Tối thứ Bảy và sáng Chúa nhật

Quang X Nguyen

Độc giả có thể xem nội dung được trình bày thẩm mĩ tại link gốc: https://ymagazine.net/vn/ban-tin-thang-6/toi-thu-bay




Trên đường đi bộ về, tôi nhớ lại, thật là đúng, quả thật con người là giống loài thích giao tiếp, thích tiếp xúc với nhau, thích hát, thích cười, thích ăn uống, thích ôm hôn. Nhưng nay, bằng lý trí, tôi chợt nhận ra rằng, bao nhiêu tháng qua, những người thân cận bỗng trở thành mối nguy hiểm sinh học, hoặc có nguy cơ là mối nguy hiểm sinh học, và chốn an toàn nhất là thế giới kỹ thuật số, nơi mà virus chỉ là phép ẩn dụ.

Lời của dịch giả

Hiện nay ở Toronto, Canada, các nhà thờ và nhiều nơi công cộng vẫn đang đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Chắc chắn, các thánh đường trong Tổng Giáo phận Toronto rồi sẽ được mở cửa trở lại trong vài tháng sắp tới. Nhưng cho tới khi có vaccine, thì những cử hành phụng vụ và đời sống trong xã hội tại Bắc Mỹ sẽ không thể trở lại “bình thường” như trước được. Trước thực tại đó, Giáo sư Michael O’Connor qua bài viết “Saturday Night, Sunday Morning”, được dịch ra là “Tối thứ bảy, sáng chủ nhật”, đã miêu tả sinh động một tuổi tối đi xem hòa nhạc và tham dự thánh lễ vào buổi sáng ngày hôm sau. Các hoạt động diễn ra khi tình hình kiểm soát dịch bệnh đã khả quan hơn, khi một số sinh hoạt trong xã hội bắt đầu được trở lại hoạt động.

Giáo sư Michael O’Connor là giáo sư của trường St. Michael’s College thuộc Đại Học Toronto, Canada. Ông là giáo sư chuyên ngành Kitô giáo và Văn hóa (Christianity and Culture), ngành Nghiên cứu văn chương và truyền thông (Book and Media studies).

Tối thứ Bảy


Tôi đã rất may mắn khi mua được chiếc vé xem buổi hòa nhạc đêm của dàn nhạc Tafelmusik. Tôi đến địa điểm sớm hơn một tiếng trước khi đêm hoà nhạc bắt đầu. Nhưng dường như mọi người đều đã đến xếp hàng một cách trật tự trên phố Bloor – một con phố mà trước đây nhộn nhịp xe qua lại, nay đã trở thành phố đi bộ. Đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc, có nhân viên đo thân nhiệt tại chỗ và hỏi tôi những câu hỏi mà hiện nay chúng trở nên khá quen thuộc với tôi (khiến tôi liên tưởng đến những ngày trước đây khi bay sang Hoa Kỳ, khi mà mọi người vẫn có thể). Rồi tôi được dẫn tới số ghế của mình, ghế của tôi cách ghế người bên cạnh bốn cái, hàng ghế đằng trước và đằng sau thì trống trơn. Ngồi vào ghế, tôi ngửi được xung quanh là mùi của những hóa chất khử trùng. Nhưng, ít ra, tôi cũng có không gian để áo khoác ấm, khăn quàng cổ và bao tay (vì tháng 3 năm nay, trời khá lạnh). Tôi cúi đầu nhẹ nhàng, chào những người xung quanh như tự hỏi “Tại sao chúng ta đang ở đây?”.


Dàn nhạc ngồi trải khoảng cách trên sân khấu. Những người chơi nhạc cụ đều đeo khẩu trang, người chơi đàn harpsichord đeo găng tay, người chơi kèn oboe ngồi trong khung kính được đặt trên tấm thảm dùng một lần. Dàn hợp xướng thì tạm thời “nghỉ phép”. Nội dung chương trình, tôi xem trên chiếc điện thoại của mình, có ghi rằng, tôi sẽ được nghe tác phẩm từ Venice thế kỷ thứ XVII, tác phẩm được sáng tác trong tâm tình tạ ơn sau thời gian dài thoát khỏi tai ương, dịch bệnh. Kèn oboe phát ra nốt đầu tiên cho sự khởi đầu, các nhạc cụ khác dần hoà theo. Tôi run rẩy trong sự nhiệm mầu của âm nhạc khi những âm thanh thánh thót ấy lướt qua. Đã gần một năm, tôi không đi xem buổi hoà nhạc nào ngoại trừ nghe cô con gái nhà hàng xóm luyện tập kèn clarinet. Trực tiếp nghe những tác phẩm này, tôi mới nhận ra rằng những bản được ghi âm trong studio thật nhàm chán.



Tôi không thể rời mắt khỏi những nhạc công đang biểu diễn, những con người bằng xương bằng thịt, rất sinh động. Các nhạc công giao tiếp với nhau bằng ánh mắt vào lúc mở đầu và kết thúc một nhạc phẩm, nhưng đa phần, như những con ngỗng luôn ngay ngắn trong hàng ngũ, họ hiểu ý lẫn nhau một cách rất tự nhiên, và nhịp nhàng hoà mình vào tác phẩm khi chơi nhạc cụ của riêng mình. Mặc dù đang đeo khẩu trang, nhưng lâu lâu tôi cũng mỉm cười vui vẻ. Dàn nhạc biểu diễn trong vòng một tiếng đồng hồ (không có thời gian giải lao, không nhu cầu vệ sinh, ấn phẩm chỉ được bán trực tuyến), nhưng quả thật, thời gian trôi qua quá nhanh. Tràng pháo tay hồ hởi và vang dội cuối cùng của tôi như muốn lấp đầy cả một phòng hòa nhạc vắng người.

Sáng Chúa nhật


Tại nhà thờ Thánh Cả Basil (nằm trong Đại học Toronto), tôi đứng vào hàng cùng với những người đã có vé để tham dự thánh lễ lúc 11:07 sáng, đi theo chỉ dẫn: “Đi qua cửa hướng tây và đứng trên những điểm có dấu đỏ”. Có người kiểm tra khẩu trang và đo thân nhiệt của tôi. Khi thánh lễ 10:30 đã kết thúc, tôi trật tự bước lên những bậc thang tiến vào thánh đường. Các thành viên trong gia đình được ngồi chung với nhau, một số người đơn lẻ thì ngồi cách xa, rải rác trong nhà thờ. Tôi chọn cho mình chỗ mà camera có thể bắt được hình mình cho Thánh lễ trực tuyến trên YouTube. Mẹ tôi sẽ tham dự thánh lễ trực tuyến và chắc chắn rằng tôi cũng đang tham dự thánh lễ. Tôi chào hỏi những anh chị em mà tôi đã từng gặp gỡ trên những buổi chia sẻ Kinh thánh trực tuyến. Tuy rằng tôi cũng cúi đầu nhẹ nhàng chào hỏi, nhưng những cuộc giao lưu chính hiệu này đều ở trên những trang mạng xã hội. Ban phụng vụ đeo găng tay, chuẩn bị vật dụng cần thiết cho việc cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ sẽ không có người giúp lễ.


Bài ca nhập lễ được cất lên bởi người ca trưởng đang đứng ở đâu đó mà tôi không thấy được. Lời bài hát được đưa lên hai màn hình lớn trong nhà thờ, nhưng giáo dân không được hát lớn tiếng, chỉ được nhỏ nhẹ nhẩm theo (hát còn tệ hơn là ho). Với tôi, tôi không cảm thấy bực mình vì tôi cũng không thích hát, trừ khi đó là bài, “O come all Ye Faithful” (Hãy đến đây, những kẻ kính tín), hay bài “Amazing Grace” (Hồng ân tuyệt vời), hay những bài trong bộ lễ mà giáo xứ tôi thường quen hát. Tôi nhớ lại, người ca trưởng đã có lần nói rằng, hát rất tốt cho sức khỏe và không có tác dụng phụ nào, còn tôi thì cứ thắc mắc, làm sao ông ấy có thể thưởng thức chính tiếng vo ve của mình. Những người đọc sách thì lên bục công bố Lời Chúa từ máy iPad riêng của mình. Bài giảng của linh mục soạn thật kỹ lưỡng, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì Cha chắc đã giảng đi giảng lại bài giảng ngày hôm đó cũng mấy lần rồi. Lâu lâu, ngài quay về hướng máy camera để gửi một số thông điệp đến những người cao niên trên 60 tuổi đang theo dõi thánh lễ qua màn ảnh nhỏ. Nét mặt Cha xứ hôm đó có vẻ hơi mệt mỏi. Bỗng, tôi chợt nhớ ra rằng, nay không còn truyền rổ xin tiền lễ nữa, chỉ có thùng quyên tiền ở cuối nhà thờ, tạm thời, mà thôi. Tôi nhắc nhở chính mình rằng khi về nhà, nhớ quyên tiền trên mạng.

Các lễ vật đã được chuẩn bị trên bàn thờ. Đàn phong cầm thoát ra những nốt nhạc nhẹ nhàng. Tôi vẫn nghe được tiếng chạm của mép bình đựng rượu thuỷ tinh vào mép chén thánh kim loại. Hình ảnh những hàng ghế thưa người hôm nay, trước đây thì đầy kín giáo dân, làm cho ta liên tưởng đến sự hiện diện của các Thánh Thiên thần, các Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo,... Hàng vạn những vị Thánh đang hiện diện trong mầu nhiệm cao cả sắp được cử hành.

Việc rước lễ là cả một vấn đề. Tôi chầm chậm bước vào lòng thánh đường, từ từ tháo khẩu trang. Việc cách ly dần dần biến mất khi đến trước thừa tác viên trao mình thánh. Thừa tác viên đặt mình thánh vào đôi tay đã được sát trùng, sạch sẽ của tôi. Tôi đáp “Amen”. Về đến chỗ, tôi quỳ gối cầu nguyện, nghĩ đến những anh chị em gần gũi với mình, những anh chị em đang thiếu thốn và nhất là những anh chị em đã được Chúa gọi về. Ca đoàn hát lên những lời ca làm tôi nghĩ tới Chúa, Ngài thật tốt đẹp dường nào, và lời cầu nguyện của tôi bay lên cùng với những mùi của nước khử trùng trong thánh đường.



Sau những kinh nguyện khấn Tổng lãnh Thiên thần Micae, Thánh Cả Basil và Thánh Rôcô, tôi rời nhà thờ một cách trật tự theo chỉ dẫn “ra bằng cửa phía đông”. Nhạc điệu bài ca kết lễ thật hào hùng, vang to đến nỗi tôi không nghe được tiếng đội khử trùng đang xịt khử trùng những hàng ghế ngồi trong nhà thờ để kịp chuẩn bị cho thánh lễ tiếp theo lúc 11:44. Thánh lễ cuối cùng trước khi Cha xứ nghỉ trưa.

Trên đường đi bộ về, tôi nhớ lại, thật là đúng, quả thật con người là giống loài thích giao tiếp, thích tiếp xúc với nhau, thích hát, thích cười, thích ăn uống, thích ôm hôn. Nhưng nay, bằng lý trí, tôi chợt nhận ra rằng, bao nhiêu tháng qua, những người thân cận bỗng trở thành mối nguy hiểm sinh học, hoặc có nguy cơ là mối nguy hiểm sinh học, và chốn an toàn nhất là thế giới kỹ thuật số, nơi mà virus chỉ là phép ẩn dụ.

Tôi về tới nhà, dựa vào thành cửa, tháo khẩu trang và hít thở vài hơi thật sâu. Người tôi đã thấm mệt, nhưng vẫn cảm thấy tràn đầy hồng phúc. Có lẽ là tôi đói (dù mấy ngày tháng vừa qua cũng chẳng muốn ăn gì).

Thật không dễ dàng gì để ban xuống lệnh phong toả; và việc quyết định cho phép mở cửa trở lại cũng thật là nhiều khó khăn.

Giáo sư Michael O’Connor 
Vincent Viet Pham chuyển ngữ