái nhân bên trong của hạt thì gọi tương ứng phải là: "nhân hạt".

Có ai ấm ớ đi gọi "vỏ hạt" bằng cách nói ngược thành... "hạt vỏ" không? KHÔNG. Vậy, mắc giống gì không gọi "nhân hạt", mà lại đi nói ngược là "hạt nhân"?
Dùng chữ "hạt nhân" là mắc lỗi sai hoàn toàn về ngữ pháp tiếng Việt.

Không biết vị đại giáo sư nào, gốc gác từ đâu, đã đẻ ra lối nói "hạt nhân"? Chẳng khác nào... người Tàu mới học tiếng Việt, đem dịch từng chữ 核 心 (hạch tâm) sang tiếng Việt: "hạch" là hạt, "tâm" là nhân, "hạch tâm" thành ra... "hạt nhân" mà không hề biết cần phải đảo vị trí là "nhân hạt" thì mới đúng cú pháp của tiếng Việt!

5/ Chữ tiếng Anh "nuclear" nên dịch là "hạch tâm"; cũng vậy khi gặp "nuclear weapons" dịch là "võ khí hạch tâm", "nuclear reaction" dịch là "phản ứng hạch tâm".


Rồi cũng sẽ tới lúc dùng chữ "HẠCH TÂM" (đã dùng ở miền Nam từ trước 1975) thay cho "hạt nhân" (lối gọi này giống như... người Tàu mới tập tành dịch tiếng Việt). Như đã phải quay trở lại dùng chữ "TRỰC THĂNG" thay cho "(máy bay) lên thẳng" ngô nghê không chịu được.

Gặp xui, thì cái sai còn kéo dài. Nhưng không có cái sai nào kéo dài hoài được! ./.
-------------------------------------------------------------------
Kể từ giờ trở đi, tôi sẽ viết trên fb: Hạch tâm ("hột nhơn").
Viết "hạch tâm" không, e rằng những bạn chưa đọc bài này sẽ không hiểu, nên tôi sẽ chú thích "hột nhơn" - để gọi là cà rỡn trước lối dịch "hạt nhân" không chuẩn xác (hệt như người Tàu mới tập tành dịch tiếng Việt).

Nguyễn Văn Chương