Thập giá – một biểu-tượng dễ sợ ? (Trích Muối Cho Đời của Joseph Ratzinger)

Quang X Nguyen

Thập giá – một biểu tượng dễ sợ?

(Trích Muối Cho Đời của Joseph Ratzinger)


Ở một khía-cạnh nào đó thập-giá quả thực là cái gì dễ sợ, ta không nên phủ-nhận chuyện này. Đó là một lối hành-hình man-rợ nhất trong Thời-cổ mà người ta đã không được phép áp-dụng cho dân Rôma, vì họ coi hình phạt đó bôi nhọ danh-dự dân-tộc này. Thoạt tiên chúng ta khiếp-hãi khi thấy một con người tinh-tuyền nhất trong nhân-loại, một kẻ vừa là người vừa là Chúa đã phải chịu nhục-hình đó. Nhưng chúng ta cũng cần phải sợ cho chính chúng ta và về cuộc sống quá dễ-dãi của ta. Tôi nghĩ Luther* đã nói đúng khi ông bảo rằng con người trước hết phải biết hoảng-sợ cho chính mình để từ đó nó mới có thể quay trở về đường ngay nẻo chính.

Nhưng ta đừng dừng lại ở cái kinh-hoàng đó. Đó không phải chỉ là nỗi kinh-sợ, bởi vì kẻ bị treo trên thập giá đang nhìn xuống chúng ta kia không phải là một người thất-bại, không phải là một kẻ cùng đường, không phải là một trong những nạn-nhân hãi-hùng của nhân-loại; bởi vì kẻ bị đóng đinh đó đang nói với ta một điều gì khác hơn Spartakus* và các thủ-hạ xấu-số của ông; bởi vì từ thập giá lòng nhân-từ đang toả xuống trên chúng ta, từ kinh-hoàng thập giá một sự sống mới đang bắt đầu. Chính lòng từ-nhân Chúa đang nhìn ta, Ngài tự phó mình trong tay ta, tự trao thân cho ta và như đang cùng ta vác hết cái gánh kinh-hoàng của lịch-sử. Nhìn sâu hơn, thập giá kia một mặt phơi-bày cho ta thấy những nguy-hiểm và kinh-tởm có thể có của con người, mặt khác nói lên sức-mạnh trong sự yếu-đuối của Chúa và cái đáng yêu của Ngài. Như vậy thập giá là dấu-chỉ của thứ-tha, của hoa hi-vọng nở ra từ đáy thẳm lịch-sử.


Ngày nay người ta thường hỏi, sau Auschwitz làm sao còn có thể nói về Chúa và về thần-học được nữa. Tôi có thể trả lời như vầy, thập-giá là bản tóm-tắt trước và đầy-đủ về nỗi kinh-hoàng Auschwitz. Chúa đã bị đóng đinh và Ngài nói với ta, vị Chúa này xem ra yếu-đuối nhưng vô cùng khoan-dung, Ngài tưởng như vắng mặt nhưng thật quyền-uy.

Sự thật về con người và về Chúa nói ra nhiều khi có vẻ buồn và khó hiểu. Phải chăng chỉ có những người vững-mạnh mới gánh nổi đức tin? Đức tin thường được xem là chuyện quá lớn. Như vậy làm sao để có được niềm vui trong đức tin?

Tôi muốn nói ngược lại: Đức tin cho chúng ta niềm vui. Nếu không có Chúa, thế-giới sẽ hoang-sơ, sẽ chỉ còn là nỗi buồn chán, và sẽ hoàn-toàn là thiếu-thốn. Điều này ta đang chứng-kiến nơi thế-giới vắng Chúa hôm nay, nó đang càng ngày càng cạn dần sinh-lực và trở nên tẻ-nhạt. Có niềm vui lớn là vì có tình yêu lớn hiện-diện, đó là cốt-lõi của đức tin Ki-tô giáo. Bạn là người chắc-chắn được yêu. Cũng nhờ vậy mà ngay từ đầu Ki-tô giáo đã chiếm được trái tim của đa-số những người yếu-đuối và đau-khổ.

Dĩ-nhiên ngày nay người ta có thể dùng luận-điệu Mác mà cho rằng đạo chỉ là một thứ an-thần chứ chẳng phải là cách-mạng. Nhưng tôi tin, ở mặt nào đó, chúng ta đã vượt qua những phê-bình này. Ki-tô giáo đã đưa chủ và nô-lệ lại gần với nhau, đến nỗi thánh Phao-lô đã có thể nói với một ông chủ: Đừng ngược-đãi nô-lệ của anh, vì nó đã là bạn của anh rồi.

Vì vậy có thể nói yếu-tố căn-bản của Ki-tô giáo là niềm vui. Vui đây không có nghĩa là chút vui-nhộn tầm-phào ló lên từ màn đêm tuyệt-vọng. Chúng ta biết rằng vui-nhộn ồn-ào thường là mặt nạ của tuyệt-vọng. Nhưng đây là một niềm vui đúng nghĩa. Đây là niềm vui gắn chặt với một thân-phận nghiệt-ngã và làm cho thân-phận đó đáng sống. Lịch-sử khởi đầu với tin mừng được Thiên-thần nói với Maria: Hãy vui lên! Trong đêm giáng-sinh, Thiên-thần lặp lại: Ta báo cho các bạn một tin vui lớn. Và đức Giê-su nói: Tôi loan-báo cho anh em một sứ-điệp vui. Tắt lại, cốt-lõi vẫn là: Tôi loan cho anh em một tin vui lớn, Thiên Chúa hiện-diện, anh em là những kẻ được yêu, và đó là điều nắm chắc.

Dù vậy, thông-thường không tin vẫn dễ hơn tin. Thật nghịch lí: Một đàng đức tin có đó, con người là một sinh-vật tín-ngưỡng, đàng khác thì con người lại phải chiến-đấu để giữ đức tin.

Bảo không tin dễ hơn cũng chỉ là tương-đối. Dễ ở đây có nghĩa là tự để mình thoát ra khỏi những ràng-buộc của tin và nói: Tôi chả cố-gắng nữa, mệt quá, hãy cho qua một bên. Sự dễ-dãi này là bước đầu của việc không tin. Nhưng sống như thế đâu phải dễ. Sống không tin có nghĩa là mình lơ-lửng trong một tình-trạng hư-vô và rồi trước sau gì mình cũng sẽ tìm-kiếm những điểm tựa. Sống trong tình-trạng không tin quả không đơn-giản. Cứ đọc triết-lí không tin của Sartre và Camus* thì rõ.

Hành-vi tin xét như một cuộc lên đường và sự chấp-nhận có lẽ không đơn-giản, mặc dầu cái giây phút tin thực-sự đến với tôi - „mày có quyền sung-sướng rồi đấy“ – có thể diễn ra vô cùng nhẹ-nhàng. Vì thế không được phép nhấn mạnh một chiều đến cái cực-nhọc của tin. Cái dễ của không tin và cái khó của tin nằm trên nhiều bình-diện khác nhau. Theo tôi, cái gánh nặng của không tin còn lớn hơn. Tin cũng làm con người trở nên nhẹ-nhàng. Các giáo-phụ, đặc-biệt trong thần-học đan-viện, thường nói lên điểm đó. Họ nói: Tin có nghĩa là mình trở thành thiên-thần. Mình có thể bay bổng vì không còn thấy mình nặng-nề nữa. Tin có nghĩa là thoát ra khỏi trì lực níu-kéo để du mình vào tình-trạng bay bổng của đức tin.

Cái gì làm một người công giáo tốt khác với những người khác?

Người công giáo cũng là người như bao kẻ khác. Cũng có đủ loại xấu tốt. Trong mọi tôn-giáo đều có những người với tâm-hồn rất trong-trắng, mà thần-thoại các tôn-giáo đó bảo là họ đã chạm tới được cái bí-ẩn lớn-lao và đã tìm ra cách-thức sống làm người tốt-đẹp. Tôi nghĩ không nên lập bảng thống-kê người tốt nhất ở đâu. Song có một điểm ta dám nói: Ai kiên-nhẫn sống đức tin và để cho đức tin uốn-nắn mình, người đó, mặc cho bao thất-bại và yếu-đuối, cũng sẽ được tinh-luyện và trở nên tốt.

Người công giáo hạnh-phúc hơn những người khác?

Hạnh-phúc là một khái-niệm đa diện. Ông chỉ cần đọc bài giảng trên núi thì biết, bài giảng mở đầu với những chúc phúc. Có thể nói Chúa đã mở ra một trường dạy hạnh-phúc, Ngài giới-thiệu cho nhân loại trường hạnh-phúc: „Tôi chỉ đường cho quý vị“. Nhưng nếu đọc kĩ những lời dạy, ta thấy quan-điểm hạnh-phúc của Ngài khác xa với quan-niệm con người vẫn có.

Đối với ta, có lẽ hạnh-phúc là những ai có của, những ai có phương-tiện làm đẹp cuộc đời mình, những ai sống an-vui thoải-mái và gặp nhiều may-mắn trong cuộc đời. Nhưng Chúa thì lại bảo: Hạnh-phúc cho những kẻ đau-buồn. Nghĩa là bài học hạnh-phúc của Ngài thật mâu-thuẫn, ít là khi đem so với những gì ta nghĩ về ý-niệm này. Hạnh-phúc của Ngài không đồng nghĩa với dễ-dàng thoải-mái. Có vậy mới hiểu thấu được chữ „quay trở về“ của Ngài. Ta phải rời bỏ những chuẩn-mực thông-thường - „hạnh-phúc là tiền-tài, của-cải, quyền-lực“. Đi trên đường đó là ta đang lạc đường. Ngài không hứa-hẹn cho người theo Ngài một hạnh-phúc „bên ngoài“, nhưng là một bảo-đảm an-lành tâm-hồn qua việc kết-hợp với Ngài. Dĩ-nhiên ở đây cũng phải hiểu chính Ngài là tia sáng hạnh-phúc tối-hậu trong cuộc đời tín-hữu Công giáo.

Nhưng Chúa ở đâu, tìm Ngài ở đâu? Ngài ẩn mặt? Hình như Chúa rất ít khi xuất-hiện. Con người thất vọng nghĩ rằng Chúa không trả lời họ, chẳng có tín-hiệu nào cho thấy họ đang gặp Ngài trên một làn sóng phát tuyến nào đó.

Ngài không ồn-ào, Ngài không nhất thiết tỏ-hiện chẳng hạn như qua những vụ thiên-tai - dù rằng đó có thể cũng là một lối lên tiếng của Ngài. Ngài không ồn-ào, nhưng vẫn luôn phát sóng. Vấn-đề là ta có mở máy sẵn để dò bắt tín-hiệu đó hay không. Trong cuộc sống và lối nghĩ thường ngày của ta có quá nhiều sóng nhiễu khiến ta khó bắt được đài. Và chúng ta cũng quá xa-lạ với ngôn-ngữ của đài đó nên không nhận ra tiếng của Ngài. Nhưng tôi có thể nói, hễ bất cứ ai quan-tâm đều có thể cảm-nhận được rằng chính Ngài đang nói với tôi lúc này. Và làm quen được với Ngài là cả một may-mắn cho tôi. Ngài có thể xuất-hiện đột-ngột ngay trong những hoàn-cảnh tai-ương, nếu như tôi tỉnh-thức hoặc nếu như có ai đó giúp tôi mở được mật-mã thì chắc-chắn sẽ nhận ra tín-hiệu. Hẳn nhiên Ngài không lớn tiếng, nhưng Ngài nói qua dấu-chỉ và qua các biến-cố cuộc đời ta, qua tha-nhân. Chỉ cần một chút tỉnh-thức và đừng đa mang để bị vướng-mắc vào tất-cả những cái hời-hợt.

Tín-hữu công giáo có được phép ngờ-vực không? Hay họ lại bị coi là đồ giả-hình hay là tên lạc-đạo? Cái lạ-lùng khó hiểu nơi tín-hữu ki-tô là họ phân-biệt hai loại chân-lí, chân-lí khoa-học và chân-lí tôn-giáo. Họ vừa nghiên-cứu lí-thuyết Darwin* vừa đi nhà thờ. Có thể tách hai cái đó ra được không? Bởi vì chỉ có một chân-lí duy-nhất mà thôi, hoặc thế-giới được tạo-dựng trong vòng sáu ngày, hoặc là nó hình thành sau hàng triệu năm tiến-hoá.

Sống trong thế-giới rối-rắm hiện nay con người không thể không ngờ-vực. Ngờ-vực không nhất thiết phải gắn liền với việc bỏ đạo. Tôi vừa có thể thành-thực nêu lên những câu hỏi thôi-thúc tôi đi tìm lời giải, vừa bám vào Chúa và vào nội-dung cơ-bản của đức tin. Một mặt tôi nỗ-lực tìm lời giải cho những vấn-đề xem ra mâu-thuẫn, nhưng mặt khác tôi cũng tin rằng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời cho hết mọi chuyện, và dù vậy, thế nào rồi những chuyện đó cũng sẽ được giải-quyết. Trong lịch-sử thần-học thỉnh-thoảng cũng có những sự-kiện không thể lí-giải ngay và người ta cũng không nên gượng-ép giải-thích cho qua chuyện.

Đức tin cần kiên-nhẫn và thời-gian. Đề-tài ông nêu ra - Darwin, sự tạo-dựng vũ-trụ, thuyết tiến-hoá - là đề-tài của một cuộc luận-bàn cho tới nay và với phương-tiện ta hiện có vẫn là câu chuyện chưa có kết-thúc. Vấn-đề tạo-dựng trong 6 ngày không phải là điểm cấn-cái nan-giải giữa khoa-học tân-tiến về việc hình thành vũ-trụ và chuyện đức tin. Bởi vì trình-thuật Tin-mừng chỉ mang tính thần-học, chứ không phải nhằm kể lại lịch-sử cấu-tạo vũ-trụ. Kinh thánh Cựu-ước cũng có những trình-thuật khác về tạo-dựng. Những câu chuyện tạo-dựng trong sách Gióp và sách Khôn-ngoan cũng cho thấy tín-hữu thời đó đâu có nghĩ là tiến-trình tạo-dựng được ghi lại rõ-ràng như những tấm hình chụp. Những hình-ảnh Kinh thánh đó chỉ muốn cho ta thấy một điều cơ-bản: vũ-trụ này hình thành do quyền-lực của Chúa và nó là sản-phẩm của Ngài. Còn tiến-trình hình thành của nó ra sao thì lại là một vấn-đề khác, Kinh thánh hoàn-toàn để ngỏ chuyện này. Riêng thuyết tiến-hoá, trái lại, còn chất-chứa quá nhiều giả-thuyết và thường bị trộn lẫn với những triết-thuyết thần-bí nên còn cần rất nhiều nghiên-cứu luận-bàn.

Nhiều người không vượt qua được giai-đoạn trẻ con để trưởng-thành trong đức tin. Làm sao để một người, sau khi đã đọc những tài-liệu phê-bình Kinh-thánh, có thể trở lại với đức tin tinh-ròng?

Người đó phải hiểu rằng câu chuyện lịch-sử tạo-dựng rắc-rối trong Kinh thánh không phải là nội-dung đức tin. Song có một cái gì khác hơn, lớn hơn đang chiếu sáng xuyên qua câu chuyện đó. Nhưng trái lại, qua câu chuyện tạo-dựng phức-tạp đó, dĩ-nhiên vẫn chỉ mang tính giả-thuyết, ta có thể thấy được những lời viết ra và những thực-tế - những thứ mà con người đã không dễ tự nghĩ ra được - đã thấm-nhập lên tâm-trí con người sâu-đậm tới chừng nào. Tôi tin rằng, chính khi ta làm quen với yếu-tố con người trong lịch-sử Kinh-thánh, ta càng thấy rằng ở đó không chỉ có yếu-tố con người mà thôi, nhưng còn có một sự hỗ-trợ khác nữa. Vì vậy, cứ an-tâm để những gì thuộc lãnh-vực kĩ-thuật cho khoa-học tìm hiểu. Và khoa-học chắc-chắn sẽ mở ra những soi-sáng giúp ta trở về lại với hành-vi đức tin đơn-giản. Khoa-học sẽ giúp ta thấy rằng trong toàn-bộ câu chuyện lịch-sử có một không hai đó không những có phần đóng-góp của con người, mà còn có một cái gì lớn hơn đã xẩy ra trong đó.

Có bao nhiêu con đường tới Chúa?

Bao nhiêu người thì bấy nhiêu con đường. Bời vì, ngay cả giữa những người cùng chung một niềm tin, mỗi người sống mỗi khác. Chúa Ki-tô nói: Tôi là đường. Như vậy rốt cuộc cũng chỉ có một đường mà thôi, và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào rồi cũng bước vào con đường của Ngài. Nhưng không phải tất-cả mọi con đường đều như nhau theo ý-thức và ý-muốn chủ-quan của ta. Song trái lại, vì con đường độc-đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người.

Tertulliano * nói câu thật khó nghe: „Tôi tin điều đó, vì nó vô lí“. Thánh An-tịnh (Augustinus) thì lại tin „để mà hiểu“. Còn tại sao hồng-y Ratzinger tin?

Tôi ngả hẳn về trường-phái An-tịnh. Vũ-trụ được tạo-dựng từ lí-trí và nó hợp lí. Cũng thế đức tin có thể nói được là sự hoàn-thành của công-cuộc tạo-dựng nên nó là cửa-ngõ đi vào hiểu. Tôi xác-tín điều đó. Tin như vậy có nghĩa là bước vào hiểu và (nhận) biết. Câu của Tertulliano - ông này vẫn thích những kiểu nói quá đáng - dĩ-nhiên phản-ảnh toàn-bộ suy-tư của ông. Ông ta muốn nói rằng việc Chúa làm thường trái ngược với những gì thế-gian nghĩ. Và Ngài tỏ ra là Chúa qua những trái ngược đó. Nhưng ông này hơi ác-cảm với triết-học, nên tôi không chia-sẻ quan-điểm của ông, nhưng theo quan-điểm của thánh An-tịnh.

Và ngài cũng đã có cho mình một khẩu-hiệu tuyên xưng đức tin giống như thế?

Tôi chẳng cần một khẩu-hiệu mới nào cả. Tôi nghĩ câu nói của An-tịnh, mà về sau được Tôma Aquino* lấy lại, là tư-tưởng định hướng phải đi. Tôi tin! Và chính trong hành-vi tin này đã hàm-chứa yếu-tố: Hành-vi tin đến từ một đấng mà chính Ngài là lí-trí. Khi tôi tạm lấy đức tin để tùng-phục trước một đấng mà tôi không hiểu, thì tôi biết rằng chính qua đó tôi mở cửa bước vào một sự hiểu-biết đích-thực hơn.

Đa-số người thời nay không thể tin những gì họ biết, và họ chẳng biết những gì nên tin. Trong con người của ngài có sự thống-nhất giữa nghĩ và tin, đồng thời cũng có một kết-hợp toàn diện mà chúng tôi – những người tân-tiến thời nay, những kẻ hay nghi-ngờ, những kẻ sa vào mê-lộ - không thể có được. Ngài nghĩ thế nào?

Tôi không dám luận-xét chung-chung về con người tân-tiến thời nay mà bảo rằng tất-cả họ đều bị xâu-xé hay đã không bằng cách này hay cách khác tìm ra cho mình được một sự hài-hoà tâm-hồn. Tâm mỗi chúng ta đều bị dằng-co giữa nhiều cực.

Điều này cũng đúng cho tôi, cho một linh-mục hay một giám-mục. Bởi vì sở-thích cá-nhân, sở-trường, sở-đoản, biết và không biết… không đơn-giản tự-nhiên hoà lẫn với đức tin Ki-tô giáo. Do đó tâm của mỗi người, trong đó có tôi, luôn ở trong tình-trạng căng-thẳng. Nhưng tôi không coi đó là sự xâu-xé. Đối với tôi, việc đồng-hành với Giáo-hội trong niềm tin và biết rằng mình có quyền tin vào cái hiểu-biết mình đang có và rằng những cái hiểu-biết khác đều nhận được ánh sáng từ nó mà ra hoặc ngược lại, tất-cả hẳn đều kết chặt với nhau. Nhất là việc tin vào đức Ki-tô và qua đó cố-gắng tìm cho cuộc sống mình một sự nhất-thống đã giúp tôi kết-hợp được các mối căng-thẳng, để chúng không bị căng quá mà đứt dây.

Khi bàn về một cuộc truyền-bá Tin-mừng mới ngài đã nói đến những gặp-gỡ mới, thậm-chí nói đến nhu-cầu một cuộc cách-mạng ki-tô giáo. Bởi vì không phải những hiểu-biết tinh-vi có thể tạo nên được “nền văn-hoá ktiô-giáo mới sống-động”, nhưng chuyện cần hơn là phải làm sao tái giới-thiệu đức Ki-tô cho con người. Tôi nghĩ, nhiều người ngày nay rất muốn tin, nhưng vấn-đề là họ không thể tin được. Xem ra chuyện tin ngày nay không còn đơn-giản như trước đây.

Cái đó rõ-ràng. Một đàng chúng ta ngày nay sở-hữu được quá nhiều nhận-thức và kinh-nghiệm, đàng khác đức tin lại được trình-bày quá tỉ-mỉ và hệ-thống khiến không tìm ra lối vào. Tôi nghĩ cần phải có một thứ cách-mạng đức tin về nhiều mặt. Trước hết, đó là có gan chống lại những quyết-đoán chung hiện nay của thiên-hạ. Con người thời nay đang bị một thứ chủ-nghĩa (ý-hệ) vừa-phải ám-ảnh. Chủ-nghĩa này dạy họ phải bằng mọi cách đạt cho được một mức sống nào đó, phải làm sao để có thể tự đạt đích, nghĩa là phải đạt được cái mình ước, mình thích. Với cái chủ-nghĩa đó Thiên Chúa rút cục là một thực-thể xa-lạ, chẳng chút liên-hệ gì tới cuộc sống họ nữa cả. Thêm vào đó, chủ-nghĩa đó cũng coi luân-lí chỉ là kết-quả của những tình-cờ hay những tính-toán mưu-cầu hạnh-phúc.

Như đã nói, cái chủ-nghĩa vừa-phải này đang dồn-ép ta hàng ngày và đẩy ta vào tình-trạng tự cách-li với những gì quan-trọng nền-tảng của cuộc sống. Một mặt con người không nhận-thức được cái chủ-yếu cuộc đời nữa, mặt khác nó lại cảm thấy như đang thiếu một cái gì đó trong cuộc sống. Đó là căn bệnh tập-thể thời-đại mà ta đang rơi vào, căn bệnh của cảm-giác còn thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống, rằng cuộc sống thế này chưa đủ. Vì thế ta phải có can-đảm phá tung những cái mà con người vào lúc kết-thúc thế-kỉ XX đang cho là “bình-thường” và tái khám-phá ra đức tin trong dạng-hình nguyên-tuyền của nó.

Sự khám-phá này trước hết đơn-thuần là gặp đức Kitô. Nhưng không phải gặp Ngài qua dáng một anh-hùng lịch-sử, nhưng gặp một Chúa đã xuống thế làm người. Và chỉ khi nào cuộc gặp-gỡ này được thực-hiện trong cuộc sống, thì cuộc sống mới có hướng đi khác.Và từ đó bắt đầu một văn-hoá đức tin, tôi xác-tín như vậy. Điều quan-trọng là một quyết-định như thế không bao giờ mang tính cá-nhân riêng-lẻ, nhưng nó phải được chia-sẻ, phải gây-dựng nên cộng-đoàn. Và trong chừng-mực nó được sống, nó sẽ tạo nên một cách sống và và đem lại văn-hoá.


Nhiều người nóng-lòng chờ tương-lai, lao đầu tin-tưởng vào một ngày mai đầy hứa-hẹn nhưng không biết rồi ra như thế nào. Chưa bao giờ có nhiều kết-thúc và bắt đầu như ngày nay. Thỉnh-thoảng người ta có cảm-tưởng nhiều chuyện rồi ra cũng sẽ trở nên tốt-đẹp. Mặt khác, thế-giới hiện tại xem ra như là một nhà thương điên lớn, trong đó xã-hội lạc-thú và hưởng-thụ bên cạnh đói nghèo, chiến-tranh, thiên-tai càng ngày càng tăng, trong đó nhiều dấu-hiệu cho thấy văn-hoá suy-vi, mất-mát trầm-trọng về sự sáng-suốt và khôn-ngoan. Chưa bao giờ có nhiều người mất hướng, nhiều nghiện-ngập, nhiều tình-duyên đổ-vỡ, nhiều trẻ lệch-lạc, nhiều kẻ khốn-cùng vì quá thiếu-thốn cũng như vì quá dư-thừa như hiện nay.

Thưa Hồng-y, ngài có lần nói, cái mà thế-giới chúng ta hôm nay thiếu, không phải là khả-năng đau-buồn, nhưng là khả-năng vui. Nhưng ngài có biết không, càng ngày con người càng khó mà vui được?


Tôi nhận thấy niềm vui thanh-thản càng ngày càng trở nên hiếm. Niềm vui hôm nay ngày càng bị gánh nặng luân-lí và ý-hệ chi-phối. Khi tôi vui, cũng là lúc tôi lo vì nghĩ mình thiếu liên-đới với những kẻ đang đau-khổ. Người ta nghĩ rằng, tôi không được phép vui trong một thế-giới đầy-dẫy đau-khổ và bất-công như thế này.

Tôi có thể hiểu được điều đó. Ở đây cũng là quan-điểm đạo-đức, nhưng dù vậy thái-độ đó là một lầm-lẫn. Bởi vì thế-giới không trở nên tốt hơn vì mất vui, cũng như ngược lại việc không-được-phép-vui vì cái đau của kẻ khác cũng chẳng ơn-ích gì cho những người đau-khổ. Trái lại, thế-giới cần những người khám-phá ra cái thiện, qua đó họ vui-mừng, có đà và can-đảm vươn tới nó. Niềm vui này không triệt-tiêu tình liên-đới. Khi niềm vui đúng-đắn, không do từ ích-kỉ, khi nó đến từ việc khám-phá ra cái thiện, thì niềm vui đó muốn được cảm-thông và loan-truyền. Có điều tôi để ý là trong các khu nghèo-đói ở Nam Mỹ chẳng hạn có nhiều nụ cười và nhiều con người sung-sướng hơn tại đất-nước chúng ta. Rõ-ràng là trong nỗi cùng-cực họ vẫn còn cảm-nhận được cái thiện, bám lấy nó để điều-chỉnh mình và tạo lực sống cho mình.

Như vậy, chúng ta lại cần cái niềm tin phó-thác cội-nguồn kia mà chỉ có đức tin mới cung-cấp cho ta được. Đó là niềm tin vào tính bản-thiện của thế-giới, vào sự hiện-hữu của Chúa và Ngài là đấng tốt-lành. Tin rằng cuộc đời đáng sống, rằng sinh ra làm người là một may-mắn. Từ đó ta sẽ có can-đảm vui, từ đó dấn-thân làm cho kẻ khác cùng vui và đón nhận Tin-mừng.

Giờ nói đến khía-cạnh hai mặt của thế-giới hiện tại, như ông đã mô-tả trên đây. Đó là một ý-thức mới về tình liên-đới, về trách-nhiệm đối với nhân loại nói chung và về trách-nhiệm đối với tạo-vật. Có những phong-trào tạo đoàn-kết, những nỗ-lực liên-đới tìm cách dập tắt những lò lửa khủng-hoảng để giúp tái tạo hoà-bình, vượt qua thống-khổ. Đó là những người mà ta phải chân-nhận họ như những công-dân thời-đại và phải cám ơn họ. Qua đó ta thấy rõ-ràng là tính thiện trong con người không thể bị dập tắt được.

Mặt khác, ông đã nói tới một nhà thương điên khổng-lồ với những khốn-cùng ghê-gớm. Ai cũng rõ điều đó. Tôi tin rằng chính xã-hội đoàn-lũ và những khả-năng nẩy sinh nhờ sự làm chủ thế-giới bằng phương-tiện kĩ-thuật đã tạo nên những phẩm-chất mới, kể cả sự ác. Ta không thể không thấy những hiện-tượng đó.

Những thách-đố lớn đặt ra cho chúng ta là phải làm sao chống lại việc đoàn-lũ-hoá con người kia - nó vừa dồn con người vào đàn-lũ vừa đẩy họ vào tình-trạng cực-kì đơn-độc - và tìm lại khả-năng liên-đới lành-mạnh cho con người. Việc này đòi-hỏi sự dấn-thân hết mình của tất-cả mỗi chúng ta, nhưng chỉ với biện-pháp kĩ-thuật và với nỗ-lực của ta mà thôi thì vấn-đề cũng không thể giải-quyết được.

Tôi muốn nói ở đây hai điều đã được ghi-nhận: Con người là một sinh-vật có luân-lí đạo-đức, có trách-nhiệm với mình và với toàn-thể nhân-loại, đồng thời nó cũng là tạo-vật có thể múc nguồn năng-lực duy-nhất từ Thiên Chúa để đi tiếp.

Phạm Hồng Lam chuyển ngữ

* Joseph Ratzinger: tên thật của ĐGH Bênêđictô XVI
* Luther (1483-1546): linh-mục dòng An-tịnh (Augustin), nhà thần-học, đã tách-rời Công giáo và lập nên Tin-lành ở Đức.

* Spartakus : người nô-lệ đã lãnh-đạo một số đồng bạn khác chống lại quân Rôma và đã bị giết bằng án treo thập-giá.

* Sartre và Camus :Hai triết-gia hiện-sinh hiện-đại người Pháp.

* Darwin : Nhà khoa-học chủ-trương thuyết cho rằng con người là kết-quả của một quá-trình tiến-hoá từ loài vô-cơ mà thành.

* Tertulliano : Sống vào khoảng 160-225, văn-sĩ la-tinh, viết nhiều để biện-hộ Ki-tô giáo.

* Thánh Tôma ở vùng đất Aquino, 1225-1274, người Ý, nhà thần-học lớn nhất của truyền-thống Kinh-viện thời trung-cổ.