Câu chuyện về một cuộc hoán cải tuy chậm nhưng chắc-Betsy L. Cavnar – Lại Thế Lãng dịch

admin

 Bạn đã từng bao giờ cảm thấy Chúa Thánh Thần hướng dẫn bạn làm điều gì đó có vẻ không giống ai không? Điều đó đã xẩy đến với tôi một hôm khi tôi ngồi ở phòng đợi của một văn phòng bác sĩ. Tôi cảm thấy một sự thôi thúc ở bên trong mà tôi nhận ra như là cách Thiên Chúa nói với tôi. Dường như Ngài đang nói “Ta muốn đưa người bác sĩ này về với Ta. Ta sẽ làm việc qua bà ta, và bà ta sẽ làm điều tuyệt vời cho Ta”



Đây không phải là điều tôi muốn nghe, nhất là vì đây là cái hẹn đầu tiên của tôi với bà bác sĩ đó. “Ôi không, Chúa ơi”, tôi nghĩ khi ngồi sụp xuống trên chiếc ghế. “Ngài đang yêu cầu con làm một điều ngu ngốc đối với bản thân – và với một người hoàn toàn lạ”

Tôi vẫn còn phản đối khi vị bác sĩ gọi tôi vào phòng khám. Tim tôi đập thình thịch vì lo âu mà tôi nghĩ nó sẽ nhảy ra  khỏi lồng ngực của tôi.

 “Tôi không hiểu sao tim bạn lại đập mạnh như vậy” vị bác sĩ nói. Sau đó tôi đã nói không suy nghĩ vài điều về niềm tin Kitô giáo của tôi và nó quan trọng thế nào đối với tôi, đặc biệt trong việc đối phó với căn bệnh Crohn’s disease (chứng viêm mãn tính về tiêu chảy với đau bụng, buồn nôn, sốt và giảm cân) mà tôi đang chờ lời khuyên của bà. Ba ta lắng nghe cách lịch sự và cuộc hẹn của tôi đã kết thúc.

Sau một vài cuộc hẹn nữa, tôi đã khá hơn và bác sĩ nói bà không cần tiếp tục gặp tôi nữa. “Làm sao bây giờ?” tôi hỏi Chúa. “Làm sao con có thể chia sẻ nhiều hơn về Ngài khi con không còn những cuộc hẹn nào nữa?”

Một người bạn đã đưa ra một gợi ý khôn ngoan “Chúng ta chỉ cầu xin Chúa mở ra một cánh cửa”.

Tìm lối vào. Chúa đã cho cơ hội đó khoảng sáu tháng sau cuộc hẹn lần đầu tiên của tôi. Người bạn đã cầu nguyện với tôi xin “mở cửa” vừa mới gặp mặt vị bác sĩ đó. “Bà ta nói với tôi rằng người dọn dẹp nhà của bà ta đã gặp cơn đột quỵ nghiêm trọng và đang ở trong tình trạng nguy kịch” bạn tôi kể lại. “Tôi nghĩ bà ta sẽ rất cần người giúp dọn dẹp nhà cửa”

Tôi là một y tá chuyên nghiệp và việc dọn dẹp nhà cửa không phải là công việc ưa thích của tôi. Nhưng cuối tuần đó, sau nhiều lần cầu nguyện và phấn đấu, tôi đã tìm được địa chỉ nhà của vị bác sĩ. Sau đó lấy hết can đảm, với dụng cụ lau sàn và chổi, tôi gõ cửa nhà bà để xin được phục vụ.

Vâng, Thiên Chúa hoàn toàn có tính hài hước. Tin tức của bạn tôi chỉ đúng có một phần, như tôi đã phát hiện khi vị bác sĩ mời tôi vào nhà và giải thích tình hình thực tế. Đó là người ở cùng nhà - tôi gọi chị ta là Helen – người đã bị đột quỵ bây giờ chị ta đang ở trong bệnh viện, bị tê liệt một phần và không thể nói được.

Hơi bối rối vì hiểu lầm, tôi không biết phải nói gì. Nhưng lúc đó một sự thúc đẩy quen thuộc đã đến “Hãy mở miệng và Ta sẽ cho con biết phải nói gì”. Vì vậy tôi nói “Tôi có thể đến cầu nguyện cho chị ta tại bệnh viện được không?”

Vị bác sĩ đột nhiên ra vẻ khó chịu, và tôi nghĩ là đã hủy hoại cơ hội truyền giáo của tôi mất rồi. Cuối cùng sau dường như cả hàng giơ đồng hồ, vị bác sĩ đã trả lời “Cô được hoan nghênh để thử, nhưng tôi không nghĩ chị ta sẽ để cho cô cầu nguyện với chị ta đâu”

Bà bác sĩ tiếp tục nói với tôi rằng Helen đã từng thuộc về một tu viện. Trong thời gian đó chị mắc phải một số vấn đề nghiêm trọng về thể chất gây ra đau đớn nhưng đã từ chối chữa trị y tế. Cảm giác rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình, Helen gửi đơn đến Rôma xin xá miễn những lời khấn hứa của chị, như vậy là từ bỏ giấc mơ suốt đời của chị là một nữ tu Công giáo. Từ bỏ trở thành giận dữ. Giận dữ với bề trên tu viện và chẳng bao lâu trở thành giận dữ với Chúa.

Tình yêu không bao giờ thất bại. Nỗ lực đầu tiên của tôi để cầu nguyện với Helen diễn ra suôn sẻ - bởi vì chị đang hôn mê. Tuy nhiên vào lần thứ nhì, chị đập mạnh xuống thành giường và la hét một trong hai từ chị chỉ có thể nói được từ khi bị đột quị: “không, không, không!” (từ ngữ khác là “vâng”!). Nghe thấy tiếng động, một đám y tá chạy vào phòng. Tôi đã phải tìm cách xoay xở để trấn an họ rằng mọi việc đều ổn cả.

Tôi về nhà trong nước mắt, không thấy có cách nào xua tan tất cả tức giận trong lòng Helen “Điều này rất khó đối với con” tôi nói với Chúa “Con không biết phải làm gì”. Và một lần nữa tôi cảm giác rằng tất cả những gì tôi phải làm là nói những lời Ngài sẽ cho tôi.

Tôi bắt đầu đến thăm Helen hàng ngày, có đôi khi hơn một lần. Tôi nói về sự giận dữ của chị và về việc mà chính con người chứ không phải Thiên Chúa đã làm tổn thương chị. Tôi đọc cho chị nghe những đoạn Kinh Thánh tập trung vào sự giận dữ, sự tha thứ và tình yêu khi tức giận. Tôi nói với chị rằng Thiên Chúa yêu thương chị và đã cho chị sống sót sau cơn đột quỵ để chị quay về với Ngài.

Từ từ, Helen bắt đầu thay đổi. Mỗi ngày chị được mang đến gần Chúa hơn một chút và tha thứ hơn một chút đối với những người đã gây tổn thương cho chị. Và mỗi ngày mang đến cho tôi một tình yêu sâu sắc hơn và tận tụy hơn đối với Helen. Cuối cùng tôi tin rằng chính tình yêu này Thiên Chúa đã ban cho tôi để làm mềm lòng chị. Tôi tin rằng chúng ta phải thực sự yêu thương người nào đó với tình yêu của Thiên Chúa trước khi chúng ta có thể giảng cho họ về tình yêu.

Những bước đi của trẻ thơ. Một tháng trôi qua, Helen đã bắt đầu tham gia cầu nguyện với tôi, công việc mà chị đã biết từ trước. (Những nạn nhân đột quỵ thường nhớ và đọc thuộc những điều họ đã thuộc lòng từ trong qúa khứ, cho dù cách phát âm của họ không được chuẩn xác). Tháng tiếp theo, chị cho phép tôi đưa chị đến nhà nguyện của vệnh viện – nhưng chỉ vào bên trong cánh cửa thôi. Từ đó về sau, ngày qua ngày, chúng tôi tập những bước đi của trẻ thơ càng ngày càng đi xa  hơn vào bên trong nhà nguyện.

Một buổi tối chúng tôi đi tới tận bàn thánh. Quỳ bên cạnh Helen và cảm nhận được sự thay đổi đang diễn ra trong tâm hồn chị, tôi cầu nguyện “Lạy Chúa, chúng con đã gần đến rồi. Ngài muốn con nói thêm điều gì nữa?” Rồi tôi được nhắc nhớ đến một bài thơ nổi tiếng của Francis Thompson “The Hound of Heaven”(Cuộc săn đuổi thiên đàng). Nói về việc săn đuổi yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta, những người cố gắng chạy trốn Ngài. Tôi đọc cho Helen nghe trong lần viếng thăm tiếp theo và chị đã khóc:

Tôi đã chạy trốn Ngài cho đến tận đêm khuya, cho đến tận ngày mới

Tôi đã chạy trốn Ngài cho đến tận năm dài . . .        

 “Thấy chưa Helen” tôi nói với chị “Thiên Chúa không bỏ rơi chị. Ngài đang cho chị một cơ hội nữa. Chị đã chạy trốn, nhưng Ngài đã đuổi theo chị và sẽ tiếp tục đuổi theo chị cho đến khi chị trở lại với Ngài. Chị đã sẵn sàng chưa?” Sau đó câu trả lời mà tôi đã chờ đợi và cầu nguyện trong bốn tháng qua đã đến “Vâng,vâng,vâng” chị nói.

Phép lạ gấp đôi. Vào ngày Chúa nhật Phục sinh, Helen đi xưng tội. Sau đó một linh mục cử hành Thánh lễ trong phòng của chị ở bệnh viện, Helen và tôi đã cùng rước Mình Thánh Chúa.

Sau đó Thiên Chúa đã đưa Helen trở lại với ơn gọi chị nghĩ là đã mất. Phòng ngủ của chị đã trở thành tu viện của chị, nơi chị đã sống với lời thề hứa nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Thiên Chúa đã phục hồi khả năng để chị nói được ba từ ngữ quan trọng nhất trong Anh ngữ “I love you”. Bạn còn cần gì nữa để nói với Chúa và với những người khác.

Helen đã dùng hai mươi tám năm còn lại trong cuộc sống trần thế của chị như là một nữ tu, chị cầu nguyện cùng Chúa và cầu thay cho người khác. Càng ngày càng có nhiều người đem đến cho chị những yêu cầu xin chị cầu nguyện. Sơ Helen như bây giờ được người ta gọi, hãy còn có thể đọc được, vì vậy tất cả những yêu cầu xin cầu nguyện được viết ra giấy đã được chị cầu nguyện nhiều lần trong ngày. Chị chịu đau đớn thể xác mỗi ngày nhưng chị chịu đựng sự đau đớn với lòng can đảm và kiên nhẫn và dâng lên Chúa vì lợi ích của người khác. Chị là một chiến binh cầu nguyện cho tất cả chúng ta.

Và vị bác sĩ, người đã bắt đầu với tất cả những điều này thì sao? Sau khi chứng kiến phép lạ hoán cải trong cuộc sống của Helen, bà đã dâng cuộc sống của bà cho Chúa và đã gia nhập Giáo hội Công giáo.

Nhưng đó là một câu chuyện khác./.

https://wau.org/archives/article/baby_steps_to_the_altar/