Nghiệp chướng- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
(Ảnh: Internet)

“Thuê bao quý khách vừa gọi…”, tiếng nhân viên tổng đài lại vang lên trong điện thoại, bà Thu tắt máy thở dài. “Thôi, ra Hà Nội mình gọi lại cho nó, lúc về ghé qua vậy”.

Bà được tuyên dương là giáo dân tiêu biểu trong thực thi bác ái của Giáo hạt, phần thưởng là một chuyến du lịch Thủ đô, hành hương về Tổng giáo phận Hà Nội, đoàn còn viếng thăm nhiều địa danh nổi tiếng như Bùi Chu, Phát Diệm nữa. Bà có thể tranh thủ qua Đại học Y Thái Bình xem nơi con bé Ban ăn ở, học tập. Hơn hai năm nay mấy lần nhắm nhót định đi nhưng bận việc này việc kia nên chưa thực hiện được. Thế mà gọi điện mãi nó không bắt máy, nhỡ lúc mình đến con bé lại đi thực tập xa thì dở việc ra, có lần gọi nó bảo thế mà.

Cái tên Ban của nó có “nguồn gốc xuất xứ” hẳn hoi nhé. Bà lấy chồng ba năm chưa có con, mấy lần đi khám hiếm muộn thấy người ta phá thai, bà xót xa quá, xin Bệnh viện cho mang về tắm rửa, đặt tên rồi chôn cất ở gò đồi sau nhà. Ai cũng bảo vợ chồng bà “có vấn đề”, nhất là những người Ngoại giáo, họ cho rằng hai người rước oan hồn về nhà thế này thì nghiệp chướng nặng nề lắm, làm sao có con được!?

Có lúc vợ chồng bà thấy nản, chữa hiếm muộn mãi không xong bởi các bác sỹ soi soi xét xét chán cũng chỉ phán một câu xanh rờn “hai người… đều bình thường”. Đôi lúc bà ngã lòng: phải chi là người ngoại giáo thì mình ly dị cho rồi, biết đâu mình lấy người khác lại có con mà anh ấy lấy vợ mới cũng có người nối dõi. Cũng có lúc hai vợ chồng cân nhắc thôi xin thai nhi về chôn cất vì sợ “nghiệp chướng”, phần đất trống ở gò đồi cũng hẹp đi nhiều, lơ mơ còn bị chính quyền xử cho cái tội chiếm dụng đất bất hợp pháp thì khổ.

Nhưng rồi bàn tính thế nào vợ chồng bà lại đi xin xã cho phát quang bụi rậm để mở rộng “nghĩa trang anh hài” và rất bất ngờ khi được chính quyền đồng tình, cấp hẳn cả gò đồi 3000m2 cho hai người quản lý. Từ đó mỗi khi có tin từ Bệnh viện, bà lại gọi ông về trông quán, tất tả lên Khoa Sản đem thai nhi về nhà tắm rửa rồi mang ra nghĩa trang chôn cất. Khi đã ngoài ba mươi, không thèm đi thăm khám hiếm muộn nữa, đang tính xin con nuôi thì bất ngờ bà có thai, ban đầu bụng to ra bà còn tưởng bị đầy hơi, khi đến bệnh viện nhận thai nhi, bác sỹ thấy bụng bà “lùm lùm” nghi nghi gọi vào khám mới ngã ngửa ra đã có bầu gần bốn tháng, rõ chán, may mà không sao. Xem như là ơn từ trời xuống, hai ông bà đặt tên con bé là Ban. Hai mươi năm trôi qua, con bé sinh ra từ “nghiệp chướng” ngày nào đã lớn lên xinh đẹp học giỏi, đỗ Đại học Y Thái Bình hẳn hoi, ai mà không biết đến con gái “bà Thu nghĩa địa”. Ban cũng tham gia “bảo vệ sự sống” cùng bố mẹ, cô nhẫn nại chịu khó, không nề hà bất cứ việc gì nên càng được nhiều người yêu mến.
*
* *
Nhà thờ Thái Hà bà được hành hương hôm nay là nơi có nhóm “Bảo vệ sự sống” cũng làm công việc hơn hai mươi năm của vợ chồng bà: mang thai thi về khâm liệm và chôn cất. Đón chào đoàn của bà là cha Đông, trưởng nhóm “Bảo vệ sự sống”, kiêm trưởng nhóm “Lòng thương xót Chúa”. Gặp bà, cha nhận ra ngay:
- A, “bà Thu nghĩa địa” phải không, trông có vẻ trẻ hơn trên báo nhỉ…
- Dạ, con chào cha ạ - sau phút lúng túng bà tếu táo - con đã hơn năm mươi rồi cha, cũng đủ tuổi “về hưu” rồi cha ạ.
- Bà mà “về hưu”, ai coi sóc các anh hài cho cha chứ - Cha lại cười - nụ cười buồn, chua xót như đang nuốt nước mắt vào trong - Cha cũng ước bà được “về hưu” còn cha thì “thất nghiệp” luôn ấy chứ…
Không khí trong phòng dường như đông đặc lại, mọi người bần thần đưa mắt nhìn nhau. Ai cũng biết công việc cha và “bà Thu nghĩa địa” đang làm. Ước mong của bà Thu dường như rất bình thường, ước nguyện của cha tưởng như kỳ quặc nhưng không biết bao giờ hai người mới thỏa nguyện…

- Cha Phaolô ơi, ngài có quà này - Bên ngoài có tiếng gọi cắt ngang dòng suy tư của mọi người.
Một vị mặc áo chùng thâm bước vào trao cho cha Đông “món quà”, đó là một chiếc hộp thủy tinh rất đẹp, nhìn rõ bên trong có một thai nhi đã đủ hình hài và một bức thư khiến ai nấy bàng hoàng.
Cha đọc thư, thẫn thờ, nước mắt lặng lẽ rơi. Ngài lẩm bẩm cầu nguyện trong tiếng nấc: “Xin Chúa tha tội, vậy là con lại không hoàn thành nhiệm vụ nữa rồi”… Vị mặc áo chùng thâm vỗ vỗ vai cha: “Cha đã cố gắng hết sức rồi, Chúa hiểu mà…”. Cha quay lại, giọng run run như thanh minh với mọi người:
- Thư của mẹ thai nhi, đồng hương nhà mình đấy, mấy hôm trước cô gái này nói chuyện với cha hơn ba giờ đồng hồ, nó bị lừa tình không muốn giữ lại đứa con, cha khuyên nhủ nó đã nghe rồi, vậy mà… Sẵn có bà Thu ở đây, giúp cha luôn nhé!
Nói xong cha quay lưng lẩm bẩm một mình:
- Sao thư này… thư này… không hợp lý lắm… có lẽ không phải… Người Công giáo, sinh viên năm ba trường Y Thái Bình rồi mà còn ra nông nỗi này…

“Người Công giáo, sinh viên năm ba trường Y Thái Bình”, bà Thu giật bắn mình dù cha nói rất nhỏ, bà run run tiến lại gần cố nhìn cho thật rõ bức thư…Những dòng chữ quen thuộc như đang nhảy múa trước mắt bà: chữ “g” dãn rộng ngoắc dài ra phía sau, dấu ngã xoắn lên trên,… chân của bà khuỵu xuống…
*
* *
- Bà không khỏe à? Có giúp được cha không, hay là để cha gọi mấy bạn trong Nhóm “Bảo vệ sự sống” vậy…
Cha Đông thấy bà Thu vịn vào ghế, mặt tái dại đi, ngài dường như đã nhận ra điều gì đó bất thường.
- Dạ… con giúp được… con quen việc mà…

Bà Thu thều thào, cố hết sức lấy lại bình tĩnh nhưng không được. Đứa bé ấy… không thể nào… Tay bà run run đón lấy chiếc hộp thủy tinh, lòng đau đớn khôn tả với cảm giác đang sắp chôn cất đứa cháu ngoại của mình, nước mắt không ngừng tuôn rơi, mọi người thấy vậy cũng khóc theo. Cha Đông hết sức lo lắng:
- Bà… có được không?
- Dạ…
Bà Thu cố gắng nín thở để không bật ra tiếng gào thét từ tâm khảm. Khâm liệm xong thai nhi, cha Đông lại hỏi:
- Bà đặt cho cháu nó một cái tên.
Bà Thu bàng hoàng, chốc lát sau mới cất được lời:
- Dạ Giuse…

Bà đặt tên thánh cho đứa bé là Giuse, để ghi nhớ biến cố sau Giáng Sinh, mong nó được ơn Chúa Hài Đồng nâng đỡ như các Thánh Anh Hài 2000 năm trước. Bà xin cha Đông bức thư rồi vội vã cáo ốm về quê luôn, bỏ ngang chuyến hành hương, nhưng thực ra là về thẳng Thái Bình, cái con bé Ban này, vẫn chưa gọi được nó…
*
* *
- Mất dạy, mày giết tao còn hơn…
Vừa thấy Ban đi học về, bà Thu dỡ nón ra đập vào giữa mặt con bé ngay cửa phòng trọ và gào lên khiến con bé tóa đảm, bao người trong khu trọ cũng ngỡ ngàng. Có người lên tiếng:
- Có gì từ từ nói bác ơi, chắc bác hiểu lầm rồi, Ban tốt bụng nhất khu trọ mà…
Ban sực tỉnh, cô vội kéo mẹ vào trong phòng rồi đóng cửa lại, bà Thu vẫn vùng vằng nhưng không lầm gì được vì con bé cao to và khỏe hơn bà nhiều:
- Con mất dạy, mày còn đánh cả tao à…
Bà Thu thều thào, Ban vội ghé tai mẹ:
- Mẹ nói nhỏ thôi, con không hiểu…
- Thế cái này là cái gì hả???
Bà Thu vừa nói vừa lôi bức thư ra. Ban giật mình:
- Sao mẹ lại có bức thư này ạ?
- Mày giết tao đi, giết tao đi…
- Lạy Chúa tôi. Mẹ bình tĩnh lại đi, thư này con viết nhờ cha phụ trách nhóm “Bảo vệ sự sống” ở Thái Hà trợ giúp cho cái T. mà! Vậy con bé đó đã… Ôi lạy Chúa, 5 tháng rồi mà nó còn… Vậy nó có còn ở đó không ạ?

Bà Thu ngồi phịch xuống đất, trợn tròn mắt. Bà vừa gỡ được tàng đá đè trước ngực nhưng không thể nào vui nổi. Dù cho thai nhi Giuse kia không phải là cháu ngoại của bà, nhưng làm sao có thể vui khi bé không được chào đời. Hơn nữa bà đã hồ đồ, nghi ngờ con gái ruột của mình, bao năm nó sống với mình nhân lành là vậy, sao có thể làm chuyện tày đình vậy chứ. Nào ai có thể ngờ con bé T. kia đã làm chuyện thất đức, còn lấy danh tính của con bé Ban để trình bày, thư thì không đưa trước cho cha mà sau khi phá thai mới gửi cho ngài, nỗi oan này của con bé Ban biết bao giờ gột rửa được…

Nhưng, là một người “Bảo vệ sự sống”, nếu không đủ can đảm đương đầu với “nghiệp chướng” thì nào ai có thể làm được chăng…