Thư gửi ba (Tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện ngắn Ngày Mở Tay của Lm Cao Gia An)

Quang X Nguyen
(Bức thư này được lấy cảm hứng từ Truyện ngắn Ngày mở tay, một tác phẩm của Lm Cao Gia An, S.J)

Thư gửi ba

ảnh minh họa

Ba thân mến!

Ba còn nhớ không?
Ngày xưa, mỗi đêm trước khi ngủ, không bao giờ ba quên kể cho con một câu chuyện. Chẳng phải là chuyện cổ tích, cũng chẳng phải là chuyện người ta, nhưng ba kể cho con về chuyện đời ba. Những câu chuyện đơn sơ, gần gũi, không được tô vẽ, gọt dũa ngôn từ mà hấp dẫn làm sao. Chúng dẫn đưa con vào một miền đất mênh mông của tưởng tượng. Chúng đưa con vào những giấc ngủ say sưa, mơ mộng. Và không ngờ nhất, chúng đã vẽ lên trong con một giấc mơ: giấc mơ viết tiếp giấc mơ còn dang dở!!!

Con còn nhớ, một đêm nọ, giữa tháng hạ nóng nực, ba con mình lên ngủ ở nhà trại. Trong không gian tĩnh mịch của màn đêm, tiếng ve rộn rã vang lên từng tràng dài, inh ỏi. Trong căn chòi tranh nhỏ, tay ba cầm chiếc quạt mo đã ngả màu, đưa đi vẫy lại. Ba quạt cho con ngủ. Dẫu ánh mắt liu riu, mơ màng, con vẫn nghe được từng câu từng chữ câu chuyện của ba:
“Ngày xưa, khi ba còn nhỏ, ba thường xuyên được nội dẫn đến nhà thờ vào mỗi tối. Bởi thời cuộc khó khăn, xứ đạo mình lại không có cha sở, nên mỗi tuần chỉ có duy nhất một thánh lễ vào sáng sớm chủ nhật. Các ngày khác, bà con giáo dân chỉ đến nhà thờ đọc kinh vào ban đêm thôi. Dẫu vậy, như thế thôi cũng quá đủ cho ba yêu gia đình, yêu xứ đạo và yêu niềm tin của mình. Cuộc sống đó, với lòng chân thành và đạo đức của nội đã dẫn ba vào đời với lòng thiết tha yêu mến..”.

Lúc đó, con muốn đứng bật dậy và nói với ba rằng: Ba ạ! Ba giống nội lắm đó. Đời sống của ba đang vẽ lên trong con những bức tranh tuyệt vời về cách đối nhân xử thế. Nó như một nguồn sinh lực nuôi nấng và làm lớn lên những ước mơ đã ươm mầm trong lòng con bấy lâu. Nhưng ba ạ, con đã không chiến thắng được đôi mắt nặng trĩu của con lúc đó. Con chìm sâu vào giấc ngủ khi chưa kịp thổ lộ với ba tâm tư của con. Rồi con cũng quên luôn khi mặt trời chưa kịp mọc lên vào sáng hôm sau đó.

Một đêm khác, giữa trời thu mát mẻ nhưng đen kịt, trời trút xuống một màn mưa dữ dội. Mưa lớn đã làm cho nước dâng lên phủ lấp cả cánh đồng. Đêm đó, ba đã kể cho con câu chuyện về một cơn lũ: “Hồi ba lên mười, có một cơn lũ lớn kéo đến, làm thay đổi cuộc sống của cả xứ đạo, nhất là đối với ba. Năm đó, trời cũng trút mưa lớn như đêm nay. Nước từ khắp nẻo đổ về con sông nhỏ quê mình. Nước thoát không kịp, đã dâng lên một cách nhanh chóng. Bao nhiêu hoa màu đang chờ ngày thu hoạch bị nước nhấn chìm, cuốn trôi. Vậy mà nước vẫn không chịu ngừng lại. Dòng nước đục ngầu vẫn cứ cuồn cuộn đổ về, cuốn theo mình nào trâu bò, gà vịt, nhà cửa... và có cả con người. Đêm đó, nhà nhà, người người chạy lũ. Tất cả mọi người trong làng, cả lương cả giáo đều kéo nhau về ngôi nhà thờ xứ mình. Có người kịp vác theo bồ lúa, vơ được ít bộ quần áo, nồi niêu... nhưng cũng có người chỉ kịp chạy thoát khỏi dòng hung thần đen nghịt. Ngôi thà thờ năm đó tuy nhỏ, nhưng may mắn cũng đủ cho mỗi người một chỗ nằm. Nó được dựng bằng gỗ, trên một ngọn đồi không cao lắm, nhưng cũng không bị dòng nước kia đe dọa. Đêm đó, một ngôi giáo đường tuy nhỏ, nhưng đã dang rộng vòng tay ôm gọn tất cả ngôi làng, ôm ấp họ vào lòng như gà mẹ ấp ủ con mỗi khi mưa đến, nó như một bến đỗ bình yên. Chỉ tội nghiệp một số ông bà già đáng thương, đôi chân già nua của họ đã không thoát khỏi sự truy đuổi của con quái vật kia. Nó quật ngã họ như chúa sơn lâm vồ mồi. Cũng đêm đó, một đội cứu hộ được thành lập để đi tìm và cứu những người còn may mắn vật vờ trên một nóc nhà hay một ngọn cây nào đó, trong đội cứu hộ ấy có nội. Ba ôm nội thật chặt, không cho nội đi, vì ba sợ... nhưng nội xoa đầu ba và nói: ‘ba đi cứu người mà, ba sẽ về với con, ba hứa đó’. Nhưng... con biết không... đêm đó nội đã thất hứa!!!” 

Không biết sao con thấy mắt con ướt đẫm. Ba à, con đã khóc. Nhưng qua lớp nước mắt mỏng, mờ mờ của con, con thấy hai dòng nước lớn hơn, chúng nằm trên hai gò má gầy guộc, sạm đen của ba. Con cũng nghe thấy ba nấc lên từng tiếng, thật lớn, thật dài... Giật mình khi thấy con chằm chằm nhìn ba, ba liền lấy tay gạt nước mắt. Ba cố giấu đi nỗi đau đớn tột cùng của ba bằng một nụ cười gượng gạo, ba tiếp: “Nhưng con ạ, con biết không, sau biến cố đó, ba đã mạnh mẽ hơn, yêu nội hơn và yêu mọi người hơn. Mọi người trong ngôi làng ai cũng thương nội. Họ nói, tại sao một con người tốt lành như thế mà Chúa lại đưa đi quá sớm. Người không Công giáo lại nói ông trời không có mắt, sao kẻ xấu thì không hốt quách nó đi, lại đi giật mạng sống của một người tốt. Họ đã nghĩ thế, con ạ.
Nhưng ba lại nghĩ khác. Ba thấy ông trời (à không, Chúa) có mắt ấy chứ. Chính nhờ sự ra đi của nội con mà nhiều người trở lại với Chúa. Cũng có nhiều người bấy lâu sống khô khan mà sau đó sống đạo đức hẳn lên, họ nói, chẳng phải qua đời (từ địa phương, cách gọi những người đã khuất của những người sống cùng thế hệ) ông T đã sống như thế này sao. Mà ba nghĩ nội con vui lắm đó. Đám tang của nội con là đám tang lớn nhất từ trước đến nay ở làng mình. Cha xứ cử hành lễ an táng một cách trang nghiêm và sốt sắng trong nhà thờ, trước sự hiện diện của rất đông đảo bà con lương giáo và đại diện chính quyền địa phương. Họ muốn tề tựu đông đảo để tri ân một tín đồ nhiệt thành, một thân hữu tốt bụng, một láng giềng có tâm. Còn với ba, ba thấy mình là người thay đổi hơn cả. Từ sau sự ra đi của nội, ba trở nên gần gũi và yêu thương tất cả mọi người hơn. Ba rất muốn được phục vụ tất cả mọi người, bằng hết khả năng của mình, con ạ. Điều đó đã ấp ủ trong ba ước mơ sống đời dâng hiến...”.

Ba ạ, đó là lần đầu tiên ba chia sẻ về giấc mơ sống đời tu của ba, con ngạc nhiên lắm đó. Con rất tò mò, muốn bật dậy để hỏi ba rằng tại sao ba lại không đi tu mà lại lấy vợ, nhưng, con lại thất bại trước sức mạnh của đôi mắt. Mắt con cứ lim dim dần, rời chợt nó nhắm nghiền. Thế nhưng, trước khi mắt con đóng chặt, nó đã kịp thu về một hình ảnh bất ngờ, con thấy ba mở cửa đi ra, hướng về dòng nước lũ...

Ba à, đêm đó con đã gặp ác mộng. Trong giấc mơ đó, con thấy bầu trời đen nghịt, tang thương. Không biết sao, dẫu mắt con không mở ra nổi, nhưng nước mắt cứ tuôn ra. Con thấy nội, à không, con thấy ba bơi qua dòng nước chảy xiết, dữ dội để tới một ngọn cây cao, cứu một ông cụ đang ngồi trên đó. Ba đưa được ông cụ vào bờ rồi thì bất ngờ ba bị ngã ra sau và bị cuốn đi. Con không biết đó là nội hay là ba, vì con chưa từng gặp nội mà. Đó là khuôn mặt của ba, nhưng sao con thấy giống câu chuyện ba kể về nội thế. Con đã khóc thét một cách đau đớn, tuyệt vọng. Mà không biết con có khóc thật không ba nhỉ? Hay nó chỉ diễn ra trong giấc mơ? Con chỉ biết rằng, khi tỉnh giấc, con rất đỗi mừng vui, vì... ba đang nằm cạnh con. Thế là ba không bỏ con như nội đã bỏ ba. Ba ạ, con vui lắm. Lúc đó, ba đang ngủ, nên con chắc rằng ba đã không thấy được một đôi mắt ngây thơ, ngộ nghĩnh đang chằm chằm nhìn ba; Chắc ba cũng không biết rằng, có một đứa bé đã trao cho ba một nụ hôn lên vầng trán gầy guộc của ba. Nó hạnh phúc lắm. Nhìn mái tóc, quần áo còn ướt, lại dính trên đó mấy cọng rơm khô, nó biết rằng ba nó vừa đi giúp mọi người chạy lụt về, đã thiếp đi vì quá mệt khi chưa kịp thay quần áo. Trong lòng nó chợt lóe lên một niềm vui dào dạt, giống cảm xúc của ba ngày xưa đó, ba ạ.

Con cũng nhớ về một đêm đông lạnh buốt, com trùm chăn kín mít nghe ba kể về ơn gọi của ba. Đêm đó, mặt ba đăm chiêu. Ba lơ đễnh nhìn về một cõi xa xăm nào đó, rồi sau đó là những tiếng thở dài, thật dài. Ba kể: “Năm học xong 12, ba xin vào ở Chủng viện. Giai đoạn đầu, dẫu phải đối mặt với những khó khăn và thử thách, nhưng ba vẫn thấy đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời ba. Con biết không, hồi đó, người đi tu được coi trọng lắm đó. Bà nội con rất vui khi ba ngỏ ý đi tu. Dẫu gia cảnh vất vả, bà cũng sẵn sàng hy sinh đứa con đầu cho Chúa. Khi ba đi, bà chỉ còn có cô của con ở cùng. Trong nhà chỉ có hai người phụ nữ, ba lo lắng lắm, nhưng Chúa đã lo thay cho ba. Mọi sự đều tốt đẹp cho đến ngày ba gần lãnh nhận chức Thầy Sáu.

Nhưng, ngày vui mà ba cùng một số thầy chờ đợi đã không đến do thời cuộc biến chuyển. Năm đó, do tình hình chính trị bất ổn, chủng viện đã bị đóng cửa. Tất cả mọi người đều phải ngậm ngùi chia tay nhau, dẫu không ai muốn thế cả. Không ai dám chắc rằng chủng viện sẽ được mở cửa trở lại, nhưng ai cũng chờ. Chờ 1 năm, rồi 2 năm mà vẫn không thấy có tin tức gì, nhiều thầy hết kiên trì, nuốt nước mắt, ngậm ngùi đi tìm ơn gọi khác. Ba thì nhẫn nại hơn, ba chờ tới 5 năm cơ, nhưng cũng không thấy có gì là khả quan. Ba buồn lắm. Bà nội con thấy vậy, cầm nước mắt kêu ba lấy vợ. Bà nói ơn gọi nào cũng tốt, Chúa không chọn theo ơn gọi này có lẽ Chúa đang mở đường cho ba đến với ơn gọi khác đó. Thế là năm sau ba lấy vợ. Mẹ con là một người rất dễ thương. Bà thương ba hồi ba chưa đi tu cơ, bà cứ thương vậy, thương hoài, thương một cách âm thầm. Cho đến khi ba chán nản nhất, bởi chọn lựa được ba ưu tiên nhất không có lối mở, bà vẫn chờ. Người đâu mà chung thủy đến vậy cơ chứ?

Vậy mà... con ạ, trời hay trêu ngươi con người mà. Ba lấy vợ được hơn 1 năm, khi con còn nằm đỏ hỏn trên nôi, thì ba nhận được tin chủng viện mở cửa. Cầm trên tay lá thư mời gọi trở lại chủng viện tiếp tục tiến trình đào tạo mà mắt ba cay xè. Mà không chỉ riêng ba thôi đâu. Cả lớp 27 thầy mà chỉ có 2 thầy cười được thôi con ạ, là 2 cha mà ba con mình gặp hồi sáng đó. Nhưng sau đó, ba lại cảm thấy việc ba lấy vợ là một hồng ân, Chúa đã vẽ lên cuộc đời ba một con đường, con đường chỉ Ngài và ba biết thôi”.

Ba ạ, hôm đó, con đã lén lút nhìn lên mắt ba. Con chờ đợi những giọt nước mắt rơi xuống. Vì con nghĩ rằng, trước một biến cố lớn như vậy, ai có thể giữ nổi dòng nước mắt được chứ. Hơn nữa, ba lại là một người sống rất tình cảm. Nhưng, đêm đó, nó đã không rơi. Con có thấy một giọt nằm sâu trong khóe mắt ba, nó chực trào, nhưng rồi lại biến mất. Hình như nó chảy ngược vào trong. Con nghĩ ba để dành nước mắt cho buổi tối, khi con đã ngủ. Con cũng vậy, ba à, con cũng dành nó cho giấc mơ mà con biết con sẽ gặp trong đêm.

Trong giấc mơ đêm đó, con đã khóc ba ạ. Con mơ thấy ba như đúng câu chuyện ba kể. Những giọt nước mắt của con rơi xuống vì nó chứng kiến một trang đời còn dang dở. Ba đã viết được nửa chừng thì cuộc đời giật khỏi tay ba cây bút, trao lại cho ba một nỗi cô đơn, bất lực. À, ba ơi, con cũng mơ lại đúng cảnh hồi sáng. Giữa đông đảo bà con giáo dân tập trung về nhà thờ chính tòa dự lễ ...,...,... ba con mình đứng sốt sắng dưới một gốc cây, trước khoảng sân rộng nhà thờ. Cùng với cộng đoàn, chúng ta đều hướng về đoàn rước. Trong khi mắt con tò mò, nhanh nhẹn đưa đi từ chỗ những lá cờ vàng trắng đang phấp phới giữa trời lồng lộng gió, đến những con người xa lạ từ bốn phương đổ về, đoàn trống, đoàn kèn, lầu chuông... thì con vô tình thấy mắt ba chỉ nhìn về một hướng – đoàn đồng tế. Con đã lặng lẽ quan sát và thấy trong đó một nỗi niềm sâu ẩn. Hình như ba đang tiếc nuối về một giấc mơ đứt quãng, dở dang. Ánh mắt đó không rưng rưng, nhòe nước, nhưng lại ẩn chứa một nỗi buồn, một niềm khao khát. Đúng ấy chứ, đáng lẽ ra trong đoàn đồng tế đó có ba mà. Rồi ba quay sang con, hướng ánh mắt con về đoàn đồng tế, và nhỏ nhẹ chỉ cho con hai ông cha cùng lớp. Khi ba chỉ, hình như tay ba hơi run một tí. Biết con nó đang nhìn mình, ba lại cố vẽ lên một nụ cười gượng gạo. Nụ cười ấy đã dẫn con chìm sâu vào giấc ngủ say sưa.

Ba à, thằng bé đứng bên ba năm đó có còn nhỏ đâu, lúc đó nó đã học lớp 10 rồi. Nó đủ khả năng để nhận ra được nỗi niềm của ba nó. Và nó cũng nhận ra rằng nó đang khao khát, khao khát cái mà ba đã từng khao khát đó. Ánh mắt ba hôm đó đã tiếp thêm động lực cho nó phấn đấu đấy. Giấc mơ của nó đã thành hình một cách rõ nét, nó đang tập vẽ, tập vẽ lại những gì ba đã vẽ, và vẽ thêm những gì ba chưa kịp vẽ. Nó ước rằng, bức tranh mà ba nó đã vẽ sẽ được nó hoàn thành bằng chính con tim của nó. Bức tranh đó sẽ mang trên mình tâm huyết của hai ba con. Nó muốn vẽ hết, viết hết, chứ không để dở dang, không muốn dành một khoảng trống nào để cho thế hệ tiếp theo vào tiếp tục nữa, nó chỉ muốn đó là bức tranh, là câu chuyện của riêng hai ba con nó thôi.

Ba ạ, những câu chuyện đời ba hấp dẫn như thế đấy, nó lôi con vào cuộc sống của ba. Nó nuôi nấng tuổi thơ của con trong tin yêu, hy vọng. Nó cho con thấy hình ảnh về một người cha tuyệt vời, đưa con vào khoảng trời của một giấc mơ giang dở, lại tiếp thêm động lực cho con viết tiếp câu chuyện đó. Con đã thấy dấu chấm lửng mà ba dành cho con. Con tin đó chính là là một lời ngỏ mà Thiên Chúa là Tình yêu đã mở ra để cho con bước vào. Chính vì thế mà con đã mạnh dạn tiến vào, mạnh dạn cầm bút, với ý thức phó thác, trông cậy.

Ba ơi! Hôm nay, đứng trong hàng ngũ đoàn đồng tế, con thấy mình rất hạnh phúc. Câu chuyện của chúng ta đã được con viết tới đoạn mùa gặt rồi ba ạ. Hôm nay, con không đứng phía bên trái hay bên phải của đoàn đồng tế, mà con lại là nhân vật chính. Con đi sau cùng, với phẩm phục màu vàng - tấm áo con đã được khoác lên mình trong ngày lễ thụ phong. Con về đây, tại giáo xứ quê mình để dâng lễ tạ ơn. Bà con trong giáo xứ tề tựu đông đúc lắm ba ạ. Nhìn vào cộng đoàn đông đảo mà con thấy trống vắng làm sao, mắt con bỗng cay xè. Ngó xuống hàng ghế năm xưa ba hay ngồi, con thấy một chỗ trống. Có lẽ ai đó tế nhị, biết rằng hôm nay ba sẽ về đây dự lễ của con nên đã cố tình dành cho ba chỗ đó. Mà không, nếu ba về thì ba sẽ ngồi với mẹ của con chứ, ba có ghế dành riêng mà, chính mẹ con đã trang hoàng chiếc ghế ấy. Ngồi ở trên nhìn xuống, con nghĩ mẹ sẽ hạnh phúc lắm. Mẹ tin ba sẽ về nên bà đã chuẩn bị chỗ cho ba. Con cũng hình dung thử về sự hiện diện của ba. Nếu ba ngồi đó thật thì không biết ba sẽ trông như thế nào. Không biết con có được nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gò má gầy guộc của ba không? Không biết con có được nhìn thấy một nụ cười mãn nguyện, tươi thật tươi trên môi của ba không? Nhưng con tin, nếu ba còn sống, mỗi lần nhìn vào đoàn đồng tế, ba sẽ không còn thấy canh cánh trong lòng, sẽ không còn tiếc nuối, vì con trai ba đã thay thế ba để đứng trong đó, vì con trai của ba đã viết xong câu chuyện của ba, đã hoàn thành bức tranh còn dang dở của ba. À, mà không, ba ơi, hình như ba không để con một mình viết tiếp câu chuyện của chúng ta, ba đã đồng hành với con, ba cũng tiếp tục viết ấy chứ. Có lẽ mùa gặt chưa phải là điểm kết thúc của câu chuyện đâu. Vậy thì con sẽ không ngừng viết, viết câu chuyện của hai ba con mình, viết cho đến khi Chúa cất con khỏi trần gian này. Đó có lẽ sẽ là một câu chuyện dài, thật dài ba ạ. Nhưng con tin, chương nào trong câu chuyện dài đó cũng ẩn hiện hình ảnh của ba.

Hãy tin tưởng ở con trai của ba, ba nhé!

Con của ba.
...
Sg, 26/8/2019
Kẻ Vang