Di nguyện- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
                                                         (Nữ tu dòng kín Cát-minh)
Truyện số 3:
Em vẫn đứng nhìn ra cửa sổ quán Café, mắt hướng về nơi xa xăm nào đó, không hề biết tôi đã đến, đứng từ xa ngắm nhìn em từ lâu. Trông em gầy gò, tiều tụy hơn cả ba năm trước, từ đáy lòng tôi, nỗi xót xa, thương cảm lại tràn về. Chỉ khác ba năm trước - ngày chưa cưới vợ - tôi muốn đến bên, ôm em vào lòng, giả như em nhận lời, tôi sẽ sẵn sàng bước qua mọi rào cản, định kiến để ở bên em suốt đời; nhưng giờ đây tôi đã có gia đình, ý nghĩ muốn ôm ai đó chỉ dành cho vợ con mình mà thôi. Còn em, ba năm trôi qua với bao biến động, tâm thế của em dường như vẫn chẳng khác xưa…

***

Em là My, người ta vẫn thường gọi em vậy, dù tên đầy đủ của em là Phạm Thị Họa Mi. Mẹ sinh em nhằm ngày 22 tháng 11, đã nhất quyết đặt tên Họa Mi và cậy nhờ thánh Cecilia bảo trợ cho em, mong ngày mai em có giọng ca tuyệt vời như Thánh Bổn Mạng, dù cho ban đầu bố em không tán thành, ông không thích chữ “Họa”, lại càng không thích đặt con là “Mi”, sau này dễ bị bạn bè chế nhạo (*).

Ước mơ của mẹ dường như đã nghiệm thành. My lớn lên xinh đẹp và đặc biệt có giọng ca tuyệt vời, đến nỗi người trong Xứ ví em như bản sao của Thánh Quan Thầy. My có thiên hướng khoa học xã hội nên Trường Đại học Văn hóa là nơi em trao gởi ước mơ. Ngày ra Hà Nội học, em được bạn bè dẫn đến sinh hoạt sinh viên Công Giáo tại Cộng Đoàn Cecilia - là Cộng đoàn sinh viên xa quê tại Hà Nội, nơi tôi gặp em lần đầu, tôi vẫn nhớ như in ngày đó…

***

Mỗi Chúa nhật đầu tháng Cộng Đoàn dâng lễ cầu nguyện chung nơi Nguyện Đường nhỏ Nhà Thờ dành riêng cho Cộng Đoàn chúng tôi. Lần đó tôi đến muộn, may vẫn đến kịp lễ nhưng Nguyện Đường đã chật kín, phải đứng me mé bên ngoài để “xem lễ”. Thì đúng là “xem lễ” thật vì người qua lại đông quá không tập trung gì cả. Nhưng khi có tiếng hát ngân lên, tôi quá bất ngờ vì tiếng hát ngân nga đó, nó khác hẳn với những chất giọng thánh thót “như bản remix” của nhiều ca viên Cộng Đoàn. Ủa, ai zậy? Tôi cố gắng thò đầu vào trong để xem “Họa Mi” nhưng không thể nhìn thấy. Thế rồi nỗ lực của tôi cũng có kết quả, nhưng cũng chỉ nhìn thấy đôi mắt của “Họa Mi” vì cô gái cầm tờ ghi bài hát trên tay che nửa mặt - ánh mắt thật dịu dàng dễ thương…

Sau Thánh lễ có bữa ăn chung, tôi bám theo em sát nút, chen lại ngồi kế bên nhưng cố tình vênh mặt lên như chuyện ngẫu nhiên. Hic, em gắp cho tôi nhiều thức ăn quá: dò chả, trứng, rau và thậm chí cả cá - món mà tôi rất ghét.

- Ăn đi anh, trông anh gầy quá!

- À ừ, cảm ơn…

Em nói tự nhiên như bạn lâu năm làm tôi hết sức ngạc nhiên và phải cố ăn cho hết. Cho đến chiều tôi mới thấy cái tai hại của việc…vâng lời này, đúng là già rồi còn…dại gái, hôm đó tôi phải nốc hết nửa lọ bẹc-bê-rin.

- Em sinh viên năm nhất à?

- Dạ, vâng ạ.

- Em tên gì vậy?

- My ạ.

- Hả? Sao cơ?

- Á há, sozzy anh. Em là Họa Mi - Phạm Thị Họa Mi ạ!

- Óa…

- Hi, biết ngay là anh sốc mà…

- Cho anh số điện thoại nhé?

- Dạ…

- Úi chà chà, số điện thoại đẹp quá, đúng là “người làm sao của chiêm bao làm zậy”.

- Xạo quá đi…

Câu chuyện đang đến hồi “gay cấn” thì “take me to your heart…”, tiếng chuông điện thoại véo von, “về nhà có việc gấp…”, chán ghê, phải tạm biệt em rồi, buồn quá, tôi vẫn cố hỏi nốt vài câu: “Lát em về đâu”, “Em về Khương Trung ạ”, “Có gần chỗ các Sr không”, “Dạ em đang ở với các Sr mà”…

Oái, em là Sr thiệt đó, đừng có đùa!

Ngày hôm sau, tôi nhắn tin chúc “Sr” đầu tuần vui vẻ, cũng là thử số điện thoại xem, chỉ thấy em nhất mực khẳng định: “em không phải là Sr, anh thật đáng ghét”. Sao lạ vậy nhỉ, ở cùng các Sr mà không phải là Sr?! Hay em mới là dự tu, cơ mà cũng không phải, nếu dự tu thì sao có thể cong môi phũ phàng bảo mình là “đáng ghét” được nhỉ?!

Quen nhau chưa lâu, tôi phải về Thành phố quê nhà thực tập, nhớ Cộng Đoàn và nhớ…em quá chừng. Giả như biết sẽ quen em, có lẽ tôi đã cố xin thực tập ở Hà Nội rồi. Bực nhất là không liên lạc được với em, sáng sớm ngủ dậy còn nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ hoắc: “Sao anh mất biệt vậy cà”, thế đó, sinh viên toàn dùng sim khuyến mại không hà…

Rồi cái ngày “xuất ngũ” cũng đến, mừng quá ra đến Hà Nội tôi ba chân bốn cẳng chạy lên Nhà Thờ. Trời lạnh. Chán hơn nữa là hôm nay đường tắc dã man, đang lò dò từng bước thì linh cảm có điều gì đó từ phía sau, quay đầu lại tôi nhìn thấy một cảnh tượng bất ngờ: “Em đang ‘hand in hand’ cùng một anh chàng đẹp zai của Cộng Đoàn”. Ban đầu tôi cũng không dám chắc lắm, tự nhủ là không phải thế đâu, mắt cận nhìn nhầm ấy mà. Nhưng không, qua đoạn đường tắc, tôi lao xe lên đuổi kịp, chắn xe trước vỉa hè để nhìn rõ và chắc chắn đúng 100%, em và anh chàng vẫn say sưa chuyện trò, tránh ra một bên và đi tiếp mà không hề nhận ra tôi.

Một cảm giác buồn man mác bỗng dưng xâm chiếm lấy tâm hồn, tôi quay về đi lễ ở Nhà thờ khác. Tôi không hiểu nổi cảm giác của mình, rõ ràng tôi chỉ mới coi em như em gái nhỏ, nhưng hình như tôi đang thầm “ghen”. Anh chàng trai đẹp trai khoác vai em hôm nay chính là Sơn, sinh viên Ngoại Thương, đứa em tôi vô cùng quý mến. Nó là Quản ca của Cộng đoàn, vậy nên mọi người vẫn thường gọi đùa là “Sơn Ca”. Không biết hai đứa đã thân đến mức nào, bỗng tôi giật mình, “Họa My”“Sơn Ca”, hai cái tên đầy duyên nợ phải chăng là do Chúa sắp đặt? Nghĩ vậy, tôi quyết định nhắn tin chúc mừng Sơn có cô bạn gái dễ thương, chỉ thấy nó trả lời: “Cũng chưa đâu anh ạ, em đang cố gắng, em nghe My bảo quen anh, có gì anh giúp em nhé”.

Buồn lắm, nhưng biết làm sao được, tôi là người đến sau, càng không thể “trọng sắc khinh bạn” được. Chỉ biết âm thầm cầu nguyện cho đôi “Kim Đồng - Ngọc Nữ” của Cộng Đoàn, bởi thật đơn giản, cả hai đứa đều là người tôi rất mực yêu quý.

Nhưng cuộc đời ai đo được chữ “ngờ”. Bố Sơn mất vì trọng bệnh sau ngày cậu bảo vệ Tốt nghiệp đại học một tháng, trước lúc lâm chung, ông chỉ dặn đi dặn lại một câu duy nhất: “Bố không sống được tới ngày con nâng chén, ước mong của bố có vậy, cố gắng nhé con”.

Sơn lặng lẽ thi Chủng Viện. Trượt. Cậu vào Nam quyết chí đi tu, thử sức theo hướng Linh mục Dòng, mặc cho My níu kéo, Sơn bảo không phải vì di nguyện của bố mà thực ra cậu cũng muốn đi tu từ trước và rằng đợt rồi chưa đỗ vì không đủ thời gian chuẩn bị, nhưng tôi thì không dám chắc, tôi e đó là “ý Chúa”! Ngày Sơn vào Nam cũng là ngày tôi đưa khăn tay cho My lau nước mắt bên cửa sổ quán Café này, em nức nở: “Em cũng đi tu, dòng Mến Thánh Giá anh ạ”…

Tuy thế, đời tu của Sơn và em đều không thuận. Với sự năng động của mình, Sơn cảm thấy sự gò bó của Nhà Dòng không phù hợp với cá tính của mình, cậu ra ngoài làm ăn, kiếm “cái vốn kha khá” lo cho mẹ và các em, hẹn ba năm sau thi Chủng Viện tiếp. My thì bị phê bình khi đi giúp xứ mà quá chú trọng đến việc ca hát và các hoạt động bề nổi, bỏ bê việc dạy Giáo lý cho các em nhỏ và các hoạt động trau dồi tâm linh. Em rời Tu Viện, chấp nhận mang tiếng “tu xuất”, thậm chí còn có tin đồn em vẫn liên lạc với Sơn và “phá đường tu của cậu ấy”, rằng ngày Sơn trở lại thi Chủng Viện, em vẫn cố gặp lại và bị từ chối phũ phàng thêm một lần nữa…

***

- Anh, anh đến lâu chưa, sao không bảo em?

- À ừ, cũng mới thôi…

Tôi giật mình, thì ra nãy giờ tôi miên man suy nghĩ, mãi nhìn em mà mắt mờ đi, cả khi em quay lại vẫn không hay biết.

- Lần này em đi thật anh ạ, đi hẳn, tu dòng kín ở nước ngoài luôn…

- Em không đợi…

- Xin anh dừng ngay, không phải như anh nghĩ đâu, em đi là vì tìm thấy Tình yêu lớn thật sự và phải đi thật xa vì như thế em mới quên hết kỷ niệm đã có ở nơi này, mới có thể tu thành được…

- Anh vẫn lo… Và anh tiếc, tiếc cho giáo dân mất đi một giọng ca vàng nếu em tu dòng kín…

- Em sẽ vẫn hát, dù hát trong Nhà Thờ hay hát một mình, cũng là dâng cho Chúa cả thôi mà…

- Anh vẫn muốn hỏi thật, có phải…

- Vâng, là di nguyện, em làm theo di nguyện của Ngoại, bà vừa mất tháng trước, bà bảo: “Đời bà ăn ở hiền lành, sao lại có đứa cháu tu xuất, phá đời tu người ta thế này…”.

Nói xong, em ù chạy khỏi quán, bỏ lại tôi chết đứng như Từ Hải, há hốc miệng nhìn theo…

Di nguyện! Di nguyện!

Hai tiếng đó cứ vang vang trong đầu tôi. Thốt nhiên tôi rùng mình khi một ý nghĩ phạm thượng chợt xẹt qua. “Di nguyện” của Chúa cũng rất ngắn gọn nhưng không dễ thực hiện: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12), nhưng dường như làm theo di nguyện của người đời còn khó hơn làm theo di nguyện của Chúa!?

Không biết một mai khi nằm xuống, tôi sẽ để lại cho những đứa con của mình “di nguyện” gì…

(*): “Mi” - tiếng địa phương Bắc Trung Bộ - là ngôi thứ hai số ít - tương đương với “Mày” theo tiếng Phổ thông.