Gió quyện dáng thơ

Văn thơ Công giáo



“Gió bấc nổi lên đi, gió nam hãy ùa tới

thổi mát vườn của tôi, cho hương thơm lan toả!”


(Dc 4, 16a)


Trong thinh lắng, hàng liễu buông ủ rũ

Nép bên Trăng chờ Gió quyện dáng thơ

Thơm thơm quá! Những chồi non ấp ủ

Hớp Mưa Trời cho Ánh Sáng thêm tơ.


Gió nhẹ lướt rợp ánh tơ óng ả

Hàng liễu chờ nghe Gió đến lao xao

Bao khát khao giờ như chừng nong nả

Dậy vườn xuân bừng Sóng cuộn xôn xao.


Gió càng siết liễu tơ càng rạo rực

Gió càng mơn khơi duyên tỏa ánh hồng

Gió càng miết cả vườn xuân náo nức

Bung Sóng Nguồn dào dạt trải mênh mông.



Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Song Lam



CẢM NHẬN THƠ

Diễm ca là một trong những cuốn sách Kinh Thánh. Tác giả sách Diễm ca dùng hình ảnh tình yêu nam nữ để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân riêng của Ngài.

Bài “Gió quyện dáng thơ” của Song Lam tựa như một khúc biến tấu Diễm ca, bởi thi nhân đã dựa trên câu 16a chương 4 trong sách Diễm ca để họa nên một thi khúc với ba khổ thơ rất ư tình tứ và vô cùng lãng mạn của đôi lứa yêu nhau. Đoạn Diễm ca được tác giả trích dẫn đã rất tình mà bài thơ của thi sĩ diễn tả lại còn da diết, nồng nàn hơn gấp bội.

“Gió bấc nổi lên đi, gió nam hãy ùa tới,

thổi mát vườn của tôi, cho hương thơm lan toả!”
(Dc 4, 16a)

Trong Cựu Ước bản Hipri, từ “ruah” (Hy lạp: pneuma, La tinh: spiritus) được sử dụng 378 lần trong 348 câu, có thể chia ra 3 nhóm nghĩa quan trọng tương đương nhau về số lượng là: (1) Gió, khí chuyển động (2) Hơi thở, khí lực nơi con người, nguyên lý sự sống, cơ sở tri thức và cảm tính (3) Sinh lực của Thiên Chúa, nhờ đó Chúa hành động và làm cho các vật hành động, cả về thể chất cũng như tinh thần.[1]

Cho nên, về phương diện tình yêu con người, ba khổ thơ như là một diễn tiến mong chờ, gặp gỡ và kết hiệp của đôi bạn đang yêu. Nhưng nếu đọc trong tâm tình mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta sẽ thấy sự tinh tế khi tác giả sử dụng những ngôn từ của thi ca để diễn tả sự khao khát và chờ đợi; sự gặp gỡ và biến đổi; thánh hóa và sai đi, để làm chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ.

1. Nội hàm của khổ thơ thứ nhất: Khao khát và chờ đợi

“Trong thinh lắng, hàng liễu buông ủ rũ

Nép bên Trăng chờ Gió quyện dáng thơ

Thơm thơm quá! Những chồi non ấp ủ

Đón Mưa Nguồn cho Ánh Sáng thêm tơ.”


Nếu dựa trên ngôn ngữ thi ca, ý nghĩa của khổ thơ như muốn nói lên sự chờ đợi đượm chút buồn phiền của ‘Nàng’ đang mong đợi ‘Chàng’ khi tác giả viết, “Trong thinh lắng, hàng liễu buông ủ rũ”. Một sự chờ đợi để được yêu, “Nép bên Trăng chờ Gió quyện dáng thơ”. Sự chờ đợi đầy khao khát của ‘Nàng’ càng làm cho tình yêu ươm đầy thi vị, “Thơm thơm quá! những chồi non ấp ủ”. Bởi vì chỉ có tình yêu của ‘Chàng’ mới làm cho duyên sắc của ‘Nàng’ trở nên xinh đẹp hơn bao giờ hết “Đón Mưa Nguồn cho Ánh Sáng thêm tơ”!

Theo truyền thống của Giáo hội, trước hết, ‘Chàng’ tượng trưng cho Thiên Chúa và ‘Nàng’ là dân riêng của Ngài. Tiếp đến, ‘Chàng’ còn tượng trưng cho Chúa Giêsu Kitô và ‘Nàng’ là Hiền thê của Ngài, đó là Hội Thánh. Và trong bài thơ này, thi sĩ lại gợi cho chúng ta hình ảnh ‘Chàng’ biểu trưng cho Chúa Thánh Thần và ‘Nàng’ được hiểu là nhóm các Tông đồ đầu tiên, mà ngày nay ‘Chàng – Chúa Thánh Thần’, vẫn đang tiếp tục nâng niu, chăm sóc ‘Nàng – Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô’ trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cảm thức được như thế, chúng ta sẽ thấy tác giả đang mô tả lại khung cảnh Đức Mẹ và các thánh Tông đồ đang cùng nhau dâng lời cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống để hướng dẫn, nâng đỡ và chăm sóc Hội Thánh của Ngài.

(14) Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thần mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu. (Cv 1, 14)

Vẻ đẹp của không gian và thời gian như đan quyện vào nhau tạo nên sự trầm lắng. Vẻ trầm lắng và nét thơ mộng không những cho vần thơ mà còn cho cả khung cảnh nó diễn tả. Tất cả sự vận động, chuyển biến của vạn vật theo dòng thời gian như ngừng lại trong không gian của ‘thinh lắng’. Sự thinh lắng làm nổi bật lên sự khát khao và chờ đợi.

‘Hàng liễu buông ủ rũ’ như mất dần sức sống, nhưng vẫn chờ gió quyện để reo vui và những ‘chồi non ấp ủ’ lại càng khao khát ‘Mưa trời’ để trổ sinh và khoe hương sắc cho “Ánh Sáng thêm tơ’. Đây chính là hình ảnh của các Tông đồ sau cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Khi chưa nhận được ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhóm các Tông đồ vẫn còn lo lắng và khiếp sợ trước sự đe dọa và bắt bớ của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Các ngài gần như mất cả niềm tin và hy vọng về một Đấng Thiên Sai đầy uy quyền, một khi Ngài đã về trời, bỏ các ông lại bơ vơ như những con chiên lạc đàn, mất chủ. Chẳng khác gì những dáng liễu yếu mềm, rời rã với những cành buông xuôi ủ rũ. Nỗi trống vắng vì xa Người Thầy đã bao năm gắn bó, sự cô đơn vì không còn gặp lại Thầy để được Thầy chăm sóc, dạy dỗ, nâng đỡ và an ủi; xen lẫn với những ưu tư lo lắng, mất định hướng trước một tương lai mù mịt không biết cuộc sống sẽ đi về đâu và như thế nào, lại càng làm cho các ngài thêm chán nản, thất vọng? Mỗi người với những cảm xúc và nỗi niềm riêng, nó đan xen như một mớ bòng bong để rồi lắng lại trong con tim yếu đuối của chính mình. Cái cảnh vắng lặng quyện trong cái tình cô đơn đã được nhà thơ diễn tả một cách thật cô đọng, “Trong thinh lắng, hàng liễu buông ủ rũ”.

Trong sự vắng lặng của không gian cũng như sự thinh lắng của tâm hồn. Các Tông đồ đã hiệp nhất với Đức Maria, “Nép bên Trăng”, các ngài được Đức Mẹ khích lệ hãy vững tin và trông cậy vào lời hứa của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời cùng với Chúa Cha:

(4) Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, (5) đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. (Cv 1, 4-5)

Và sự chờ đợi của các thánh Tông đồ để nhận lãnh phép rửa của Chúa Thánh Thần là hàm nghĩa của câu, “chờ Gió quyện dáng thơ”, nghĩa là chờ Chúa Thánh Thần đến để nâng đỡ và an ủi cũng như ban cho các ngài sức mạnh để vượt thắng sự yếu đuối của phận người.

(13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (Ga 16, 13-14)

“Thơm thơm quá!”, không đẹp sao, không hạnh phúc sao, trước cảnh những người con được sinh ra trong cùng một Đức Tin, được quây quần bên nhau với ‘Người Mẹ Đức Tin – Đức Maria’ để chờ đón phúc lành của Người Cha, Đấng giàu lòng thương xót, Ngài không bao giờ bỏ rơi những đứa con bé bỏng của mình, “những chồi non ấp ủ”.

(15) Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. (Is 49,15)

Như những chồi non được Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chỉ có thể sống khi nó hớp lấy nguồn dinh dưỡng từ “Mưa Trời”, thì các thánh Tông đồ cũng chỉ có thể rao giảng Tin Mừng và mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin của mình trước mặt mọi người, “cho Ánh Sáng thêm tơ”, một khi đã được lãnh nhận Thần Khí của Thiên Chúa – Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng theo thánh Gioan:

(37-38) Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Ðức Giêsu đứng trong Ðền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!" Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. (39) Ðức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Ðức Giêsu chưa được tôn vinh. (Ga 7, 37-39)

2. Nội hàm của khổ thơ thứ hai: Gặp gỡ và biến đổi

“Gió nhẹ lướt rợp ánh tơ óng ả

Hàng liễu chờ nghe Gió đến lao xao

Bao khát khao giờ như chừng nong nả

Dậy vườn xuân bừng Sóng cuộn xôn xao.”


‘Chàng’ đến sao mà thanh nhã, ngọt ngào và tình tứ đến thế, “Gió nhẹ lướt rợp ánh tơ óng ả”! Chỉ cần nghe tiếng của ‘Chàng’ thì trái tim của ‘Nàng” đã rộn rã biết bao, “Hàng liễu chờ nghe Gió đến lao xao”. Và sự ước ao được ‘Chàng’ yêu lại càng thôi thúc xuân tình của ‘Nàng’ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, “Bao khát khao giờ như chừng nong nả”. Và giờ đây, cả con người của ‘Nàng’ như một vườn xuân tràn trề sức sống, bừng nở muôn hoa với trăm ngàn hương sắc, “Dậy vườn xuân bừng Sóng cuộn xôn xao”. Thật đúng là tình của Diễm ca!

Và trong ngày Lễ Ngũ tuần, như một ngày lễ hội Tình Yêu, tác giả đã thay đổi cảnh sắc buồn bã bằng một không gian sinh động. Sự trống vắng cô đơn hầu như tan biến để nhường chỗ cho một niềm vui gặp gỡ ngợp tràn ân sủng.

Khi diễn tả cảnh ‘Chàng’ đến, tác giả ngụ ý nói về hình ảnh Chúa Thánh Thần nhẹ nhàng trong ánh lửa ngời sáng ngự xuống trên từng người, “Gió nhẹ lướt rợp ánh tơ óng ả”. Cái chạm đầy ân sủng của Đấng là Tình Yêu, đã làm cho các thánh Tông đồ cảm thấy có một điều gì đó rất khác thường đang từng phút giây biến đổi con người mỏng giòn và yếu đuối của mình, “Hàng liễu chờ nghe Gió đến lao xao”. Và cái cảm nhận được tình yêu biến đổi càng làm cho các ngài khao khát được thăng hoa hơn nữa để được kết hiệp mật thiết hơn, “Bao khát khao giờ như chừng nong nả”. Để rồi khi hoàn toàn mở rộng trái tim cho Chúa Thánh Thần kết hiệp và biến đổi, các thánh Tông đồ trở nên tin tưởng cách mạnh mẽ, thấy cuộc sống đáng yêu hơn bao giờ hết, nhận ra cuộc đời mình có một giá trị và ý nghĩa trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Bởi vì các ngài không thể cưỡng lại hấp lực của một Tình Yêu vô biên và linh thánh, “Dậy vườn xuân bừng Sóng cuộn xôn xao”. Tựa như một khúc củi khô, khi gặp lửa, khúc củi bị đốt cháy cách trọn vẹn, củi không còn là củi nhưng nó đã trở thành chính ngọn lửa – Các tồng đồ đã được biến đổi trở thành chính thần khí của Thiên Chúa.

(1) Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, (2) bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (3) Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2, 1-4)

                     

3. Nội hàm của khổ thơ thứ ba: Thánh hóa và sai đi

“Gió càng siết liễu tơ càng rạo rực

Gió càng mơn khơi duyên tỏa ánh hồng

Gió càng miết cả vườn xuân náo nức

Bung Sóng Nguồn dào dạt trải mênh mông.”


Trong vòng tay yêu thương của ‘Chàng’, những cái siết dù nhẹ nhàng đến mấy cũng làm cho trái tim ‘Nàng’ rung lên những giai điệu ngọt ngào, “Gió càng siết liễu tơ càng rạo rực”. Những cái chạm của ‘Chàng’ dù khẽ khàng cũng đủ làm cho con người ‘Nàng’ thêm tràn trào sức sống, “Gió càng mơn khơi duyên tỏa ánh hồng”. Và những nụ hồng của ‘Chàng’ thơm đến đâu thì càng làm cho ‘Nàng’ muốn yêu đến đó, “Gió càng miết cả vườn xuân náo nức”. Để rồi trong tình yêu mãnh liệt của ‘Chàng’, ‘Nàng’ tựa như những cơn sóng quyện lấy người mình yêu, “Bung Sóng Nguồn dào dạt trải mênh mông”. Không còn gì tuyệt vời hơn, không còn gì hạnh phúc hơn!

Không còn gì hạnh phúc hơn, đó chính là cái ‘Tình’ mà các thánh Tông đồ cảm nhận khi để cho Chúa Thánh Thần hoàn toàn chiếm ngự tất cả con người của mình.

Với những động từ ‘siết’, ‘mơn’, ‘miết’, như những cái chạm mạnh mẽ nhưng vô cùng êm dịu; xen lẫn với những từ láy ‘rạo rực’, ‘náo nức’, ‘dào dạt’, càng làm cho sự tác động của Chúa Thánh Thần trên các thánh Tông đồ càng trở nên cụ thể và sống động hơn bao giờ hết. Các ngài tựa như chiếc sáo trúc được người nghệ sĩ tài hoa – Chúa Thánh Thần, đặt môi và truyền vào đó, hơi thở của Thánh Linh, để tạo nên những âm thanh du dương, những giai điệu ngọt ngào quyến rủ tâm hồn người nghe.

Các ngài không còn là ‘liễu rũ’ nhưng đã trở thành ‘Liễu Tơ’– Liễu lấp lánh ánh sáng, liễu vô cùng đáng yêu, nghĩa là những phàm nhân đã được ‘Lửa’ Thánh Thần biến đổi trở nên xinh đẹp hơn bao giờ hết, “Gió càng siết liễu tơ càng rạo rực”. Sự chiếm hữu của Chúa Thánh Thần không làm cho các thánh Tông đồ mất đi chính mình, nhưng làm cho các ngài được tràn đầy ân sủng và đặc sủng, để trở nên những con người có khả năng chuyển tải Lời Chúa bằng cách đem hoa trái của Thánh Thần đến cho tất cả mọi người, “Gió càng mơn khơi duyên tỏa ánh hồng”.

(5) Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Dothái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. (6) Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. (7) Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? (8) Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? (Cv 2, 5-8)

Và khi được đốt cháy trong ngọn lửa tình yêu thiêng thánh, thì có điều gì mà các thánh Tông đồ còn từ chối dâng hiến cho Thiên Chúa, ngay cả mạng sống của chính mình, “Gió càng miết cả vườn xuân náo nức”. Giờ đây, một khi đã lãnh nhận quyền năng của Thánh Thần Tình Yêu, các Tông đồ được thánh hóa trở thành những con người được sai đi để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa cho khắp muôn dân, “Bung Sóng Nguồn dào dạt trải mênh mông”, như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy:

(22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ". (Ga 20, 22-23)

Truyện kể

Năm Thánh 2000, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma, trong bài giảng “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”, ngài kể về tác động của Chúa Thánh Thần như một ân ban chuyển thông ánh sáng và niềm tin cho anh chị em người Hmong.

“Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ứớc muốn và lời cầu xin của chúng ta.

Tôi còn nhớ câu chuyện này.

Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmong muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:

- Anh chị em từ đâu đến?

- Chúng con từ Lai Châu, (nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ năm 1954). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.

- Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?

- Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.

- Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa tội được.

- Chúng con đã học tất cả từ một đài phát thanh phát đi từ Phi luật tân.

- Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công giáo nào có chương trình bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!”

- Đó là đài phát thanh “Chân Lý”.

- Một đài phát thanh GH công Giáo, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công giáo. Thật là điều lạ!

- Vị linh mục thật cảm kích bỗng thốt lên: Đây là một lễ Hiện Xuống mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần!

- Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmong: Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?

- Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.

Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm sức, rồi được dự Thánh lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.

- Anh chị em sẽ không có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?

- Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật, chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài phát thanh Chân Lý phát từ Manila. Một Lễ Hiện Xuống mới của thế kỷ XX.” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 235-237).

Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh Irênê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”.
[2]

4. Chút tâm tình

Bối cảnh bị theo dõi và bắt bớ của các thánh Tông đồ khi xưa cũng không khác với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Sống trong môi trường đầy bất trắc bởi những thảm họa của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… Chúng ta dễ trở thành những con người luôn lo lắng và sợ hãi trước những nguy hiểm đang rình rập mỗi người trong từng phút giây cuộc sống. Chính vì thế mà chúng ta thường bám víu vào những cái gì đang có, nhằm bảo vệ bản thân và an phận chứ ít khi chịu mở lòng để chia sẻ.

Cho nên khi đọc bài “Gió quyện dáng thơ”, nó làm cảm xúc của tôi liên tưởng đến hình ảnh cụ thể của một niềm tin và lòng trông cậy vững vàng, khi nhìn thấy ĐTC Phanxicô cùng lần hạt Mân Côi với toàn thể Hội Thánh, để xin Đấng Chữa Lành ban bình an cho tất cả mọi người, cho toàn thế giới và cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh Chúa Kitô.



Ước mong sao trong ngày lễ mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta luôn hiệp với Mẹ Maria để cầu xin Thiên Chúa đổ tràn Thần Khí của Ngài trên mỗi người chúng ta, để ai cũng được ơn khôn ngoan và sức mạnh mà khiêm nhường vươn ra khỏi cái vỏ ốc nhỏ bé tầm thường của mình, hầu đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người, như lời ví von đầy thi vị của Linh mục Éloi Leclerc viết ở phần kết luận cuốn sách của mình, ‘Thầy Dạy Khát Khao’:

Con người ví tựa dòng sông. Ở nguồn phát sinh của mình, dòng sông chảy giữa đôi bờ siết chặt. Nó tin mình được tạo thành cho đôi bờ quen thuộc và gần gũi này; nó cảm thấy ngang tầm với chúng. Thế nhưng, những con sóng lớn lên từ những dòng chảy lại xô đẩy và luôn mang nó đi xa hơn. Giờ này qua giờ nọ, trong cánh đồng, đôi bờ mở dần ra như để con người có nhiều chỗ hơn, và nó lại tìm níu kéo đôi bờ một cách vô vọng! Đôi bờ tránh xa, đôi bờ chạy trốn nó; đến một lúc, chúng biến mất hoàn toàn và để mặc dòng sông đối diện với cái mênh mông của đại dương. Chẳng còn bờ, dòng sông chỉ còn nên một với đại dương, một đại dương đón nhận dòng sông vào cung lòng mình. Sông hoá biển; rồi được nâng lên bởi những con sóng lớn, dòng sông nhảy múa với mặt trời!”.[3]

“Bung Sóng Nguồn dào dạt trải mênh mông”

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 

Bình Nhật Nguyên 



* Chú thích:
[1] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Linh Khí - Thần Khí, Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/99ThanKhi.htm

[2] Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Thần lực của Thiên Chúa – Suy niệm Lễ Hiện Xuống, Nguồn: https://tonggiaophanhue.org/loi-chua/bai-giang-chua-nhat-le-trong/than-luc-cua-thien-chua-suy-niem-le-hien-xuong/

[3] Lm Minh Anh, Thầy dạy khát khao, Nguồn: https://tonggiaophanhue.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-hoan-vu/thay-day-khat-khao/