Catholic Việt - Dòng văn hóa đơn côi (từ bài 6 đến hết)

Quang X Nguyen



CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (6)


Khi tôi dẫn lại lời của một người bạn ở Huế, khẳng định "tất cả các tôn giáo đều lấy con người làm trung tâm", một vài bạn thảo luận, cho rằng "Trong Công giáo, Thiên Chúa mới là trung tâm". Các bạn không hoàn toàn sai, nhưng chỉ đúng một cách nửa vời.
Đúng. Trong Đức Tin Công giáo, Thiên Chúa là trung tâm. Ngài hiển linh qua 3 thân vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh. Nhưng trong cuộc sống trên trái đất, Thánh ý luôn khẳng định: con người mới là trung tâm. Có thể nhận thấy điều này qua các luận cứ:
(i) Đức Chúa Cha là Đấng Tạo hóa, là nguồn gốc của muôn loài. Khi Người nhận thấy, các con chiên của mình đang phải chịu nhiều đau khổ, liền phái Đức Chúa Con hóa thân sống đời trái đất để chịu nạn và cứu rỗi thế giới;
(ii) Trong 3 thân vị Thiên Chúa, Đức Chúa Thánh Linh luôn ngự trong lòng tín hữu, xem họ là đền thờ của Ngài. Ngài ban cho con người các loại khả năng (ân tứ) khác nhau, dẫn dắt họ đến với Đức Tin và thực hiện các Thánh ý. Mỗi sứ vụ mà một tín hữu thực hiện vị tha đều là một biểu hiện cụ thể của Thánh ý;
(iii) Theo Phúc Âm, mỗi con người cá nhân luôn nằm giữa một tam giác quyền năng - Thiên Chúa, tín hữu đồng đạo, và thế giới thụ tạo. Và họ luôn phải hiệp thông với cả 3 quyền năng đó;
(iv) Khi các chức vị trong hàng Giáo phẩm được trao các sứ vụ mục tử, là họ đang thực hiện Thánh ý nhằm dẫn dắt đàn chiên khỏi lạc lối. Mà trong việc chăn chiên, thì tất nhiên đàn chiên phải là trung tâm;
(v) Tất cả các dòng tu trên thế giới được lập ra đều có sứ mạng hàng đầu, theo Thánh ý, là loan truyền Tin Mừng/mở rộng nước Chúa; ngoài ra, mỗi dòng tu đều có những sứ mạng cụ thể khác. Nhưng tất cả các sứ vụ mà mỗi dòng tu thực hiện đều hướng đến mục đích chính là tạo cho con người cuộc sống tốt hơn. Vậy con người không phải là trung tâm thì là gì?

Trên báo chí, hàng ngày mọi người đều có thể đọc được tin tức về các chương trình quốc gia "hỗ trợ người nghèo, người dân các dân tộc thiểu số, và các đối tượng dễ bị tổn thương"; về việc các tăng ni Phật tử thực hiện các chương trình thiện nguyện, nuôi dưỡng/chăm sóc người lang thang cơ nhỡ/trẻ mồ côi không nơi nương tựa... Tất nhiên, điều đó rất nên và các hoạt động vị tha luôn cần được quảng bá.

Nhưng có mấy người "bên lương" biết rằng, tại Việt Nam, hiện có hơn 240 dòng tu Công giáo với hơn 22.000 tu sỹ và hàng triệu tín hữu hoạt động trong các huynh đoàn; mỗi ngày, họ thực hiện hàng ngàn sứ vụ khác nhau, đều hướng đến mục đích mang lại cho mọi người cuộc sống tốt hơn? Tôi chắc là chỉ có rất ít. Bởi báo chí chính thống chẳng bao giờ đưa tin, còn nhiều người thuộc "bên lương" lại quá thờ ơ với đời sống đồng bào Công giáo.

Ít người biết rằng, thuộc quyền quản lý của 24 dòng nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam, có hàng ngàn trường Dục anh đang nuôi dạy hàng vạn trẻ em không phân biệt "lương"/giáo và ở đó chẳng bao giờ có chuyện "bạo hành học đường". Các nữ tu trọn đời tu trì, tận tâm Thánh hiến, âm thầm thực hành các Thánh ý thông qua các việc làm cụ thể: chăm sóc bệnh nhân/người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người nghèo khó....

Ít người hình dung được rằng, nếu không có các giáo sỹ, tu sỹ và huynh đoàn thuộc dòng Chúa Cứu Thế, thì hàng vạn thương/phế binh VNCH sẽ sống như thế nào. Sau tháng 4/1975, các thương/phế binh VNCH trở nên bơ vơ, gần như hết đường sống. Đối với xã hội mới, họ trở thành một gánh nặng. Họ được coi là "đối tượng dễ bị tổn thương", nhưng sự trợ giúp từ phía nhà nước chẳng được bao nhiêu. Không phải Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mà chính dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam mới là bên chủ trì thực hiện các sứ vụ nhằm đảm bảo cho cuộc sống của họ tốt hơn.

Có điều, khi thực hiện những sứ vụ "giải cứu" các đối tượng dễ bị tổn thương, người Công giáo không gọi đó là việc làm "từ thiện", mà thường gộp chung vào khái niệm "công tác xã hội". Họ coi đó là sứ mạng tất nhiên, là Thánh ý do đó "nên/cần/và phải" được thực hiện mà không đòi hỏi bất cứ sự ghi nhận nào từ các bên liên quan. Điều này có hơi khác với việc làm từ thiện của các Phật tử một chút. Khi làm từ thiện, các Phật tử cũng không đòi hỏi sự tri ân từ phía các đối tượng được trợ giúp. Nhưng mục đích sâu xa hơn của họ khi giúp đỡ người khác (vị tha) là để nhận được sự phù hộ độ trì của Phật tổ, để họ được thanh tâm, để cuộc sống của họ tốt hơn, để thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc (vị kỷ). Điều đó chẳng có gì sai trái, bởi khát vọng hạnh phúc là tâm điểm chung của nhân loại. Khác chăng, chỉ là con đường để đạt đến mục đích đó. Giữa các giáo dân và Phật tử có những quan niệm riêng về con đường của mình.

Thiết nghĩ, mọi con đường để đi đến mục đích nhân sinh đều phải được trân trọng. Và những nét đẹp trong sáng, vô tư trong văn hóa Công giáo Việt cũng cần được xã hội ghi nhận và quảng bá rộng rãi.

Ảnh 1: Anh chị em dòng Mến Thánh Giá Hà Nội chuẩn bị cho một sứ vụ công tác xã hội.
Ảnh 2 và 3: Anh chị em trong huynh đoàn dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn thực hiện các sứ vụ chăm sóc thương/phế binh VNCH.
(Ảnh chôm trên mạng, không có mục đích vụ lợi, mong các tác giả lượng thứ).


CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (7)




Tôi có hơn chục năm tham gia các chương trình/dự án phát triển cộng đồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong thời gian đó, tôi từng tổ chức khoảng hơn 300 phiên làm việc nhóm với những người tham gia thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nhiều tộc người, và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Quá trình làm việc với mỗi nhóm tác nhân đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Các anh chị em từng tham gia hoạt động nhóm chắc đều thuộc lòng công thức: (1)+(1)+…+(n)<1. Điều ấy có nghĩa là, để đi đến sự đồng thuận, mỗi người đều phải hi sinh một phần “cái Tôi” của mình và kết luận cuối cùng được chốt lại về một vấn đề nào đó không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn ý muốn của tất cả mọi người. 
Những nguyên tắc/quy định trong làm việc nhóm thì nhiều, nhưng có 2 điều không được phép quên: (i) trao quyền điều hành cho các thành viên trong nhóm tác nhân; và (ii) tất cả mọi người đều có quyền/và nghĩa vụ tham gia đóng góp ý kiến. Nhưng đã là nhóm, luôn có hiện tương “chín người mười ý”. Và một trong những căn bệnh khá phổ biến của người Việt là ai cũng nghĩ mình là trung tâm. Vì thế, ở nhiều cuộc họp nhóm bà con cãi nhau như mổ bò, không ai chịu nghe ai, nhất là nếu chủ đề lại liên quan đến lợi ích (phân loại hộ nghèo, hỗ trợ vật chất/vốn tài chính…). Cuộc họp sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nếu có sự tham gia chung của cả người giàu và người nghèo, hoặc người Kinh với người dân tộc thiểu số. Xu hướng chung, là những người giàu thường hay tham góp ý kiến hơn những người nghèo, và những người Kinh thường lấn át/áp đặt các tác nhân là dân tộc thiểu số.

Riêng với các nhóm tác nhân là người Công giáo (và Tin Lành), tôi chưa bao giờ gặp những khó khăn tương tự. Thách thức lớn nhất đối với cán bộ phát triển cộng đồng ở khu vực Công giáo (và Tin Lành) là phải tạo được niềm tin đối với người dân. Một khi đã được bà con tin mến, việc tổ chức các phiên làm việc nhóm chỉ còn là chuyện nhỏ.

Điều khiến tôi cực kỳ ấn tượng, là kỹ năng làm việc nhóm của hầu hết thành viên trong cộng đoàn giáo dân (cũng như các nhóm Tin Lành) đều hết sức thuần thục. Họ đĩnh đạc trong việc thay nhau điều hành các phiên họp. Họ tự tin đưa ra các ý kiến của mình. Và khi một người nói, tất cả những người khác đều kiên nhẫn lắng nghe. Trong thảo luận, mọi người đều có thái độ khiêm cung/cầu thị. Khi đạt được sự đồng thuận, mọi người ai vào việc nấy với một tâm thế hết sức thoải mái. Hiện tượng này phổ biến ở tất cả các khu vực Công giáo (và Tin Lành) vùng người Kinh cũng như vùng dân tộc thiểu số hay vùng xen cư Kinh-Thượng.

Có thể giải thích hiện tượng này như thế nào? Thực sự là không khó, nếu chúng ta trở lại với Giáo lý Hội Thánh Công giáo, với các nguyên tắc của Học thuyết xã hội Công giáo, và với các hoạt động thường xuyên trong các cộng đoàn giáo dân cũng như các dòng tu.

Ngay từ khi còn nhỏ, mọi giáo dân đều được thuyết giảng theo Giáo lý rằng mỗi người - không phân biệt nam nữ - đều được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì giống Thiên Chúa, mỗi người đều là một ngôi vị, một ngã vị có ý thức và tự do. Mặt khác, con người cũng là một hữu thể tương quan với nhiều chiều cạnh và quy mô khác nhau. Chính trong quá trình hiệp thông với các tín hữu, mỗi người mới phát triển được tiềm năng của mình và nhờ đó họ có thể đáp trả lại ơn gọi làm người của Thiên Chúa. Và vì thế, họ chủ động/tự tin tham gia trong các phiên họp nhóm cũng là điều dễ hiểu. Bởi mỗi cuộc làm việc nhóm như vậy đều được coi là một quá trình hiệp thông.

Học thuyết xã hội Công giáo đề ra các nguyên tắc cơ bản: (i) Nhân vị, được hiểu là mọi người đều phải tôn trọng phẩm giá của bản thân và của tha nhân, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội; (ii) Mọi người đều hành động theo công ích, lấy công ích - tức là lợi ích của cộng đồng - làm mục tiêu tiên quyết của mình; (iii) An sinh xã hội dựa trên quyền tư hữu về tài sản nhưng có sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo; (iv) Dân chủ và tham gia; và (v) Đoàn kết và hợp tác.

Tìm hiểu kỹ các nguyên tắc xã hội Công giáo, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng gần như trùng lặp với các nguyên tắc phát triển xã hội hiện nay của các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Nhưng khác với các bài giảng trong trường học thế tục (đôi khi nhàm chám và mang tính hình thức), các nguyên tắc trong Học thuyết xã hội Công giáo ít nhiều mang tính thiêng, bởi nó được truyền dạy trong nhà thờ, thông qua các buổi thuyết giảng của các chức vị có sứ vụ mục tử (chăn chiên). Điều quan trọng hơn, nó luôn được nhắc đi nhắc lại trong quá trình trải nghiệm của mỗi người: phụng sự Thiên Chúa, chăm lo cuộc sống gia đình và cộng đoàn, thực hiện các Thánh ý qua các sứ vụ công tác xã hội.

Tôi không dám chắc rằng, tất cả giáo dân đều nhớ được nguyên văn Giáo lý hay các nguyên tắc xã hội, nhưng có thể khẳng định hầu hết trong số họ đều nắm được những nội dung căn bản. Và nó đã trở thành phương châm hành động trong mọi hoàn cảnh, rèn luyện cho mỗi tín hữu một trong những kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống: kỹ năng làm việc nhóm.

Ảnh: Các buổi hoạt động nhóm của các bạn trẻ Công giáo.
(Ảnh chôm trên mạng, không nhằm mục đích vụ lợi, mong các tác giả ảnh lượng thứ).



CATHOLIC VIỆT - DÒNG VĂN HÓA ĐƠN CÔI (vĩ thanh)


Văn hóa Công giáo Việt là câu chuyện vô cùng phong phú với nhiều chiều kích khác nhau. Tuy nhiên, loạt bài này đã quá dài, tôi tạm khép lại ở đây và nếu có thể, sẽ trở lại vào một dịp khác. Trước khi dừng lời, xin được chia sẻ vài chiêm nghiệm:

(1) Thế giới vốn đa nguyên/đa dạng, và vì thế Đức tin của nhân loại cũng tương tự như vậy. Có điều, không khó để ngộ ra rằng, trong trường kỳ lịch sử, các vương triều cứ lần lượt được lập nên rồi sụp đổ; các thể chế chính trị hình thành, phát triển rồi cũng có lúc suy vong để được thay thế bằng thể chế khác, phù hợp hơn với thời đại và nhu cầu phát triển của con người. Nhưng mấy nghìn năm nay, Đức Phật Tổ, Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Ala vẫn cứ là những biểu tượng trường tồn. Tư tưởng của các Ngài vẫn cứ là những dòng chảy liên tục trong ý niệm, suy tưởng và hành vi của các tín hữu nội đạo. Các dòng tôn giáo có thể duy trì lâu dài được, là bởi ngoài Đức tin, còn có những nguyên nhân từ sức sống văn hóa. Đức tin là nguồn cội, là nền tảng văn hóa của mỗi tôn giáo. Nhưng khi đã hình thành và phát triển, đến lượt nó, văn hóa lại góp phần củng cố và lan tỏa Đức tin. Đó là quy luật phổ quát của tất cả các tôn giáo. Chống lại hay bài xích các tôn giáo, chính là chống lại các nền văn hóa/văn minh. Đó không phải là ý tưởng khôn ngoan.

(2) Các tôn giáo có thể khác nhau về Đức tin, biểu tượng, giáo lý/giáo điều/giáo luật, cũng như cách thức thực hành văn hóa, nhưng tựu trung lại đều hướng đến mục đích tạo lập cho con người có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Tùy từng góc nhìn, mỗi người có thể có những cách hiểu khác nhau về đối tượng trung tâm của các thực hành văn hóa tôn giáo. Tuy nhiên, nếu nhìn từ cấu trúc sinh hoạt thường ngày, mọi thực hành văn hóa tôn giáo đều lấy con người làm trung tâm. Mỗi triết thuyết tôn giáo đều chứa đựng những yếu tố tích cực cũng như sự bất cập nào đó nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận các giá trị nhân sinh của từng tôn giáo. Giáo lý của tất cả các tôn giáo đều yêu cầu các tín hữu phải tôn trọng phẩm giá con người - gồm cả bản thân và tha nhân. Tinh thần vị tha/bác ái luôn xuyên suốt trong tất cả các bài học tôn giáo. Không ai có thể phủ nhận những thực tế đã diễn ra trong lịch sử, là vì nguyên nhân tôn giáo mà từng xảy ra các cuộc xung đột/chiến tranh đẫm máu. Nhưng xu thế đã và đang tiếp diễn, vẫn là hòa giải để chung sống hòa bình. Mọi biểu hiện định kiến, kỳ thị, bài xích lẫn nhau đều trái với các nguyên lý tiên khởi của tất cả các tôn giáo và đang đi ngược lại khát vọng thấu hiểu/chia sẻ/và chung sống hòa bình của nhân loại.

(3) Lịch sử cho thấy, trong quá trình phát triển, tôn giáo nào cũng có sự phân ly/chia tách và đến một lúc nào đó sẽ lại diễn ra sự hồi quy mà tâm điểm là Đức tin chung và Phẩm giá Con người. Cũng như mọi hệ thống lý thuyết và cấu trúc xã hội khác, các tôn giáo luôn không ngừng có sự bổ sung trong diễn giải giáo lý, sự thay đổi trong cấu trúc điều hành để thích ứng với một thế giới luôn chuyển động ngày càng nhanh. Giáo hội Công giáo Roma vốn dĩ luôn bị coi là một tổ chức bảo thủ, cứng nhắc, và có phần cực đoan. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, mọi người sẽ thấy, suy nghĩ đó thực sự không hoàn toàn chính xác. Để có thể loan truyền Tin mừng và mở rộng nước Chúa trên khắp thế giới, từ lâu Vatican và các nhà truyền giáo đã không ngừng tìm cách thích ứng với các cộng đồng địa phương. Việc truyền giáo ở Việt Nam cũng là một ví dụ sinh động cho chủ trương đó. Để phù hợp hơn với sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật - công nghệ - triết học - kinh tế chính trị học - văn học - nghệ thuật sau thời kỳ Khai sáng (thế kỷ XVIII), Giáo hội Công giáo Roma đã không ngừng có sự bổ sung trong cách diễn giải về Giáo lý, kể cả với những mệnh đề trước đây vẫn được coi là tiên thiên, cũng như phương cách ứng xử toàn cầu. Đỉnh cao của sự thay đổi đó chính là Công đồng Vatican II (1962-1965). Đó thực sự là một cuộc cách mạng, bắt đầu từ các vị thuộc hàng giáo phẩm, nhằm hướng đến mục đích Vinh danh Thiên Chúa, Nhân văn, Công lý và Hòa bình.

(4) Công giáo đã được du nhập và phát triển ở Việt Nam hơn 400 năm. Chừng đó thời gian đã có mấy vương triều sụp đổ, mấy lần quốc hiệu đổi thay. Các hoàng đế lên ngôi, làm mưa làm gió, rồi cũng băng hà. Nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn còn đó, hằng sống trong trái tim của ngót chục triệu tín hữu Việt; cũng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Thánh Ala vẫn ngự trị trong hàng triệu trái tim khác. Sự tồn tại bền vững và phát triển không ngừng của Công giáo Việt có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến cốt lõi văn hóa giàu tính nhân văn. Lịch sử đã ghi nhận nhiều sự kiện bi tráng. Nhưng nhìn nhận lại lịch sử là để rút ra những bài học cho ngày hôm nay chứ không phải để khoét thêm hố sâu ngăn cách. Khi nhìn nhận/đánh giá, mỗi người cần phải dựa trên góc nhìn đương đại và đặt các thực hành văn hóa tôn giáo trong sự chuyển động không ngừng. Không ai có thể phủ nhận được thực tế là cộng đoàn tín hữu Công giáo Việt vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc/quốc gia. Dòng văn hóa Công giáo, với những giá trị tự thân, luôn hướng đến những mục đích nhân sinh, đã làm giàu thêm cho vốn văn hóa dân tộc/quốc gia. Sự thật đó phải được ghi nhận/tôn vinh/và quảng bá toàn diện như các dòng văn hóa khác trong tổng thể văn hóa Việt Nam.