10 câu truyện Giáng Sinh thế giới (phần 1)

Quang X Nguyen



Truyện Đứa Mục Đồng Mù
Chuyến Đi Bêlem
Phép Lạ Đầu Tiên (Azorin, văn hào Tây Ban Nha)
Ông Vua Thứ Tư (Joannes Soergensen)
Sự Tích Con Đom Đóm (Renato Greggi)


1. Truyện đứa mục đồng mù


Hồi ấy gần làng Belem có một em mục đồng tên là Nam. Tuy mù nhưng em rất tài khéo: hằng ngày em theo cha lên đồi để trông coi đàn cừu. Em lại còn chăm sóc một mảnh vườn nhỏ, và khi rau đã xanh tươi, em hái đem ra chợ Belem để bán.

Nhất là em có lòng thương người. Một buổi chiều mùa đông nọ, khi từ chợ trở về với con lừa của mình, em nghe thấy tiếng của một người đàn ông và một người đàn bà đang đi ngược chiều tiến về phía em.

Khi họ đã đi ngang qua rồi, em nghe một tiếng phịch: người đàn bà vấp phải cái gì và té ngã. Em nghe tiếng người đàn ông lo lắng hỏi : Maria, có sao không ?

– Không sao cả, Giuse ạ. Nhưng em sợ không đi nổi nữa. Em mệt quá rồi.

Nam liền quay lại: “Cháu có thể giúp bác được không? Nhà cháu gần đây nè”.

Người đàn bà tuy mệt nhưng cũng nhỏ nhẹ trả lời: “Cháu tốt quá. Nhưng chúng tôi phải tới Bêlem trước khi mặt trời lặn”.

Làn gió bấc thổi rít lên, làm người thiếu phụ run lập cập. Nam cảm thấy thương hại bà ta: “Bác ơi, bác dùng tạm con lừa này đi. Vài bữa nữa bác trả lại cho cháu cũng được”.

Thiếu phụ tươi tỉnh lại: “Xin Chúa chúc lành cho cháu. Nhưng ba má cháu sẽ nói sao đây?”

Nam trả lời: “Không sao cả. Con lừa của cháu mà. Cháu đã mua với số tiền dành dụm được. Ba má sẽ hiểu nếu cháu thưa rằng cháu đã cho một người đàn bà mượn vì bà đang cần. Hai bác khỏi lo. Cháu dò đường về tới nhà được mà”.

Thiếu phụ nhìn chồng và hỏi: “Này Giuse, em bé này mù mắt. Chúng ta có nên nhận không?”

Ông trả lời với giọng ôn tồn: “Có lẽ là một dấu hiệu đấy, Maria ạ”, và quay về phía Nam ông nói: “Xin Chúa chúc lành cho cháu. Cháu thật là một bé ngoan”.

Nam cảm thấy hạnh phúc rạo rực trong tâm hồn. Em trở về nhà trong khi người thiếu phụ cỡi con lừa hướng về Belem.

Ðêm hôm ấy, Nam theo cha lên đồi để coi đàn cừu. Trong khi ngồi xúm quanh với các mục đồng khác, một bầu thinh lặng sâu xa phủ lấy họ. Rồi bỗng nhiên một âm thanh đến phá tan cơn buốc của đêm đông. Các mục đồng cuống quít sợ hãi. Nam nghe thấy tiếng của một thiên sứ : “Này, các mục đồng ơi ! Ðừng sợ. Tôi mang cho các bạn một tin vui cho cả thế giới. Hôm nay trong làng Bêlem, một vị Cứu tinh đã ra đời, tên là Giêsu. Các bạn sẽ thấy một trẻ vấn tã đặt trong máng cỏ”. Tiếp theo tiếng của thiên sứ là một bản hòa ca của ca đòan thiên quốc: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao, và hòa bình dưới trần thế cho những ai được Chúa yêu thương”. Lát sau, tiếng hát tắt dần, chỉ còn để lại một vệt sáng như ngôi sao chỉ đường.

Các mục đồng tiến theo hướng ngôi sao, cho đến một chuồng bò ở Bêlem. Bước vào trong, họ cảm thấy bị thu hút bởi khuôn mặt xinh xắn của em bé.

Nhưng bà Maria chú ý cách riêng đến bé Nam: “Có phải cháu đã cho tôi mượn con lừa hồi chiều không? Lại đây, tôi sẽ cho bế em bé”.

Và khi ôm lấy hài nhi, Nam thấy có gì là lạ: xung quanh có cái gì sáng sáng và ấm ấm. Thế rồi luồng sáng trở thành một hình lờ mờ, và dần dần rõ nét hơn. Nam nhận ra hình dung của em bé Giêsu. Nam vui sướng quá, quay sang nói với bà Maria: “Bác ơi, cháu thấy em bé Giêsu rồi ! Mắt cháu mở rồi ! Cháu đã hết mù !”

Sau cùng, khi các mục đồng ra về, Nam đến nói nhỏ vào tai ông Giuse: “Hai bác có lẽ còn cần đến con lừa. Hai bác giữ nó lại đi. Cháu biếu các bác đấy”.

——————————

2. Chuyến đi Bêlem


Mặt trời đã lên cao. Kor dần dần định thần lại. Tuy chưa tỉnh hẳn nhưng em cũng nghe được giọng nói của một người đàn ông: “Thằng nhỏ còn yếu lắm, chưa đủ sức đi đâu. Ðem nó vào lều của ta”.

Về sau, khi khỏe lại, Kor ngồi dậy và kể chuyện của mình cho Natanael, người thương gia giàu có và đại lượng đã cứu em.

“Con tên là Kor, Con rời xứ Phi châu với ông chủ của con. Tên ông là Rab Casper. Con luôn luôn đi theo ông chủ, nhưng khi đi qua sa mạc, bỗng nhiên một cơn bão cát nổi lên. Thế là con bị lạc, không biết ông chủ đi về hướng nào nữa. Sau đó, con lần mò đi, bị vấp phải hòn đá, té ngã xuống đất và con không nhớ gì nữa hết”.

Natanael ôn tồn trấn an: “Chúc tụng Thiên Chúa, vì ta đã gặp thấy con trong vụng cát này. Ông chủ của con cũng là người da đen hả?”

– “Dạ phải. Ở xứ chúng con, tất cả mọi người đều da đen hết. Ông chủ con thạo chiêm tinh. Ông nói là một ngôi sao lạ đã hiện ra báo tin Con Thiên Chúa đã giáng trần. Vì vậy mà chúng con lên đường về Giêrusalem để đi hỏi thăm các nhà bác học xem Thánh tử ở đâu”.

Người thương gia Do thái nhìn thẳng vào mắt thằng nhỏ. Phải chăng Vị Cứu tinh mà dân của ông trông đợi đã ra đời rồi sao ? Sau một chặp trầm ngâm, Natanael lên tiếng: “Biết đâu đấy … một nhà tiên tri đã đóan là Vị Cứu tinh một ngày kia sẽ ra đời ở Belem trong xứ Giuđêa”.

Kor vội vã chộp lời: “Thế thì con sẽ đi Belem”.

Natanel gật đầu ưng ý, và khi chia tay, ông trao cho Kor một tấm bản đồ nhàu nát và một con lạc đà. Natanel ôm chầm lấy Kor và dặn: “Ta chúc cho con tìm được ông chủ và Thánh nhi. Chúa ở cùng con”.

Kor tiếp tục lên đường, trực chỉ Bêlem. Sau ba ngày ba đêm ròng rã, Kor thấy một giếng nước bên đường. Kor dừng lại nghỉ chân và giải khát. Bỗng nhiên một đòan người dữ tợn ào ra cướp con lạc đà của Kor và toan bắt láy em về làm nô lệ. Nhưng Kor liến thoắng vùng vẫy được và lủi trốn. Nhờ trời tối đen, Kor vụt thóat được, cắm đầu cắm cổ chạy nhanh đến nỗi bọn kia không đuổi kịp nữa. Tuy đã hụt hơi, Kor vẫn cứ chạy, miệng lầm thầm: “Tôi phải tới Belem, tôi phải tới Belem”.

Chẳng may, Kor vấp phải hòn đá và té ngã lăn xuống đất. Lồm cồm bò dậy, Kor cảm thấy đau thấm thía nơi mắc cá và không thể nào đi được nữa. Kor sợ quá: “Làm sao đây? Mình cô thân cô thế, ở giữa đất xa lạ, biết cầu cứu ai?”

Lúc ấy Kor nhớ lại lời ông chủ thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Cái sợ này sinh ra cái sợ kia. Nếu mình để cho cái sợ len vào nhà thì nó sẽ lôi theo cả bầy lâu la của nó: luống cuống, mất vía, thất kinh. Bởi vậy, hãy đuổi cái sợ đi! Phải làm chủ căn nhà của mình”.

Kor dõng dạc lớn tiếng: “Ta làm chủ đây”, và lập tức thấy an tâm. Ngó ngang ngó dọc, Kor thấy một cành cây. Kor lượm lấy và dùng làm nạng chống đi đường. Kor vất vả khập khiễng tiến về Belem.

Hôm sau, Kor đi vào một làng nhỏ. Kor gặp thấy một ông lão cũng què, đang ngồi ăn xin bên đường. Kor lễ phép hỏi ông: ” Ông ơi, cháu đang đi tìm một em nhỏ mới sinh tại Belem. Ông có thể giúp cháu được không?”

Ông lão đáp: “Ở đây có nhiều đứa nhỏ mới sinh lắm. Lão chỉ biết một đứa con của hai ông bà quê quán từ Nazareth. Họ đang trọ gần đây”. Và ông lão giơ tay chỉ một mái nhà ở cuối làng. Khi Kor đã đi rồi, ông lão còn nói vọng theo: “Chắc là đứa nhỏ mà mi đang tìm đấy”.

Kor thấy trống tim đập mạnh vì hồi hộp. Liệu có thực là đứa bé đó hay không? Làm sao biết chắc được? Có dấu hiệu gì làm chứng?

Kor tới gần một thiếu phụ đang ngồi ru con. Giọng hát của bà êm dịu làm sao, khiến cho mọi đau khổ và mệt nhọc của Kor đều biến tan hết. Kor hiểu là đọan đường thiên lý đã tới đích rồi. Cặp mắt của em ứa trào giọt lệ, trong khi cặp môi để thóat ra tiếng xúyt xoa vì sung sướng. Người thiếu phụ ngẩng đầu lên, bỡ ngỡ vì thấy trước mặt một thằng nhỏ đen thui, áo quần tơi tả.

Thế rồi bà mỉm cười đưa Hài nhi cho Kor đang trố mắt nhìn. Kor sụp lạy thờ kính Hài nhi. Bà Maria ngạc nhiên hỏi em với giọng nhỏ nhẹ: “Làm sao con biết hài nhi ?”

– Con đến từ mãi tận một xứ xa xôi, cốt để tìm lạy Hài nhi. Nhưng, bà ơi, bà tha lỗi cho con vì con không mang theo một món quà nào hết.

Bà Maria cười sung sướng: “Thôi đừng lo chi. Tất cả nhọc nhằn của con khi trèo non vượt núi để đi tìm ngài là món quà quý báu nhất rồi”.

Kor ở lại trong nhà bà Maria suốt ngày hôm ấy. Ðêm ấy, khi đang ngủ Kor tỉnh dậy vì nghe tiếng trò chuyện trong nhà. Thì ra đó là ông chủ của Kor cùng với hai nhà chiêm tinh khác. Họ đã theo ngôi sao lạ đến đây. Họ đang cung kính tiến dâng phẩm vật lên Hài nhi, kẻ mà bao thế hệ đang mong đợi.

——————————————–

3. Phép lạ đầu tiên


Azorin, văn hào Tây ban nha

Trời đã ngả về chiều. Những tia nắng cuối cùng lọt qua cánh cửa sổ bé nhỏ của quán rượu. Mọi vật đều yên lặng. Lão bắt đầu đếm các đồng tiền nằm trên bàn.

Thời giờ tiếp tục trôi qua. Trong quán rượu chỉ còn chút ánh sáng lờ mờ. Lão bỏ tiền vào một hòm chắc chắn, khóa cửa lại, và chậm rãi bước lên thang lầu.

Lão đi dọc theo hành lang trong nhà. Lão thấy một cánh cửa hé mở. “Ðã bảo là phải đóng cái cửa này lại cơ mà!” Lão gắt lên, kêu một tên đầy tớ lại. Tên đầy tớ run rẩy, lắp bắp mấy câu xin lỗi. Lão tiếp tục đi, nhưng mới được mấy bước thì dừng lại. Lão thấy mấy mụn bánh rớt trên cái ghế tràng kỷ! Lão không thể nào tin được điều nom thấy trước mắt.

“Tụi nó mưu toan phá họai tao rồi. Ðúng là chúng nó muốn phá tan cơ nghiệp của tao rồi!” Thế là lão la lối um lên. Bà vợ, con cái, gia nhân, tất cả đều xúm lại, hồn vía bay lên mây hết.

Ðã đến bữa cơm chiều rồi. Tất cả mọi người phải đến bá cáo những công việc trong ngày, từ các gia nhân trong nhà đến các tá điền làm ngòai ruộng. Lão muốn biết rành mạch họ đã làm gì, đã tiêu pha thế nào trong ngày. Tất cả bọn chúng đứng trước mặt lão, mặt mày tái mét.

Tối nay chưa thấy tên mục đồng trở về. Thường thường hắn từ ngòai đồng trở về trước khi lão ngồi vào bàn cơ mà. Tên mục đồng chăn đàn dê và cừu trong cánh đồng của lão, và mỗi buổi chiều, hắn phải nhốt bầy vật vào chuồng, rồi về bá cáo cho lão.

Lão đâm sốt ruột. Lão ngồi vào bàn mà trong ruột cồn cào vì không thấy tên mục đồng trở về, Lạ thật. Sao chưa thấy tụi nó bưng canh ra? Trễ mất một phút rồi. Thế là lão nổi sùng quát tháo. Ðứa đầy tới sợ quá làm rớt cái bát, lại càng khiến cho bà vợ với mấy đứa con rối rít hơn. Cái bát mà vỡ thì nhà nầy sắp sập rồi! Quả vậy, cơn lôi đình của lão kéo dài nửa giờ đồng hồ.

Sau cùng, tên mục đồng xuất hiện ở cửa. Lão hỏi: “Có cái gì vậy?”.

Tên mục đồng ấm úng. Hắn ngập ngừng, cầm cái mũ trên tay, mắt nhìn cắm vào lão. “Dạ, …, không có cái gì hết”. Cố gắng mãi, tên mục đồng mới thốt được mấy tiếng.

“Ðiệu mày nói như vậy thì chắc là có cái gì rồi”. Lão thét lên.

“Dạ, … dạ, … có cái gì”. Tên mục đồng ra như cụt hơi

“Ðồ ngu! Ðồ chó chết! Mày không biết nói hả? Bộ mày câm rồi hay sao? Có cái gì? Nói đi”. Lão càng gắt.

Tên mục đồng run run, bắt đầu thưa : “Dạ không có gì cả, Suốt cả ngày không có gì hết. Bầy dê và cừu ra đồng như thường lệ. Bầy dê và cừu đều khỏe tốt, ăn cỏ như mọi khi …”

Lão nhịn hết nổi: “Ðồ ngu, mầy có chịu nói không?”.

Tên mục đồng nhắc đi nhắc lại là không có gì hết. Thực đúng như vậy, suốt cả ngày chẳng có gì hết. Nhưng đến chiều khi trở về chuồng, cái chuồng nằm ở cuối làng thuộc về lão, hắn thấy một chuyện khác thường: hắn thấy có người ở trong chuồng vật.

Nghe tới đây, lão giật nảy người lên. Lão không thể cầm mình được nữa. Ông tiến tới gần tên mục đồng và quát: “Cái gì? Có người ở trong chuồng vật của tao hả? Thiên hạ không còn biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác hay sao vậy? Tất cả tụi bây định phá họai cơ nghiệp của tao hay sao?”

Chuồng vật của lão có bốn cái vách đã mục, Cánh cửa cũ rích có thể mở ra dễ dàng. Ở phía sau có một cửa sổ nhỏ thông ra kho rạ.

Có mấy kẻ đã vào chuồng và ngủ đêm tại đó. Biết đâu bọn họ đã ở đây từ mấy bữa rồi! Hừm, láo thật, chúng dám ở trong cơ sở của lão, trên đất của lão, thuộc tài sản thánh thiêng của lão! Cơn giận của lão bốc lên đến tột độ. Ðúng rồi, chúng nó muốn giết lão đây mà! Gan thật, xưa nay đâu có ai dám làm như vật đâu! Vì thế lão muốn đích thân xem xét sự việc thế nào. Lão phải đuổi quân lang thang ra khỏi chuồng vật của lão. Lão hỏi tên mục đồng: -Tụi nó thuộc lọai người nào vậy?

– Dạ… dạ… dạ có một người đàn ông và một người đàn bà. Tên mục đồng thưa.

– Một ông và một bà hả? Rồi tụi nó sẽ biết tay tao!

Thế rồi lão chộp lấy cái mũ, xách cây gậy đi ra ngõ cuối làng, tiến về chuồng vật.

Ðêm nay trời trong suốt, yên tĩnh lạ thường. Trên không trung, các vì sao lấp lánh. Cảnh vật chìm ngập trong thinh lặng. Chỉ có một mình lão đi trên đường cái. Lão giận dữ, chống mạnh cây gậy xuống đất mỗi lần bước đi. Chẳng mấy chốc lão đã tới chuồng vật. Cánh cửa vẫn đóng cơ mà! Lão dừng lại chốc lát, rồi rón rén đi vòng ra phía sau, hé mở cánh cửa sổ nhỏ. Lão thấy một luồng sáng rực rỡ. Lão trầm trồ nhìn mộc lúc, rồi thét lên. Kinh ngạc đã khiến lão bất động. Từ bỡ ngỡ đến chăm chú, từ chăm chú đến sững sờ. Thân lão ra như dính chặt vào vách tường. Hơi thở của lão trở nên dồn dập. Chưa bao giờ lão chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Chắc là chưa có cặp mắt trần tục nào có thể nhìn thấy điều mà lão đang trông thấy đây. Cặp mắt lão không rời khỏi cảnh bên trong chuồng vật.

Thời gian cứ thế trôi qua. Nhưng lão đâu cảm thấy gì. Ôi, tuyệt quá, đẹp quá. Ðã bao lâu rồi ? Làm sao có thể tính được giờ khắc trước quang cảnh mê say như vậy được ? Lão có cảm tưởng là hằng giờ, hằng ngày, hằng năm đã trôi qua rồi.. Thời giờ có là gì trước kỳ quan độc đáo này !

Lão lặng lẽ trở về nhà. Gia nhân mở cửa trễ mấy phút, bắt lão đứng chờ ở cửa, nhưng lão không nói gì cả. Vào trong nhà, một đứa tớ gái làm rớt cây đèn khi cô ta lúi húi bật lửa, nhưng lão không một lời trách móc. Lão chầm chậm bước theo hành lang như một chiếc bóng ma, đầu cúi xuống. Bà vợ đang ngồi chờ trong phòng, tiến ra đón lão.

Chắc bà buồn ngủ lắm, đi lọang quạng, vấp phải cái bàn, làm đổ bình hoa và mấy cái tượng. Lão không nói gì, khiến bà vợ kinh ngạc. Sao mà bây giờ lão hiền quá vậy. Lão ngồi xuống ghế, cúi gục đầu xuống, trâgm ngâm trong chốc lát, cho đến khi người ta gọi lão. Lão đứng dậy, ngoan ngõan như đứa con nít, để cho người ta dẫn vào buồng ngủ.

Hôm sau, lão tiếp tục im lặng, Một lũ hành khất đến xin lão bố thí; lão cho họ một nhúm đồng bạc. Lão không mở miệng la mắng ai nữa hết. Mọi người đều kinh ngạc: từ bà vợ, con cái, cho tới gia nhân. Không ai có thể tưởng tượng nổi sự thay đổi nơi lão. Lão không còn là một hung thần nữa, nhưng là một trẻ thơ. Chắc hẳn có gì quan trọng đã xảy ra khi lão đi ra chuồng vật. Mọi người đều lo lắng khi quan sát lão, nhưng không ai dám mở miệng hỏi. Còn lão thì im lìm suốt ngày.

Bà vợ đến gần lão, nhưng lão không mảy may tiết lộ gì về bí mật của mình. Gạ gẫm, năn nỉ, dụ dỗ mãi, lão mới kề miệng sát tai bà vợ. Vẻ mặt tái mét biểu lộ nỗi kinh hãi của bà : “Ba ông vua với một đứa nhỏ!” Bà lặp lại y hệt như lời ông nói vì không thể giữ miệng được nữa.

Lão vội lấy tay bịt miệng bà lại. “Ðược rồi, không nói cho ai biết đâu!” Bà hứa vậy, mặc dù trong lòng bà tin chắc rằng ông chồng đã ra điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng với một đứa nhỏ! Chắc ông lão đi đêm gặp phải cái gì trên đương rồi! Thóat chốc cả nhà đều biết là bà vợ đã biết được bí mật của lão. Lũ con đến hỏi má. Lúc đầu bà không nói. Mãi về sau, bà kề sát tai đứa con gái, và tiết lộ bí mật của ông cha của chúng. Ðứa con gái thốt lên: “Ba điên mất rồi. Tội nghiệp ba quá!”.

Lũ gia nhân được tin rằng mấy đứa con đã biết được bí mật của ông chủ, nhưng không ai dám hỏi cả. Mãi sau cùng, một bà vú già đã sống 30 năm trong nhà mới hỏi cô gái. Cô ta kề môi sát tai bà, tiết lộ bí mật của cha mình. Bà vú chắt lưỡi: “Ông ta đâm ra điên rồi. Thật tội nghiệp!”.

Dần dần ai ai trong nhà cũng biết được bí mật của lão, và tất cả đồng ý là lão đâm ra mất trí rồi. Họ lắc đầu tỏ vẻ thương hại: “Ba ông vua với một đứa trẻ ở trong chuồng vật, Tội nghiệp cho lão. Lão đâm ra điên rồi!”.

Rồi từ đó, lão không còn nóng giận, không còn quát tháo, không còn sừng sộ nữa. Gặp người nghèo, lão phân phát tiền của cho. Ai đến hỏi lão, lão nhỏ nhẹ trả lời. Cả nhà nhìn lão cách thương hạii. Ðúng là lão điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng vật.
Bà vợ đâm ra lo lắng. Bà cho mời một ông lang nổi tiếng đến. Ông này là một bậc thầy thông kim bác cổ, biết hết mọi điều, từ các lòai đất đá cho đến cỏ cây hoa lá lẫn các giống động vật. Khi thầy thuốc đến, người ta dẫn ngay đến thăm lão. Thầy thuốc bắt đầu chẩn mạch, hỏi han lão đủ điều: lão quen sống ra sao, ăn uống thế nào, xưa này có mắc bệnh tật gì không. Lão mỉm cười trả lời từng câu một.

Sau hàng chuỗi các câu vấn đáp, lão mới tủm tỉm tiết lộ bí mật của mình. Thầy thuốc lắc đầu nói: “Ờ, ờ .. Ba ông vua với một đứa bé ở trong chuồng vật… Ờ nhỉ… Sao lại không thể được. Ờ ờ…”.

Và ông thầy thuốc đành lắc đầu. Ông thầy thuốc nổi danh nhất đến chào bà vợ để ra về. Bà hỏi han với vẻ đăm chiêu lo lắng.

“Ông chồng của bà điên đấy! Nhưng là một thứ điên hiền lành, không có gì nguy hiểm. Bà đừng lo lắng gì. Ðiên đấy, nhưng rất hiền. Không cần thuốc thang gì hết. Chờ mấy bữa nữa xem thế nào…”.

——————————————–

4. Vị Vua thứ tư


Joannes Soergensen

Dựa vào các lưu truyền từ lâu đời, người ta đặt trong hang đá, bên cạnh Mẹ Maria với thánh Giuse, tượng ba nhà đạo sĩ, tục gọi là ba vua từ phương Ðông đến tiến dâng lễ phẩm cho Vua Trời giáng thế.

Gaspar, vua thứ nhất, dâng vàng cùng với một chiếc ly. Có lẽ một thiên sứ sẽ dùng chiếc ly đó trên núi Golgotha để hứng lấy những giọt bửu huyết của Chúa trào ra từ các dấu đinh.

Ðàng sau Gaspar là Melchior trong phẩm phục tư tế, tiến dâng Hài nhi nhũ hương, lặp lại cử chỉ của các Thượng tế tiến hương lên Ðấng Chí Tôn trong đền thờ, kèm theo các lời nguyện về tế phẩm.

Ông vua thứ ba da ngăm đen, có lẽ từ Phi châu hay Ấn độ tới. Ong đã phải băng qua biết bao sa mạc dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Balthasar (đó là tên của ông) dâng lên Hài nhi mộc dược. Có lẽ Mẹ Maria đã cất kỹ một nơi để dành một ngày kia, khi tháo xác Chúa khỏi thập giá, Mẹ sẽ thoa xức thân thể bầm tím của Con mình trước khi tẩm liệm.

Tục truyền khi ba vua đến Belem, tìm ra hang đá nơi Chúa sinh ra, họ rón rén bước vào, cung kính đặt lễ phẩm trước mặt Hài nhi và Mẹ Maria. Nhưng Hài nhi không tỏ vẻ hài lòng với các lễ phẩm: Người không rờ khối vàng óng ánh; khói hương làm cho Người ho sặc sụa. Chợt nhìn thấy mộc dược, Người vội ngỏanh mặt đi, che giấu những giọt nước mắt trào ra trên khuôn mặt dịu dàng của thân mẫu.

Ba vua đứng dậy ra về, xem ra hơi ngượng ngịu vì không thấy Hài nhi thỏa mãn với những lễ phẩm. Nhưng khi cái cổ dài của con lạc đà cuối cùng trong đòan tùy tùng của họ biến dạng ở chân trời thì ông vua thứ tư xuất hiện.

Ông từ vịnh Ba tư đến đây. Ông mang theo ba viên ngọc quý giá nhất để tiến dâng Vua Trời mới giáng trần. Ông đến đây vì đã thấy điềm sao trên trời vào một buổi tối khi đang ngồi ngắm trăng trong vườn hồng ở Shiraz. Thế rồi ông đứng phắt dậy, thắng yên cương lên đường, bỏ lại đàng sau ly rượu nồng mới rót, tiếng sáo hót lanh lảnh, tia nước phun long lanh, giọng thỏ thẻ của người đẹp quàng tay vào cổ ông. Ông vụt đứng dậy, vào trong kho bạc lấy ra ba viên ngọc quý giá nhất, giấu trong thắt lưng, và ra đi theo hướng của ngôi sao lạ.

Sau cùng, ông đã tới … Nhưng quá muộn, bởi vì ba vua kia đã đến trước và đã về rồi. Ông này tới trễ quá… Tệ hơn nữa, ông đến với hai bàn tay trắng bởi vì những hòn ngọc không còn nữa.

Ông nâng nhè nhẹ cánh cửa chắn ngòai hang đá nơi Hài nhi cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse đang trú ngụ. Ngày đã tàn. Hang đá tối om. Một làn hương nhẹ còn rớt lại như sau buổi kinh chiều trong đền thờ. Thánh Giuse trở lật đám rơm trong máng cỏ, chuẩn bị chỗ nằm cho Hài nhi đêm nay. Mẹ Maria tay bồng Chúa, miệng ngâm na bài hát ru con như người ta vẫn quen nghe ở Nazareth.

Ông vua thứ tư do dự, từ từ tiến lại gần Hài nhi. Ông phục mình xuống dưới chân Chúa Giêsu, và nghẹn ngào kể lể.

Lạy Chúa, con đến đây cũng như những ông vua khác. Họ tới trước và đã dâng cho Chúa lễ phẩm rồi. Con cũng mang theo lễ phẩm đấy chứ: ba viên nọc quý giá, lớn bằng trứng chim câu; ba viên mò được dưới đáy biển Ba tư. Nhưng bây giờ con không còn viên nào nữa hết. Con đến sau ba vua kia. Họ đi trước con bằng lạc đà. Con dừng lại trong một quán trọ bên đường. Nghĩ lại con thấy mình dại dột. Hơi rượu nồng làm con mê man, tiếng oanh hót làm con nhớ quê nhà. Thế là con ngủ đêm tại đó. Khi bước vào phòng dành cho lữ khách, con thấy một cụ già run lập cập vì cơn sốt rét, nằm dài trên chiếc trước lò sưởi. Không ai biết tông tích của cụ già ấy cả. Cái bị của ông rỗng tuếch. Ông lão không có tiền trả cho lương y chạy chữa thuốc thang. Người ta quyết định sẽ quẳng ông ra đường sáng hôm sau nếu trước đó ông ta chưa tắt thở.

Ôi, lạy Chúa tôi, ông lão già, da nhăn nheo, cằn cỗi, với bộ râu lởm chởm. Nhìn đến ông, con nhớ lại ông thân sinh của con. Thế rồi, Chúa ơi, xin tha cho con, con rút ra một viên ngọc và trao cho chủ quán để tìm thuốc thang chữa chạy cho ông lão, và lỡ ông chết thì lo liệu việc khâm táng cho tử tế.

Hôm sau con lên đường. Con phóng ngựa hết nước đại, mong sẽ đuổi kịp ba ông vua kia. Lạc đà của mấy ông đi chậm mà; vì vậy con mong sẽ rượt kịp họ trong chốc lát. Nhưng khi đi ngang qua một cái đèo, giữa những tảng đá nhọn cao vút nhô ra khỏi những rừng thông lá nhọn, con nghe thấy tiếng kêu cứu từ một bụi rậm. Con vội tụt xuống khỏi lưng ngựa. Thì ra một tóan lính dang xúm quanh một cô gái và toan hành hung nàng. Họ đông quá, một mình con làm sao địch lại bọn nó được. Thế rồi, lạy Chúa, xin tha cho con lần nữa, con thò tay vào thắt lưng, rút ra viên ngọc để chuộc người thiếu nữ. Nàng hôn tay con và lủi vào rừng thoăn thoắt như con sóc.

Bây giờ còn có một viên ngọc nữa thôi. Con nhất quyết mang đến dâng cho Chúa. Lúc ấy mới quá trưa một lát. Ðến chiều là con có thể tới Belem để viếng Chúa rồi. Nhưng khi đi ngang qua một làng nhỏ, con thấy các binh sĩ của vua Herot đang châm lửa đốt nhà. Những ngọn lửa đỏ bốc cháy dữ dội dưới ánh mặt trời làm cho không khí ngột ngạt. Các tên lính tuân hành lệnh vua Hêrot tàn sát các nam nhi từ hai tuổi trở xuống. Bên cạnh một căn nhà đang cháy, một tên lính nắm lấy cẳng một đứa trỏ trần truồng, khóc thét, dẫy dụa. Tên lính đu đưa tòn ten và cười ha hả: “Bây giờ tao đếm một hai ba, rồi tao sẽ thảy thằng nhỏ vào lửa thành thịt nướng coi chơi!”. Bà mẹ đứa bé thét lên rồi ngất lịm. Lạy Chúa, xin tha cho con. Con lấy viên ngọc cuối cùng, trao cho tên lính tàn ác để nó buông tha đứa nhỏ, trả lại cho bà mẹ. Bà mẹ ôm chặt đứa con, không kịp nói tiếng cám ơn, lủi thủi chạy đi mất. Lạy Chúa, xin tha cho con, bởi vì thế mà con đến đây với hai bàn tay trắng.

Khi ông vua thứ tư dứt lời, một cảnh yên lặng bao trùm tất cả hang đá. Ông gục mặt xuống đất một hồi lâu. Sau cùng, ông ngẩng mặt lên. Thánh Giuse đã trở rơm xong rồi. Mẹ Maria nhìn Hài nhi nằm trong lòng. Hài nhi ngủ chưa vậy? Nhưng không, Hài nhi không ngủ. Hài nhi mở mắt nhìn ông vua Ba tư. Mắt của Hài nhi sáng lên. Hài nhi giơ hai bàn tay non nớt nắm lấy hai bàn tay của ông Vua, và mỉm cười.

———————————————

5. Sự tích con đom đóm


Renato Greggi

Ðêm hôm ấy, trời tối đen như mực. Những đám mây dầy đặc đã che phủ cả bầu trời, và không một ngôi sao nào chịu hé ra một chút tia sáng. Giữa cảnh thinh lặng nặng nề trên sa mạc, bỗng nhiên người ta nghe thấy tiếng sụt sùi thút thít. Thế là một đàn côn trùng li ti kéo nhau về phía phát ra dấu hiệu duy nhất của sự sống trên cánh đồng vắng lặng.

Một con lừa và một người đàn ông đang ngủ trên mặt cát, kề sát nhau để lấy hơi ấm. Ngồi bên cạnh là một thiếu phụ quấn mình trong chiếc khăn rộng, tay bồng đứa con nhỏ đang ngủ. Chị ta khóc nấc lên. Một con trùng đáp xuống trên chiếc khăn của chị và hỏi: “Tại sao bà khóc vậy?”

Chị ta giật mình, nhưng sau khi thấy mấy con vật nhỏ bé không làm gì hại mình, chị tự trấn an và thuật chuyện cho chúng như sau:

“Ông vua Hêrốt tàn bạo ghét đứa con nhỏ của tôi, và ra lệnh giết nó. Nhưng một thiên thần đã báo tin cho chúng tôi, cho nên chúng tôi đã trốn kịp thời. Tuy vậy, các thuộc hạ của vua đã truy được dấu vết của chúng tôi và đang truy nã chúng tôi. Có lẽ sáng mai họ sẽ đuổi kịp, bởi vì chúng tôi di chuyển chậm chạp còn họ thì phóng ngựa như bay. Vì vậy chúng tôi cố gắng lợi dụng ban đêm để đi xa chừng nào hay chừng đó. Nhưng mà trời tối quá … Chồng tôi và con tôi đang ngủ. Còn tôi vì không thấy mệt lắm, và cứ lo sợ họ bắt được chúng tôi, cho nên tôi không chợp mắt được… Bây giờ tôi sẽ đánh thức chồng tôi dậy và tiếp tục lên đường. Cầu mong sao đừng rơi vào cái hố nào hay đi trật đường! Thật là khó định hướng khi không có ngôi sao hướng dẫn ! Tôi lo không chừng mình lại đi ngược chiều đâm đầu vào chính đồn công an thì tàn đời !

Một con vật lên tiếng thay cho tất cả bọn: “Chúng cháu thấy rõ đường cả lúc tối trời. Chúng cháu sẽ đưa bà đi tới biên giới cách đây không xa lắm đâu. Bà đừng lo: chúng cháu sẽ dẫn hướng cho bà và báo cho bà biết những nguy hiểm dọc đường”.

Người thiếu phụ mừng rỡ : “Ôi may quá. Cám ơn các cháu. Chúa sẽ trả ơn cho các cháu”.

– Nào, chúng ta lên đường. Ý tứ cẩn thận nhé, vì có nhiều gập ghềnh đấy.

Người đàn ông cũng được đánh thức dậy, và sau khi bàn tính về đề nghị của các côn trùng, ông ta vui vẻ nhận lời và thắt yên ngựa lên đường..

Người thiếu phụ bế con cưỡi trên lưng lừa, còn người đàn ông dẫn con vật dựa theo tiếng vo ve của lòai trùng: – Rẽ qua trái !

– Ðường gồ ghề !

– Coi chừng hòn đá !

– Trước mặt có hố !

Sau ba giờ đi bộ giữa đêm tối, họ đã tới con lạch đánh dấu biên giới của vua Hêrốt. Họ lội qua dòng nước và thở ra cái phào nhẹ nhõm. Người thiếu phụ lên tiếng: “Thế là thóat rồi ! Cám ơn các cháu vì đã giúp chúng tôi và bé Giêsu. Chà, giá mà bé tỉnh giấc thì chắc sẽ cám ơn các cháu đấy. Nhưng thôi, để bé tiếp tục ngủ…”

Các côn trùng đáp lại xuống gần em bé. Chúng thấy một khuôn mặt hồng với vài sợi tóc vàng óng ánh. Chúng lần lượt đáp xuống trên mái đàu xinh xinh ấy để tặng một cái hôn trìu mến.

Ơ kìa, lạ chưa: khi cất cánh bay lên không trung, thì phần thân thể của chúng đã chạm vào mái tóc óng ánh của bé Giêsu trở nên sang lung linh như những tia sáng của các vị sao trên bầu trời còn tối đen.

Người đàn ông hỏi chúng: “Các cháu tên gì? Tôi muốn biết tên các cháu để sau này kể ơn các cháu cho thiên hạ biết”.

Bọn côn trùng rầu rĩ thưa: “Chúng cháu thân sâu bọ thấp hèn quá, cho nên chẳng ai đóai hòai đặt tên cho chúng cháu cả”.

Người thiếu phụ xen vào: “Ðược rồi, tôi sẽ đặt tên cho. Các cháu sẽ mang tên là con đom đóm: các cháu sẽ mang tia đóm của sao trên trời xuống trên mặt đất này nhé”.

Nguồn: https://catechesis.net/10-cau-truyen-giang-sinh-the-gioi/