Thầy phó tế- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
  (Thánh lễ Truyền chức Phó tế tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài 03/12/2020)

Truyện số 4:
Tin “Cậu Cả Cường” sắp được chịu chức Phó tế làm “chấn động” cả Giáo Xứ. Người gật gù khâm phục: “Kiên trì rồi cũng bền đỗ”, kẻ lại nửa đùa nửa thật: “Tự hào gì đâu, các bạn đồng môn đã chịu chức Linh mục từ lâu rồi, giờ mới lên Phó tế là quá muộn, chắc đến khi đỗ Cụ thì về hưu luôn ấy”. Mặc. Ông Quỳnh vẫn cứ vui. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này biết còn mấy quyển lịch nữa, đợi được tới ngày con lên Chức Thánh là ông mãn nguyện rồi. Ông biết tính con ông, có tài nhưng cũng quá nhiều đam mê. Hồi nó quyết định thi Chủng viện, ông cản mãi chẳng được. Rồi nó học hoài không “ra trường”, ông sốt ruột lắm, tính gọi về. Thôi thì mang tiếng tu xuất cũng được, chứ đến U50 vẫn chưa thành “Cha Cường” thì xôi hỏng bỏng không cả…

***

Cao Chính Cường, một cái tên thật “kêu” ông đặt với hy vọng nó sẽ là người mạnh mẽ, có chính kiến. Nhưng thằng bé dường như ngược lại, nó “nghệ sĩ bẩm sinh” với lắm thứ tài lẻ, nào vẽ tranh, nào đàn, sáo, nào hát, diễn kịch. Nó không đẹp trai nhưng mấy cô ca đoàn cứ bu vào như kiến. Nó thanh minh là chẳng qua các em muốn nhờ nó vẽ cho bức tranh báo tường hay đệm đàn cho em ấy hát thôi, nhưng ông thừa biết nó có duyên, cái thằng lẻo mép đó đến mẹ nó còn bị lừa nữa là lũ con gái nít ranh. Nhưng rồi một buổi chiều đẹp trời, năm lớp 12, nó hùng hồn tuyên bố:

- Con sẽ đăng ký trường Xây Dựng, khoa Kiến Trúc. Sau khi xong Đại học, con sẽ thi Chủng viện bố ạ.

- Mày có mà trường Xây Dựng, khoa “Gia Đình” ấy, haha.

- Bố ơi, con không đùa đâu ạ. Nếu không phải trường Xây Dựng, khoa Kiến Trúc thì trường Kiến Trúc khoa Xây Dựng. Sau này con làm linh mục sẽ xin đi các xứ xây Nhà thờ, con muốn vẽ lên Nhà thờ như Michelangelo.

- Ôi cái thằng mơ mộng, nếu vậy thì đi học Mỹ Thuật luôn chứ? Mà mày lắm gái theo thế thì tu nỗi gì?

- Bố lại giễu con rồi. Con vẫn thích xây hơn thích vẽ mà, với cả chắc gì Đức Giám Mục đã cho vẽ tranh trong Nhà thờ ạ.

Nghe mấy lời ấy ông ngồi thừ người ra. Đẻ đến đứa thứ tư ông mới có được mụn con giai, út lại thành trai cả, tộc trưởng, nhưng là Trùm Xứ, ông sao có thể cản con đi tu được. Thôi thì ý Chúa nhiệm mầu, biết làm sao bây giờ. Ông vội viết thư nhờ ông em bạn cũ đang giảng dạy ở Chủng viện, xin làm “cha thiêng liêng” cho nó vậy.

***

Lại một ngày đẹp trời khác, ông phát hiện thằng con của ông đang giấu bức chân dung vẽ dở một con bé tầm tuổi nó. Ông giận lắm, đã định đi tu sao còn yêu đương nhăng nhít. Mấy lần ông bảo nó vẽ một bức tượng Đức Mẹ để lồng khung treo thì nó không chịu vẽ, bảo là “Mẹ đẹp quá, mỗi bức họa lại một nét riêng nên con không bắt được thần, sao chép lại thì con không muốn”, thế mà nay lại hí hoáy vẽ chân dung con bé kia, thật tức không chịu được. Ông xé vụn bức vẽ trước mặt nó, đánh cho một trận nên thân, bắt hứa sẽ không yêu đương nhăng nhít nữa. Ấy thế mà đến lúc sinh viên năm hai, lại nghe đồn thổi nó vẫn “qua lại” với con bé kia. Ông “đau” lắm, tính chuyện đến nhà con bé làm cho ra nhẽ, nhưng bà Quỳnh biết chuyện đã ngăn lại, bảo “Ông đừng làm chuyện trẻ con thành chuyện người lớn, rách việc lắm, mà chắc gì là lỗi con bé kia, để tôi dò hỏi xem thế nào”.

Câu trả lời đến sau đó vài hôm, rằng “Con bé Nga ấy dự tính khi ra trường sẽ vào tu tập Dòng Mến Thánh Giá Huế nên nó không yêu đương gì hết, nhưng nghe nói có một anh dự tu cứ đeo bám nó hoài”. Nhục hết biết! Ông khăn đùm khăn gói ra ngay Hà Nội, tính cho nó một trận. Ai dè đến phòng trọ thì không gặp thằng con “ngỗ ngược”, lại gặp đúng cái con bé trong bức hình năm xưa đang hí hoáy nấu cơm bằng cái bếp dầu ông sắm cho thằng Cường lúc nhập học. Xém tí ông nổi xung lên, nhưng trộm nghĩ, mình là người lớn, làm thế nó không hay, với cả nghe nói con bé “dự tu nên không yêu đương gì hết”, cứ dò hỏi xem sao đã. Rồi ông thực sự ngỡ ngàng, người đâu mà xinh xắn đáng yêu thế không biết, còn hơn cả bà Quỳnh thì thằng Cường không “chết” mới là lạ. Con bé bảo nó nấu cơm cho thằng Cường và mấy đứa bạn đang đi dựng sân khấu cho Hội sinh viên xa quê trên Nhà thờ, lại còn nói: “Bạn Cường dễ mến lắm ạ, nếu sau này nhỡ không tu được, con nhất định sẽ về làm bà bọ cho bạn ấy”, thế là “máu nóng” của ông bay đi đâu hết luôn! Thằng bé cũng trấn an ông: “Bố cứ yên tâm, con giờ yêu các bạn gái cứ như yêu các thánh nữ Tê-rê-sa, Xê-xi-li-a ấy mà, không có chuyện trai gái linh tinh đâu ạ”.

Ấy thế mà khi đỗ vào Chủng viện, nó lại “chứng nào tật ấy”, cứ thích…đi giúp Xứ thôi, không muốn ở lại Chủng viện học thần học gì cả. Thì đúng rồi, lắm đam mê quá mà. Đi Xứ được dạy trẻ con vẽ, được đàn ca sáo nhị với các “thánh nữ” thì sao mà “đỗ Cụ” cho nổi. Cha thiêng liêng của nó thì bênh chằm chặp: “Làm lãi nén bạc Chúa cho cách này hay cách khác đều tốt, đâu cứ phải làm Linh mục”, thế nhưng sao ông bảo nó về thì nó không về, nhờ ông em bạn tìm cách…đuổi học nó cũng không có được, mọi thứ nhỡ nhàng hết biết làm sao đây…

***

Bà Quỳnh ốm không dự lễ phong chức Phó tế được, ông đi sớm trước đoàn của Giáo Xứ mấy hôm. “Lần này thì ổn rồi”, ông lẩm bẩm, nhưng khi tới nơi thì không gặp con. Mọi người nói thầy đang…đi làm sân khấu cho Đại hội giới trẻ của Giáo phận. Hừ, sắp chịu chức không đóng cửa tĩnh tâm lại còn đi giới trẻ giới già gì nữa, cũng U50 rồi chứ ít đâu. Nghĩ bụng vậy, ông lóc cóc sang phía khu nhà của các cha, “bắt đền” ông em bạn, vị này trả lời ông với vẻ mặt buồn buồn:

- Năm tới em về hưu rồi nên cố giúp cho con nó lên được Phó tế, thì tất nhiên là năng lực của nó cũng đã gần tới rồi, em chỉ đẩy nhanh lên một chút thôi.

- Hả, sao sao? Cha nói vậy là… Nhưng sao có thể như thế được, nó chưa xứng đáng thì để cho nó phấn đấu thêm chứ? Làm như vậy cha không sợ mắc tội ư?

- Thực ra thì cũng có nhiều điều khó nói, luật là luật nhưng đôi khi cũng nên linh động anh à…

Ông sốc, sốc thật sự. Không ngờ thằng con ông chừng ấy tuổi rồi mà vẫn ham chơi, hay là nó dốt thật, không thể như vậy, nó làm gì cũng giỏi, ngày xưa thi Đại học cũng hàng Top cơ mà! Sao bây giờ ngay cả chịu Chức Thánh cũng là do được ưu tiên?

Lê bước về Kí túc xá của chủng sinh, bao câu hỏi chưa có lời giải thì ông gặp thầy Cường đi về, sắc mặt không được tốt lắm. Vừa nhìn thấy bố, thầy đã ôm chầm lấy khóc nức nở. Ông Quỳnh ngỡ ngàng. Ông chưa bao giờ thấy “thằng bé” khóc, kể cả trận đòn hơn hai mươi năm trước vì vẽ tranh con bé Nga, đây có lẽ là điểm duy nhất trùng với cái tên của nó. Hẳn là phải có chuyện gì nghiêm trọng rồi, hay là nó mừng quá chăng?

Không biết thầy Cường nức nở kể điều gì, chỉ thấy ông Quỳnh ngã khuỵu xuống. Khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm trong bệnh xá của Tòa Giám Mục. Ông đã ngất đi khi thầy Cường cho biết thầy bị ung thư, có thể Bề trên thấy thương nên cho chịu chức để an ủi, thầy biết mệnh mình nên cố gắng giúp nốt Đại hội giới trẻ, vì sang năm biết đâu chẳng còn cơ hội nữa. Trái tim ngoài Bảy mươi của ông Quỳnh đã không chịu nổi sức công phá ấy, phải mất gần một ngày mới tỉnh lại. Thầy Cường không ở bên, nghe nói đang đi hoàn thành nốt sân khấu.

Thầy dặn ông không được kể với bà Quỳnh, vì sợ bà già cả đau yếu sẽ không chịu đựng nổi. Lúc chia tay, thầy đưa ông bức họa Đức Mẹ mặc chiếc áo dài Việt Nam do chính tay thầy vẽ và dặn dò: “Con đã hoàn thành nguyện ước của bố rồi nhé, tin rằng Mẹ sẽ cứu giúp chúng ta”.

***

Ông Quỳnh trở về nhà, giấu nước mắt vào trong. Ông treo bức họa Đức Mẹ do chính tay thầy Cường vẽ và ban phép ở vị trí trang trọng nhất trong phòng riêng. Ông cầu Mẹ hàng ngày, nguyện xin trong đau khổ, chờ ngày người ta gọi ông đến đưa tang đứa con yêu quý…

Hơn một năm sau, lại một ngày đẹp trời, người Bưu tá gọi to “Có chuyển phát nhanh từ Tòa Giám Mục nè ông Quỳnh”, ông nghe mà khuỵu chân xuống trước ảnh tượng Mẹ, không đủ sức lực và can đảm ra nhận thư…

Rồi…

Ông nghe thấy mấy đứa chắt ngoại reo ầm lên: “Có thông báo thụ phong linh mục cho ông Cường, Cụ ơi…”