Bà Bọ- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
(Ảnh: Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vuơng Thương Xót)

- Không, không…
Huyền Diệu ú ớ kêu lên rồi choàng tỉnh, cô nhận ra có người đang cầm cổ tay mình lắc lắc. Là Cha Già. Cô mừng rỡ, quên cả cơn ác mộng vừa qua:
- Cha ơi, Cha ơi, may quá Cha tỉnh rồi!
- Con kêu gào thế thì Cha ngủ sao được…
- Ôi, Cha không biết Cha đã hôn mê mấy ngày nay ạ? Ơ…hóa ra Cha chọc quê con, hu hu, không chịu đâu.
- Con bé này, U30 rồi còn như trẻ con, thế mơ gì mà kêu ghê vậy?
- Dạ… là…con mơ thấy…
Huyền Diệu chợt ngừng lại…
- Dạ không có gì đâu Cha, con mơ linh tinh thôi ạ, Cha nghỉ đi, để con báo cho mọi người Cha đã tỉnh ạ…
- Ầy dà, chắc lại mơ thấy ma hả, U30 rồi còn sợ ma…
- Cha đừng chọc quê con nữa, con mới hai mươi tư tuổi mà Cha cứ bảo U30.
- Thì hai mươi tư chả là U30, còn tính khí thì chắc phải tuổi của dì Hậu, ha ha…
- Không chịu đâu, không chịu đâu…
***
Cha lại nhắc dì Hậu. Đó là “Bà Bọ đời trước” của Cha, nhưng là một bà Sơ đội lúp hẳn hoi. Ngày trước khi Cha ở Xứ, Sr Hậu đã nhiều lần đến thăm, rồi khi Cha về Giáo Họ này hưu dưỡng, Sr theo về hầu Cha luôn, thật bất thường! Nghe nói Sr là bạn “thanh mai trúc mã” của Cha, khi trưởng thành Cha đi nhà thầy rồi chịu chức và đi xứ khắp Giáo phận, còn Sr vô Nhà Dòng, khấn và ở lại Tu viện. Nhưng tình bạn đẹp giữa hai người như một thiên tiểu thuyết, khắp Giáo phận ai cũng biết, thậm chí có người nói thời Cha còn trẻ đã có những dị nghị này nọ làm tụi trẻ con cãi nhau chí chóe ngoài đường đến độ đánh nhau vỡ đầu sứt trán, nhưng sự chuẩn mực và tận tâm của Cha đã đẩy lùi tất cả, tuy thế cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có Sr Hậu, biết đâu Cha đã có thể được tôn lên hàng Giám Mục.

Huyền Diệu được gặp Cha lần đầu năm mười hai tuổi, khi cùng bố vào thăm Cha, lúc này mọi người đã gọi là Cha Già, về nghỉ hưu tại Giáo Họ của cô. Cha cả cười:
- Vào thăm dì Hậu ốm à, chứ Cha khỏe như này mà thăm nom gì, à thôi Dì ốm không ăn được gì đâu, cứ để đấy Cha “giải quyết” hết.
Nói rồi Cha với tay lấy lọ dầu gió, lại gần giường đưa cho dì Hậu, nơi phát ra tiếng ho húng hắng:
- Dì xoa cho đỡ lạnh, Ban hành giáo đến thăm, có chút hoa quả cho Dì. Cam, xoài, ổi, táo, Dì thích món nào Cha gọt cho.
- Cha lại chọc quê con rồi (tiếng dì Hậu thều thào)…
- Để con gọt cho - Huyền Diệu vội lên tiếng - Người ốm ăn cam là tốt nhất, vỏ phơi còn dùng để sắc thuốc hoặc ngâm mật ong uống cho đỡ ho…
- A, con bé này giỏi ghê - Cha Già vừa nói vừa xoa đầu Huyền Diệu, bố cô cũng tủm tỉm cười - Có năng khiếu làm Bà Bọ đây, ha ha…
Bỗng đâu dì Hậu lên tiếng, giọng nghiêm trang:
- Bé à, dì dạo này cũng yếu rồi, mai mốt dì đi, con thay dì nuôi Cha nhé!
Huyền Diệu sau chút ngỡ ngàng, vội láu táu trả lời:
- Khi nào Dì đi, Dì kêu con qua nấu nướng giặt giũ cho Cha, Dì cứ yên tâm, con làm mấy việc này quen rồi, với cả…
Huyền Diệu chưa kịp nói hết câu, bỗng thấy bố bịt miệng lại:
- Con bé này… không được nói linh tinh…
Huyền Diệu không hiểu gì, chỉ thấy nụ cười trên môi Cha đã tắt, Ngài thầm thì:
- Dì đừng nói gở, thôi nghỉ đi…

Vậy mà chỉ hơn hai năm sau Dì đi thật, đi mãi mãi. Lúc này Huyền Diệu mới hiểu vì sao hồi đó bố vội bịt miệng cô. Nghe tin Dì về với Chúa. Huyền Diệu tự đóng gói đồ đạc đi làm “Bà Bọ” luôn, bố cô cũng không cấm cản “cô con gái diệu”, chỉ có mọi người thì mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Ba ngày đầu, Cha đóng cửa phòng, không ra ngoài và gần như không ăn uống gì, Ngài bảo Huyền Diệu nấu ít cơm thôi, đủ cho cô ăn là được, Cha không đói. Huyền Diệu biết Cha buồn, nhưng cô sợ Cha ốm, rồi có khi đi theo dì Hậu luôn thì nguy to. Dù Cha đã già, chân không vững, mỗi khi cố gắng làm lễ thì lúc giảng Ngài cũng phải ngồi, nhưng còn các mục vụ khác như rửa tội, giải tội, hòa giải gia đình, bồi linh, đi kẻ liệt,…vẫn trong tay Ngài cả, vì Giáo Họ cách Nhà Xứ cả chặng đường dài. Hơn thế, ai cũng yêu mến Cha Già, vì Ngài rất vui tính, tuy tuổi cao nhưng rất minh mẫn, có những bài giảng làm cả nhà thờ ngả nghiêng cười, nhiều đôi vợ chồng giận nhau vào gặp Cha vài phút đã thấy hớn hở dắt tay nhau ra về, cười toe. Thậm chí còn có chuyện Cha động viên ông cụ ốm nặng lúc đi kẻ liệt, rằng “Ông liệt thật đi xức dầu cho ông chưa liệt” làm ông cụ phải bật cười, tưởng đâu bệnh viện trả về, cả nhà đã phải lo hậu sự, ai ngờ còn sống thêm được hơn một năm, mà sống lạc quan vui vẻ hẳn hoi nhé, thi thoảng còn vào thăm Cha để chuyện trò nữa cơ. Vậy nên Cha mà có mệnh hệ gì thì không chỉ buồn mà còn ảnh hưởng đến phụng vụ của Giáo Họ nữa. Huyền Diệu không biết làm thế nào phải về nhà cầu cứu bố, may, bố chỉ cho cô chiêu “khổ nhục kế”, khóc thật to, kêu là Cha chê Huyền Diệu nấu ăn dở nên Cha không chịu ăn, rằng thế này thì Huyền Diệu không làm tròn lời hứa với dì Hậu, rằng như vậy thì thôi cô sẽ khăn gói về nhà không làm “Bà Bọ” nữa, thế là Cha phải chịu nghe. Mặc dù sau đó Cha cũng thừa thông minh để hiểu ra vấn đề, nhưng lúc ấy thì…đã quá muộn rồi, Ngài chỉ đe: “Nhớ đấy, nhớ đấy, bữa mô đừng có mà lên chịu lễ nhá…”
***
Huyền Diệu ở với Cha Già mới thấy Ngài không chỉ vui tính mà còn đặc biệt thông minh. Chừng ấy tuổi rồi mà Ngài vẫn dạy cho cô học ngon lành, đặc biệt các môn Xã hội. Cô thi đỗ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với số điểm cao là công lớn của Ngài. Cô đi học rồi, nhiệm vụ của Bà Bọ phải chia ra làm hai, em trai vào ở và canh thức cho Cha còn mẹ thì nấu nướng, giặt giũ cho cả hai người, nhưng Huyền Diệu vẫn không yên tâm lắm. Mỗi dịp tết, hè cô chẳng về nhà mà về thẳng Nhà thờ luôn. Những lần đó cô thường bị Cha chọc quê: “Trên đời dại nhất là những đứa mang sách vở về nghỉ tết, nghỉ hè”. Ngẫm lại Huyền Diệu thấy đúng, quả là mang đi mang về nặng mà chẳng học được chữ gì, nhưng vẫn cứ “dại” mãi. Vậy nên “U30” vẫn bị Cha Già cười chê như thường. Khi cô ra trường thì Cha Già đã yếu đi nhiều, Ngài bị tai biến, liệt tay trái, chân phải, bác sĩ bảo là biến chứng của bệnh tiểu đường, chắc cũng không sống được bao lâu. Huyền Diệu vội về, cô muốn chăm sóc Cha nốt những ngày còn lại nơi dương thế rồi xin đi làm cũng chưa muộn, với cả bạn trai của cô - Điệp - đang du học Hàn Quốc, có muốn cưới nhau cũng phải vài ba năm nữa, lúc đó bổn phận chắc cũng đã chu toàn.

Nhưng cuộc đời tréo ngoe, Điệp bất ngờ có ơn gọi, anh thi đỗ Chủng viện ở Hàn Quốc. Huyền Diệu ngỡ ngàng, cô yêu Điệp bằng tình yêu nam nữ thực sự, mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” chứ không mong một ngày làm “Bà Bọ” cho anh. Mấy ngày liền cô không thiết gì ăn uống, việc của Bà Bọ lại chia đôi như ngày cô học Đại học, mãi đến khi Cha Già đến thăm, Ngài không nói gì, chỉ để lại một mẩu giấy nhỏ “Huyền Diệu chán chăm Cha rồi chi”. Huyền Diệu không nhịn được cười dù miệng méo xệch, nước mắt giàn dụa, nhớ chuyện xưa, lại khăn đùm khăn gói đến Nhà phòng.

Mấy ngày nay Cha hôn mê, ngày nào Huyền Diệu cũng ngủ gục bên giường Ngài. Cô vừa mơ một giấc mơ “huyền diệu”. Trong giấc mơ ấy, cô đã theo chân dì Hậu gia nhập Nhà Dòng với mong ước “lịch sử sẽ lặp lại”. Nhưng trớ trêu thay, ở một đất nước mà đạo Tin Lành là phổ biến, Điệp đã cải đạo và trở thành Mục sư, anh làm vậy để “trọn nghĩa vẹn tình”, vừa đáp ứng ơn gọi lại vừa có thể rước Huyền Diệu vào Nhà thờ, nhưng khi anh về, Huyền Diệu đã khấn trọn đời rồi...
Giấc mơ đó…
Huyền Diệu có dám kể với Cha Già hay không…
--------------------

(*) Bà Bọ: Danh từ giáo dân Giáo phận Vinh thường dùng để chỉ người phụ nữ thường đã luống tuổi, không chồng không con, chuyên lo chuyện ăn ở cho Cha Xứ. Có nhiều Bà Bọ theo hầu Cha suốt cả cuộc đời.