Catholic Việt - Dòng văn hóa đơn côi (từ bài 1 đến bài 5)

Quang X Nguyen




VTCG xin giới thiệu đến độc giả loạt bài viết công phu về Công giáo của tác giả Mai Thanh Sơn, một người ngoại đạo.

CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (1)



Đạo Công giáo bắt đầu được du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI. Đến nay, cả nước có khoảng gần chục triệu giáo dân, chiếm khoảng 10% dân số. Họ là người Việt. Đương nhiên. Và cũng đương nhiên họ có nền tảng (yếu tố gốc rễ, bền vững) của văn hóa Việt, nhưng cơ tầng (các biểu hiện bề nổi, khả biến) đã có nhiều điểm khác biệt so với bộ phận còn lại của người Việt. Sự khác biệt đó, được quy định bởi sự khác biệt về đức tin, về thế giới quan và nhân sinh quan. Cộng đoàn giáo dân đã sáng tạo nên một dòng văn hóa mới trong lòng cộng đồng dân tộc/quốc gia Việt Nam. Đáng tiếc, từ bao năm nay, dòng văn hóa này hầu như không được quan tâm nghiên cứu và quảng bá đúng mức.

Nói như thế, không có nghĩa là Công giáo Việt Nam không được nghiên cứu. Ngược lại, Việt Nam có hẳn một Ban Tôn giáo Chính phủ, hai Viện Nghiên cứu Tôn giáo, và nhiều Trung tâm có chức năng nghiên cứu tôn giáo. Các đơn vị này đều có bộ phận nghiên cứu về Catholic Việt với nhiều cấp độ đề tài khác nhau (đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở). Nhiều công trình nghiên cứu về Công giáo Việt Nam đã được công bố. Nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp đại học về Công giáo Việt Nam đã được bảo vệ. Một số nhà nghiên cứu cũng quan tâm nghiên cứu, giới thiệu các giá trị trong kiến trúc Công giáo Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, văn hóa của cộng đoàn giáo dân Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ với đa số công chúng Việt. Vì sao vậy?


Hiểu theo cách đơn giản nhất, văn hóa là tất cả những gì mà chủ thể ĐANG CÓ, ĐANG LÀM, và ĐANG NGHĨ. Vậy nhưng, ngoại trừ các ấn phẩm giới thiệu kiến trúc nhà thờ gần với văn hóa học thuần túy, hầu hết các công trình khác đều tiếp cận Công giáo Việt Nam dưới góc độ chính trị - xã hội, những góc nhìn hẹp trong văn hóa học. Các nghiên cứu này cũng chủ yếu tập trung vào mục đích "phát triển bền vững xã hội" theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tức là nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp "thuần hóa cộng đoàn giáo dân" theo quan điểm của đảng. Các nghiên cứu nhằm giới thiệu vẻ đẹp trong phong tục, tập quán, nếp sống, lối nghĩ, phương thức ứng xử, và cấu trúc sinh hoạt thường ngày của giáo dân hầu như vắng bóng. Ngoại trừ báo Người Công giáo Việt Nam, các tờ báo khác rất ít khi có bài viết về đời sống giáo dân; nếu có, chủ yếu cũng là những bài viết về gương người tốt việc tốt, ca ngợi các cá nhân giáo dân sống "tốt đời, đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước". Các bí tích của Công giáo vẫn là điều "bí ẩn" đối với đa số bạn đọc.

Nếu không có mạng internet, không có Google, không có website của các giáo phận, đến nay cộng đoàn Công giáo Việt Nam vẫn là một ốc đảo xa lạ. Nhưng Google hay website của các giáo phận cũng chỉ là kênh tra cứu. Nếu các nhà nghiên cứu vẫn theo định hướng như hiện nay, văn hóa Công giáo Việt Nam vẫn là một thực thể đơn côi, lặng lẽ chảy bên cạnh dòng văn hóa quốc gia/dân tộc, rất ít được hiểu biết tường tận.

(còn nữa)

Ảnh: nhà thờ Đá Phát Diệm - một tuyệt phẩm kiến trúc Việt Nam, do người Việt thiết kế và thi công từ cuối thế kỷ XIX, hoàn thành đầu thế kỷ XX (mượn trên internet).




CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (2)


Để hiểu biết về một dòng văn hóa, công chúng thường tiếp cận từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Trên thực tế, số người đọc các nghiên cứu chuyên sâu không nhiều. Đa số nghe/đọc từ các kênh truyền thông đại chúng hoặc cảm nhận qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Chuyện này phổ biến cả ở Tây và Ta. Khác chăng là ở chỗ, trong các quốc gia có tự do báo chí và văn học nghệ thuật, các hiện tượng văn hóa luôn được nhìn từ nhiều chiều cạnh khác nhau. Ở Việt Nam thì không phải vậy. Sau 1954 ở miền Bắc, và sau 1975 trên cả nước, mọi hiện tượng văn hóa đều phải được nhìn nhận, phân tích, và đánh giá dưới quan điểm của Đảng. Dòng văn hóa Công giáo Việt Nam, nếu được nghiên cứu hay phản ánh trong văn học nghệ thuật, cũng không nằm ngoài mặc định đó.

Sự mặc định của Đảng và Nhà nước vô hình trung đã trở thành một rào cản rất khó vượt qua trong việc phản ánh hiện thực/bản chất đời sống văn hóa Công giáo Việt. Quan điểm của nhà thờ Công giáo khác biệt rất lớn so với quan điểm chính thức của đảng cầm quyền. Vì thế, hầu hết các tác giả là người Công giáo, nếu viết về các vấn đề gai góc của cộng đoàn giáo dân, đều không thể xuất bản được các ấn phẩm của mình. Tuyệt đại đa số tác giả viết/xuất bản về đời sống Công giáo Việt Nam đều là người ngoại đạo, và ăn lương nhà nước. Hiện trạng được phản ánh trong các ấn phẩm của các tác giả này không phải là toàn bộ sự thật, chưa chạm được đến những góc khuất trong tâm hồn giáo dân.

Văn học nghệ thuật miền Nam thời kỳ 1954-1975 tôi không dám bàn. Nhưng ở miền Bắc, sau 1954, dường như độc giả chỉ biết nhiều nhất đến đời sống của cộng đoàn giáo dân thông qua "Xung đột" của Nguyễn Khải, "Nắng" của Nguyễn Thế Phương, "Đội công an số 6" của Văn Phan, "Bão biển" và "Đất mặn" của Chu Văn, "Cuộc đời bên ngoài" của Vũ Huy Anh. Và một vài cuốn nữa. Một số truyện ngắn của các tác giả khác hầu như bị rơi vào quên lãng ngay sau khi xuất bản.

"Nắng" và "Đội công an số 6" viết về cộng đoàn giáo dân thuộc giáo phận Phát Diệm thời kỳ 1945-1954. Xuyên suốt các tác phẩm này là cuộc đấu tranh giữa "các chiến sĩ cách mạng" chống lại "bọn phản động đội lốt thầy tu". Hình ảnh các giáo dân thiện lương tương đối mờ nhạt và họ luôn được thể hiện trong tâm trạng giằng xé. Ám ảnh người đọc kinh khủng hơn, chính là hình ảnh các linh mục mặc áo chùng thâm, xách súng đi càn quét, bắn giết.

"Xung đột", "Bão biển" và "Đất mặn" viết về cộng đoàn giáo dân thuộc giáo phận Bùi Chu những năm hợp tác hóa. Đa số chức sắc Công giáo được miêu tả trong 3 bộ tiểu thuyết này đều là đại diện cho "các thế lực chậm tiến/phản động, luôn âm mưu chống phá cách mạng, ngăn trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội". Hình tượng các giáo dân có "tư tưởng tiến bộ, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội" được xây dựng gượng gạo, thiếu chân thực.

Không thể phủ nhận rằng, thời kỳ 1946-1954, dưới quyền của Giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh, giáo phận Phát Diệm từng có một đội dân binh, được vũ trang đầy đủ, ủng hộ quân đội Pháp và tham gia bộ máy quản lý địa phương. Đạo quân này từng làm mưa làm gió ở vùng tây nam Ninh Bình, phối hợp với quân đội Pháp và quân đội quốc gia của quốc trưởng Bảo Đại, tiến hành nhiều hoạt động quân sự, gây nhiều thiệt hại cho Việt Minh và dân chúng. Nhưng nếu coi đó là những đại diện chính/tiêu biểu cho cộng đoàn giáo dân hay bộ mặt của giáo phận, e rằng những người viết đã quá thiên kiến và phiến diện.

Khi mới xuất bản, "Bão biển" và "Đất mặn" cũng đã gây nên những cuộc tranh luận trên văn đàn. Cả hai tác phẩm này đều gặp phản ứng quyết liệt của cộng đoàn giáo dân. Mặc dù vậy, "Bão biển" vẫn được trích dẫn đưa vào sách giáo khoa văn học giảng dạy trong nhà trường. Bộ phim chuyển thể từ "Bão biển" có nhan đề "Ngày lễ thánh" bị tẩy chay ở hầu hết các vùng Công giáo. Nhưng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV (1977), "Ngày lễ thánh" đã được trao giải Bông sen bạc.

"Bão biển" và "Ngày lễ thánh" là những tác phẩm văn học nghệ thuật có ảnh hưởng lớn nhất đến góc nhìn của những người ngoại đạo đối với văn hóa Công giáo Việt Nam.

"Cuộc đời bên ngoài" của Vũ Huy Anh xuất bản vào đầu thập niên 1980, được giới văn nghệ đánh giá tương đối tốt. Một vài nhà phê bình nhận định rằng, đây là tác phẩm văn học viết về đề tài Công giáo thành công, chân thực, và miêu tả diễn biến tâm lý một cách logic. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế: những thông điệp chính trị được tác giả thể hiện rất lộ liễu. (Cảm ơn lam hồng nguyễn đã nhắc, suýt tôi quên không điểm đến quý ông Vũ Huy Anh).

(Còn nữa)

Ảnh: Một cảnh trong phim "Ngày lễ thánh" của đạo diễn Bạch Diệp (chôm trên mạng).



CATHOLIC VIỆT – DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (3)



Một cộng đồng ngót chục triệu tín hữu, có chung đức tin, có lịch sử hơn 400 năm, hiển nhiên phải có một nền văn hóa giàu có, phong phú và đa dạng. Vậy nhưng, ở Việt Nam, đa số công chúng ngoại đạo dường như chỉ biết đến văn hóa Công giáo thông qua kiến trúc nhà thờ và ngày Thiên Chúa giáng sinh (Noel). Nhà thờ là vật thể có thể nhìn thấy, có thể cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các phong cách kiến trúc khác nhau trên thế giới mà không phải đi đâu xa. Noel từ nhiều năm nay đã là ngày hội chung của cả nước, không phân biệt tôn giáo/tín ngưỡng. Với các bạn trẻ ngoại đạo, Noel là cơ hội “xuống đường ăn chơi nhảy múa”, khoe quần áo đẹp. Họ chả có đức tin gì, vui là chính. Điều ấy chả sao. Còn trẻ là phải vậy. Mai này có gia đình, sấp mặt với cơm áo gạo tiền, tính sau.

Nhưng văn hóa Công giáo Việt không chỉ có vậy. Đó còn là một nền tảng giáo lý có tính định hướng với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa (ba ngôi). Đó còn là một hệ thống giáo luật chặt chẽ với những điều khoản rất cụ thể, khắt khe nhưng không hà khắc. Đó còn là một cấu trúc xã hội hoàn bị, bao gồm nhiều mắt xích khác nhau, cả quan phương và phi quan phương. Tổ chức quan phương Công giáo gồm 3 cấp: giáo hội hoàn vũ (Tòa Thánh), giáo hội địa phương (Tòa Giám mục) và giáo xứ. Trong hệ thống này, còn có các mắt xích trung gian liên kết như giáo miền, giáo tỉnh, hạt đạo (giáo hạt) và hội đồng giám mục. Cấu trúc phi quan phương dễ nhận thấy nhất là các dòng tu, tu hội/tu đoàn.

Sâu xa hơn, rất rất ít người ngoại đạo hiểu được, đó là các nguyên lý chính tạo nên cấu trúc sinh hoạt thường ngày của các tín hữu Công giáo Việt: hiệp thông và phụng vụ. Hiệp thông được hiểu là sự tham dự, chia sẻ, trao ban và lãnh nhận. Phụng vụ, thoạt kỳ thủy chỉ được hiểu là “nghi thức phụng thờ Thiên Chúa”. Nhưng sau này, Tân ước chỉ rõ, ngoài mối liên hệ với Thiên Chúa, phụng vụ còn bao hàm một nghĩa khác, đó là “sự phục vụ trong anh em”. Nói một cách rõ ràng hơn, phụng vụ còn là “sự tham dự, chia sẻ, trao ban và lãnh nhận” giữa các tín hữu với nhau (giữa người với người). Đây chính là những điểm mấu chốt, quy định phương thức ứng xử hàng ngày của mỗi giáo dân.

Theo giáo lý Công giáo, Chúa Giê-su hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Và Người mời gọi mỗi tín hữu phải luôn ý thức về ba sự hiện diện chính: (i) sự hiện diện của mỗi tín hữu đối với Thiên Chúa, (ii) sự hiện diện của mỗi tín hữu đối với các tín hữu khác; và (iii) sự hiện diện của mỗi tín hữu đối với thế giới thụ tạo. Như vậy, chúng ta có thể hình dung rằng, trong cuộc sống của mình, mỗi tín hữu Công giáo đều có 3 điểm tựa chính: Thiên Chúa, đạo hữu, và “thế giới thụ tạo”. “Thế giới thụ tạo” được nhắc đến ở đây chính là môi trường thiên nhiên quanh ta, cho chúng ta những điều kiện sống cần thiết tối thiểu. Để đảm bảo cuộc sống luôn bình hòa, ổn định và phát triển, hàng ngày mỗi tín hữu thường xuyên phải hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với nhau, và hiệp thông cả với “thế giới thụ tạo”.

Một thành tựu quan trọng không thể không kể đến của văn hóa Công giáo Việt, chính là sự sáng tạo, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ. Đây là sự kiện có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển dân trí và văn hóa Việt. Thậm chí, chữ Quốc ngữ còn góp phần rất lớn vào quá trình thống nhất đất nước, nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới.

Mặc dù phong phú, đa dạng và có ảnh hưởng lớn như vậy, văn hóa Công giáo Việt vẫn mang một thân phận côi cút. Công giáo vẫn được coi là “vấn đề nhạy cảm”. Tầng sâu văn hóa còn ẩn tàng trong cuộc sống hàng ngày của giáo dân vẫn chưa được tìm hiểu/giới thiệu một cách hệ thống. Tiếng nói của người trong cuộc chưa được lắng nghe đầy đủ. Ngay cả với chữ Quốc ngữ, một thành tựu văn hóa mà mỗi người chúng ta đều sử dụng hàng ngày, nhà nước vẫn chưa có một định hướng hay chương trình nghiên cứu xứng tầm. Ít người biết được rằng, trong các hội Khoa học Lịch sử, hội Ngôn ngữ học, Viện Sử học và Viện Ngôn ngữ học đều không có bất cứ chuyên gia nào nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Cuốn lịch sử chữ Quốc ngữ đầu tiên được đông đảo độc giả biết đến là do một vị linh mục viết. Cũng ít người biết được rằng, tác giả của tập lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ là Bento Thiện, một giáo dân người Việt. Và ông viết nó từ năm 1659, sớm hơn rất nhiều so với các bộ sách lịch sử viết bằng chữ Quốc ngữ được biết đến hiện nay.


CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (4)



Hàng ngày, đọc báo/nghe đài/coi TV, mọi người đều có chung cảm xúc bất an vì các tin tức liên quan đến "cướp/giết/hiếp/lỗi đạo gia phong/tàn phá môi trường" luôn nổi lên như một vấn đề cấp bách. Nhưng ít ai để ý và đặt ra câu hỏi: có bao nhiêu tội đồ trong số đó là người Công giáo? Cho đến nay, ở Việt Nam cũng chưa có bất cứ một nghiên cứu xã hội học nào tìm hiểu xem, trong tổng số tội phạm hình sự đã được kết án vào khoảng thời gian nào đó, có bao nhiêu phần trăm là người Công giáo? Tỷ lệ đó có tương thích với tỷ lệ dân số cả nước hay không (khoảng hơn 8%)? Cao hơn hay thấp hơn? Nếu cao hơn thì vì sao? Nếu thấp hơn thì vì sao?

Trên thực tế, với những gì đã trải nghiệm, tôi có thể khẳng định: tội phạm hình sự cũng như các hiện tượng tiêu cực thuộc cộng đoàn giáo dân chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ dân số chung. Làng tôi có 2 họ (xóm) đạo. Xóm dưới ở xa, tôi không rành. Nhưng xóm trên, ở liền kề và xen kẽ, thì từ khi tôi lớn lên đến nay chưa từng thấy có vụ hình sự nào, cũng chưa nghe nói đến bất cứ hiện tượng (được coi là) tiêu cực nào như xô xát với xóm giềng, rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình/lỗi đạo gia phong, ngoại tình, trộm cắp vặt,... Chuyện thường thấy trong các ngôi làng là bọn trẻ hay đi ngang về tắt, vào vườn nhà này nhà khác nếu thấy vắng chủ thì tiện tay vặt vài trái na trái ổi. Nhưng ở làng tôi, đó chỉ là chuyện của trẻ con "bên Lương", còn bọn trẻ Công giáo hoàn toàn không.

Với đặc thù công việc của mình, tôi từng đến nhiều khu vực Công giáo trên cả nước. Cảm nhận chung của tôi, đó đều là những vùng quê thanh bình, yên ả, trật tự, nề nếp. Tỷ lệ hộ nghèo trong các họ (xóm) đạo thấp hơn so với cộng đồng "bên Lương" ở cùng địa bàn. Bà con giáo dân gắn kết hơn, biết lập kế hoạch sinh kế và chi tiêu hợp lý, vì vậy cuộc sống của họ bình ổn/ít rủi ro hơn. Năm 2012, tôi có đến một xã có 3/4 dân số là người Công giáo thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), cán bộ xã ở đây cho biết, "mấy chục năm nay, ở các xóm đạo chưa từng xảy ra bất cứ vụ việc nào liên quan đến luật pháp phải đưa ra xét xử ở tòa án, kế cả chuyện ly hôn. Thi thoảng có năm, UBND xã phải đứng ra giải quyết một vài vụ, chủ yếu là tranh chấp đất đai giữa người "bên Lương" với người Công giáo. Ai cũng ứng xử như bà con Công giáo, chúng tôi nhàn lắm." Cũng năm đó, tôi có dịp đến làng Tơ Nghía (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Đây là một làng gốc của người Ba-na, hiện có thêm một số gia đình người Kinh xen cư. Dân làng theo nhiều dòng tôn giáo khác nhau. Bà con người Kinh chủ yếu theo đạo Phật. Bà con Ba-na có một số vẫn giữ tín ngưỡng truyền thống, một số khác theo Tin Lành, còn lại theo Công giáo. Trong cộng đồng người Ba-na, bộ phận theo Công giáo (và Tin Lành) có cuộc sống bình ổn hơn rất nhiều so với bộ phận còn lại. Họ ít chịu ảnh hưởng của những cú sốc chính sách và văn hóa tiêu dùng. Các hiện tượng khó coi như rượu chè, cờ bạc hoàn toàn bị loại bỏ. Đặc biệt, bọn trẻ theo Công giáo (và Tin Lành) tỏ ra tự tin hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác.

Khi bàn đến nguyên nhân của các hiện tượng tiêu cực hiện nay của xã hội nói chung, ở giới trẻ nói riêng, hầu hết mọi người đều nói đến 3 nhân tố tác động: xã hội, nhà trường và gia đình. Vậy tại sao cũng xã hội chung đó, cũng nhà trường đó, ở khu vực giáo dân lại ít tệ nạn/tiêu cực hơn? Câu trả lời nằm ở chính LỜI RĂN THIÊN CHÚA, KHUÔN MẪU CỘNG ĐOÀN VÀ VĂN HÓA GIA ĐÌNH. Đó chính là một trong những di sản quý giá, hiệu quả hiện hữu nhưng lại hầu như không được truyền thông phản ánh và quảng bá.

P/S: Trong nhiều bữa ăn ở các gia đình Công giáo mà tôi may mắn được dự, tôi gần như đã thuộc nằm lòng lời cầu nguyện linh thiêng nhưng cũng thật đẹp/thật nhân văn trước khi cầm đũa: "Con xin cảm tạ Chúa đã nuôi dưỡng chúng con, ban cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin Chúa nhắc nhở chúng con nghĩ tưởng đến những người nghèo đói và chia sẻ cơm áo với họ. Xin cảm tạ Chúa ban phước cho lương thực nầy, dùng nó bồi bổ thân thể chúng con, cho chúng con sống vui để phục vụ Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-su! A-men!"

Ảnh: Nhà thờ gỗ Kon Tum, một trong những kiệt tác kiến trúc Việt Nam.



CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (5)



Hồi nhỏ, tôi sống với bà ngoại. Bà tôi không phải là Phật tử, chỉ chăm thờ cúng tổ tiên. Ngày sóc, ngày vọng hàng tháng, bà hương hoa đèn nến chỉ cầu các cụ gia tiên ban cho sự thanh tâm để bà khỏe mạnh, con cháu an lành, học hành tấn tới. Nhưng năm nào, bà cũng lên chùa làng một vài lần, chủ yếu để làm công quả. Lần nào bà cũng dắt tôi theo. Mỗi lần như vậy, cụ Thược (và sau này là cụ Nhâm - các ni sư trụ trì chùa làng tôi) đều hỏi, "cụ có muốn chúng tôi thỉnh chuông cầu Phật điều gì không?". Và bà tôi đều nhẹ nhàng thưa lại "thưa cụ, chỉ cần phiên lễ chiều, cụ thưa với Đức Phật tôi có đóng góp chút đỉnh để Người độ chúng sinh là được". Thấy mấy người bà con trong làng có lễ lên chùa cầu tài cầu lộc, bà tôi không nói gì, nhưng khi về, bà nói nhỏ với tôi "Đức Phật chỉ có lòng từ bi hỉ xả, độ cho chúng sinh được thanh tâm vượt khó, làm gì có tài có lộc mà xin".

Những năm cuối thập niên 1990, năm nào cũng cũng có việc phải vào Huế vài ba lần. Tôi thường ở Nhà khách UBND Tỉnh, số 2 Lê Lợi. Đối diện, có một quán cơm bình dân của một gia đình Phật tử thuần thành, nhiều đời quy y tam bảo. Ăn nhiều thành khách quen. Tôi và anh em chị chủ quán thường hay đàm đạo đủ thứ chuyện, nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện về đạo Phật. Chị chủ quán rất chăm lên chùa, vừa để lễ Phật, vừa cùng các Phật tử khác thực hiện các chương trình thiện nguyện. Chị cũng đến nhiều cơ sở Phật giáo lớn của cả nước để tham quan, giao lưu, học hỏi. Có lần tôi vào, chị kể "chị vừa đi chùa Hương về, tự nhiên thấy buồn quá". Rồi chị kể về những tiêu cực chị gặp trên đường đi, bla...bla... Rồi chị chốt "Nhưng buồn nhất là người ta đi chùa không phải tìm sự thanh tâm trong lòng mình để tự tin vượt qua bể khổ, mà chỉ để cầu tài, cầu lộc, và mong thăng quan tiến chức em à. Đức Phật làm sao có thể giúp con người ta làm được những điều đó chứ. Chị và nhiều Phật tử ở Huế không quan niệm như vậy."

Thì ra thế. Ngay trong cộng đồng Phật tử cũng có nhiều quan niệm khác nhau về đức tin và hiệu quả của Phật pháp. Và như vậy, bà tôi, dù không theo đạo Phật, cũng có quan niệm về chuyện thờ cúng không khác gì so với một số Phật tử ở Huế.

Tôi mang chuyện đó kể với anh trai chị. Anh vốn dĩ là một sỹ quan chế độ VNCH, từng qua trường Võ bị Đà Lạt, có dáng phong trần, lãng tử hào hoa. Sau 1975, anh bị đi cải tạo mấy năm ở miền Bắc. Ra trại, anh về Huế chạy xích lô và làm "trai kêu" - ai kêu gì làm nấy, trừ việc lên giường với mấy bà nạ dòng thừa tiền thiếu tình (anh vẫn nói vui như vậy). Những lúc rảnh, anh thường ghé xe vào một bóng râm nào đó đọc sách, chủ yếu là các loại sách về triết học và tôn giáo. Nghe chuyện, anh trầm ngâm một thoáng rồi chậm rãi "thực ra tất cả các tôn giáo tín ngưỡng đều có 2 đặc điểm chung. Một là, giúp người ta tìm đến sự tĩnh tâm, hướng thiện và vị tha. Điều thứ hai quan trọng hơn, các tôn giáo tín ngưỡng luôn LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM. Nhiều người đi cúng/đi lễ cứ nghĩ rằng Thần Phật hay Thiên Chúa mới là trung tâm. Nhưng thực ra không phải vậy, Thần Phật hay Thiên Chúa chỉ là sự cứu rỗi, là người mang đến ngọn đuốc dẫn đường. Dựa vào ngọn đuốc đó, mỗi người phải tự tìm đến đích bằng đôi chân của mình." Quả thật, anh không hổ danh là một sỹ quan - trí thức.

Nhưng nếu đều lấy con người làm trung tâm, vậy các tôn giáo/tín ngưỡng - ví dụ cụ thể như tục thờ cúng tổ tiên, Công giáo và Phật giáo - khác nhau ở chỗ nào? Tìm hiểu kỹ, sẽ dễ nhận thấy sự khác biệt lớn nhất chính là ở quan điểm phát triển con người.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đạo Lão, luôn gắn với gia đình, chi phái, dòng họ và thôn làng. Các gia đình trâm anh thế phiệt khuyến khích lớp con cháu kế thừa gia phong. Các gia đình bần nông cũng cố gắng động viên con cái dùi mài kinh sử với mục đích chính là để "đỗ đạt rồi ra làm quan". Người ta đi học không phải vì những lý tưởng cao xa (như cải biến/làm mới xã hội chẳng hạn), mà cơ bản là nhằm thay đổi địa vị xã hội của bản thân trong trật tự xã hội sẵn có và đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình/dòng họ. Nếu không đỗ đạt làm quan, ít nhất cũng có mớ chữ thánh hiền để mở lớp gõ đầu trẻ, coi bói, xem thế đất/hướng nhà/đặt mồ mả hoặc bốc thuốc kiếm cơm. Con người là trung tâm, nhưng là "con người cộng đồng", luôn thuộc vào một nhóm xã hội nhất định, không có con người cá nhân/sáng tạo/bứt phá. Trước khi chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, hình hài con người/cá nhân trong cộng đồng làng Việt cả ngàn năm chẳng thay đổi là bao.

Phật giáo là một tôn giáo. Hiển nhiên vậy. Nhưng đó là một tôn giáo cá nhân. Đạo Phật không có Giáo hội tập trung, không có Giáo chủ/Giáo quyền; không có bộ máy thần quyền với các định chế bắt buộc; không có các giáo lệnh để áp đặt cho các tín hữu toàn cầu. Tín đồ đạo Phật hoàn toàn được tự do khi phát nguyện, thậm chí có thể quy y tam bảo rồi tu tại gia. Nhưng Phật giáo cũng là một triết học - một trường phái triết học thực tiễn. Dựa trên nguyên lý Chuyển pháp luân, Phật giáo hướng mỗi người tự tu tập để đạt đến giác ngộ, thoát ra ngoài bể khổ. Và để có thể tu tập theo Phật pháp, mỗi người cần loại bỏ được "lục dục" là "tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến". Trong "lục dục" kể trên, 5 điểm sau không có gì phải bàn cãi. Nhưng ở điểm thứ nhất (tham), vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực. Một mặt, nó khuyên người tu tập "đừng tham lam, cưỡng cầu"; nhưng mặt khác, nó khiến cho người ta trở nên thụ động, với tâm niệm "nếu đã là duyên, ắt tự đến". Chính điều này khiến cho Phật tử không có khát vọng bứt phá.

Công giáo nói riêng, Thiên Chúa giáo nói chung, thì khác. Phúc âm Công giáo quan niệm rằng, Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở trong mỗi tín hữu. Vì thế, "chúng ta phải kính trọng thân xác chúng ta và thân xác người khác"; và rằng, "chúng ta phải kính trọng phẩm giá của người khác qua việc đối xử với họ bằng một tình yêu đích thật. Chúng ta mong muốn cho mọi người có được tất cả những gì chúng ta tìm kiếm cho chính mình." Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Phúc âm còn chỉ rõ: "Sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ giúp mỗi người chúng ta ý thức về phẩm giá của mình như là một con người có giá trị bền vững với những sức mạnh và tài năng Chúa ban. Nói cụ thể, chúng ta kính trọng mình như một CON NGƯỜI qua việc LÀM PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG, NĂNG KHIẾU CỦA CHÍNH MÌNH. Điều này sẽ giúp chúng ta thắng được những áp lực và tránh được những cám dỗ." Hiến chế Mục vụ viết: “Ngôi Lời Thiên Chúa (tức Chúa Jesus - MTS) đã làm người và đến sống trên trái đất (của) con người ... dạy cho chúng ta biết rằng: luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó cải biến thế giới".

Chính vì dựa trên nền tảng văn hóa đó, châu Âu mới có những đột phá trong khoa học - kỹ thuật - công nghệ - văn học - nghệ thuật và nhận thức về nhân quyền trong mấy trăm năm qua. Những thành tựu trong quá trình đột phá đó rất nhiều khi phủ nhận các định đề mang tính tiên thiên được ghi lại trong Kinh Thánh. Và trên thực tế, đã có những cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Nhà thờ với các nhà khoa học. Nhưng rồi cuối cùng, chính Giáo hội Roma lại có những chuyển động tích cực (đặc biệt là từ sau Công đồng Vatican II) để phù hợp với trật tự thế giới mới cũng như những phát kiến khoa học luôn không ngừng cập nhật. Nhờ vậy, Giáo hội Roma vẫn khẳng định được quyền uy. Văn hóa Công giáo vẫn bao phủ rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Các quyền cơ bản của con người vẫn được nhà thờ đảm bảo/khuyến khích. Là một bộ phận không thể tách rời của Giáo hội Roma, cộng đoàn Công giáo Việt cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong các hoạt động của mình, họ luôn khuyến khích/tạo điều kiện cho mỗi cá nhân tín hữu có thể làm chủ bản thân/tự do sáng tạo/hiệp thông đa chiều/dân chủ - tự chủ trong Hội Thánh/và trên hết là sự vị tha. Trên thực tế, ở Việt Nam, chính cộng đoàn giáo dân mới là những người đi tiên phong trong nhận thức về nhân quyền và dân chủ. Rất ít khi những đặc điểm này của văn hóa Công giáo Việt được giới thiệu/quảng bá trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

P/S: Tại Việt Nam, vào thời Lý-Trần, Phật giáo đã thực sự nhập thế, khuyến khích sự thể hiện tinh thần tự cường rất mạnh. Quảng Nghiêm thiền sư từng viết:

"Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành".

(Dịch nghĩa:
Lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn
Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh
Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm
Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Như Lai).

Tiếc rằng, những thế kỷ sau đó, xã hội Việt Nam rập theo khuôn phép Khổng Nho, Phật giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu và không còn giữ được tinh thần này nữa.

Ảnh: Các bạn trẻ Công giáo trong một buổi sinh hoạt tập thể (chôm trên mạng, sozy tác giả)