Truyện ngắn: Về quê

Quang X Nguyen

Về quê 

Truyện ngắn


Đến ngã ba thị trấn, chiếc xe khách chạy chậm lại, rồi táp vào về đường. Thạch vội vàng nhảy xuống. Ba lô con cóc trên vai, đã lâu lắm Thạch mới lại về thăm quê. Nơi nhà Thạch ở là một ngôi làng nhỏ toàn tòng Công Giáo, nằm bên ngoài đê sông Hồng.


Thạch hít một hơi thật dài để lấy lại cái cảm giác khoan khoái khi đặt chân xuống miền đất mẹ. Trời đã về chiều. Từ đây về đến nhà còn khoảng hơn hai cây số nữa. Cũng có một vài chiếc xe ôm mời chào nhưng Thạch đều từ chối. Thạch thích đi bộ như thế này để có cơ hội chiêm ngưỡng cũng như thưởng thức cái hương vị của đất trời quê hương. Mới hôm nào Thạch từ giã làng quê yêu dấu để lên Hà Nội học, thế mà nay anh đã tốt nghiệp được ba năm rồi…

Gia đình Thạch cũng thuộc vào loại “thường thường bậc trung” trong làng. Mẹ Thạch mất sớm, năm ấy, Thạch vừa vào được lớp mười; để lại cho bố Thạch tất cả bốn người con. Thạch là con cả trong gia đình, nên ngoài những lúc học trên trường, cậu cố gắng dành mọi thì giờ còn lại để giúp đỡ bố thu xếp công việc trong nhà. Những năm ấy, bố Thạch lại làm Quản, nên không những lo toan cho gia đình, ông còn phải lo việc dạy giáo lý và xướng kinh sớm, tối ở nhà thờ. Hàng xóm láng giềng, mọi người đều cảm thương cho gia cảnh nhà ông Quản. Nhìn ông thui thủi trong cảnh “gà trồng nuôi con”, có người khuyên ông nên đi bước nữa nhưng ông chỉ cười. Hình như ông muốn cố gắng bù đắp sự thiếu thốn tình thương của người mẹ cho đàn con hơn là tìm niềm vui cho bản thân mình.


Cái Thanh - đứa em gái út của Thạch - năm nay đang chuẩn bị thi vào lớp mười. Về quê lần này, Thạch kết hợp một công đôi ba việc: vừa là để dự lễ Quan Thầy của giáo họ, vừa thăm gia đình và xem xem đứa em út có khó khăn gì trong việc học hành và thi cử không.

Từ ngày học đại học, Thạch lại càng cảm thấy thương bố và các em hơn. Đứa em giáp Thạch năm nay cũng đã là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Thủy Sản – Nha Trang. Đứa tiếp theo đang chuẩn bị thi vào đại học. Tất cả đều lo chuyện học hành, nên mọi công việc trong gia đình lại dồn tất cả lên đôi vai gầy gò của bố. Chỉ được cái, anh em Thạch đứa nào cũng biết thương bố, nên không ai chơi bời cả mà suốt ngày chỉ cắm đầu vào học và học. Nghe đâu, hai cậu em của Thạch còn là thành viên trong ca đoàn của họ giáo nữa…

Thạch đi giữa hàng phi lao trồng hai bên con đường nhỏ dẫn vào làng, cậu đang lắng nghe tiếng gió thổi vào lá cây phi lao tạo thành một bản hòa tấu mà không giống với bất cứ bản nhạc nào Thạch đã từng nghe. Những cơn gió tinh nghịch thỉnh thoảng lại cuốn những chiếc lá khô, quay quay mấy vòng rồi ném lên khoảng không ngay trước mặt Thạch. Lúc này, những kỷ niệm của tuổi thơ lại thức dậy trong lòng người trai trẻ. Hàng cây phi lao này có lẽ đã gắn bó với những tháng năm tuổi thơ của Thạch. Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi chăn trâu, sau khi đã tìm được một đám cỏ xanh đủ cho trâu ăn, Thạch lại tìm một gốc cây phi lao để ngả lưng và dở cuốn sách ra đọc. Mấy đứa bạn Thạch hồi ấy cứ gọi cậu là “con mọt sách” - vì Thạch ham đọc sách từ bé. Có hôm, mới đọc được một đoạn, cậu đã đi vào giấc điệp lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy thì trời đã gần trưa, vội vàng dắt trâu về nhà. Căn bếp vẫn nguội tanh nguội ngắt, Thạch mải móng vo gạo nấu cơm. May mà hôm đó bố đi làm đồng về muộn, không thì chắc thế nào cũng có chuyện chứ chả chơi.

Thạch đang thả hồn theo những kí ức xa xưa, bỗng từ đâu, mấy đứa trẻ đi tắm sông về, mình trần trùi trụi chạy ngang qua. Đứa nào đứa nấy trên mình chỉ còn độc cái quần đùi. Nhìn thấy Thạch, chúng vội hét to:

- A! anh Thạch về rồi chúng mày ơi!

- Em chào anh Thạch! Anh mới về đấy à ? - thằng cu Dũng nhanh nhảu.

Cả bọn chạy lại, đứa cầm tay, đứa bám áo, đứa nào cũng muốn đi bên cạnh anh.

- Ừ! Anh chào các em. - Thạch vui vẻ đáp lại.

Lúc còn ở nhà, Thạch rất mến trẻ, đáp lại, bọn chúng đứa nào cũng quý anh. Vì những lúc rảnh, Thạch thường quy tụ chúng nó lại để dạy học. Có lúc hứng lên, Thạch vác cả cây ghi-ta ra ngồi dưới gốc nhãn ở cuối nhà thờ vừa đàn vừa hát cho chúng nghe. Đặc biệt, Thạch còn có biệt tài kể chuyện hài hước. Nghe Thạch kể chuyện, bọn trẻ con, đứa nào đứa nấy cứ gọi là há hốc miệng lên mà nghe. Nghe xong, chúng lại phá lên cười khoái trá. Mấy năm nay, Thạch học ở Hà Nội, nên chúng không còn cơ hội để được thưởng thức tiếng đàn cũng như tài kể chuyện của Thạch nữa.

- Chúng mày ơi ! anh Thạch có cái ba lô đẹp chưa ? - một thằng trong bọn reo lên.

- Này, anh Thạch độ này trông như người thành phố í chúng mày nhỉ!

Những câu thăm hỏi, những tiếng nói cười làm vui nhộn cả một quãng đường làng.

Ở làng này, có lẽ Thạch là người đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học. Nhớ lại trước kia, khi Thạch còn học cấp ba, có khi cả làng mới có một hai người đi học. Phần vì trường ở xa nhà đến hàng chục cây số, phương tiện đi lại thì không có, nhưng quan trọng là mọi người đều nghĩ: không biết học cao để làm gì ? sau này về có khá hơn bây giờ hay không ? Có gia đình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên con có ham học thì cũng đành cắn răng mà chịu, chứ lấy đâu ra tiền mà cho chúng đi học bây giờ !?

Riêng đối với gia đình Thạch thì khác, bố Thạch luôn động viên anh em Thạch phải đi học để vượt ra khỏi cảnh lam lũ. Hôm nghe tin Thạch đỗ đại học, ông vội vàng bán đi mấy sào lúa non rồi chạy vạy, vay chỗ nọ chỗ kia được ít tiền cho Thạch nhập học. Cầm số tiền bố đưa trên tay mà Thạch không cầm được hàng nước mắt cứ trào ra. Thạch tự hứa với lòng mình là phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng bố. Bố Thạch vốn hiền lành. Thương con, ông chỉ biết làm quần quật tối ngày để cho các con có điều kiện học hành tử tế, chí ít thì cũng bằng chị bằng em…

Mấy năm đầu học đại học, Thạch cố gắng đi làm thêm để phụ vào tiền đóng học phí. Lúc thì đi phụ quán ăn, rồi dạy kèm, giao báo cho các đại lý… thôi thì đủ cả. Sau khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu, Thạch xin được vào làm ở một cơ quan kinh doanh trên Hà Nội, nên điều kiện kinh tế cũng có phần khá hơn. Thỉnh thoảng Thạch vẫn dành dụm gửi về cho bố và cho các em đóng tiền học…

Mới xa nhà có mấy tháng mà khi về gần đến nhà, trong lòng cảm thấy cứ rộn ràng. Lần về vừa rồi, lúc Thạch đi, cánh đồng còn đang để đất ải. Thế mà hôm nay về, đồng lúa đã chín rộ, vàng óng một màu, trải dài đến tận chân đê xa tít tận cuối làng.

Mấy năm trước, thỉnh thoảng Thạch vẫn về thăm nhà. Nhưng kể từ khi tốt nghiệp đại học, rồi xin được vào chỗ làm mới, công việc cứ rối bù cả lên, thành thử, khoảng thời gian về thăm gia đình cứ thưa dần.

Vừa bước chân vào ngõ, Thạch đã nhận ngay được cái mùi hương quen thuộc của cây hoa ngọc lan trồng ở góc vườn. Đàn lợn đang kêu rống lên đòi ăn. Cái Thanh thì đang lúng túng không biết làm thế nào với cái nồi cám to kềnh. Bỗng nó reo lên khi nhìn thấy Thạch:

- A ! anh Thạch đã về. Bố ơi anh Thạch về!

Bố Thạch đang rửa chân tay bên bờ giếng, mồ hôi nhễ nhại, hình như ông vừa mới đi làm đồng về.

- Thạch đã về đấy à? – ông cất tiếng hỏi.

- Vâng ! Con chào bố, con mới về.

Trước đây, mỗi lần đi xa về, Thạch đều cảm thấy được cái ấm cúng của tình gia đình, cái dịu ngọt của chùm khế quê hương. Và lần này cũng thế, lòng Thạch tự dưng cứ dâng trào một niềm vui khó tả.

Bữa cơm gia đình diễn ra thật đơn sơ nhưng đầm ấm. Chỉ vẻn vẹn có một đĩa cá kho với lá chè xanh, một bát canh cua nấu với rau mồng tơi cộng với một đĩa cà muối. Thạch ăn ngấu nghiến như người lâu ngày bị bỏ đói. Cái Thanh nhìn anh ăn cứ bưng miệng cười. Nó không nghĩ anh nó đường đường cũng sắp là công chức nhà nước trên thành phố rồi mà lại thèm mấy cái món ăn ở nhà quê như vậy.

Bữa cơm vừa xong thì cũng là lúc tiếng chuông nhà thờ vang lên. Bố Thạch uống vội chén nước chè tươi hãm đặc rồi khoác chiếc áo sơ-mi đi đến nhà thờ. Trước khi đi, ông không quên mang theo cỗ tràng hạt. Bây giờ đang là tháng Mân Côi, nên nhà thờ tối bao giờ cũng lần hạt để kính Đức Mẹ. Bố vừa đi khuất, Thạch cũng sửa soạn đến nhà thờ để tập hát lễ. Trước khi lên Hà Nội học, Thạch đã từng là một cây hát sô-lô trong ca đoàn của giáo họ, nên sau này, mỗi khi có dịp về quê, anh đều đến tham gia tập hát với ca đoàn.

Ngày mai là lễ Đức Mẹ Mân Côi - quan Thầy của giáo họ. Trên ngọn tháp nhà thờ, các loại cờ đủ màu đã được giăng lên đang tung bay phần phật. Những bóng đèn tuýp được xếp thành hình cây thánh giá trên nóc các ngôi nhà trong giáo họ cũng đã bắt đầu được bật lên, chiếu sáng cả một góc làng.

Đường đến nhà thờ không còn xa. Tiếng người gọi nhau đi nhà thờ í ới. Hội kèn đồng cũng đã bắt đầu đi vào buổi tập cuối cùng. Những đứa trẻ trong hội giúp lễ đang nô đùa dưới chân tháp chuông, làm phá tan bầu khí yên lặng nơi sân thánh đường. Thế là sắp đươc gặp lại những đứa bạn “nối khố” trong ca đoàn rồi ! - Thạch nghĩ - Trong số đó, cũng có mấy đứa đi làm xa, thấy bảo: hôm lễ Quan Thầy thế nào cũng về…

***

Có lẽ những tháng ngày sống trên thành phố, hiếm có khi nào Thạch có được cảm giác bình yên như buổi tối hôm nay. Từ ngày ra trường, phải bơn trải với cuộc sống, đối diện với những thách thức về đủ mọi phương diện, đôi lúc Thạch cảm thấy nản. Là một người có học hành tử tế, lại được hấp thụ nền giáo dục của một gia đình Công giáo, Thạch thừa hiểu những điều gì nên và không nên làm; điều gì tốt, còn điều gì trái với lương tâm của người tín hữu kitô!? Nhưng để sống đức tin trong cuộc sống ngày hôm nay không hề đơn giản, đặc biệt đối với những người trẻ như Thạch đây. Có những phi vụ làm ăn mờ ám, có thể nói là trong tầm tay của Thạch, giả như lúc ấy Thạch đồng tình thì đời sống của anh đã khác bây giờ. Bạn bè đồng nghiệp cho Thạch là “thằng cù lần, không biết chớp lấy thời cơ…”. Thạch không nói gì mà chỉ cười. Nhưng trong thâm tâm, anh phải đấu tranh rất dữ dội. Những toan tính thiệt hơn cứ luẩn quẩn trong tâm trí Thạch. Nhưng rồi Thạch cũng vượt qua được, ít nữa là cho đến thời điểm này. Sau này nghĩ lại, Thạch cảm thấy dường như có một sức mạnh vô hình nào đó đã giúp Thạch lướt thắng những “cơn cám dỗ ngọt ngào” ấy.

Đang miên man trong dòng suy tưởng, bất chợt một cơn gió ngoài cánh đồng thổi vào mang theo hương lúa chín thơm ngát, làm mát lạnh cả người. Thạch bước đi mà lòng cứ lâng lâng, rạo rực một niềm vui. Từ ngôi thánh đường đã bắt đầu vang lên lời kinh tuyệt diệu:“Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”


Hà Nội, tháng Mân Côi 2006